Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 08/9/2023

  • |
T5g.org.vn - Mổ thành công khối u thần kinh ở vị trí nguy hiểm; Bộ Y tế: Gia hạn đăng ký lưu hành thuốc giải quyết những vướng mắc liên quan đến thuốc, trang thiết bị y tế…

 

Quản lý chặt hoạt động đấu thầu, tránh lãng phí quỹ bảo hiểm y tế

Thời gian qua, tình trạng đấu thầu, mua sắm và sử dụng thuốc chưa hợp lý vẫn xuất hiện tại một số địa phương, cơ sở y tế khiến chi phí từ quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho cấu phần này nguy cơ bị sử dụng lãng phí...

Để bảo đảm hiệu quả cung ứng thuốc cho khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ Bộ Y tế thực hiện công tác đấu thầu thuốc quốc gia, đàm phán giá.

Đồng thời, chỉ đạo cơ quan bảo hiểm xã hội các địa phương tham gia đấu thầu thuốc, quản lý sử dụng và thanh toán thuốc và kết quả thực hiện tại các tỉnh với hai hình thức: đấu thầu cấp địa phương và cơ sở y tế tự đấu thầu.

Bất hợp lý trong mua sắm, sử dụng thuốc

Báo cáo tổng hợp cho thấy, giai đoạn 2020-2022, tại nhiều địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo chuyển đấu thầu tập trung cấp địa phương tất cả các mặt hàng sang chỉ đấu thầu tập trung cấp địa phương 129 mặt hàng (các thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương do Bộ Y tế ban hành). Đối với các thuốc còn lại Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự tổ chức đấu thầu.

Hiện tại toàn quốc có 45 trong số 63 tỉnh tổ chức đấu thầu tập trung cấp địa phương toàn bộ các mặt hàng thuốc; có 18/63 tỉnh chỉ đấu thầu tập trung 129 mặt hàng.

Theo đánh giá, việc cơ quan bảo hiểm xã hội tham gia vào quá trình đấu thầu thuốc của các cơ sở y tế đem lại hiệu quả rõ ràng và tích cực trong việc xây dựng danh mục thuốc hợp lý, phân bổ số lượng thuốc hợp lý giữa thuốc biệt dược gốc và thuốc generic, giữa các nhóm thuốc generic, hạn chế tình trạng đề xuất nhu cầu cao đối với các thuốc có dạng bào chế, hàm lượng giá cao, không phù hợp yêu cầu điều trị, hướng tới mục tiêu lựa chọn nhà thầu có năng lực cung ứng thuốc chất lượng với giá phù hợp...

Qua đó, đã tiết kiệm được nhiều tỷ đồng ngay từ quá trình xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu; giá thuốc trúng thầu có kiểm soát tốt, giảm tình trạng cao bất hợp lý giữa các địa phương, giữa các hội đồng đấu thầu thuốc trên cùng địa bàn.

Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập trong công tác đấu thầu thuốc tại địa phương, cũng như bất hợp lý trong lựa chọn, sử dụng thuốc tại cơ sở khám, chữa bệnh vẫn là vấn đề khó khăn, chưa được giải quyết triệt để. Theo đó, mặc dù kết quả đấu thầu tập trung quốc gia đã được công bố từ tháng 8/2022, tuy nhiên nhiều tỉnh, thành phố đấu thầu tập trung cấp địa phương vẫn đưa vào các mặt hàng cùng hoạt chất, hàm lượng ít cạnh tranh, có giá kế hoạch cao, dẫn đến giá thuốc trúng thầu cao…

Bên cạnh đó, tình trạng đấu thầu, mua sắm và sử dụng thuốc tại nhiều cơ sở y tế chưa hợp lý, hiệu quả. Một số cơ sở khám, chữa bệnh mua sắm, cấp phát thuốc có hàm lượng thấp hơn so với nhu cầu sử dụng trong điều trị, gây lãng phí, tốn kém chi phí thuốc.

Dẫn chứng cụ thể cho các trường hợp này, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Lê Văn Phúc nêu thí dụ với việc sử dụng thuốc Cefoxitin: trong khi chi phí thuốc lọ 2 g nhóm 1/nhóm 2 thấp hơn 2 lọ 1 g nhóm 1/nhóm 2.

Tuy nhiên một số cơ sở khám, chữa bệnh thường chỉ mua sắm thuốc lọ 1 g (nhóm 1/nhóm 2) và thường sử dụng 2 lọ 1 g/1 lần, mà không sử dụng 1 lọ 2 g/lần. “Điều này gây lãng phí không cần thiết trong việc chỉ định sử dụng thuốc”. Một thí dụ khác cho việc lựa chọn, mua sắm thuốc với giá chưa phù hợp là những mức giá khác nhau trong mua sắm thuốc Cefoxitin.

Cùng là thuốc generic nhóm 4, thuốc Cefoxitin loại 1 g giá 17.850 đồng/lọ, tuy nhiên một số tỉnh, thành phố như: Đà Nẵng, Cần Thơ, Tuyên Quang, Đồng Tháp... lại lựa chọn mua sắm, sử dụng thuốc hàm lượng 2 g giá bình quân 87.500 đồng/lọ, hàm lượng 0,5 g giá 29.500 đồng/lọ...

Nhiều tỉnh, thành phố có chi phí vật tư y tế bất hợp lý

Bên cạnh đó, một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ chi vật tư y tế trên tổng chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cao hơn bình quân chung toàn quốc, như: Cần Thơ là 17,25%, Thành phố Hồ Chí Minh là 16,12%, Hà Nội là 15,99%, Thừa Thiên Huế là 15,78%…

Một số địa phương đã chủ động, tích cực đề nghị Sở Y tế và cấp thẩm quyền tại địa phương trong việc bảo đảm vật tư y tế trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế: cập nhật, theo dõi thời điểm gần hết hiệu lực của các gói thầu vật tư y tế của các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn, có nhiều văn bản gửi Sở Y tế đề nghị việc bảo đảm cung ứng vật tư y tế như đẩy nhanh tiến độ đấu thầu tập trung, đấu thầu rộng rãi, chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh mua sắm theo các hình thức khác trong thời gian chờ kết quả đấu thầu tập trung, đấu thầu rộng rãi như Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, ĐắK Nông, Quảng Nam, Bình Dương,…

Đến nay, vẫn còn địa phương chưa chủ động trong việc bảo đảm vật tư y tế cũng như bảo đảm quyền lợi cho người bệnh bảo hiểm y tế. Năm 2022 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định có tình trạng bệnh nhân chạy thận nhân tạo chu kỳ phải tự túc mua quả lọc thận, với 4.523 lượt chạy thận nhân tạo tương ứng hơn 2,5 tỷ đồng do bệnh viện không thực hiện đấu thầu vật tư y tế…; bên cạnh đó là tình trạng giá thanh toán đối với một số loại vật tư y tế có dải giá rộng; có sự chênh lệch lớn giữa giá sử dụng đối với một số loại vật tư y tế…

Để giải quyết tình trạng này, hiện nay Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, tham gia xây dựng các thông tư hướng dẫn phương pháp xây dựng và định giá dịch vụ khám, chữa bệnh đối với các cơ sở y tế công lập; Thông tư Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2013/TT-BYT quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo Phương án thực hiện chủ trương tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế của Bộ Y tế, và các thông tư đang trong quá trình xây dựng của Bộ Y tế (Thông tư 04/2017/TT-BYT) về vật tư y tế, thuốc, dịch vụ kỹ thuật trên trang thiết bị y tế xã hội hóa.

Đồng thời, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp Bộ Y tế để giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan thực hiện quy trình giám định, thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế việc mua sắm, sử dụng và thanh toán vật tư y tế theo chế độ bảo hiểm y tế, liên quan đến việc thanh toán dịch vụ kỹ thuật trên các trang thiết bị xã hội hóa… (Nhân dân, trang 1).

 

Không tự mua thuốc, xông lá điều trị đau mắt đỏ

Gần đây có hiện tượng một số bệnh nhân đau mắt đỏ mua lá cây về xông hoặc đắp mắt, gây ra một bệnh lý rất nguy hiểm là viêm loét giác mạc, khiến việc điều trị vô cùng khó khăn và tốn kém.

Theo Th.S-BS Phùng Thị Thúy Hằng, Phó trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bệnh viêm kết mạc cấp (gọi là bệnh đau mắt đỏ) dù khá lành tính, ít khi để lại di chứng, nhưng bệnh rất dễ lây tại những nơi tập trung đông người như trường học, bệnh viện, công sở, bể bơi… và có thể thành các vụ dịch lớn.

Sau thời gian ủ bệnh (tính từ khi tiếp xúc với nguồn lây) 2 - 3 ngày, sẽ xuất hiện các dấu hiệu ngứa mắt, cộm đỏ, chói, sợ ánh sáng, chảy nước mắt và có nhiều ghèn. Buổi sáng ngủ dậy, người bệnh ra ghèn nhiều, làm cho hai mi dính vào nhau, rất khó mở mắt. Ghèn cũng làm người bệnh nhìn khó, vướng, nhưng thị lực thường không giảm. Lúc đầu chỉ bị một bên mắt, sau vài ngày xuất hiện sang mắt còn lại. Các biểu hiện tiếp theo là mi mắt sưng nề đỏ, kết mạc nhãn cầu cương tụ, phù nề, nhiều ghèn ở bờ mi và bề mặt kết mạc, một số trường hợp có thể có xuất huyết (chảy máu) dưới kết mạc.

Nếu nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn (liên cầu, phế cầu, bạch hầu…) thì kết mạc mi thường có lớp giả mạc che phủ. Những trường hợp nặng có thể gây tổn thương giác mạc như viêm giác mạc chấm nông, viêm giác mạc đốm làm cho giác mạc bị mờ đục, khi đó thị lực giảm nhiều và kéo dài dai dẳng hàng tháng.

BS Phùng Thị Thúy Hằng lưu ý, nếu nguyên nhân là adenovirus thì người bệnh có thể bị sốt nhẹ, chảy nước mũi, có sưng hạch trước tai hoặc hạch góc hàm, viêm họng, amidan sưng viêm. Với đau mắt đỏ do dị ứng, người bệnh tiếp xúc tác nhân gây dị ứng dẫn đến đỏ nhanh, 2 mắt ngứa nhiều, làm cho người bệnh dụi tay lên mắt, gây bội nhiễm.

Đau mắt đỏ có nhiều nguyên nhân khác nhau, do đó người bị đau mắt đỏ cần đến các cơ sở nhãn khoa khám để được chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị thích hợp. Người bị đau mắt đỏ cần chữa trị theo chỉ định của bác sĩ nhãn khoa. Không nên tự ý mua thuốc về nhỏ mắt để tránh gây ra một số biến chứng nguy hiểm.

Đặc biệt, không sử dụng các thuốc lá cây để đắp hoặc xông mắt vì có thể gây ra những tổn thương khác cho mắt như bỏng do nhiệt hoặc tinh dầu, một số loài nấm và vi khuẩn ở lá cây có thể xâm nhập qua vết xước giác mạc gây ra một bệnh lý rất nguy hiểm là viêm loét giác mạc. Khi đó, việc điều trị sẽ vô cùng khó khăn, tốn kém kinh phí mà di chứng để lại là sẹo giác mạc gây nhìn mờ vĩnh viễn, một số trường hợp nặng phải khoét bỏ mắt.

Phòng bệnh

Để phòng lây lan bệnh đau mắt đỏ, người bị viêm kết mạc cần nghỉ học, nghỉ làm, hạn chế đến nơi đông người để tránh lây cho người khác; sử dụng đồ vật riêng, không dụi tay lên mắt; rửa tay trước và sau khi tra thuốc.

Khi bắt buộc sử dụng đồ vật chung, phải rửa tay bằng xà phòng trước. Sau khi khỏi bệnh, cần rửa sạch kính đeo mắt bằng xà phòng để tránh tái nhiễm. Không sử dụng một lọ thuốc tra mắt cho nhiều người. Không sử dụng nước muối tự pha để nhỏ mắt vì không đảm bảo vô trùng. Nồng độ muối và độ pH cũng không thích hợp với mắt. Ngoài ra, nước muối tự pha còn thường lẫn những tạp chất có hại cho mắt. Không vứt bừa bãi bông gạc sau khi sử dụng thấm rửa mắt. Thường xuyên giặt khăn mặt bằng xà phòng và phơi nắng. Các phòng khám cần vệ sinh tay và sát trùng dụng cụ đúng quy trình. (Nguồn: Khoa Mắt, Bệnh viện Bạch Mai) (Thanh niên, trang 14).

 

Dịch bạch hầu gây tử vong xuất hiện trở lại

Dịch bạch hầu, nguyên nhân gây bệnh và tử vong hàng đầu trong thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, đang tái xuất hiện.

Căn bệnh này đã giảm rõ rệt nhờ tiêm chủng nhưng mới đây, Hà Giang và Điện Biên liên tiếp ghi nhận ca mắc bệnh bạch hầu, đã có ca tử vong.

Dịch quay lại khiến nhiều người lo ngại bởi bạch hầu là loại bệnh lây lan nhanh.

Dịch lây lan nhanh

Sau gần 20 năm không xuất hiện ca bệnh, mới đây tỉnh Hà Giang đã ghi nhận hơn 30 ca mắc bạch hầu, đã ghi nhận trường hợp tử vong.

Theo Trung tâm Y tế huyện Mèo Vạc, Hà Giang, ngày 24-8 địa phương ghi nhận một ca tử vong do mắc bệnh bạch hầu là V.M.D. (15 tuổi, dân tộc Mông).

Thời gian gần đây, D. không đi khỏi địa phương, cũng không tiếp xúc với người mắc bệnh, trong gia đình không ai mắc bệnh tương tự. Đây là trường hợp đầu tiên mắc bệnh bạch hầu và tử vong tại tỉnh này trong gần 20 năm qua.

Ngay sau khi ghi nhận ca mắc bệnh bạch hầu, Bệnh viện Đa khoa huyện Mèo Vạc đã tiến hành xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ, qua đó điều trị cho hơn 30 bệnh nhân nghi mắc bệnh bạch hầu, thành lập khu điều trị, cách ly tại khoa truyền nhiễm.

Các chuyên gia Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Bệnh viện Nhi trung ương đã đến hỗ trợ phòng dịch, đặc biệt là điều trị các ca bệnh nặng.

Trước đó, từ ngày 30-4 đến 21-5, tỉnh Điện Biên ghi nhận 2 trường hợp mắc bạch hầu, có 1 ca tử vong tại xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông. 2 ca mắc trong đợt dịch này yếu tố dịch tễ không rõ ràng.

Theo ông Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp, có thể lây lan nhanh chóng và hiện nay vẫn đang được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm B.

"Trước đây khi chương trình tiêm chủng mở rộng chưa tiêm vắc xin, tỉ lệ nhiễm bệnh bạch hầu rất cao. Tại các khoa truyền nhiễm, hầu như thời điểm nào cũng có bệnh nhân bạch hầu. Sau khi đưa vào tiêm chủng vắc xin thì tỉ lệ nhiễm bệnh đã giảm thấp.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, tại Tây Nguyên và gần đây nhất là một số tỉnh miền núi phía Bắc bắt đầu có ghi nhận ca bệnh trở lại. Hầu hết các địa phương này thuộc vùng sâu vùng xa, tỉ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh giảm hoặc gián đoạn dẫn đến ca bệnh tăng", ông Phu nhận định.

Theo ông Phu, do bạch hầu lây truyền qua đường hô hấp, giọt bắn, vật dụng hằng ngày nên dễ lây lan, đặc biệt với những người không có miễn dịch với bệnh. Vì vậy, để phòng tránh bệnh cần chú ý khử khuẩn, đeo khẩu trang, vệ sinh sạch sẽ… Quan trọng nhất là phải tiêm chủng vắc xin phòng bệnh đầy đủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Về nguồn lây của bệnh bạch hầu, theo ông Phu, bệnh có thể không rõ nguồn lây. "Có người mang mầm bệnh, do đã tiêm chủng nên không tiến triển nặng nhưng vẫn có khả năng lây cho người khác. Vì vậy, có trường hợp nhiễm bệnh nhưng không rõ tiếp xúc từ đâu", ông Phu nêu.

Cần làm gì khi có dịch bạch hầu?

Theo bác sĩ Bùi Thu Phương, Bệnh viện trung ương Quân đội 108, bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, do vi khuẩn Corynebacterium diphtheria gây ra. Bệnh là một trong những căn nguyên gây bệnh và tử vong hàng đầu trong thế kỷ 19 và những năm đầu thế kỷ 20.

Hiện nay nhờ chương trình tiêm chủng, bệnh đã giảm rõ rệt và ít gặp hơn, tỉ lệ tử vong do đó cũng giảm nhiều.

Theo bác sĩ Phương, đường lây của bệnh qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết đường hô hấp hoặc qua các giọt bắn nhỏ bắn ra không khí. Bệnh có thể lây gián tiếp qua đồ dùng, quần áo, thức ăn… có dính dịch tiết hô hấp của người bệnh.

Bệnh bạch hầu có thời gian ủ bệnh khoảng 2 - 5 ngày, trong thời gian này người bệnh không có biểu hiện gì. Sau đó, bệnh thường tiến triển từ từ, bệnh nhân sốt nhẹ, có các biểu hiện viêm hô hấp cấp như đau họng, chảy nước mũi. Người bệnh có thể sốt, ho, đau họng, khó nuốt…

Bệnh bạch hầu có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như tắc nghẽn đường hô hấp, viêm cơ tim, viêm dây thần kinh ngoại biên, viêm thận, viêm phổi, xuất huyết giảm tiểu cầu. Nghiêm trọng nhất là tử vong.

Bác sĩ Phương nhấn mạnh khi có dịch bạch hầu xuất hiện cần thực hiện tốt các biện pháp phát hiện sớm, cách ly kịp thời và điều trị triệt để. Người tiếp xúc cần được theo dõi sát trong 7 ngày, cấy dịch họng.

Người lành mang trùng nên dùng kháng sinh uống dự phòng (erythromycin) trong 10 ngày, khám lại hằng ngày. Đồng thời, khử trùng buồng bệnh, nơi ở của người bệnh. (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Bộ Y tế: Gia hạn đăng ký lưu hành thuốc giải quyết những vướng mắc liên quan đến thuốc, trang thiết bị y tế

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, cùng với các văn bản tháo gỡ vướng mắc trong mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trong thời gian vừa qua thì việc gia hạn đăng ký lưu hành thuốc đã góp phần giải quyết những vướng mắc liên quan.

Tại Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV chiều 6/9, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã trình bày tham luận việc triển khai Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Nghị quyết việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2024; công tác chuẩn bị triển khai Nghị quyết 99/2023/QH15 giám sát chuyên đề của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Phổ biến Luật Khám bệnh, chữa bệnh tới toàn dân

Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh, để triển khai thi hành luật, nghị quyết nêu trên, Bộ Y tế đã tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan của Chính phủ và các địa phương để triển khai thực hiện.

Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị toàn quốc phổ biến, quán triệt tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của 420 đơn vị đến từ các cơ quan trung ương, sở Y tế các tỉnh, thành phố, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Hiệp hội bệnh viện tư nhân, Tổng Hội y học Việt Nam, các đối tượng chịu tác động và hơn 2.000 điểm cầu khám, chữa bệnh, người hành nghề…

Theo báo cáo, đã có trên 30 Sở Y tế ban hành kế hoạch triển khai luật, tổ chức các hoạt động phổ biến luật, lồng ghép các hoạt động trong công tác triển khai thi hành luật; tăng cường giới thiệu nội dung mới, đưa tin bài, tổ chức tọa đàm, chuyên gia giới thiệu về các quy định mới của dự án Luật Khám, chữa bệnh và các Nghị quyết của Quốc hội trên phương tiện thông tin đại chúng.

Về kết quả xây dựng văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Khám, chữa bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thông tin, theo Quyết định số 172 của Thủ tướng Chính phủ, số văn bản quy định chi tiết thi hành hướng dẫn luật gồm 3 Nghị định; 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 3 Thông tư của Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Công an và Quốc phòng.

Hiện Bộ Y tế và các Bộ đang khẩn trương xây dựng các văn bản và chuẩn bị xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp để hoàn thành đúng tiến độ Thủ tướng Chính phủ đã giao.

Trên 22.000 thuốc, nguyên liệu làm thuốc còn hiệu lực

Về tình hình tổ chức triển khai Nghị quyết số 80/2023/QH15, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đã tập trung cùng các Bộ, ngành triển khai các nội dung của Nghị quyết, cụ thể kết quả như sau:

Về thanh toán chi phí phục vụ công tác phòng, chống COVID-19 của các cơ sở y tế, cơ sở thu dung, điều trị COVID-19, Bộ Y tế cùng với Bộ Tài chính rà soát chuyển nguồn phòng, chống dịch và giao dự toán hết năm 2022, đồng thời, chuyển số kết dư sang năm 2023 để tiếp tục thực hiện.

Đến nay các đơn vị đã gửi báo cáo và đề nghị ngân sách nhà nước hoàn trả các khoản phải chi nhưng chưa chi, các khoản đã sử dụng từ nguồn thu của đơn vị để chi cho phòng, chống dịch COVID-19 năm 2022 với tổng kinh phí dự kiến là 105 tỷ đồng.

Về việc hướng dẫn việc rà soát, tổng hợp và phương án xử lý số lượng thuốc, vật tư, hóa chất sinh phẩm, trang thiết bị đã mua từ nguồn ngân sách nhà nước cho công tác khám bệnh, chữa bệnh COVID-19 sang công tác khám bệnh, chữa bệnh thông thường, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị Quyết số 129 ngày 18/8/2023 về việc điều chuyển thuốc, vật tư, sinh phẩm đã mua từ nguồn ngân sách nhà nước cho phòng, chống dịch COVID-19 sang nguồn thu dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Hiện nay, Bộ đang phối hợp cùng các địa phương, cơ sở y tế để triển khai thực hiện.

Về việc hướng dẫn, rà soát, tổng hợp, phương án xử lý số lượng mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch thực hiện dưới hình thức tạm ứng, vay, mượn, huy động, tiếp nhận tài trợ, viện trợ, Bộ đã cùng với các Bộ, ngành trung ương, các cơ quan, UBND các tỉnh, thành phố cập nhật số lượng, đặc biệt số lượng tồn kho. Đến nay đã có 44 tỉnh có số liệu báo cáo. Sau khi có số liệu tổng hợp, Bộ sẽ có văn bản báo cáo và đề xuất cụ thể các phương án để thanh toán theo quy định.

Về sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024, Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin, tính đến 24/7/2023 Bộ Y tế đã có 9 đợt công bố danh mục thuốc (6 đợt công bố đối với thuốc hóa dược và 3 đợt công bố đối với với thuốc y học cổ truyền).

Trong đó, thuốc hóa dược được công bố là: 11.381 thuốc; thuốc y học cổ truyền được công bố là: 336 thuốc. Đã gia hạn Giấy đăng ký lưu hành tổng số 1.873 thuốc hóa dược. Tổng số thuốc có đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc còn hiệu lực tại thời điểm hiện nay khoảng trên 22.000 thuốc.

Về việc rà soát, đề xuất, sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản hoặc văn bản các cấp có thẩm quyền để thực hiện có hiệu quả để thực hiện Nghị quyết 80, Bộ đã thực hiện rà soát 6 Nghị quyết của Quốc hội; 10 Nghị quyết của UBTVQH; 1 Nghị định của Chính phủ; 4 Thông tư của Bộ Y tế và 5 Nghị quyết của Chính phủ.

Về việc triển khai các cơ chế chính sách nguồn lực thúc đẩy nghiên cứu vi sinh học, phát triển công nghiệp dược, vaccine, sinh phẩm, trang thiết bị vật tư y tế trong nước để đối phó với dịch bệnh, ứng phó với các biến chủng mới của virus và các bệnh truyền nhiễm mới phát sinh: Bộ đã hoàn thiện việc lập hồ sơ đề nghị dự án sửa đổi một số điều của Luật Dược, trong đó có nội dung chính sách về phát triển công nghiệp dược và đã được Quốc hội thông qua việc đưa vào chương trình xây dựng pháp luật vào năm 2024; Đối với việc nội dung phát triển sản xuất trang thiết bị y tế, Bộ cũng đang xây dựng hồ sơ trình Chính phủ xem xét trình Quốc hội xây dựng Luật Thiết bị y tế.

"Tổ chức triển khai Nghị quyết 99 rất nhanh"

Về tình hình tổ chức triển khai Nghị quyết số 99/2023/QH15 của Quốc hội về giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định, đây là Nghị quyết được triển khai rất nhanh. Chính phủ đã chủ động tất cả các hồ sơ để triển khai Nghị quyết này.

Ngay sau đó, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, bố trí các nội dung, ví dụ như: Liên quan đến tiền mua vaccine phục vụ công tác tiêm chủng mở rộng, Chính phủ đã bổ sung 550 tỷ năm 2023 giao cho Bộ Y tế mua vaccine… Hiện nay Bộ Y tế trong quá trình soạn thảo, hoàn thiện hồ sơ liên quan đến Luật Bảo hiểm Y tế, Luật Thiết bị, Luật Dược… để trình theo đúng tinh thần Nghị quyết 99.

Về khó khăn, vướng mắc Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, kinh phí bố trí cho công tác xây dựng pháp luật mặc dù mới được sửa đổi, bổ sung, đã điều chỉnh mức chi lên khoảng 1,5-2 lần so với các mức chi tại Thông tư số 338/2016/TT-BTC, tuy nhiên, mức độ cải thiện chưa nhiều, chưa tạo được chính sách đột phá, đổi mới cơ chế phân bổ, sử dụng hiệu quả kinh phí xây dựng và thi hành pháp luật như định hướng của Đảng, của Nhà nước.

Cơ chế chính sách thu hút nguồn lực xã hội cũng như huy động sự tham gia của chuyên gia trong quá trình tham gia xây dựng pháp luật do nguồn lực hạn chế nên chưa phát huy như mong muốn.

Về kiến nghị đối với Quốc hội, khối lượng công việc xây dựng luật pháp trong nhiệm kỳ khá nhiều nên trong thời gian tới Bộ Y tế mong muốn Quốc hội, các Ủy ban, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho Bộ Y tế trong quá trình xây dựng pháp luật để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

Đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế mong muốn sẽ tiếp tục đề xuất các quy định liên quan đến văn bản hướng dẫn. Luật Khám bệnh, chữa bệnh có nhiều nội dung đã được triển khai thực hiện từ thời gian luật cũ, bây giờ căn cứ theo quy định luật mới thì chúng tôi phối hợp với Bộ Tư pháp sẽ trình lên Chính phủ theo hình thức rút gọn. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3).

 

Bố trí công việc phù hợp, bảo đảm công bằng trong giải quyết chính sách cho viên chức y tế, dân số

Bộ Y tế thông tin: Trong thời gian qua, Bộ Y tế nhận được kiến nghị của một số địa phương, đơn vị và cá nhân về việc viên chức dân số ngoài nhiệm vụ chính về công tác dân số còn được phân công nhiệm vụ có yêu cầu trình độ chuyên môn y tế nhưng không được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề.

Bộ Y tế ngày 6/9 cho biết đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc rà soát vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp và phân công công việc của viên chức dân số nhằm bảo đảm công bằng trong giải quyết chế độ, chính sách cho viên chức y tế, dân số.

Trong thời gian qua, Bộ Y tế nhận được kiến nghị của một số địa phương, đơn vị và cá nhân về việc viên chức dân số ngoài nhiệm vụ chính về công tác dân số còn được phân công nhiệm vụ có yêu cầu trình độ chuyên môn y tế nhưng không được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề do không được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp y tế.

Để bảo đảm việc giải quyết chính sách về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề cho viên chức dân số ngoài nhiệm vụ chính về công tác dân số còn được phân công nhiệm vụ có yêu cầu trình độ chuyên môn y tế theo quy định của pháp luật, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về y tế tại địa phương triển khai rà soáṭ các đơn vị có nhiệm vụ về công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình với các nội dung sau:

Thứ nhất, xây dựng Đề án vị trí việc làm, trong đó mô tả công việc, khung năng lực của vị trí việc làm về dân số theo hướng dẫn của Thông tư số 03/2023/TT-BYT ngày 17/02/2023 của Bộ Y tế và các văn bản có liên quan về chức danh nghề nghiệp y tế, dân số trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc phê duyệt theo thẩm quyền được phân cấp.

Thứ hai, kiểm tra, rà soát việc tuyển dụng, sử dụng viên chức theo vị trí việc làm; việc sắp xếp, bố trí, phân công công việc cho viên chức y tế, dân số theo đúng vị trí việc làm:

Đối với các trường hợp viên chức đang giữ chức danh nghề nghiệp dân số được phân công công việc của vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp y tế khác nếu có đủ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đó thì xem xét để bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp phù hợp với vị trí việc làm.

Trường hợp viên chức đang giữ chức danh nghề nghiệp dân số được phân công kiêm nhiệm công việc của vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp y tế khác nếu không có đủ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đó thì yêu cầu người có thẩm quyền phân công công việc chấn chỉnh lại việc bố trí, phân công công việc cho viên chức không phù hợp với khung năng lực của vị trí việc làm.

Thứ ba, việc sắp xếp, bố trí, phân công công việc phải đảm bảo đủ nhân lực thực hiện và đáp ứng các nhiệm vụ về y tế, dân số theo quy định của pháp luật.

Bộ Y tế cũng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị sự nghiệp y tế công lập thuộc địa phương quản lý thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng viên chức theo đúng vị trí việc làm; bố trí, phân công công việc phù hợp với bản mô tả công việc, khung năng lực vị trí việc làm, bảo đảm công bằng trong giải quyết chế độ, chính sách cho viên chức y tế, dân số theo quy định của pháp luật hiện hành; quan tâm xây dựng chính sách ưu đãi, thu hút cán bộ, nhân viên y tế về làm việc tại y tế cơ sở trong đó có viên chức dân số. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 2).

 

18 ca tử vong do sốt xuất huyết, nhiều người nhập viện khi biến chứng nặng

Theo Bộ Y tế, trong tuần qua cả nước ghi nhận 4.375 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 1 trường hợp tử vong tại Đắk Lắk.

Như vậy, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 75.795 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 18 trường hợp tử vong. Type virus sốt xuất huyết lưu hành năm nay chủ yếu là DEN-1, DEN-2 và không có sự khác biệt với những năm gần đây.

Sốt xuất huyết đang tăng mạnh tại Hà Nội với hơn 1.000 ca mắc/tuần. Điều đáng chú ý, nhiều người bị sốt đã tự mua thuốc điều trị tại nhà, khi nhập viện cấp cứu đã bị biến chứng nặng. Mới đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận nam bệnh nhân 41 tuổi (Thạch Thất, Hà Nội) vào viện trong tình trạng sốt cao, đau đầu dữ dội... Bệnh nhân sống trong khu vực ổ dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, tuy có triệu chứng sốt, nhưng bệnh nhân chủ quan, tự mua thuốc điều trị tại nhà.

4 ngày sau, diễn biến bệnh nặng lên, kèm theo chảy máu cam, nam bệnh nhân mới tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Sau khi khám và làm các xét nghiệm, bác sĩ kết luận bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi, tràn dịch ổ bụng và thoát huyết tương do sốt xuất huyết Dengue. Đây là một tình trạng rất nguy hiểm, cần nhập viện gấp để truyền máu và theo dõi sát sao.

PGS.TS. Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, người dân khi có biểu hiện sốt nên đến bệnh viện để làm xét nghiệm công thức máu và xét nghiệm chẩn đoán đơn giản để phát hiện sốt xuất huyết sớm từ những ngày đầu tiên. Nếu đúng sốt xuất huyết sẽ được các bác sĩ theo dõi, tư vấn và điều trị kịp thời. Một số trường hợp có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của nhân viên y tế, với biện pháp chủ yếu là bù nước và điều trị triệu chứng.

‏"‏Ngoài ra, cần hết sức lưu ý với các dung dịch truyền như dung dịch cao phân tử, dung dịch tiểu cầu hoặc truyền albumin đều phải được chỉ định bởi bác sĩ, không được tự ý truyền tùy tiện tại nhà. Thực tế đã xảy ra không ít trường hợp bệnh chuyển nặng, tử vong do vấn đề truyền dịch sai", BS Cường khuyến cáo. (Công an Nhân dân, trang 4).

Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô, trang 1: “Nhiều người vẫn chủ quan với sốt xuất huyết, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch”.

 

Mổ thành công khối u thần kinh ở vị trí nguy hiểm

Ngày7/9, đại diện Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật lấy khối u ở vị trí cực kỳ nguy hiểm cho một bệnh nhân 18 tuổi (Hà Nội).

Bệnh nhân này có khối u ở sau cổ từ năm 11 tuổi nhưng nhiều bệnh viện từ chối mổ do khối u nằm ở vị trí nguy hiểm. Hai năm gần đây, u phát triển to nhanh khiến cổ bệnh nhân bị sưng phồng, khó cử động vùng cổ, đôi khi đau vùng cổ gáy như điện giật.

Tại Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, TS Đàm Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Ngoại Đầu cổ cho biết: “Bệnh nhân H. mắc bệnh đa u xơ thần kinh - một căn bệnh khá hiếm gặp. Đây cũng là ca phẫu thuật khó do u có kích thước lên tới 8 cm, xuất phát từ tủy sống, nằm ngay dưới nền sọ, kẹt giữa xương sọ và xương cột sống, gần động tĩnh mạch cảnh nuôi nửa đầu bên trái, khối cơ cổ. Vị trí u sát với các dây thần kinh trọng yếu nên bệnh nhân phải đối mặt với những tai biến có thể gặp như liệt dây thần kinh, tê bì, rối loạn cảm giác, ảnh hưởng não bộ. Điều khiến ekip phẫu thuật lo ngại nhất là nguy cơ chảy máu ồ ạt do tổ chức mủn nát, khó cầm, đe dọa tính mạng bệnh nhân”.

Cuộc mổ đã diễn ra đúng như dự kiến, khối u được lấy trọn, bệnh nhân mất ít máu nên hồi phục nhanh chóng, vết mổ liền nhanh. Sau mổ, bệnh nhân không rối loạn cảm giác vùng đầu cổ, vận động không bị ảnh hưởng và đặc biệt hài lòng về mặt thẩm mĩ. (Tiền phong, trang 2).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang