Vì sao nguyên giám đốc BV Đa khoa Đắk Nông bị khởi tố?
Tại Hội nghị giao ban báo chí định kỳ ngày 3/10/2018, Thượng tá Phạm Thanh Bình- Trưởng phòng tham mưu tổng hợp, người phát ngôn Công an tỉnh Đắk Nông cho biết: Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Nguyễn Mạnh Cường, nguyên giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh này để điều tra về hành vi Thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng.
Đầu tư tiền tỷ rồi đắp chiếu
Mở lại hồ sơ cho thấy từ tháng 10/2004, UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt dự án nâng cấp BVĐK tỉnh này giai đoạn 1 là 176 tỷ đồng. Đến tháng 6/2008, vốn đầu tư dự án được điều chỉnh lên gần 215 tỷ đồng và tháng 10/2011 tiếp tục điều chỉnh lên trên 233 tỷ đồng. Chủ đầu tư là BVĐK Đắk Nông. Năm 2014, Thanh tra tỉnh Đắk Nông đã phát hiện nhiều vi phạm trong việc quản lý đầu tư xây dựng, mua sắm thiết bị y tế, mua sắm và quản lý sử dụng thuốc, vật tư y tế tại bệnh viện này. Về cá nhân, chịu trách nhiệm chính đối với sai phạm này thuộc về ông Nguyễn Mạnh Cường, giám đốc BVĐK Đắk Nông giai đoạn 2004-2011. Ngoài ra, ông Nguyễn Đình Nga, nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán của bệnh viện cũng liên đới trách nhiệm khi không giữ lại 5% giá trị hợp đồng tại 5 gói thầu để ràng buộc trách nhiệm của nhà thầu, từ đó dẫn đến việc thu hồi một số khoản sai phạm gặp khó khăn.
Ngày 3/10/2017, bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông ký Báo cáo số 268/BC-SYT về kết quả thực hiện kết luận số 09/KL-TTr và ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Nông. Qua đó cho thấy tổng số tiền sai phạm, phải thu hồi nộp ngân sách nhà nước là hơn 2,6 tỷ đồng, Sở Y tế Đắk Nông đã thu hồi được hơn 2,4 tỷ, chưa xử lý số “nợ còn lại” 169 triệu đồng. BVĐK Đắk Nông chưa hoàn tất các thủ tục trình phê duyệt 19/28 gói thầu. Nguyên nhân làm chậm, do Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đang thu thập các hồ sơ liên quan để phục vụ công tác điều tra.
Cũng theo báo cáo trên của Sở Y tế Đắk Nông, hệ thống thang máy của BVĐK Đắk Nông bị hư hỏng ngay tại thời điểm thẩm định nên không thể sử dụng, nếu muốn sửa chữa chi phí rất cao. Sở Y tế đã yêu cầu bệnh viện làm việc với nhà thầu báo cáo về nguyên nhân hư hỏng và trách nhiệm của các bên liên quan để đề xuất phương án xử lý. Sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, hệ thống khí y tế của BVĐK Đắk Nông cũng thường xuyên hư hỏng, hiệu quả sử dụng thấp, điện năng tiêu thụ và chi phí thay thế hạt lọc tạo ô-xy rất lớn, chi phí dành cho duy tu, bảo dưỡng và thay thế vật tư quá tốn kém. Vì vậy, từ tháng 12/2013 (hết thời gian bảo hành) toàn bộ hệ thống khí y tế này không còn vận hành được.
Báo cáo của Sở Y tế Đắk Nông cho thấy từ cuối năm 2017, BVĐK Đắk Nông phải chuyển sang phương án mua và sử dụng khí oxy nén phục cho công tác điều trị cấp cứu. Hệ thống khí sạch áp lực dương phòng mổ cũng đã bị hỏng (hỏng từ tháng 3/2017), bệnh viện phải sử dụng hệ thống máy điều hoà không khí thông thường cho phòng mổ. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác cấp cứu, điều trị và gây mất an toàn cho bệnh nhân sau mổ, do thiếu hệ thống khí sạch khử khuẩn cho phòng mổ.
Phải “Bơm” thêm 5 tỷ để làm mới
Mới đây, Sở Y tế tỉnh Đắk Nông đã có tờ trình số 138/TTr-SYT gửi UBND tỉnh Đắk Nông về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án: Nâng cấp, sửa chữa hệ thống khí y tế, thang máy tại BVĐK Đắk Nông. Ngay sau đó, UBND tỉnh Đắk Nông đã có Quyết định đồng ý chủ trương làm dự án nói trên, với tổng kinh phí dự kiến khoảng 5 tỷ đồng bằng ngân sách tỉnh, lấy từ nguồn xổ số kiến thiết giai đoạn 2018-2020. Thời gian thực hiện dự án dự kiến năm 2019-2020 do Sở Y tế tỉnh Đắk Nông làm chủ đầu tư. Mục tiêu của dự án này, tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị y tế phục vụ chuyên môn theo phân tuyến kĩ thuật và quy mô khoa phòng của bệnh viện nhằm giải quyết tốt nhu cầu khám chữa bệnh phân tuyến, hạn chế chuyển tuyến, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên và đáp ứng nhu cầu chữa bệnh cho nhân dân.
Năm 2014, sau khi Thanh tra tỉnh Đắk Nông công bố các sai phạm trong quá trình triển khai dự án nâng cấp BVĐK Đắk Nông, ông Nguyễn Mạnh Cường- nguyên giám đốc Bệnh viện này đã trình ra hồ sơ bệnh án tâm thần, mất khả năng lao động đến 76%.Tháng 7/2018 vừa qua, ông Ngô Thanh Danh - Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông đã yêu cầu CQĐT Công an tỉnh này tiếp tục điều tra làm rõ những sai phạm liên quan đến ông Cường. Nhiều hạng mục dự án đã hoàn thành nhưng chất lượng kém, nên từ cuối năm 2017, BVĐK Đắk Nông phải chuyển sang phương án mua và sử dụng khí oxy nén phục cho công tác điều trị cấp cứu. Hệ thống khí sạch áp lực dương phòng mổ cũng đã bị hỏng (hỏng từ tháng 3/2017), bệnh viện phải sử dụng hệ thống máy điều hoà không khí thông thường cho phòng mổ. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác cấp cứu, điều trị và gây mất an toàn cho bệnh nhân sau mổ, do thiếu hệ thống khí sạch khử khuẩn cho phòng mổ. (Tiền phong, trang 11; Sức khỏe & Đời sống, trang 6).
Kết quả bước đầu trong xử lý chất thải Y tế ở Hưng Yên
Với sự quan tâm đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường của ngành y tế tỉnh Hưng Yên, vấn đề xử lý chất thải y tế từng bước được giải quyết hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng môi trường sống “xanh, sạch, đẹp” ở nhiều bệnh viện trong tỉnh. Việc làm ý nghĩa này cần được tiếp tục phát huy, nhân rộng. |
Trong những năm qua, tỉnh Hưng Yên đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và mở rộng quy mô điều trị trong hệ thống y tế từ tỉnh đến xã, phường nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và khám, chữa bệnh của người dân ngày càng tăng cao. Đồng thời, ngành y tế đã quan tâm công tác bảo vệ môi trường, chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế thực hiện việc thu gom, xử lý chất thải y tế theo quy định. Các bệnh viện, trung tâm y tế đã triển khai đầu tư thực hiện tốt việc thu gom, xử lý chất thải rắn; tuy nhiên, việc xử lý chất thải lỏng y tế còn nhiều bất cập, chưa được xử lý theo quy định do: phần lớn các cơ sở y tế chưa có các hệ thống xử lý; một số cơ sở y tế được xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng công nghệ lạc hậu, xuống cấp dẫn đến nhiều chỉ tiêu nước thải xả ra môi trường vượt quá quy định cho phép. Việc xả chất thải lỏng y tế chưa qua xử lý hoặc đã xử lý nhưng không đạt yêu cầu đã gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân trong vùng và ở cả cơ sở y tế. Trước thực trạng nêu trên, ngành y tế tỉnh Hưng Yên quyết tâm xử lý vấn đề nước thải y tế gây ô nhiễm môi trường, trước mắt xử lý triệt để nước thải y tế ở 15 cơ sở khám, chữa bệnh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Sở Y tế Hưng Yên đã xây dựng dự án “xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế lỏng tại 15 cơ sở y tế tỉnh Hưng Yên” nhằm đáp ứng yêu cầu về xử lý chất thải y tế theo quy định bảo vệ môi trường, vì sự phát triển bền vững. Dự án được triển khai, huy động từ nhiều nguồn vốn: vốn ngân sách, trung ương, địa phương, vốn vay... đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp nhiều cơ sở y tế giải quyết triệt để vấn đề xử lý nước thải y tế. Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Khoái Châu Vũ Thị Ngát cho biết: Trung tâm có quy mô 200 giường, hằng năm khám, chữa bệnh cho hơn 100 nghìn người; trong đó, có hơn 11 nghìn người bệnh nằm điều trị tại trung tâm cho nên lượng nước thải y tế ra môi trường khá lớn. Trong khi đó, trung tâm chưa có hệ thống xử lý nước thải y tế, nhiều chỉ tiêu như: COD, BOD, tổng Ni-tơ, tổng Phốt-pho... vượt quy định cho phép gấp từ 2 đến 5 lần được xả thẳng ra môi trường. Năm 2017, hệ thống xử lý nước thải của trung tâm được xây dựng xong, đưa vào vận hành và cấp phép xả thải cho nên vấn đề này đã được giải quyết triệt để, môi trường được cải thiện. Đồng thời, Trung tâm Y tế huyện Khoái Châu đã phát động phong trào xanh, sạch, đẹp ở tất cả khoa, phòng; Đoàn Thanh niên là lực lượng xung kích được giao nhiệm vụ trồng, chăm sóc cây xanh, hoa và làm tổng vệ sinh cuối tuần ở khu vực khuôn viên trung tâm. Do vậy môi trường trong và ngoài khu vực Trung tâm Y tế huyện được cải thiện sạch đẹp và thoáng mát hơn, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và nhận được sự hài lòng của người bệnh. Đánh giá hiệu quả của dự án “xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế lỏng tại 15 cơ sở y tế tỉnh Hưng Yên”, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hưng Yên Nguyễn Thị Anh cho biết: Dự án không những giải quyết tốt vấn đề xử lý nước thải y tế, mà còn góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, nhân viên y tế và cả người bệnh trong công tác bảo vệ môi trường, từ đó tạo nên hình ảnh xanh, sạch, đẹp ở nhiều cơ sở khám, chữa bệnh. Đến nay, ngành y tế tỉnh Hưng Yên có chín cơ sở y tế được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế mới, hiện đại đang hoạt động; trong đó, có bảy bệnh viện tuyến tỉnh, hai trung tâm y tế huyện. Ngoài ra, bốn trung tâm y tế thuộc các huyện Tiên Lữ, Ân Thi, Văn Lâm, Văn Giang đang được đầu tư hệ thống nước thải y tế, dự kiến hoàn thành công trình trong năm 2018. Toàn bộ lượng chất thải lỏng y tế của những cơ sở y tế đã được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành xả thải ra môi trường bảo đảm sau xử lý không gây ô nhiễm môi trường, đạt tiêu chuẩn TCVN 7382-2004 mức I (nước thải y tế) và QCVN: 24:2009 cột A (nước thải công nghiệp). Trong thời gian tới ngành y tế tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải lỏng y tế ở các cơ sở khám, chữa bệnh; nhất là việc sớm đưa toàn bộ 15 cơ sở y tế ra khỏi danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của tỉnh. (Nhân dân, trang 5). |
Rụng răng vì thuốc tẩy trắng răng
Lạm dụng hoặc sử dụng không đúng thuốc tẩy trắng sẽ khiến răng ê buốt, hư tủy, tụt nướu.
“Bệnh viện (BV) đa khoa khu vực Hóc Môn (TP.HCM) gần đây ghi nhận vài trường hợp bị tác dụng phụ do lạm dụng hoặc sử dụng thuốc tẩy trắng răng không đúng cách như ê buốt, hư tủy…” - bác sĩ (BS) Nguyễn Văn Hải, Trưởng liên khoa Tai mũi họng-Răng hàm mặt-Mắt, BV đa khoa khu vực Hóc Môn, nói.
Nhai cơm như nhai… thịt dai!
Do dùng nhiều kháng sinh lúc nhỏ nên răng chị NTTL (32 tuổi, ở TP.HCM) hơi vàng, điều này ít nhiều ảnh hưởng đến công việc của một nhân viên kinh doanh như chị.
Nghe bạn bè mách bảo, chị L. lên mạng tìm hiểu và sau đó lùng mua bột tẩy trắng răng với giá 140.000 đồng/hộp. Người bán hướng dẫn dùng bột tẩy trắng chung với kem đánh răng và chỉ nên sử dụng mỗi tuần 2-3 lần.
“Thế nhưng vì muốn răng mau trắng nên chị L. dùng mỗi ngày khiến răng rơi vào tình trạng ê buốt cả hàm, không thể nhai cơm bình thường. Chẳng những hàm răng không trắng mà sức khỏe chị L. càng xuống vì ăn uống không được nhiều. Chúng tôi yêu cầu chị ngưng sử dụng bột tẩy trắng răng và tiến hành điều trị” - BS Hải nói.
Tương tự, do thường xuyên hút thuốc lá nên hai hàm răng của anh TMH (42 tuổi, ở TP.HCM) ố vàng. Chưa hết, anh H. còn bị chứng hôi miệng. Nghe thị trường có thuốc tẩy trắng răng và trị hôi miệng, anh H. tìm mua với giá 150.000 đồng/tuýp. Người bán cam đoan dùng trong hai tuần thì răng sẽ trắng và miệng hết hôi.
Hai tuần trôi qua, răng anh H. vẫn ố vàng, hơi thở vẫn còn mùi hôi. Cho rằng sử dụng trong thời gian ngắn không tác dụng, anh H. tiếp tục dùng thuốc tẩy trắng răng ngày này qua ngày khác. “Khi răng quá đau nhức, anh H. đến gặp BS. Chúng tôi phát hiện hai chiếc răng của anh H. bị hư tủy nên phải nhổ. Nếu anh H. không đến BS sớm, nguy cơ cả hàm răng bị hư tủy và phải nhổ bỏ là điều không tránh khỏi” - BS Hải cho biết.
Không thể có thuốc “hai trong một”
“ Tác dụng phụ thường gặp của thuốc tẩy trắng là gây ê buốt. Tác dụng này tùy thuộc vào cơ địa, tình trạng răng, nồng độ và loại thuốc sử dụng, cũng như thời gian tẩy trắng. Ngoài ra, lạm dụng hoặc sử dụng thuốc tẩy trắng răng không đúng cách còn có nguy cơ gây hư tủy răng, phỏng rát nhẹ hoặc tụt nướu do thuốc dính vào mô mềm. Chưa hết, thuốc tẩy trắng răng chỉ có tác dụng làm trắng răng, không có hiệu quả trong điều trị chứng hôi miệng” - BS Hải cho biết thêm.
BS Trần Tú Uyên, khoa Điều trị kỹ thuật cao 1 thuộc BV Răng Hàm Mặt TP.HCM, cho biết hiện nay đã có hiện tượng một số người hoặc spa sử dụng những chất không đúng để tẩy trắng răng cho khách, gây hại men răng. Do vậy, không nên quá tin tưởng vào các quảng cáo trên mạng.
Theo BS Uyên, răng sậm màu có thể do màu răng vốn không sáng, do bám màu sau quá trình ăn nhai, do hút thuốc, do sậm màu theo tuổi tác hoặc do dùng kháng sinh khi còn nhỏ… “Tẩy trắng răng là dùng thuốc tẩy, dạng bột hoặc kem (thường có gốc peroxide với nồng độ từ 5% đến 35%) đặt trên bề mặt răng. Khi thuốc được hoạt hóa sẽ giải phóng gốc ôxy tự do làm trắng răng” - BS Uyên giải thích.
BS Uyên cho biết thêm thuốc tẩy trắng răng và hôi miệng là hai vấn đề không có nhiều mối liên quan. Một hàm răng trắng chưa chắc đã chắc khỏe và một hàm răng chắc khỏe không phải bao giờ cũng trắng.
“Bên cạnh đó, hôi miệng là biểu hiện chung của nhiều bệnh lý đa khoa như tai mũi họng (viêm xoang), tiêu hóa, răng hàm mặt. Riêng về nha khoa thì thường do viêm nướu, sâu răng hoặc có các ổ nhiễm trùng trong miệng. Tẩy trắng răng là để giải quyết nhu cầu thẩm mỹ, không giải quyết các bệnh lý răng (nếu có) và hôi miệng” - BS Uyên nói thêm.
Nên đi thăm khám BS trước khi tẩy trắng răng. Không phải màu răng nào tẩy trắng cũng hiệu quả, đặc biệt những trường hợp bị nhiễm tetracycline nặng. Ngoài ra, nên cạo vôi và trám các răng sâu, mòn cổ trước khi tẩy trắng để đảm bảo hiệu quả tốt và ít tác dụng phụ ê răng.
Hạn chế hút thuốc, ăn uống các thực phẩm có màu trong và sau khi tẩy trắng để giữ răng được màu sáng lâu dài. Màu răng sáng sau khi tẩy trắng không phải vĩnh viễn mà sẽ xuống màu dần dần. Có thể tẩy lại nhưng không nên quá một lần/năm hoặc theo chỉ định của BS.
Các sản phẩm thông dụng trên thị trường như kem đánh răng tẩy trắng hoặc miếng dán có thể dùng theo hướng dẫn sử dụng trên sản phẩm nhưng không nên quá lạm dụng. Ngưng sử dụng khi răng bị ê buốt và thăm khám BS nếu cần. (Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, trang 13).
Ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở cung ứng thuốc là điều kiện kinh doanh bắt buộc
Chiều ngày 4/10, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Ngô Văn Quý chủ trì Hội nghị triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn thành phố. Theo báo cáo của Sở Y tế HN, trên địa bàn thành phố hiện có 7.800 cơ sở cung ứng thuốc trong đó có 1.470 cơ sở bán buôn, 3.770 nhà thuốc và 2.560 quầy thuốc. Viettel Hà Nội đã phối hợp với Sở Y tế triển khai hệ thống phần mềm, đáp ứng 23 chuẩn yêu cầu dữ liệu. Phần mềm chung giúp công tác quản lý hành chính, quản lý kho và nhập – xuất thuốc được thuận lợi hơn… (Hà Nội mới, trang 1).
Đúng quy định, phù hợp thực tế
Tại giao ban báo chí về kết quả công tác bảo hiểm xã hội 9 tháng của năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2018, Bảo hiểm xã hội Hà Nội khẳng định: Chịu trách nhiệm chính trong việc bội chi Quỹ bảo hiểm y tế là các cơ sở khám, chữa bệnh. Bảo hiểm xã hội thành phố đang phối hợp với các cơ quan chức năng để các chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế vừa bảo đảm quyền lợi người tham gia, vừa đúng quy định, phù hợp thực tế.
Bội chi Quỹ bảo hiểm y tế gần 546 tỷ đồng
Theo Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội Nguyễn Đức Hòa, tổng số thu BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp 9 tháng của năm 2018 là 25.063 tỷ đồng, đạt 63,9% kế hoạch thu. Tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn đạt 84,9% dân số, dự kiến hết năm 2018 hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT được giao là 85,3%. Hiện tại, có hơn 1,612 triệu người tham gia BHXH, hơn 6,429 triệu người tham gia BHYT. BHXH thành phố đang quản lý 68.329 đơn vị, trong đó có 10.662 doanh nghiệp mới tham gia BHXH, BHYT. BHXH Hà Nội hiện đang rà soát việc bàn giao sổ BHXH cho người lao động quản lý. Cơ quan BHXH phối hợp chặt chẽ với các đơn vị sử dụng lao động rà soát các thông tin cá nhân, quá trình tham gia, chức danh công việc, tiền lương đóng BHXH… tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động trong việc hưởng các chế độ BHXH sau này. Đến nay, hơn 1,83 triệu sổ BHXH đã được hoàn thiện số liệu để giao cho người lao động, đạt 99,6% kế hoạch. Trong 9 tháng của năm 2018, BHXH thành phố thực hiện chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH với tổng số tiền lên tới 18.829 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức Hòa cho biết, việc cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH là một bước cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ. Điều này bảo đảm mỗi người chỉ có một mã số BHXH, mỗi người chỉ được cấp một thẻ BHYT duy nhất, tránh được việc cấp thẻ trùng như những năm trước đây. Thẻ BHYT được sử dụng lâu dài. Khi người lao động tiếp tục tham gia, chỉ cần thực hiện cập nhật trên cơ sở dữ liệu, không phải in lại thẻ. Khi người lao động ngừng tham gia, cơ quan BHXH chỉ thực hiện điều chỉnh trong cơ sở dữ liệu, không phải thu hồi lại thẻ.
BHXH thành phố cũng đã ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT với 197 cơ sở y tế, bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh cho gần 8 triệu lượt người, với tổng chi phí hơn 12.000 tỷ đồng và bội chi Quỹ khám, chữa bệnh là 545,9 tỷ đồng.
Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, thu nợ, BHXH Hà Nội đã gửi văn bản đôn đốc thu nợ đến 21.408 đơn vị nợ BHXH. Qua đó, các đơn vị đã đóng được 560 tỷ đồng. Tổ thu nợ BHXH các quận, huyện, thị xã và Phòng Khai thác - Thu nợ đã đôn đốc trực tiếp tại gần 5.000 đơn vị nợ, thu hồi được 512 tỷ đồng. Thanh tra thành phố gửi văn bản đôn đốc đến 582 đơn vị nợ BHXH, thu hồi được 59,2/208,4 tỷ đồng. Liên ngành BHXH, Thanh tra, Liên đoàn Lao động, Công an và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố làm việc với 10 doanh nghiệp nợ BHXH, sau buổi làm việc đã thu hồi được 7,7/21,2 tỷ đồng. Đến hết tháng 8-2018, số tiền nợ BHXH phải tính lãi là 1.788,1 tỷ đồng, bằng 4,56% kế hoạch thu (giảm 427 tỷ đồng, tương đương 19,3% so với cùng kỳ năm 2017).
Cơ sở khám, chữa bệnh phải tự kiểm soát chi phí
Giám đốc BHXH TP Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho biết, trong quý IV-2018, BHXH thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, đẩy mạnh công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, tập trung khu vực phi chính thức, các doanh nghiệp chưa tham gia và BHXH tự nguyện; phấn đấu thực hiện BHYT học sinh, sinh viên đạt 100%. Về các giải pháp giảm nợ, BHXH thành phố yêu cầu cán bộ trực tiếp đôn đốc thu BHXH, BHYT tại các doanh nghiệp nợ, không để phát sinh nợ mới; tăng cường thanh tra chuyên ngành đột xuất và xử phạt vi phạm hành chính; chủ động phối hợp với Công an thành phố tập hợp hồ sơ, tài liệu đối với những doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH, BHYT để xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Về vấn đề bội chi Quỹ BHYT, theo Giám đốc BHXH Hà Nội, nguyên nhân là do các cơ sở khám, chữa bệnh chưa thực hiện nghiêm túc việc rà soát các chỉ định thuốc, dịch vụ kỹ thuật, vật tư y tế hợp lý, bảo đảm chất lượng điều trị. Nhiều cơ sở chỉ định bệnh nhân vào nội trú rộng rãi, trong khi chưa đến mức phải vào viện, kéo dài ngày điều trị nội trú. Ngoài ra, do chi phí khám, chữa bệnh BHYT hoàn toàn do bác sĩ, cán bộ ngành Y tế chỉ định thực hiện được thể hiện trên hồ sơ bệnh án chưa thật sự minh bạch, công khai... “Hà Nội đã đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh xây dựng kế hoạch tự kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh. Trách nhiệm chính vẫn là của cơ sở khám, chữa bệnh, làm sao bảo đảm chất lượng khám, chữa bệnh nhưng tiết kiệm chi phí. BHXH thành phố sẽ phối hợp với các cơ sở khám, chữa bệnh để bảo đảm quyền lợi người tham gia, đúng quy định của pháp luật, hợp lý, phù hợp thực tế” - ông Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh.
Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã ghi nhận những nỗ lực của BHXH Hà Nội trong thời gian qua, với nhiều kết quả đáng khích lệ. Để tiếp tục thực hiện BHXH, BHYT đạt các chỉ tiêu đã đề ra, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Trần Xuân Hà đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục đồng hành với BHXH thành phố, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, nhằm nâng cao ý thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là ý thức của những người đứng đầu cơ quan, đơn vị; tăng cường giám sát trong thực hiện BHXH, BHYT. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là trong công tác khám, chữa bệnh; đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, công khai những đơn vị nợ đọng kéo dài, chây ỳ. Các cơ quan báo chí cần phát huy tinh thần phê phán, phát hiện các hành vi trục lợi bảo hiểm trên tinh thần xây dựng để các doanh nghiệp nợ vượt qua khó khăn, khắc phục nợ bảo hiểm. (Hà Nội mới, trang 5).
Bộ Y tế: Dịch tay chân miệng bùng phát, 6 trường hợp tử vong
Theo hệ thống báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm, trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 53.529 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 25.845 trường hợp nhập viện và đã có 6 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh thành phố khu vực phía Nam.
Ông Đặng Quang Tấn - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - cho biết: So với cùng kỳ năm 2017, số mắc cả nước giảm 15,3%, số trường hợp nhập viện giảm 20,1%. Tuy nhiên, một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc tích lũy cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây, như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa- Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Hà Nội.
"Dự báo dịch tay chân miệng có xu hướng gia tăng trong thời gian tới đây do tính chất lây truyền, đặc biệt trong mùa tựu trường, học sinh đang tập trung vào năm học mới và hiện chưa có vắc xin phòng bệnh"- ông Tấn nói.
Theo chuyên gia Cục Y tế dự phòng, bệnh tay chân miệng c là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông.
"Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời"- Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh.
Trước tình hình đó, ngày 1.10, Bộ Y tế đã ra công văn khẩn về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng trên toàn quốc.
Cục Y tế dự phòng đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả trên địa bàn, tập trung vào các vùng có số mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch.
Bộ Y tế đề nghị các Sở Y tế tăng cường truyền thông cho người dân thực hiện 3 sạch: Ăn uống sạch, ở sạch và đồ chơi sạch... Phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức các hoạt động truyền thông phòng chống dịch bệnh tay chân miệng. Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện...
"Tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, lưu ý với các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp biến chứng nặng gây tử vong. Thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo các bệnh viện và trong các cơ sở điều trị, đặc biệt giữa bệnh tay chân miệng với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác"- đại diện Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh.
Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị chủ động chuẩn bị kinh phí để đảm bảo nhu cầu về thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho các hoạt động phòng chống dịch bệnh.
Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra và hỗ trợ các địa phương giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch bệnh và có biện pháp chỉ đạo kịp thời. (Lao động, trang 1; Sài Gòn giải phóng, trang 1; Sức khỏe & Đời sống (trang 6).
Tế bào miễn dịch trị ung thư tăng cơ hội sống
Bên cạnh các phương pháp phẫy thuật, hóa trị, xạ trị… y học thê giới vừa đón nhận tin vui từ việc hai nhà khoa học của Mỹ và Nhật phát hiện liệu pháp tế bào miễn dịch điều trị bệnh lý ung thư. Hiện nay, liệu pháp này được cấp phép ứng dụng, triển khai tại nhiều bệnh viện như: BV K Hà Nội, Ung bướu, Chợ Rẫy, Bình Dân TP. HCM ... (Tuổi trẻ, trang 1).
Cảnh báo nguy cơ dịch chồng dịch
Trong khi bệnh tay - chân - miệng (TCM) tại các tỉnh phía Nam chưa có dấu hiệu chững lại thì mới đây, số ca mắc sởi và sốt xuất huyết đang tăng nhanh. Tại phía Bắc, số ca bệnh mắc TCM, sởi cũng liên tục tăng. Bác sĩ, điều dưỡng di chuyển liên tục giữa các buồng bệnh, những đứa trẻ thở máy, thở ôxy. Các chuyên gia y tế cho rằng, nếu không có các biện pháp phòng ngừa và xử lý triệt để, nguy cơ dịch chồng dịch là rất cao.
Nhiều trẻ bị biến chứng nặng
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 53.500 trường hợp mắc bệnh TCM, trong đó gần một nửa số bệnh nhân phải nhập viện và đã có 6 ca tử vong tại 5 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Ngoài TCM, sởi và sốt xuất huyết cũng đang có dấu hiệu “vào mùa”.
ThS.BS. Trần Thị Thu Hương, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm BV Nhi Trung ương cho biết, so với cùng kỳ năm 2017, số trẻ nhập viện do bệnh TCM và sởi đều tăng gấp vài lần. Đáng chú ý, bệnh TCM có nhiều ca biến chứng nặng vào tim, phổi, não do năm nay chủng virut EV71 gây bệnh nặng quay trở lại và tấn công những trẻ nhỏ sức đề kháng yếu.
Ngoài bệnh nhân TCM, khu vực điều trị bệnh sởi của Khoa Truyền nhiễm thường xuyên có bệnh nhi nằm điều trị. TS. Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, từ đầu năm đến nay đã có gần 500 trường hợp trẻ mắc sởi nhập viện. Khoảng 2 tháng qua, mỗi tháng trung bình gần 100 ca, ngày cao điểm tiếp nhận 10-12 trẻ. Trong số này có tới 85% trẻ mắc sởi nhập viện đều không được tiêm vắc-xin đầy đủ hoặc chưa đến tuổi tiêm chủng.
Ở phía Nam, theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP. Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, số ca mắc TCM đã lên đến 3.568 trường hợp. Chỉ tính trong tuần vừa qua đã có 347 bệnh nhân nhập viện. Khoa Nhiễm - Thần kinh của Bệnh viện Nhi đồng 1 đang điều trị cho gần 190 bệnh nhi TCM, trong đó có 28 ca nặng nằm cấp cứu. Tại tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm đến nay có hơn 4.000 ca mắc bệnh TCM, 90% là trẻ dưới 3 tuổi. Có những tuần, tỉnh ghi nhận đến 500 ca bệnh, nhiều trường hợp bệnh trở nặng nguy hiểm. Tại Bình Dương, chỉ trong tháng 8/2018, toàn tỉnh phát hiện 478 ca mắc bệnh TCM, tăng 202 ca so với tháng trước.
Về dịch bệnh sởi, theo thống kê của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, trong tháng 8 và tháng 9, số ca mắc bệnh sởi tăng mạnh so với cùng kỳ các năm gần đây. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, địa phương có số ca mắc bệnh sởi cao nhất khu vực là tỉnh Đồng Nai với 136 ca, tiếp theo là Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh. Riêng đối với bệnh sốt xuất huyết, từ đầu năm 2018 đến nay, tại TP. Hồ Chí Minh ghi nhận khoảng 6.000 ca nhập viện. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, do TP. Hồ Chí Minh đang bắt đầu mùa mưa nên tình hình bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn có diễn biến phức tạp.
Đặc biệt chú ý phòng tránh lây nhiễm chéo trong cơ sở điều trị
Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng dự báo, dịch TCM có xu hướng gia tăng và phức tạp trong thời gian tới đây do tính chất lây truyền và hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh. So với cùng kỳ năm 2017, số mắc cả nước giảm 15,3%, số trường hợp nhập viện giảm 20,1%. Tuy nhiên, một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc tích lũy cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây, như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Hà Nội.
Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, một số bệnh đã có vắc-xin tiêm chủng như sởi vẫn có thể gia tăng số ca mắc bệnh. Nguyên nhân là sau nhiều năm đến nay, các trường hợp không có miễn dịch do không tiêm chủng đã tích tụ lại, nếu không tiếp tục duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao, những người này dễ dàng mắc bệnh và lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
PGS.TS. Trần Đắc Phu cho biết, để phòng chống dịch lây lan, bùng phát, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với ngành GD&ĐT tổ chức các hoạt động truyền thông phòng chống dịch bệnh TCM. Giám sát tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện... Tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, lưu ý với các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp biến chứng nặng gây tử vong. Thực hiện phòng tránh lây nhiễm chéo các bệnh viện và trong các cơ sở điều trị, đặc biệt giữa bệnh TCM với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác. (Sức khỏe & Đời sống, trang 1).
Nội soi lấy phần tai bị cắt đứt trong bụng một học sinh
Trao đổi với phóng viên Suckhoedoisong.vn, đại diện BVĐK khu vực Tây Bắc, Nghệ An cho biết, ngày 2/10 các bác sĩ BV này tiến hành nội soi gắp “vành tai” cho một bệnh nhân 16 tuổi ở huyện Quỳ Hợp, Nghệ An.
Được biết bệnh nhân này cùng một nhóm bạn học sinh cấp 3 có sử dụng ma tuý tổng hợp, trong lúc lên cơn ngáo đá, thanh niên này đã cắn đứt tai một bạn cùng nhóm và nuốt vào bụng. Ngay sau đó thanh niên này và người bạn bị cắn vào tai đã được người nhà đưa đến BVĐK Khu vực Tây Bắc để tiến hành nội soi gắp vành tai và xử trí vết thương tai cho nạn nhân kia. (Sức khỏe & Đời sống, trang 1).
Giám sát việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại Bến Tre, Tiền Giang
Đoàn Giám sát của Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn làm Trưởng đoàn đã có chương trình giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT tại tỉnh Tiền Giang, Bến Tre. Tham gia Đoàn Giám sát có Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn và lãnh đạo một số đơn vị thuộc BHXH Việt Nam.
Báo cáo của BHXH tỉnh về tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cho thấy, đến hết tháng 8/2018, toàn tỉnh có 3.353 đơn vị sử dụng lao động tham gia BHXH; 194.000 người tham gia BHXH - so với lao động trong độ tuổi chiếm 18,04%. Để tăng cường phát triển đối tượng tham gia, BHXH tỉnh đang tập trung quyết liệt các giải pháp như: Thường xuyên chia sẻ dữ liệu để rà soát, xác định doanh nghiệp (DN) cũng như lao động chưa tham gia BHXH; chỉ đạo BHXH các huyện, thị, thành phố căn cứ vào danh sách đơn vị, mã số thuế, địa chỉ để cử cán bộ đến trực tiếp DN tuyên truyền, vận động tham gia. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền chính sách pháp luật bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp.
Về cải cách công vụ, việc giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan BHXH đã tuân thủ theo đúng nguyên tắc của cơ chế “Một cửa” và “Một cửa liên thông”. Quá trình tiếp nhận hồ sơ và giải quyết TTHC không làm phát sinh thêm thủ tục. Các TTHC nhìn chung được giải quyết nhanh chóng, thuận tiện và đúng thời gian quy định. Một số thủ tục giải quyết chế độ chính sách đã giảm từ 30 - 50% thời gian so với trước đây. Riêng thủ tục cấp lại thẻ BHYT do mất, hỏng được thực hiện ngay trong ngày; thủ tục giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất, chế độ ngắn hạn, BHXH một lần, cấp sổ BHXH đảm bảo giải quyết và trả kết quả đúng hoặc trước thời gian quy định. Tính đến 31/8/2018, toàn tỉnh có 2.408/2.533 đơn vị đủ điều kiện giao dịch điện tử (đạt 98,6%).
Tại tỉnh Bến Tre, báo cáo về tình hình tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh thời gian qua với Đoàn Giám sát, Giám đốc BHXH tỉnh Huỳnh Kim Quân cho biết: Bến Tre là một trong những địa phương có tỷ lệ tham gia BHYT cao nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tính đến hết tháng 6/2018, có 1.165 triệu người tham gia, đạt tỷ lệ bao phủ 92% dân số.
Theo tinh thần chỉ đạo về cải cách hành chính của BHXH Việt Nam, trong những năm qua, BHXH tỉnh đã chú trọng cắt giảm từ 115 thủ tục hành chính xuống còn 28 thủ tục hành chính; rút ngắn thời hạn cấp sổ BHXH từ 20 ngày xuống còn 5 ngày, thẻ BHYT từ 7 ngày xuống còn 5 ngày (riêng với người hưởng trợ cấp thất nghiệp không quá 2 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định); đặc biệt, với việc cấp lại thẻ BHYT do thay đổi thông tin, thất lạc được BHXH tỉnh cấp, đổi ngay sau khi tiếp nhận, tạo điều kiện rút ngắn thời gian, chi phí cho tổ chức và người dân...
Ấn tượng trước kết quả phát triển đối tượng tham gia BHYT của tỉnh, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh, việc tham gia BHYT ở Bến Tre là cực kỳ ngoạn mục, đây chính là công sức của toàn bộ hệ thống chính trị - xã hội. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân viên y tế và BHXH địa phương đã có nỗ lực rất lớn, phục vụ tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn.
Tuy nhiên, tại buổi giám sát, theo báo cáo của các cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang và Bến Tre cho thấy, mặc dù tỷ lệ phát triển đối tượng tham gia BHYT cao, song cả hai địa phương này vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Trong mấy năm gần đây, quỹ BHYT liên tục mất cân đối do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do tình trạng đa tuyến đi quá lớn khiến việc kiểm soát quỹ BHYT trở nên rất khó khăn...
Thay mặt Đoàn Giám sát, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn đề nghị Sở Y tế và BHXH hai địa phương này cần phối hợp nhiều hơn nữa nhằm đánh giá rõ nguyên nhân dẫn đến bội chi quỹ và có giải pháp xử lý phù hợp. Với những vấn đề chưa thể giải quyết ngay, Bộ Y tế sẽ phối hợp với BHXH Việt Nam để có hướng xử lý kịp thời.
Riêng với tỉnh Bến Tre, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn đề nghị tỉnh cần xem xét công tác đấu thầu thuốc tập trung; đồng thời, cần tham khảo các thông tin liên quan, đặc biệt là những dữ liệu về giá thuốc của ngành BHXH. Nếu gặp khó khăn, cơ sở y tế có thể đề nghị ngành BHXH hỗ trợ thông tin. (Sức khỏe & Đời sống, trang 7).
Cứu sống bệnh nhân bị cưa máy cắt ngang bụng nhờ quy trình báo động đỏ
Sáng 4-10, thông tin từ Sở Y tế TPHCM cho biết, 2 bệnh viện (BV) là BV Đa khoa khu vực Thủ Đức và BV Nhân dân Gia Định đã phối hợp kịp thời can thiệp phẫu thuật khẩn cấp một trường hợp tai nạn lao động nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Bệnh nhân là anh L.T.G. (sinh năm 1975, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) trong lúc cầm máy cưa, không may bị vướng vào áo, té ngã và bị cưa cắt ngang vào bụng, được đồng nghiệp rút cưa và đưa vào khoa Cấp cứu BV Đa khoa khu vực Thủ Đức trong tình trạng da niêm nhợt nhạt, lơ mơ, vã mồ hôi, mạch không bắt được, huyết áp không đo được, thở ngáp cá, vết thương toác thành bụng từ rốn đến giữa đùi trái, lòi ruột ra ngoài.
Bác sĩ khoa Cấp cứu nhận định bệnh nhân sốc mất máu nguy kịch, ngay lập tức lập 3 đường truyền, xả dịch, giảm đau, đăng ký máu khẩn, kích hoạt báo động đỏ nội viện và chuyển bệnh nhân lên phòng mổ. Trong quá trình di chuyển bệnh nhân ngưng tim ngưng thở, được hồi sinh tim phổi tích cực trên đường chuyển vào phòng mổ cấp cứu.
Tại phòng mổ, bệnh nhân vừa được hồi sức tích cực vừa phẫu thuật khẩn cấp, phẫu thuật viên xác định bệnh nhân bị đứt động mạch chậu ngoài bên trái 8cm, rách tĩnh mạch chậu ngoài trái 6cm, đứt đôi đại tràng sigma, thủng hồi tràng 2 vị trí cách góc hồi manh tràng 1.5m.
Do xác định vết thương mạch máu phức tạp đe doạ tử vong ngay trên bàn mổ, BV Đa khoa khu vực Thủ Đức đã kích hoạt báo động đỏ liên viện đến BV Nhân Dân Gia Định. Nhận được tín hiệu hỗ trợ khẩn cấp, ngay lập tức ê-kíp bác sĩ của BV Nhân Dân Gia Định mang theo những dụng cụ mảnh ghép động mạch đã đến thẳng phòng mổ của BV Đa khoa khu vực Thủ Đức để cùng phối hợp can thiệp phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân.
Trong quá trình mổ, bệnh nhân được truyền 13 đơn vị hồng cầu lắng, 8 đơn vị huyết tương tươi. 2 ngày sau mổ, tri giác bệnh nhân có dấu hiệu phục hồi, mạch, huyết áp ổn định, đồng tử 2 bên có phản xạ ánh sáng, tiểu tốt, các chỉ số xét nghiệm dần ổn định, siêu âm mạch máu chi dưới không phát hiện hẹp hay tắc mạch.
Tuy qua khỏi nguy kịch, nhưng tiên lượng bệnh nhân còn nặng, có nguy cơ tắc mạch, xuất huyết, tổn thương đa cơ quan sau ngưng tim ngưng thở, nhiễm trùng – nhiễm độc.Hiện tại, bệnh nhân tiếp tục được điều trị và theo dõi sát tại khoa Hồi sức tích cực của BV Đa khoa khu vực Thủ Đức. (Sài Gòn giải phóng, trang 7; Sức khỏe & Đời sống, trang 2).