Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 06/12/2022

  • |
T5g.org.vn - Dịch COVID-19 gia tăng, tỉ lệ tiêm vắc xin thấp; Bệnh truyền nhiễm mới nổi đe dọa sức khỏe cộng đồng; Hà Nội có thêm gần 1.400 ca sốt xuất huyết, 2 bệnh nhân tử vong trong một tuần; Kiến nghị sửa đổi Nghị định 56, tăng phụ cấp ưu đãi nghề với cán bộ y tế cơ sở lên 100%.

 

Dịch COVID-19 gia tăng, tỉ lệ tiêm vắc xin thấp

Việt Nam đã tiêm hơn 264,7 triệu liều vắc-xin COVID-19. Tổ chức Y tế thế giới tiếp tục khẳng định đến thời điểm hiện tại, tiêm vắc-xin vẫn là giải pháp chiến lược nhằm kiểm soát dịch bệnh COVID-19
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy đến nay, tổng số mũi tiêm vắc-xin COVID-19 ở nước ta là 264.709.839 mũi.

Đối với nhóm từ 18 tuổi trở lên: Tiêm mũi 3 đạt tổng số có 51.635.024 mũi tiêm (79,8%)

5 tỉnh, thành có tỉ lệ tiêm thấp: Quảng Nam (62,8%); Bình Định (60,4%); Phú Yên (62,2%); Đồng Nai (53,8%); Đồng Tháp (60%). 3 tỉnh có tỉ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,1%); Nghệ An (100%); Sóc Trăng (100%).

Tiêm mũi 4 đạt tổng số có 17.204.820 mũi tiêm (87,8%). Đối với nhóm từ 12-17 tuổi: Tiêm mũi 3 đến nay đạt 5.750.158 trẻ (67,8%).

5 tỉnh, thành có tỉ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (39,3%); Phú Yên (48,4%); Bình Thuận (43,4%); TP HCM (36,4%); Đồng Nai (42,9%).

3 tỉnh, thành có tỉ lệ tiêm cao: Bắc Giang (99,1%); Lâm Đồng (94,8%); Bến Tre (94,1%).

Đối với nhóm từ 5 - dưới 12 tuổi: Tổng số mũi tiêm: 17.792.532, trong đó mũi 1: 10.154.603 trẻ (91,9%)

5 tỉnh, thành có tỉ lệ tiêm thấp: Hà Nội (76,8%); Quảng Trị (78,8%); Thừa Thiên Huế (83%); Đà Nẵng (67,9%); TP HCM (64,2%). 3 tỉnh có tỉ lệ tiêm cao: Sơn La (100%); Hoà Bình (100%); Long An (99,9%).

Mũi 2 là 7.637.929 trẻ (đạt tỉ lệ 69,1%)

5 tỉnh, thành có tỉ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (33,4%); Quảng Nam (40,9%); TP HCM (37,9%); Bà Rịa - Vũng Tàu (50,6%); Đồng Nai (48,3%). 3 tỉnh có tỉ lệ tiêm cao: Bắc Giang (100%); Sóc Trăng (100%); Cà Mau (99,3%).

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới được dự báo vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Tổ chức Y tế thế giới tiếp tục khẳng định đến thời điểm hiện tại, tiêm vắc-xin vẫn là giải pháp chiến lược nhằm kiểm soát dịch bệnh COVID-19.

Trong nước, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn cơ bản được kiểm soát, nhưng số ca mắc mới, số ca phải nhập viện, ca nặng đang có chiều hướng gia tăng. Mặc dù tỉ lệ bao phủ vắc-xin trên cả nước cao, song tại một số địa phương, việc tiêm vắc-xin chưa bảo đảm yêu cầu, tiến độ tiêm chủng còn chậm….

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm, có hiệu quả việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19, hoàn thành sớm nhất việc tiêm vắc-xin cho các lứa tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhất là các tỉnh, thành phố có tỉ lệ tiêm chủng mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên và tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi còn thấp, không để lãng phí vắc-xin. (Tiền phong, trang 2).

 

Bệnh truyền nhiễm mới nổi đe dọa sức khỏe cộng đồng

Bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi, bệnh do vi khuẩn kháng thuốc đang đe dọa sức khỏe cộng đồng. Đó là khuyến cáo quan trọng từ Hội nghị khoa học nghiên cứu và ứng dụng trong y học, diễn ra tại Hà Nội mới đây.

Hơn 60% bệnh truyền nhiễm mới có nguồn lây từ động vật

GS Nguyễn Văn Kính, Phó chủ tịch Tổng hội Y học VN, bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi là gánh nặng y tế công cộng đã liên tục xuất hiện những năm qua.

“Từ 1980 với căn bệnh HIV/AIDS xuất hiện, bệnh truyền nhiễm mới nổi đã được nêu lên rất nhiều trong y văn thế giới. Đặc biệt, người ta thấy rằng hầu hết các bệnh mới nổi đều bắt đầu từ động vật rồi lây cho người (chiếm tới hơn 60%)”, GS Kính cho biết và nêu ví dụ: Sau khi xuất hiện ca nhiễm HIV đầu tiên, thế giới ghi nhận SARS (2003), SARS-CoV-2 trong 2 năm qua, cúm H5N1...

Bệnh mới nổi là bệnh mới xuất hiện ở một địa phương có tỷ lệ mới mắc tăng lên hoặc sẽ tăng lên trong khoảng thời gian xác định. Chẳng hạn, ở miền Bắc nhiều năm qua đã quen với bệnh sốt xuất huyết nhưng với bệnh liên cầu lợn thì nhiều khi chỉ bùng lên vào một vài thời điểm trong năm (ví dụ như vào dịp tết hay ăn tiết canh).

Bệnh tái nổi là bệnh đã có từ trước với tỷ lệ mắc đã giảm hoặc không còn đặc biệt là với sự ra đời của vắc xin, nhưng bây giờ xuất hiện trở lại với tỷ lệ mắc mới tăng lên trong một thời gian xác định. Ví dụ như lao, dịch sởi (vụ dịch lớn năm 2014).

Bệnh bị lãng quên

Chuyên gia đầu ngành về bệnh truyền nhiễm đánh giá: Xu thế xuất hiện của các bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi hiện nay ở VN và thế giới tập trung vào các bệnh do vi rút, bệnh giun sán, bệnh do nấm, bệnh do đơn bào. Trong đó, bệnh do giun sán, sinh vật đơn bào lâu nay đã bị lãng quên (Tổ chức Y tế thế giới WHO đã phân các bệnh này là “bệnh bị lãng quên”), trong khi các bệnh do vi khuẩn thì vẫn đang gia tăng.

Thứ nhất là bệnh từ động vật hoang dã truyền sang cho con người, như HIV, Mpox, zika… đều xuất phát từ những động vật hoang dã, sau đó trong quá trình tiến hóa liên tục thì lây sang cho con người.

Thứ hai là bệnh do động vật không hoang dã, do vật nuôi trong gia đình truyền sang cho chúng ta. Đặc biệt, ban đầu từ hoang dã, sau đó lây cho vật nuôi trong gia đình, nhất là bệnh cúm, cúm A (cúm gia cầm, thủy cầm…) hoặc viêm não Nhật Bản B. Ở VN, có những bệnh không lây nhưng lại từ vật nuôi gây chết nhiều, đó chính là bệnh dại.

Thứ ba là bệnh do các véc tơ truyền, chủ yếu do muỗi, ve và đã ghi nhận khá nhiều, ví dụ như muỗi truyền sốt rét, muỗi truyền viêm não Nhật Bản… “Những bệnh này luôn gắn bó với sự tồn tại của các véc tơ và các véc tơ này chúng ta tìm đủ mọi cách cho đến bây giờ vẫn không tài nào diệt được hết, chúng vẫn tồn tại và phát triển rồi truyền bệnh”, GS Kính cho hay.

Thứ tư, theo GS Kính, có thể thấy trong 2 năm vừa qua nổi lên nhiều căn nguyên gây bệnh nhiễm trùng, bệnh truyền nhiễm đã kháng thuốc, đặc biệt là vi khuẩn kháng lại kháng sinh. Và hiện đã xuất hiện các siêu vi khuẩn đa kháng, nhất là vi khuẩn gây nhiễm trùng bệnh viện đến bây giờ hầu như đã kháng lại gần như tất cả các kháng sinh, chỉ còn 1 kháng sinh có chút ít tác dụng là colistin. Nhưng ở VN, colistin được dùng trong lĩnh vực nông nghiệp đã lâu và chúng ta cũng đã tích tụ dư lượng của kháng sinh này trong người, cho nên dùng kháng sinh này điều trị thì một mình nó không thể đủ ngăn chặn, mà phải phối hợp.

Bên cạnh đó các vi khuẩn gram âm cũng kháng với carbapenem; một số vi khuẩn thông thường vẫn gặp như trực khuẩn mủ xanh, tụ cầu cũng kháng một số thuốc.

WHO dự báo trong những năm tới nếu tình hình kháng thuốc tiếp tục diễn biến như hiện nay thì mỗi năm sẽ có khoảng 10 triệu người tử vong do mắc các vi khuẩn đa kháng thuốc.

“Những năm qua, chúng ta thấy một loạt các bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi, trong đó có bệnh đã tồn tại rất lâu rồi nhưng nay vẫn còn, ví dụ như thương hàn, lỵ từng hết rồi nhưng nay lại xuất hiện”, GS Kính lưu ý. (Thanh niên, trang 15).

 

Hà Nội có thêm gần 1.400 ca sốt xuất huyết, 2 bệnh nhân tử vong trong một tuần

Trong tuần này, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội tiếp tục tăng so với tuần trước, đặc biệt đã ghi nhận thêm 2 trường hợp tử vong.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần (từ ngày 11 đến 18-11), trên địa bàn thành phố ghi nhận 1.378 ca mắc mắc sốt xuất huyết (số mắc tăng 2,6% so với tuần trước); trong đó có 2 ca tử vong tại huyện Chương Mỹ và quận Hà Đông. 

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã, trong đó có một số quận, huyện có số mắc cao, như: Hà Đông (128 ca), Thường Tín (123 ca), Thanh Oai (103 ca), Phú Xuyên (98 ca), Hoàng Mai (90 ca).

Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã có 13.437 ca mắc sốt xuất huyết (số mắc tăng gấp 4,2 lần so với cùng kỳ năm 2021); trong đó có 16 ca tử vong (trong khi cùng kỳ năm 2021 không có ca tử vong). Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 550/579 xã, phường, thị trấn. Tuýp vi rút Dengue lưu hành đã xác định được là:  DENV1 và DENV2, DENV4.

Ngoài ra, trong tuần cũng ghi nhận thêm 31 ổ dịch mới tại 14 quận, huyện. Đơn vị ghi nhận nhiều ổ dịch nhất trong tuần là quận Hai Bà Trưng với 7 ổ dịch, tiếp đến là quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì mỗi nơi có 4 ổ dịch; các quận, huyện: Thanh Oai, Đống Đa, Chương Mỹ, Bắc Từ Liêm, và Hoài Đức mỗi nơi có 2 ổ dịch; còn lại 6 quận, huyện: Đan Phượng, Thanh Xuân, Đông Anh, Mê Linh, Long Biên, Quốc Oai mỗi địa bàn có 1 ổ dịch. Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố đã ghi nhận 1.043 ổ dịch tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Hiện còn 127 ổ dịch đang hoạt động tại 21 quận, huyện, trong đó một số ổ dịch đang hoạt động có nhiều bệnh nhân, như: Thôn Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (257 bệnh nhân); thôn Vĩnh Lộc 1, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (58 bệnh nhân); tiểu khu Mỹ Lâm, thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên (57 bệnh nhân); thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai (28 bệnh nhân). 

Trong khi số ca mắc mới sốt xuất huyết đang gia tăng thì kết quả giám sát tại nhiều ổ dịch cho thấy, chỉ số BI (chỉ số điều tra số dụng cụ chứa nước có loăng quăng, muỗi vằn) tại một số nơi vẫn cao vượt ngưỡng. 

Cụ thể, giám sát điều tra xử lý ca bệnh, ổ dịch sốt xuất huyết tại ổ dịch tổ dân phố Tràng An, xã Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ có BI=65; thôn Mộc Đình, xã Vân Côn, huyện Hoài Đức (BI=40); thôn Vĩnh Lộc 1, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (BI=40). 

Theo các chuyên gia dịch tễ, nếu điều tra ghi nhận chỉ số BI từ 30 trở lên, có nghĩa là tại cơ sở giám sát đang có yếu tố nguy cơ cao với khả năng dịch bệnh sốt xuất huyết có thể bùng phát. Riêng tại khu vực miền Bắc, chỉ số BI này quy định là từ 20 trở lên.

Theo dự báo của CDC Hà Nội, số mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch, nguy cơ sẽ có thêm nhiều bệnh nhân nặng và tử vong. Để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, ngành Y tế thành phố tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết, đặc biệt là tại các xã, phường, thị trấn đã xuất hiện ổ dịch, những nơi có khu vực ổ dịch cũ phức tạp hoặc nhiều yếu tố nguy cơ cao.

Bên cạnh đó, tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao, từ đó triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời. 

“Tại các địa phương cần huy động các ban, ngành, đoàn thể và các lực lượng khác tham gia hỗ trợ vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy. Tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng, chống sốt xuất huyết một cách triệt để. Chủ động triển khai các đợt phun hóa chất diệt muỗi diện rộng tại các khu vực nguy cơ cao, khu vực có ca bệnh, ổ dịch, có chỉ số côn trùng ở mức cao. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân phối hợp với ngành Y tế trong hoạt động phun hóa chất diệt muỗi, đảm bảo tỷ lệ phun đạt yêu cầu theo quy định của Bộ Y tế”, CDC Hà Nội nêu rõ. (Hà Nội mới, trang 5).

 

Kiến nghị sửa đổi Nghị định 56, tăng phụ cấp ưu đãi nghề với cán bộ y tế cơ sở lên 100%.

Từ ngày 1.1.2023 sẽ tăng phụ cấp ưu đãi nghề với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở, mức tăng cụ thể sẽ có văn bản hướng dẫn chi tiết trong thời gian tới. Nhiều người đề xuất mức tăng là 100%. (Chi tiết xem báo Lao động, trang 1).

 

Bộ trưởng Đào Hồng Lan: Chế độ tiền trực của nhân viên y tế rất thấp, không còn phù hợp

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay, mặc dù thời gian đào tạo y bác sĩ dài hơn các ngành nghề khác, chưa kể đến thời gian đào tạo chuyên sâu, thực hành sau đó, học tập liên tục, thế nhưng đãi ngộ tiền lương lại không nhiều... Chế độ tiền trực của nhân viên y tế rất thấp, không còn phù hợp...
Ngày 3/12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị thường niên Câu lạc bộ Giám đốc bệnh viện các tỉnh phía Bắc năm 2022 với chủ đề "Chia sẻ kinh nghiệm quản lý chất lượng bệnh viện, thích ứng an toàn, linh hoạt trong tình hình mới". Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Cùng tham dự có Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa và nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng hàng trăm giám đốc, nhà quản lý, bộ phận liên quan của các bệnh viện khu vực phía Bắc.

Cần có chính sách ưu đãi cho sinh viên ngành y như ngành sư phạm

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đánh giá cao những đóng góp của các cán bộ y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân, đặc biệt trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 những năm vừa qua. Đến nay, các chỉ tiêu về chăm sóc sức khỏe đều đạt và vượt, còn lại chỉ tiêu về giới tính khi sinh chưa đạt...

"Ngoài tập trung cho công tác phòng chống dịch COVID-19 trên cả nước, chúng ta cũng phải đối mặt với hàng loạt dịch bệnh khác. Có thể nói, toàn thể hệ thống khám chữa bệnh cũng như dự phòng ở nước ta đều vất vả, khối lượng công việc quá nhiều. Đến nay tình hình dịch bệnh nói chung được kiểm soát, sức khỏe nhân dân được đảm bảo. Công tác triển khai các nhiệm vụ liên quan đến tổ chức bộ máy, việc khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua đã được tập trung chỉ đạo trong toàn hệ thống"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành y tế cũng cho hay, qua cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19 đã bộc lộ nhiều hạn chế của ngành cần "tập trung tháo gỡ kể cả về công tác quản lý nhà nước cũng như tổ chức thực hiện ở cơ sở".

Dẫn chứng từ công tác xây dựng thể chế, văn bản pháp luật, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay, thời gian qua chúng ta đã có nhiều cố gắng, tuy nhiên một số vấn đề về đấu thầu thuốc, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, bảo hiểm y tế… qua một thời gian thực hiện cũng cần có những rà soát để điều chỉnh cho phù hợp hơn nhằm tháo gỡ những vướng mắc từ thực tiễn. "Chúng tôi xác định đây là một trong những nhiệm vụ rất lớn của ngành y tế" - Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng cho biết thêm, những thách thức ngành y tế đang gặp phải hiện nay về thực hiện tự chủ bệnh viện tại một số đơn vị, cơ chế tài chính, giá dịch dịch vụ y tế, chế độ đãi ngộ cho nhân viên y tế, năng lực quản trị bệnh viện, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của ngành, đầu tư máy móc trang thiết bị để phát triển kỹ thuật cao, chuyên sâu...

Liên quan đến vấn đề chế độ ưu đãi và đãi ngộ đối với nhân viên y tế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan bày tỏ chia sẻ với những khó khăn, vất vả để đào tạo được cán bộ y tế.

Bộ Y tế rất rốt ráo, phối hợp để sửa đổi một số văn bản nhằm tháo gỡ những khó khăn trong đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nêu ra những nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện ngay trong thời gian sắp tới, trong đó, việc đóng góp ý kiến cho dự thảo luật khám chữa bệnh; mua sắm thuốc, vật tư y tế; ứng dụng khoa học công nghệ,… là việc cần làm ngay hiện nay.

Nhấn mạnh việc tăng cường năng lực của hệ thống quản trị trong bệnh viện rất cần thiết, Bộ trưởng Đào Hồng Lan bày tỏ: "Chúng tôi vẫn biết mỗi bệnh viện có một đặc thù, làm sao để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tăng nguồn thu, giảm chi, nâng cao đời sống của cán bộ nhân viên... nhưng minh bạch, công khai, đúng quy định của pháp luật để đảm bảo an toàn lâu dài là gánh nặng và áp lực rất lớn với các bệnh viện, với người đứng đầu bệnh viện. Do đó, các đồng chí cần có sự trao đổi và thảo luận với nhau để làm sao chia sẻ về kinh nghiệm giải quyết trong thực tiễn, cùng nhau làm tốt hơn".

Trong bối cảnh một số bệnh viện công lập xảy ra thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ đang rất rốt ráo, phối hợp sửa đổi một số văn bản nhằm tháo gỡ những khó khăn trong đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế.

"Bộ Y tế đang phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để sửa đổi Nghị định 146, Nghị định 98, Nghị định 54 và các Thông tư liên quan đến mua sắm, đấu thầu thuốc, thiết bị vật tư y tế. Đặc biệt là Nghị định 98 sửa theo hướng rút gọn. Với Thông tư 14, hiện nay có 2 xu hướng, một là rà soát để hủy bỏ tổng thể, hai là sửa đổi ngay điều có nội dung giá trúng thầu phải thấp hơn giá của 12 tháng trước đó, vì điều này không phù hợp với quy luật kinh tế thị trường" - Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Về vấn đề giá dịch vụ y tế hiện nay chưa được tính đúng, tính đủ, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói rõ: "Bộ Y tế rất quan tâm vấn đề này". Bộ Y tế sẽ sớm ban hành danh mục kỹ thuật, định mức tiêu chuẩn kỹ thuật, từ đó làm cơ sở xây dựng giá khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và giá dịch vụ theo yêu cầu. Riêng Thông tư quy định về giá dịch vụ theo yêu cầu tại các bệnh viện công lập dự kiến cố gắng sẽ được ban hành trong tháng 12 này...

Hội nghị thường niên Câu lạc bộ Giám đốc bệnh viện các tỉnh phía Bắc năm 2022 là diễn đàn để các nhà quản lý bệnh viện chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh khi thực hiện chính sách tự chủ; đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế; ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số và xây dựng bệnh viện thông minh; quản lý chất lượng và an toàn người bệnh, vai trò của y tế từ xa - telehealth trong giai đoạn hiện nay.

Cũng tại hội nghị này, các đại biểu đã nghe tham luận về bài học từ đại dịch COVID-19 và các cuộc khủng hoảng khác trong quá khứ để tạo ra các giải pháp ứng phó sẵn sàng cho tương lai tại Việt Nam.

Tất cả các tham luận trong hội nghị đều hướng tới mục tiêu: An toàn và chất lượng dịch vụ y tế tốt nhất cho người bệnh; Lấy người bệnh làm trung tâm, mang đến sự hài lòng cao nhất cho người bệnh;, Đáp ứng tối ưu nhu cầu khám chữa bệnh của Nhân dân, đồng thời phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ, đồng thời là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Giám đốc bệnh viện các tỉnh phía Bắc cho biết thêm: Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ thời đại 4.0, việc khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân ngày càng tốt hơn. Trong những năm tới, Bệnh viện Bạch Mai cũng đặt mục tiêu ứng dụng rô-bốt và trí tuệ nhân tạo trong khám, chữa bệnh. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang