Nỗ lực giảm thời gian chờ khám, chữa bệnh
Tại các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh, thời gian chờ khám bệnh đã rút ngắn khá nhiều so với trước đây. Nhưng ở bệnh viện tuyến trung ương, thời gian chờ vẫn còn dài, cho nên ngành y tế đã yêu cầu các bệnh viện thực hiện ngay những giải pháp cụ thể để rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh.
Triển khai Ðề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp, trong đó có giảm quá tải khu vực ngoại trú bằng việc cải tiến quy trình khám bệnh. Toàn ngành thống nhất quy trình khám bệnh tại tất cả các bệnh viện đối với người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế và người bệnh khám, chữa bệnh theo yêu cầu theo quy trình cơ bản gồm 4 đến 8 bước (tùy theo tính chất của bệnh và yêu cầu của bác sĩ đối với các xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán), giảm khoảng 50% so với quy trình từ 10 đến 15 bước trước đây. Ðồng thời, cắt giảm một số thủ tục hành chính như: bệnh viện phải phô-tô giấy tờ cần thiết thay vì yêu cầu người bệnh phải tự phô tô; sau khi làm xét nghiệm, người bệnh không phải chờ để tự lấy kết quả xét nghiệm (trừ kết quả chẩn đoán hình ảnh); cắt giảm hai trong năm chữ ký trong phiếu thanh toán viện phí khi ra viện. Bộ Y tế cũng yêu cầu bệnh viện tăng số bàn khám để giảm số lượng khám trên mỗi bàn khám và giúp bác sĩ có thể tăng thời gian khám, tư vấn cho người bệnh. Sau 5 năm thực hiện Quyết định 1313/QÐ-BYT hướng dẫn quy trình khám bệnh tại bệnh viện, các cơ sở y tế cũng đã tích cực triển khai nhiều hoạt động cải thiện môi trường khoa phòng, khu vực khám bệnh; cải tiến quy trình, rút ngắn thời gian chờ khám bệnh; thực hiện cải tiến môi trường vệ sinh chung của bệnh viện theo hướng khang trang, thuận tiện, tiện nghi, sạch đẹp hơn... Nhờ đó, kết quả khảo sát sự hài lòng cho thấy yếu tố hài lòng nhất của người bệnh là khả năng tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh. Báo cáo của Cục Quản lý chất lượng khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho thấy: thời gian khám lâm sàng chung của cả ba tuyến bình quân là 66,5 phút (giảm 53,5 phút); tuy nhiên thời gian chờ vẫn rất dài, với 45,4 phút. Khám lâm sàng theo hai kỹ thuật phối hợp cả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh là 200 phút (giảm so với quy định 40 phút), tuy nhiên thời gian chờ là 92,6 phút... Bình quân giảm thời gian khám bệnh trên một lượt khám so với trước khi có cải tiến là 48,5 phút, qua đó tiết kiệm được tới hơn 27 triệu ngày công lao động mỗi năm. Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện nay tại các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh, thời gian chờ khám của người dân đã giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, tại các bệnh viện tuyến trung ương, người bệnh vẫn phải chờ rất lâu. Người bệnh đi khám nhịn ăn sáng, xếp hàng lấy số từ 5 - 6 giờ sáng nhưng phải đến 8 - 9 giờ mới được khám. Những trường hợp phải làm thêm các xét nghiệm sinh hóa, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng… thì có thể kéo đến chiều. Chính vì vậy, người đứng đầu ngành y tế đưa ra mục tiêu: Không thể để người bệnh chờ khám cả buổi, bằng mọi giải pháp quyết liệt để người bệnh không phải đợi quá lâu. Các bệnh viện phải quyết tâm, phải đặt quyền lợi của người bệnh lên trước để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng giờ khám, bàn khám, khám sớm và có thể tính đến giải pháp khám sau 17 giờ và hẹn khám theo giờ. Thống kê của nhiều bệnh viện, kể cả bệnh viện tuyến trung ương cho thấy, có tới 80% số người bệnh tới khám vào buổi sáng, trong khi buổi chiều lại vắng vẻ. Vì thế, giải pháp đơn giản nhất là hẹn thời gian khám bệnh. Ở nhiều nước trên thế giới đã thực hiện đặt lịch hẹn khám, khi họ đến khám chỉ cần chờ từ 5 đến 10 phút. Tuy nhiên, khi đã đặt lịch thì phải bố trí người khám cẩn thận, chu đáo, sau một lần sẽ thành thói quen, người bệnh đỡ phải chờ đợi. Với những người bệnh chỉ đến tái khám, không phải làm xét nghiệm thì nên chuyển sang buổi chiều. Theo kinh nghiệm của nhiều nước, muốn giảm thời gian chờ khám bệnh, phải đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin. Người bệnh đặt lịch online; giới hạn số lượt khám bệnh từng ngày; thống kê sự tăng giảm số lượng người bệnh theo từng ngày để bố trí đội ngũ bác sĩ và đầu tư trang thiết bị vào những khu vực có nhu cầu. Ngoài ra, nên triển khai hệ thống thông báo tin nhắn SMS khi gần đến lượt khám của người bệnh. Giảm tối đa dùng giấy, tất cả thông tin đều được liên kết bằng hệ thống máy tính. Người bệnh khi khám sẽ được cấp mã số thông suốt trong suốt quá trình khám, chữa bệnh ở các bệnh viện. Để rút ngắn thời gian chờ đợi, các bệnh viện cần cải cách hơn nữa các thủ tục hành chính, nhất là những hạn chế trong quy trình nhận diện thẻ bảo hiểm y tế; tăng cường dịch vụ đặt lịch khám qua điện thoại, có sự phối hợp tích cực của cơ quan bảo hiểm xã hội để quản lý người bệnh, hỗ trợ máy lấy số thứ tự cho một số bệnh viện. Giải pháp về lâu dài mà ngành y tế cũng đang tích cực triển khai là nâng cao chất lượng y tế cơ sở để đưa người mắc các bệnh mạn tính như: tăng huyết áp, tiểu đường… về khám định kỳ, nhận thuốc tại tuyến y tế cơ sở, không cần phải lên tuyến trên, vừa tránh tình trạng quá tải, vừa giúp người bệnh không phải chờ lâu và giảm chi phí đi lại. (Nhân dân, trang 5). |
392 cán bộ, đảng viên, người lao động tham gia hiến máu tình nguyện
Sáng 1/8, Đảng ủy Khối các Cơ quan tỉnh phối hợp với Trung tâm Huyết học – Truyền máu thuộc Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức hội nghị hiến máu tình nguyện năm 2018.
Tham gia đợt hiến máu lần này có 392 cán bộ, đảng viên, người lao động đến từ 71 chi, đảng bộ trực thuộc Đảng bộ Khối các Cơ quan tỉnh tự nguyện đăng ký hiến máu.
Mỗi người tự nguyện hiến từ 250 đến 350ml máu. Đây là nghĩa cử cao đẹp của đông đảo cán bộ, đảng viên, người lao động trong khối.
Được biết, phong trào hiến máu tình nguyện được Đảng ủy Khối các Cơ quan tỉnh phát động và duy trì từ năm 2008 đến nay. (Nhân dân, trang 5).
Đình chỉ lưu hành thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng
Ngày 1/8, đại diện Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết Cục vừa có văn bản đình chỉ lưu hành thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ.
Theo đó, ở Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Quản lý Dược yêu cầu đình chỉ thuốc viên nang cứng Fenbrat 200M (Fenofibrat micronised 200mg), số đăng ký VD-27136-17, số lô 0118, hạn dùng ngày 1/2/2021 do Công ty cổ phần dược phẩm và sinh học y tế sản xuất. (Nhân dân, trang 5).
Còn nhiều bất thường về chi phí khám chữa bệnh BHYT
Ông Ðàm Hiếu Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế (BHYT) và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) cho biết: Qua thống kê, vẫn có tình trạng đề nghị thanh toán dịch vụ kỹ thuật cao bất thường.
Còn nhiều chi phí quá cao
Ông Ðàm Hiếu Trung cho hay, qua hệ thống giám định BHYT, trong nửa đầu năm xuất hiện dịch vụ kỹ thuật phẫu thuật viêm phúc mạc ruột thừa cao bất thường tại một số cơ sở y tế. Cụ thể, tại Bệnh viện tỉnh Vĩnh Phúc có 371/375 trường hợp phẫu thuật viêm phúc mạc ruột thừa; Bệnh viện huyện Krông Pắc (Ðắk Lắk) có 86/86 trường hợp; Trung tâm y tế xã Thuận An (Bình Dương) có 62/62 trường hợp; Bệnh viện Lục Ngạn (Bắc Giang) có 147/147 trường hợp.
Tuy nhiên, kiểm tra hồ sơ bệnh án tại các cơ sở khám chữa bệnh lại cho kết quả khá “bất ngờ”. Tại Bệnh viện đa khoa huyện Krông Pắc, 100% bệnh án được kiểm tra không phải là viêm phúc mạc ruột thừa; tại Trung tâm y tế thị xã Thuận An, có 60/62 trường hợp không phải viêm phúc mạc ruột thừa; tại Bệnh viện đa khoa khu vực Lục Ngạn, có 18/75 trường hợp không phải viêm phúc mạc ruột thừa... “Viêm phúc mạng ruột thừa là biến chứng khi bệnh nhân bị viêm ruột thừa nhưng đến BV muộn. Mức giá thanh toán của dịch vụ phẫu thuật viêm ruột thừa đơn thuần là 1,4 triệu đồng, mức giá viêm phúc mạng ruột thừa cao gấp đôi (2,8 triệu đồng). Ngoài ra, còn nhiều dịch vụ khác phải đi kèm...”, ông Trung phân tích và cho biết thêm, sau khi kiểm tra, toàn bộ chi phí sai sót này đã bị BHXH các tỉnh từ chối thanh toán.
Bên cạnh đó, tỷ lệ chi phí tiền giường bệnh nội trú của các tỉnh Hậu Giang, Ðồng Tháp, Ðắk Nông, Cao Bằng cao so với tỷ lệ bình quân toàn quốc. Ðơn cử: Hậu Giang có tỷ lệ tiền giường nội trú/tổng chi nội trú là 55,24/117,64 tỷ đồng (chiếm 46,96%); Ðồng Tháp 123,50/293,57 tỷ đồng (chiếm 42,07%); Ðắk Nông 21,08/50,78 tỷ đồng (chiếm 41,51%); Cao Bằng 42,98/104,38 tỷ đồng (chiếm 41,18%). Trong khi đó, tỷ lệ bình quân toàn quốc là 8.739/33.159 tỷ đồng (chiếm 26,36%).
Theo số liệu trên Hệ thống giám định, tính đến 30/6, tỷ lệ sử dụng Quỹ BHYT trên toàn quốc so với dự toán cả năm là 51,97%. Có một số tỉnh có tỷ lệ sử dụng Quỹ BHYT cao so với dự toán cả năm, như: Quảng Ninh 57,63%; Khánh Hòa 56,86%; Tiền Giang 56,65%; Ðồng Tháp 56,39% và Bạc Liêu 56,36%...
Ðánh giá tình hình liên thông dữ liệu khám chữa bệnh BHYT vẫn chưa đạt yêu cầu, ông Trung cho biết, việc các cơ sở y tế chậm chuyển dữ liệu sẽ ảnh hưởng đến đánh giá dự toán, phân tích dữ liệu và không đúng theo quy định của Bộ Y tế tại Thông tư 48. Trong tháng 7/2018, tỷ lệ gửi hồ sơ đúng ngày của toàn quốc là 74,54%, trong đó 5 tỉnh có tỷ lệ thấp nhất là: Hà Nội 35,49%; Quảng Nam 46,72%; Thái Nguyên 47,49%; TPHCM 52,81%; Nam Ðịnh 53,37%...
Khởi sắc giảm nợ đọng
Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, ước đến 31/7, toàn quốc có 13,94 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; 230.00 người tham gia BHXH tự nguyện; 11,89 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp; 81,69 triệu người tham gia BHYT (đạt tỷ lệ bao phủ 87,2% dân số). Lũy kế đến hết tháng 7/2018, toàn ngành thu 178.823 tỷ đồng (đạt 54,2% kế hoạch cả năm).
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Ðào Việt Ánh cho biết, bên cạnh kết quả thu đạt nhiều khả quan, tỷ lệ nợ BHXH, BHYT cũng giảm mạnh. Hiện nợ BHXH còn 7.200 tỷ đồng (bằng 3,6% số phải thu). Theo ông Ánh, đây là lần đầu tiên trong nhiều năm qua số nợ giảm dưới 5% số phải thu.
Nhiều giải pháp tăng thu, giảm nợ đã được BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các địa phương triển khai quyết liệt và đồng bộ. Ngoài việc cử cán bộ chuyên quản thu trực tiếp đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp, cơ quan BHXH còn đẩy mạnh hoạt động thanh tra, xử phạt các đơn vị vi phạm theo quy định của Luật BHXH; công khai danh tính đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT trên các phương tiện thông tin đại chúng...
Song song với các giải pháp đốc thu, quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT cũng được đảm bảo kịp thời. Trong 7 tháng đầu năm, toàn ngành đã giải quyết 69.206 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng; 456.898 người hưởng trợ cấp 1 lần; 5.753.418 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản. Cả nước đã có 100,16 triệu lượt người khám chữa bệnh được quỹ BHYT chi trả, với mức chi khoảng 55.837 tỷ đồng. Ngành BHXH phối hợp với ngành LÐ-TB&XH giải quyết cho 373.887 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp và 18.986 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề...
Theo BHXH Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm, BHXH Việt Nam đã thanh, kiểm tra hơn 8.100 đơn vị và phát hiện hàng loạt các sai phạm trong việc đóng các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Qua thanh kiểm tra phát hiện hơn 17.786 người lao động chưa được đóng, đóng thiếu BHXH, số tiền truy đóng hơn 40 tỷ đồng. Trước khi thanh kiểm tra, các doanh nghiệp nợ BHXH hơn 1.146 tỷ đồng, nhưng ngay khi biết bị thanh kiểm tra, các doanh nghiệp đã trả hơn 661 tỷ đồng. Ðồng thời, cơ quan BHXH cũng ban hành 364 quyết định xử phạt hành chính với số tiền hơn 11,2 tỷ đồng, hiện đã thu hơn 2,9 tỷ đồng. (Tiền phong, trang 12).
Ấn tượng những ca chuyển tạng ghép xuyên Việt qua lời kể người trong cuộc
Không chỉ ghi dấu ấn là nước đầu tiên trên thế giới sử dụng hàng không dân dụng vận chuyển tạng ghép cho người bệnh hiểm nghèo, đến nay, Việt Nam đã có 5 ca vận chuyển tạng xuyên Việt thành công. Với những người trực tiếp tham gia, mỗi ca là một ấn tượng đậm nét…
Chia sẻ trước báo chí về kỷ niệm trong những chuyến vận chuyển tạng xuyên Việt này, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch lồng ngực – Bệnh viện Việt Đức kể, mỗi một ca vận chuyển tạng ghép tim xuyên Việt là một dấu ấn đọng lại rất nhiều cảm xúc với những người trong cuộc. Có những chuyến bay vận chuyển tạng, để kịp đảm bảo thời gian, kíp bác sĩ còn không kịp ăn sau những ca phẫu thuật kéo dài để lấy tạng hiến trước đó, rồi tranh thủ ăn bánh mỳ trên đường vận chuyển tạng từ TP.HCM ra Hà Nội.
“Ngay ở ca vận chuyển tạng xuyên Việt đầu tiên, kíp bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức đã hội chẩn rất lâu, động viên nhau vì chuẩn bị làm điều không tưởng. Bởi chặng đường vận chuyển quá xa, không chủ động được thời gian đi lại. Rồi khi lên máy bay phải tính toán ngồi đâu, quả tim để đâu cho đảm bảo an toàn, làm sao để bảo quản tạng,…” – PGS Nguyễn Hữu Ước kể.
Lo toan, rồi khó khăn là không nhỏ. Nhưng rồi tự các y bác sĩ lại động viên nhau rằng, mình làm việc vì cái tâm nên phải cố gắng hết sức để vượt qua những khó khăn ban đầu ấy.
“Trước một trận đánh lớn, chúng tôi phải thiết kế hết. Chúng tôi ghi các bước thực hiện vào một tờ giấy, ai thực hiện. Đến khi sự việc diễn ra, mọi người cứ theo phân công mà thực hiện” – PGS.TS Ước nói thêm.
Chị Dư Thị Ngọc Thu - cán bộ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) cũng là một người cũng từng tham gia trực tiếp vào một ca vận chuyển tạng xuyên Việt từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh để ghép kịp thời cho người bệnh hiểm nghèo. Chị Thu chia sẻ, trong lần đầu tiên ôm thùng đựng tạng lên sân bay từ Hà Nội vào Bệnh viện Chợ Rẫy, kíp ý bác sĩ trong đoàn ai cũng rất lo lắng.
Theo chị Thu, tại các nước tiên tiến, họ vận chuyển tạng bằng máy bay chuyên dụng trong điều kiện không lo hủy chuyến, thùng bảo quản tạng an toàn nhưng cũng chỉ dám đi 500km. Còn ca đầu tiên này vận chuyển bằng máy bay dân dụng, chặng đường dài gần 2.000km.
“Chúng tôi sợ nhất là hủy chuyến, chậm chuyến khi vận chuyển quả tim của người hiến từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh. Rất may, nhờ sự nỗ lực của các bên, sự hỗ trợ của hãng hàng không quốc gia mà các chuyến bay chở tạng đến nơi an toàn” – chị Thu kể lại.
Còn chị Đặng Hồng Vân, tiếp viên hàng không Vietnam Airlines - người từng tham gia vận chuyển tạng xuyên Việt kể, khi được thông báo trên chuyên bay của mình có vận chuyển tạng của người chết não hiến tặng, tổ bay hôm đó đều rất bất ngờ và lo lắng vì phải tìm phương án hỗ trợ bác sĩ để vận chuyển mô tạng an toàn nhất. Bản thân chị Vân đã chuẩn bị một đoạn dây dài để néo thùng tạng nhằm tránh xô đổ nếu không may máy bay rung lắc khi đi vào vùng thời tiết xấu. Trên chuyến bay, hình ảnh nữ tiếp viên thường xuyên kiểm tra lại dây néo một chiếc thùng đựng tạng người khiến nhiều hành khách chứng kiến xúc động.
Nói về thành tích vận chuyển tạng xuyên Việt, PGS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, Việt Nam đã ghi dấu ấn lịch sử là nước đầu tiên trên thế giới sử dụng hàng không dân dụng để vận chuyển tạng hàng nghìn cây số cứu sống nhiều người bệnh hiểm nghèo.
“Đây là sự kiện thế giới, các nước trong khu vực đều ngạc nhiên vì họ không hiểu tại sao Việt Nam lại tổ chức được hệ thống hoàn hảo như thế để bảo đảm được giờ giấc, bảo quản được thời gian tạng tối ưu…” - PGS.TS Phạm Như Hiệp chia sẻ. (An ninh Thủ đô, trang 15).
Bảo đảm sức khỏe người bệnh từ bếp ăn bệnh viện