Chuyên gia tư vấn cách phòng bệnh hô hấp trong dịp lễ hội, du xuân
Thời điểm đông-xuân là cao điểm của một số bệnh lý đường hô hấp, trong khi dịch COVID-19 có dấu hiệu gia tăng trở lại. Vì vậy, chúng ta cần chủ động có những biện pháp để nâng cao thể trạng, phòng chống bệnh tật để một mùa xuân thật ý nghĩa, khỏe mạnh.
PGS.TS Phan Thu Phương - Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai - đã chia sẻ một số lưu ý để đảm bảo an toàn cho bạn trong dịp lễ hội và du xuân.
Tiêm phòng vaccine phòng ngừa nhiễm bệnh hô hấp
Vào những ngày cận Tết, thời tiết thay đổi từ mùa đông chuyển sang mùa xuân với độ ẩm cao, nhiệt độ thấp cộng thêm chức năng đề kháng của cơ thể bị suy giảm. Điều này khiến cho các loại vi trùng, virus, nấm mốc… phát triển mạnh mẽ gây nên các căn bệnh về đường hô hấp. Vì vậy, cần tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ, cũng như tiêm các vaccine phòng bệnh hô hấp như: Tiêm vaccine cúm hàng năm, vaccine phế cầu mỗi 5 năm một lần.
Giữ khoảng cách với những người có biểu hiện bị bệnh đường hô hấp
Nguy cơ nhiễm khuẩn hô hấp cao hơn trong những không gian đông đúc và không đủ thông gió, trong khi dịp Tết cổ truyền lại là dịp tụ họp quây quần, đây là một nét truyền thống trong văn hóa Á Đông.
Để làm cho môi trường của bạn an toàn nhất có thể: Cần tránh không gian kín, đông đúc và tiếp xúc gần. Khi gặp gỡ mọi người bên ngoài như tụ họp ngoài trời an toàn hơn so với trong nhà, nhất là khi không gian trong nhà nhỏ và không có lưu thông với không khí bên ngoài.
Đeo khẩu trang phù hợp và đúng cách
Đảm bảo khẩu trang che mũi, miệng và cằm. Rửa tay sạch sẽ trước khi đeo, trước và sau khi tháo ra và sau khi bạn chạm vào khẩu trang. Khi bạn tháo khẩu trang, để vào túi nylon sạch, giặt hàng ngày nếu là khẩu trang vải hoặc vứt vào thùng rác nếu là khẩu trang y tế.
Thường xuyên rửa tay sạch bằng dung dịch sát khuẩn có cồn hoặc bằng xà phòng và nước
Rửa tay sau khi trở về từ nơi công cộng, trước và sau khi ăn uống, trước khi chuẩn bị thức ăn, sau khi xì mũi, ho, hay chạm vào động vật, sau khi thay tã lót cho em bé, sau khi xử lý rác thải, sau khi đi vệ sinh… là rất cần thiết để kịp thời loại bỏ vi rút cũng như vi khuẩn.
Tuân thủ vệ sinh đường hô hấp, các quy định kiểm soát nhiễm khuẩn
Che miệng và mũi của bạn bằng khuỷu tay hoặc khăn giấy khi bạn ho hoặc hắt hơi. Vứt bỏ khăn giấy đã sử dụng ngay lập tức và rửa tay sạch sẽ thường xuyên.
Tuân thủ vệ sinh đường hô hấp cũng như các quy định kiểm soát nhiễm khuẩn, bạn sẽ bảo vệ những người xung quanh khỏi virus gây bệnh hô hấp như cúm và COVID-19.
Chế độ dinh dưỡng và luyện tập thể dục hợp lý
Dịp Tết, chúng ta thường tiếp xúc những thức ăn giàu tinh bột và chất đạm, chất béo. Tuy nhiên, bạn cần nhớ rằng, ăn uống hài hòa và đảm bảo dinh dưỡng sẽ giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng.
Vì vậy, chúng ta cần ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: Tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống nước ấm, tránh ăn uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm, động vật ốm chết và không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3).
Sáng 1/2: Tròn 1 tháng Việt Nam không ghi nhận ca COVID-19 tử vong
Theo thống kê của Bộ Y tế, tháng 1/2023 cả nước ghi nhận gần 1.300 ca mắc COVID-19, giảm mạnh so với thời gian trước đó; Trong tháng 1/2023, Việt Nam không ghi nhận bệnh nhân COVID-19 tử vong...
Cả tháng chỉ ghi nhận gần 1.300 ca mắc COVID-19
Bộ Y tế cho biết ngày 31/1 có 36 ca mắc COVID-19 mới, giảm nhẹ so với ngày trước đó. Đây là ngày thứ 2 trong vòng 2 tuần qua có số ca mắc cao. Trong ngày có 15 bệnh nhân khỏi.
Tổng số ca mắc COVID-19 trong tháng 1/2023 là gần 1.300 ca, trong đó ngày có số mắc cao nhất là 88 ca (12/1), ngày có số ca mắc thấp nhất là 3 ca (ngày 23/1). Trung bình khoảng hơn 40 ca/ ngày. So với cùng kỳ năm 2022, số mắc mới của cả tháng 1/2023 không bằng 1 ngày của tháng 1/2022.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.526.497 ca mắc COVID-19, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.484 ca nhiễm).
Tròn 1 tháng không ghi nhận ca tử vong do COVID-19
Số ca mắc mới giảm nên số bệnh nhân nặng phải thở máy, oxy cũng giảm trong tháng 1/2023. Có thời điểm cả nước không còn bệnh nhân COVID-19 nặng, hoặc có những ngày chỉ có 1-2 bệnh nhân nặng.
Trong tháng 1/2023 cả nước không ghi nhận trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào tử vong. Đến nay, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 3 ASEAN).
Theo Bộ Y tế, hiện nay tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, các biến thể mới liên tục được ghi nhận, trong đó biến thể XBB với khả năng tránh miễn dịch và lây lan nhanh đã xuất hiện ở 70 quốc gia.
Cùng đó, theo đánh giá và nhận định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch COVID-19 vẫn diễn biến khó lường, khó dự đoán, nhất là sự xuất hiện của các biến chủng mới.
Do vậy, Bộ Y tế vẫn tiếp tục tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh. Phòng, chống dịch COVID-19 vẫn là ưu tiên hàng đầu; không để dịch COVID-19 bùng phát trở lại, không để "dịch chồng dịch". Nâng cao năng lực phân tích, dự báo; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án đáp ứng hiệu quả với dịch bệnh... (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3).
Lễ hội Xuân hồng 2023: ‘Hiến máu đầu xuân - Nhân lên hạnh phúc’
Lễ hội Xuân hồng 2023 - sự kiện hiến máu nhân đạo lớn nhất, mở đầu cho một năm mới, góp phần lan tỏa tình thương yêu, lòng nhân ái và trách nhiệm với cộng đồng sẽ diễn ra từ ngày 1/2- 12/2/2023 tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Nhà Văn hoá huyện Gia Lâm và 5 điểm hiến máu cố định...
Thông tin từ Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết Lễ hội Xuân hồng 2023 - sự kiện hiến máu lớn nhất Việt Nam, được tổ chức vào dịp Tết bởi Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội kết hợp với Viện huyết học – Truyền máu Trung ương diễn ra từ ngày 1/02 – 12/2/2023 tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Nhà Văn hoá huyện Gia Lâm và 5 điểm hiến máu cố định gồm: 26 Lương Ngọc Quyến (Hoàn Kiếm), số 10 – ngõ 122 đường Láng (Đống Đa), 78 Nguyễn Trường Tộ (Ba Đình), Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (Km 13+500, Quốc lộ 1A, Thanh Trì).
Trải qua 15 kỳ tổ chức, Lễ Hội Xuân hồng đã trở thành điểm đến hấp dẫn của hàng vạn tấm lòng nhân ái mỗi dịp đầu xuân.
Ở lần thứ 16 này Lễ hội Xuân hồng với thông điệp "Hiến máu đầu xuân - Nhân lên hạnh phúc" mong muốn mọi người dân có đủ điều kiện, sức khỏe sẵn sàng sẻ chia giọt máu quý giá của mình nhân dịp đầu xuân năm mới, như một phong bao lì xì dành tặng cho người bệnh cần máu.
Năm nay, Lễ hội Xuân hồng dự kiến tiếp cận tối thiểu 30.000 người, thu hút khoảng 10.000 người tới tham gia hiến máu tại chương trình và tiếp nhận 8.000 đơn vị máu.
PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết, năm nay, khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, tình hình tiếp nhận máu đặc biệt được cải thiện hơn so với những năm trước.
Trong tháng 12.2022 và tháng 1.2023, Viện đã tiếp nhận được trên 50.000 đơn vị máu; riêng 2 tuần cuối cùng trước Tết, Viện đã tiếp nhận hơn 20.000 đơn vị máu. Lượng máu tiếp nhận này đã giúp Viện bảo đảm cung cấp máu ổn định cho gần 200 bệnh viện tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, đủ đáp ứng cho nhu cầu cấp cứu và điều trị trong Tết và ngay sau Tết.
Ngay từ đầu năm mới 2023, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã phát động Lễ hội Xuân hồng 2023 – một chiến dịch vận động hiến máu tình nguyện trên cả nước, khơi dậy rất nhiều tấm lòng nhân ái trong cộng đồng. Hầu hết tỉnh, thành phố đều chọn Xuân hồng làm chương trình hiến máu khởi động cho một mùa xuân mới, nhiều cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị cũng hưởng ứng sự kiện này.
Những ngày đầu năm mới, nhiều tỉnh, thành phố như TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, An Giang, Bình Định, Bắc Giang, Lạng Sơn, Lai Châu… cũng đồng loạt tổ chức lễ hội Xuân hồng 2023, thu hút hàng chục nghìn lượt người hiến máu.
Khác với các lễ hội đang diễn ra trên cả nước, Xuân hồng là lễ hội duy nhất mà người đến tham dự không mong cầu điều gì cho bản thân, gia đình, mà để trao tặng những giọt máu quý giá của mình với mong muốn cứu sống người bệnh. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3).
Cải tiến chất lượng bệnh viện là nhiệm vụ “sống còn”
Bộ Y tế sẽ tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng việc giảm quá tải bệnh viện, tăng cường khám, chữa bệnh từ xa, thực hiện Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện...
Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), hệ thống các cơ sở khám, chữa bệnh trong cả nước đã có nhiều thay đổi tích cực, nhưng cũng có những thay đổi tiêu cực, ảnh hưởng đến chất lượng bệnh viện cũng như công tác phục vụ người bệnh. Các thách thức mà hệ thống này đang phải đối mặt là nhân lực y tế tại các cơ sở công lập biến động (nhiều người nghỉ việc), thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất khó khăn… trong khi nhu cầu người dân khám, chữa bệnh ngày càng tăng và đòi hỏi ngày càng cao.
Bên cạnh đó, mô hình bệnh tật kép tạo ra áp lực lớn cho hệ thống y tế, vừa phải tăng cường kiểm soát, điều trị các bệnh truyền nhiễm (Covid-19, tay chân miệng, sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ), vừa phải quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm (tim mạch, tiểu đường, tăng huyết áp, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…).
Những tai biến y khoa, sai sót chuyên môn không chỉ là vấn đề chuyên môn mà sau đó là cả vấn đề tâm lý, xã hội và chính trị mà các cán bộ làm công tác quản lý chất lượng bệnh viện phải đặc biệt lưu ý. Các bệnh viện cần triển khai mạnh mẽ công tác về an toàn người bệnh và có khảo sát, đánh giá, điều tra nguyên nhân gây tai biến y khoa. Tai biến y khoa là một trong những sai sót khó có thể tránh khỏi trong quá trình hành nghề. Do vậy các cơ sở y tế cần xác định các nhóm nguyên nhân và xây dựng các giải pháp phòng ngừa, phát hiện sớm.
Cải tiến chất lượng bệnh viện phải từ những điều nhỏ nhất và thay đổi hằng ngày, phải “thấm” từ giám đốc đến nhân viên bảo vệ. Trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng việc giảm quá tải bệnh viện, tăng cường khám, chữa bệnh từ xa, thực hiện Bộ 83 tiêu chí chất lượng bệnh viện... Lãnh đạo bệnh viện cần nghiêm túc quan tâm vấn đề cải tiến chất lượng khám, chữa bệnh, xác định đây là nhiệm vụ mang tính chiến lược, sống còn với sự phát triển của đơn vị mình.
PGS, TS Nguyễn Khoa Hùng, Giám đốc Bệnh viện Ðại học Y dược Huế cho biết, tình trạng thiếu một số loại thuốc biệt dược, thuốc đặc trị, vật tư y tế đã ảnh hưởng đến chất lượng điều trị cũng như sự hài lòng của người bệnh. Thời gian qua, tình trạng này đã bước đầu được khắc phục, nhưng quy trình mua sắm mất nhiều thời gian và chưa đủ hết những loại cần mua, cho nên đối với những người bệnh nặng, vẫn phải chuyển lên tuyến cao hơn để điều trị.
Mặc dù đã cố gắng đáp ứng nhu cầu người bệnh, giảm thiểu bất cập, nhưng việc thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế cần thiết và việc bệnh nhân phải chờ đợi, chưa được điều trị tốt nhất có thể, hoặc phải chuyển đi cơ sở khác, sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến sự hài lòng của người bệnh. Trong thời gian tới, nếu các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế được triển khai đồng bộ, chất lượng bệnh viện sẽ được nâng cao.
Sau gần ba năm ứng phó đại dịch Covid-19, ngành y tế nói chung và hệ thống khám, chữa bệnh nói riêng đã tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ sở khám, chữa bệnh chưa triển khai lấy số xếp hàng tự động; thanh toán viện phí bằng tiền mặt...
Qua khảo sát, có 455 cơ sở khám, chữa bệnh (chiếm 62%) có bộ phận công nghệ thông tin, còn 277 cơ sở khám, chữa bệnh (chiếm 38%) không có bộ phận công nghệ thông tin; hiện có tới 32,3% cơ sở khám, chữa bệnh chưa triển khai (hoặc đang có phương án triển khai) bệnh án điện tử… Chính vì vậy, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống bệnh viện trong thời gian tới.
Ðể thúc đẩy cải tiến chất lượng bệnh viện, thời gian tới các cơ quan chức năng, Bộ Y tế cần sớm có hướng dẫn triển khai Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi; ban hành các hướng dẫn xây dựng định mức kinh tế-kỹ thuật làm cơ sở cho việc xây dựng giá viện phí; tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các phác đồ, quy trình, hướng dẫn điều trị thống nhất trong cả nước; xây dựng và hoàn thiện đề án đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công...; xây dựng các phong trào thi đua cải tiến chất lượng, thiết lập các “sân chơi”, diễn đàn chất lượng… Về phía UBND các tỉnh, thành phố và sở y tế các địa phương, cần quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện cho các bệnh viện trên địa bàn cải tiến chất lượng khám, chữa bệnh…
Cải tiến chất lượng được xác định là nhiệm vụ “sống còn” đối với sự phát triển bệnh viện, cho nên lãnh đạo các đơn vị cần hết sức quan tâm vấn đề cải tiến chất lượng khám, chữa bệnh bằng cách triển khai đầy đủ, nghiêm túc các bộ tiêu chuẩn, tiêu chí chất lượng và làm thực chất; đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn về quản lý chất lượng; hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng tại đơn vị mình như: phòng, tổ quản lý chất lượng; nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ quản lý chất lượng; tăng cường đào tạo, tập huấn về quản lý chất lượng; huy động các nguồn lực đầu tư cho cải tiến chất lượng…
Ðích đến của cải tiến chất lượng là sự hài lòng của người bệnh, do vậy các bệnh viện cần triển khai khảo sát sự hài lòng của người bệnh, nhân viên y tế với tinh thần thực sự cầu thị, trân trọng các góp ý…
Ðể khuyến khích cũng như thúc đẩy cải tiến chất lượng bệnh viện, năm 2023 Bộ Y tế sẽ triển khai Giải thưởng quốc gia về chất lượng bệnh viện, cùng với đó là các giải thưởng chuyên đề về an toàn người bệnh, an toàn phẫu thuật, chất lượng lâm sàng, chất lượng xét nghiệm, công tác dược bệnh viện, dinh dưỡng lâm sàng, kiểm soát nhiễm khuẩn, phát triển nguồn nhân lực y tế, cải tiến quy trình khám, chữa bệnh, ứng dụng công nghệ thông tin trong bệnh viện và giải thưởng về đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. (Nhân dân, trang 5).
Khởi công xây dựng Bệnh viện Phụ sản Trung ương cơ sở 2, đặt tại Quốc Oai - Hà Nội
Sáng nay, 1-2, dự án Bệnh viện Phụ sản Trung ương cơ sở 2 quy mô 300 giường bệnh nội trú đã được khởi công xây dựng tại xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội.
PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cơ sở 2 được đầu tư xây mới trên tổng diện tích xây dựng khoảng 6ha, quy mô 300 giường bệnh nội trú, tổ chức khám sức khỏe cho khoảng 1.000 lượt người/ngày.
Công trình xây dựng chính gồm: Khối hành chính 3 tầng, khối kỹ thuật nghiệp vụ 8 tầng, 2 khối điều trị nội trú cao 6 tầng cùng một số hạng mục công trình phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 600 tỷ đồng, do liên danh 3 nhà thầu thi công trong thời gian gần 2 năm, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2024.
Dự lễ khởi công, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, việc xây dựng Bệnh viện Phụ sản Trung ương cơ sở 2 tại huyện Quốc Oai (Hà Nội) với cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh và trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, tiên tiến nhằm cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản cho bà mẹ, trẻ sơ sinh.
Đồng thời, cơ sở 2 này sẽ góp phần giảm quá tải bệnh nhân tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương cơ sở 1 trong nội thành Thủ đô như mục tiêu dự án được Chính phủ phê duyệt. (An ninh thủ đô, trang 3).