Thủ tướng yêu cầu chi viện nhân lực y tế cho các địa phương phía Nam
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế triển khai ngay phương án điều động, chi viện kịp thời cho các địa phương đang có nhiều ca lây nhiễm, bệnh nặng.
Ngày 1/8, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản hỏa tốc gửi Bộ trưởng Bộ Y tế và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc tăng cường nhân lực y tế phục vụ phòng chống dịch COVID-19.
Theo đó, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp ở các tỉnh phía Nam, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế chủ động, khẩn trương hơn nữa trong việc chỉ đạo tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực điều trị, hồi sức cấp cứu trên phạm vi cả nước; căn cứ yêu cầu và khả năng đáp ứng chung trên bình diện toàn quốc, triển khai ngay phương án điều động, chi viện kịp thời cho các địa phương đang có nhiều ca lây nhiễm, bệnh nặng.
Thủ tướng giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan y tế địa phương nâng cao năng lực, tham gia lực lượng chi viện theo sự điều động của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2021 của Bộ Y tế số tiền 5.100 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 để mua vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm, hóa chất, thuốc phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.
Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm chủ động quyết định việc sử dụng kinh phí được giao cho phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với diễn biến của công tác phòng, chống dịch và phù hợp với yêu cầu chuyên môn theo từng giai đoạn. Rà soát toàn bộ số lượng vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm, hóa chất, thuốc hiện có, bao gồm cả các nguồn tài trợ, viện trợ, để xác định nhu cầu mua bổ sung đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19. (Tiền phong, trang 2; Nhân dân, trang 1).
Điều chỉnh quy trình tiêm vắc xin phòng Covid-19 phù hợp với tình hình thực tiễn
Ngày 1-8, Văn phòng Chính phủ ban hành Văn bản số 5256/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về việc phân bổ, tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Theo đó, để tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất đối với khu vực thành phố Hồ Chí Minh (bao gồm thành phố Hồ Chí Minh và một số địa bàn giáp ranh, thuộc các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An), Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chỉ đạo, UBND thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An chủ động phối hợp với Bộ Y tế để điều chỉnh quy trình tiêm vắc xin phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tiễn dịch bệnh trên địa bàn; xây dựng kế hoạch tiêm và thông báo cho Bộ Y tế nhu cầu vắc xin theo kế hoạch tiêm.
Các địa phương này xây dựng phương án tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh, đi lại… của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân sau khi người dân được tiêm vắc xin.
Bộ Y tế phân bổ vắc xin đảm bảo tiến độ tiêm theo đề nghị của UBND thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An; trường hợp cần thiết báo cáo Thủ tướng Chính phủ. (Hà Nội mới, trang 1; Công an nhân dân, trang 1).
Tổng lực chi viện y tế cho phía Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo khẩn trương hơn nữa trong việc chi viện y tế kịp thời cho các địa phương phía nam đang có nhiều ca lây nhiễm, bệnh nặng.
Chiều qua (1.8), Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản hỏa tốc gửi Bộ trưởng BYT và Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc tăng cường nhân lực y tế phục vụ phòng chống dịch Covid -19.
Văn bản nêu rõ trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải tăng cường kịp thời nhân lực chống dịch cho các địa phương có số ca nhiễm rất cao như: TP.HCM và một số tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang…, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Y tế chủ động, khẩn trương hơn nữa trong việc chỉ đạo tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực điều trị, hồi sức cấp cứu trên phạm vi cả nước; căn cứ yêu cầu và khả năng đáp ứng chung trên bình diện toàn quốc, triển khai ngay phương án điều động, chi viện kịp thời cho các địa phương đang có nhiều ca lây nhiễm, bệnh nặng. Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan y tế địa phương nâng cao năng lực, tham gia lực lượng chi viện theo sự điều động của Bộ trưởng Bộ Y tế.
TP.HCM có thêm 4 trung tâm hồi sức Covid-19
Bộ Y tế thành lập tại TP.HCM 4 trung tâm Hồi sức cấp cứu (HSCC) mới, tổng quy mô 2.000 giường; thêm Bệnh viện (BV) Hồi sức Covid-19 có sẵn 1.000 giường, tổng cộng 3.000 giường. Chiều 1.8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã đến thăm làm việc tại BV dã chiến (BVDC) thu dung điều trị Covid-19 số 16 tại Q.7, đây là 1 trong 4 trung tâm HSCC Covid-19 được thành lập cấp tốc mà Bộ Y tế thực hiện tại TP.HCM.
Theo TS-BS Đỗ Ngọc Sơn, Phó giám đốc Trung tâm cấp cứu A9 BV Bạch Mai, BV được BYT giao nhiệm vụ rất quan trọng là thực hiện Trung tâm HSCC 500 giường. Hiện đã khảo sát toàn bộ thực trạng BVDC số 16 và còn rất nhiều công việc triển khai. Về nhân sự để vận hành hệ thống HSCC là rất nhiều, đặc biệt là chuyên gia hồi sức, truyền nhiễm, chống nhiễm khuẩn... BV Bạch Mai đã sẵn sàng lực lượng chi viện cho BV này. “Tổng số nhân viên BV sẽ có 400 bác sĩ và 1.000 điều dưỡng và các lực lượng khác là 500 người. Bên cạnh đó, ô xy và hệ thống khí là rất quan trọng với HSCC, hệ thống này không chỉ đòi hỏi nhiều mà còn trung tâm hóa, được cung cấp từ một nguồn từ ngoài vào nhằm tránh cho việc thay ô xy nhiều lần, tránh tiếp xúc không cần thiết với môi trường nhiều vi rút. Ô xy và khí nén trung tâm là vô cùng quan trọng. Hiện BV có sẵn nhưng chưa đủ và cần làm lớn hơn, hiện đã có nguồn cung đầy đủ”, ông Sơn nói.
“Sáng 1.8, chúng tôi đã làm việc với lãnh đạo UBND TP và thống nhất các hạng mục cần cải tạo bổ sung, các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ. Trong vòng 48 - 72 giờ tới, các hạng mục này hoàn thành để có thể đưa vào sử dụng tiếp nhận bệnh nhân HSCC”, ông cho biết thêm.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chỉ đạo trong 48 giờ phải đưa vào sử dụng ngay Trung tâm HSCC 500 giường này, càng nhanh càng tốt, nhận bệnh ngay. Trung tâm sẽ được trang bị khoảng 600 máy thở. Bộ trưởng Long chỉ đạo phải đào tạo nhân lực tại chỗ để phối hợp thực hiện. BV Bạch Mai tối thiểu phải đưa vào 30% quân số. Bộ trưởng Y tế sẽ điều động thêm nhân lực từ một số tỉnh phía bắc vào.
“Thuốc men, trang thiết bị y tế Bộ đảm bảo đầy đủ, hoặc mua hoặc lấy từ kho. Tất cả cơ sở tiếp nhận bệnh nhân phải có hệ thống telehealth (khám, chữa bệnh từ xa), phải sàng lọc bệnh nhân; đừng để bệnh nhân nhẹ chiếm giường bệnh nhân nặng; bệnh nhân nặng chuyển nhẹ thì chuyển xuống tuyến thấp hơn”, Bộ trưởng Long nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Y tế, quan điểm lớn nhất và mục tiêu lớn nhất của Bộ và TP.HCM là giảm tử vong với người nhiễm Covid-19, đặc biệt là bệnh nhân nặng. Do đó, Bộ Y tế thành lập thêm 4 trung tâm HSCC bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch tại TP.HCM. Theo đó, BV Bạch Mai quản lý BVDC số 16 với 2.300 giường, trong đó 500 giường HSCC, 2 ngày nữa hoạt động. BV Việt - Đức chuẩn bị Trung tâm HSCC 500 giường tại BVDC số 13 (H.Bình Chánh) và BV T.Ư Huế thành lập Trung tâm HSCC 500 giường tại BVDC số 11 (TP.Thủ Đức), cả 2 trung tâm này 5 ngày nữa đi vào hoạt động.
Bộ Y tế cũng giao BV Đại học Y Dược TP.HCM tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 ngay từ hôm nay (2.8), ban đầu với 70 giường tại BV Quốc tế City. Tại BV Quốc tế City sẽ có 500 giường hồi sức, trong những ngày đầu hoạt động quy mô 200 giường. Tại đây, BV Đại học Y Dược đảm nhiệm chuyên môn, điều hành, quản lý, cử chuyên gia đến… Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng chỉ đạo các BV có phương án chuẩn bị giường sản để tiếp nhận các thai phụ nhiễm Covid-19 để làm sao cho mẹ tròn con vuông tại chỗ.
Tại cuộc kiểm tra, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu các bộ phận liên quan của TP.HCM phụ trách những nội dung liên quan đến việc thiết lập các trung tâm HSCC này cần tinh giản ngay thủ tục hành chính, tích cực nhất, thiếu gì thì bổ sung nhanh nhất để các trung tâm đón nhận ngay bệnh nhân nặng, rất nặng vào điều trị.
Y bác sĩ về địa phương “cắm chốt”
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết cùng với chi viện tổng lực cho TP.HCM, Bộ Y tế cũng đã huy động tổng lực các BV T.Ư, cử y bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên cùng các thiết bị, phương tiện bảo hộ… cho các tỉnh phía nam phòng chống dịch.
Tại Tiền Giang, cùng với điều động nhân lực của BV Hữu nghị và Trường đại học Y Thái Bình vào hỗ trợ địa phương nâng cao chất lượng điều trị, đặc biệt là bệnh nhân Covid-19 nặng; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng giao Phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới T.Ư Nguyễn Trung Cấp, chuyên gia hàng đầu về điều trị bệnh nhân Covid-19, tham gia phối hợp cùng các chuyên gia do Bộ Y tế điều động vào Tiền Giang, sớm cùng tỉnh rà soát ngay lại tình hình điều trị, tập huấn lại về chuyên môn cho toàn tuyến rồi báo cáo với Bộ Y tế để nhanh chóng điều động kịp thời nhân lực điều trị cho tỉnh. Tại Long An, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long và lãnh đạo tỉnh Long An đã trực tiếp đi khảo sát địa điểm sẽ thiết lập Trung tâm HSCC quy mô 500 giường, đặt tại Nhà khách Tổng liên đoàn Lao động (P.3, TP.Tân An). Bộ sẽ điều nhân lực và trang thiết bị đồng hành cùng tỉnh. Đồng thời, tỉnh cũng có phương án về điều động nhân lực, huy động trang thiết bị, vật tư y tế cho trung tâm, để thiết lập xong là đưa vào hoạt động ngay. Trước đó, từ ngày 1.7, Tổ công tác của Bộ Y tế do TS Hoàng Quốc Cường, Phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, làm tổ trưởng gồm 6 thành viên là các chuyên gia về lĩnh vực dịch tễ, điều trị, xét nghiệm… của các BV/viện trực thuộc Bộ Y tế đã về “cắm chốt” tại Long An. Ngoài ra, đoàn công tác gồm 80 cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên các chuyên ngành hồi sức, cấp cứu, truyền nhiễm, xét nghiệm… giàu kinh nghiệm trong điều trị Covid-19 của tỉnh Bắc Giang cũng đã đến hỗ trợ Long An chống dịch từ ngày 20.7. Trong khi đó, BV Lão khoa T.Ư hỗ trợ tại Đồng Tháp, Bệnh viện 103 hỗ trợ TP.Cần Thơ.
Cũng trong sáng 1.8, BV K T.Ư (Hà Nội) tiếp tục xuất quân đợt 2 đoàn công tác hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại các tỉnh phía nam. Theo PGS-TS Lê Văn Quảng, Giám đốc BV K, 11 cán bộ y tế tham gia đoàn công tác lần này là bác sĩ, điều dưỡng tinh nhuệ chuyên ngành HSCC. Đoàn tăng cường cũng mang theomáy thở, monitor, máy truyền dịch vào Đồng Nai, cùng với BV Phổi T.Ư tham gia công tác tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19. Tại Đồng Nai, Trung tâm HSCC điều trị bệnh nhân Covid-19 quy mô 500 giường cũng do BV Phổi T.Ư và BV E thiết lập tại BV đa khoa Thống Nhất.
Cùng ngày, ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, cho biết từ đề nghị của tỉnh, có thêm khoảng 200 y bác sĩ sắp được Bộ Y tế điều động từ phía bắc vào hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19. Số y bác sĩ này sẽ tham gia công tác lấy mẫu xét nghiệm và điều trị bệnh nhân Covid-19 tại các BVDC.
Hiện Đồng Nai đã có 8 BVDC đi vào hoạt động với quy mô 4.000 giường và 4 BVDC khác với quy mô 5.000 giường đang được cấp tốc thành lập. Theo ông Vũ, ngoài nhân lực, Đồng Nai hiện cũng rất cần Bộ Y tế hỗ trợ thêm máy xét nghiệm Covid-19 để có thể truy vết nhanh, phong tỏa kịp thời các ổ dịch. (Thanh niên, trang 1).
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị y tế tư nhân TP.HCM chung tay
Tối 1.8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, lãnh đạo UBND TP.HCM và Sở Y tế đã gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo các bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân trên địa TP.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bày tỏ cảm động, hoan nghênh và đánh giá rất cao sự chủ động của các bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân ngay từ khi chưa có lời kêu gọi chính thức huy động tham gia phòng, chống dịch đã nhiệt tình tham gia công tác tiêm chủng cho người dân và thiết lập giường bệnh điều trị bệnh nhân Covid-19.
“Vì vậy tôi rất thiết tha đề nghị các vị lãnh đạo các bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân tiếp tục chung tay, chung sức, chung lòng gánh vác cùng TP trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt trong điều trị, chăm sóc sức khỏe người mắc Covid-19 để TP vượt qua giai đoạn rất khó khăn này”, ông nói.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng bày tỏ mong muốn các bệnh viện, các cơ sở y tế tư nhân đăng ký chính thức với Sở Y tế TP số giường dành cho chăm sóc sức khỏe thông thường và số giường dành cho điều trị bệnh nhân Covid-19 cũng như chủ động đăng ký số lượng nhân sự có thể đảm đương công việc điều trị hồi sức và vận hành máy thở; chia sẻ, cho mượn những trang thiết bị, vật tư tiêu hao, hậu cần... (Thanh niên, trang 1).
Người trong vùng dịch từ chối tiêm vắc xin Covid-19 có bị xử phạt?
Theo Bộ Y tế, tiêm vắc xin Covid-19 sẽ giúp người dân phòng tránh được sự lây lan của vi rút SARS-CoV-2 cũng như nguy cơ tử vong khi nhiễm bệnh.
Tuy nhiên trên thực tế, đã có tình trạng một số người từ chối tiêm. Vấn đề này đang được pháp luật điều chỉnh như thế nào?
Theo luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng luật sư Giang Hồng Thanh), khoản 1, điều 29, luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007 quy định về việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc như sau: “1. Người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và đến vùng có dịch bắt buộc phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vắc xin, sinh phẩm y tế phòng bệnh”.
Tại điểm a, khoản 2, điều 30 của luật nêu Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc quy định tại khoản 1, điều 29 của luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007. Như vậy người dân có nghĩa vụ tiêm vắc xin đối với loại bệnh nằm trong danh mục phải sử dụng vắc xin bắt buộc. Tuy nhiên, theo Thông tư số 38/2017/TT-BYT ngày 17.10.2017 của Bộ Y tế, Covid-19 không nằm trong danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vắc xin bắt buộc. Điều 2 Thông tư 38 yêu cầu tiêm chủng đối với 8 loại bệnh truyền nhiễm: bạch hầu, bại liệt, ho gà, rubella, tả, sởi, viêm não Nhật Bản B và bệnh dại. “Không rõ đến thời điểm này Bộ Y tế đã cập nhật và bổ sung bệnh Covid-19 vào danh mục nêu trên hay chưa. Nếu đã bổ sung thì người dân bắt buộc phải tiêm vắc xin. Trong trường hợp người dân không tiêm có thể sẽ bị xử phạt hành chính từ 1 - 3 triệu đồng theo quy định tại điểm a, khoản 2, điều 9, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28.9.2020”, luật sư Giang Hồng Thanh cho hay.
Liên quan đến vấn đề này, bà Trần Thị Trang, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho biết hiện có quy định bắt buộ̂c mộ̂t số tình huống. Tùy tình hình thực tiễn và yêu cầu chống dịch, cơ quan có thẩm quyền ban hành thì mới bắt buộc và khi đó mới xử phạt.
Theo nhiều chuyên gia y tế, Việt Nam cần bao phủ vắc xin Covid-19 đến 70% dân số, để có miễn dịch cộng đồng, ngăn chặn dịch, cuộc sống mới có thể trở lại bình thường. Do đó, tiêm vắc xin là quyền lợi và nghĩa vụ. Vắc xin được cấp phép an toàn, hiệu quả. Ngay cả khi không đảm bảo 100% người đã tiêm có kháng thể, nhưng tất cả những người tiêm đều giảm được tình trạng nặng, giảm nguy cơ tử vong nếu nhiễm vi rút SARS-CoV-2. (Thanh niên, trang 1).
Hiệu quả của vaccine Covid-19 trước biến thể mới Delta
Tại Vương quốc Anh, ít nhất 259 người đã tử vong vì biến thể Delta mặc dù đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tiêm chủng đầy đủ vẫn phát huy hiệu quả tốt trong bảo vệ con người trước biến thể mới này.
Vẫn có rủi ro mặc dù đã tiêm phòng đầy đủ
Không có loại vaccine nào được cấp phép cho đến nay có khả năng ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 tới 100%, các nghiên cứu đã chỉ ra rất rõ ràng khi công bố về các kết quả thử nghiệm lâm sàng. Trong đó, những người được tiêm phòng, đặc biệt là những người có bệnh nền vẫn có nguy cơ lây nhiễm thấp, và trong trường hợp xấu nhất là tử vong. Đáng nói, 116 trong số 118 ca đã tiêm phòng nhưng vẫn tử vong vì Covid-19 ở Anh đều ở độ tuổi trên 50. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong hiện tại ở Anh vẫn ở mức thấp, mặc dù tỷ lệ nhiễm đang tăng lên.
Bà Peggy Riese, một nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Nhiễm trùng Helmholtz (HZI) đã giải thích tình huống này: “Nếu 100% dân số được tiêm chủng, thì một vài người đã tiêm chủng khi mắc bệnh cũng có thể tử vong. Điều đó không có nghĩa vacccine không an toàn, chỉ là nó không bảo vệ được chúng ta 100%”.
Một nghiên cứu thuộc Hội đồng Nghiên cứu Y khoa (MRC) của Đại học Cambridge cho thấy, chỉ riêng ở Anh, chương trình tiêm chủng đã ngăn ngừa được khoảng 7,2 triệu ca nhiễm và 27.000 ca tử vong. Ông Paul Birrell, một trong những nhà khoa học tham gia nghiên cứu cho biết: “Số ca nhiễm trùng và tử vong được ngăn ngừa không chỉ cao đáng kinh ngạc mà còn tăng theo cấp số nhân trong quá trình tiêm chủng”.
Tất cả các chuyên gia mà hãng tin DW của Đức phỏng vấn đều bày tỏ sự tin tưởng vào hiệu quả của vaccine chống lại biến thể Delta. Nhà virus học Friedemann Weber của Đại học Giessen cho biết: “Việc tiêm phòng thật tuyệt vời. Phản ứng miễn dịch ở những người được tiêm chủng đã được tiêm cả 2 liều và tương đương hoặc cao hơn những người có phản ứng miễn dịch sau khi đã khỏi bệnh”.
Theo một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Nature, 2 mũi tiêm BioNTech-Pfizer có tác dụng mạnh mẽ trong ngăn ngừa biến thể Delta. Theo dữ liệu mới từ Israel, vaccine BioNTech-Pfizer có hiệu quả 64% trong ngăn chặn biến thể Delta. Con số này tuy thấp hơn so với kỳ vọng nhưng vaccine vẫn tiếp tục bảo vệ 93% cá nhân khỏi bị ốm nặng khi nhập viện.
Các nhà nghiên cứu của Canada hồi đầu tháng 7 cho biết, vaccine Covid-19 của Moderna cũng có hiệu quả 72% đối với biến thể Delta sau 14 ngày tiêm liều đầu tiên. Còn nhà sản xuất vaccine Johnson & Johnson tuyên bố rằng, mũi tiêm của họ đã tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ 8 tháng sau khi tiêm chủng.
Tăng cường phòng ngừa và có thể tiêm liều bổ sung
Giáo sư Georg Behrens tại phòng khám bệnh thấp khớp và miễn dịch học của trường Y Hanover của Đức gần đây cho biết, tác dụng của việc tiêm phòng cũng mất dần sau vài tháng. “Một số người vẫn có thể mắc bệnh hiểm nghèo nếu không may mắn”, ông nói.
Israel cũng đang gia tăng số ca nhiễm mới dù hoàn thành tiêm chủng từ rất sớm. Giáo sư Georg Behrens nhấn mạnh, cần phải tính đến thời điểm tiêm của những người Israel mới mắc biến thể Delta. Các mũi tiêm chủng đầu tiên nếu rơi vào tháng 12-2020 thì đã mất dần tác dụng, do đó cần phải bổ sung liều khác. Các nhà sản xuất vaccine BioNTech-Pfizer cũng đưa ra khuyến nghị này trong thông cáo báo chí mới nhất của họ. Để duy trì hiệu quả, họ đang kêu gọi phê duyệt liều chủng ngừa thứ ba 6 tháng sau lần tiêm thứ hai.
Liệu chúng ta sẽ phải đối mặt với những biến thể nguy hiểm hơn không? Nhà virus học Friedemann Weber cho biết: “Các biến thể mới có thể xuất hiện, cho đến khi phần lớn dân số được tiêm chủng. Tuy nhiên, tôi không cho rằng việc tiêm chủng sẽ đột nhiên mất tác dụng”. Vì thế, cách bảo vệ tốt nhất là tiêm chủng, vì càng nhiều người tiêm chủng, khả năng miễn dịch trong dân số càng lớn và tỷ lệ lây nhiễm càng nhỏ.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ tuần vừa rồi cũng chia sẻ một nghiên cứu cho thấy, biến thể Delta tạo ra một lượng virus tương tự ở những người đã tiêm phòng và chưa tiêm phòng nếu họ bị nhiễm bệnh. Kể cả người đã tiêm phòng đầy đủ vẫn có thể truyền bệnh cho người khác. Nghiên cứu đó cũng thuyết phục các nhà lãnh đạo CDC Mỹ cập nhật hướng dẫn về việc toàn dân đều đeo khẩu trang để ngăn chặn sự lây lan thêm của biến thể Delta.
Theo dữ liệu mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, chưa đến 0,004% số người được tiêm vaccine Covid-19 biến chứng trở nặng và không đầy 0,001% số ca tử vong vì căn bệnh này. Dữ liệu này cho thấy: Vaccine rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh nghiêm trọng và tử vong do Covid-19, đồng thời là liều thuốc tốt nhất trong việc làm chậm đại dịch và tránh mất mát thêm. (An ninh Thủ đô, trang 16).
Làm gì để cách ly F0, F1 tại nhà an toàn?
Hiện nay, ngoài F1, các F0 mới được phát hiện, không có triệu chứng và người được điều trị tại bệnh viện có tình trạng sức khỏe đã ổn định, tải lượng virus thấp được cho xuất viện về nhà cách ly. Họ tuyệt đối không được ra khỏi nhà để tránh nguy cơ lây nhiễm cho người khác.
Khi cách ly tại nhà, phải giữ khoảng cách ít nhất 2m với người nhà, mang khẩu trang thường xuyên. Khi tiếp tế thức ăn và các vật dụng khác trên một bàn trung gian, cần mang găng tay. Khi nhận đồ giặt, sử dụng nước nóng hoặc ngâm xà phòng đều có thể tiêu diệt triệt để virus.
Chuẩn bị thuốc
BS Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn các bệnh truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM), cho biết, nhóm thuốc sử dụng cho bệnh nhân F0 cách ly tại nhà cũng là thuốc sử dụng thông thường như paracetamol để hạ sốt. Người lớn sử dụng liều từ 500-600 mg, trẻ em khoảng 15 mg/kg trọng lượng cơ thể. Liều dùng cách nhau từ 4-6 giờ hoặc khi sốt, đau đầu thì uống lại. Người bệnh có thể sử dụng thuốc ho thảo dược thông thường hoặc dùng cách dân gian như chưng quất (tắc) với mật ong để uống khi ho. Bệnh nhân F0 cũng nên có sẵn thuốc chống tiêu chảy để dùng khi cần, nên uống vitamin C để tăng đề kháng. Các loại thuốc kháng viêm, kháng sinh không nên tự ý sử dụng mà cần phải có chỉ định của bác sĩ.
BS Khanh nói rằng, khoảng 60-80% người mắc COVID-19 không có triệu chứng, nhóm có triệu chứng thì giống như bị cảm cúm, đa số bị hành trong khoảng 10 ngày sau đó tự khỏi bệnh do cơ thể tạo được kháng thể. Khoảng 95% người mắc COVID-19 không cần thở ô xy, chỉ 5% người mắc bệnh cần ô xy và có diễn tiến nặng.
Nên tập thở
Bệnh nhân COVID-19 thường bị thiếu ô xy. Ngồi cúi thấp khó thở, phải ngửa ra phía sau mới thở được hoặc phải ngồi thẳng mới thở được là các biểu hiện suy hô hấp. Người mắc bệnh vẫn có thể nói chuyện bình thường nhưng ô xy máu đã giảm thấp nên cần chủ động tập thở, BS Khanh nói. Người bệnh cần hít vào thật chậm bằng đường mũi cho tới khi bụng phình lên rồi thở ra bằng miệng cho tới khi bụng xẹp xuống. Mỗi ngày có thể tập thở nhiều lần, mỗi lần khoảng 15-20 nhịp. Với nhóm bệnh nhân bắt đầu thấy khó thở, việc tập thở là đặc biệt cần thiết. Trong trường hợp đã tập thở nhưng vẫn khó thở, bệnh nhân cần nằm sấp và tiếp tục hít thở thật sâu. Tập thở sẽ giúp ổn định tinh thần và ngăn diễn tiến suy hô hấp trong thời gian chờ hỗ trợ y tế.
Sau khi phát hiện mắc COVID-19, phải giữ được tinh thần ổn định, vững vàng tâm lý. Khi cách ly theo dõi y tế tại nhà, cần tuân thủ hướng dẫn, chỉ cần vượt qua ngày thứ 8, cơ thể sinh kháng thể tốt, sức khỏe sẽ dần ổn định. Với bệnh nhân F0 thuộc nhóm nguy cơ có diễn tiến nặng như người trẻ bị béo phì, người có bệnh lý mạn tính nhưng chưa được điều trị ổn định, người trên 65 tuổi…, cần liên hệ cơ sở y tế để được hỗ trợ, chuyển đến bệnh viện điều trị.
“Những người mắc COVID-19 thường mất khứu giác, vị giác nên việc ăn uống rất khó khăn. Tuy nhiên, để duy trì được sức khỏe, cần phải cố gắng ăn uống để bổ sung dinh dưỡng. Thức ăn cần phải lỏng, dễ nuốt, để giúp cơ thể dễ hấp thụ, tăng sức đề kháng vượt qua bệnh. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần uống nước nhiều, trong trường hợp thời tiết lạnh, cần giữ ấm”, BS Khanh tư vấn. (Tiền phong, trang 4).
Ngày 1/8, Việt Nam có thêm 8.620 ca mắc COVID-19
Tối 1/8, Bộ Y tế cho biết trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 4.246 ca mắc mới COVID-19 với 21 ca nhập cảnh và 4.225 ca ghi nhận trong nước (1.123 ca trong cộng đồng). Như vậy, trong ngày Việt Nam có thêm 8.620 ca mắc mới, trong đó 23 ca nhập cảnh và 8.597 ca ghi nhận trong nước.
Cụ thể, tại TP. Hồ Chí Minh (2.025), Bình Dương (764), Khánh Hòa (298), Long An (251), Đồng Nai (163), Bà Rịa - Vũng Tàu (138), Tây Ninh (102), Cần Thơ (100), Đồng Tháp (70), Sóc Trăng (53), Bến Tre (50), Bình Thuận (32), Phú Yên (27), Bình Phước (20), Bình Định (16), Đắk Lắk (15), Thừa Thiên Huế (14), Hà Nội (14), Quảng Nam (11), Trà Vinh (9), Gia Lai (6), Kon Tum (6), Quảng Ngãi (5), Hải Dương (5), Lâm Đồng (4), Hà Giang (4), Quảng Bình (4), Hậu Giang (4), Ninh Thuận (3), Hà Tĩnh (3), Nghệ An (3), Đắk Nông (2), Thanh Hóa (2), Thái Nguyên (1), Bạc Liêu (1) trong đó có 1.123 ca trong cộng đồng.
Tính đến chiều ngày 01/8, Việt Nam có 154.306 ca mắc trong đó có 2.262 ca nhập cảnh và 152.044 ca mắc trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 150.474, trong đó có 40.383 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Bộ Y tế thông tin có 04/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Kạn và 09 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Nam Định.
Trong ngày có thêm 4.423 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, naag tổng số ca được điều trị khỏi lên 43.157 ca. Hiện số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 432 ca và 18 ca nguy kịch đang điều trị ECMO. Trong 24 giờ qua đã thực hiện 143.141 xét nghiệm cho 179.127 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 6.213.144 mẫu cho 17.535.773 lượt người.
Tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 6.203.866 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 5.583.255 liều, tiêm mũi 2 là 620.611 liều. (Tiền phong, trang 4).