Trung tâm 115 Hà Nội: Cứ 100 ca cấp cứu chỉ đáp ứng được... 7 ca
Với 21 xe cấp cứu hiện có và lượng cán bộ, bác sĩ có hạn, nếu có 100 ca có nhu cầu cấp cứu, Trung tâm 115 Hà Nội chỉ đáp ứng được...7 ca. Với thành phố có chục triệu dân như Hà Nội, đây là một vấn đề rất nan giải.
21 xe cấp cứu/10 triệu dân
Chiều 31/5, Ban Văn hóa Xã hội HĐND thành phố Hà Nội làm việc với Trung tâm 115 Hà Nội. Báo cáo với đoàn công tác, ông Nguyễn Thành, Giám đốc Trung tâm 115 nêu nhiều khó khăn, điển hình như việc cơ sở vật chất của Trung tâm xuống cấp, các trạm cấp cứu phải đặt nhờ tại một số bệnh viện. Tổng số xe cứu thương phục vụ cho công tác cấp cứu và vận chuyển cấp cứu chỉ có 22 xe, trong đó 1 xe hư hỏng đang chờ thanh lý. Những năm gần đây, nhiều bác sĩ của Trung tâm bỏ việc, khiến nguồn nhân lực bị thiếu hụt trầm trọng. Cụ thể, từ năm 2015 đến nay, đã có 5 bác sĩ thôi việc, 2 người chuyển công tác, 10 điều dưỡng xin thôi việc. “Theo tiêu chuẩn của WHO, cứ 1 triệu dân thì cần có 15 kíp xe cấp cứu. Hà Nội cần 150 kíp xe cấp cứu thường trực. Nhưng hiện nay, Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội mới chỉ đáp ứng được 14 kíp xe mỗi ngày. Một số huyện ngoại thành thuộc Hà Tây trước đây, Trung tâm không phục vụ được vì quá xa”, ông Thành nói.
Ông Thành thông tin, đến thời điểm hiện tại, giấy phép hoạt động của Trung tâm chưa có. Cụ thể, quy định về cấp giấy phép hoạt động cho các cơ sở y tế có từ năm 2012 nhưng tại thời điểm đó, việc mô tả giấy phép hoạt động cấp cứu trước bệnh viện chưa có. Sau này, khi có quy định cấp phép hoạt động cấp cứu và vận chuyển thì lại có một số vướng mắc nhất định. “Hiện nay rất nhiều bác sĩ của Trung tâm không được cấp chứng chỉ hành nghề, bởi vì theo quy định bác sĩ phải có một thời gian nhất định công tác trong các cơ sở y tế có giường bệnh mới đủ điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, Trung tâm cấp cứu 115 không có giường bệnh nên làm ở đây 10 năm cũng không đủ điều kiện. Nếu nói về góc độ pháp lý, rất nhiều bác sĩ hoạt động không có giấy phép. Nhưng nếu không cho hoạt động thì Trung tâm này sụp đổ”, ông Thành nói thêm.
Ông Thành cũng trăn trở, vẫn còn hiện tượng hành hung, coi thường nhân viên 115. “Bình thường, một kíp cấp cứu có 3 người. Gọi là đến, nhưng không biết đó thuộc đối tượng nào. Có thể gặp ngay đối tượng ngáo đá, vừa thấy đội ngũ cấp cứu đến là vác hung khí ra lùa ngay. Chúng tôi thường xuyên bị tấn công”, ông Thành nói. Ông Thành cũng ví dụ, có cả trường hợp khi bệnh nhân tai nạn ngoài đường, nhân viên Trung tâm đến người nhà tấn công ngay, bảo “tao không cần chúng mày cấp cứu”. Ông Thành cho rằng, ngay cả trong bệnh viện cũng vẫn còn cách nhìn nhận học dốt, không có năng lực mới đi làm nhân viên cấp cứu. “Ngay cả con em chúng ta làm nghề y, có ai đồng ý cho làm 115 không? Lương thấp và nguy hiểm. Ngay cả bác sĩ trong bệnh viện cũng nói kiểu “mấy thằng cấp cứu 115”, ông Thành xót xa.
Đáp ứng 7/100 ca cấp cứu
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, Trung tâm cấp cứu 115 là mô hình, tổ chức hoạt động theo quy định của Luật khám chữa bệnh, hoàn toàn có thể cấp phép được. Tuy nhiên để cấp phép, phải đáp ứng một số vấn đề, nhưng Trung tâm 115 gặp khó khăn lớn nhất về nhân lực. “Theo quy định của luật từ ngày 1/1/2012, các bác sĩ bắt buộc phải làm việc ở các bệnh viện có giường bệnh mới được cấp chứng chỉ hành nghề nhưng Trung tâm lại không có giường bệnh nội trú”, bà Hà nói. Bà Hà gợi ý, Trung tâm 115 cần chủ động, mạnh dạn nghiên cứu các quy định của luật, gửi các bác sĩ của Trung tâm đi thực hành tại các bệnh viện để có đủ thời gian theo quy định cấp chứng chỉ hành nghề. “Trong trường hợp chưa đủ điều kiện thì rà soát lại toàn bộ nhân lực và nộp hồ sơ về Sở để cấp giấy phép hoạt động đối với các bác sĩ đã có chứng chỉ hành nghề. Nội dung này sẽ được triển khai ngay”, bà Hà thông tin.
Bà Hà cũng bổ sung, nói là đáp ứng 100% cuộc gọi cấp cứu, nhưng thực tế, với trang thiết bị, cơ sở vật chất và con người như hiện nay, cứ 100 ca có nhu cầu cấp cứu trên địa bàn thành phố, Trung tâm 115 mới chỉ đáp ứng được...7 ca. Đây là bài toán rất khó giải. Sắp tới sẽ phải xin quy hoạch thêm mạng lưới trạm cấp cứu, có thêm cơ chế chính sách thu hút nhân lực. Ông Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn chia sẻ, đúng là việc nghiên cứu mô hình phát triển cho Trung tâm 115 rất khó. “Chúng ta đang thiếu nhiều cơ sở pháp luật để sắp xếp Trung tâm 115. Nếu bác sĩ không có chứng chỉ hành nghề thì Trung tâm cũng không thể có giấy phép hoạt động”, ông Hưng nói. Ông Hưng đánh giá, các nhân viên Trung tâm 115 tiếp cận với bệnh nhân thời điểm ban đầu, rất nhiều loại bệnh tật nên dễ bị hành hung, đánh đập, lây nhiễm. “Hiện cũng chưa chú ý nhiều đến bảo đảm an toàn trong cấp cứu 115, trong khi một ca chỉ có 1 – 2 người”, ông Hưng nói thêm. Ông Hưng cũng cho rằng, với thành phố hơn 10 triệu dân mà chỉ có hơn 20 xe cứu thương, cấp cứu được 7% thì “chẳng có ý nghĩa gì”. “Công tác cấp cứu 115 cần nhất là vận chuyển bệnh nhân đến sớm, nhưng xe cấp cứu không có, đường thì tắc. Trong công tác này, chỉ cần đến sớm hơn, phối hợp tốt hơn thì tỷ lệ cứu sống người bệnh cao hơn nhiều”, ông Hưng nói đồng thời kiến nghị, phải có thêm nhiều biện pháp hỗ trợ cho Trung tâm 115 trong thời gian tới. Trưởng ban Văn hóa Xã hội HĐND thành phố Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, sẽ ghi nhận các kiến nghị, đề xuất để báo cáo lãnh đạo HĐNĐ, UBND thành phố xem xét.
Theo ông Nguyễn Thành, Giám đốc Trung tâm 115 Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội ngoài Trung tâm 115 còn có 2 lực lượng cứu thương, gồm của bệnh viện và các Cty. Tuy nhiên, các bệnh viện hầu như chỉ có một vài chiếc, chủ yếu phục vụ nhu cầu của bệnh viện. Trong khi đó, các Cty chủ yếu phục vụ nhu cầu vận chuyển bệnh nhân gần tử vong về nhà vì vận chuyển rất an toàn, trong cấp cứu có vấn đề gì người nhà không thắc mắc và có thời gian đàm phán giá cả vận chuyển. “Chúng tôi ở 115 là dịch vụ an sinh xã hội thì không được phép từ chối. Các Cty không tham gia cấp cứu trước bệnh viện, vì nguy cơ thất thu cao, tỷ lệ lên đến 35 – 50%. Chính vì vậy trên thế giới, dịch vụ cấp cứu đều do nhà nước làm”, ông Thành nói. (Tiền phong, trang 6).
Kiện bệnh viện vì phẫu thuật chân lành thành... chân 'què'
Cho rằng bác sĩ phẫu thuật thất bại khiến mình không thể đi lại được, bệnh nhân đã kiện bệnh viện (BV) ra tòa yêu cầu bồi thường. Trong khi đó, phía BV khẳng định đã làm đúng chuyên môn.
TAND Q.5 (TP.HCM) đang thụ lý và chuẩn bị đưa ra xét xử vụ án tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là bà Dương Ngọc Hường (65 tuổi, ngụ Bình Dương) và bị đơn là BV Nguyễn Tri Phương TP.HCM.
Hệ lụy sau phẫu thuật
Trong vụ kiện này, bác sĩ Nguyễn Huy Toàn - người tiến hành ca phẫu thuật cho bà Hường - được tòa án xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Tháng 8-2013, bà Hường bị đau chân nên đến khám tại BV Đa khoa tỉnh Bình Dương. Kết quả khám và chụp X-quang cho thấy bà bị thoái hóa khớp, có gai xương và được bác sĩ điều trị kê toa cho uống thuốc.
Nửa năm sau, do khớp gối vẫn bị viêm và sưng nên bà Hường đến BV Nguyễn Tri Phương khám, chụp MRI. Kết quả bà bị thoái hóa khớp, có gai xương và không phát hiện thêm bệnh gì khác so với kết quả khám tại BV Đa khoa tỉnh Bình Dương.
Bác sĩ đã tư vấn cho bà nhập viện vào khoa cơ xương khớp. Phương pháp điều trị là tiêm chất nhờn để bôi trơn khớp gối. Một mũi có giá 1,2 triệu đồng và tiêm 5 mũi liên tục trong năm tuần.
Theo bà Hường, sau khi tiêm mũi đầu tiên khoảng 30 phút, bà thấy chân phải nặng trĩu, không đi được nên phải nằm viện theo dõi. Bác sĩ đã chuyển bà sang khoa chấn thương chỉnh hình để chụp MRI kỹ thuật cao.
Sau đó, bà Hường làm thủ tục xuất viện ở khoa cơ xương khớp và làm thủ tục nhập viện vào khoa chấn thương chỉnh hình của BV Nguyễn Tri Phương.
Sau khi chụp MRI, bà Hường được thông báo kết quả bị thoái hóa khớp, có gai, sụn bị rách và khuyên bà phẫu thuật nội soi cắt lọc, khoan xương kích thích tủy xương dưới sụn. Với phương pháp này sẽ duy trì khớp gối được 5-10 năm và không gây hại gì.
Vốn cẩn thận, bà Hường đã đề nghị được hội chẩn trước khi phẫu thuật và có camera ghi lại quá trình phẫu thuật.
Ngày 27-2-2014, ca phẫu thuật được tiến hành nhưng 5 tuần sau phẫu thuật, bà Hường không đi lại được. Bà nhiều lần phản ảnh về tình trạng của mình đến bác sĩ điều trị và lãnh đạo BV Nguyễn Tri Phương nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Tháng 11-2014, bà Hường đã đến BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM thay khớp chân phải. Sau khi thay khớp, bà mới có thể đi được. Hiện nay, bà Hường đi yếu, bị hạn chế vận động.
Không có sai sót trong phẫu thuật?
BV Nguyễn Tri Phương cho rằng đã rà soát chuyên môn và thấy bệnh của bà Hường được điều trị theo các bước: điều trị nội khoa, mổ nội soi cắt lọc, nếu bệnh vẫn diễn tiến sẽ phải mổ thay khớp. Phương pháp phẫu thuật cho bà Hường là đúng chỉ định và phương pháp điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Huy Toàn - người phẫu thuật cho bà - là người có chứng chỉ hành nghề đúng chuyên môn và đã có kinh nghiệm mổ nhiều ca tương tự.
Hội đồng chuyên môn Sở Y tế TP.HCM và Bộ Y tế cũng đã họp và kết luận chỉ định khám, chẩn đoán và điều trị cho bà Hường đúng quy trình.
Theo Bộ Y tế, trong vụ việc của bà Hường thì bác sĩ phẫu thuật chỉ có thiếu sót là chưa tư vấn cặn kẽ cho người bệnh về diễn biến tự nhiên của bệnh thoái hóa khớp gối và hiệu quả điều trị bằng phương pháp phẫu thuật.
Bác sĩ Tăng Hà Nam Anh - trưởng khoa chấn thương chỉnh hình BV Nguyễn Tri Phương - cho biết vụ việc của bà Hường, Sở Y tế và Bộ Y tế đã có kết luận bác sĩ không sai về chuyên môn.
"Việc phẫu thuật không thể lúc nào cũng thành công. Phẫu thuật thất bại là nằm ngoài khả năng của bác sĩ. Chính vì vậy, chúng tôi đã chuyển qua phương pháp điều trị khác là thay khớp cho bà Hường và hiện nay thay khớp xong bà đã đi lại được" - bác sĩ Nam Anh nói.
Không đồng tình với trả lời của BV, bà Hường vẫn cho rằng việc phẫu thuật cho bà thất bại khiến bà từ một người đi lại bình thường trở thành người tàn tật, phải thay khớp gối.
Ngoài ra, theo bà Hường, bà nhập viện khoa chấn thương chỉnh hình lúc 10h15 ngày 24-2-2014. Tuy nhiên, biên bản hội chẩn trước phẫu thuật của bà lại diễn ra lúc 8h cùng ngày, tức trước khi bà nhập viện.
Từ đó, bà cho rằng đây là biên bản ngụy tạo, chứ thực tế không có hội chẩn khiến ca phẫu thuật có sai sót.
Trả lời vấn đề này, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh nói khi bệnh nhân làm thủ tục nhập viện thì bộ phận tiếp đón đã nhập hồ sơ vào máy để chuyển đến các bộ phận liên quan. Sau đó, ca trực sẽ làm trước "sườn" của biên bản hội chẩn để các bác sĩ phê duyệt.
Bác sĩ Nam Anh khẳng định tuyệt đối không có chuyện bệnh nhân chưa nhập viện mà BV đã hội chẩn.
Theo lời bà Hường, khi nhập viện, bà đã nộp cho BV các phim X-quang của BV Đa khoa tỉnh Bình Dương. Các phim này thể hiện bà chỉ bị thoái hóa khớp, có gai xương, chứ không hỏng sụn khớp hoàn toàn.
Tuy nhiên, sau khi được chích thuốc và làm phẫu thuật tại BV Nguyễn Tri Phương thì bà đã mất hoàn toàn sụn, phải thay khớp gối toàn phần. Bà đã yêu cầu tòa phải thu thập các phim X-quang của BV Đa khoa tỉnh Bình Dương và của BV Nguyễn Tri Phương sau phẫu thuật để đối chiếu.
Hiện nay, tòa án đã yêu cầu BV Chấn thương chỉnh hình và BV Nguyễn Tri Phương nộp lại các phim X-quang này để làm cơ sở giải quyết vụ án.
Năm 2015, bà Hường nộp đơn khởi kiện ra TAND Q.5 yêu cầu BV Nguyễn Tri Phương bồi thường chi phí việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe đối với quá trình điều trị khớp gối là 372 triệu đồng.
Sau hơn 3 năm thụ lý, hiện TAND Q.5 đang chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử. (Tuổi trẻ, trang 18).
Tỉ lệ người hút thuốc lá ở Việt Nam cao, giá thuốc lá lại còn rất rẻ
Mỗi năm Việt Nam phải chi 31 ngàn tỷ cho việc mua thuốc lá. Chi phí điều trị chỉ cho 5 nhóm bệnh trong tổng số 25 bệnh do thuốc lá gây ra đã là 24 ngàn tỷ một năm. Tuy nhiên, nghịch lý là mấy chục năm qua, Việt Nam nằm trong nhóm nước có thuế thấp nhất trên thế giới. Riêng khu vực thành thị giảm được 6,5%. Tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động giảm đáng kể tại hầu hết các địa điểm: Ở nơi làm việc giảm 13,3%, tại các trường đại học, cao đẳng giảm 16,4%, trên phương tiện giao thông công cộng giảm 15%, tại gia đình giảm 13,2%. Kết quả này cho thấy ý thức tuân thủ quy định cấm hút thuốc và nhận thức về tác hại của thuốc lá trong cộng đồng ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng cục Quản lý Khám Chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, công tác PCTHTL còn gặp rất nhiều khó khăn vì thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, nhưng giá thuốc lá ở Việt Nam còn rất rẻ và được bày bán khắp nơi, khiến thanh thiếu niên, kể cả người nghèo, dễ dàng tiếp cận và sử dụng thuốc lá. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật PCTHTL còn hạn chế.
TS. Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, kết quả điều tra Toàn cầu về sử dụng thuốc lá, Việt Nam nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Tỷ lệ hút thuốc của nam giới là 45.3%. Theo nghiên cứu của WHO, hàng năm có trên 40.000 người Việt Nam tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Mỗi năm Việt Nam phải chi 31 ngàn tỷ cho việc mua thuốc lá. Chi phí điều trị chỉ cho 5 nhóm bệnh trong tổng số 25 bệnh do thuốc lá gây ra đã là 24 ngàn tỷ một năm.
Ông Kidong Park cho rằng, một trong những nguyên nhân của việc số người hút thuốc lá ở Việt Nam còn cao và giảm chậm là do giá thuốc lá ở nước ta rất rẻ, thậm chí ngày càng rẻ đi so với thu nhập. Giá một bao thuốc lá rẻ nhất chỉ 6.000 đồng và theo dữ liệu toàn cầu của WHO năm 2017, giá thuốc lá của Việt Nam nằm trong 15 nước thấp nhất thế giới.
20 năm qua, giá thuốc lá sau khi đã điều chỉnh không tăng, thậm chí còn giảm. Trong khi thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn tăng hàng năm nên sản phẩm thuốc lá ngày càng trở nên dễ tiếp cận, với ngay cả nhóm thu nhập thấp.
“Thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá của Việt Nam áp dụng trên giá bán ra của cơ sở sản xuất, vì vậy mặc dù tỷ lệ thuế hiện nay là 70% và tăng lên 75% vào năm 2019 thì tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ chỉ chiếm từ 35% đến 40%, còn xa khuyến cáo của WHO là 70% giá bán lẻ. Với tỷ lệ 35%-40% thuế trên giá bán lẻ, Việt Nam nằm trong nhóm nước có thuế thấp nhất trên thế giới và khu vực ASEAN (chỉ cao hơn Lào và Campuchia). Do đó, thuế thuốc lá ở Việt Nam cần tăng ở mức tối thiểu 2.000đ/bao hoặc 5.000đ/bao để giảm số người sử dụng, từ đó giảm tỉ lệ mắc và tử vong do thuốc lá gây ra.” - Ông Kidong Park nhấn mạnh.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc tăng thuế thuốc lá có làm tăng thất nghiệp, gia tăng buôn lậu và tăng thất thu ngân sách hay không, đại diện của WHO khẳng định: Các lo ngại trên đều thiếu cơ sở. Bởi ngành sản xuất thuốc lá điếu sử dụng nhiều máy móc nên rất ít lao động. Nghiên cứu của Trường Đại học Thương mại cho thấy nếu tiêu dùng thuốc lá giảm, người tiêu dùng sẽ chuyển sang các loại hàng hóa khác và tạo thêm nhiều việc làm hơn. Số việc làm tạo thêm lớn hơn số việc làm mất đi.
Việc buôn lậu thuốc lá không liên quan tới việc tăng thuế. Ở nhiều nước, ví như Brazil, khi giảm thuế thuốc lá, buôn lậu không giảm, khi tăng thuế thì buôn lậu cũng không tăng. Quy mô của buôn lậu phụ thuộc chủ yếu và các hoạt động phòng chống buôn lậu và sự minh bạch trong công tác quản lý.
Theo ông Kidong Park, tại Việt Nam, buôn lậu thuốc lá do ba nguyên nhân chính: Hàng rào thuế nhập khẩu, gu hút thuốc và kiểm soát buôn lậu còn nhiều thách thức. Gu hút thuốc thể hiện rất rõ khi theo Hiệp hội thuốc lá Việt Nam, 90% thị phần thuốc lá lậu tập trung ở 5 nhãn hiệu Jet, Hero, và giá thuốc lá lậu tại Việt Nam cao hơn thuốc lá hợp pháp. Bên cạnh đó, thuốc lá lậu hiện vẫn chưa được kiểm soát tốt ở khâu bán lẻ tại thị trường trong nước.
Tại Thái Lan, tỷ lệ thuế rất cao, chiếm tới 70% giá bán lẻ (tương đương với việc Việt Nam đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 600-700%). Vì thế, Thái Lan đã chặn được tốc độ tăng của tỷ lệ hút thuốc. Mặc dù vậy, do thuốc lá là sản phẩm gây nghiện nên việc tăng thuế chủ yếu có tác dụng ngăn ngừa người hút mới là thanh thiếu niên và người nghèo nên ngành công nghiệp không bị ảnh hưởng nhiều vì doanh số không giảm mạnh.
Sản lượng thuốc lá điếu của Thái Lan là 2 tỷ bao, tức là bằng một nửa Việt Nam, nhưng số thu thuế của Thái Lan đạt 2 tỷ USD, gần gấp 3 lần số thu của Việt Nam chỉ khoảng 700 nghìn USD.
Bộ Y tế được vinh danh
Bộ Y tế Việt Nam đã được vinh danh tại hội nghị toàn Thế giới về “Thuốc lá hay sức khoẻ” vừa diễn ra tại Nam Phi và nhận giải thưởng toàn cầu về kiểm soát thuốc lá bởi những thành tựu nổi bật trong theo dõi, giám sát sử dụng thuốc lá và các chính sách PCTHTL. Cùng với giải thưởng quan trọng này, Bộ Y tế Việt Nam còn được nhận 100.000 đô la để phục vụ cho hoạt động PCTHTL.
Mít tinh nhân Ngày thế giới không thuốc lá 2018
Chiều 31-5, Bộ Y tế đã tổ chức mít tinh nhân Ngày thế giới phòng chống thuốc lá với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, trường đại học. Phát biểu tại buổi mít tinh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Ở nước ta, số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích, mà một trong những nguyên nhân là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao. Cùng với các tổn thất về sức khoẻ, sử dụng thuốc lá cũng gây ra các gánh nặng về kinh tế cho người sử dụng mà cho cả gia đình họ và xã hội. Nhưng lãnh đạo nhiều cơ quan, đơn vị chưa quan tâm chỉ đạo thực hiện quy định của Luật PCTHTL. Việc chấp hành trách nhiệm của người đứng đầu các địa điểm cấm hút thuốc chưa nghiêm, còn để xảy ra tình trạng vi phạm quy định cấm hút thuốc. (Công an nhân dân, trang 1; Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
40 năm Bệnh viện Nhi Đồng 2 - những cung bậc cảm xúc không thể quên
Sáng 31-5, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2, TP Hồ Chí Minh tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập (1-6-1978 – 1-6-2018). Buổi lễ diễn ra trong không khí xúc động với các thế hệ cán bộ, y, bác sĩ qua các thời kỳ xây dựng bệnh viện… Nhắc lại những năm tháng đầu tiên khi gầy dựng BV với biết bao khó khăn, bác sĩ CK II Trịnh Hữu Tùng, Giám đốc BV xúc động nhớ lại: "Cách đây 40 năm, vào những năm 70 của thế kỷ trước, Sài Gòn vừa mới giải phóng với 4 triệu người dân nhưng chỉ có một BV Nhi Đồng 1, không đáp ứng đủ yêu cầu khám chữa bệnh của trẻ em. Trước nhu cầu cấp thiết đó, chính quyền thành phố khi ấy đã quyết định thành lập thêm BV Nhi Đồng thứ hai và chọn ngày Quốc tế thiếu nhi năm 1978 để cho ra đời BV Nhi Đồng 2, hoà cùng hoạt động chung của ngành y tế thành phố nói riêng và của cả nước nói chung. Khi mới ra đời, BV với muôn vàn khó khăn nhưng tập thể y, bác sĩ và CB, NV BV Nhi Đồng 2 đã nỗ lực không ngừng, từng bước đi lên và phát triển".Được biết, khi mới thành lập với đội ngũ còn ít ỏi, trang thiết bị thiếu thốn, nhưng hiện nay, BV Nhi đồng 2 đã đạt được niềm tin yêu của người dân khi gửi gắm con em tới đây để khám bệnh, điều trị.
Đặc biệt, cái tên “BV Nhi Đồng 2” đã được giới y khoa trong và ngoài nước đánh giá rất cao với nhiều thành tựu nổi bật trong công tác khám chữa bệnh, trở thành là một trong bốn BV nhi hàng đầu tại Việt Nam phụ trách khám điều trị bệnh cho trẻ. Đặc biệt, BV Nhi Đồng 2 đã phát triển được nhiều chuyên khoa sâu rất sớm như: ghép tạng, điều trị bệnh ung bướu, phẫu thuật thần kinh nhi, nội soi chẩn đoán và điều trị đáp ứng tất cả các chuyên khoa.
Cái tên “BV Nhi Đồng 2” còn có tiếng trong khu vực và cả thế giới với những ca phẫu thuật tách dính thành công mà mở đầu là ca tách dính cặp song sinh Việt- Đức vào 4-10-1988. Ca phẫu thuật này cũng trở thành ca phẫu thuật lịch sử của ngành y tế Việt Nam về thực hiện những kĩ thuật phẫu thuật vô cùng phức tạp.
Sau ca phẫu thuật Việt - Đức, BV tiếp tục thực hiện thành công được thêm 4 ca tách dính song sinh nữa, thực hiện được 12 ca ghép gan, 16 ca ghép thận, 7 ca phẫu thuật khó và hiếm... Điển hình như: ca ghép gan Mai Hoàng Thanh Giang (12 tháng tuổi), ca ghép thận Huỳnh Nguyễn Nhật Trúc...
Tất cả những thành công trong hoạt động khám chữa bệnh, ứng dụng khoa học kĩ thuật y khoa vào điều trị cho bệnh nhi tại BV Nhi Đồng 2 là sự nỗ lực, đóng góp của nhiều thế hệ bác sĩ đã làm việc không biết mệt mỏi, lặng thầm hy sinh trong suốt 40 năm qua.
Ghi nhận những thành tích xuất sắc của tập thể y, bác sĩ BV Nhi Đồng 2, nhân dịp này, UBND TP trao tặng BV Cờ truyền thống. Cá nhân BS CKII Trịnh Hữu Tùng, Giám đốc BV được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. (Công an nhân dân, trang 1).
Bệnh viện K: Lần đầu ứng dụng thành công nội soi 3D - một lỗ cho người bị ung thư đại trực tràng
Đau bụng kéo dài, chán ăn, khó tiêu nhưng do chủ quan nên đến khi đi ngoài ra máu, sút cân, thể trạng ngày càng yếu, nam bệnh nhân mới đến Bệnh viện K khám thì đã phát hiện bị ung thư đại trực tràng
Các bác sĩ khoa Ngoại bụng 1- Bệnh viện K cơ sở Tân Triều đã thực hiện thành công ca phẫu thuật nội soi 3D - một lỗ Trocart cho nam bệnh nhân mắc ung thư đại trực tràng – đây là một trong những kỹ thuật tiên tiến mới được ứng dụng vào phẫu thuật vào điều trị ung thư.
Đau bụng kéo dài, đi khám phát hiện ung thư
Có hiện tượng đau bụng kéo dài, chán ăn, khó tiêu nhưng do chủ quan nên đến khi thấy những dấu hiệu lạ đi ngoài ra máu, đi lại khó khăn, sút cân, thể trạng ngày càng yếu thì ông Đỗ Xuân Kh. (64 tuổi) trú tại xã Bạch Thượng, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam mới đi khám.
Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện K trong tình trạng đau bụng hạ vị, người gầy, cân nặng 45kg, thể trạng già yếu, da xanh, niêm mạc nhợt. Các bác sĩ tiến hành hồi sức tích cực cho bệnh nhân bằng mọi biện pháp như truyền máu, truyền đạm, kháng sinh nâng đỡ cơ thể. Sau khi phục hồi, bệnh nhân Kh. đã được thăm khám, chụp chiếu và làm các chỉ định, xét nghiệm cần thiết, bệnh nhân được chẩn đoán ung thư trực tràng thấp gây ra thiếu máu, suy nhược cơ thể.
Các phẫu thuật viên chỉ mở 1 lỗ duy nhất dài khoảng 2cm trên bụng bệnh nhân. Các dụng cụ nội soi được đưa vào trong bụng bệnh nhân chỉ qua 1 lỗ nên gặp khó khăn hơn rất nhiều so với các ca mổ nội soi khác. Các dụng cụ nội soi gần như được điều khiển theo hướng song song với nhau nên việc phẫu tích, bóc tách mạch máu, kẹp cầm máu… rất khó cần phải thực hiện tỉ mỉ.
Bằng kinh nghiệm lâu năm, TS.BS Phạm Văn Bình đã thực hiện phẫu tích trên bằng dao siêu âm hết sức cẩn trọng, khéo léo tách và cắt mạch máu của trực tràng. Ekip phẫu thuật tiến hành cắt toàn bộ mạch treo trực tràng cho tới sát vùng đáy chậu. Ca phẫu thuật diễn ra thành công, sau mổ bệnh nhân hồi phục tốt.
Ưu điểm và thách thức khi thực hiện phẫu thuật nội soi 3D – 1 lỗ Trocart
TS.BS Phạm Văn Bình- Trưởng khoa Ngoại bụng 1- Bệnh viện K chia sẻ, hiện nay phương pháp phẫu thuật nội soi đã đạt tới đỉnh cao. Từ phương pháp phẫu thuật nội soi truyền thống, nay đã phát triển thành 3 nhánh chính. Thứ nhất, là phẫu thuật nội soi trocart một lỗ - tức là bệnh nhân được phẫu thuật nội soi nhưng chỉ qua 1 lỗ trocart duy nhất. Tiếp đến là thực hiện phẫu thuật qua các lỗ tự nhiên của cơ thể. Thứ 3 là phẫu thuật nội soi Robot Davinci – đây là phương pháp phẫu thuật mà Bệnh viện K sẽ thực hiện trong thời gian tới.
"Phương pháp phẫu thuật nội soi 3D – Trocart 1 lỗ giúp cho bề mặt bụng bệnh nhân sau mổ chỉ có 1 vết sẹo rất nhỏ ở vùng rốn, tính thẩm mỹ cao, có thể nói là không để lại sẹo, không đau, phẫu thuật thực hiện tinh tế, tỉ mỉ nên bệnh nhân rút ngắn thời gian nằm viện, giảm đau sau mổ tốt mà vẫn đảm bảo về ung thư học”- TS Phạm Văn Bình cho biết
Cũng theo TS Phạm Văn Bình, bên cạnh những ưu điểm đó thì phẫu thuật nội soi 3D – 1 lỗ trocart cũng đặt ra nhiều thách thức cho phẫu thuật viên về yêu cầu bác sĩ phẫu thuật phải có kinh nghiệm, kỹ thuật tốt, phải sử dụng những dụng cụ phẫu thuật nội soi đặc biệt đi qua các kênh nhỏ của lỗ trocart đó đảm bảo thực hiện phẫu tích tỉ mỉ, chính xác.
Phương pháp phẫu thuật nội soi trocart 1 lỗ trong điều trị ung thư nói chung, ung thư đại trực tràng nói riêng trên nền phẫu thuật nội soi 3D đã được ứng dụng thành công tại bệnh viện K chứng tỏ được trình độ phát triển về mặt kỹ thuật, chỉ định, kỹ năng phẫu tích của phẫu thuật nội soi ung thư tại bệnh viện K.
Hi vọng kỹ thuật mới này sẽ được áp dụng nhân rộng hơn để nhiều bệnh nhân ung thư được thừa hưởng những ưu điểm vượt trội mà phẫu thuật nội soi trocart 1 lỗ mang lại mà vẫn đảm bảo về ung thư học. (Sức khỏe & Đời sống, trang 4).
Dùng lá lộc mại chữa táo bón cho trẻ: Cảnh báo từ phòng cấp cứu
Thấy con bị táo bón, điều trị bằng men tiêu hóa một tuần không đỡ, gia đình bé Trần Thanh Thảo (1 tuổi, Phú Thọ) nghe lời người quen hái lá lộc mại về nấu cháo cho con ăn. Sau hai lần ăn cháo, bé Thảo xuất hiện đi tiểu màu đỏ, da xanh, mệt mỏi, chán ăn, sốt nhẹ.
Xét nghiệm tại Bệnh viện tuyến huyện cho thấy cháu bị thiếu máu nặng. Bệnh nhi được chuyển ngay đến Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị.
Ngày 24/5, khoa Cấp cứu chống độc – Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận bệnh nhi Trần Thanh Thảo trong tình trạng da xanh, mệt mỏi, chán ăn, sốt nhẹ, xét nghiệm huyết sắc tố hạ thấp ở mức 64g/l, bilirubin máu toàn phần tăng cao 93,7 umol/l, bilirubin gián tiếp 84 umol/l.
Các bác sĩ chẩn đoán bé bị ngộ độc lá lộc mại gây tan máu cấp, thiếu máu nghiêm trọng và lập tức được truyền máu cấp cứu.
Sau 4 ngày nhập viện điều trị, hiện tình trạng của bệnh nhi đã ổn định, bé đã được xuất viện.
TS.BS. Lê Ngọc Duy – Phó trưởng khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Tính từ đầu năm 2018 đến nay, khoa cấp cứu chống độc của bệnh viện đã tiếp nhận 2 ca ngộ độc lá lộc mại. Bệnh nhi khi vào viện đều rơi vào tình trạng nguy kịch do tan máu cấp dẫn tới thiếu máu nghiêm trọng”.
TS.BS. Lê Ngọc Duy cho biết thêm, trường hợp bé Trần Thanh Thảo có tiền sử thiếu men G6PD (Glucose-6-phosphat dehydrogenase) là một bệnh di truyền phổ biến thường gặp ở người, bệnh nhân thường không có đủ men G6PD giúp tế bào hồng cầu hoạt động bình thường. Người bệnh dễ bị dị ứng nặng khi ăn đậu tằm hoặc sử dụng một số dược phẩm, hóa chất có khả năng ôxy hóa.
Đối với những bệnh nhi ngộ độc lá lộc mại trên nền thiếu men G6PD thì tình trạng bệnh tiến triển nhanh và nặng hơn những trẻ bình thường khác, và nếu không được cấp cứu kịp thời, những trường hợp này rất có thể dẫn tới tử vong.
Bác sĩ Duy giải thích, lá lộc mại hay một số nơi gọi là “lá mọi” là lá của cây lộc mại, một loại cây cao khoảng 2-3 mét mọc hoang dại. Y văn Việt Nam chưa ghi nhận nghiên cứu về loại cây này. Do có tác dụng nhuận tràng khi dùng liều nhỏ và tác dụng tẩy khi dùng liều lớn, nhân dân một số nơi thường mách nhau dùng lá này chữa táo bón, kiết lỵ…
Tuy nhiên, nếu dùng với số lượng lớn, lá cây lộc mại có thể gây ngộ độc. Các biểu hiện thường gặp sau khi ăn là: nhịp tim nhanh, bệnh nhân mệt yếu, da xanh, ăn không tiêu, đầy bụng, đau vùng ruột, đi ngoài lỏng hoặc táo bón. Trẻ có nước tiểu màu đỏ, đái vặt và buốt. Nguy cơ ngộ độc lá lộc mại đã được cảnh báo nhiều lần trên các phương tiện thông tin truyền thông nhưng một số gia đình vẫn sử dụng lá này để chữa bệnh, gây nguy hiểm cho tính mạng của người thân.
Theo các bác sĩ, trẻ được coi là táo bón nếu đi ngoài dưới 3 lần mỗi tuần, phân ít, cứng hoặc vỡ vụn như phân dê. Để ngừa táo bón ở trẻ, cần cho trẻ ăn nhiều chất xơ, ăn chế độ ăn cân đối, giàu chất xơ sợi, nhiều rau củ quả. Chất xơ giúp làm tăng khối lượng phân, khiến chúng mềm hơn và dễ tống ra ngoài.
Uống nhiều nước giúp tăng lượng chất lỏng trong phân, khiến phân mềm hơn và dễ tống ra ngoài. Tăng cường vận động rất quan trọng, giúp thức ăn di chuyển dọc theo ruột, tăng hoạt động của ruột.
Khi khi trẻ bị táo bón, cha mẹ cần chú ý đảm bảo bé có đủ thời gian mỗi ngày để đi vệ sinh mà không phải vội vàng. Có thể cho trẻ dùng thêm men vi sinh hoặc thực phẩm như sữa chua (yaourt). Thực chất đây chứa những vi khuẩn có lợi cho đường ruột có khả năng lấn áp, đè bẹp và tiêu diệt nhiều loại vi khuẩn gây bệnh, giúp cho hệ miễn dịch tại đường ruột tăng cường hoạt động.
Nên đưa trẻ đi khám nếu táo bón dai dẳng (trên một tuần), đi tiêu ra máu, trẻ mệt mỏi chán ăn, bụng chướng, đau bụng. (Sức khỏe & Đời sống, trang 4).
Về thông tin “muốn con trai hay gái, chỉ cần bơm”: Chuyên gia nói gì?
Trên diễn đàn của các “mẹ bỉm sữa” đang đua nhau quảng bá về một loại dung dịch bơm vào âm đạo trước khi quan hệ vợ chồng để sinh con theo ý muốn. Loại dung dịch này có tên là “Baby support” được chào bán với giá 2.900.000 đ/hộp có 7 tuýp dung dịch và được cho là thành công tới 93% tại Nhật Bản.
Thông tin về sản phẩm “Baby support” được đăng rất rõ ràng có kèm theo số điện thoại của người bán. Loại dung dịch này “nóng” đến mức chỉ cần vào Google gõ từ khóa Baby support trong 0,39 giây đã xuất hiện khoảng 424.000 kết quả tìm kiếm; hay tại một diễn đàn lớn của các “mẹ bỉm sữa”, với trên 230.000 người tham gia, sản phẩm Baby Support vừa đăng lên, đã có hơn 1.200 lượt thích và hơn 1.000 lượt bình luận.
Thông tin về sản phẩm được quảng cáo có xuất xứ từ Nhật Bản kèm theo những lời giới thiệu hấp dẫn, thuyết phục: “Đây không phải là thuốc và bản chất cơ chế của sản phẩm không có gì thần thánh cả. Chỉ là áp dụng đúng khoa học và cơ chế sinh sản thôi. Sự thăng hoa sẽ bao gồm từ nhiều yếu tố. Sản phẩm hỗ trợ hiệu quả đến hơn 90%”. Chỉ nên bơm dung dịch Baby support khi 2 vợ chồng đã sẵn sàng giao hợp. “Baby Support for girl”: Tạo môi trường cho tinh trùng X hoạt động mạnh mẽ để kết hợp với trứng tạo ra bé gái.
“Baby support for boy”: Tạo ra môi trường cho tinh trùng Y hoạt động mạnh mẽ sinh ra bé trai. Tỷ lệ thành công tại Nhật Bản lên tới 93%” - Đoạn rao bán dung dịch trên các trang web.
Trong vai người cần mua hàng, phóng viên đã gọi điện vào số điện thoại của người rao bán hàng trên các trang web và cũng được người này tư vấn rồi nói tỉ mỉ về cơ chế sinh con trai và con gái như lời rao quảng cáo. Tuy nhiên, khi được hỏi người bán hàng có làm trong ngành y không thì người này nói không làm trong ngành y, không được đào tạo về y tế.
Khi được hỏi: Đã có nhiều khách hàng phản hồi lại hiệu quả chưa thì người bán hàng cho biết, hàng mới được bán cách đây vài tháng nên cũng chưa thấy có khách phản hồi lại. Tuy nhiên, người này có nói ngoài sử dụng phương pháp này, cần ăn uống các thức ăn cũng như kết hợp nhiều biện pháp thì khả năng thành công sẽ cao. Phóng viên đề cập tới việc muốn mua 1 hộp/ 7 tuýp để sử dụng thì người bán hàng nói: “Hàng bây giờ đang “cháy”, cả miền Bắc và miền Nam không nơi nào có vì chưa nhập được về, ít ngày nữa mới có”.
Về tác dụng của dung dịch này, PGS. TS. Vũ Bá Quyết - Giám đốc BV Phụ sản Trung ương cho biết: Ngành sản khoa Việt Nam chưa bao giờ tư vấn cũng như sử dụng bất cứ một phương pháp nào để lựa chọn giới tính thai nhi cho các sản phụ. Sản phẩm sinh con theo ý muốn như vừa kể trên không được ngành sản khoa Việt Nam nhập khẩu và vì vậy đó là hàng trôi nổi không rõ xuất xứ và không được kiểm chứng về chất lượng sản phẩm.
Mặt khác, PGS. TS. Vũ Bá Quyết cho biết, như lời quảng cáo, dung dịch sẽ mang lại hiệu quả như mong muốn tới hơn 90% là điều không tưởng. Những loại dung dịch này khi bơm vào âm đạo có thể viêm nhiễm, gây phản ứng ngược lại do hóa chất gây nên. Ngoài viêm nhiễm và ngứa, có thể dung dịch gây bỏng, cháy hoặc làm mỏng niêm mạc âm đạo. Trường hợp dung dịch đi vào bên trong tử cung thì càng nguy hiểm hơn rất nhiều. Do vậy, nếu không có chỉ định của bác sĩ thì đừng nên dùng vì tiền mất, tật mang.
Cần xử phạt nghiêm
Theo Sở Y tế Hà Nội, tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) của Hà Nội trong những năm trở lại đây ở mức cao; năm 2014 là 115 trẻ trai/100 trẻ gái; năm 2015 là 114,5 trẻ trai/100 trẻ gái; năm 2016 là 114 trẻ trai/100 trẻ gái. Năm 2017, TSGTKS của Hà Nội là 114 trẻ trai/100 trẻ gái, vẫn cao hơn mặt bằng chung của cả nước (năm 2016 cả nước là 112,8 trẻ trai/trẻ gái). Trong đó, một số quận, huyện có TSGTKS trên mức 115 trẻ trai/100 trẻ gái. Hà Nội đã tập trung chỉ đạo thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, giao nhiệm vụ cụ thể cho các ban, ngành, đoàn thể và UBND 30 quận, huyện, thị xã triển khai kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn thành phố.
Còn tại TP.HCM, mất cân bằng giới tính đang ngấp nghé ở mức 109-110 trẻ trai/100 trẻ gái và ngày càng có xu hướng chênh lệch nghiêm trọng, UBND TP.HCM vừa có chỉ thị yêu cầu Sở Y tế thành phố hướng dẫn các cơ sở y tế có chuyên khoa sản trên địa bàn không cung cấp dịch vụ liên quan đến khả năng lựa chọn giới tính thai nhi; tập huấn bắt buộc các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn thai nhi cho đội ngũ cán bộ y tế; đẩy mạnh truyền thông giáo dục về hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính và quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi.
Lựa chọn giới tính thai nhi bằng việc lạm dụng các kỹ thuật y sinh học là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta. Bộ Y tế cấm tuyệt đối các cơ sở y tế, phòng khám siêu âm công bố giới tính thai nhi dưới mọi hình thức nhằm tránh việc lựa chọn giới tính.
Theo Nghị định số 114/2006/NĐ-CP, có 3 nhóm hành vi bị nghiêm cấm gồm: tuyên truyền, phổ biến phương pháp tạo giới tính thai nhi với nhiều hình thức; chẩn đoán giới tính thai nhi; phá thai vì lý do lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Tương ứng mức xử phạt từ 500 ngàn - 1 triệu đồng; 3-7 triệu đồng và 7- 15 triệu đồng. Ngoài ra, còn có hình phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 1 đến 6 tháng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định trên. (Sức khỏe & Đời sống, trang 6).
Người bệnh đã không còn phải chờ đợi lâu
“Trước kia, chỉ nghĩ đến việc xếp hàng chờ đến lượt khám bệnh là tôi... muốn mệt. Còn bây giờ mọi việc đơn giản và tiết kiệm thời gian hơn nhiều. Tôi mong nhiều bệnh viện sử dụng hệ thống xếp hàng khám bệnh thông minh hơn để người bệnh như tôi đỡ vất vả.”
Những chia sẻ của bà Nguyễn Minh Hiền, ở thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa cũng là đánh giá chung của nhiều người dùng khác về hệ thống xếp hàng khám bệnh thông minh của Công ty Lucky Telecom. Đây là một trong các dự án đã nhận được hỗ trợ từ Chương trình SpeedUp của Sở KH&CN TP.HCM và đang được triển khai hiệu quả tại nhiều bệnh viện ở TP.HCM và một số địa phương khác.
Dù ngành y tế đã có nhiều nỗ lực nhưng tình trạng quá tải của các bệnh viện vẫn rất phổ biến, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng... Việc chờ đợi, xếp hàng cả tiếng đồng hồ là ám ảnh thường trực của những người đến khám bệnh. Bệnh tật lại cộng thêm thời gian chờ quá lâu khiến cho không ít người bệnh cảm thấy vô cùng mệt mỏi.
Từ thực trạng đó, các bệnh viện đã tìm tòi và phối hợp với nhiều công nghệ để xây dựng và phát triển hệ thống xếp hàng khám bệnh thông minh. Hệ thống cung cấp khả năng tương tác hai chiều thời gian thực giữa bệnh viện và bệnh nhân, nhằm giải quyết tình trạng đông đúc chen lấn hiện nay tại các khu vực cấp số thứ tự và khu chờ khám ở các bệnh viện.
BS. Nguyễn Hữu Quang, Giám đốc BVĐK khu vực Cam Ranh tỉnh Khánh Hòa cho biết, 5 năm qua bệnh viện đã từng bước triển khai ứng dụng nhắn tin lấy số tự động khám bệnh qua tổng đài hệ thống tin nhắn SMS 8088. Bệnh nhân có nhu cầu đăng ký khám bệnh tại bệnh viện sẽ được hệ thống chương trình tiếp nhận, xử lý thông tin và sau đó cung cấp cho bệnh nhân số thứ tự đăng ký và số thứ tự đang khám bệnh tại phòng khám của bệnh viện khi bệnh nhân có yêu cầu. Qua ứng dụng nhắn tin lấy số khám bệnh, người dân đã không phải mất thời gian chờ đợi tại Khoa Khám bệnh. Điểm quan trọng của hệ thống là người dùng được cung cấp thông tin về số lượt khám phải chờ để thời gian đến khám. Từng khâu khám bệnh cũng sẽ được hệ thống thông báo thời gian trung bình mỗi lần khám. Nhờ đó, người bệnh chủ động lựa chọn khám tại bộ phận nào trước để thuận tiện nhất.
Ngoài ra, hệ thống cũng cung cấp chức năng cho phép người dùng đánh giá về mức độ hài lòng với bác sĩ, dịch vụ khám bệnh. Điều này không chỉ đem lại lợi ích cho người bệnh mà còn giúp bệnh viện theo dõi được chất lượng dịch vụ và chấn chỉnh, nâng cao chất lượng hoạt động khám bệnh.
Về phía bệnh viện, việc nắm được sớm số lượng đăng ký khám bệnh sẽ tạo điều kiện để các bệnh viện có sự quản lý, phân công công việc để làm chủ tình hình khám bệnh tại đơn vị mình. Đồng thời, hệ thống cũng giảm tải được số lượng người bệnh tại các khu vực chờ.
Anh Nguyễn Khoa Tuấn Anh - người sáng lập giải pháp “Xếp hàng khám bệnh thông minh” chia sẻ ngoài hỗ trợ về tài chính qua chương trình SpeedUp, Sở KH&CN TP.HCM còn giúp giới thiệu hệ thống đến các bệnh viện công trên địa bàn. Nhờ đó, hệ thống đã được một số bệnh viện sử dụng và đem lại hiệu quả.
“Hiện nay hệ thống được triển khai tại một số bệnh viện tại TP.HCM như BV Ung bướu, BV quận Gò Vấp, BV Phú Nhuận, BV Nhi Đồng 2... Ngoài ra, BVĐK Cam Ranh và BV Trung ương Huế cũng đang sử dụng hệ thống”, anh Tuấn Anh cho biết. (Sức khỏe & Đời sống, trang 6).
Rút ngắn thời hạn giải quyết cấp thẻ BHYT còn 5 ngày
Tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ tháng 5/2018 của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, đại diện Trung tâm Công nghệ thông tin của BHXH Việt Nam cho biết, mã số BHXH được cấp và quản lý tập trung trên cơ sở dữ liệu (CSDL) hộ gia đình tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT). Đây là một trong những hệ thống CSDL được ngành BHXH xây dựng làm tiền đề xây dựng CSDL quốc gia về bảo hiểm…
Mã số BHXH là mã số định danh cá nhân duy nhất của người tham gia do cơ quan BHXH cấp để ghi trên sổ BHXH, thẻ BHYT. Mục tiêu cấp mã sổ là nhằm quản lý xuyên suốt quá trình tham gia đóng, hưởng chế độ BHXH, BHYT và chống lạm dụng quỹ BHXH, BHYT, đồng thời làm căn cứ cấp sổ BHXH, thẻ BHYT điện tử.
Ông Nguyễn Hoàng Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin cho biết, hiện toàn ngành BHXH đang triển khai thực hiện cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH. Theo đó, hệ thống dữ liệu thu và cấp thẻ BHYT đã được cơ quan BHXH cập nhật, quản lý theo mã số BHXH để xác định thời điểm thẻ có giá trị, thời điểm người tham gia đủ 5 năm liên tục.
Trên Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam, người dân có thể tra cứu trực tuyến các thông tin về mã số BHXH, cơ quan BHXH, quá trình tham gia, giá trị sử dụng thẻ, đơn vị tham gia BHXH, các điểm thu và đại lý thu (tại địa chỉ https://baohiemxahoi.gov.vn); hoặc có thể gọi điện thoại trực tiếp đến tổng đài: 1900.969668 để được giải đáp.
Việc cấp mã số BHXH đã mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho cơ quan BHXH mà nó còn mang lại lợi ích cho người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN; lợi ích cho đơn vị sử dụng lao động. Trong đó, đối với người tham gia và hưởng các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm tự nguyện, Chỉ cần cung cấp mã số BHXH khi thực hiện các giao dịch đóng, hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN; có thể tra cứu trực tuyến quá trình đóng, hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN thông qua mã số BHXH trên Cổng thông tin điện tử ngành.
Việc cấp mã số BHXH đã cắt giảm thủ tục hành chính, giảm giờ giao dịch của cá nhân, tổ chức với cơ quan BHXH, tạo điều kiện thuận tiện cho người tham gia khi giao dịch với cơ quan BHXH trong việc tham gia, hưởng chế độ BHXH, BHYT. Rút ngắn thời gian, thủ tục thực hiện nhiệm vụ về thu; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT được cắt giảm thủ tục hành chính
Đặc biệt, theo ông Phương, việc thống nhất cấp mã số BHXH giúp rút ngắn thời hạn giải quyết hồ sơ cấp, đổi sổ BHXH, thẻ BHYT. Về thời hạn giải quyết cấp thẻ BHYT từ 7 ngày cũng được rút ngắn còn 5 ngày. Khi cấp lại, đổi thẻ BHYT, nếu không thay đổi thông tin, thời gian giải quyết không quá 2 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Từ ngày 1/1/2019, thời gian giải quyết trong ngày.
Còn trường hợp thay đổi thông tin thì không quá 3 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Với người tham gia đang điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh thì thực hiện trong ngày. Hiện nay, hệ thống dữ liệu thu và cấp thẻ BHYT được cơ quan BHXH cập nhật, quản lý theo mã số BHXH để xác định thời điểm thẻ có giá trị, thời điểm người tham gia đủ 5 năm liên tục. Qua đó, BHXH Việt Nam đảm bảo chính xác việc thu nộp, tham gia BHXH, BHYT của cá nhân, đơn vị; Tránh việc cấp trùng thẻ, cấp thẻ không đúng quy định…
Tại cuộc họp, đại diện BHXH Việt Nam cũng cho biết, trong thời gian qua, cơ quan này đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tin học hóa trong quản lý khám chữa bệnh, thống nhất trong giám định và thanh toán BHYT. Đây là nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế và BHXH, góp phần minh bạch thông tin, đảm bảo quyền lợi của các bên có liên quan, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ BHYT. BHXH Việt Nam đang nghiên cứu cấp thẻ BHYT điện tử thay thế thẻ BHYT giấy hiện nay cho người dân tham gia BHYT tại một số địa phương. Việc cấp thẻ BHYT điện tử giúp tiết kiệm chi phí cho ngành BHXH thuận lợi trong khám, chữa bệnh và cơ sở y tế kiểm soát được quá trình khám, chữa bệnh của người bệnh... (Sức khỏe & Đời sống, trang 6).