Thủ tướng Phạm Minh Chính: Các thầy thuốc, nhân viên ngành Y đang dấn thân thực hiện sứ mệnh cao cả
'Chiến trường nào cũng gian khổ, trận chiến nào cũng có những mất mát hy sinh; các anh, các chị và các bạn thực sự là những “chiến sĩ áo trắng” đang dấn thân thực hiện sứ mệnh cao cả của mình như lời dạy của Bác Hồ kính yêu'…
Đây là một trong những nội dung trong thư biểu dương của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi đến các y bác sĩ, nhân viên ngành y trên tuyến đầu chống dịch COVID-19. Trong thư, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đợt dịch bùng phát ở nước ta từ cuối tháng 4/2021 đến nay với những biến chủng mới có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn, mạnh hơn, khó kiểm soát và nguy hiểm hơn đã xuất hiện ở nhiều địa phương.
Tuy nhiên, “phát huy những bài học kinh nghiệm chống dịch trước đây, cùng với những biện pháp phù hợp, sáng tạo, kịp thời của các cấp lãnh đạo, của toàn dân, toàn quân, đến nay chúng ta vẫn cơ bản kiểm soát được tình hình; kinh tế, xã hội tiếp tục phát triển. Đặc biệt, chúng ta đã tổ chức thành công rất tốt đẹp và an toàn ngày Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 với 99,57% cử tri cả nước tham gia bầu cử trong điều kiện phải tiến hành đồng thời việc đẩy mạnh chống dịch COVID-19” – người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh trong thư biểu dương lực lượng thầy thuốc, nhân viên ngành y.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng thời nhấn mạnh, có được những kết quả đó là nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời, quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch nước, Hội đồng bầu cử quốc gia, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19; sự nỗ lực vượt khó, tinh thần đoàn kết, ý chí vươn lên của Nhân dân cả nước, sự vào cuộc chủ động, tích cực của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, trong đó có sự cống hiến, hy sinh, lăn xả quên mình của các lực lượng tuyến đầu chống dịch, như quân đội, công an, ngoại giao, giao thông vận tải, các tình nguyện viên, đặc biệt là đội ngũ thầy thuốc, cán bộ, nhân viên y tế, một lực lượng tiên phong, xông pha trên mặt trận chống dịch.
Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ sự xúc động, nỗ lực ngày đêm của các thầy thuốc, nhân viên ngành Y trong cuộc chiến với “giặc” COVID-19. “Chúng ta không thể nào quên những hình ảnh cảm động của những bác sĩ, nhân viên y tế phải gác lại mọi riêng tư, chấp nhận những hy sinh cá nhân, tận tình, chu đáo chăm sóc người bệnh; hay những khoảnh khắc, hành động cao đẹp lay động lòng người của những “chiến sĩ áo trắng” trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của mùa hè oi nóng, dù đã kiệt sức nhưng quyết bám trụ, chiến đấu với dịch bệnh, tất cả vì sức khoẻ của người dân, của cộng đồng...” – Thủ tướng Chính phủ viết trong thư.
“Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những cống hiến, nỗ lực không mệt mỏi, tận tâm tận lực, không quản ngại vất vả, gian nan và hiểm nguy của đội ngũ cán bộ y tế chống dịch thời gian qua. Chiến trường nào cũng gian khổ, trận chiến nào cũng có những mất mát hy sinh; các anh, các chị và các bạn thực sự là những “chiến sĩ áo trắng” đang dấn thân thực hiện sứ mệnh cao cả của mình như lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Lương y phải như từ mẫu”, “… thương yêu săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn…”.
Trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp, luôn thường trực nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào, đe dọa thành quả phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội của chúng ta, tôi tin tưởng rằng toàn thể thầy thuốc, cán bộ, nhân viên y tế trên toàn quốc, cùng nhân dân cả nước và các lực lượng chức năng sẽ phát huy tinh thần, khí thế và những kinh nghiệm quý báu trong thời gian qua, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả hơn và sự hy sinh có thể phải nhiều hơn nữa để cùng cả nước sớm đẩy lùi dịch bệnh” – thư của Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phải đẩy lùi dịch Covid-19 tại hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh
Ngày 26-5, tại đầu cầu trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh về phòng, chống dịch Covid-19 khi dịch bệnh đang và có nguy cơ lây lan mạnh tại các khu công nghiệp của hai địa phương này. Tại hội nghị, theo yêu cầu của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đại diện lãnh đạo các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Công Thương, Ngoại giao, Tài chính, Giao thông Vận tải, Thông tin và Truyền thông, Lao động - Thương binh và Xã hội... cùng các ngành có liên quan đã báo cáo, nhận định tình hình cũng như đề xuất các giải pháp mới nhằm nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh tại hai địa phương này.
Theo báo cáo của các địa phương, các bộ, ngành liên quan, trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, Bắc Giang và Bắc Ninh trở thành các tâm điểm của dịch bệnh. Đến nay, tại Bắc Giang đã có hơn 1.400 trường hợp mắc Covid-19, chủ yếu là công nhân tại các khu công nghiệp, có nguy cơ lan ra dân cư. Trong khi tại tỉnh Bắc Ninh, có gần 600 ca mắc Covid-19, chủ yếu ở khu dân cư, có nguy cơ lây lan vào các khu công nghiệp.
Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, với sự chi viện kịp thời, thường xuyên của Bộ Y tế và các ngành liên quan, hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh đã thực hiện các giải pháp quyết liệt nhằm kiểm soát dịch bệnh.
Tuy nhiên, thời gian tới, tại hai tỉnh này có thể sẽ ghi nhận thêm các ca mắc mới Covid-19; nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lây lan do tại đây có nhiều khu công nghiệp, tập trung đông công nhân, lại ở lẫn trong dân cư, sự giao lưu giữa các địa phương cao... Trong khi đó, kinh nghiệm phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp còn ít; lực lượng, trang thiết bị, vật tư y tế của hai địa phương còn hạn chế...
Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương đã đề xuất với Chính phủ và Thủ tướng một số giải pháp tiếp theo. Đó là tổ chức khoanh vùng, không để dịch bệnh lây lan thêm ra các khu vực, đối tượng mới; thực hiện giãn cách xã hội tại hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh ở quy mô rộng hơn; kiểm soát chặt chẽ việc cách ly phòng, chống dịch; đổi mới phương pháp, đẩy nhanh xét nghiệm trên diện rộng; bảo vệ an toàn cho các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch; cấp phát, ưu tiên tiêm vắc xin cho công nhân tại các khu công nghiệp tại hai tỉnh; tăng cường giải pháp bảo đảm ổn định tình hình, đời sống trong các vùng giãn cách, cách ly; tổ chức làm sạch, bảo đảm an toàn phòng dịch bệnh cho từng khu dân cư, từng nhà máy, doanh nghiệp, sau đó tổ chức sản xuất trở lại; xây dựng các vùng sản xuất sạch, an toàn phòng dịch; ưu tiên lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, nông sản cho doanh nghiệp, người dân...
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cơ bản nhất trí với các kiến nghị, giải pháp mà các bộ, ngành, địa phương đề xuất nhằm phòng, chống dịch Covid-19 một cách hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân và bảo đảm sản xuất, kinh doanh tại hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang.
Thủ tướng đánh giá cao các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang đã vào cuộc tích cực, vượt qua những khó khăn, hạn chế, dự báo được tình hình, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, quyết tâm, nỗ lực lớn để phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó là sự chỉ đạo kịp thời của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, sự vào cuộc, chi viện kịp thời, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành ở Trung ương cho hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang.
Theo Thủ tướng, nguồn lây nhiễm Covid-19 tại hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh trong đợt này xuất phát từ hai bệnh viện ở Trung ương, chủng vi rút có độ nguy hiểm cao, độ khuếch tán rộng và nhanh. Dịch bệnh tại Bắc Ninh, Bắc Giang vẫn diễn biến phức tạp, các ca nhiễm có thể còn tăng lên trong các khu vực đang được kiểm soát; nguy cơ lây nhiễm từ các khu vực đang được khoanh vùng ra ngoài cũng rất cao. Trong khi đó, khả năng chữa bệnh tại các địa phương còn hạn chế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, mục tiêu lớn nhất tại Bắc Ninh, Bắc Giang lúc này là ngăn chặn, đẩy lùi được dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe của người dân, đồng thời, bảo đảm sản xuất, kinh doanh không bị đứt gãy. Do đó, các bộ, ngành và hai địa phương cần cố gắng, quyết liệt, tích cực hơn nữa thực hiện cho bằng được mục tiêu này.
Thủ tướng yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền của hai địa phương phải phân công và thống nhất về chỉ đạo, cách làm, tổ chức thực hiện trong phòng, chống dịch Covid-19; người đứng đầu phải chịu trách nhiệm với quyết định của mình trong phòng, chống dịch; các bộ, ngành liên quan cần phối hợp với các địa phương tổ chức các tổ công tác thường trực tại các địa phương, chỉ đạo trực tiếp việc phòng, chống dịch Covid-19; thành lập và duy trì hoạt động các tổ phòng, chống Covid-19 trong cộng đồng, doanh nghiệp; căn cứ vào tình hình cụ thể của từng địa phương, cơ quan, doanh nghiệp để áp dụng các biện pháp, quy định, mức độ phòng, chống dịch phù hợp; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong phòng, chống dịch bệnh…
Về các giải pháp cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các ngành, phối hợp với địa phương tăng cường khả năng xét nghiệm, huy động tối đa nguồn lực để xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 cho người dân, nhất là tại các khu đã khoanh vùng; sử dụng công nghệ bắt buộc do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì để phòng, chống dịch; thực hiện quyết liệt “5K + vắc xin”; kiểm soát chặt xuất, nhập cảnh, quản lý cư trú.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị, phải tăng cường cơ sở vật chất, năng lực điều trị Covid-19 cho các địa phương, trong đó nghiên cứu về việc lập bệnh viện dã chiến, kho vật tư dã chiến tại các tỉnh này; tăng cường lực lượng, trang thiết bị, vật tư y tế cho hai tỉnh nhằm sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh theo phương châm "4 tại chỗ". Qua đó, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị tích cực, sớm ổn định tình hình; xem xét phương án cách ly các trường hợp F1 tại từng gia đình và tại nhà máy, doanh nghiệp.
Ngoài ưu tiên tiêm vắc xin cho lực lượng trên tuyến đầu chống dịch trong cả nước thì ưu tiên vắc xin cho hai tỉnh này để tiêm cho công nhân tại các khu công nghiệp. Huy động các nguồn lực, kể cả của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, dịch vụ tham gia đóng góp tài chính để mua vắc xin ngừa Covid-19. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, phản ánh trung thực, khách quan, toàn diện nhằm giải thích, hướng dẫn cho nhân dân phòng, chống dịch; truyền cảm hứng, củng cố niềm tin, kêu gọi nhân dân vào cuộc mạnh mẽ, phòng, chống dịch Covid-19 một cách hiệu quả.
Thủ tướng nhắc nhở các bộ, ngành liên quan cần khẩn trương phối hợp để hoàn thành xây dựng Quỹ Vắc xin phòng Covid-19; đẩy mạnh tiếp cận các nguồn vắc xin để mua, tiêm vắc xin cho người dân; tăng cường kiểm soát việc xuất, nhập cảnh, cư trú; xây dựng các quy trình sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa an toàn, hiệu quả; bổ sung chính sách, tháo gỡ khó khăn về thủ tục tài chính để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương lân cận với hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang cần căn cứ khả năng cụ thể để hỗ trợ, giúp đỡ hai địa phương này trong phòng, chống dịch, trên tinh thần "Bắc Ninh, Bắc Giang vì cả nước, cả nước vì Bắc Ninh, Bắc Giang". (Hà Nội mới, trang 1; Tuổi trẻ, trang 1; An ninh Thủ đô, trang 1; Thanh niên, trang 2; Tiền phong, trang 2; Sài Gòn giải phóng, trang 1; Lao động, trang 2; Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng: Người Hà Nội không thể thua ''giặc'' Covid-19
Ngày 26-5, trao đổi với báo chí sau hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cảm ơn và biểu dương người dân đã thực hiện rất tốt yêu cầu dừng hoạt động một số dịch vụ từ trưa 25-5. Nhấn mạnh tình hình dịch vẫn rất phức tạp, đồng chí kêu gọi người dân tiếp tục đồng hành cùng thành phố và quyết tâm trên tinh thần: Người Hà Nội không thể thua “giặc” Covid-19.
Hy sinh lợi ích trước mắt để bảo vệ an toàn cho nhân dân
Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, qua quan sát và báo cáo từ các địa phương, ngay từ trưa 25-5, đa số người dân, tiểu thương, các cửa hàng chấp hành rất nhanh, chủ động nghiêm túc. Cấp ủy, chính quyền, nhất là lực lượng công an, dân phố, dân phòng vào cuộc rất quyết liệt, đi vận động nhắc nhở từng cửa hàng.
Ghi nhận, biểu dương và cảm ơn tinh thần tự giác cao và sự đóng góp từ ý thức của người dân trong công tác phòng, chống dịch, đồng chí Đinh Tiến Dũng khẳng định: “Đây là nét đẹp truyền thống, là sức mạnh nội tại, là văn hóa, văn hiến của Thăng Long - Hà Nội nghìn năm. Giống như sự kiên cường, bản lĩnh của cả nước, người Hà Nội không những không thể thua, mà sẽ gương mẫu, đi đầu chiến đấu và chiến thắng “giặc” Covid-19”.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, mỗi biện pháp đưa ra, thành phố đều cân nhắc rất kỹ vì lợi ích của nhân dân và chỉ chấp nhận hy sinh lợi ích trước mắt để bảo vệ an toàn cho dân, bảo vệ lợi ích lâu dài. Vừa qua, các ca dương tính với vi rút SARS-Cov-2 đi lại các quán cà phê, cửa hàng ăn uống rất nhiều, để lại hậu quả, thiệt hại lớn. Chính vì vậy, thành phố phải tạm dừng hoạt động một số cơ sở kinh doanh dịch vụ như nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ và chỉ cho phép bán hàng mang về; yêu cầu không tổ chức ăn uống, liên hoan tập trung đông người; tạm dừng hoạt động của các cửa hàng cắt tóc, gội đầu... Đồng chí chỉ rõ: “Đây là những nơi, những hoạt động có môi trường rất thuận lợi cho dịch lây nhiễm, lan rộng; gây rất nhiều khó khăn đối với việc truy vết, khoanh vùng, dập dịch...”.
Bí thư Thành ủy cũng chia sẻ, khi đã quyết định phải dùng biện pháp mạnh này, thành phố cũng đã cẩn thận xem xét nên bắt đầu thực hiện vào lúc nào để người dân chuẩn bị, đỡ bị thiệt hại nhất. “Việc đưa ra mốc thời gian 12h trưa là để tiểu thương, chủ hàng, quán có thêm thời gian chuẩn bị, thực phẩm bán hàng không bị bỏ, đổ đi vì đóng cửa”, đồng chí nói.
Nỗ lực gấp hai, gấp ba, dập tắt bằng được các ổ dịch
Về nhiệm vụ cấp bách hàng đầu hiện nay, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan phải tập trung cao độ, nỗ lực gấp hai, gấp ba để truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng, dập tắt bằng được hai ổ dịch tại khu đô thị Times City (quận Hai Bà Trưng) và Công ty T&T tại số 2 Phạm Sư Mạnh (quận Hoàn Kiếm).
Theo Bí thư Thành ủy, tình hình dịch Covid-19 đang rất phức tạp và mức độ có thể gia tăng trong những ngày tới; không chỉ ở Hà Nội và còn trên cả nước. Do đó, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân phải sẵn sàng tâm thế thực hiện các biện pháp chống dịch mạnh hơn nữa.
Bí thư Thành ủy yêu cầu, từng địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương và thành phố; bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Công điện của Chủ tịch UBND thành phố; thực hiện ngay việc rà soát, cập nhật, có phương án, kịch bản phòng, chống dịch cụ thể, chủ động, chặt chẽ, phù hợp thực tiễn và sẵn sàng ứng phó hiệu quả mọi tình huống trên cơ sở “4 tại chỗ”. Cấp thành phố phải quán xuyến toàn diện, đồng thời phát huy tinh thần chủ động, quận lo cho quận, huyện lo cho huyện, phường, xã, thị trấn, thôn, tổ dân phố cũng phải chủ động tự lo cho mình; từng gia đình, từng người dân phải có trách nhiệm với chính mình, gia đình mình và vì cộng đồng, Thủ đô và đất nước.
Bí thư Thành ủy chỉ đạo các cấp, các ngành theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch trong phạm vi, địa bàn quản lý; cấp trên kiểm tra cấp dưới, thực hiện thường xuyên, vừa bảo đảm tính toàn diện vừa có trọng tâm, trọng điểm. Kiểm tra phải đi liền với biểu dương, đánh giá, khen thưởng, nhân rộng các điển hình làm tốt; phê bình, xử lý kỷ luật nghiêm minh và công khai các trường hợp vi phạm, nhất là đối với cán bộ, công chức, tuyệt đối không nể nang, né tránh.
“Từng nhiệm vụ phải gắn với trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm người đứng đầu. Các đồng chí bí thư quận, huyện, thị ủy phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Thành ủy về tình hình, kết quả thực hiện các biện pháp chống dịch trên địa bàn. Nơi nào, đơn vị nào để xảy ra dịch bệnh trên diện rộng, đình trệ các hoạt động kinh tế-xã hội do nguyên nhân chủ quan thì tùy mức độ sẽ bị xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu”, Bí thư Thành ủy nêu rõ.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, cấp ủy các cấp phải lãnh đạo hệ thống chính trị và huy động sự vào cuộc của toàn thể nhân dân để phòng, chống dịch; giữ vững tinh thần ý chí, quyết tâm và thế trận chống dịch hiện nay. Tất cả phải triển khai quyết liệt các biện pháp phát hiện nhanh, khoanh vùng gọn, cách ly kịp thời, thần tốc truy vết, xét nghiệm sàng lọc, điều trị tích cực, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Giải quyết dứt điểm các ổ dịch hiện có, không để phát sinh các ổ dịch mới, nhanh chóng ổn định tình hình.
Bí thư Thành ủy Hà Nội kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, quân và dân Thủ đô trên dưới một lòng; chung tay cùng thành phố thực hiện nghiêm các chỉ thị, yêu cầu, quy định của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo quốc gia và của thành phố với nỗ lực cao nhất, gác lại việc chưa cần thiết, dẹp lợi riêng vì lợi chung, tất cả để đẩy lùi dịch nhanh nhất vì sức khỏe của mỗi cá nhân, vì sức khỏe của cộng đồng, vì lợi ích chung của Thủ đô và đất nước. (Hà Nội mới, trang 1).
Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM chi viện đội ngũ tinh nhuệ nhất tới điểm nóng Bắc Giang
Trong đêm qua, 25-5, 13 thành viên Đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM đã tức tốc lên đường ra bắc để tới "chia lửa" với các đồng nghiệp ở điểm nóng về dịch Covid-19 tại Bắc Giang.
TS.BSCKII Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, với tinh thần và tình cảm của Bệnh viện Chợ Rẫy dành cho nhân dân Bắc Giang, bệnh viện đã cử đội phản ứng nhanh bao gồm các bác sĩ, nhân viên y tế tại rất nhiều chuyên khoa đến tăng cường cho Bắc Giang.
Trong êkip đến Bắc Giang lần này có các bác sĩ, nhân viên y tế đã từng tham gia chống dịch tại Đà Nẵng, có rất nhiều kinh nghiệm trong thiết lập hệ thống săn sóc đặc biệt, chạy ECMO, điều trị cho bệnh nhân COVID-19, đặc biệt là bệnh nhân nặng. Ngoài ra, êkip sẽ giúp Bắc Giang xây dựng bệnh viện dã chiến trong thời gian ngắn nhất.
Bác sĩ Thức nhấn mạnh: “Chúng tôi đã cấp, xuất rất nhiều trang thiết bị y tế đến các địa phương, trong đó có Bắc Giang.
Chúng tôi muốn nhắn nhủ rằng: "Nhân dân Bắc Giang hãy bình tĩnh và an tâm, bởi luôn có cả nước và ngành y tế, trong đó có BV Chợ Rẫy luôn luôn đồng hành cùng các bạn”. (An ninh Thủ đô, trang 3).
Bắc Giang khẩn cấp thay đổi chiến lược test nhanh ngay trong đêm, hôm nay bắt đầu gộp mẫu
Trong cuộc họp chiều qua, 25-5, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn - Trưởng bộ phận đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Giang đã chỉ đạo khẩn trương triển khai lấy mẫu test nhanh thí điểm cho 200 công nhân tại Bắc Giang.
Thứ trưởng nhấn mạnh, khẩn trương triển khai thực hiện công tác hướng dẫn tự lấy mẫu test nhanh thí điểm tại một khu vực ngay trong ngày 26/5.
Cụ thể: chọn 100-200 công nhận tập trung tại khu nhà trọ (đảm bảo giãn cách) và xem video hướng dẫn test nhanh để tự lấy mẫu.
Ngay trong tối qua, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang phối hợp với tổ công tác của Bộ phận thường trực Bộ Y tế đã họp để lên phương án cụ thể về việc triển khai test nhanh tại 3 điểm nóng nhất về dịch tại huyện Việt Yên.
Theo đó, tỉnh Bắc Giang quyết định lên phương án thay thế xét nghiệm Realtime RT-PCR bằng test kháng nguyên nhanh, sàng lọc những người có nguy cơ cao. Đối với phương pháp test nhanh này thì 15 phút sẽ có kết quả (độ chính xác lên tới 70-75%).
Kế hoạch cụ thể về việc test nhanh ngày 26/5 sẽ diễn ra tại 3 điểm là Núi Hiểu, Trung Đồng và Tam Tầng (huyện Việt Yên).
Báo cáo từ lãnh đạo huyện Việt Yên cho biết, hiện tổng số dân cư của 3 điểm này hiện có 18.723 người.
Tại cuộc họp, ông Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo giao huyện Việt Yên đêm 25/5 làm xong phiếu thông tin cho người dân.
Về nhân lực làm test nhanh dự kiến sẽ có 400 người. Địa bàn Trung Đồng, Tam Tầng do đoàn Quảng Ninh (đang có mặt hỗ trợ tại Bắc Giang) phụ trách; Núi Hiểu giao cho đoàn Hải Dương phụ trách. Mỗi nhóm lấy mẫu sẽ có 2 người, tới từng nhà thực hiện nhiệm vụ.
Thông tin chuyên môn về việc test nhanh, GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, bình thường trong phòng thí nghiệm 3-4 ngày mới mọc virus, nhưng chủng virus SARS-CoV-2 lần này đến ngày thứ 2 đã “mọc chân” rất nhiều nên độ phát tán mầm bệnh rất nhanh. Vì thế với chủng khác còn nghi ngờ, nhưng chủng lần này nếu chậm là muộn.
Theo GS.TS Quỳnh Mai: “Do tại Bắc Giang đã có thông báo cách ly nên có thể thực hiện test nhanh theo từng cụm nhà. Có thể làm mẫu gộp được, nên sẽ lấy mẫu bình thường và trộn theo môi trường, môi trường nào dương tính thì xét nghiệm kỹ. Còn lại những trường hợp test nhanh cho kết quả âm tính vẫn làm mẫu gộp đem về xét nghiệm Realtime RT-PCR. Như vậy trong một ngày chúng ta sẽ làm được rất nhiều”. (An ninh Thủ đô, trang 6).
Nữ bệnh nhân Covid-19 ở huyện Thuận Thành tử vong, có bệnh nền tăng huyết áp
Chiều nay, 26-5, Tiểu ban điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thông báo ca tử vong thứ 45 do Covid-19 tại Việt Nam. Ca tử vong là BN3760, nữ, 67 tuổi, ở Thuận Thành, Bắc Ninh. Theo thông tin từ Tiểu ban Điều trị, bệnh nhân tử vong kể trên có tiền sử tăng huyết áp, Suy giáp sau xạ trị bướu giáp từ 2007 đang điều trị theo đơn; đái tháo đường đang dùng insulin tiêm, thể trạng béo phì.
Ngày 11/5, bệnh nhân nhập Bệnh viện Đa khoa Thuận Thành, Bắc Ninh cách ly điều trị với chẩn đoán viêm phổi trên bệnh nhân tăng huyết áp, suy giáp, đái tháo đường, béo phì.
Ngày 12/5, bệnh nhân xét nghiệm có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 và được chuyển sang Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh để tiếp tục điều trị.
Bệnh nhân được điều trị tích cực bằng kháng sinh phổ rộng, thở máy, lọc máu liên tục, chống đông, dinh dưỡng qua sonde.
Bệnh nhân được Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế hội chẩn 3 lần (vào ngày 17, 18, 19/5/2021) và được nhóm bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương tăng cường hỗ trợ điều trị tại chỗ hằng ngày.
Ngày 25/5, diễn biến bệnh tình nặng dần, xuất hiện tình suy tim, sốc nhiễm khuẩn. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh để điều trị, trên đường vận chuyển bệnh nhân xuất hiện cơn ngừng tuần hoàn (lần 1).
Tối cùng ngày tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương bệnh nhân có tình trạng hôn mê sâu, bóp bóng qua nội khí quản, ngừng tuần hoàn (lần 2). Đến đêm, bệnh nhân ngừng tuần hoàn (lần 3), mặc dù các bác sĩ dốc hết sức cấp cứu, nhưng bệnh nhân không có tiến triển.
Bệnh nhân tử vong đêm 25/5. Chẩn đoán tử vong: Sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi do nhiễm SARS-CoV-2, suy tim trên bệnh nhân tăng huyết áp, suy giáp, đái tháo đường, béo phì. (An ninh Thủ đô, trang 6).
Thêm 59 ca mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh
Trong ngày 26.5, thêm 59 ca được công bố khỏi bệnh. Từ đầu dịch đến nay, 2.853 BN Covid -19 tại Việt Nam đã được điều trị khỏi; 45 ca tử vong.
Theo thông báo của BYT, ngày 26.5, Việt Nam ghi nhận 235 bệnh nhân (BN) Covid-19 mới. Đây là các ca mắc do lây nhiễm trong nước, ghi nhận tại Bắc Giang 121 ca, Bắc Ninh 91 ca, Hà Nội 15 ca, Hải Dương 4 ca, Thanh Hóa 1 ca, Điện Biên 1 ca, Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 (H.Đông Anh, Hà Nội) 1 ca và Thái Nguyên 1 ca.
Ngày 26.5, BYT thông báo ca mắc Covid-19 tử vong là BN 3760 (nữ, 67 tuổi, địa chỉ H.Thuận Thành, Bắc Ninh). Trước đó, ngày 11.5, BN nhập BV đa khoa Thuận Thành (Bắc Ninh) cách ly điều trị với chẩn đoán viêm phổi trên BN tăng huyết áp, suy giáp, đái tháo đường, béo phì. Ngày 12.5, BN có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 và được chuyển sang BV đa khoa tỉnh Bắc Ninh tiếp tục điều trị. BN được điều trị tích cực bằng kháng sinh phổ rộng, thở máy, lọc máu liên tục, hội chẩn quốc gia.
Ngày 25.5, BN diễn biến nặng, suy tim, sốc nhiễm khuẩn, được chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 điều trị nhưng diễn biến nặng hơn, 3 lần ngừng tuần hoàn. BN tử vong đêm 25.5, với chẩn đoán tử vong do sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi do nhiễm SARS-CoV-2, suy tim trên BN tăng huyết áp, suy giáp, đái tháo đường, béo phì.
Trong ngày 26.5, thêm 59 ca được công bố khỏi bệnh. Từ đầu dịch đến nay, 2.853 BN Covid-19 tại Việt Nam đã được điều trị khỏi; 45 ca tử vong.
* Ghi nhận 3 ca nghi nhiễm tại TP.HCM
Tối 26.5, cơ quan chức năng H.Hóc Môn (TP.HCM) đã phong tỏa nơi ở của ca nghi nhiễm Covid -19 (38 tuổi, ngụ xã Thới Tam Thôn, H.Hóc Môn). Trong khi đó, Q.Phú Nhuận (TP.HCM) đã tạm phong tỏa căn nhà cho thuê văn phòng trên đường Đặng Văn Ngữ nơi người này làm việc. Cơ quan chức năng điều tra, cách ly, lấy mẫu những người liên quan ca nghi nhiễm này trong đêm.
Ngày 26.5, người này đi khám tại BV Nhân dân Gia Định với triệu chứng đau họng, sốt và mất khứu giác. Vì có triệu chứng bệnh nên dù chưa có yếu tố dịch tễ, người này được chuyển khám sàng lọc và cách ly tạm thời, chờ kết quả xét nghiệm sàng lọc của BV. Kết quả xét nghiệm sàng lọc là nghi nhiễm Covid-19, chờ kết quả xét nghiệm khẳng định.
Khuya 26.5, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) thông báo TP.HCM ghi nhận thêm 2 trường hợp nghi nhiễm Covid-19 cư trú tại P.Thạnh Lộc, Q.12. Đây là 2 vợ chồng sinh hoạt chung tại một giáo phái ở Q.Gò Vấp, cùng với ca nghi nhiễm cư trú tại H.Hóc Môn nói trên. (An ninh Thủ đô, trang 6, Thanh niên, trang 3).
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương kết thúc cách ly y tế
Ngày 26/5, Bộ Y tế đã ra quyết định về việc kết thúc thời gian cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19 tại Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung. Thời gian kết thúc cách ly là 8h ngày 26/5.
Tuy nhiên, để đảm bảo công tác chăm sóc và điều trị bệnh nhân đang điều trị tại BV, đồng thời nhằm hạn chế tối đa sự lây lan COVID-19 từ cộng đồng vào bệnh viện, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã ban hành quyết định thực hiện áp dụng biện pháp cách ly y tế để đảm bảo công tác điều trị, chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung. Thời gian cách ly từ 8h ngày 26/5 đến 8h ngày 9/6.
Như vậy, tất cả cán bộ và nhân viên phục vụ công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân mắc COVID -19 tại cơ sở Kim Chung tiếp tục ở lại viện thực hiện nhiệm vụ khám, điều trị bệnh nhân.
Trong thời gian thực hiện cách ly y tế vừa qua, BV vừa thực hiện khoanh vùng dập dịch, vừa tiếp đón điều trị gần 440 bệnh nhân dương tính cho Hà Nội và các tỉnh phía bắc, đặc biệt thời gian gần đây là bệnh nhân nặng từ Bắc Ninh, Bắc Giang, Bệnh viện K chuyển lên.
Cũng trong thời gian trên, BV đã điều trị và công bổ khỏi bệnh cho 86 trường hợp, chuyển 44 trường hợp bệnh nhân âm tính 2 lần nhưng chưa đủ thời gian cách ly theo quy định về các cơ sở y tế khác để tiếp tục thực hiện cách ly và điều trị. (Thanh niên, trang 3).
Thêm chủng SARS-CoV-2 gây dịch nhanh hơn, diễn tiến khó lường
Theo Bộ Y tế, chủng SARS-CoV-2 gây dịch lần này lây rất nhanh, rất mạnh, có khả năng nhân lên và phát tán mầm bệnh rất rộng.
“Lần này, không chỉ lây theo chuỗi, vi rút còn lây qua không khí, phát tán trong khu công nghiệp (KCN), trong không gian hẹp...”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long lưu ý.
Hết sức phức tạp
Theo Bộ Y tế, chỉ 1 tháng kể từ ngày 27.4 (thời điểm bùng phát đợt dịch thứ 4) đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 2.872 ca Covid-19 trong nước. Trong khi đó, đợt dịch thứ 3 (ổ dịch đầu bùng phát tại Đà Nẵng trước đây) kéo dài 3 tháng, tổng số bệnh nhân (BN) trong nước chỉ là 910 ca.
Trong đợt dịch lần này, tại ổ dịch trong KCN của Bắc Giang, tỷ lệ phát hiện dương tính trong số các mẫu được xét nghiệm có thời điểm lên đến gần 40%. Và tại Nhà máy Hosiden (KCN Quang Châu, tỉnh Bắc Giang) số lượng F1 chuyển thành F0 lên tới 55%.
Bộ Y tế đánh giá dịch Covid-19 đợt này hết sức phức tạp, xuất hiện nhiều chùm ca bệnh trong cộng đồng tại nhiều địa phương, đặc biệt đã xuất hiện các biến thể mới của SARS-CoV-2 lây nhiễm nhanh hơn, mạnh hơn và có khả năng khiến cho tình trạng bệnh nặng lên.
Ngày 24.5, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đã có kết quả giải trình tự gien các mẫu bệnh phẩm do các địa phương gửi về ở những BN đã mắc Covid-19 để xác định biến thể của SAR-CoV-2. Theo đó, trong 32 mẫu lấy tại Đà Nẵng, có 30 mẫu thuộc chủng B.1.1.7 (là chủng lần đầu phát hiện ở Anh) và 2 mẫu thuộc chủng B.1.617.2 (là chủng lần đầu phát hiện ở Ấn Độ). Tỉnh Điện Biên có 4 mẫu, tất cả đều thuộc chủng B.1.617.2. TP.Hải Phòng có 1 mẫu thuộc chủng B.1.1.7.
GS-TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho biết kết quả giải trình tự gien trong đợt dịch thứ 4 cho thấy các BN ở các tỉnh, thành hầu hết đều nhiễm biến thể của chủng SARS-CoV-2 được tìm thấy lần đầu tại Ấn Độ.
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho hay: “Trong đợt dịch này, chủng vi rút được tìm thấy ở một số trường hợp mắc đều có tốc độ lây lan rất nhanh. Thực tế điều trị đã ghi nhận một số BN những ngày đầu bệnh diễn tiến nhẹ, nhưng mức độ nặng đã tăng vào những ngày sau đó. Chủng được tìm thấy lần đầu tại Ấn Độ hiện đang gây dịch, được cảnh báo lây lan nhanh, và có thể gây bệnh tiến triển nặng”.
Theo TS-BS Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư, chúng ta đang đối mặt với làn sóng dịch thứ 4, chủ yếu do chủng lần đầu phát hiện tại Ấn Độ gây ra. Vụ dịch này có quy mô và tính phức tạp cao hơn các vụ dịch trước. Đặc điểm diễn biến bệnh do chủng vi rút mới này còn đang cần nghiên cứu tiếp, nhưng để hạn chế tỷ lệ tử vong, chúng ta không chỉ lưu tâm đến nhóm BN có tuổi, có bệnh nền, mà còn phải đảm bảo việc điều trị tốt cho cả nhóm người trẻ khỏe.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị thuộc Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, trong các tuần gần đây, đã ghi nhận 2 BN Covid-19 là người trẻ (dưới 40 tuổi) tử vong, có biến chứng suy hô hấp do Covid-19. Trong đó, BN được công bố mới đây là BN nữ 38 tuổi, không có bệnh nền.
Thông tin từ BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cho biết hiện trong các ca bệnh nặng, có ghi nhận BN Covid-19 trẻ, viêm phổi nặng, dù không có bệnh nền. PGS-TS Lương Ngọc Khuê lo ngại SARS-CoV-2 là vi rút mới, chưa thể hiểu hết về những biến đổi, trong đó có đặc tính độc lực. Gần 80% BN ít có triệu chứng, tuy nhiên, đã có một số ca khởi đầu là triệu chứng thông thường, nhưng sau đó diễn biến nặng rất nhanh.
7 biến chủng mới của SARS-CoV-2 tại Việt Nam
BV Bệnh nhiệt đới T.Ư đã phát hiện 2 biến chủng mới của SARS-CoV-2 sau khi giải trình tự gien các mẫu bệnh phẩm BV đã thực hiện, đó là biến chủng B.1.222 và biến chủng B1.619. Trong đó, biến chủng B.1.222 xuất hiện ở 11 quốc gia, nhiều nhất là ở Anh, đặc biệt là ở vùng Scotland. Biến chủng này có rất nhiều đột biến trên protein gai (spike protein) khác với chủng lần đầu tìm thấy tại Ấn Độ B.1.617.2. Biến chủng B.1.619 xuất hiện ở nhiều nước, có thể có nguồn gốc từ Cameroon của châu Phi sau lan ra châu Âu.
Như vậy, với 2 biến chủng mới phát hiện này, Việt Nam đã ghi nhận 7 biến chủng của SARS-CoV-2. 5 biến chủng phát hiện trước đó, gồm: D614G từ châu Âu, gây dịch tại Đà Nẵng; B.1.1.7 từ Anh, gây dịch tại Hải Dương; B.1.351 từ Nam Phi trên BN người Nam Phi (ca bệnh 1.422), nhập cảnh sân bay Nội Bài (Hà Nội) từ Nam Phi ngày 19.12.2020 và biến chủng A.23.1 từ Rwanda, châu Phi, ghi nhận tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Và biến thể B.1.617.2 được phát hiện gần đây từ các chuyên gia Ấn Độ nhập cảnh, hiện đang là nguyên nhân gây dịch Covid-19 tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. (Thanh niên (trang 4).
10% ca bệnh diễn biến nặng, rất nặng
Bộ Y tế cho biết, từ ngày 28/4 đến nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 có những diễn biến rất nghiêm trọng. Cả nước ghi nhận gần 3.000 ca bệnh COVID-19 tại 30 tỉnh, thành phố, 9 trường hợp tử vong.
Khoảng 10% ca bệnh có diễn biến nặng và rất nặng.
Ngày 26/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Phó trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia đã có công điện gửi Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, yêu cầu khẩn trương củng cố các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện cấp cứu đặc biệt là máy thở, hệ thống ôxy trung tâm, khí nén, vật tư tiêu hao, thuốc thiết yếu; tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại bệnh viện đa khoa tỉnh,thành phố và các bệnh viện được phân công thu dung điều trị ca bệnh COVID-19.
Với các tỉnh,thành phố chưa phát hiện ca bệnh COVID-19, lập tức cử ngay các kíp điều trị đi đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị tại các bệnh viện tuyến cuối (hoặc đào tạo trực tuyến). Đồng thời Thứ trưởng yêu cầu Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các tỉnh, thành phố chỉ đạo Giám đốc Sở Y tế và giám đốc các bệnh viện rà soát lại năng lực điều trị người bệnh COVID-19 của các bệnh viện trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để tiếp nhận, cách ly và điều trị người bệnh theo phương châm “4 tại chỗ”.
Thay đổi chiến lược điều trị
Cụ thể, chuẩn bị sẵn sàng phương án phân công ít nhất một bệnh viện trong địa bàn làm bệnh viện dã chiến (căn cứ theo quy mô dân số địa phương), trong đó có bố trí khu cấp cứu, hồi sức tích cực và chuẩn bị các trang thiết bị, khí y tế và các điều kiện khác. Bộ Y tế đề nghị Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai thực hiện; chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực, điều trị các ca bệnh COVID-19 trên địa bàn.
Hiện Bộ Y tế đã chỉ đạo giao Bệnh viện Đại học Y, Bệnh viện Phổi T.Ư, Bệnh viện Chợ Rẫy... là những nơi rất mạnh về hồi sức tích cực hỗ trợ Bắc Giang điều trị bệnh nhân nặng. PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh nhận định, Việt Nam vẫn đang làm chủ được tình hình. Dù vậy, do số lượng bệnh nhân tại các khu công nghiệp đông nên lực lượng điều trị cần cảnh giác, tập trung trí tuệ và các biện pháp, cố gắng giảm tỷ lệ tử vong xuống mức thấp nhất. Chiến lược điều trị trong giai đoạn hiện nay tập trung vào khoảng 20% bệnh nhân có thể diễn biến nặng. Trong số này, 10% có thể diễn biến từ biểu hiện ho, sốt, khó thở sang cấp cứu; 5% diễn biến chuyển thành nặng và 5% thành rất nặng.
“Khoảng 80% người mắc COVID-19 tại Việt Nam ít có triệu chứng, cơ thể ít biến đổi. Tuy nhiên, chúng ta luôn phải cảnh giác ngay cả với những người ít triệu chứng, cần phải được đưa vào điều trị ở những nơi đảm bảo cách ly an toàn, theo dõi sát sao. Chúng tôi đã họp với GS.TS Nguyễn Gia Bình, chuyên gia về Hồi sức tích cực để thảo luận, và sẽ sớm thống nhất, đưa ra các tiêu chí về nhịp thở, mạch, huyết áp... để có thể tiên lượng những ca có nguy cơ diễn biến nặng sớm nhất, kịp thời can thiệp điều trị, điều trị tập trung nhất để tránh nguy cơ tử vong”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.
Theo ông Khuê, trên thế giới cũng đã có nhiều cảnh báo về diễn biến nhanh của chủng virus đợt này. Tại Việt Nam, qua hội chẩn cũng cho thấy có những ca bệnh biến chuyển rất nhanh. Dẫn chứng từ thực tiễn các chuyên gia vừa hội chẩn một ca bệnh có nồng độ ôxy trong máu vẫn ở mức 99% nhưng nhịp thở tăng lên, khó thở cũng tăng nên phải chỉ định đặt oxy để trợ giúp. Vì vậy, Bộ Y tế sẽ điều chỉnh phác đồ, cảnh báo sớm cho thầy thuốc. Các trường hợp khoẻ mạnh, không bệnh nền vẫn phải cảnh giác, đưa vào khu điều trị đảm bảo an toàn, tăng cường thể trạng và theo dõi sát”, Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị Lương Ngọc Khuê thông tin.
Từ thực tiễn điều trị bệnh nhân COVID-19 đợt dịch này, Cục trưởng cho hay ngành y tế đang xây dựng phần mềm có hỗ trợ trí tuệ nhân tạo nhằm phát hiện sớm người có nguy cơ cao, dễ diễn biến nặng. Phương án này được đưa ra sau khi Việt Nam ghi nhận nhiều trường hợp trẻ tuổi, không mắc các bệnh nền nhưng có diễn biến nặng trong thời gian ngắn.
Theo Tiểu ban Điều trị, hiện các bệnh nhân COVID- 19 đang được điều trị tại 85 cơ sở y tế các tuyến trên cả nước; trong đó Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư đang điều trị nhiều nhất với 422 trường hợp. Tiếp đến, Bệnh viện dã chiến số 1 (tỉnh Bắc Ninh) điều trị 269 ca; Bệnh viện Y học cổ truyền Bắc Giang có 230 bệnh nhân; Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang điều trị 176 trường hợp; Bệnh viện dã chiến số 1 Bắc Giang điều trị 165 trường hợp…
Đến ngày 26/5, có 25 trường hợp nguy kịch, trong đó 21 bệnh nhân phải thở ôxy xâm nhập/ICU, 4 ca còn lại can thiệp ECMO. Có 96 bệnh nhân tiên lượng nặng; 102 bệnh nhân nặng, ngửi oxy; 14 bệnh nhân nặng thở máy không xâm nhập. Khoảng 1.450 bệnh nhân mắc COVID-19 không có triệu chứng; 1.187 bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng nhẹ. (Tiền phong, trang 3).