Bộ Y tế đề nghị INFOSAN cung cấp thông tin về sản phẩm tương ớt Chin –su bị thu hồi
Trước đó, có thông tin Nhật thu hồi 18.000 chai tương ớt Chin-su do có chất phụ gia axit benzoic. Ngày 8.4, bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) Bộ Y tế, cho biết Cục đã liên lạc và đề nghị Mạng lưới cơ quan ATTP quốc tế (INFOSAN) cung cấp thông tin chính thức về việc sản phẩm tương ớt Chin - su bị thu hồi tại Nhật cũng như nguyên nhân bị thu hồi.
“Về nguyên tắc, khi có bất cứ sự cố nào về thực phẩm bị cấm hay chứa chất nguy hiểm có thể đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng, INFOSAN sẽ cảnh báo ngay để thu hồi. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa nhận được cảnh báo từ INFOSAN”, bà Nga nói và cho biết thêm Cục ATTP sẽ có văn bản gửi Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN-PTNT) đề nghị xác minh thông tin về việc sản phẩm tương ớt Chin-su bị thu hồi tại Nhật Bản vì tương ớt là sản phẩm thuộc thẩm quyền quản lý chất lượng của bộ này.
Trước đó, có thông tin Nhật thu hồi 18.000 chai tương ớt Chin-su do có chất phụ gia axit benzoic. Theo bà Nga, axit benzoic là phụ gia thực phẩm (chống nấm mốc) được Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) cho phép sử dụng. Tại VN, axit benzoic cũng được sử dụng trong nhiều loại thực phẩm khác nhau. “Chúng tôi có tìm hiểu thì được biết Nhật Bản không cho phép sử dụng axit benzoic trong tương ớt nhưng vẫn cho phép sử dụng axit benzoic trong các nhóm thực phẩm khác. Cụ thể, theo quy định tại danh mục phụ gia sử dụng trong chế biến thực phẩm ở Nhật Bản ban hành mới nhất (cuối năm 2018), chất này được phép sử dụng trong nước tương (xì dầu) với hàm lượng 0,6 gr/kg; trứng cá 2,5 gr/kg; siro 0,6 gr/ kg; bơ thực vật 1 gr/kg; chất này cũng được sử dụng trong đồ uống không cồn, tương cà chua (ketchup)...”, bà Nga nói.
Theo PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng ATTP, axit benzoic không phải chất cấm mà là chất bảo quản được sử dụng với hàm lượng nhất định. Dù là tiêu chuẩn chung nhưng cũng có nhiều phụ gia thực phẩm nước này cấm, nước kia không. Với axit benzoic, gần 190 quốc gia cho phép sử dụng. Có chất VN cấm sử dụng nhưng vẫn được các nước chấp nhận, như VN không chấp nhận Ractoramin B trong chăn nuôi nhưng một số nước như Nhật, Úc, New Zealand vẫn cho phép sử dụng... (Thanh niên, trang 7).
Gia tăng stress ở người trẻ
Theo thống kê mới đây của Bộ Y tế, cả nước có đến 15% dân số có các vấn đề về sức khỏe tâm thần, đặc biệt là các rối loạn lo âu, trầm cảm, gây ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống.
Đáng báo động khi số người bị stress ngày càng có chiều hướng gia tăng và phần lớn trong độ tuổi lao động. Có nhiều nguyên nhân khiến các bệnh về tâm thần gia tăng, trong đó nguyên nhân chính là do sức ép trong công việc, học tập, sự nghiệp...
Áp lực từ cuộc sống
Khu khám bệnh của Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, hàng ngày luôn đông bệnh nhân từ sáng sớm tới tận chiều muộn, trong đó khá nhiều người trẻ nhập viện điều trị do bị các rối loạn tâm thần, trầm cảm và lo âu.
Ông Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, cho biết nếu như vài năm trước, số người trẻ tuổi bị các rối loạn tâm thần, stress tới khám hàng ngày chỉ đếm trên đầu ngón tay thì hiện nay có những ngày viện tiếp nhận 300 - 400 bệnh nhân.
Tại khu điều trị, nữ bệnh nhân Nguyễn Thị T. (42 tuổi, ở Hà Nội) trông bề ngoài xinh xắn, trò chuyện cởi mở với những người xung quanh nhưng ít ai ngờ rằng gần 1 năm nay, chị T. bị stress phải nhập viện điều trị vì những lý do không ngờ tới.
Chia sẻ với chúng tôi, chị T. kể rằng gia đình chị có vay mượn vài trăm triệu đồng để xây nhà. Nhà xây xong, chị T. rơi vào tình trạng mất ngủ vì lo việc trả nợ. Những cơn mất ngủ kéo dài, khiến chị thường bị đau đầu, hồi hộp, vã mồ hôi, tức ngực và trào ngược dạ dày.
Trước những triệu chứng đó, chị T. đã đi khám tim mạch và tiêu hóa. Nhưng qua nhiều chiếu chụp, xét nghiệm không phát hiện những bất thường ở cơ thể, cũng không tìm được căn nguyên gây bệnh, uống thuốc cũng chẳng đỡ khiến chị T. càng thêm lo âu. Chỉ đến khi rất căng thẳng, chị T. mới tới Viện Sức khỏe tâm thần khám. Các bác sĩ phát hiện chị T. bị stress do áp lực từ việc trả nợ, tiếp đó là do lo lắng vì không biết mắc bệnh gì.
Theo TS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Điều trị các bệnh liên quan stress, Viện Sức khỏe tâm thần, trường hợp bị stress như chị T. hiện nay khá phổ biến. Phần lớn là những bệnh nhân trẻ, trong độ tuổi lao động.
Mới đây, các bác sĩ tại viện cũng đã điều trị cho một nam thanh niên mới lập gia đình vài tháng nhưng luôn lo lắng đến mức không dám ra ngoài đường vì sợ bị đụng xe. Cưới vợ xong nhưng nam thanh niên này vẫn lo khâu tổ chức… đám cưới. Bệnh nhân được gia đình đưa đi khám sức khỏe tổng quát và không phát hiện mắc bệnh gì. Sau khi đánh giá các yếu tố, viện xác định bệnh nhân mắc chứng rối loạn lo âu lan tỏa.
Không dễ phát hiện
Theo thống kê mới đây của Bộ Y tế có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần, phổ biến là lo âu, stress, trầm cảm... trong đó có khoảng 3 triệu người bị rối loạn tâm thần nặng. Trong 10 bệnh tâm thần thường gặp như trầm cảm, động kinh, rối loạn lo âu, stress, tâm thần phân liệt..., bệnh nhân dưới 30 tuổi chiếm tới 40%.
Đáng chú ý, rối loạn liên quan tới stress khó phát hiện vì có triệu chứng trùng lặp với bệnh khác, nên có 30% - 50% số bệnh nhân không được phát hiện đúng bệnh khi đi khám ở y tế cơ sở, hoặc bệnh viện đa khoa. Đa số bệnh nhân thường đi khám tại các chuyên khoa tim mạch, thần kinh trước khi được tư vấn về bệnh tâm lý.
Nhiều người trong số này được chẩn đoán nhầm là rối loạn tiền đình, suy nhược thần kinh, thiếu máu não nên việc điều trị không hiệu quả, càng khiến người bệnh thêm căng thẳng. Hơn nữa, cũng vì không phát hiện ra căn nguyên của bệnh và điều trị không khỏi mà nhiều người bệnh chuyển sang việc chữa bệnh bẳng các hình thức mê tín dị đoan và rơi vào tình trạng “tiền mất, tật mang”.
Theo TS Dương Minh Tâm có 2 thể stress. Một là, stress bệnh lý cấp tính xuất hiện từ tình huống không thể lường trước hoặc những tình huống quá dữ dội đối với chủ thể, như: người thân bị bệnh nặng, bị tấn công, gặp nguy hiểm… Khi đó, người bệnh có sự hưng phấn quá mức về mặt tâm thần và cơ thể. Hai là, stress bệnh nguyên: bệnh phát sinh từ sức ép trong cuộc sống, công việc, học tập, thất vọng trong sự nghiệp, mâu thuẫn trong gia đình, xã hội hay thiệt hại về kinh tế khiến nhiều người chịu áp lực nặng nề, luôn có tâm thế phải đối mặt với thách thức, căng thẳng, lo âu.
Trước thực tế đó, stress sinh ra để giúp cơ thể thích nghi. Tuy nhiên cần lưu ý, stress có gây bệnh hay không phụ thuộc nhiều vào sự chống đỡ của nhân cách bản thân mỗi người. Nhân cách không chỉ có vai trò trong gây bệnh mà còn ảnh hưởng đến việc hình thành thể bệnh. Một nhân cách vững mạnh, có lý tưởng, tự nguyện chịu đựng stress thì dù stress có mạnh cũng khó gây bệnh và nếu có bệnh thì cũng dễ khỏi bệnh.
Với người có nhân cách yếu hoặc tính cách chi li, cầu toàn thì có thể mắc bệnh chỉ sau một stress nhẹ và bệnh chậm hồi phục. Những người có cảm xúc không ổn định, lo âu, căng thẳng, né tránh cũng là những nét nhân cách dễ bị tổn thương.
Để chống lại những stress do những áp lực trong cuộc sống hiện đại, các bác sĩ khuyến cáo mỗi cá nhân nên tìm cho mình một môn thể thao, cách vận động phù hợp với cơ thể và rèn luyện đều đặn. Cùng với đó cần có lối sống, tư duy tích cực; khi tiếp nhận một thông tin nên nhìn ở hướng mở, hướng vươn lên chứ không nên nhìn theo khía cạnh tiêu cực. Với những gia đình có người thân nhân cách yếu, có tính cầu toàn và hay lo âu thì cần có sự tương trợ từ gia đình để họ có môi trường sống thoái mái và thân thiện.
Trong trường hợp nếu cơ thể đột nhiên xuất hiện triệu chứng mệt mỏi âu lo kéo dài, mất ngủ, khó thở, đau đầu hay các hiện tượng về tim mạch như hồi hộp mà không tìm thấy căn nguyên và triệu chứng, nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa sức khỏe tâm thần để được khám, tư vấn.
Stress kéo dài gây ra những hệ lụy rất lớn cho người bệnh. Có hơn 90% số người tự tử là do bị rối loạn tâm thần. Cùng với đó, chi phí y tế để điều trị rối loạn cũng cao gấp 3 lần các bệnh nội khoa thông thường. (Sài Gòn giải phóng, trang 3).
Nguy hiểm khi dùng thuốc gia truyền điều trị đái tháo đường
Thời gian qua, việc sử dụng thuốc điều trị đái tháo đường cấp tốc phổ biến trong cộng đồng, gây nên những biến chứng nặng nề cho người bệnh, thậm chí tử vong.
Theo thống kê, từ khoảng cuối 2018 đến nay, Khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM) đã cấp cứu thành công hơn 10 trường hợp nhiễm axit lactic do sử dụng thuốc điều trị bệnh đái tháo đường không rõ nguồn gốc, trong đó có chứa chất phenformin đã bị cấm lưu hành từ lâu do khả năng gây toan máu bởi axit lactic với tỷ lệ tử vong lên đến 50%.
Phenformin được phát hiện vào năm 1957, dùng để điều trị đái tháo đường. Tuy nhiên, trong quá trình theo dõi, người ta nhận thấy phenformin mặc dù giúp kiểm soát đường huyết nhưng lại gây ra tác dụng phụ cực kỳ nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng, dẫn đến tử vong, đó chính là nhiễm axit lactic.
Chính vì vậy, vào những năm 1970, phenformin dần bị hạn chế sử dụng và cấm lưu hành ở Mỹ cũng như các nước khác vào tháng 11-1978. Tại Việt Nam cũng như một vài nước châu Á, phenformin vẫn lén lút được sản xuất và lưu hành dưới dạng thuốc cặp điều trị đái tháo đường. Các loại thuốc điều trị đái tháo đường có chứa phenformin được bào chế dưới nhiều dạng trình bày khác nhau: dạng viên thuốc gia truyền, thuốc tễ, tiểu đường hoàn, viên tiểu đường…
Chính vì vậy, trong thời gian gần đây, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tiếp nhận ngày càng nhiều trường hợp nhiễm axit lactic do thuốc điều trị đái tháo đường không rõ nguồn gốc (thường là có chứa phenformin). Nhiễm toan lactic do phenformin trên người bệnh đái tháo đường giai đoạn đầu thường có biểu hiện mệt mỏi, kém ăn, yếu cơ.
Khi tình trạng nặng dần sẽ có biểu hiện thở nhanh, tim đập nhanh, tụt huyết áp và rối loạn tri giác, suy hô hấp. Chẩn đoán xác định nhiễm toan lactic dựa trên các triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm máu, phát hiện tình trạng toan máu cùng với nồng độ axit lactic tăng cao. Đây là một biến chứng nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng và dẫn đến tử vong, cần phải được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực.
Đái tháo đường là một bệnh lý mạn tính ngày một gia tăng, gây ra nhiều biến chứng. Và loại bệnh này hoàn toàn có thể kiểm soát và ngăn ngừa được biến chứng nếu người bệnh tuân thủ điều trị đúng cách, theo dõi định kỳ. Người bệnh tuyệt đối không nên nghe theo lời khuyên của những người không có chuyên môn, hay tin những lời quảng cáo trên Internet, sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, bỏ điều trị, làm cho các biến chứng ngày càng nặng nề và có thể nhiễm lactic nguy hiểm chết người.
Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng và tập luyện thể lực hợp lý kết hợp với việc dùng thuốc và theo dõi định kỳ tại các cơ sở y tế sẽ giúp người bệnh đái tháo đường kiểm soát tốt đường huyết, ngăn ngừa biến chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp người bệnh sống vui khỏe, lạc quan cùng bệnh đái tháo đường. (Sài Gòn giải phóng, trang 3; Lao động, trang 8).
Người nhiễm HIV/AIDS: Được hỗ trợ 100% chi phí mua thẻ bảo hiểm y tế
Tin từ Văn phòng UBND TP.HCM cho biết, UBND TP vừa chấp thuận hỗ trợ 100% chi phí mua thẻ bảo hiểm y tế năm 2019 cho một số đối tượng đang tham gia chương trình chăm sóc điều trị HIV/AIDS tại TP.HCM gồm: người nhiễm HIV có hộ khẩu TP hoặc có hộ khẩu tại các tỉnh, thành khác cư trú trên 6 tháng tại TP và người nhiễm HIV/AIDS không giấy tờ tùy thân.
Đồng thời, UBND TP cũng chấp thuận hỗ trợ phần chi phí cùng chi trả đối với thuốc kháng virus HIV (thuốc AVR) cho các đối tượng nói trên tại 5 cơ sở: Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, Trung tâm Y tế huyện Bình Chánh, Trung tâm Y tế huyện Nhà Bè, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới và Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch.
Ngoài ra, UBND TP giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong tháng 9-2019, tham mưu chế độ hỗ trợ đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, tại cộng đồng và tại các cơ sở cai nghiện ma túy. (Sài Gòn giải phóng, trang 3).
Hà Nội: Nữ công nhân tử vong khi đang truyền dịch tại phòng khám tư của bác sĩ nghỉ hưu
Tối qua, 7-4, chị Phạm Thị Hòa (33 tuổi) đến một phòng khám tư nhân trên phường Thượng Đình khám vì cơ thể mệt lả, 2-3 ngày không ăn được gì. Thế nhưng sau khi được vị bác sĩ phụ trách phòng khám truyền đạm, nữ công nhân xuất hiện tím tái và đã tử vong. Sáng nay, 8-4, UBND quận Thanh Xuân đã có báo cáo nhanh gửi Sở Y tế và UBND TP Hà Nội về trường hợp tử vong do truyền dịch tại phường Khương Đình. Theo đó, vào hồi 21h45’ ngày 7-4-2019, ngay sau khi nhận được thông tin tại Phòng khám chuyên khoa Nội Kết Châu (Số 21 hẻm 35/69/95 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, Thanh Xuân) có bệnh nhân tử vong, đại diện Phòng Y tế quận đã có mặt tại phòng khám để xác minh. Phòng khám chuyên khoa nội Kết Châu do ông Dương Văn Kết - bác sĩ chuyên khoa I Nội (nguyên Phó trưởng khoa Nội, Bệnh viện Việt Xô, đã nghỉ hưu 5 năm) - phụ trách chuyên môn. Phòng khám có đầy đủ các giấy tờ thủ tục pháp lý theo quy định. Theo tường trình của ông Dương Văn Kết, khoảng 18h30 chiều qua, bệnh nhân Phạm Thị Hòa (sinh năm 1986, hộ khẩu thường trú tại Thừa Thiên Huế, tạm trú tại phường Khương Đình) đến khám. Đi cùng bệnh nhân có anh Nguyễn Đình Hạnh (bạn làm cùng xưởng may tư nhân).
Bệnh nhân trong tình trạng mệt lả, không ăn được 2-3 hôm, có tiền sử hay bị tụt huyết áp. Bệnh nhân được ông Kết khám tim, phổi bình thường, đo huyết áp 95/60 mmHg, mạch 72 lần/phút. Bệnh nhân được chẩn đoán suy nhược cơ thể, tụt huyết áp. Bệnh nhân được ông Kết truyền 01 chai Natri Clorid 0,9% (500 ml) do công ty TNHH B.Braun Việt Nam sản xuất, sau khi truyền hết 1 chai thì tình trạng bệnh có khá hơn.
Theo ông Kết, lúc này bệnh nhân tha thiết yêu cầu ông truyền thêm chai đạm để tăng sức khỏe. Sau khi xem xét tình trạng bệnh nhân, ông Kết tiếp tục truyền 01 chai Alvesin 40 (250 ml) sản xuất tại CHLB Đức.
Thế nhưng sau truyền khoảng 5-10 phút, hết khoảng 1/5 chai đạm, bệnh nhân thấy ngứa. Ông Kết dừng truyền đạm ngay, chuyển sang chai Natri Clorid 0,9% (500 ml) để duy trì đường truyền đồng thời tiến hành cấp cứu bệnh nhân: tiêm bắp 01 mũi Dimedrol 10 mg/ml, đồng thời cho bệnh nhân thở oxy 4-5 lít/phút.
Bệnh nhân tiếp tục có dấu hiệu tức ngực, khó thở, nôn 03 lần. Ông Kết tiến hành tiêm bắp 01 ống Adrenalin 1mg/1ml; tình trạng bệnh nhân không tiến triển; ông Kết tiêm tiếp 1/2 ống Adrenalin, đồng thời pha 10 ml tráng ống Adrenalin tiêm tĩnh mạch, tiêm Solu-Medrol 40 mg qua đường truyền. Đồng thời gọi cấp cứu 115 hỗ trợ. Ông Kết tiến hành ép tim kết hợp với bóp bóng Ambu, tỷ lệ 4:1. Tình trạng bệnh nhân xấu đi.
Ông Kết tiếp tục tiêm Adrenalin, tổng số Adrenalin đã dùng là 22 ống. Nhưng bệnh nhân tím tái và ngừng thở, ngừng tim vào hồi 20h30’, tại phòng khám.
Trong quá trình cấp cứu, có vợ ông Kết là bà Đoàn Thị Minh Châu, sinh năm 1960 (nguyên bác sĩ trưởng phòng Y tế của Xí nghiệp đường Sắt) hỗ trợ cấp cứu. Vào hồi 20h35’ xe cấp cứu 115 đến, xác định bệnh nhân đã tử vong lúc 20h35’.
Được biết, trong sáng nay, 8-4, đoàn công tác của Sở Y tế Hà Nội đã có mặt tại phòng khám chuyên khoa Nội Kết Châu để xác minh thêm thông tin.
Vụ việc đang tiếp tục được các cơ quan chức năng làm rõ. (An ninh Thủ đô, trang 14; Hà Nội mới, trang 5).