Bộ Y tế khuyến cáo việc sinh con tại nhà tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Trên mạng xã hội mới đây đã xuất hiện hình ảnh và thông tin chia sẻ của một bà mẹ ở Hưng Yên kể cho biết chị ăn chay, tự sinh con tại nhà, tự đỡ đẻ và nhất là, cháu bé sơ sinh cũng không được cắt rốn và không được tiêm phòng sơ sinh. Người phụ nữ này cho đó là "thai sản thuận tự nhiên”.
Trước sự quan tâm của dư luận, các chuyên gia sinh sản đã lập tức lên tiếng phản đối khi cho rằng đây là cách sinh con phản khoa học, đặc biệt là việc không cắt dây rốn cho trẻ chứa nhiều nguy hiểm cho trẻ như bị nhiễm trùng máu, vì bánh nhau thai khi ra ngoài cơ thể sẽ bị phân hủy. Việc sinh con tại nhà trước đây chỉ là do điều kiện y tế không cho phép, vì thế, các cụ có câu “người chửa cửa mả” để nói về việc sản phụ thường phải đối mặt với nhiều nguy cơ tai biến như bong huyết, mất tim thai do không theo dõi được tim thai…
Trong khi đó, việc sinh ở nhà nếu không may có tai biến thì không thể xử lý kịp, nên luôn cận kề nguy hiểm tới tính mạng của cả mẹ và con. Ngoài ra, việc không tiêm phòng các bệnh cho trẻ sơ sinh rất nguy hiểm khi làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, nhất là khi trẻ không được cắn rốn.
Mặc dù chưa xác định được là bà mẹ và cháu bé sơ sinh cụ thể nào, nhưng Bộ Y tế cho rằng, nếu trường hợp này là có thật thì là một hành vi hết sức nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng cả mẹ và con.
Vì thế, chiều 6-3, đại diện Bộ Y tế chính thức đưa ra khuyến cáo: Mặc dù sinh đẻ là một quá trình sinh lý bình thường, nhưng khi mang thai, sinh đẻ, người phụ nữ phải đến cơ sở y tế để được quản lý thai, chăm sóc thai nghén, đỡ đẻ và chăm sóc mẹ và con sau đẻ đúng theo quy trình chuyên môn. Việc sinh đẻ tại nhà, tự đẻ mà không có cán bộ y tế hỗ trợ trong quá trình chuyển dạ, sinh con và theo dõi, chăm sóc sau sinh, có thể dẫn đến những nguy cơ, tai biến trầm trọng như băng huyết, vỡ tử cung, nhiễm trùng, mất tim thai, uốn ván sơ sinh, thậm chí tử vong mẹ và con…
Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố thông tin, quán triệt đến các đơn vị trực thuộc có liên quan đến chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tăng cường công tác quản lý thai, chăm sóc thai nghén, đỡ đẻ, chăm sóc sau sinh tại các địa phương, đặc biệt là tuyến cơ sở, nhằm hạn chế tối đa tình trạng đẻ tại nhà, tự đỡ đẻ như trường hợp nêu trên. Đồng thời, đẩy mạnh công tác giáo dục, truyền thông, tuyên truyền vận động người dân tại địa phương đi khám thai và sinh đẻ tại cơ sở y tế, đặc biệt, tránh những hành vi có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của bà mẹ và em bé. (Công an nhân dân, trang 2; An ninh Thủ đô, trang 2; Hà Nội mới, trang 1).
Hoàn thành việc nâng cấp 2 bệnh viện của Hà Nội
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa xã hội TP Hà Nội vừa hoàn thành 2 dự án đầu tư nâng cấp Bệnh viện Phụ sản Hà Nội giai đoạn II và Bệnh viện Thanh Nhàn giai đoạn II. Việc này sẽ góp phần phục vụ tốt nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân Thủ đô, đặc biệt là giảm tải và nâng cao chất lượng điều trị.
Với Dự án này, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội được xây mới 1 khu nhà khám bệnh và điều trị cao 9 tầng, có diện tích sàn trên 13.000m2, xây mới 1 nhà cầu 5 tầng có diện tích hơn 1.000m2. Ngoài ra, Bệnh viện còn được xây dựng hệ thống giao thông, sân hè, cây xanh thảm cỏ, điện chiếu sáng, cấp thoát nước… Bên trong Bệnh viện cũng được cải tạo đồng bộ, đảm bảo tiện lợi và không gian xanh, sạch, đẹp. Kinh phí dự án đầu tư nâng cấp Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khoảng hơn 300 tỷ đồng, do UBND TP đầu tư. Dự án đầu tư nâng cấp Bệnh viện Thanh Nhàn giai đoạn II có quy mô 500 giường, bổ sung mới các trang thiết bị chuyên môn, kỹ thuật thiết yếu phục vụ cho công tác chuyên môn. Dự án xây mới khối nhà khám và điều trị, nhà khí y tế, nhà kho vật tư, nhà khoa chống nhiễm khuẩn 2 và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật phụ trợ; bổ sung trang thiết bị y tế thông thường và trang thiết bị y tế chuyên ngành đáp ứng đủ quy mô bệnh viện 500 giường bệnh.
2 dự án trên đã được bàn giao dự án cho các đơn vị, để phục vụ nhu cầu khám và chữa bệnh của người dân Hà Nội. (Công an nhân dân, trang 2).
Lần đầu tiên thả muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia trên đất liền
Đây là lần đầu tiên ngành Y tế tiến hành thả muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia trên đất liền nhằm phòng bệnh sốt xuất huyết Dengue. Theo đó, việc thả muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia được tiến hành tại 8 thôn trung tâm xã Vĩnh Lương trong sáng 6/3. Trong khoảng 18 tuần tiếp theo, mỗi tuần, sẽ thả khoảng 100 con muỗi vào mỗi ô có kích thước 50m x 50m đã được chia sẵn theo bản đồ. Giáo sư Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương khẳng định, đây là phương pháp an toàn cho con người, động vật và môi trường.
Trong thời gian thả muỗi vằn mang Wolbachia, các nhà khoa học sẽ thường xuyên theo dõi quần thể muỗi và giám sát tình hình bệnh sốt xuất huyết trong cộng đồng.
Muỗi vằn mang Wolbachia sau khi được thả ra thực địa sẽ cặp đôi, sinh sản và tự duy trì trong môi trường tự nhiên. Muỗi cái mang Wolbachia giao phối với muỗi đực mang hoặc không mang Wolbachia cũng đều sinh ra trứng nở thành thế hệ muỗi tiếp theo mang vi khuẩn Wolbachia.
Trong cơ thể muỗi, vi khuẩn Wolbachia sẽ ức chế (ngăn chặn) sự xâm nhập và nhân lên của virus Dengue (gây bệnh sốt xuất huyết) và virus Zika, do đó các virus gây bệnh này hầu như không còn khả năng truyền từ muỗi sang người. Hơn nữa, muỗi cái không mang vi khuẩn Wolbachia nếu giao phối với muỗi đực có Wolbachia thì trứng do con cái sinh ra sẽ không nở (do cơ chế bất hợp dịch bào), nhờ đó sẽ làm giảm số lượng muỗi truyền bệnh. (Tiền phong, trang 2; Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
2 nữ Phó giáo sư ngành y và công nghệ sinh học đoạt giải Kovalevskaia 2017
Hôm nay, 6-3, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã dự lễ trao Giải thưởng khoa học Kovalevskaia 2017 và giao lưu với các nữ sinh viên của 6 trường đại học. Giải thưởng Kovalevskaia 2017 được trao cho hai nhà khoa học là PGS.TS Trần Vân Khánh và PGS.TS Đinh Thị Bích Lân.
PGS. TS Trần Vân Khánh là trưởng bộ môn bệnh học phân tử, khoa kỹ thuật y học, Trường ĐH Y Hà Nội. Bà là người có nhiều đề tài nổi bật trong chẩn đoán trước sinh một số bệnh lý di truyền và người mang gen, nuôi cấy và biệt hóa thành công tế bào gốc trung mô tủy xương thành tế bào dạng cơ tim, ứng dụng tế bào gốc trong điều trị tổn thương bề mặt nhãn cầu, bệnh lý máu ác tính...
Còn PGS. TS Đinh Thị Bích Lân, giảng viên cao cấp – Viện Công nghệ sinh học (Đại học Huế) là nhà khoa học nghiên cứu thành công các loại kháng nguyên tái tổ hợp của một số mầm bệnh để chế tạo KIT chẩn đoán nhanh, chế tạo vaccine phòng bệnh và chế phẩm sinh học phòng, trị bệnh truyền nhiễm trong chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Sau khi cùng nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao tặng Giải thưởng Kovalevskaia 2017 cho hai nhà khoa học nữ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có cuộc trò chuyện ngắn với các nữ sinh viên, những “nhà khoa học nữ tương lai” về những điều cần chuẩn bị để có thể theo đuổi đam mê khoa học, khởi nghiệp sáng tạo trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Điểm lại các cuộc cách mạng công nghiệp đã diễn ra cho đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Phó Thủ tướng nhấn mạnh các cuộc cách mạng công nghiệp xảy ra dựa trên những công nghệ mới đã thay đổi phương thức sản xuất, tác động đến toàn xã hội trên phạm vi toàn cầu.
Để tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng này, Phó Thủ tướng nhắn nhủ các bạn sinh viên phải tìm hiểu và sử dụng tốt nhất thành tựu của công nghệ thông tin, tăng cường kết nối với tất cả mọi người trong học tập, nghiên cứu.
Trả lời câu hỏi về khởi nghiệp sáng tạo của nữ sinh viên Lâm Thị Bích (Học viện Nông nghiệp), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, không giống với khởi nghiệp bình thường, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (Start-up) thường dựa trên công nghệ mới (đa phần đều liên quan đến sử dụng công nghệ thông tin), phương thức kinh doanh mới tạo ra phân khúc thị trường mới, nếu thành công thì phát triển rất nhanh, tuy nhiên cũng đi liền với tính chất mạo hiểm, rủi ro cao.
“Đất nước hiện nay cần tất cả mọi người đều tham gia làm giàu chính đáng theo pháp luật tức là khởi sự kinh doanh để có 1 triệu doanh nghiệp, nhưng trong đó cố gắng có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nhiều hơn hiện nay 5-10 lần thì mới có thể nói Việt Nam là quốc gia khởi nghiệp” - Phó Thủ tướng nhắn nhủ. (An ninh Thủ đô, trang 2; Thanh niên, trang 3; Sài Gòn giải phóng, trang 2; Hà Nội mới, trang 1).
Thanh tra y tế xác minh nghi án tử vong vì uống đông dược trôi nổi
Theo trình bày của gia đình thì trước khi nhập viện, người thân của họ có dùng loại thuốc viên mua tại nhà bà Lâm Kim Xuyến . Ngày 6.3, ông Trần Trường Chinh, Phó chánh thanh tra Sở Y tế TP.Cần Thơ, cho biết Thanh tra Sở và Phòng Y tế Q.Ô Môn vừa có buổi làm việc với Khoa Hồi sức tích cực - chống độc (ICU) Bệnh viện đa khoa TP.Cần Thơ (Bệnh viện Cần Thơ) liên quan việc bệnh nhân tiểu đường nhập viện bị biến chứng nặng do dùng đông dược (Thanh niên đã đưa tin).
Bác sĩ Phan Thị Phụng, Trưởng khoa ICU - Bệnh viện Cần Thơ, cho biết 3 tháng qua khoa tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân có tiền sử bị bệnh tiểu đường nhưng khi nhập viện đã bị suy đa tạng.
Có những bệnh nhân khi nhập viện, chưa kịp cấp cứu đã ngưng tim, tử vong. Theo trình bày của gia đình thì trước khi nhập viện, người thân của họ có dùng loại thuốc viên mua tại nhà bà Lâm Kim Xuyến (72 tuổi, ngụ P.Phước Thới, Q.Ô Môn).
Theo ông Chinh, việc bệnh nhân bị tiểu đường có biến chứng cho rằng do uống thuốc của bà Xuyến hay dùng loại thuốc đông dược khác không rõ nguồn gốc, thanh tra sở sẽ làm rõ. (Thanh niên, trang 4).
Hà Nội ghi nhận 22 ca mắc sởi từ đầu năm 2018
Ngày 5-3, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần (từ ngày 26-2 đến 4-3), trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 3 ca mắc sởi, nâng tổng số mắc từ đầu năm đến nay lên 22 trường hợp. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, thành phố cũng ghi nhận 53 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 13 trường hợp tay chân miệng và 4 trường hợp ho gà.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội lưu ý, các đơn vị cần tăng cường công tác phòng dịch bệnh, nhất là tại các nơi diễn ra lễ hội đầu xuân. Thời điểm giao mùa từ xuân sang hè sẽ tạo điều kiện cho các loại muỗi phát triển, khiến nguy cơ dịch bệnh sốt xuất huyết gia tăng.
Người dân nên phối hợp với ngành Y tế, tích cực tiêu diệt muỗi, bọ gậy, lật úp các dụng cụ chứa nước, khơi thông cống rãnh... Riêng với bệnh sởi, ho gà, tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn tổ chức tiêm chủng thường xuyên hằng tuần. Vì vậy, phụ huynh nên đưa con em mình đi tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Bác sĩ 'đuổi' bệnh nhân về nhà bị đình chỉ công tác
Sáng 5.3, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Sơn, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang, cho biết ông vừa ký quyết định đình chỉ công tác 5 ngày đối với bác sĩ chuyên khoa Tạ Nam Ngạn, đang công tác ở khoa Lao của bệnh viện.
Lý do là BS Ngạn đã ứng xử không đúng mực với bệnh nhân và thân nhân khi có lời lẽ đuổi bệnh nhân về nhà.
Trước đó, 8h ngày 4.3, BS Ngạn vào ca trực và có yêu cầu người nhà đưa một bệnh nhân đang nằm điều trị tại đây về nhà vì cho rằng bệnh này bác sĩ không điều trị được, ở lại bệnh việc chỉ gây “tốn kém tiền nhà nước và làm khổ cho bác sĩ, điều dưỡng”. Ngay khi sự việc xảy ra, bác sĩ trưởng khoa Lao đã đến gặp và xin lỗi người nhà.
Dù vậy, người nhà bệnh nhân đã đưa đoạn clip "bác sĩ đuổi bệnh nhân về nhà" lên mạng xã hội. Ngay khi đoạn clip được đưa lên đã được chia sẻ nhanh chóng cùng nhiều ý kiến bình luận chỉ trích cách hành xử của bác sĩ.
BS Sơn nói: “Trong khi đội ngũ y bác sĩ đang cố gắng nâng cao y đức, hình ảnh người thầy thuốc hết lòng vì bệnh nhân thì BS Ngạn lại có hành động đi ngược lại với tôn chỉ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín của đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện, gây bức xúc trong dư luận”.
Theo nội dung clip đăng tải trên mạng xã hội, BS Ngạn có đoạn hội thoại khá gay gắt với người nhà bệnh nhân khi ông nói: “Một ngày mấy triệu bạc mà có sống được không. Mang về! Tôi nói nha, bệnh đã không chữa được ở đây tốn kém cho xã hội, vất vả cho bác sĩ, y tá. Còn muốn thưa thì thưa đi”.
BS Sơn cho biết thêm sáng cùng ngày, BS Ngạn đã viết bản tường trình để gửi Ban giám đốc bệnh viện. “Dù với bất cứ lý do gì thì cách xư xử với bệnh nhân như vậy là khó chấp nhận. Chúng tôi đã đề nghị Hội đồng kỷ luật của Bệnh viện xác minh vụ việc và đề xuất hình thức xử lý kỷ luật thích đáng”, BS Sơn nói thêm. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Phù phép' người khuyết tật đi chữa bệnh, mất tích rồi tử vong: Bí ẩn quanh Giấy chứng nhận sức khỏe của Bệnh viện GTVT
Từ ngày 2.2 đến nay, Báo Lao Động đã đăng loạt bài: 'Phù phép' người khuyết tật đi chữa bệnh, mất tích rồi... tử vong. Loạt bài đã phản ánh hoàn cảnh thương tâm của bà Trần Thị Bình (SN 1963) mang tên người khác là Vương Thị Hoài Thu (SN 1977) đi xuất khẩu lao động rồi tử vong nơi xứ người, hiện thi hài vẫn chưa được đưa về Việt Nam và những gian nan của con trai bà Bình trong quá trình 'đòi' thi hài mẹ.
Cơ quan chức năng khẳng định: Bà Bình là người khuyết tật
Sau hơn 1 tháng, con trai bà Bình là anh Đinh Văn Chính làm đơn gửi các cơ quan quản lý nhà nước phản ánh về trường hợp thương tâm của mẹ mình, ngày 5.3, Sở LĐTBXH tỉnh Nghệ An đã có giấy mời đại diện người lao động (NLĐ) Trần Thị Bình dự buổi làm việc với các cơ quan, ban ngành chức năng liên quan để có thông tin chính xác và tìm phương án giải quyết.
Chiều 5.3, anh Chính đã tham dự buổi làm việc có đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước, lãnh đạo Sở LĐTBXH Nghệ An, Công an tỉnh Nghệ An, cơ quan chức năng TP.Vinh, xã Hưng Lộc, Cty cổ phần xây dựng, nhân lực Gia Vi (Cty Gia Vi).
Trong biên bản làm việc về vụ việc chị Vương Thị Hoài Thu đi làm việc tại Saudi Arabia thông qua Cty Gia Vi bị tử vong, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, Cục nhận được thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia thông báo bà Vương Thị Hoài Thu (sinh ngày 29.11.1977), hộ chiếu số C1490788, cấp ngày 25.4.2016, hộ khẩu thường trú tại xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) do Cty Gia Vi đưa đi xuất khẩu lao động; trong thời gian chờ giải quyết về nước tại Trung tâm Bảo trợ xã hội của Saudi Arabia, có triệu chứng sưng trong trán, phù nề và chảy máu, bị tử vong ngày 3.4.2017, sau khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Cục đã chỉ đạo Cty Gia Vi xác minh và phối hợp với thân nhân NLĐ, chính quyền địa phương để đưa thi hài NLĐ về nước. Qua xác minh thông tin cho thấy, người bị tử vong là bà Trần Thị Bình, mang CMND số 180012335, thường trú tại xóm Mỹ Thượng, xã Hưng Lộc, TP.Vinh (Nghệ An) nhưng đăng ký đi làm việc tại Saudi Arabia với giấy tờ, hộ chiếu là Vương Thị Hoài Thu.
Tại buổi làm việc, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã đề nghị các bên liên quan làm rõ các vấn đề hồ sơ, giấy tờ CMND, hộ chiếu được cấp cho bà Bình để đi làm việc tại Saudi Arabia và tình trạng khuyết tật của bà Bình trước khi đi.
Tại buổi làm việc, đại diện Công an tỉnh Nghệ An, Phòng PA72 cho biết đã phối hợp với Cty Gia Vi xác minh thông tin Vương Thị Hoài Thu từ tháng 5.2017 và xác định người mang tên Vương Thị Hoài Thu sinh ngày 29.11.1977 theo thông tin hộ chiếu vẫn đang sinh sống tại xã Nghi Xuân, huyện Nghị Lộc, Nghệ An. Bà Trần Thị Bình mang tên Vương Thị Hoài Thu với thông tin sinh ngày 29.11.1977, CMND số 182165399 đã được cấp hộ chiếu 3 lần: Hộ chiếu số B7158540 cấp lần 1 ngày 5.9.2012; hộ chiếu số B653414 cấp đổi lần 2 ngày 2.2.2014 và số C1490788 cấp đổi lần 3 ngày 25.4.2016.
Liên quan đến việc bà Bình được hưởng trợ cấp xã hội, đại diện Phòng LĐTBXH TP.Vinh cho biết, từ tháng 12.2010, bà Bình đã được hưởng chế độ do mất khả năng lao động. Đến năm 2013, theo Luật Người khuyết tật, sau khi xác minh, thẩm tra, bà Bình được hưởng trợ cấp khuyết tật từ 1.9.2013 đến tháng 5.2017. Phòng LĐTBXH khẳng định quyết định hưởng trợ cấp khuyết tật cấp cho bà Bình là đúng. Ngoài ra, đại diện UBND xã Hưng Lộc (TP.Vinh) cho biết bà Bình được xác định là người khuyết tật sau khi được rà soát năm 2013, có nhiều biểu hiện không bình thường (hai chân), khó có thể đi làm việc ở nước ngoài.
Tại buổi làm việc, phía Cty Gia Vi trình bày NLĐ đi khám sức khỏe tại Bệnh viện Giao thông vận tải (đơn vị này thông báo kết quả với Đại sứ quán Saudi Arabia tại Việt Nam) và phía Cty không can thiệp vào việc khám sức khỏe. Việc đưa thi hài bà Bình về nước vướng mắc do cơ quan chức năng Saudi Arabia cấp nhầm lệnh đưa tro cốt về nước; Cty sẽ làm việc lại với các bên và nỗ lực đưa thi hài về trong tháng 3.2018.
Tại buổi làm việc, anh Đinh Văn Chính đề nghị làm rõ vì sao mẹ anh là người khuyết tật vẫn được đi xuất khẩu lao động và yêu cầu Cty Gia Vi có biện pháp nhanh chóng đưa thi hài bà Bình về nước. Trao đổi với PV Báo Lao Động sau buổi làm việc, anh Đinh Văn Chính cho biết: “Một số vị đại diện cơ quan chức năng vẫn còn né tránh, chưa đi vào trọng tâm vấn đề. Còn việc Cty Gia Vi hứa sẽ đưa thi hài mẹ tôi về nước trong tháng 3.2018 thì chưa biết thế nào. Vì họ đã thất hứa quá nhiều”.
Bệnh viện Giao thông vận tải có khám cho bà Vương Thị Hoài Thu
Trong sáng 6.3, PV Báo Lao Động đã làm việc với đại diện Cty cổ phần Bệnh viện Giao thông vận tải. Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Xuân Loan - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Cty cổ phần Bệnh viện Giao thông vận tải - đã cung cấp cho PV Báo Lao Động bản photo, gửi mail “Giấy chứng nhận sức khỏe” (có hình ảnh chân dung một người phụ nữ) và sao trích lục Giấy Chứng nhận sức khỏe mang tên Vương Thị Hoài Thu (sinh năm 1977), hộ khẩu thường trú tại Nghệ An; ngày khám 13.6.2016; nội dung khám là khám sức khỏe cho NLĐ đi làm việc ngoài nước. Trong sao trích lục có kết luận: Đủ sức khỏe.
BS Nguyễn Thị Cúc - Khoa Khám sức khỏe, bộ phận khám sức khỏe người đi nước ngoài - cung cấp thông tin, vào thời điểm bà Vương Thị Hoài Thu đến bệnh viện để khám thì có ông Lê Văn Bình (sinh năm 1983, thường trú Xuân Canh, Đông Anh, Hà Nội) là cán bộ Chi nhánh Cty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Bạch Đằng tại Hải Dương (Cty Bạch Đằng) đưa đến.
Và phía bệnh viện có ký hợp đồng khám sức khỏe cho NLĐ đi làm việc tại nước ngoài với chi nhánh Cty Bạch Đằng tại Hải Dương từ ngày 5.8.2015, có hiệu lực đến 5.8.2017. Căn cứ vào hợp đồng với Cty Bạch Đằng, giấy giới thiệu và hộ chiếu của NLĐ, bệnh viện đã khám và cấp giấy chứng nhận cho bà Vương Thị Hoài Thu. Bà Nguyễn Phạm Ý Nhi - Phó Tổng Giám đốc Cty CP Bệnh viện Giao thông vận tải - cho biết, bệnh viện chỉ khám và cấp giấy chứng nhận đủ sức khỏe cho bà Vương Thị Hoài Thu, không khám và cấp giấy chứng nhận cho NLĐ tên là Trần Thị Bình.
Chiều cùng ngày, PV Báo Lao Động đã gửi qua mail Giấy chứng nhận sức khỏe (có hình ảnh chân dung của một phụ nữ) của bà Vương Thị Hoài Thu do Cty CP Bệnh viện Giao thông vận tải cung cấp cho anh Đinh Văn Chính. Anh Chính khẳng định: “Người trong ảnh đúng là mẹ em rồi. Mẹ em tên Trần Thị Bình (sinh năm 1963)”.
Việc tại sao cán bộ của Cty Bạch Đằng đưa bà Vương Thị Hoài Thu đến Bệnh viện Giao thông vận tải để khám sức khỏe, sau đó bà Thu lại đi XKLĐ qua Cty Gia Vi; Cục Quản lý lao động ngoài nước, Cty Gia Vi cho biết bà Vương Thị Hoài Thu tử vong bên Saudi Arabia chính là bà Trần Thị Bình và việc Bệnh viện Giao thông vận tải cấp giấy chứng nhận cho bà Vương Thị Hoài Thu đủ sức khỏe để đi làm việc tại nước ngoài có đúng người hay không… cần được các cơ quan quản lý của Bộ LĐTBXH, Bộ Công an, Bộ Y tế làm rõ. (Lao động, trang 5).