Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 02/3/2023

  • |
T5g.org.vn - Thông tin mới nhất về chùm ca sốt ở học sinh TP.HCM; Bộ Y tế yêu cầu tăng cường phòng, chống cúm gia cầm lây sang người

 

Thông tin mới nhất về chùm ca sốt ở học sinh TP.HCM

Sau khi trực tiếp thăm khám, xét nghiệm, các chuyên gia nhận định chùm ca sốt ở một số học sinh của 2 trường THCS tại Bình Thạnh khả năng cao là do nhiễm các siêu vi hay gặp và gây bệnh cảnh "cảm lạnh" ở người.
Chiều 28/2, Sở Y tế TP.HCM cho biết, các chuyên gia về nhi khoa và dịch tễ học TP.HCM nhận định chùm ca sốt ở một số học sinh của 2 trường THCS ở quận Bình Thạnh khả năng cao là do nhiễm các siêu vi hay gặp và gây bệnh cảnh "cảm lạnh" ở người như: Rhinovirus, adenovirus, coronavirus …, đa phần diễn tiến nhẹ tự khỏi và không cần nhập viện, các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng.

Trước đó, ngày 23/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) nhận được báo cáo của Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh về hiện tượng số học sinh nghỉ ốm tăng cao bất thường tại trường THCS Lê Văn Tám và trường THCS Lam Sơn. 

Ngay sau đó, HCDC đã phối hợp với Trung tâm y tế quận Bình Thạnh đến trường THCS Lê Văn Tám và trường THCS Lam Sơn tiến hành điều tra, giám sát tình hình dịch bệnh.

Qua điều tra, tổ công tác ghi nhận số học sinh nghỉ học vì bệnh cũng như số học sinh xuống phòng y tế của 2 trường này để khám vì có triệu chứng sốt, mệt tăng nhanh đột biến trong các ngày 22, 23 và 24/2/2023. Cụ thể, số học sinh có triệu chứng bệnh trong 3 ngày 22,23 và 24/2 tại trường Lê Văn Tám lần lượt là 14, 193 và 23 học sinh; tại trường Lam Sơn lần lượt là 5, 84, và 17 học sinh. Tổng số trẻ mắc bệnh trong giai đoạn này chiếm 11% tổng số học sinh cả 2 trường.

Triệu chứng chính của các học sinh này chủ yếu là đau họng, sốt, mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt. Ngoài ra, còn ghi nhận khoảng 10-15% trường hợp bị tiêu chảy, buồn nôn, nôn. Trung tâm y tế quận Bình Thạnh, Trạm y tế Phường 2 và Phường 26 đã lập tức lấy mẫu giám sát ngẫu nhiên cho 18 trường hợp để làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2. Kết quả là tất cả đều âm tính với COVID-19. 

Do cả 2 trường đều có cùng nguồn cung cấp thức ăn và nước uống nên cần loại trừ các nguyên nhân gây bệnh đến từ thực phẩm, nước uống. Trung tâm y tế đã phối hợp với Ban An toàn thực phẩm thành phố kiểm tra tại 2 đơn vị cung cấp thực phẩm và nước uống, ghi nhận các đơn vị đều thực hiện đúng quy trình, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Sở Y tế đã chỉ đạo các bác sĩ nhi khoa có nhiều kinh nghiệm thuộc  Bệnh viện Nhi đồng 1, 2 và Bệnh viện Nhi đồng Thành phố do bác sĩ Trương Hữu Khanh làm trưởng nhóm đến các trường này để khám và chẩn đoán lâm sàng cho các học sinh còn triệu chứng. 

Qua thăm khám lâm sàng và thực hiện xét nghiệm nhanh cúm A/B âm tính cho 26 trẻ có triệu chứng, các chuyên gia nhi khoa nhận định nguyên nhân gây bệnh ở những học sinh này khả năng cao là do là nhiễm siêu vi hô hấp khá thường gặp ở trẻ em. Đây là căn bệnh do các tác nhân virus hay gây bệnh ở trẻ em như rhinovirus, adenovirus, coronavirus,… gây ra, đa phần diễn tiến nhẹ tự khỏi và không cần nhập viện. 

Thực tế hiện tại các học sinh ở cả 2 trường đã tự khỏi và không ghi nhận trường hợp cần nhập viện điều trị do tình trạng nặng.

Ngoài ra, tổ công tác cũng ghi nhận có hiện tượng một số học sinh nghỉ học do cá nhân các em hoặc phụ huynh quá lo lắng, đây là "hiệu ứng đám đông". 

Sở Y tế đã yêu cầu trạm y tế phường hướng dẫn nhà trường thông tin đầy đủ, chính xác đến phụ huynh, học sinh và truyền thông khuyến cáo học sinh rửa tay thường xuyên, ăn sạch uống sạch, đeo khẩu trang khi bị bệnh để không lây lan các bệnh truyền nhiễm trong trường học. Đồng thời yêu cầu Trung tâm y tế quận Bình Thạnh cùng trạm y tế phường tiếp tục theo dõi tình hình bệnh tại 2 trường trong những ngày tiếp theo để kịp thời có hướng xử lý phù hợp.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, hiện nay số trường hợp bệnh nhân mắc bệnh hô hấp gia tăng, đặc biệt là ở trẻ em do khu vực phía Nam. Sở dĩ vậy là do có sự thất thường của thời tiết khi giữa mùa khô vẫn có những cơn mưa thất thường, nền nhiệt chênh lệch khá rõ trong ngày (lạnh về đêm và sáng sớm, nắng nóng giữa trưa) cũng như sự chênh lệch nhiệt độ giữa các ngày trong tuần. Theo đó, phụ huynh cần giữ ổn định sinh hoạt của trẻ như cho trẻ uống đủ nước, ngủ đủ giấc, vệ sinh mũi họng, giữ ấm cho trẻ, chú ý đeo khẩu trang nhằm tránh gió, bụi, giảm nguy cơ lây nhiễm khi tiếp xúc với trẻ hay người lớn đang bị bệnh hô hấp. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 8)

 

Bộ Y tế yêu cầu tăng cường phòng, chống cúm gia cầm lây sang người

Campuchia mới đây thông báo phát hiện 2 trường hợp mắc cúm gia cầm A(H5N1), một người tử vong. Theo Bộ Y tế, nước ta vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người nhất là trong điều kiện thời tiết hiện nay đang ở giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển.
Bộ Y tế vừa có công điện gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người.

Tại công điện do PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế ký ban hành, cho biết, theo thông báo từ Bộ Y tế Campuchia, từ ngày 22/02/2023 Campuchia ghi nhận 02 trường hợp nhiễm cúm A(H5N1) tại tỉnh Prey Veng, trong đó có 01 trường hợp đã tử vong. Đây là những ca bệnh cúm A(H5N1) trên người mới nhất tại Campuchia kể từ năm 2014. 

Trong điều kiện giao lưu thương mại ngày càng rộng mở giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, nguy cơ cúm gia cầm có thể xâm nhập vào nước ta và lây nhiễm sang người là rất lớn, đặc biệt là các tỉnh có đường biên giới với các quốc gia đang có dịch.

Tại Việt Nam, thời tiết hiện nay đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển, đồng thời các lễ hội sau Tết Nguyên đán vẫn tiếp tục được tổ chức, do đó hoạt động vận chuyển và buôn bán gia cầm có thể gia tăng. Vì vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người. 

Trước đó, vào cuối năm 2022, Việt Nam cũng ghi nhận ca nhiễm cúm A(H5N1) trên người (tại tỉnh Phú Thọ) đầu tiên kể từ năm 2014 đến nay. 

Để chủ động ngăn chặn bệnh cúm gia cầm xâm nhập vào Việt Nam và lây nhiễm sang người, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn khẩn trương thực hiện một số nội dung trọng tâm, cụ thể:

Tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nhất là người giết mổ, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm sống, người có tiền sử đến từ khu vực đang có dịch (gồm dịch trên gia cầm và ở người), kịp thời lấy mẫu xét nghiệm gửi về các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur xét nghiệm chẩn đoán xác định; quản lý ca bệnh (nếu có) và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng.

Tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do vi rút và hội chứng cúm để phát hiện kịp thời ca bệnh cúm A(H5N1); các bệnh viện sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị theo quy định của Bộ Y tế và thông báo kịp thời cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để có các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời; sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.

Đồng thời, tăng cường phối hợp liên ngành giữa cơ quan y tế, thú y và các ban, ngành liên quan trong việc giám sát phát hiện dịch cúm trên gia cầm đặc biệt tại các cửa khẩu và các chợ gia cầm sống, kịp thời chia sẻ thông tin về tinh hình dịch bệnh trên gia cầm và triển khai phối hợp trong điều tra, xử lý ổ dịch.

Cùng đó tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm sang người, đặc biệt chú ý những khu vực có nguy cơ cao và những người chăn nuôi, buôn bán và giết mổ gia cầm về nguy cơ mắc bệnh, các biện pháp phòng tránh, khuyến cáo mạnh mẽ người dân không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc; thực hiện an toàn thực phẩm trong giết mổ, chế biến gia cầm và các sản phẩm của gia cầm, không ăn tiết canh và không sử dụng gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân. 

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương thực hiện việc phối hợp trong công tác phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người theo quy định của Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT- BNN&PTNT ngày 27/5/2013 của Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT; Báo cáo bệnh truyền nhiễm theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế về Cục Y tế dự phòng. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 2).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang