Hậu quả nghiêm trọng ở trẻ nhỏ vì viêm đường tiết niệu
Viêm đường tiết niệu là bệnh dễ chữa, tuy nhiên, nếu không được phát hiện kịp thời, bệnh có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng ở trẻ nhỏ như: viêm bàng quang, viêm thận hay các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản.
Bệnh phổ biến thứ hai tại Việt Nam
Nước tiểu được tạo ra sau quá trình làm việc của thận, rồi được dẫn qua niệu quản, xuống bàng quang. Khi bàng quang đầy, nước tiểu được đẩy ra ngoài thông qua đi tiểu. Khi vệ sinh cơ quan sinh dục không tốt, vi khuẩn gây bệnh sẽ xâm nhập vào đường tiết niệu và gây viêm.
Viêm đường tiết niệu là bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Theo thống kê, ở Việt Nam, viêm đường tiết niệu là bệnh nhiễm trùng hay gặp thứ hai, chỉ sau nhiễm trùng về hô hấp. Vì đường tiểu ở nữ ngắn hơn ở nam, nên nữ giới nói chung hay các bé gái nói riêng thường dễ mắc bệnh này.
Nếu như ở người lớn, viêm đường tiết niệu có thể phát hiện dễ dàng với các biểu hiện đặc trưng như: tiểu rắt, tiểu buốt, tiểu ra máu, đau bụng dưới, đau lưng… thì ở trẻ em, bệnh thường khó phát hiện hơn do các bé chưa ý thức được các triệu chứng này. Chính vì thế, những dấu hiệu cảnh báo bệnh thường bị bỏ qua hoặc bị cha mẹ nhầm lẫn với bệnh khác. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ thường được đưa đến bệnh viện khi bệnh đã có những chuyển biến tiêu cực.
Có thể gây vô sinh
Theo bác sĩ Hồ Mai Hoa, chuyên ngành Sản khoa, giảng viên quốc gia chương trình Chăm sóc sức khỏe sinh sản, nếu không được chữa trị kịp thời trong giai đoạn cấp, viêm nhiễm ở đường tiết niệu có thể lan sâu vào trong, dẫn đến viêm bàng quang, viêm thận, tạo sỏi ở thận. Đối với trẻ nam, đường tiết niệu cũng là đường sinh dục nên nó sẽ dẫn đến viêm đường sinh dục, ảnh hưởng đến chức năng sinh sản. Đối với trẻ nữ, viêm đường tiết niệu không được chữa trị kịp thời sẽ gây viêm âm đạo, nặng hơn là viêm cổ tử cung, tắc vòi trứng…
Mặc dù có thể gây ra những hậu quả nặng nề, thế nhưng, viêm đường tiết niệu lại rất dễ chữa. Thông thường, các bé chỉ cần uống thuốc 7-10 ngày là khỏi. Tuy nhiên, vì bệnh có khả năng tái phát cao nên cha mẹ cần theo dõi và chữa trị dứt điểm.
Theo đó, bác sĩ Hồ Mai Hoa khẳng định cha mẹ cần cho con uống thuốc đủ liều, tránh tình trạng thấy đỡ rồi nên ngừng sử dụng thuốc, dễ gây nhờn thuốc.
Khi chăm sóc trẻ, bố mẹ nên vệ sinh cơ quan sinh dục cho con 2 lần/ngày và không nên đóng bỉm. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng của trẻ cũng cần được chú ý. Cụ thể, trẻ nên được uống nhiều nước để giúp loại bớt vi khuẩn ở đường tiểu ra ngoài. Cần tăng cường các loại trái cây để bổ sung thêm vitamin, khoáng chất. Bữa ăn hàng ngày của trẻ phải giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa và cần đảm bảo 4 nhóm chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin.
Theo bác sĩ Hồ Mai Hoa, sau quá trình điều trị, việc phòng bệnh cho trẻ cần được chú ý hơn để tránh tái nhiễm. Cụ thể, các bé cần hạn chế đóng bỉm và phải được dạy cách đi vệ sinh tự chủ. Với những trẻ lớn, sau mỗi lần đi đại tiện, phải lau từ trước ra sau để tránh vi khuẩn từ hậu môn xâm nhập vào đường tiểu.
“Khi chăm sóc trẻ, bố mẹ nên vệ sinh cơ quan sinh dục cho con 2 lần/ngày và không nên đóng bỉm. Trẻ nên được uống nhiều nước để giúp loại bớt vi khuẩn ở đường tiểu ra ngoài. Cần tăng cường các loại trái cây để bổ sung thêm vitamin, khoáng chất. Bữa ăn hàng ngày của trẻ phải giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa và cần đảm bảo 4 nhóm chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin”. (An ninh Thủ đô, trang 8).
Để xương khớp luôn khỏe mạnh khi trời lạnh
Không khí lạnh là nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp, nghiêm trọng đến sức khỏe của những người bị bệnh khớp. Cần làm gì để khớp không đau khi trời lạnh?
Người bị bệnh khớp thường đau nặng hơn khi trời lạnh hay thời tiết thay đổi là do tác động của áp suất khí quyển. Bình thường, áp suất khí quyển cao sẽ đẩy từ bên ngoài vào cơ thể khiến cho các mô không nở rộng ra được. Khi thời tiết xấu, áp suất khí quyển giảm xuống, các mô nở ra tạo áp lực cho các khớp. Đặc biệt đối với những bệnh nhân mạn tính, dây thần kinh có thể nhạy cảm hơn.
Do thời tiết lạnh, độ kết dính niêm dịch của khớp tăng lên, khớp hoạt động khó khăn, từ đó, bệnh nhân thoái hóa khớp dễ bị đau nhức nhiều hơn. Ngoài ra, nếu độ ẩm tăng cao do mưa phùn thì các gân cơ có thể co rút lại, dịch khớp đông quánh hơn và gây đau mỏi, cứng khớp, khó cử động. Do đó, để xương khớp luôn khỏe mạnh khi trời lạnh, người mắc bệnh khớp cần lưu ý:
Ăn uống thích hợp: Người bệnh khớp cần bổ sung các loại thực phẩm giàu axit béo omega-3 như: dầu đậu nành, dầu hạnh nhân, dầu ôliu... Ngoài ra, cũng có thể bổ sung vào bữa ăn hàng ngày các loại thịt gia cầm, thịt lợn, tôm, cua, các vitamin D, B, K, axit folic, sắt có trong các loại rau, kết hợp với các loại quả như cam, ớt đỏ, cà chua… chứa nhiều vitamin C để hạn chế tình trạng viêm và đau khớp.
Vận động hợp lý: Tập thể dục giúp bôi trơn các khớp xương để ngăn chặn cơn đau và đây cũng là biện pháp để phòng ngừa các bệnh ở cơ quan vận động của cơ thể. Chỉ cần 30 phút thể dục đều đặn mỗi ngày, sẽ có tác dụng rất tốt giúp tăng cường sức sống ở các tế bào xương, khả năng vận động tại các khớp. Tuy nhiên, vì là mùa lạnh nên ngay cả khi vận động, bệnh nhân mắc các bệnh xương khớp vẫn luôn phải giữ ấm cơ thể, nhất là với người cao tuổi.
Kết hợp thêm dưỡng chất bổ sung: Khi khớp bị viêm, chức năng bôi trơn xương khớp giảm đi, vì thế người bệnh cần được bổ sung axit amin và dinh dưỡng thiết yếu để bảo vệ, nuôi dưỡng các dây chằng, đồng thời, tăng cường hoạt dịch cho khớp, giúp tái tạo sụn khớp, phục hồi ổ viêm như: cá béo, trứng, hoa quả giàu vitamin C, ngũ cốc… hạn chế muối, cà phê, soda, bột mỳ. (An ninh Thủ đô, trang 8).
Hà Nội đặt mục tiêu xóa bỏ đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030
Bà Lã Thị Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, đại dịch HIV/AIDS tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn diễn biến phức tạp, tập trung ở đối tượng có nguy cơ cao như: Tiêm chích ma túy, mại dâm, quan hệ tình dục đồng giới…
Hiện nay, Hà Nội đang triển khai 18 cơ sở điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Trong 9 tháng năm 2017 đã điều trị an toàn cho 4.799 bệnh nhân. Thành phố cũng mở rộng diện sàng lọc HIV tại các xã, phường và kết hợp với các tổ chức phi chính phủ thực hiện xét nghiệm HIV tại cộng đồng. Hiện đã triển khai tại 102 xã, phường và 14 phòng xét nghiệm tự nguyện tại tuyến huyện. Đến nay đã xét nghiệm hơn 31 nghìn mẫu và phát hiện 532 ca HIV dương tính. Ngoài ra, tại các bệnh viện, trung tâm y tế cũng xét nghiệm HIV khi bệnh nhân đến khám, chữa bệnh. Kết quả, đã xét nghiệm trên 90 nghìn mẫu, phát hiện 808 ca nhiễm HIV.
Cũng theo bà Lã Thị Lan, Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng của mình; 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV và 90% người nhiễm HIV kiểm soát được số vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây HIV cho người khác, từ đó phấn đấu chấm dứt đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030. (Hà Nội mới, trang 2).
Phòng khám đa khoa khu vực Đồng Ky trước nguy cơ ngừng hoạt động
Phòng khám đa khoa khu vực (PKĐKKV) Đồng Ky chịu trách nhiệm khám, chữa bệnh tuyến đầu cho người dân năm xã, một thị trấn của huyện biên giới An Phú (An Giang). Thế nhưng, gần một năm nay, tất cả bác sĩ, nhân viên y tế ở đây rất lo lắng trước nguy cơ phòng khám ngừng hoạt động, các trang thiết bị trị giá hàng chục tỷ đồng phải “đắp chiếu” do Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam có quy định các PKĐKKV không được thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) đối với người bệnh điều trị nội trú. |
Hệ lụy từ một công văn Từ khi đi vào hoạt động năm 1987, PKĐKKV Đồng Ky, huyện An Phú, tỉnh An Giang với quy mô 30 giường bệnh đã phát huy tốt vai trò cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân vùng biên giới nơi đây. Bác sĩ Nguyễn Văn Phước, Trưởng PKĐKKV Đồng Ky đưa chúng tôi xem bảng thống kê số lượt người bệnh điều trị từ năm 2012 đến năm 2016. Thống kê cho thấy, bình quân hằng năm có từ 3.600 đến hơn 4.200 lượt người bệnh điều trị nội trú, công suất sử dụng giường bệnh từ 180% đến hơn 220% và hàng chục nghìn lượt người bệnh được điều trị ngoại trú. Bác sĩ Phước khẳng định, số lượng người bệnh đông là do đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao và điều kiện chăm sóc của phòng khám tương đương bệnh viện tuyến huyện. Thế nhưng, từ đầu năm 2017, số lượng người bệnh điều trị nội trú giảm nghiêm trọng, mà nguyên nhân bắt nguồn từ một công văn của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Theo Công văn số 76/BHXH-CSYT ngày 9-1-2017 của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về việc thanh toán tiền giường bệnh điều trị nội trú tại PKĐKKV gửi Sở Y tế Quảng Trị và áp dụng cho cả nước thì PKĐKKV không được quy định chức năng điều trị nội trú. Vì vậy, cơ quan BHXH không có cơ sở thanh toán chi phí tiền giường điều trị nội trú tại PKĐKKV. Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Văn Phước bức xúc: "Chúng tôi không hiểu, nếu áp dụng theo công văn trên thì tại sao từ khi thành lập đến năm 2016, những người bệnh điều trị nội trú vẫn được BHYT thanh toán chi phí tiền giường. Rõ ràng, đây là một nghịch lý". 38 nhân viên y tế của PKĐKKV Đồng Ky, trong đó nhiều người có kinh nghiệm và tay nghề cao, công tác hàng chục năm, đang rơi vào tình trạng thiếu việc làm, tâm lý hoang mang, không biết phòng khám có còn tiếp tục hoạt động, khi mọi hoạt động khám chữa bệnh đã gần như “tê liệt”. Hôm chúng tôi ghé phòng khám, vẫn trong giờ hành chính, nhưng khu vực khám bệnh gần như vắng tanh, các nhân viên y tế tụ nhóm ba, nhóm bảy ngồi tán chuyện vì không có người bệnh. Một bác sĩ tâm sự: "Đau xót lắm anh ạ. Hàng chục nghìn người của năm xã, một thị trấn tuyến biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia từ hàng chục năm qua đều chọn phòng khám là điểm đến điều trị đầu tiên khi bị đau, ốm. Phần lớn người dân nơi đây thuộc diện nghèo, cho nên chỉ đến phòng khám này điều trị để được BHYT thanh toán chi phí. Việc chấm dứt thanh toán BHYT cũng chính là “giấy báo tử” cho phòng khám này". Những trang thiết bị trị giá nhiều tỷ đồng gần như không được sử dụng trong nhiều tháng qua. Các máy siêu âm màu, chụp X-quang, điện tim, xét nghiệm huyết học, sinh hóa, nước tiểu, hút đờm, bơm tiêm tự động... hằng ngày chỉ khởi động vài giờ rồi... tắt để bảo đảm có vận hành. Trong 38 cán bộ, y, bác sĩ đã có bảy người xin về Bệnh viện huyện An Phú, số còn lại thấp thỏm, lo âu. Kiến nghị nhiều cấp, nhưng chưa được giải quyết Trước những bất cập nêu trên, PKĐKKV Đồng Ky, người dân trên địa bàn và chính quyền địa phương đã hàng chục lần phản ánh đến các cơ quan chức năng. Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thị trấn Long Bình (huyện An Phú, An Giang) Trần Thanh Tùng cho biết: "Trong các cuộc tiếp xúc với đại biểu HĐND ba cấp, đại biểu Quốc hội, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị cho PKĐKKV Đồng Ky được BHYT thanh toán chi phí điều trị nội trú của người bệnh, vì thực tế nhu cầu của người dân là rất lớn. Mặt khác, bà con đều nghèo, từng đồng tiết kiệm từ thanh toán BHYT là khoản tiền không nhỏ". Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú Đoàn Bình Lâm cũng cho rằng: "Năm xã, một thị trấn mà PKĐKKV Đồng Ky phụ trách phần lớn là khó khăn, đặc biệt khó khăn. Nếu phải thực hiện theo công văn của BHXH Việt Nam thì gây ra nhiều khó khăn trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân tuyến biên giới. Chúng tôi cũng đã có văn bản kiến nghị nhưng chưa có hướng giải quyết". Trao đổi với Phó Giám đốc BHXH tỉnh An Giang Diệp Thành Bu, chúng tôi còn được biết, không riêng PKĐKKV Đồng Ky, mà nhiều PKĐKKV khác của tỉnh An Giang cũng cùng chung số phận. Phó Giám đốc Diệp Thành Bu cho rằng, nếu coi PKĐKKV chỉ hoạt động như một trạm y tế tuyến xã là bất hợp lý, khi đây chính là cánh tay nối dài điều trị tuyến đầu rất hiệu quả cho hệ thống bệnh viện tuyến huyện. BHXH An Giang và lãnh đạo Sở Y tế tỉnh đã phản ánh với Bộ Y tế, BHXH Việt Nam để tháo gỡ theo hướng chấp nhận cho thanh toán nội trú đối với phòng khám khu vực. Tuy nhiên, đến nay tỉnh vẫn đang phải chờ. Nguy cơ phải chấm dứt hoạt động khám, chữa bệnh hay trang thiết bị y tế hiện đại trị giá hàng chục tỷ đồng bị bỏ không, gây lãng phí cùng với hàng chục y, bác sĩ không có việc làm đang dần trở thành hiện thực không chỉ với PKĐKKV Đồng Ky, mà còn đối với nhiều PKĐKKV khác trên cả nước. Thiết nghĩ, việc BHXH chấp nhận thanh toán điều trị nội trú cho các PKĐKKV là cấp thiết, để giúp người dân nghèo vùng sâu, vùng xa, biên giới được tiếp cận dịch vụ y tế nhanh nhất. Trả lời về vấn đề này, Phó Trưởng ban Thực hiện Chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) Lê Văn Phúc cho biết: Hiện nay, trong các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 và các Nghị định của Chính phủ, thông tư hướng dẫn đều không quy định việc thanh toán tiền giường điều trị nội trú cho các phòng khám đa khoa, thậm chí trong các văn bản này còn chưa đưa ra khái niệm “phòng khám đa khoa khu vực”. Tuy nhiên, trong Quyết định số 1327/2002/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc ban hành tiêu chuẩn thiết kế phòng khám đa khoa khu vực tiêu chuẩn ngành cũng đã đưa ra “tiêu chuẩn thiết kế phòng khám đa khoa khu vực” có quy định rõ: Phòng khám đa khoa khu vực là nơi thực hiện các hoạt động chăm sóc bảo vệ sức khỏe ban đầu, cung cấp các dịch vụ; phòng bệnh, khám chữa bệnh, điều trị ngoại trú, điều trị các bệnh viện thông thường và một số chuyên khoa. PKĐKKV chỉ thực hiện sơ cứu, cấp cứu thông thường và hỗ trợ chuyển thương lên tuyến trên; tạm lưu bệnh nhân cần phải theo dõi, các bệnh nhân nặng cần chờ chuyển lên tuyến trên… Vì vậy, PKĐKKV không được quy định chức năng điều trị nội trú, đây cũng là các cơ sở để BHXH Việt Nam từ chối việc thanh toán tiền giường điều trị nội trú tại các PKĐKKV theo quy định. Tại hội nghị liên ngành bàn các giải pháp thực hiện việc tạm ứng, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam (tháng 6-2017), để giải quyết những vướng mắc đối với chi phí ngày giường điều trị nội trú tại PKĐKKV, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam thống nhất sẽ rà soát tiêu chí đối với các phòng khám được điều trị nội trú theo hướng chỉ thực hiện đối với các PKĐKKV thuộc các vùng khó khăn theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ; các PKĐKKV thuộc các khu vực khác thì chỉ kê giường lưu như đối với trạm y tế xã. Thời gian tới, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam sẽ thống nhất để hướng dẫn chi tiết nội dung này. (Nhân dân, trang 8). |