Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 10/05/2018

  • |
T5g.org.vn - Kết nối mạng các nhà thuốc để kiểm soát tình trạng bán thuốc tuỳ tiện; Khai mạc Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y dược Việt Nam lần thứ 25; Nhu cầu tiêm vaccine viêm não mô cầu tăng cao bất thường…

 

Kết nối mạng các nhà thuốc để kiểm soát tình trạng bán thuốc tuỳ tiện

Trước tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam ngày càng trầm trọng, Bộ Y tế bắt đầu triển khai Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn (gọi tắt là Đề án kiểm soát bán thuốc kê đơn), bằng việc nối mạng giữa các nhà thuốc, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và trách nhiệm của cán bộ y tế trong thực hiện quy định bán thuốc kê đơn. Điều này rất quan trọng khi sẽ làm thay đổi thói quen nguy hại là sử dụng thuốc tùy tiện vốn phổ biến nhiều năm qua. Để làm rõ thêm vấn đề này, ngày 9-5, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế).

+ Thưa ông, Đề án kiểm soát bán thuốc kê đơn hướng tới điều gì?

Ông Vũ Tuấn Cường: Đề án trên nhằm đến năm 2020 đạt 100% kê đơn thuốc đủ nội dung theo quy định của Bộ Y tế về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú đối với cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) công lập, bệnh viện (BV)  tư nhân và đạt 80 % đối với cơ sở KCB tư nhân khác. Đến năm 2020, đạt 100% bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc tại quầy thuốc, nhà thuốc vv…

+ Ông có thể cho biết, những loại thuốc nào cần phải kê đơn?

Ông Vũ Tuấn Cường: Thuốc kê đơn là thuốc khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc, nếu sử dụng không theo đúng chỉ định của người kê đơn thì có thể nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe. Để phân biệt được thuốc nào là thuốc kê đơn, Bộ Y tế đã quy định cụ thể cách ghi nhãn thuốc đối với thuốc kê đơn tại Thông tư số 0l/2018/TT-BYT ngày 18-1-2018: Trên nhãn bao bì ngoài phải ghi ký hiệu “Rx” tại góc trên bên trái của tên thuốc và dòng chữ "Thuốc kê đơn". Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc: phải ghi ký hiệu “Rx” tại góc trên bên trái của tên thuốc, ghi dòng chữ “Thuốc này chỉ dùng theo đơn thuốc”.

+ Để có thể kiểm soát được việc bán thuốc kê đơn, đòi hỏi phải áp dụng công nghệ thông tin (CNTT). Như vậy, việc tin học hóa các nhà thuốc có nằm trong tiêu chỉ được mở nhà thuốc không, thưa ông?

Ông Vũ Tuấn Cường:  Để đảm bảo truy xuất nguồn gốc thuốc, kiểm soát được thuốc kém chất lượng, thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không theo đơn, Bộ Y tế đã pháp quy hóa việc ứng dụng CNTT trong hoạt động phân phối thuốc. Theo đó, tất các các cơ sở bán buôn thuốc phải có máy tính kết nối internet và quản lý hoạt động phân phối thuốc bằng phần mềm vi tính; có cơ chế chuyển thông tin về việc phân phối thuốc, chất lượng thuốc giữa nhà sản xuất với khách hàng cũng như chuyển giao thông tin cho cơ quan quản lý khi được yêu câu. Đây cũng là yêu câu bắt buộc đối với các cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất thuốc.

Các cơ sở bán lẻ cũng bắt buộc phải có thiết bị và triển khai ứng dụng CNTT với lộ trình cụ thể: Đối với nhà thuốc, đến 1-1-2019 phải có thiết bị và triển khai ứng dụng CNTT, kết nối mạng bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra; có cơ chế chuyển thông tin về việc mua bán thuốc, chất lượng thuốc giữa các nhà cung cấp với khách hàng cũng như việc chuyển giao thông tin cho cơ quản lý liên quan khi được yêu cầu. 

Đối với quầy thuốc, đến 1-1-2020 phải có thiết bị và triển khai ứng dụng CNTT kết nối mạng để bảo đảm các yêu cầu như với nhà thuốc. Đối với Tủ thuốc trạm y tế xã, đến 1-1-2021 phải có thiết bị và kết nối mạng bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả, nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra.

Hiện, Bộ Y tế đã triển khai thí điểm ứng CNTT đối với nhà thuốc tại 4 tỉnh: Phú Thọ, Hưng Yên, Nam Định và Vĩnh Phúc.

+ Điều mà nhiều người băn khoăn hiện nay là làm thế nào để biết được nhà thuốc có kết nối mạng hệ thống hay không?

Ông Vũ Tuấn Cường: Quy định các nhà thuốc phải có thiết bị và triển khai ứng dụng CNTT và kết nối mạng bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra là quy định bắt buộc. Vì vậy nhà thuốc nào không chấp hành là vi phạm và sẽ bị xử lý. 

Hiện nay, Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đang được sửa đổi, Bộ Y tế sẽ rà soát, bổ sung những hành vi vi phạm trong việc không chấp hành triển khai CNTT, kết nối mạng với mức phạt đủ sức răn đe: Ngoài xử phạt bằng tiền, còn bổ sung hình thức xử phạt như tước giấy chứng nhận điều kiện kinh doanh dược, tước chứng chỉ hành nghề dược.  

Các nhà thuốc trong quá trình hoạt động, ngoài việc định kỳ phải kiểm tra thẩm định việc đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc 3 năm/lần, còn phải chịu sự kiểm tra đột xuất, hoặc kiểm tra theo kế hoạch của các cơ quan chức năng như Bộ Y tế, Sở Y tế, Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, QLTT...

+ Ông có thể cho biết, cả nước hiện có bao nhiêu nhà thuốc và việc ứng dụng CNTT đối với các nhà thuốc liệu có khó khăn gì? Mục tiêu của Bộ Y tế là hết năm 2020 phải kết nối mạng tất cả các nhà thuốc liệu có hoàn thành?

Ông Vũ Tuấn Cường: Cả nước hiện có 12.734 nhà thuốc tư nhân, 1.200 nhà thuốc trong các cơ sở KCB. Quy định triển khai ứng dụng CNTT, kết nối mạng đối với nhà thuốc từ 1-1-2019.

Việc ứng dụng CNTT, kết nối mạng đối với các nhà thuốc có thể gặp một số khó khăn. Các cơ sở tham gia hệ thống phải có điều kiện để kết nối mạng như trang bị máy tính, có kết nối mạng; nhân sự phải được đào tạo, tập huấn. Việc triển khai sẽ phát sinh chi phí nên các đơn vị sẽ thiếu thiện chí; việc kết nối trong lĩnh vực dược cần có sự đồng bộ với các lĩnh vực khác như thuế khoán, thanh kiểm tra.

Đề án triển khai có lộ trình, sẽ tiến dần đến công khai, minh bạch toàn bộ quá trình kinh doanh của đơn vị. Vì thế, để có thể triển khai thành công việc ứng dụng CNTT với các nhà thuốc, các cấp, các ngành liên quan cần tạo điều kiện cho các cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc không bị xáo trộn trong hoạt động kinh doanh, để yên tâm và phối hợp thực hiện. Như vậy, mục tiêu kết nối mạng tất cả các nhà thuốc trên toàn quốc chắc chắn sẽ hoàn thành trong năm 2018.

+ Cảm ơn ông đã trao đổi! (Công an nhân dân, trang 6).

 

Tìm hướng thu hút bác sĩ chuyên khoa tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Những năm gần đây, Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những địa phương dành nhiều nguồn lực cho công tác chăm sóc sức khỏe của người dân. Hầu hết các trạm y tế tuyến xã, phường, trung tâm y tế tuyến huyện, thành phố và một số bệnh viện được đầu tư khang trang, hiện đại. Tuy nhiên, tỉnh đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ bác sĩ, nhất là bác sĩ chuyên khoa, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả của công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tình trạng thiếu hụt bác sĩ, nhất là bác sĩ chuyên khoa tại các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) công lập trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu diễn ra nhiều năm nay. Tỉnh đã có nhiều giải pháp, trong đó có những chính sách đãi ngộ đặc thù, mang tính “trải thảm”, nhưng vẫn khó thu hút các bác sĩ về công tác. Bác sĩ Nguyễn Minh An, Giám đốc Sở Y tế Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Bên cạnh số lượng bác sĩ ra trường hằng năm còn ít, không đáp ứng được nhu cầu thực tế thì do tác động của cơ chế thị trường, nhiều bác sĩ ở các bệnh viện công lập đã chuyển đến những nơi có điều kiện làm việc tốt hơn và có thu nhập cao hơn như các phòng khám, bệnh viện tư nhân trên địa bàn hay những cơ sở khám, chữa bệnh ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương...

Thời gian qua, Bà Rịa - Vũng Tàu đã có những chính sách đãi ngộ như: Trợ cấp 30% lương cơ bản cho công chức, viên chức ngành y tế; hỗ trợ bác sĩ thuộc diện thu hút (bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ có chuyên môn cao, bác sĩ về công tác tại tuyến xã...) từ 200 đến 350 triệu đồng/người và một số chế độ khác theo Đề án chính sách trợ cấp thu hút nguồn nhân lực cho ngành y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2015-2020. Ngoài ra, mỗi cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh cũng đều có những chính sách ưu đãi bổ sung khác. Như tại Bệnh viện Lê Lợi có thêm chính sách nâng hệ số lương trước thời hạn, hỗ trợ tiền thuê nhà, hỗ trợ chi phí đào tạo, chi thù lao làm việc sau ca trực… Tuy nhiên, đến nay, bệnh viện vẫn thiếu từ 15 đến 18 bác sĩ các chuyên khoa sản, gây mê, nội, chẩn đoán hình ảnh, dinh dưỡng...

Do thiếu bác sĩ cho nên tại các bệnh viện, mỗi bác sĩ phải khám từ 70 đến 80 người bệnh/tám giờ làm việc (quy định của Bộ Y tế là 50 người bệnh/tám giờ). Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng phải trực với lịch trực dày đặc hơn. Bác sĩ Trịnh Quốc Dương, Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Lê Lợi) chia sẻ: Ngoài công việc khá vất vả ở khoa, bác sĩ hồi sức còn phải hỗ trợ cho các khoa khác. Nhưng hiện tại, khoa chỉ có ba bác sĩ cho nên công việc rất vất vả, lịch trực dày, cứ ba, bốn ngày là bác sĩ lại phải trực. Công việc chắc chắn ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh của các bác sĩ quá tải, nguy cơ xảy ra sai sót chuyên môn và sự cố y khoa càng cao; đồng thời bác sĩ cũng không có thời gian để tham gia học tập nâng cao trình độ tay nghề.

Theo thống kê, các cơ sở khám, chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang thiếu hụt gần 250 bác sĩ, trong đó Bệnh viện Tâm thần tỉnh là đơn vị thiếu nhiều bác sĩ chuyên khoa nhất (hiện thiếu tới 27 bác sĩ), thế nhưng suốt 11 năm nay, kể từ khi thành lập năm 2006, không có bác sĩ chuyên khoa tâm thần nào nộp đơn xin về đây làm việc. Bệnh viện Tâm thần tỉnh hiện chỉ có 11 bác sĩ nhưng phải đảm nhiệm công tác khám ngoại trú cho từ 150 đến 200 người bệnh và điều trị nội trú cho từ 100 đến 120 người bệnh/ngày; đồng thời quản lý điều trị hơn 4.200 người bệnh tâm thần trên địa bàn. Thiếu nhân lực dẫn đến việc một ca trực vừa cấp cứu, vừa chăm sóc người bệnh tại bệnh viện thường chỉ có hai bác sĩ và hai điều dưỡng. “Vừa chăm sóc, vừa trông coi cả trăm người bệnh khiến chúng tôi rất vất vả và áp lực”, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hoàng, Trưởng khoa Điều trị nam chia sẻ.

Tương tự, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Phạm Hữu Chí cũng đang thiếu hụt rất nhiều bác sĩ chuyên khoa. Hiện, bệnh viện mới chỉ có năm bác sĩ, trong đó một bác sĩ chuyên khoa phổi, một bác sĩ chuyên khoa nội hô hấp và một bác sĩ chuyên khoa nội tổng quát. BS Nguyễn Văn Lương, Giám đốc Bệnh viện Phổi Phạm Hữu Chí, cho biết, trung bình hằng năm, Bà Rịa - Vũng Tàu phát hiện khoảng 1.500 ca mắc lao, trong đó 800 người bệnh lao phổi. Để điều trị tốt cho người bệnh, bệnh viện cần có thêm ít nhất 12 bác sĩ nữa, trong đó có năm bác sĩ chuyên khoa lao.

Theo Sở Y tế Bà Rịa - Vũng Tàu, để giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ chuyên khoa, giải pháp cơ bản hiện nay là đào tạo theo địa chỉ và đào tạo tại chỗ. Ngành y tế đã tham mưu cho tỉnh ban hành “Chính sách hỗ trợ đào tạo bác sĩ, dược sĩ cho ngành y tế từ nay đến năm 2020”. Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ toàn bộ học phí và học bổng hằng tháng cho 161 sinh viên hệ đại học các trường đại học: Y Hà Nội, Y dược Huế, Y dược TP Hồ Chí Minh, Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP Hồ Chí Minh), Y dược Cần Thơ. Sau khi ra trường, các sinh viên này sẽ về công tác tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập của tỉnh ít nhất 10 năm. Ngoài ra, trong năm 2017, ngành y tế cũng cử 71 y sĩ đang công tác tại các đơn vị y tế trong tỉnh đi học liên thông lên bác sĩ. Ngành y tế cũng xác định cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa nguồn nhân lực, trong đó chú trọng mời các chuyên gia đầu ngành, các bác sĩ có chuyên môn cao, uy tín đã về hưu để cộng tác với các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn. Đồng thời, nâng cao hơn nữa các chính sách đãi ngộ để thu hút và “giữ chân” các bác sĩ chuyên khoa, nhất là các chính sách về nhà ở bởi hầu hết các bác sĩ đang công tác tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đều đến từ các tỉnh, thành phố khác có nhu cầu ổn định chỗ ở.

Tuy nhiên, như chia sẻ của rất nhiều y, bác sĩ, muốn “giữ chân” các bác sĩ giỏi, bác sĩ chuyên khoa, thì địa phương không thể chỉ chú trọng đến những chính sách đãi ngộ về vật chất đơn thuần, bởi đội ngũ y, bác sĩ còn cần một môi trường làm việc thân thiện, công bằng, để tất cả đều có cơ hội thăng tiến và trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn. (Nhân dân, trang 5).

 

Khai mạc Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y dược Việt Nam lần thứ 25

Ngày 9/5, tại Cung Văn hóa Hữu nghị, Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu y tế Việt Nam (VMDIMEC VN) và Công ty Cổ phần Hội chợ Triển lãm và Quảng cáo Việt Nam (VIETFAIR) khai mạc Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y dược Việt Nam lần thứ 25 (VIETNAM MEDI-PHARM 2018). Triển lãm VIETNAM MEDI-PHARM 2018 quy tụ 535 gian hàng, 450 tập đoàn, doanh nghiệp đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự như: Ấn Độ, Bangladesh, Bỉ, Cộng hòa Séc, CHLB Đức, Đài Loan, Hà Lan, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Hồng Kông, Indonesia, Israel, Malaysia, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Thụy Điển, Trung Quốc, Triều Tiên, Phần Lan, Liên bang Nga, Việt Nam...

Sản phẩm trưng bày chính tại triển lãm năm nay gồm: Dược phẩm; thực phẩm chức năng; thiết bị y tế; bệnh viện-phòng khám, nha khoa, nhãn khoa; thiết bị hỗ trợ và kỹ thuật, sản phẩm chăm sóc sức khỏe; hóa chất, thiết bị phân tích, thí nghiệm; dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe chất lượng cao…

Với chủ đề “Tăng cường y tế cơ sở - Hướng tới bao phủ sức khỏe toàn dân”, khu trưng bày của Bộ Y tế tập trung tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác y tế; giới thiệu với nhân dân cả nước những hoạt động đổi mới tích cực, những thành tựu, nhiệm vụ trọng tâm của y tế Việt Nam năm 2018.

Trong khuôn khổ triển lãm còn có các hoạt tư vấn, hỏi - đáp thông tin về pháp luật, thị trường dược phẩm, trang thiết bị y tế; tuyên truyền, phổ biến kiến thức chăm sóc sức khỏe cộng đồng, phòng, chống dịch bệnh; hoạt động trải nghiệm các thiết bị y tế...

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, triển lãm là dịp để các doanh nghiệp trao đổi thông tin về các lĩnh vực trong ngành Y tế; đồng thời tăng cường đầu tư phát triển dịch vụ y tế nhằm phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân...

Ngành Y tế khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư về trang thiết bị y tế, bệnh viện, dịch vụ y tế.

Triển lãm VIETNAM MEDI-PHARM 2018 được tổ chức sẽ góp phần thực hiện tốt vai trò xúc tiến thương mại giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ thông qua việc gia tăng số lượng doanh nghiệp y tế tham gia, với sự hiện diện của các thương hiệu hàng đầu. Đây là cơ hội để các tổ chức, doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, tăng cường trao đổi kinh nghiệm, nắm bắt cơ hội đầu tư, mở rộng thị trường, liên doanh liên kết và chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện tốt chiến lược chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe toàn dân. (Hà Nội mới, trang 5).

 

Nhu cầu tiêm vaccine viêm não mô cầu tăng cao bất thường

Ngày 9/5, Khoa cấp cứu BV Nhiệt đới Trung ương cho biết, trường hợp mới nhất được xác định viêm màng não do mô cầu – một phụ nữ 24 tuổi ở Yên Bái đã được gia đình xin về do tiên lượng quá nặng. Đây là ca thứ 4 được chẩn đoán xác định mắc bệnh nguy hiểm này ở miền Bắc năm 2018...  (Gia đình & Xã hội, trang 7).

 

Cung ứng hơn 2 triệu liều vắcxin phòng bệnh dại trong năm 2018

Ông Đỗ Văn Đông, Cục Quản lý Dược cho hay, hiện nay, tại nhiều nơi, nhu cầu tiêm phòng dại của người dân tăng cao từ quý 1 và đặc biệt vào các tháng mùa Hè.

Theo số liệu thống kê của ngành y tế, trong 4 tháng đầu năm 2018 có 18 trường hợp tử vong do bệnh dại.

Vị đại diện Cục Quản lý Dược cho biết, sau khi nhận được thông tin phản ánh về việc có nguy cơ chưa cung ứng đủ vắcxin phòng bệnh dại, Cục Quản lý Dược đã chủ động liên hệ với các đơn vị liên quan để kịp thời giải quyết nhu cầu vắcxin phòng bệnh của nhân dân.

Ông Đông xác nhận, hiện tại, có 5 vắcxin phòng dại được cấp giấy đăng ký lưu hành và đã được nhập khẩu hoặc có thể được nhập khẩu vào Việt Nam (không yêu cầu cấp phép nhập khẩu), bao gồm: Verorab (sản xuất tại Pháp), Abhayrab, Indirab, Speeda, Rabipur (sản xuất tại Ấn Độ).

Theo báo cáo của các đơn vị nhập khẩu, khả năng cung ứng vắcxin phòng dại trong năm 2018 là đủ để cung ứng cho nhu cầu tiêm chủng của nhân dân.

Trong tháng 5/2018, sẽ có 273.000 liều vắcxin phòng bệnh dại, cao hơn gấp đôi số lượng nhập khẩu trung bình trong một tháng năm 2017 (122.250 liều/tháng/năm 2017).

Theo thông tin từ Cục Y tế dự Phòng, số lượng vắcxin phòng dại sử dụng trung bình mỗi năm khoảng 1.300.000 liều/năm.

Lượng nhập khẩu vắcxin phòng dại năm 2017 khoảng 1.467.000 liều (khoảng 517.000 liều Verorab và khoảng 950.000 liều Abhayrab).

Kế hoạch cung ứng các loại vắcxin trong năm 2018

Kế hoạch cung ứng trong năm 2018 (dự kiến) của các công ty: Vắcxin Verorab: khoảng 493.000 liều, Vắcxin Ahayrab: khoảng 1.400.000 liều, Vắcxin Indirab: khoảng 300.000 liều. Vắcxin Speeda đã nhập khẩu 2.200 liều trong năm 2018 và nếu các cơ sở tiêm chủng có nhu cầu thì cơ sở tiếp tục nhập khẩu các lô hàng tiếp theo.

Ông Đông cho hay, như vậy, theo báo cáo của các công ty nhập khẩu, sản xuất thì khả năng cung ứng vắcxin phòng dại trong năm 2018 cho thị trường Việt Nam chỉ tính riêng Verorab, Ahayrab và Indirab (chưa bao gồm Speeda) là 2.193.000 liều (cao gấp 149% so với tổng số lượng vắcxin phòng dại đã nhập khẩu trong năm 2017 và cao gấp 169% so với số lượng vắcxin phòng dại sử dụng trung bình mỗi năm)... (Gia đình & Xã hội, trang 15).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang