Chống dịch Covid -19: Kiên quyết, kịp thời
Chiều ngày 1/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch Covid – 19 báo cáo tình hình và các biện pháp phòng chống ... (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
COVID - 19 lây lan trong cộng đồng: Xử lý nghiêm vi phạm về cách ly
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hôm qua yêu cầu làm rõ trách nhiệm về việc lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng ở TPHCM, áp dụng các biện pháp mạnh hơn để ngăn dịch bệnh lây lan.
Vi phạm nghiêm trọng
Chiều 1/12, kết luận cuộc họp của Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19, trong bối cảnh xuất hiện những ca nhiễm mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu TPHCM cấp tốc điều tra truy vết mọi đối tượng F1 và F2, không để vòng tuần hoàn dịch thứ 3 xảy ra. Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chủ trì việc kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Theo Thủ tướng, đây là vi phạm nghiêm trọng cần xử lý nghiêm minh. Bộ trưởng GTVT phải báo cáo Thủ tướng việc xử lý và Bộ Y tế giám sát vấn đề này.
Trước đó, phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng đánh giá, việc xuất hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng ở TPHCM với số lượng F1, F2 lớn là nghiêm trọng, đòi hỏi cần có biện pháp mạnh hơn để ngăn ngừa. “Việc này không đơn giản, tôi yêu cầu làm rõ trách nhiệm về việc lây nhiễm này. Cụ thể cá nhân nào, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm”, Thủ tướng nói.
Về vụ lây nhiễm ở TPHCM, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, bệnh nhân 1342 vi phạm nghiêm trọng về cách ly tập trung và vi phạm cách ly tại nhà (đã tiếp xúc người khác). Người đứng đầu khu cách ly do Vietnam Airlines quản lý làm không đúng quy định về cách ly, khi cho về và không kêu gọi cách ly tập trung. Không thực hiện quy định quản lý, thực hiện giám sát y tế của tổ bay; chủ cơ sở lưu trú nhà trọ không thực hiện nghiêm về cách ly. UBND phường và Vietnam Airlines chưa thực hiện nghiêm túc kiểm tra, trách nhiệm. Do đó, Bộ Y tế đề nghị kiểm điểm trách nhiệm với người quản lý cách ly của Vietnam Airlines, nhà trọ và bệnh nhân 1342 khi để lây nhiễm ra cộng đồng. “Khi phát hiện ra trường hợp tiếp xúc với người nhiễm bệnh thì cũng phải cách ly 14 ngày. Nhưng ở đây, việc thực hiện lỏng lẻo dẫn đến lây nhiễm”, ông Long nói.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết, sau khi vụ việc xảy ra, đã yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát các cơ sở cách ly. Lãnh đạo thành phố cũng giao Sở Y tế chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan làm rõ trách nhiệm xảy ra các ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Lãnh đạo UBND TPHCM kiến nghị Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 không cho phép các tiếp viên, tổ bay kết thúc sớm việc cách ly tập trung, ngay cả trong trường hợp chuyến bay không có trường hợp lây nhiễm. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cũng đề nghị thực hiện cách ly tập trung đối với đội bay, tránh trường hợp lơ là, chủ quan dẫn đến lây lan ra cộng đồng.
Người dân cả nước đeo khẩu trang ở nơi công cộng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sẽ tạm dừng các chuyến bay thương mại quốc tế, chỉ thực hiện các chuyến bay giải cứu, trong đó tập trung các đối tượng người cao tuổi, sinh viên... “Chỉ những trường hợp cần thiết mới về, kể cả Tết Nguyên đán cũng hạn chế vì nhiều chuyến bay, ca nhiễm dương tính về Việt Nam rất nguy hiểm”, Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu mọi chuyến bay phải tập trung ở khu cách ly quân đội, khu cách ly tại địa phương đủ tiêu chuẩn, bãi bỏ việc cách ly do doanh nghiệp, như giao cho Vietnam Airlines vừa qua làm lỏng lẻo. Đây là biện pháp cần thiết để bệnh tật không lây lan ra cộng đồng. “Tinh thần là từ tháng 1 ngừng đưa người nước ngoài về Việt Nam, phục vụ sự kiện chính trị lớn của đất nước và đại hội Đảng”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước yêu cầu người dân đeo khẩu trang nơi công cộng, thường xuyên kiểm soát những nơi có thể xảy ra ổ dịch như siêu thị, bệnh viện, bến xe, nhà máy, trường học… Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, đôn đốc bởi hiện có tâm lý chủ quan, coi thường, cho rằng không có dịch trong khi dịch có thể xảy ra, đe dọa trực tiếp địa phương. “Cần rút kinh nghiệm sâu sắc, nhất là trong hệ thống y tế”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý việc giãn cách xã hội cần thực hiện ở những nơi có nguy cơ cao, khoanh vùng hợp lý tránh ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh. Ví dụ, một số trường hợp vừa qua thì phải có cách giãn cách xã hội, như TPHCM đang làm. “Cách ly một vài khu phố không ảnh hưởng nhiều”, Thủ tướng nói. Thủ tướng cho biết, tới đây sẽ có Chỉ thị của Chính phủ về các biện pháp trong tình hình mới. Trước hết, TPHCM tập trung truy vết, xử lý F1, F2 cương quyết, kịp thời và thần tốc kiểm soát tốt tình hình cả nước để có cái Tết yên bình và tiến tới tổ chức Đại hội Đảng thành công.
Lỏng lẻo trong quản lý cách ly tại nhà
TPHCM vừa 2 ca mắc COVID-19 là bệnh nhân (BN) số 1342 và 1347. “Có khả năng cao bị lây nhiễm khi tiếp xúc trong quá trình cách ly do không tuân thủ quy định cách ly tập trung”, đại diện Sở Y tế TPHCM nhận định. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh - Bệnh viện Nhi đồng 1, chuyên gia phòng chống dịch COVID-19, cho rằng, quy định lỏng lẻo, không quyết liệt trong thời gian cách ly đã tạo ra ca nhiễm này, nếu thêm nhiều người mắc khác sẽ thành ổ dịch trong cộng đồng. “Việc để trường hợp có nguy cơ tiếp xúc nhiều người khác trong thời gian cách ly là sai quy định và vô trách nhiệm”, bác sĩ Khanh nhận định. Trước đó, bác sĩ Khanh lưu ý mối nguy cơ tiềm ẩn hiện nay là khu cách ly có trả phí và khu cách ly không thuộc cơ sở y tế công lập.
Sau khi phát hiện ca mắc COVID-19 lây nhiễm trong khu vực tự cách ly của tiếp viên hàng không Vietnam Airlines, cơ quan chức năng tại TPHCM đã cách ly, phong tỏa nhiều khu vực với số lượng hàng trăm người. Ngày 1/12, lực lượng công an, dân quân lập rào chắn, phong toả con hẻm 97/12 Phạm Phú Thứ, P.3, Q.6, TPHCM. Đây là khu vực BN 1347 cư ngụ trước khi được phát hiện mắc bệnh. Lực lượng chức năng đã xịt khử khuẩn tất cả các căn nhà trong khu vực. Cùng ngày, nhân viên Trung tâm Y tế dự phòng quận 6 lấy mẫu xét nghiệm cho tất cả cư dân trong khu vực. Ông Lê Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND quận 6, cho biết, con hẻm phong toả để cách ly có 52 hộ dân sinh sống với 197 nhân khẩu. Liên quan BN 1342, Sở Y tế TPHCM đã quyết định đóng cửa khu cách ly của đoàn tiếp viên Vietnam Airlines trên đường Hồng Hà, Q.Tân Bình.
Lơ là khẩu trang
Phóng viên Tiền Phong ghi nhận ngày 1/12 vẫn còn tình trạng nhiều người dân ở TPHCM tỏ ra lơ là với việc đeo khẩu trang nơi công cộng, dù đã có quy định xử phạt nặng với người không thực hiện. Trước cổng nhiều bệnh viện như Từ Dũ, 115, Bình Dân…, nhiều lái xe ôm, người bán hàng rong tụ tập nhưng không đeo khẩu trang, liên tục áp sát khách để chào mời. Chị Thủy (28 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận) đến khám thai ở Bệnh viện Từ Dũ nói: “Thấy họ tiến lại gần mình mà không đeo khẩu trang nên tôi rất sợ. Tôi cũng nghe nói có lệnh phạt người không đeo khẩu trang nơi công cộng nhưng chưa thấy đơn vị nào đến phạt cả. Do đó, mình tự chủ động đứng cách xa chứ không còn cách nào khác”. Tại công viên Tao Đàn (Q.1), khá đông người tập thể dục buổi sáng nhưng vẫn còn không ít trường hợp không đeo khẩu trang. Tại hầu hết chợ dân sinh, nhiều người bán, người mua đều quên đeo khẩu trang.
Theo quan sát của phóng viên, nhiều quầy hàng ăn uống ven đường, người bán không đeo găng tay, khẩu trang khi chế biến thức ăn; phía ngoài quán không có nước rửa tay, không đo nhiệt độ khách hàng. (Tiền phong, trang 1).
TP. Hồ Chí Minh rốt ráo điều tra lịch sử dịch tễ ca bệnh
Chiều nay 1-12, 129 bệnh viện trên địa bàn TPHCM (13 bệnh viện thuộc Bộ, ngành; 55 bệnh viện công lập và 61 bệnh viện tư nhân) sẽ họp trực tuyến với Sở Y tế TPHCM bàn về công tác phòng chống dịch sau ca mắc Covid-19 tại TPHCM vừa được phát hiện. PGS.TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, sẽ chủ trì cuộc họp. Đây được coi là cuộc họp “quan trọng và khẩn cấp", phải có sự tham gia của tất cả giám đốc và các phó giám đốc, trưởng phòng chức năng, trưởng khoa lâm sàng, cận lâm sàng của 129 bệnh viện trên địa bàn thành phố.
Trưa 1-12, trao đổi với phóng viên báo SGGP, GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP cho biết, khu cách ly đoàn tiếp viên hãng hàng không Vietnam Airlines ở số 115 Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình đã chính thức đóng cửa từ ngày 26-11 và chưa xác định thời hạn đóng cửa là bao lâu.
Đây là khu cách ly của đoàn tiếp viên và là nơi đầu tiên tiếp nhận bệnh nhân 1.342 (nam, sinh năm 1992, quốc tịch Việt Nam) cách ly trong 4 ngày từ 14 đến 18-11. Theo Sở Y tế TPHCM, ngay sau khi phát hiện trường hợp nêu trên, đơn vị đã phong tỏa, đưa những người có tiếp xúc gần về các khu cách ly của TP, đồng thời khử khuẩn khu cách ly ở Tân Bình. (Sài Gòn giải phóng , trang 7).
Nơi nghiêm túc, chỗ thờ ơ
Trước diễn biến rất phức tạp của dịch Covid-19, nhất là khi TPHCM vừa phát hiện các ca mắc mới, thì việc thực hiện những biện pháp phòng dịch là rất quan trọng. Ghi nhận tại TPHCM ngày 1-12, đa phần người dân đã chấp hành tốt các quy định phòng chống dịch, nhưng vẫn còn một bộ phận người dân, một số cơ sở có tâm lý chủ quan, lơ là.
Khảo sát tại một số siêu thị, bệnh viện, trường học trên địa bàn TPHCM, nhìn chung người dân thực hiện nghiêm các biện pháp như đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn. Tại chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), hầu hết người dân đã có ý thức đeo khẩu trang khi mua - bán hàng, tuy nhiên rất nhiều cửa hàng trong chợ không có dung dịch rửa tay sát khuẩn để phòng, chống dịch bệnh. Tại siêu thị Lotte Mart (quận Gò Vấp), nhân viên tổ chức đo nhiệt độ đồng thời yêu cầu khách đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn trước khi vào mua sắm. Chị Bùi Bích Ngọc (36 tuổi, tiểu thương tại chợ Hoàng Hoa Thám) cho biết: “Khi nghe TPHCM phát hiện ca dương tính với Covid-19, gia đình tôi rất lo lắng, nhanh chóng thích nghi thực hiện các biện pháp như đeo khẩu trang khi đi ra đường và cả những lúc bán hàng”.
Tại các Bệnh viện Ung bướu (quận Bình Thạnh), Nguyễn Tri Phương (quận 5), Da liễu (quận 3)… vẫn duy trì công tác phòng chống dịch Covid-19 khá nghiêm ngặt kể từ đầu mùa dịch. Tại cổng ra vào, luôn có các nhân viên y tế túc trực, liên tục thông báo, nhắc nhở người dân thực hiện đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và khai báo y tế trước khi vào bệnh viện để thăm khám. Bà Võ Thị Xuyến (42 tuổi, chăm người nhà tại Bệnh viện Ung bướu) kể: “Bất kể người nhà hay bệnh nhân tới đây đều được các nhân viên y tế nhắc nhở đeo khẩu trang, đo nhiệt độ, khai báo tiền sử y tế và đeo thẻ khi vào bệnh viện. Mọi người dân nên có ý thức, không nên chủ quan lơ là với dịch bệnh”.
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan, lơ là trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Tại nhiều quán cà phê, công viên, bến xe ở TPHCM vẫn có tình trạng người dân không đeo khẩu trang. Chiều 1-12, tại quán cà phê Favi (đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp) đông khách ra vào, đa phần là người trẻ, trong đó nhiều khách không đeo khẩu trang. Thậm chí, các nhân viên tại quán cũng không đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn khi trò chuyện hoặc làm đồ uống cho khách hàng. Tại Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh), lúc 16 giờ chiều có rất đông hành khách đến mua vé và gửi hàng. Trong đó, rất nhiều hành khách chủ quan không đeo khẩu trang.
Tại một số điểm công cộng ở TPHCM như trước công viên Tao Đàn (quận 1), chợ Vườn Chuối (quận 3), các quán ăn, cà phê…, có khá nhiều trường hợp không đeo khẩu trang hoặc có sử dụng khẩu trang nhưng kéo xuống quá dưới cằm. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Kiểm soát chặt, xử lý nghiêm việc không tuân thủ cách ly phòng dịch
Sau 88 ngày không ghi nhận ca mắc tại cộng đồng, đến 18h ngày 1-12, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã công bố 2 ca lây nhiễm đều liên quan đến bệnh nhân 1.347, tại thành phố Hồ Chí Minh. Điều đáng nói, bệnh nhân 1.347 lại lây nhiễm từ nam tiếp viên hàng không của Hãng hàng không quốc gia (Vietnam Airlines) - bệnh nhân thứ 1.342 khi người này đang phải thực hiện việc cách ly tại nhà. Từ sự việc này cho thấy, công tác quản lý, kiểm soát việc tuân thủ cách ly phải được làm chặt và nghiêm túc.
Vi phạm nghiêm trọng quy định cách ly phòng dịch
Theo Bộ Y tế, trong thời gian cách ly tại khu cách ly do Vietnam Airlines quản lý từ ngày 14-11 đến 18-11, bệnh nhân 1.342 có tiếp xúc với đồng nghiệp trên chuyến bay khác (bệnh nhân 1.325). Sau khi xét nghiệm 2 lần cho kết quả âm tính, bệnh nhân 1.342 được về cách ly tại nhà trọ.
Trong quá trình cách ly tại nhà trọ, bệnh nhân này có tiếp xúc trực tiếp với 3 người, gồm: Mẹ đẻ và hai người bạn (một nam, một nữ). Trong đó, người bạn nam (sinh năm 1988, trú tại phường 3, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh) có tới sống cùng. Ngày 28-11, bệnh nhân 1.342 được lấy mẫu xét nghiệm lần 3, cho kết quả dương tính. Ngay lập tức, 3 trường hợp tiếp xúc trực tiếp trên đây đã được cách ly và lấy mẫu xét nghiệm. Trong đó, người bạn nam cho kết quả dương tính và đây là bệnh nhân 1.347.
Trước sự việc này, PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, việc tuân thủ cách ly phòng dịch là biện pháp vô cùng quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Trường hợp của bệnh nhân 1.342 dù cách ly tại nhà, nhưng lại tiếp xúc với mẹ và 2 người bạn. Thậm chí, bạn của bệnh nhân là bệnh nhân 1.347 còn chuyển đến ở chung, thì coi như đã không tuân thủ cách ly đúng quy định.
Về việc bệnh nhân 1.342 được trở về nhà sau 5 ngày cách ly tập trung, PGS.TS Trần Đắc Phu khẳng định là đúng theo quy định. Cụ thể, ngày 2-7-2020, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã có Công văn 3588/CV-BCĐ về việc áp dụng các biện pháp cách ly đối với tổ bay của Vietnam Airlines. Theo đó, các thành viên tổ bay người Việt Nam của Vietnam Airlines đều được lấy mẫu xét nghiệm sau khi về Việt Nam. Nếu có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1, thành viên tổ bay được tiếp tục lấy mẫu lần hai sau ít nhất 72 giờ kể từ lần lấy mẫu đầu tiên. Nếu có kết quả xét nghiệm âm tính lần 2, các thành viên của tổ bay được phép rời khỏi khu cách ly và tiếp tục thực hiện cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, trong quá trình ở khu cách ly của Vietnam Airlines, việc bệnh nhân 1.342 tiếp xúc với đồng nghiệp trên chuyến bay khác (bệnh nhân 1.325) là vi phạm. Bên cạnh đó, sau khi bệnh nhân 1.325 được phát hiện dương tính với vi rút SARS-CoV-2, bệnh nhân 1.342 vẫn tiếp tục được cách ly tại nhà trọ, trong khi đúng ra phải được đưa trở lại khu cách ly tập trung để quản lý.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Covid-19 diễn ra chiều 1-12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, bệnh nhân 1.347 và bệnh nhân 1.342 đã không tuân thủ các biện pháp cách ly tại nhà. Riêng bệnh nhân 1.342 vi phạm rất nghiêm trọng về phòng, chống Covid-19 tại khu cách ly tập trung. Chính vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị, việc vi phạm này phải được xử lý nghiêm theo quy định.
Tăng cường quản lý các khu cách ly
Ngày 1-12, đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố đã tiến hành kiểm tra khu cách ly tổ bay phòng dịch Covid-19 trên địa bàn quận Long Biên.
Qua kiểm tra, tại trụ sở của Đoàn tiếp viên phía Bắc của Tổng công ty Hàng không Việt Nam đang thực hiện cách ly cho 156 trường hợp. Tổng cộng từ đầu năm đến nay, tại đây đã cách ly cho 2.867 lượt người trên 255 chuyến bay, gồm các tiếp viên, phi công, nhân viên kỹ thuật và nhân viên mặt đất. Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra ghi nhận việc cách ly tại đây bảo đảm yêu cầu theo quy định.
Tuy nhiên, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, không thể chủ quan trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là khi tại thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận ca lây nhiễm từ người cách ly. Do đó, điểm cách ly cần rà soát lại quy trình và phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm theo từng ngày. Đặc biệt, rác thải tại khu cách ly cần được vận chuyển theo quy trình; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, nhắc nhở và xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ quy trình cách ly.
Theo ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thành phố tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện cách ly người nhập cảnh tại các khách sạn. Thành phố có 18 khách sạn được cho phép là nơi cách ly cho người nhập cảnh. Hiện tại, có khoảng 1.500 người đang cách ly tại khách sạn.
"Phần lớn người nhập cảnh cách ly tại các khách sạn. Nếu ở khu vực này không quản lý tốt việc cách ly của người nhập cảnh, thì nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng là rất lớn. Để việc cách ly được bảo đảm chặt chẽ, hạn chế được đối tượng tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, tránh lây lan dịch ra cộng đồng, thì vai trò quản lý của quận, huyện, thị xã là vô cùng quan trọng", ông Trần Văn Chung nhấn mạnh.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. (Hà Nội mới, trang 1; Nhân dân, trang 1).
Thêm 4 ca mắc mới Covid-19, trong đó có 2 ca lây nhiễm trong cộng đồng
Chiều tối 1-12, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã thông tin về 4 ca mắc mới Covid-19 (từ ca thứ 1.348-1.351). Trong số này có 2 ca nhập cảnh từ Canada được cách ly ngay tại Hải Dương và 2 ca lây nhiễm trong cộng đồng qua tiếp xúc với ca bệnh 1.347 ở TPHCM. Theo đó, 2 ca lây nhiễm trong cộng đồng là ca bệnh 1.348 (nam, 1 tuổi, ở quận 6, TPHCM), kết quả xét nghiệm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM ngày 30-11 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân này được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng TPHCM.
Ca bệnh 1.349 (nữ, 28 tuổi, ở quận 6, TPHCM), kết quả xét nghiệm ngày 1-12 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi.
2 trường hợp nhập cảnh, gồm: Ca bệnh 1.350 (nam, 47 tuổi, quốc tịch Việt Nam, ở quận Bình Thạnh, TPHCM); Ca bệnh 1.351 (nam, 57 tuổi, quốc tịch Việt Nam, ở huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Ngày 16-11, 2 bệnh nhân này từ Canada nhập cảnh Sân bay Vân Đồn, được cách ly tại tỉnh Hải Dương ngay sau khi nhập cảnh. Kết quả xét nghiệm lần 1 ngày 17-11 âm tính; lấy mẫu lần 2 ngày 30-11, kết quả xét nghiệm ngày 1-12 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đều dương tính với SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Hải Dương. Như vậy đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 1.351 người mắc Covid-19, trong đó có tổng cộng 693 ca mắc do lây nhiễm trong nước. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 16.756 người, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện 175 người.
Về tình hình điều trị, trong ngày có thêm 16 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi bệnh lên 1.195 người. Trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị có 19 người đã âm tính với SARS-CoV-2. (Sài Gòn giải phóng, trang 7; Tiền phong, trang 2; Pháp luật TP. HCM, trang 1; An ninh Thủ đô, trang 6).
Lỗ hổng trong cách ly tại nhà
Việc phát hiện ca nhiễm Covid -19 trong cộng đồng ở TP.HCM cho thấy không chỉ có tình trạng lơ là trong phòng chống mà còn có dấu hiệu buông lỏng giám sát cách ly tại nhà.
Chiều tối 1.12, Sở Y tế TP.HCM phối hợp Sở TT-TT và các quận liên quan tổ chức họp báo cung cấp thông tin về một số ca nhiễm Covid-19 mắc mới trong thời gian qua.
Sau bệnh nhân (BN) 1347, TP.HCM hôm qua xác định thêm 2 BN Covid-19 mới, đều có địa chỉ ở Q.6 và có tiền sử tiếp xúc BN này. Cụ thể, BN 1348 (nam, 1 tuổi) hiện được cách ly, điều trị tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP.HCM và BN 1349 (nữ̃, 28 tuổi hiện được cách ly, điều trị tại BV dã chiến Củ Chi (TP.HCM).
Bà Lê Thị Thu Thảo, Chủ tịch UBND Q.6, thông tin thêm quận đã có các quyết định phong tỏa khu vực các ca nhiễm Covid-19 là BN 1347 ở hẻm 106 đường Bình Tiên (P.3), BN 1348 ở lô E đường Phạm Văn Chí (P.7) và BN 1349 ở khu đường Hoàng Lê Kha (P.9). Đến chiều 1.12, ngành y tế Q.6 đã lấy tổng cộng 329 mẫu đối với các trường hợp tiếp xúc với 3 ca nhiễm Covid-19, cách ly tập trung 23 người, theo dõi tại nhà 78 người. Bên cạnh đó, UBND Q.6 cũng tạm ngừng hoạt động đối với Trường tiểu học Võ Văn Tần và Trường tiểu học Nguyễn Huệ do 4 giáo viên ở 2 trường này là F1 của BN 1347, kết quả xét nghiệm lần 1 của các giáo viên âm tính với Covid-19.
Không có công cụ giám sát người cách ly tại nhà
Tại buổi họp báo, nhiều cơ quan báo chí đặt vấn đề công tác giám sát trong khu cách lý tập trung đối với các tiếp viên và cách ly tại nơi cư trú có nhiều lỗ hổng, gây ra hậu quả nghiêm trọng?Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho hay công tác giám sát cách ly tập trung và cách ly tại nhà, cách ly tại khách sạn đều phải theo quy trình của BYT. Đối với khu cách ly tập trung của Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), đơn vị này được phép làm khu cách ly cho riêng tổ bay và tự quản lý, ngành y tế chỉ giám sát về hồ sơ, quy trình, chưa đúng thì điều chỉnh. Trong thời gian ở nhà, nếu người cách ly có triệu chứng thì nhân viên y tế sẽ lấy mẫu ngay, nếu không có triệu chứng thì đủ 14 ngày sẽ lấy mẫu xét nghiệm lại. Trong thời gian này, chủ nhà trọ và chính quyền địa phương phải có trách nhiệm giám sát, người cách ly phải ký cam kết tuân thủ quy định phòng dịch. Dù vậy, ông Dũng cho rằng sẽ khó giám sát do “không có công cụ để coi họ có ra khỏi nhà, ra khỏi phòng hay không”, ngành y tế cũng không thể “chui” vào nhà để kiểm tra. Trước phản ánh về việc người trong khu cách ly gửi đồ đạc, quần áo ra bên ngoài, ông Dũng cho biết “sẽ yêu cầu địa phương chấn chỉnh”.
Còn theo GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, quy định mỗi một chuyến bay cách ly ở một khu riêng, tiếp viên không được tiếp xúc với nhau, nhưng BN 1342 (nam tiếp viên Vietnam Airlines) đã vi phạm và đây là trách nhiệm của Vietnam Airlines. Các khu cách ly tập trung (bao gồm cả cách ly tại khách sạn) đều được Sở Y tế thẩm định, trình UBND TP.HCM phê duyệt, trong đó có khu cách ly tập trung của Vietnam Airlines. Ông Bỉnh cho biết, Sở Y tế thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra giám sát, thành lập đoàn kiểm soát định kỳ. Trong trường hợp các khu cách ly của Vietnam Airlines không kiểm soát thì Hà Nội và TP.HCM sẽ thống nhất phương án cách ly 14 ngày với tiếp viên dù âm tính hay dương tính.
Địa phương đã giám sát ra sao?
Trao đổi với PV Thanh Niên về việc cách ly BN 1342, đại diện Trung tâm y tế Q.Tân Bình thông tin mọi thành phần khi âm tính lần 1, lần 2 ở khu cách ly tập trung Vietnam Airlines về cách ly tại nhà, nơi lưu trú đều có quyết định do Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng chống dịch Covid-19 P.2 (Q.Tân Bình) ban hành. Và trên lý thuyết thì BCĐ phòng chống dịch Covid-19 P.2 đã nắm những trường hợp này. Cơ quan y tế đã tiếp cận với người này và cho ký thêm 1 cam kết cách ly y tế tại nhà, trong đó có nội dung phải ở phòng riêng. Tuy nhiên, hiện nhân viên y tế không đến nhà đo nhiệt độ 2 lần/ngày mà theo dõi sức khỏe thông qua việc liên hệ bằng điện thoại, người cách ly tự đo, tự chụp hình gửi qua điện thoại, khi có vấn đề sức khỏe thì báo nhân viên y tế. Với BN 1342 đến ngày 14 thì được nhân viên y tế nhắc đi làm xét nghiệm lần cuối. Vì vậy, ý thức cách ly tại nhà là chính và Vietnam Airlines tin tưởng vào ý thức của nhân sự của mình. Nhiều người tuân thủ tốt nhưng lại “tòi” ra một người như vậy. “Họ đã cam kết tuân thủ cách ly y tế tại nhà, nếu không chấp hành là vi phạm pháp luật. Chúng tôi thường xuyên gọi điện thoại, thăm hỏi sức khỏe. Rất nhiều ca cách ly y tế tại nhà nên không quận nào đủ nhân sự để canh gác, trừ khi nhà có camera, nếu có phong tỏa thì mới cử người ngồi gác. Do đó, Q.Tân Bình cũng kiến nghị là đối tượng cách ly tập trung không được đưa về cách ly y tế tại nhà”, đại diện Trung tâm y tế Q.Tân Bình nói.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, BN 1342 tên D.T.H, là nam tiếp viên hàng không của Hãng Vietnam Airlines, sinh sống trong một căn nhà cao 5 tầng trên đường Bạch Đằng, P.2, Q.Tân Bình, là tổ hợp văn phòng và nhà cho thuê. Sau khi tiếp nhận thông tin BN mắc Covid-19, chính quyền địa phương đã phong tỏa căn nhà, khử khuẩn và lấy mẫu xét nghiệm đối với những người sinh sống ở đây. Ghi nhận của PV chiều 1.12 cho thấy, phía trước căn nhà có một bảo vệ dân phố và một người mặc sắc phục công an túc trực. Những người dân sinh sống ở khu vực nhà này bày tỏ sự bất ngờ, bởi trước đó không thấy bóng dáng công an hay bảo vệ dân phố giám sát cũng như không hề nhận được thông tin về các tiếp viên sinh sống trong căn nhà.
Báo động khẩn toàn hệ thống điều trị
Cũng trong chiều 1.12, Sở Y tế họp khẩn trực tuyến với tất cả cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM bàn về các giải pháp phòng chống Covid-19 sau khi xuất hiện các ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế, đề nghị tất cả BV trên địa bàn cập nhật ngay các điểm mà HCDC công bố trên phiếu khai báo y tế. Những ai đến các địa điểm này trong thời gian HCDC thông báo là đưa vào trường hợp nguy cơ, cách ly, làm xét nghiệm. Những người đến các địa điểm này nhưng vào mốc thời gian khác và có triệu chứng bệnh cũng cách ly, xét nghiệm. Ngoài người bệnh và thân nhân thì cần kiểm soát các đối tượng mà BV ký hợp đồng, như nhân viên vệ sinh, bảo vệ, căn tin...
“Khối điều trị không được chủ quan, vì khả năng có người có triệu chứng tới BV rất cao. Cần rà soát lại thiết bị phòng hộ, dung dịch sát khuẩn, găng tay, khẩu trang... Củng cố các tiêu chí BV an toàn, nếu xảy ra chuyện thì đó là trách nhiệm của người đứng đầu. Các BV tiếp tục diễn tập tình huống phòng chống Covid-19. Trước 9 giờ sáng mỗi ngày, các BV có báo cáo nhanh cho Sở Y tế về tình hình tầm soát ca nghi ngờ, cách ly ở các BV”, PGS-TS Thượng chỉ đạo và cho biết thêm BV dã chiến Củ Chi vẫn hoạt động, BV điều trị Covid-19 Cần Giờ vẫn mở cửa, BV Bệnh nhiệt đới sẵn sàng tiếp nhận các ca nặng.
Theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, đến hôm nay tình hình vi rút SARS –CoV -2 vẫn chưa có gì thay đổi, dịch bệnh xảy ra là do “thủng” trong cách ly do nhiều tháng qua không có ca bệnh trong cộng đồng. TS-BS Châu đề nghị các BV tập trung sàng lọc ngoài cổng, nếu qua khỏi cổng thì các khoa phòng kiểm tra lại một lần nữa, bố trí 1 buồng cách ly sẵn sàng. (Thanh niên, trang 2).
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Việt Nam tin tưởng sẽ chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030
Việt Nam là một trong 4 quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS đứng đầu thế giới, song điều lo ngại là còn khoảng 40.000 người nhiễm HIV sống trong cộng đồng mà chưa biết bị nhiễm. Sáng nay, 1-12, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 30 năm phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam và mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1-12).Theo báo cáo của Bộ Y tế tại hội nghị, hiện nay đại dịch HIV/AIDS vẫn là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người. Ước tính mỗi ngày, thế giới lại có khoảng 5.000 người nhiễm mới HIV và mỗi năm có khoảng 700.000 người tử vong do AIDS.Ở Việt Nam, sau 30 năm kể từ khi người nhiễm HIV được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1990, nhờ sự vào cuộc quyết liệt và các biện pháp phù hợp, nước ta đã từng bước kiểm soát được đại dịch.
Năm 2020 là năm thứ 12 liên tiếp chúng ta giảm trên cả 3 tiêu chí: Giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong liên quan đến AIDS.
Thống kê cho thấy, hiện nay tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư luôn ở mức dưới 0,3%. Theo ước tính của các chuyên gia, trong vòng 15 năm qua, Việt Nam đã tránh cho khoảng nửa triệu người không bị nhiễm HIV và cứu được khoảng 200.000 người không bị tử vong do AIDS.
Đặc biệt, Chương trình điều phối của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đánh giá Việt Nam là một trong 4 quốc gia cùng với Anh, Đức và Thụy Sĩ có chất lượng điều trị HIV/AIDS đứng hàng đầu thế giới.
Dự và phát biểu tại lễ mít tinh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, suốt những năm qua, ngoài sự nỗ lực của mình, Việt Nam cũng luôn là quốc gia sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ của quốc tế cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, đem lại kết quả rất tích cực.
Dù vậy, theo Phó Thủ tướng, công tác phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta trong thời gian tới còn đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Mỗi năm cả nước vẫn có gần 10.000 trường hợp nhiễm HIV mới được phát hiện; khoảng 2.000 người tử vong.
Nguy hiểm hơn, vẫn còn khoảng 40.000 người nhiễm HIV sống trong cộng đồng mà chưa biết tình trạng nhiễm HIV của mình. Tình trạng kỳ thị, phân biệt, đối xử liên quan đến HIV tuy đã giảm nhưng vẫn còn khá phổ biến, đó sẽ là rào cản cho những người nghi ngờ nhiễm HIV tiếp cận công bằng các dịch vụ y tế…
Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2020, Việt Nam lựa chọn chủ đề là: “30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam”. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, Việt Nam tin tưởng mạnh mẽ rằng sẽ chấm dứt được cơ bản đại dịch AIDS vào năm 2030 song ngược lại cũng không được phép chủ quan, lơ là. (An ninh Thủ đô, trang 4).
DỊCH COVID-19 LÂY LAN RA CỘNG ĐỒNG: Bịt tất cả các “lỗ hổng” phòng dịch tại khu cách ly
“Ngay bây giờ, chúng ta có 3 điều cần phải làm. Đầu tiên là tìm hết F1, F2 của trường hợp này để cách ly, xét nghiệm theo quy định. Thứ 2 là tổ chức cách ly cộng đồng, chỗ nào cần thiết phải phong tỏa. Thứ 3, rất quan trọng là chấn chỉnh lại việc tự cách ly tại nhà của người dân hiện nay. Quy định, hướng dẫn đã có mà người dân không thực hiện thì chẳng khác việc cố tình vượt đèn đỏ” - PGS Trần Đắc Phu, Cố vấn Cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện công cộng Việt Nam nói.
Nếu không khống chế, dịch bệnh sẽ lây lan mạnh ra cộng đồng
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế; cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng cho rằng, để xảy ra việc BN1342 lây nhiễm COVID-19 cho BN1347 là lỗi của người tiếp viên hàng không khi không tuân thủ các nguyên tắc cách ly tại nhà của Bộ Y tế.
Liên quan đến BN1342, nam tiếp viên được trở về cách ly tại nhà sau 4 ngày cách ly tập trung, vậy điều này có đúng quy định hay không? Về lý do bệnh nhân này chỉ phải cách ly tập trung có 4 ngày, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã có công văn 3588, trong đó có hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng các biện pháp cách ly đối với tổ bay của Vietnam Airlines.
Theo đó, trong thời gian cách ly tập trung, họ có 2 lần xét nghiệm COVID-19 âm tính (với điều kiện toàn bộ tổ bay và hành khác cũng âm tính 2 lần) sẽ được rời khỏi khu cách ly và tiếp tục thực hiện cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Xét nghiệm lần 2 sau ít nhất 72 giờ kể từ lần lấy mẫu đầu tiên. Nam phi công cách ly tập trung từ ngày 15.11, sau đó có kết quả 2 lần âm tính với SARS-CoV-2 nên ngày 18.11 được ra về cách ly tại nhà. Riêng với trường hợp này, Vietnam Airlines đã xử lý đúng hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19.
Về việc bệnh nhân này có kết quả xét nghiệm dương tính vào lần xét nghiệm thứ 3 (kết quả ngày 28.11), PGS Phu cho rằng, đây là điều bình thường, vì khi được khuyến cáo theo dõi 14 ngày, không phải sẽ dương tính ngay ngày 1, ngày 2. Âm rồi cuối cùng lại dương tính ở những ngày cuối là điều đã được khuyến cáo. Việt Nam cũng đã khuyến cáo phải cách ly 14 ngày là vì thế.
“Để xảy ra sự lây nhiễm này là lỗi của người tiếp viên khi không tuân thủ các nguyên tắc cách ly tại nhà của Bộ Y tế. Ngay từ khi dịch COVID-19 xâm nhập, chúng tôi đã xây dựng và hoàn thiện hướng dẫn về cách ly, trong đó, cụ thể người cách ly tại nhà/nơi lưu trú cần phải làm gì. Chẳng hạn, nguyên tắc là phải cách ly ở phòng riêng, ngủ riêng, ăn uống riêng, đeo khẩu trang, chất thải y tế riêng... Trường hợp này cách ly tại nhà nhưng lại tiếp xúc với mẹ, bạn, cho người khác đến ở cùng là không đúng. Như vậy đâu phải là cách ly?” - PGS Phu đặt vấn đề.
Nhận định về tình hình dịch bệnh trong bối cảnh hiện nay tại TPHCM, PGS Phu cho rằng: Khi dịch xuất hiện ở Đà Nẵng, chúng ta không xác định được ai là F0, lúc đó dịch đã lan rộng và tấn công vào bệnh viện. Còn ở TPHCM, may mắn là chúng ta xác định được trường hợp 1342 dương tính trước 14 ngày, phát hiện ngay lúc tiếp xúc với người khác, từ đó mới tìm ra ca cộng đồng 1347. Điều đó có nghĩa chúng ta biết được đâu là F0.
“Chính vì thế, ngay bây giờ, chúng ta có 3 điều cần phải làm. Đầu tiên là tìm hết F1, F2 của trường hợp này để cách ly, xét nghiệm theo quy định. Thứ hai là tổ chức cách ly cộng đồng, chỗ nào cần thiết phải phong tỏa. Thứ ba, rất quan trọng là chấn chỉnh lại việc tự cách ly tại nhà của người dân hiện nay. Quy định, hướng dẫn đã có mà người dân không thực hiện thì chẳng khác việc cố tình “vượt đèn đỏ”. Khi đó, có lúc công an bắt được, có lúc không. May mắn, ca này “công an” đã kịp bắt được” - PGS Phu phân tích.
PGS Trần Đắc Phu khuyến cáo người dân không nên lo lắng quá. Bộ Y tế đang chỉ đạo rất quyết liệt. Hiện việc truy vết, tìm người tiếp xúc để cách ly rất quan trọng.
Hiện tình hình trên thế giới rất phức tạp, các nước bên cạnh như Campuchia vẫn có lây lan trong cộng đồng. Người dân không được chủ quan. Trường hợp nam tiếp viên là một ví dụ của việc chủ quan, dẫn tới hệ quả là có ca lây trong nước.
Nhận định về ca bệnh 1347 vừa được phát hiện tại TP Hồ Chí Minh do lây trong khu cách ly, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, đây không phải là ca bệnh lây lan trong cộng đồng. Hiện nay, một số nước như Pháp, Mỹ, Anh, Brazil sử dụng cụm từ lây lan ra cộng đồng. Nga, Ấn Độ hay Nhật Bản, Hàn Quốc dùng cụm từ chùm ca bệnh nếu xuất hiện ca bệnh khống chế được.
Làm lây lan dịch bệnh phải xử lý nghiêm
Theo PGS Nguyễn Huy Nga, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 117 có hiệu lực từ 15.11.2020 về xử phạt hành chính những vi phạm trong đó quy định mức phạt rất cụ thể. Trong trường hợp ca nhiễm 1347 tại TP.Hồ Chí Minh đã vi phạm rất nghiêm trọng quy định về cách ly. “Tùy thuộc vào tình hình, cơ quan chức năng sẽ có mức hình phạt cụ thể đối với vi phạm này. Nếu để lây lan virus cho nhiều người, có thể truy tố”, ông Nga nói.
Nhận định về tình hình dịch tại Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho biết, Việt Nam đang giữ tốt tình trạng phòng, chống dịch và đến nay gần 90 ngày không có lây nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên, tình hình thế giới đang rất phức tạp. Trong nửa tháng qua, trung bình mỗi ngày thế giới ghi nhận hơn 600 nghìn ca nhiễm mới (cao gấp ba lần so với mùa đông xuân năm trước với khoảng 200 - 300 nghìn ca/ngày). Tỉ lệ tử vong không cao nhưng con số tử vong vẫn chưa hề thuyên giảm.
“Mùa đông đến, chúng ta đều có xu hướng tập trung trong nhà. Thời tiết này, virus nói chung và virus SARS-CoV-2 nói riêng đều tồn tại trong môi trường không khí lâu hơn, khả năng lây truyền lâu hơn. Vì thế, các bệnh viện rất vất vả trong phân loại cách ly, phân luồng những trường hợp có biểu hiện của cúm, sốt để không bỏ xót người mang mầm bệnh COVID-19 đi vào bệnh viện”, TS Nga nhận định. Vì thế, trước những chuyến bay quốc tế trở về Việt Nam mà chúng ta lỏng lẻo kỷ luật đối với các khu cách ly thì nguy cơ bùng phát lớn.
Do đó, theo ông Nga, chúng ta phải giao trách nhiệm cách ly cho các đơn vị thực hiện cách ly, đồng thời phải phối hợp chính quyền địa phương, y tế địa phương biết tham gia vào việc giám sát, tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức người dân trong phòng dịch.
Sau khi Việt Nam công bố ca nhiễm COVID-19 lây từ khu cách ly, ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, cơ quan chức năng sẽ phải rà soát lại các quy định liên quan đến cách ly tiếp viên, phi công của các hãng hàng không.
Quyết liệt giám sát và quản lý người nhập cảnh, giữ mức độ cảnh giác cao nhất
Sau khi phát hiện ca lây nhiễm cộng đồng ở TPHCM, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Ngoại giao, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo thực hiện quyết liệt một số nội dung liên quan giám sát và quản lý người nhập cảnh.
Các đơn vị trên cần giữ mức độ cảnh giác cao nhất với dịch, không chủ quan, lơ là. Bên cạnh đó, các đơn vị cần tổ chức giám sát chặt chẽ tại khu vực biên giới đường bộ, đường biển, khu vực cửa khẩu...
Quản lý cách ly lỏng lẻo, nguy hại khôn lường
Sở Y tế TPHCM cho rằng, ngoài trách nhiệm cá nhân không tuân thủ quy định cách ly dẫn đến việc lây nhiễm bệnh cho người khác và gây liên lụy hàng trăm trường hợp khác cũng bị cách ly (vì là F1, F2), lấy mẫu xét nghiệm, thì không thể không xem xét đến trách nhiệm của đơn vị quản lý khu cách ly tập trung cũng như giám sát của chính quyền địa phương đối với trường hợp cách ly tại nơi cư trú.
Ở trường hợp của bệnh nhân 1342 (nam tiếp viên) cho thấy có sự quản lý lỏng lẻo ở khu cách tập trung tại cơ sở cách ly của Việt Nam Airlines tại địa chỉ 115 Hồng Hà, quận Tân Bình, TPHCM. Bởi trong thời gian từ 15 đến 18.11, trước khi trở thành bệnh nhân 1342, nam tiếp viên đang thuộc diện cách ly tập trung tại cơ sở của Việt Nam Airlines tại địa chỉ 115 Hồng Hà.
Dù đang cách ly tập trung nhưng do sự quản lý lỏng lẻo tại khu cách ly tập trung nên mới có chuyện ngày 17.11 để nam tiếp viên này tiếp xúc với tiếp viên của chuyến bay khác từ Rumani về - đây là chuyến bay có nhiều hành khách dương tính và sau đó vào ngày 25.11.Huyền Trân
Nhiều người cách ly chỉ tuân thủ theo kiểu “cho có”
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), cho biết, giai đoạn dịch COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng trước đây, các địa phương thực hiện quy định cách ly rất nghiêm ngặt. Nhưng khi gần 3 tháng qua không có ca nhiễm trong cộng đồng, việc cách ly bắt đầu có sự chủ quan thấy rõ. Hơn thế, từ hai ca nhiễm là bệnh nhân 1342 và bệnh nhân 1347 mới được phát hiện cho thấy, quy định quá lỏng lẻo, không quyết liệt trong thời gian cách ly, nếu thêm nhiều người mắc khác sẽ thành ổ dịch trong cộng đồng. (Lao động, trang 1).
Phó Giám đốc BV Bình Thuận bị cách tất cả chức vụ trong Đảng
Bác sĩ, phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận vừa bị đình chỉ chức vụ và cách tất cả chức vụ trong Đảng do có sai phạm liên quan trong vụ án tham ô tài sản tại Trung tâm Y tế TP Phan Thiết. Ngày 30-11, nguồn tin của PLO cho biết Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Bình Thuận khóa XIV đã họp kỳ thứ họp thứ 2, để nghe các Tổ kiểm tra thông qua báo cáo kết quả giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên, kết quả kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm và xem xét, đề nghị thi hành kỷ luật đối với đảng viên.
Ông Phan Văn Đăng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị. Tại kỳ họp, UBKT Tỉnh ủy đã thảo luận, phân tích, làm rõ các vấn đề. Kỳ họp cũng thống nhất kết luận giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên không đúng.
Ngoài ra kỳ họp đã bỏ phiếu biểu quyết hình thức kỷ luật cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Nguyễn Quang Thời, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận qua kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm.
Trước đó, ngày 23-11, giám đốc Sở Y tế Bình Thuận đã ký quyết định tạm đình chỉ chức vụ Phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa Bình Thuận đối với ông Nguyễn Quang Thời. Ông Thời là người có sai phạm liên quan trong vụ án tham ô tài sản tại Trung tâm Y tế (TTYT) TP Phan Thiết.
Theo hồ sơ từ tháng 12-2013 đến tháng 6-2018, lợi dụng là Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính bệnh viện Phan Thiết và sự buông lỏng quản lý của bệnh viện Phan Thiết (sau này là TTYT), Nguyễn Duy Hiển đã lập bảng lương và các khoản phụ cấp của đơn vị để kê khống chiếm đoạt tài sản của nhà nước với tổng số tiền hơn 5,4 tỉ đồng.
Thời điểm đó, ông Nguyễn Quang Thời, Phó Giám đốc phụ trách TTYT TP Phan Thiết từ 2013 đến tháng 9-2017 (hiện là Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận) đã thiếu kiểm tra, giám sát việc thu chi tài chính trong thời gian dài.
Khi ông Nguyễn Duy Hiển lập khống 40 bộ hồ sơ chi lương và bốn bộ hồ sơ chi tiền ốm đau, thai sản để chiếm đoạt gần 3,5 tỉ đồng thì ông Thời là người đã trực tiếp ký ba bộ chứng từ thanh toán tiền lương và một bộ chứng từ thanh toán tiền ốm đau, thai sản để Hiển chiếm đoạt gần 300 triệu đồng.
Tại Cơ quan điều tra, Hiển khai thực hiện hành vi trên là do có chỉ đạo của lãnh đạo Bệnh viện TP Phan Thiết để lấy tiền chi các khoản không có hóa đơn, chứng từ của đơn vị.
Số tiền nâng khống lương và chế độ ốm đau, thai sản Hiển đã sử dụng một phần để chi tiếp khách, chi bỏ phong bì cho các đoàn thanh tra; chi tặng quà… Đến ngày 13-5-2019, Hiển bị khởi tố, bắt giam.
Liên quan đến vụ án, các lãnh đạo và nguyên lãnh đạo của TTYT TP Phan Thiết cũng tự nộp tiền khắc phục hậu quả trong vụ án tham ô tài sản xảy ra tại cơ quan này.
Cụ thể, ông Ngô Giang Vũ (Phó Giám đốc) nộp lại 1,8 tỉ đồng, bà Trần Thị Thu Thảo (kế toán trưởng) nộp lại 1,35 tỉ đồng, ông Nguyễn Trung Hà (Giám đốc) nộp lại 1 tỉ đồng, ông Nguyễn Quang Thời (Phó Giám đốc Bệnh viện tỉnh Bình Thuận, nguyên Giám đốc TTYT TP Phan Thiết) nộp lại 900 triệu đồng.
Ngày 21-7, sau khi đưa vụ án ra xét xử, TAND tỉnh Bình Thuận quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
TAND yêu cầu làm rõ bốn vấn đề trong đó phải làm rõ số tiền nâng khống lương ngoài việc chuyển vào tài khoản của Hiển, còn chuyển vào tài khoản của ai khác không; nếu có thì tại sao lại chuyển vào tài khoản của người khác; những người này có biết hành vi nâng khống lương của Hiển không và trách nhiệm của họ như thế nào.
TAND tỉnh Bình Thuận còn yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các cá nhân có liên quan đến việc nâng khống truy lĩnh lương, thu nhập tăng thêm, để xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngoài hành vi phạm tội của Hiển, quá trình điều tra đã xác định có hành vi thiếu trách nhiệm của các cá nhân khác.
Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng để điều tra và đã ra quyết định tách vụ án này để tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý hình sự các cá nhân có liên quan. (Pháp luật TP. HCM, trang 5).