Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 01/8/2023

  • |
T5g.org.vn - Cảnh giác ngộ độc thực phẩm từ bếp ăn gia đình; Nhập chai dịch truyền Globulin điều trị bệnh tay chân miệng…

 

Nhiều người mắc viêm gan B chưa được phát hiện

Việt Nam hiện có khoảng 10 triệu người nhiễm virus viêm gan B và gần 1 triệu người nhiễm virus viêm gan C. Tuy nhiên, tỉ lệ người bệnh được phát hiện và quản lí còn rất hạn chế.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) nhận định, nếu không được kiểm soát tốt, nhiều người trong số đó sẽ tiến triển thành xơ gan hoặc ung thư gan.

Hằng ngày, Trung tâm Bệnh nhiệt đới ghi nhận nhiều bệnh nhân đến khám và nhập viện nhưng không biết mình bị nhiễm virus viêm gan B, C vì đa số có triệu chứng âm thầm, kín đáo. Nhiều trường hợp đến bệnh viện đã có biến chứng xơ gan thậm chí ung thư gan. Có một thực tế, nhiều bệnh nhân viêm gan hiện nay đều được phát hiện, quản lí và theo dõi định kì tại phòng khám chuyên khoa hoặc được uống thuốc theo chương trình bảo hiểm y tế nhưng một số bệnh nhân sau một thời gian uống thuốc thấy đỡ đã tự ý bỏ thuốc dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như suy gan cấp, xơ gan mất bù, ung thư gan,...

Điển hình là bệnh nhân Nguyễn Văn K. (64 tuổi, Hà Nam) vào viện ngày 21/7 với triệu chứng chán ăn, mệt mỏi, vàng da. Bệnh nhân phát hiện xơ gan - viêm gan mạn cách đây 1 năm, điều trị thuốc kháng virus tại tuyến tỉnh thấy có đỡ, tuy nhiên sau đó bệnh nhân bỏ thuốc 6 tháng nay. Theo lời kể của người nhà, 1 tuần nay bệnh nhân mệt mỏi, ăn ngủ kém, đầy bụng. Bệnh nhân đang điều trị tiểu đường nên vào Bệnh viện Nội tiết khám, xét nghiệm thấy men gan tăng cao nên được chuyển đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai). Bệnh nhân được chẩn đoán viêm gan mạn, biến chứng xơ gan, suy gan, tiên lượng bệnh rất khó khăn.

Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân Nguyễn Phương N. (47 tuổi, Yên Bái) phát hiện viêm gan B từ 4 năm trước, điều trị thuốc kháng virus nhưng đã tự ý bỏ thuốc 2 tháng nay. Trước khi nhập viện 1 tháng, bệnh nhân xuất hiện mệt mỏi, chán ăn, cảm giác đầy bụng, vàng da vàng mắt. Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, bệnh nhân được chẩn đoán xơ gan, men gan cao, suy gan và có chỉ định lọc máu.

PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết: “Điều trị viêm gan B là điều trị suốt đời nên bệnh nhân cần được theo dõi, quản lí chặt chẽ bởi bác sĩ chuyên khoa. Nếu ngừng thuốc, bỏ thuốc thì virus sẽ bùng lên dẫn tới suy gan cấp. Rất nhiều bệnh nhân đến Trung tâm do bỏ thuốc, không tuân thủ điều trị với các triệu chứng vàng da, vàng mắt, biểu hiện xơ gan, men gan cao và suy gan”.

Bác sĩ Cường khuyến cáo: “Phụ nữ trước khi kết hôn hoặc khi có thai nên được sàng lọc xem có bị nhiễm virus viêm gan B hay không để theo dõi, quản lí và điều trị dự phòng lây truyền mẹ sang con. Hiện nay tỉ lệ lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con vẫn rất lớn, đa số là do phụ nữ có thai không được sàng lọc viêm gan B và khi trẻ sinh ra không được tiêm kháng huyết thanh và vắc xin viêm gan B. Hậu quả là trẻ sẽ bị nhiễm virus từ lúc còn nhỏ để lại gánh nặng bệnh tật rất lớn sau này”.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế, tiêm vắc xin phòng viêm gan B là biện pháp phòng bệnh hiệu quả và nên tiêm càng sớm càng tốt. Cần tiêm cho tất cả trẻ em trong vòng 24h sau sinh và các mũi tiếp theo lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Nếu nồng độ kháng thể trong máu thấp (nhỏ hơn 10 đơn vị quốc tế/ml) cần tiêm đủ 3 mũi, trong 3 tháng, sau đó nhắc lại). (Tiền phong, trang 14).

 

Nhức nhối nạn mạo danh bác sĩ, bệnh viện

Mặc dù dư luận đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo, phê phán nhưng tình trạng giả mạo bác sĩ, thương hiệu bệnh viện lớn vẫn tiếp tục tái diễn với nhiều hình thức trắng trợn và tinh vi hơn.

Đã đến lúc cần có những biện pháp xử lý mạnh tay để không còn cảnh những cá nhân, doanh nghiệp trục lợi trên uy tín thương hiệu của bệnh viện, bác sĩ nhằm lừa đảo người dân.

Đủ trò giả mạo

Có nhu cầu nâng cấp vòng 1 và biết đến danh tiếng của Bệnh viện Chợ Rẫy đã lâu, chị P.T.H. (32 tuổi, ngụ tỉnh Ninh Thuận) tìm thông tin trên mạng xã hội. Bất ngờ, chị H. tìm được nhiều thông tin liên quan với các trang khác nhau như: Khoa Phẫu thuật thẩm mỹ - Bệnh viện Chợ Rẫy, Viện Thẩm mỹ Chợ Rẫy Sài Gòn, Thẩm mỹ Chợ Rẫy, “Khoa Phẫu Thuật Tạo Hình - BV Cho Ray”…

Kết nối với trang “Khoa Phẫu thuật thẩm mỹ - Bệnh viện Chợ Rẫy”, chị H. được giới thiệu các dịch vụ thẩm mỹ vùng ngực với giá cả ưu đãi kèm với lời cam đoan do các bác sĩ đầu ngành thực hiện. Tuy nhiên, địa chỉ mà trang thông tin này hiển thị lại ở 792 đường Trường Chinh, quận Tân Bình, TPHCM. Nghi ngờ, chị H. hỏi một người bạn đang sinh sống tại TPHCM và biết được đây không phải địa chỉ của Bệnh viện Chợ Rẫy.

Thử kết nối với một trang khác có tên “Khoa Phẫu Thuật Tạo Hình - BV Cho Ray”, chị H. tiếp tục được “dụ” đến một phòng khám trên đường Lê Hồng Phong, quận 10, TPHCM. “Nếu như không cẩn thận hỏi thông tin từ bạn bè thì tôi không biết được đâu là cơ sở của Bệnh viện Chợ Rẫy thật, đâu là cơ sở giả mạo”, chị H. chia sẻ.

Một trường hợp khác, do mắc hội chứng rối loạn cương dương nên anh P.M.N. (35 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) tìm kiếm thông tin bác sĩ, nơi điều trị trên mạng xã hội. Trong một lần tìm kiếm, anh tìm thấy trang “Bác sĩ Nam khoa - Bệnh viện Bình Dân”. Từng biết Bệnh viện Bình Dân TPHCM nổi tiếng với chuyên khoa Nam học nên anh N. kết nối và được một người xưng là “bác sĩ Trang”, công tác tại Bệnh viện Bình Dân tư vấn tận tình.

Biết anh N. ngại đến nơi đông người, bác sĩ Trang khuyên anh nên đến phòng khám riêng của mình để được thăm khám với cam kết “giá theo dịch vụ nhà nước”. Sau khi đến địa chỉ theo hướng dẫn của bác sĩ Trang, anh N. mới tá hỏa vì đây là Phòng khám Đa khoa Hoàn Cầu, không phải là phòng khám của bác sĩ khoa Nam học - Bệnh viện Bình Dân. Nhận thấy có dấu hiệu không rõ ràng, anh N. từ chối khám.

Giả mạo thương hiệu, đặt tên giống với tên các bệnh viện lớn đã trở thành “chiêu” hút khách hàng của một số cơ sở khám chữa bệnh, dịch vụ thẩm mỹ trong những năm gần đây. Mới đây nhất, Bệnh viện Quân y 175 đã cảnh báo về tình trạng một số trang cá nhân và phòng khám tư, cơ sở thẩm mỹ sử dụng thương hiệu Bệnh viện 175 như “Viện thẩm mỹ 175”, “Bệnh viện 175”… để quảng cáo và thu hút bệnh nhân.

“Việc mạo danh, giả mạo thương hiệu Bệnh viện Quân y 175 để trục lợi cá nhân, lừa đảo có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân, làm ảnh hưởng đến uy tín của bệnh viện”, Đại tá Nguyễn Văn Tuấn, Chủ nhiệm Chính trị, Bệnh viện Quân y 175, cho biết.

Phải có biện pháp mạnh tay

Là một trong những bác sĩ bị giả mạo tên tuổi thường xuyên để rao bán các loại thuốc, thực phẩm chức năng, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, cho biết, chuyên môn của ông về nhiễm nhi nhưng hình ảnh bị cắt ghép vô tội vạ để bán các loại thuốc trị tiểu đường, thuốc trị cơ xương khớp, giãn tĩnh mạch và cả thuốc tăng sinh lý nam giới.

Dù đã nhiều lần lên tiếng khẳng định trên trang cá nhân không quảng cáo cho bất cứ loại thuốc, thực phẩm chức năng nào nhưng ông vẫn rơi vào tình trạng “dở khóc dở cười” khi bị người bệnh “mắng vốn”. “Một người nhắn cho tôi bảo là vì tin tôi nên đã mua 8 lọ thuốc trị tiểu đường do tôi quảng cáo nhưng sau khi uống thì đường huyết tăng gấp đôi so với trước. Người này mắng tôi là lừa đảo, không có đạo đức. Tôi đã đính chính nhiều lần nhưng vẫn có người bệnh bị lừa”, bác sĩ Trương Hữu Khanh giãi bày và cho biết, nếu trước đây kẻ gian chủ yếu cắt ghép hình ảnh ông để gắn thông tin quảng cáo thì nay dùng chiêu thức tinh vi hơn bằng cách thiết kế một bài viết giống như bài phỏng vấn trên báo chính thống, ghép hình ảnh và quảng cáo thuốc… khiến người bệnh dễ dàng mắc bẫy hơn.

Theo các chuyên gia, việc mạo danh bệnh viện và các bác sĩ nổi tiếng để lại những hậu quả nghiêm trọng. Với người dân, do tin tưởng thương hiệu bệnh viện và uy tín bác sĩ nên tìm đến những nơi giả mạo. Có người dù mất tiền nhưng bệnh không khỏi mà còn nặng thêm, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng. Còn với bệnh viện và bác sĩ bị giả mạo thì bị sụt giảm uy tín nghiêm trọng.

TS-BS Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân, cho biết, dù đơn vị đã đăng ký bảo hộ thương hiệu từ lâu nhưng vẫn là nạn nhân của chiêu mạo danh trên mạng. “Dễ bị mắc bẫy lừa giả mạo nhất là những người bệnh từ các tỉnh thành lên TPHCM thăm khám tại các bệnh viện tuyến cuối nhưng lại bị lừa đến một cơ sở khác. Điều này vừa ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người bệnh trong khi uy tín xây dựng trong suốt hàng chục năm của bệnh viện và bác sĩ bị tổn hại”, TS-BS Mai Bá Tiến Dũng bày tỏ.

Để chấm dứt tình trạng mạo danh bệnh viện, bác sĩ nhằm trục lợi, các chuyên gia cho rằng những cơ sở y tế, bác sĩ bị giả mạo lên tiếng cảnh báo thôi là chưa đủ mà rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và người dân. Trước khi lựa chọn một cơ sở khám chữa bệnh hay cơ sở thẩm mỹ, người dân có thể kiểm tra tính hợp pháp của các cơ sở này thông qua cổng tra cứu của ngành y tế.

Ngoài ra, có thể gọi đến đường dây nóng của bệnh viện để phản ánh hoặc xác minh thông tin. Tại TPHCM, người dân có thể truy cập cổng tra cứu hoạt động khám chữa bệnh tại địa chỉ: thongtin.medinet.org.vn để kiểm tra. Với thực phẩm chức năng, người dân có thể tra cứu thông tin liên quan đến công bố và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/ và https://nghidinh15.vfa.gov.vn/ trước khi quyết định chọn mua sản phẩm. (Sài Gòn giải phóng, trang 4).

 

Nhập chai dịch truyền Globulin điều trị bệnh tay chân miệng

Nhằm đảm bảo có đủ thuốc điều trị cho bệnh nhân mắc tay chân miệng trong bối cảnh dịch bệnh này đang gia tăng, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) và các doanh nghiệp kinh doanh dược đang nỗ lực tìm kiếm nguồn cung thuốc điều trị bệnh tay chân miệng.

Tiếp theo việc nhập khẩu 6.000 chai dịch truyền Globulin miễn dịch đã được Công ty TNHH Thương mại dược phẩm Duy Anh nhập khẩu vào tháng 6, dự kiến trong tuần này, Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương CPC1 sẽ nhập khẩu thêm 3.000 chai dịch truyền Globulin miễn dịch trên tổng số 15.000 chai đã được cấp phép nhập khẩu.

Hiện việc nhập khẩu đã sẵn sàng, chỉ phụ thuộc vào việc sắp xếp chuyến bay trong thời gian sớm nhất có thể. Đối với thuốc tiêm chứa hoạt chất Phenobarbital, Cục Quản lý dược đã cấp giấy phép cho Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương CPC1 nhập khẩu 21.000 ống thuốc và số thuốc này đã được đưa về Việt Nam.

Theo Bộ Y tế, 7 tháng đầu năm, cả nước đã ghi nhận khoảng 35.000 ca mắc bệnh tay chân miệng, so với cùng kỳ năm 2022, số mắc giảm 9,7%. Tuy nhiên, số ca tử vong lại gia tăng 15 ca, trong khi cùng kỳ năm ngoái có 3 ca. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

Cùng chủ đề Sức khoẻ & Đời sống, trang 2: “Thêm 3.000 chai truyền Globulin miễn dịch, 21.000 ống thuốc điều trị Tay chân miệng về Việt Nam”; Lao động, trang 2: “Việt Nam nhận số lượng lớn thuốc điều trị bệnh tay chân miệng”.

 

Bộ trưởng Bộ Y tế: Tạo điều kiện về cơ chế, chính sách đối với hiến máu tình nguyện nhằm đủ máu cho cấp cứu, điều trị

Chiều 29/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp mặt người hiến máu tình nguyện toàn quốc tiêu biểu.

Cùng dự buổi tiếp có Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện; Bà Bùi Thị Hòa - Chủ tịch TW Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động HMTN; Ông Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động HMTN; Lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành, Văn phòng Chính phủ cùng dự...

Báo cáo về công tác HMTN và tôn vinh người hiến máu tiêu biểu tại buổi lễ, thay mặt Ban Chỉ đạo, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu rõ, trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Quốc hội và Chính phủ, sự tham gia tích cực của các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị, xã hội, cơ quan, đơn vị; sự vào cuộc của Ban Chỉ đạo vận động HMTN các cấp; đặc biệt là sự chung sức, đồng lòng, hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong cả nước, phong trào HMTN nước ta đã thu được nhiều kết quả rất khích lệ, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, ngày 7/4/2000, nhân ngày Sức khỏe thế giới với chủ đề "An toàn truyền máu bắt đầu từ tôi", Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 43/2000/QĐ-TTg về việc Vận động và khuyến khích nhân dân HMTN và lấy ngày 07/4 hằng năm là Ngày Toàn dân HMTN.

Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia vận động HMTN. Từ đó đến nay, toàn quốc đã vận động, tiếp nhận trên 16 triệu đơn vị máu. Lượng máu thu được năm sau luôn cao hơn năm trước cả về số lượng và chất lượng, từ hơn 500.000 đơn vị máu (2008) lên hơn 1,4 triệu đơn vị máu (2022), trong đó, 99% lượng máu tiếp nhận là từ người HMTN, tương đương gần 1,5% dân số tham gia hiến máu.

"Các chiến dịch, sự kiện lớn về HMTN ngày càng được tổ chức quy mô, khoa học, bài bản, phù hợp với từng đối tượng, thu hút đông đảo các lực lượng tham gia HMTN. Đến nay 100% tỉnh, thành phố; quận, huyện và 86% số xã, phường đã lập Ban Chỉ đạo vận động HMTN" - Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Trong nhiều thời điểm của đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, công tác tiếp nhận và cung cấp máu cho điều trị, cấp cứu người bệnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm thực hiện Ngày "Toàn dân HMTN" (7/4/2000 - 7/4/2020), Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi thư kêu gọi, động viên đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước tham gia HMTN.

Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước như lời hiệu triệu kêu gọi hàng nghìn người dân và chiến sĩ cả nước tham gia hiến máu nhiệt tình, đây là sự kiện quan trọng và có ý nghĩa vô cùng thiết thực, nhờ đó lượng máu tiếp nhận được đã đảm bảo phục vụ cho công tác cấp cứu và điều trị người bệnh trên toàn quốc trong thời gian dịch COVID-19 kéo dài.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, từ năm 2004, Tổ chức Y tế thế giới, Hiệp hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế và Hiệp hội Truyền máu quốc tế đã thống nhất lấy ngày 14 tháng 6 hằng năm là "Ngày Quốc tế Người hiến máu" nhằm kêu gọi, động viên đông đảo người dân có đủ sức khỏe tham gia HMTN. Nhân sự kiện có tính toàn cầu này, từ năm 2008 đến nay, hằng năm Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động HMTN tổ chức các hoạt động tôn vinh 100 người HMTN tiêu biểu toàn quốc hưởng ứng "Ngày Quốc tế người hiến máu" nhằm ghi nhận, biểu dương và tri ân những tấm lòng nhân ái, những người sẵn sàng sẻ chia dòng máu quý giá của mình cho người bệnh.

Năm nay, Ban Chỉ đạo quốc gia tổ chức các hoạt động tôn vinh 100 người HMTN tiêu biểu toàn quốc, với các hoạt động được diễn ra từ ngày 27-29/7/2023 tại Thủ đô Hà Nội và tỉnh Phú Thọ với thông điệp "Thường xuyên hiến máu, hiến huyết tương. Chia sẻ yêu thương, trao sự sống".

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, trong 100 đại biểu có mặt hôm nay, có 20 đại biểu là nữ, 16 đại biểu thuộc khối giáo dục, 8 đại biểu là nhân viên y tế và 07 đại biểu thuộc lực lượng vũ trang. Đại biểu lớn tuổi nhất 61 tuổi, đại biểu trẻ nhất 22 tuổi. Có 10 đại biểu đã hiến máu từ 19 - 29 lần, 60 đại biểu đã hiến máu từ 30 - 49 lần, 20 đại biểu đã hiến từ 50 - 69 lần, 08 đại biểu đã hiến từ 70 - 99 lần, 02 đại biểu hiến máu trên 100 lần.

"Điển hình, ông Trần Minh Mến (tỉnh Bình Thuận) đã hiến máu 100 lần và vận động 3.000 người cùng tham gia hiến máu; ông Trần Như Dũng (TP Hà Nội) đã 93 lần hiến máu và hiến tiểu cầu; bà Hồ Kim Phượng (TP Hồ Chí Minh) hiến máu 78 lần…. Các gia đình hiến máu tiêu biểu như gia đình ông Võ Tấn Cường (tỉnh Vĩnh Long) đã tham gia hiến máu 119 lần; gia đình ông Hà Quốc Hải (TP Đà Nẵng) tham gia hiến máu trên 100 lần. Ngoài việc tham gia HMTN, các đại biểu còn tích cực tuyên truyền vận động cộng đồng và gia đình tham gia HMTN" - Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3).

 

Đề xuất nâng cấp 5 bệnh viện hạng đặc biệt để thu hút người nước ngoài đến Việt Nam khám chữa bệnh

Trong quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Y tế đề xuất nâng cấp, đầu tư một số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh đảm nhận chức năng vùng; 5 bệnh viện hạng đặc biệt sẽ được nâng cấp thành bệnh viện hiện đại, để thu hút người nước ngoài đến khám chữa bệnh.

Theo đó, Bộ Y tế đề xuất nâng cấp, đầu tư một số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh đảm nhận chức năng vùng gồm 20 bệnh viện đa khoa, bổ sung 7 bệnh viện đa khoa mới ở vùng có địa bàn rộng, khó khăn trong tiếp cận bệnh viện tuyến Trung ương (Trung du và Miền núi phía bắc) và vùng có mật độ dân số cao (Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ), 20 bệnh viện chuyên khoa.

Bên cạnh đó, trong quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Y tề đề xuất bệnh viện hạng đặc biệt sẽ được nâng cấp thành bệnh viện hiện đại ngang tầm một số nước trong khu vực và quốc tế để giảm số người Việt Nam phải ra nước ngoài, thu hút người nước ngoài đến khám chữa bênhh tại Việt Nam.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết bác sĩ Việt Nam hiện nay đã làm chủ được rất nhiều kỹ thuật điều trị cao không thua các nước khác, điển hình là các kỹ thuật làm răng, thụ tinh trong ống nghiệm, điều trị đột quỵ, ghép gan, ghép thận, ghép tim, chữa khớp, mổ nội soi, phẫu thuật mắt, kỹ thuật chẩn đoán… Sự phát triển về kỹ thuật y tế này đã thu hút rất nhiều Việt kiều về nước điều trị.

Cùng đó tại một số bệnh viện lớn của nước ta thời gian qua đã thu hút nhiều người nước ngoài đến thăm khám, điều trị...

Cũng theo PGS.TS Khuê, một trong những thế mạnh của y tế trong nước là chi phí thấp hơn các nước trong khi chất lượng lại không thua kém.

Cũng tại quy hoạch này, Bộ Y tế nêu rõ định hướng phát triển khu vực y tế ngoài công lập tập trung cung cấp dịch vụ kỹ thuật chất lượng cao, khám chữa bệnh theo yêu cầu, khuyến khích hợp tác công-tư, đầu tư tư nhân; mở rộng quy mô giường bệnh của các bệnh viện tư nhân đạt 10% tổng số giường bệnh cả nước vào năm 2025, 15% vào năm 2030 và 25% vào năm 2050.

Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 35 giường bệnh, 15 bác sĩ, 3,4 dược sĩ đại học, 25 điều dưỡng trên 10.000 dân; đến năm 2030 là 35 giường bệnh, 19 bác sĩ, 4 dược sĩ đại học, 33 điều dưỡng; năm 2050 là 45 giường bệnh, 35 bác sĩ, 4,5 dược sĩ đại học, 90 điều dưỡng.

Báo cáo của đơn vị tư vấn lập quy hoạch cho biết, khả năng tiếp cận tới bệnh viện tuyến trung ương ở một số vùng rất thấp, như: vùng Tây Nguyên không có bệnh viện trung ương, Đồng bằng sông Cửu Long có 14 tỉnh nhưng chỉ có 1 bệnh viện trung ương; 80% bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại tuyến trung ương không tin tưởng chất lượng dịch vụ y tế ở tuyến dưới. Hiện chỉ có 32,8% trung tâm y tế/bệnh viện huyện và 27,6% trạm y tế xã thực hiện được trên 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến chuyên môn. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 2).

 

Cảnh giác ngộ độc thực phẩm từ bếp ăn gia đình

Từ những vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra thời gian qua cho thấy, nguy cơ ngộ độc thực phẩm không chỉ đến từ những quán ăn vỉa hè hay bếp ăn tập thể mà còn từ bếp ăn trong chính mỗi gia đình.

Do đó, mỗi người dân cần phải tự trang bị những kiến thức cơ bản về bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khỏe của mình và những người thân.

Nhiều hình thái ngộ độc thực phẩm

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 7-2023, cả nước xảy ra 9 vụ ngộ độc thực phẩm với 89 người mắc, 1 trường hợp tử vong. Tính chung 7 tháng năm 2023, cả nước xảy ra 60 vụ ngộ độc thực phẩm với 860 người mắc, trong đó có 12 người tử vong. Những số liệu này một lần nữa cảnh báo về mối nguy của ngộ độc thực phẩm đối với sức khỏe và tính mạng con người. Điều đáng nói, trong số những vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra thời gian qua, có cả những vụ ngộ độc đến từ chính căn bếp trong gia đình.

Mới đây, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận chùm ca ngộ độc nấm nặng nhất trong 5 năm qua. Sau khi đi rừng hái nấm, chị Bàn Thị Ng (ở Hà Giang) đã về nấu cho cả gia đình ăn. Bữa cơm đó có 5 người, gồm 3 người lớn và 2 trẻ nhỏ. Đến sáng hôm sau, các thành viên trong gia đình xuất hiện đau bụng, nôn mửa, mệt mỏi. Một cháu nhỏ bị ngộ độc nặng đã tử vong và một cháu nhẹ hơn được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang. Còn 3 người lớn được chuyển đến Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai). Tại đây, dù các bệnh nhân được theo dõi, điều trị tích cực nhưng do ngộ độc quá nặng nên 2 bệnh nhân đã tử vong.

Không chỉ nấm mà thực tế còn có nhiều loại thực phẩm bản thân có sẵn các chất độc. Theo các chuyên gia y tế, các loại thực phẩm có độc tố tự nhiên được chia làm hai loại, gồm: Thực phẩm có nguồn gốc động vật như cá nóc, bạch tuộc xanh, cóc, nhuyễn thể, mật cá... và thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như nấm độc, khoai tây mọc mầm, măng và sắn độc, lạc mốc, hạnh nhân đắng, lá ngón... Nếu không biết cách phân biệt, lựa chọn thực phẩm và xử trí đúng cách, kịp thời khi ăn phải thì ngộ độc thực phẩm có độc tố tự nhiên có thể gây tử vong rất nhanh.

Ngoài ra, ngộ độc cũng xảy ra khi thực phẩm được bảo quản sai cách. Tại Bệnh viện trung ương Quân đội 108 cũng đã tiếp nhận một ca bệnh với chẩn đoán nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn.

Theo lời kể của bệnh nhân, buổi sáng trước khi vào viện, bệnh nhân có ăn một quả dưa lê đã cắt và để trong tủ lạnh từ tối hôm trước. Sau khi ăn khoảng 2 giờ, bệnh nhân xuất hiện buồn nôn, nôn ra dịch dạ dày có lẫn thức ăn, kèm theo đau bụng âm ỉ quanh rốn, đi ngoài phân lỏng, rối loạn tiểu tiện…

Nhiều người vì tiết kiệm thường bọc thức ăn thừa để trong tủ lạnh cho hôm sau. Thực ra thói quen này không bảo đảm an toàn 100%. Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cảnh báo, người dân đừng coi chiếc tủ lạnh là một “bảo bối” tích trữ thực phẩm. Tùy từng loại thực phẩm mà thời gian bảo quản khác nhau. Ngăn tủ lạnh chứa quá nhiều thực phẩm sẽ chặn luồng khí lạnh lưu thông khiến nhiệt độ bảo quản không được như mong muốn, dễ gây hư hỏng thực phẩm, dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm... Hơn nữa, khi thực phẩm được bảo quản sai cách hoặc để thực phẩm sống - chín lẫn lộn có thể khiến thực phẩm bị nhiễm khuẩn, lây nhiễm chéo hoặc lên men, hư thối, nhiễm các loại vi khuẩn... làm tăng nguy cơ gây tổn thương về đường tiêu hóa, gây ngộ độc cấp tính.

Cần tuân thủ 10 nguyên tắc “vàng”

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm ngay tại bếp ăn của mỗi gia đình, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho rằng, mỗi người cần thực hiện đầy đủ 10 nguyên tắc “vàng” trong chế biến thực phẩm, đó là chọn các thực phẩm tươi, sạch, không dập nát, có nguồn gốc rõ ràng; thực hiện “ăn chín, uống chín”; ngâm rửa sạch rau, quả tươi, nhất là loại rau dùng ăn sống, rửa rau dưới vòi nước chảy, ngâm nước muối; che đậy bảo quản cẩn thận thức ăn đã được nấu chín, ăn ngay sau khi vừa nấu xong, đun kỹ thức ăn đã qua bữa trước khi dùng lại; không để lẫn thức ăn sống và thức ăn chín; không dùng chung dụng cụ chế biến thức ăn sống và thức ăn chín; rửa tay trước khi chế biến thực phẩm, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; giữ bếp, dụng cụ và nơi chế biến luôn sạch sẽ, gọn gàng và khô ráo; không ăn thức ăn ôi thiu, mốc hỏng và dùng nước sạch để chế biến thức ăn, đồ uống.

Các chuyên gia y tế lưu ý, người tiêu dùng khi lựa chọn các loại thực phẩm trong mùa hè nên mua những thực phẩm còn tươi, có nhãn mác ở những cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm. Ngoài ra, với những thức ăn thừa nên để ở ngăn mát của tủ lạnh. Trước khi cất vào tủ lạnh cần đun lại để diệt hết vi khuẩn, sau đó để nguội, cất riêng vào từng hộp có nắp đậy. Thức ăn đã để ở ngăn mát, muốn ăn cần phải nấu lại, tuyệt đối không ăn ngay. Cùng với đó, không sử dụng lại các món ăn để dành trong tủ lạnh quá 1-2 ngày. Nhóm thực phẩm dễ gây ngộ độc khi để qua đêm, gồm: Rau xanh, trứng, nước trà, các loại nấm nấu chín, các loại canh, các món gỏi, nộm, cá và hải sản các loại…

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng đưa ra khuyến cáo, người dân tuyệt đối không thu hái, đánh bắt, sử dụng các loại nấm độc, côn trùng lạ, cá nóc, trứng cóc, so biển, ốc lạ, cây, quả lạ… để làm thức ăn. Ngoài ra, tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm. Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong việc lựa chọn, sơ chế, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn. (Hà Nội mới, trang 5).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang