Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
http://daidoanket.vn/van-hoa-the-thao/le-hoi-hai-thuong-lan-ong-la-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia/88732
Ngày 21/2, tại huyện Hương Sơn, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức Lễ kỷ niệm 225 năm ngày mất Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và đón Bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; lãnh đạo hai tỉnh Hà Tĩnh và Hưng Yên, cùng đông đảo y, bác sỹ, thầy thuốc trong cả nước và nhân dân huyện Hương Sơn về dự lễ.
Lê Hữu Trác hiệu là Hải Thượng Lãn Ông, sinh ngày 12/11 năm Canh Tý (tức ngày 11/12/1720) tại thôn Văn Xá, làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương, nay là xã Hoàng Hữu Nam huyện Yên Mỹ, tỉnh Hải Dương.
Tuy nhiên ông sống nhiều (từ năm 26 tuổi đến lúc mất) ở quê mẹ xứ Bầu Thượng, xã Tĩnh Diệm (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn và cũng qua đời tại đây vào ngày rằm tháng Giêng năm 1791, thọ 71 tuổi.
Trong suốt cuộc đời làm thuốc của mình, ông đã đúc kết tinh hoa của y học nhân loại và y dược cổ truyền Việt Nam, để lại cho đời sau một bộ sách đồ sộ, quý giá là “Hải Thượng Lãn Ông Y Tông Tâm Lĩnh” với hàng ngàn bài thuốc hay và phát hiện, bổ sung hơn 350 vị thuốc mới để đồng nghiệp đương thời và các thế hệ mai sau cùng nghiên cứu, sử dụng.
Ông là tấm gương sáng về y đức, y đạo, y thuật để người đời noi theo, là hiện thân của một nhân cách lớn về lòng cương trực, chí khí thanh cao, được người đời tôn kính, ngưỡng mộ. Chín điều “Y huấn cách ngôn” của ông để lại là khuôn phép, nguyên tắc trong hành nghề y dược, mãi mãi là kim chỉ nam về y đức cho những người thầy thuốc chân chính.
Để ghi nhớ công ơn của đại danh y, nhân dân huyện Hương Sơn đã tổ chức các hoạt động tế lễ như: dâng hương tại mộ, lễ cúng tại nhà thờ, cầu siêu tại chùa Tượng Sơn. Từ đó, cứ mỗi dịp rằm tháng Giêng, nhân dân khắp nơi lại về Hương Sơn thắp hương tưởng nhớ Đại danh y Lê Hữu Trác.
Lễ hội Hải Thượng còn được gọi là Lễ hội cầu sức khỏe. Đặc biệt, từ sau khi quần thể Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1985 thì Lễ hội này ngày càng được phát triển cả về quy mô, nội dung và hình thức.
Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, ông Lê Đình Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã trao Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia cho Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông.
Trước đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, lãnh đạo hai tỉnh Hà Tĩnh và Hưng Yên, cùng đông đảo y, bác sỹ, thầy thuốc trong cả nước đã đến dâng hương, dâng hoa và trồng cây lưu niệm tại Khu mộ Hải Thượng Lãn Ông tại xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh và dâng hương tại Nhà thờ Hải Thượng Lãn Ông (thôn Bàu Thượng, xã Sơn Quang).
Mexico: thai phụ nhiễm Zika vẫn sinh con khỏe mạnh
http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20160221/mexico-thai-phu-nhiem-zika-van-sinh-con-khoe-manh/1054855.html
TTO - Bộ y tế Mexico cho biết trường hợp này xảy ra tại bang Chiapas, miền nam Mexico, một thai phụ nhiễm Zika nhưng vẫn hạ sinh một bé trai khỏe mạnh.
Bé trai vừa ra đời khỏe mạnh, nặng 2,8kg. Bộ y tế Mexico cho biết bộ phận giám định nhi khoa của trung tâm y tế xác định bé trai này hoàn toàn khỏe mạnh.
Trong thời gian qua, virút Zika được cho là nguyên nhân gây ra chứng đầu nhỏ - teo não ở trẻ sơ sinh. Hiện tượng này đang gây ra rất nhiều lo ngại tại Brazil, Colombia và một số nước châu Mỹ khác.
Người phụ nữ này là một trong 6 thai phụ bị nhiễm Zika tại Mexico.
Bộ y tế cũng Mexico cũng cho biết 5 thai phụ còn lại cũng đều đang trong tình trạng sức khỏe tốt. Hai trong số này mang thai hơn 28 tuần tuổi và các xét nghiệm cho thấy bào thai chưa có hiện tượng teo não. Ba người còn lại mang thai chưa đến 28 tuần.
Với dân số 122 triệu dân, mỗi năm Mexico có 600 ca trẻ sơ sinh mắc chứng đầu nhỏ - teo não. Tỉ lệ này hoàn toàn không thay đổi kể từ khi virus Zika hoành hành ở châu Mỹ. Cho tới nay, Mexico đã phát hiện 80 trường hợp mắc bệnh.
Trong khi đó, theo AFP, tại Brazil, từ tháng 10-2015 đến nay đã phát hiện 508 trường hợp trẻ sơ sinh bị teo não, tăng đột biến so với con số trung bình hằng năm là 150.
Thực hư thông tin cấm bác sĩ bệnh viện công mở phòng khám tư
http://www.baohaiquan.vn/pages/thuc-hu-thong-tin-cam-bac-sy-cong-mo-phong-kham-tu.aspx
(HQ Online)- Theo ông Nguyễn Huy Quang- Vụ trưởng Vụ Pháp Chế- Bộ Y tế, vừa qua một số trang mạng xã hội đưa thông tin, từ ngày mùng 1-7-2016, bác sĩ bệnh viện công không được làm giám đốc các bệnh viện và phòng khám tư nhân là chưa chính xác.
Theo ông Quang, trong Dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 87/2011/NĐ-CP hướng dẫn Luật Khám chữa bệnh có nêu: Người đang hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước không được đăng ký làm người đứng đầu của bệnh viện tư nhân hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã, trừ trường hợp được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cử tham gia quản lý, điều hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phần vốn của Nhà nước.
Chiếu theo quy định này, bác sĩ bệnh viện công vẫn được phép mở các phòng khám tư nhân như phòng khám răng, khám nhi, khám đa khoa, sản phụ khoa… Bác sĩ bệnh viện công được làm thêm, khám, chữa bệnh ngoài giờ tại các phòng khám, bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh tư nhân như trước đây.
Tuy nhiên, bác sĩ bệnh viện công không được phép đứng ra thành lập, quản lý các bệnh viện tư nhân hoạt động theo hình thức doanh nghiệp, hợp tác xã đã quy định tại Điểm 5, Điều 14, Mục 3, trong Dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 87/2011/NĐ-CP.
Đảm bảo cung ứng ổn định vaccine tiêm chủng dịch vụ
http://phapluatxahoi.vn/doi-song/dam-bao-cung-ung-on-dinh-vaccine-tiem-chung-dich-vu-106263
(PL&XH)-Cục Quản lý Dược vừa có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đảm bảo cung ứng ổn định vaccine cho nhu cầu tiêm chủng dịch vụ của nhân dân.
Theo đó, Cục Quản lý Dược yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị khẩn trưởng tổng hợp nhu cầu vaccine tiêm chủng dịch vụ của các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn. Do vaccine dịch vụ được cung cấp theo nhu cầu thị trường, phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh nên công tác dự báo và dự trù rất quan trọng. Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng thực hiện nghiêm túc công tác dự trù, đặt hàng gửi các đơn vị cung ứng vaccine.
Bên cạnh đó, các cơ sở tiêm chủng gửi dự báo nhu cầu theo từng quý, từng loại vaccine để Sở Y tế tổng hợp và gửi báo cáo về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý Dược) trước ngày 29/2/2016.
Căn cứ vào số liệu do Cục Y tế dự phòng tổng hợp, Cục Quản lý Dược sẽ chỉ đạo các đơn vị cung ứng vaccine đảm bảo nguồn cung ổn định cho năm 2016 và các năm tiếp theo.
Nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe sinh sản
http://baotintuc.vn/xa-hoi/nang-cao-hieu-qua-cham-soc-suc-khoe-sinh-san-20160221204552528.htm
Những năm qua, thành phố Hà Nội đã triển khai hiệu quả chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản, góp phần quản lý thai nghén cho 99,7% số bà mẹ, khám thai 3 lần/thai kỳ cho 97,5% phụ nữ có thai, chăm sóc y tế cho 100% phụ nữ đẻ và trẻ sơ sinh, giảm tỷ số phụ nữ tử vong sau sinh.
Để nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân trên địa bàn, các cán bộ của Chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản của thành phố đã phối hợp với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông tổ chức tập huấn cho các cán bộ y tế trực tiếp tham gia đỡ đẻ và chăm sóc sau sinh tại khoa sản các bệnh viện và trạm y tế xã; đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn cho cán bộ mạng lưới tuyến quận, huyện và xã, phường về chẩn đoán và xử trí cấp cứu sản khoa như sản giật, tiền sản giật, băng huyết, nhiễm trùng, tai biến do phá thai…
Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Hà Nội, Trung tâm Y tế các quận, huyện đã phối hợp với Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố khám sàng lọc và xét nghiệm tế bào âm đạo cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Qua khám sàng lọc, các Trung tâm Y tế đã phát hiện được nhiều ca tổn thương nghi ngờ và chuyển tuyến để điều trị kịp thời cho người bệnh. Nhiều khoa chăm sóc sức khỏe sinh sản quận, huyện đã được trang bị máy soi cổ tử cung, thực hiện khám vú và khám sàng lọc ung thư cho người cao tuổi. Các trường hợp phát hiện bất thường trong khám sàng lọc đều được chuyển tuyến kịp thời. Đối tượng vị thành niên và thanh niên được quan tâm đặc biệt trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản. Các câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên khu vực phía tây của thành phố được duy trì và được hỗ trợ trong sinh hoạt.
Tuy đã đạt được nhiều thành tích, nhưng theo Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Hà Nội Vũ Thị Thanh Hương, hiện nay chương trình mới tập trung chủ yếu vào việc giữ an toàn cho bà mẹ mang thai, nhằm giảm tử vong mẹ và tử vong trẻ sơ sinh. Còn các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, nam giới, trẻ vị thành niên và nữ công nhân các khu công nghiệp, sinh viên vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.
Bên cạnh đó, việc kết hợp khám phụ khoa và sàng lọc ung thư đường sinh sản chưa được triển khai rộng rãi do các khoa chăm sóc sức khỏe sinh sản của các Trung tâm Y tế chưa được trang bị máy soi cổ tử cung… Nhân lực và khả năng cung cấp dịch vụ của tuyến y tế cơ sở cũng chưa đáp ứng nhu cầu. Cụ thể, 9 khoa chăm sóc sức khỏe không có cơ sở cung cấp dịch vụ riêng, trong đó có 2 khoa thuộc Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn và quận Bắc Từ Liêm đang phải thuê địa điểm làm việc, 7 khoa còn lại phải ghép với nhà hộ sinh hoặc phòng khám đa khoa. Ở tuyến xã, nhiều trạm y tế không đủ 4 phòng cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản theo quy định, đặc biệt là khối các phường…
Để khắc phục khó khăn, theo bà Vũ Thị Thanh Hương, các phòng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản tại các quận, huyện cần được bổ sung trang thiết bị theo chuẩn quốc gia. Từng đơn vị bố trí đủ các phòng chuyên môn, đặc biệt tại các khoa chăm sóc sức khỏe sinh sản chưa có cơ sở riêng và trạm y tế mới chia tách cần có trang thiết bị y tế phù hợp để triển khai các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Các trạm y tế cũng nỗ lực để thực hiện tiêu chí chuẩn quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản. Song song với đó là đào tạo cho cán bộ mạng lưới, hướng dẫn chuyên môn về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, cấp cứu, hồi sức sản khoa, chăm sóc sơ sinh để áp dụng trong các cơ sở y tế…
Thực phẩm mùa lễ hội năm 2016: Còn đó nỗi lo
http://cand.com.vn/doi-song/Thuc-pham-mua-le-hoi-nam-2016-Con-do-noi-lo-383103/
Tháng Giêng là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội. Các điểm đình, chùa, di tích lịch sử luôn hút khách. Thời gian này, các quán ăn vào “mùa làm ăn” hơn bao giờ hết. Việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) mùa lễ hội luôn là vấn đề được dư luận quan tâm.
Là điểm du lịch tín ngưỡng nằm trên địa bàn quận Tây Hồ (Hà Nội), vào dịp đầu xuân năm mới, phủ Tây Hồ, phường Quảng An trong những ngày qua luôn có đông du khách trong và ngoài nước đến. 11h, ngày 19-2 dù đã là 12 tháng Giêng song dòng người đến đây vẫn ken kín. Trục đường chính dẫn vào phủ Tây Hồ nườm nượp du khách. Hai bên đường, các cơ sở kinh doanh mặt hàng ăn uống (bún ốc, bún cá, bánh tôm – bánh bột lọc…) nằm san sát nhau. Hàng nào cũng đông thực khách. Nồi nước dùng, chảo mỡ rán bày biện ngay phía trước cửa hàng bốc khói nghi ngút. Hầu như hàng quán nào cũng vi phạm về các tiêu chí thức ăn đường phố.
Đầu năm đi lễ cầu an, tranh thủ ăn trưa tại nơi đình, chùa – điểm di tích lịch sử đã trở thành thói quen của nhiều người. Trưa 19-2, ghi nhận tại quán ăn Q.T chuyên món “tôm – cua - ốc – cá” nằm trên đường phủ Tây Hồ, chúng tôi thấy, hàng chục thực khách vô tư lự… thưởng thức các món ăn được cho là khoái khẩu như: bánh tôm, bún ốc, chim rán v.v.. mà không hề hay rằng, trước đó, hai nhân viên của quán, tay trần thay phiên nhau chiên, rán những chiếc bánh tôm, đĩa chim được “phơi” lộ thiên trước vỉa hè của quán.
Khi thấy chúng tôi băn khoăn trước vấn đề mất VSATTP với việc bày biện thực phẩm ngay trên vỉa hè, không có dụng cụ, tủ đựng che chắn, cậu nhân viên quán H.L thản nhiên cho biết: “Quán em là đảm bảo nhất rồi. Quán kinh doanh cả chục năm, có bụi bẩn, thực phẩm mất vệ sinh bao giờ đâu mà anh chị lo”. Mặc dù, hầu hết các cửa hành kinh doanh thực phẩm nơi đây không đảm bảo các tiêu chí về kinh doanh thức ăn, đồ uống đường phố, vậy nhưng với suy nghĩ: “ăn tạm cho qua bữa”, nên nhiều du khách đã gián tiếp tiếp tay cho chủ các cửa hàng theo kiểu khuất mắt trông coi này.
Vừa bước ra từ một quán bún ốc trên con đường chính dẫn vào phủ Tây Hồ, chị Nguyễn Thúy Hồng ở phố Kim Mã, quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết: “Đang vào buổi trưa, sắp đến giờ làm việc nên sau khi khấn lễ cầu an, mình cùng nhóm bạn tặc lưỡi, ghé vào quán bánh tôm này. Thấy thực phẩm bày biện không dụng cụ che chắn kể cũng lo thật, nhưng thôi. Miễn sao, ăn no là được”.
Vi phạm VSATTP trong mùa lễ hội đã trở thành vấn đề quá quen thuộc trong mùa lễ hội. Trên các phương tiện thông tin đại chúng đã hơn một lần đề cập đến vấn đề này, thế nhưng, vì tư lợi, nhiều chủ cửa hàng ăn uống vẫn thản nhiên làm trái quy định, tái diễn vi phạm, khiến dư luận không khỏi lo ngại. Ai có dịp đến điểm di tích – đền Bà Chúa Kho ở thành phố Bắc Ninh (Bắc Ninh) vào những ngày đầu xuân năm mới đều thấy nhiều cửa hàng ăn uống ở đây bày biện, mời chào khách hành hương mua, sử dụng các loại thực phẩm như: xôi chả, bún cá… được trưng bày lộ thiên cả ngày.
Được biết, năm nào cũng vậy, để đảm bảo vấn đề VSATTP mùa lễ hội, chính quyền các cấp ở Bắc Ninh cũng đều có văn bản chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức ký cam kết với các hộ kinh doanh, nhằm phòng ngừa hiện tượng ngộ độc thực phẩm mùa lễ hội xảy ra. Vậy nhưng, nỗi lo về VSATTP mùa lễ hội vẫn còn đó.
Trở lại điểm hành hương – phủ Tây Hồ (Hà Nội). Theo khảo sát của PV Báo CAND, tính từ ngày mùng 1 Tết Nguyên đán Bính Thân đến nay, bình quân mỗi ngày có khoảng từ 8 ngàn đến 10 ngàn lượt du khách đến đây để tham quan, khấn lễ cầu an. Kéo theo đó là nhu cầu về sử dụng dịch vụ ăn uống gia tăng. Hiện tượng chủ các cơ sở kinh doanh vì lợi nhuận, thỏa sức bày bán thực phẩm tiềm ẩn nguy cơ mất VSATTP, chặt chém giá cả… xuất hiện. Liên quan đến vấn đề này, cách đây không lâu, Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế đã có Công văn số 541/ATTP-TT về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Bính Thân.
Theo đó, để triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 1066/KH-BCĐTƯVSATTP của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm về việc triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Bính Thân và mùa Lễ hội xuân 2016, Cục An toàn thực phẩn đề nghị các đơn vị chức năng liên quan tiếp tục bố trí lực lượng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tập trung các khu vực chợ đầu mối, các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm phục vụ tiêu dùng trong dịp Tết, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Đáng chú ý, đối với trường hợp phát hiện có dấu hiệu hình sự, sẽ chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định v.v..
Thiết nghĩ, để đảm bảo VSATTP cho du khách đi lễ hội, chính quyền, Ban Tổ chức các lễ hội, Ban Quản lý các điểm di tích bên cạnh công tác tuyên truyền, cần ráo riết tổ chức kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Qua đó tạo sức răn đe, đảm bảo quyền lợi, an toàn cho du khách khi sử dụng thực phẩm nơi các điểm đình, chùa, diễn ra lễ hội trong dịp đầu năm mới này.
Cẩn trọng với ngộ độc thực phẩm sau Tết
http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/y-te/can-trong-voi-ngo-doc-thuc-pham-sau-tet_t114c9n100128
(Thanh tra)- Theo báo cáo của Bộ Y tế về tình trạng ngộ độc thực phẩm trong 9 ngày Tết Nguyên đán Bính Thân đã có gần 1.500 tổng số lượt khám, cấp cứu do rối loạn tiêu hoá, ngộ độc rượu (say rượu) trên cả nước, trong đó có 2 ca tử vong.
Việc để lẫn thức ăn sống - chín trong tủ lạnh và để lâu ngày có nguy cơ nhiễm khuẩn gây ngộ độc thực phẩm. Ảnh: NN
Tại Bệnh viện Bạch Mai, trong 9 ngày Tết tiếp nhận 7 ca ngộ độc rượu, 5 ca ngộ độc ma túy, 7 ca ngộ độc thực phẩm… Thống kê của Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, một số trường hợp nặng khi chuyển đến khoa Cấp cứu đã bị xuất huyết tiêu hóa, vỡ tĩnh mạch thực quản do uống quá nhiều rượu, 1 trường hợp tử vong.
Theo các chuyên gia y tế, thời điểm sau Tết Nguyên đán, nguy cơ ngộ độc thực phẩm tăng cao do có nhiều cuộc tụ tập gặp mặt đầu Xuân. Dự báo sẽ có nhiều trường hợp uống rượu bị ngộ độc, thậm chí cả rượu được coi là “chuẩn”, “xịn”. Trường hợp ngộ độc nặng ngoài hôn mê có thể bị trụy mạch, suy hô hấp dẫn đến tử vong.
Đặc biệt, nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao do người dân cố ăn nốt những thực phẩm tích trữ từ trong Tết, như thịt cá, giò chả... Sau Tết, năm nào thực tế này cũng xảy ra do người dân Việt vẫn có thói quen tích trữ đồ thực phẩm để ăn Tết. Việc để lẫn thức ăn sống - chín trong tủ lạnh đã có nguy cơ nhiễm khuẩn, thực phẩm lại bảo quản lâu ngày càng có nguy cơ nhiễm khuẩn gây ngộ độc thực phẩm cao hơn.
Bên cạnh đó, sau Tết, thời tiết thay đổi cộng với “tháng ăn chơi” tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây ngộ độc đối với người dân vì đây là đỉnh điểm của lễ hội, thực phẩm khó có thể đảm bảo an toàn. Việc ăn quá nhiều và lẫn lộn các loại thức ăn, đồ uống cũng làm tăng nguy cơ ngộ độc.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), điều quan trọng nhất là mỗi người dân và hộ gia đình cần nâng cao ý thức trong việc sử dụng nguồn thực phẩm đảm bảo an toàn. Không ăn thức ăn để lâu ngày, ôi thiu, mốc hỏng; thực hiện ăn chín, uống sôi…
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP cho biết, trong thời điểm sôi động của mùa Lễ hội Xuân 2016, Cục đã đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai công tác bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm; điều tra, xử lý khắc phục vụ ngộ độc thực phẩm…; đặc biệt là các biện pháp vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi bảo đảm ATTP trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm; tổ chức, chỉ đạo Chi Cục ATVSTP phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng, các cơ sở điều trị, các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động giám sát ca ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm…
Bổ sung kịp thời kinh phí để triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Suc-khoe/825546/bo-sung-kip-thoi-kinh-phi-de-trien-khai-cac-bien-phap-phong-chong-dich-benh-do-vi-rut-zika
(HNM) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường thực hiện các biện pháp, chủ động phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika có thể xâm nhập vào Việt Nam.
Theo đó, Bộ Y tế chủ động, phối hợp, hướng dẫn các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý dịch theo quy định; thực hiện chế độ giám sát, báo cáo dịch theo thẩm quyền; nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ việc bổ sung danh mục dịch bệnh truyền nhiễm. Bộ Tài chính có trách nhiệm bổ sung kịp thời kinh phí để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika gây nên trong trường hợp dịch lan rộng.
* Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, tính đến thời điểm này, toàn thành phố chưa phát hiện trường hợp nào nghi nhiễm vi rút Zika. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố cũng không sử dụng loại hóa chất Pyriproxyfen (nghi gây teo não) để diệt ấu trùng muỗi trong nước sinh hoạt và nước ăn uống.
Trong suốt thời gian nghỉ Tết vừa qua, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Hà Nội đã kiểm dịch y tế 577 chuyến bay quốc tế đến Hà Nội với hơn 80 nghìn hành khách nhưng không phát hiện trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm như: MERS-CoV, Ebola, cúm A/H7N9, cúm A/H5N6 và Zika.
Uống thuốc kiểu ‘thập cẩm’
http://plo.vn/suc-khoe/bac-si-noi/uong-thuoc-kieu-thap-cam-612857.html
(PL)- Những loại thuốc “thập cẩm” có thể tương tác với nhau theo một cách thức vô cùng nguy hiểm và có thể gây nên những tác dụng phụ có thể còn tai hại hơn cả căn bệnh đang được điều trị.
Một cụ bà 78 tuổi được một người hàng xóm phát hiện nằm bất tỉnh trên sàn nhà. Cụ bà đã không nhớ tại sao mình bị té nhưng đã bảo với bác sĩ rằng trước khi đi ngủ, cụ đã phải trải qua một ca đau bụng nghiêm trọng kèm theo ói mửa và đi cầu phân đen, sau đó cụ cảm thấy có hiện tượng hồi hộp, tim đập nhanh và đầu óc quay cuồng.
Toa thuốc “hầm bà lằn”
Cụ bà có tiền sử bệnh cao huyết áp, bệnh động mạch vành, suy tim xung huyết và viêm khớp, cụ cũng đang bị cảm kèm theo những cơn ho dữ dội. Với mỗi căn bệnh, cụ được kê những loại thuốc chuyên biệt. Tuy nhiên, cụ cũng tự tìm đến nhà thuốc tây để tự chữa bệnh cho mình. Danh sách những loại thuốc mà cụ bà cung cấp cho bác sĩ bao gồm những loại thuốc sau: Lopressor để kiểm soát huyết áp; Digitalis để trợ giúp sự hoạt động của tim và kiểm soát nhịp đập của tim; Coumadin để ngăn ngừa những cơn đột quỵ gây ra do sự hình thành những cục máu đông; Furosemide là một chất lợi tiểu nhằm hạ huyết áp; Lipitor giúp hạ cholesterol huyết thanh; Aspirin giúp hạn chế những rủi ro về tim mạch bởi hình thành những cục máu đông; Celebrex giảm những cơn đau khớp; Paxil cho những cơn trầm cảm, lo âu; Valium giúp cụ dễ ngủ hơn,…
Hỗn hợp thuốc kiểu như trên được giới y học gọi là thuốc “ thập cẩm” (polypharmacy, multiple drugs), đôi khi được gọi là “cốc tai độc chất” (poisonous cocktail).
Tác hại khôn lường
Những loại thuốc “thập cẩm” có thể tương tác với nhau theo một cách thức vô cùng nguy hiểm và có thể gây nên những tác dụng phụ có thể còn nguy hiểm hơn cả căn bệnh đang được điều trị. Người cao niên càng dễ bị ảnh hưởng vì họ thường mắc phải một lúc nhiều chứng bệnh mà đối với mỗi chứng bệnh họ sẽ gặp một bác sĩ khác nhau, mỗi bác sĩ sẽ kê cho họ một toa thuốc khác nhau mà không cần biết rằng bệnh nhân đang sử dụng những loại thuốc khác.
Theo TS Michael Stern (BV Lão khoa New York), người cao tuổi sử dụng khoảng 40% thuốc được kê đơn, số lượng gấp đôi thanh niên. Do đó, người cao tuổi phải chịu một tần suất rủi ro của thuốc (phản ứng bất lợi của thuốc) cao gấp hai lần thanh niên.
Đừng uống thuốc theo kiểu “người cao tuổi là thanh niên già”
Khi người cao tuổi uống chung những loại thuốc khác nhau, một số loại thuốc sử dụng con đường chuyển hóa giống nhau vì vậy sẽ cạnh tranh nhau. Sự tương tác thuốc cũng sẽ có khả năng làm suy giảm chức năng thận, giảm khả năng chuyển hóa, phân bố, thải trừ thuốc. Sự tương tác thuốc có thể làm một số thuốc có hiệu lực hơn gấp nhiều lần so với dự tính của thầy thuốc.
Cũng giống như một đứa trẻ không phải là “người lớn thu nhỏ”, khi bàn về khía cạnh dược lý học, người cao tuổi cũng không phải là một “thanh niên già”. Khi “gió heo may đã về”, khả năng bơm máu của tim sẽ suy giảm cũng như sự giảm hấp thu ở ruột, sự chuyển hóa thuốc ở gan, sự giảm chức năng thải trừ thuốc ở thận… Khi tuổi đã cao, tỉ lệ phần trăm thịt bị giảm, tỉ lệ phầm trăm mỡ sẽ tăng. Vì thế, tuổi tác sẽ tác động đến việc hấp thu, chuyển hóa, phân phối, thải trừ thuốc. Những loại thuốc như Digitalis và Coumadin vốn được phân phối trong mô nạc thường sẽ đạt nồng độ thuốc trong máu cao hơn đối với những người trên 65 tuổi. Vì thế khi kê toa cho những bệnh nhân này cần phải giảm liều lượng nhằm hạn chế rủi ro của tác dụng phụ.
Uống sao cho đúng?
Luôn giữ danh sách thuốc mà người cao tuổi đang sử dụng. Cần quan tâm đến liều lượng thuốc. Danh sách thuốc sẽ gồm tất cả loại thuốc mà người bệnh đang sử dụng, chẳng hạn như thuốc kê toa, thuốc không cần toa, dược liệu, vitamin… Danh sách thuốc này phải luôn mang theo khi người bệnh đến gặp bác sĩ để bác sĩ có thể xem xét lại trước khi kê cho bệnh nhân một loại thuốc thích hợp hơn.
Không nên tự ý mua thuốc tự điều trị (kể cả vitamin, dược liệu) mà thiếu sự chỉ dẫn của thầy thuốc. Nếu bác sĩ gặp khó khăn trong việc nắm bắt tất cả thông tin về tác dụng phụ của thuốc nên thảm khảo ý kiến dược sĩ.
Luôn luôn sử dụng đúng liều lượng thuốc, đặc biệt đối với những loại thuốc có ghi rõ cách sử dụng như “dùng trong bữa ăn”, “trước bữa ăn một giờ”, “không sử dụng thuốc với rượu bia”, “không nên dùng thuốc này nếu bạn đang sử dụng những loại thuốc…”.
Luôn hỏi thăm người kê toa về những tác dụng phụ có thể xảy ra. Đừng cho rằng sự suy giảm sức khỏe là do bệnh tật và tuổi tác. Nó có thể là hậu quả của một tác dụng phụ nào đó của thuốc.
Người thầy thuốc nặng lòng với đảo xa
http://baotintuc.vn/xa-hoi/nguoi-thay-thuoc-nang-long-voi-dao-xa-20160221205816921.htm
29 năm xa gia đình gắn bó với đảo xa, người thầy thuốc quê lúa Thái Bình - bác sĩ Bùi Đình Lĩnh luôn được bà con khắp đảo Phú Quý (Bình Thuận) yêu thương. Suốt trong khoảng thời gian ấy, BS Lĩnh không những là người đồng hành, mang lại cuộc sống khỏe mạnh cho ngư dân mà còn làm thay đổi suy nghĩ của bà con về y tế theo hướng tích cực hơn.
Tốt nghiệp Đại học Y Thái Bình, BS Bùi Đình Lĩnh vào Thuận Hải nay là tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận công tác để đem những kiến thức chuyên môn phục vụ bà con. Năm 1986, BS Lĩnh được Sở Y tế tỉnh Thuận Hải phân công ra đảo Phú Quý công tác. Những tưởng chỉ công tác ba năm nhưng những tình cảm nồng hậu của người dân nơi đây đã níu kéo BS gắn bó với Bệnh viện huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) gần cả cuộc đời…
Huyện đảo Phú Quý những năm tháng ấy thiếu thốn nhiều thứ. Trên đất liền khó một, nơi đầu sóng ngọn gió như đảo Phú Quý, thiếu thốn càng nhân lên gấp bội. Đường xá trên đảo chỉ là những lối đi nhỏ, bốn bề toàn cát trắng. Người dân đảo đa số sinh sống bằng nghề biển, lao động nặng nhọc, vất vả nên ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, vì vậy chuyện đau ốm thường xuyên xảy ra. Trong trí nhớ những người làm việc tại đảo, Bệnh viện Phú Quý không hơn gì một bệnh xá xã bây giờ. Khu đất rộng hoang sơ với ngôi nhà cấp 4 rộng khoảng 300 m2, trong đó một dãy cho điều trị, một nơi làm chỗ ở cho y bác sĩ, nhân viên. Máy móc chẳng có gì ngoài những dụng cụ khám thông thường như: ống nghe, nhiệt kế, dụng cụ khám tai, mũi, họng…
Máy móc thiếu thốn, BS chủ yếu khám lâm sàng chứ không có điều kiện xét nghiệm để đưa ra kết luận bệnh nhanh và chính xác. Vì khám lâm sàng, dựa vào kinh nghiệm nên BS phải cẩn trọng, có những ca nghi vấn ruột thừa, BS Lĩnh phải khám đi khám lại nhiều lần mới dám đưa ra kết luận. BS phải chăm chút tới từng biểu hiện nhỏ nhất trên cơ thể bệnh nhân, theo dõi kĩ càng các triệu chứng, cân nhắc các khả năng phát bệnh để không bỏ sót một nguy cơ nhỏ nào.
Triết lí giản dị “lương y như từ mẫu” hướng tất cả sự ân cần vào người bệnh xem ra phát huy tác dụng triệt để trong điều kiện thiếu thốn máy móc, phương tiện trên đảo những năm đầu sau đổi mới. Thương bà con trên đảo hiền lành, thiệt thòi mọi bề, BS Lĩnh nhiều đêm trăn trở. Câu hỏi lởn vởn trong đầu theo ông nhiều nhất là làm sao để bệnh viện trên đảo không phải đầu hàng với những ca bệnh nặng. Ngày đó, những trường hợp bệnh nặng được chuyển tàu thuyền vào thành phố Phan Thiết để chạy chữa, cấp cứu. Khoảng cách 56 hải lý (khoảng 120 km) là cả ngày tàu lênh đênh trên biển, vào đến đất liền, nhiều khi bệnh tình nguy kịch hơn, chẳng thể cứu chữa được nữa.
Chị Phạm Thị Hạnh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Phú Quý cho biết: “Ngày trước, bà con trên đảo không tin bệnh đau ruột thừa thì có thể mổ và chữa khỏi bằng phẫu thuật. Ngư dân đi biển đánh bắt xa bờ về có khi chết ngay trên ghe vì đau ruột thừa. Họ bảo đó là “bị cò mồi bắt” chỉ để người bệnh ở nhà và mời thầy đến cúng tế, không đưa đến bệnh viện bao giờ.
Điện trên đảo lúc ấy chưa có, phải dùng đèn măng-xông. Cán bộ, nhân viên cũng chưa có kinh nghiệm với ca phẫu thuật nào. Với tất cả những thách thức đó, BS Lĩnh thực hiện ca mổ đầu tiên năm 1987. BS Lĩnh nhớ lại: “Một phụ nữ từ xã Long Hải được chuyển đến trong tình trạng đau bụng quằn quại đã mấy ngày liền, sau mấy ngày mời thầy về cúng nhưng không khỏi. Thời điểm đó đang mùa gió bấc mạnh cấp 6 nên không thuyền gỗ nào dám mạo hiểm đưa bệnh nhân vào đất liền, nguy cơ mất mạng trên biển là điều khó tránh khỏi”.
Trong thời điểm “ngàn cân treo sợi tóc” BS Lĩnh quyết định mổ. Đèn măng-xông được huy động tối đa cho ca mổ, bàn mổ cũng là bàn sinh duy nhất trong bệnh viện bấy giờ. BS Lĩnh vừa là bác sĩ phẫu thuật vừa tự tay chuẩn bị bàn mổ, hấp dụng cụ. BS Lĩnh hướng dẫn tỉ mỉ cho những người tham gia từng bước nhỏ của quá trình phẫu thuật, gây mê. Thuốc, vật dụng y tế thiếu thốn nên bác sĩ tiến hành biện pháp gây mê tĩnh mạch. Với sự thành công của ca mổ đầu tiên, người phụ nữ được cứu sống trong gang tấc. Đó cũng là lúc ngư dân trên đảo tin rằng ruột thừa chữa trị được bằng phẫu thuật.
Những mạng người trên đảo được cứu sống trong những điều kiện hết sức ngặt nghèo như thế. Ông Nguyễn Khánh, ngư dân xã Ngũ Phụng tâm sự: “Người đi biển vật lộn với sóng gió, cận kề cái chết là chuyện thường xuyên, lại còn ở trên đảo xa, mạng sống mong manh lắm. Ngày trước, mỗi khi gió bấc, chưa có bệnh viện, chưa có BS ở đây, bà con toàn chết vì những bệnh trong đất liền có thể mổ và cứu được. Ở đảo, trước BS Lĩnh chưa ai mổ được. Chính BS Lĩnh đã mang về cuộc sống thứ hai cho nhiều ngư dân”.
Hết ba năm sinh sống và làm việc trên đảo, BS Lĩnh định xin vào đất liền để tiện chăm sóc cho gia đình có cha mẹ già, một vợ và hai con nhỏ vẫn đang ở Thái Bình. Sở Y tế đã duyệt quyết định. Thế mà quyết định ấy chẳng có sức nặng bằng bức tâm thư hơn 10 trang giấy gửi từ đảo Phú Quý. Hết ba năm công tác đầu tiên, khi ông được phép về lại đất liền cũng chính là lúc nhiều người được ông cứu chữa viết những lá thư xin ông đừng rời hòn đảo. Chính những tấm lòng nồng hậu của người dân đã giữ BS ở lại, bền bỉ như có một sợi dây neo bền chặt giữ ông lại với đảo xa.
Bao nhiêu năm xa gia đình nhỏ, chỉ kịp về thăm mỗi năm một lần vào dịp Tết, nỗi niềm đè nặng tâm tư bấy lâu là BS đã không tròn trách nhiệm với gia đình. Hai con đã trưởng thành mà thiếu sự dìu dắt cận kề của người cha. Cha mẹ già một tay vợ BS phụng dưỡng. Những nhọc nhằn gia đình đã không ở bên để chia sẻ cùng người vợ giàu đức hy sinh. Cuộc sống của BS mấy mươi năm qua, trọn vẹn dành cho nơi này, chăm chút cho sức khỏe bà con ở một hải đảo xa xôi. BS Lĩnh đã nghĩ suy và đắn đo nhiều nỗi. Nhưng những lá thư dạt dào tình cảm của người dân đảo đã dẹp tan những dao động… Cuối cùng BS Bùi Đình Lĩnh ở lại với đảo gần 30 năm.
Gần 30 năm, nhiều người đến đảo công tác rồi ra đi... từ một thanh niên mang bao hăm hở đến với đảo xa nay mái tóc vị BS 58 tuổi đã điểm nhiều sợi bạc. BS Lĩnh đi cùng với bệnh viện từ những ngày còn lụp xụp, vài người, cho đến nay đã là một bệnh viện khang trang với 100 giường bệnh và hơn 50 cán bộ nhân viên. Ông chứng kiến từng thay đổi, bước ngoặt của bệnh viện, từng sự kiện nhỏ như chiếc bàn mổ đầu tiên được mua lại từ một cơ sở ở huyện Hàm Tân (Bình Thuận). Ông quen thuộc đến từng ngóc ngách bệnh viện, bởi đây như là nhà từ bao năm nay. Thời gian trôi đi, BS Lĩnh già đi, bệnh viện cũ rồi mọc lên mới, khang trang. Chỉ có niềm yêu nghề và tình thương với đảo đậm sâu trong tim và dày lên theo năm tháng.
Ăn tỏi để phòng ung thư phổi
http://ddk.vn/suc-khoe/an-toi-de-phong-ung-thu-phoi/88683
Tiến sĩ Benjamin Lau, giáo sư sinh hóa và miễn dịch học ở Trung tâm y tế Loma Linda, California (Mỹ), trong cuốn “Tỏi và bạn, vị thuốc của thế giới hiện đại” khẳng định: Chỉ cần sử dụng một lượng tỏi nhỏ trong bữa ăn hàng ngày cũng tác dụng tốt đến hệ miễn dịch.
Ông cho rằng tỏi dùng đều đặn thì có thể ngăn ngừa được bệnh ung thư, tim mạch hay nhiều bệnh nguy hiểm khác. Tỏi là dược thảo có tác dụng toàn diện đối với sức khỏe con người. Tỏi hoạt động như loại thuốc kháng sinh, thuốc chống virus, chất bồi bổ hệ thống miễn dịch, chất chống ung thư...
Các chuyên gia độc chất học trường Ðại học Tổng hợp Queen ở Canada đưa chất dễ gây ung thư mô phổi động vật vào 2 lô chuột. Lô A được tiêm chất chiết xuất từ tỏi, còn lô B dùng làm đối chứng không được tiêm.
Kết quả lô A không hề hấn gì, còn lô chuột B ung thư phát triển. Các nghiên cứu cũng cho thấy nguyên nhân chính của ung thư phổi là do hút thuốc lá. Trong một số trường hợp, bệnh nhân không phải là người hút thuốc nhưng vẫn có xu hướng phát triển bệnh.
Vì vậy, để ngăn ngừa ung thư phổi, nên ăn tỏi hằng ngày.