Tăng cường kiểm tra phát hiện hành vi trục lợi, gian lận quỹ BHYT
Qua công tác thanh, kiểm tra đã phát hiện có tình trạng lạm dụng sử dụng dịch vụ y tế, gian lận, trục lợi quỹ BHYT, gây ảnh hưởng đến quỹ BHYT và quyền lợi của người bệnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa ban hành Chỉ thị tăng cường công tác phòng, chống hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế (BHYT). Nguyên nhân là qua công tác thanh kiểm tra đã phát hiện có tình trạng lạm dụng sử dụng dịch vụ y tế, gian lận, trục lợi quỹ BHYT, gây ảnh hưởng đến quỹ BHYT và quyền lợi của người bệnh.
Để kịp thời ngăn chặn hành vi lạm dụng, gian lận, trục lợi quỹ BHYT, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT và sử dụng quỹ BHYT hợp lý, hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành tăng cường kiểm tra hành vi lạm dụng, gian lận, trục lợi quỹ BHYT ở các cơ sở khám chữa bệnh.
Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tăng cường công tác tự kiểm tra phòng chống hành vi lạm dụng, gian lận, trục lợi quỹ BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh, chữa bệnh, nhất là sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành các Thông tư điều chỉnh giá dịch vụ y tế.
Phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; đấu thầu, cung ứng, quản lý và sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc quyền quản lý; phòng ngừa và kịp thời phát hiện các hành vi lạm dụng, gian lận, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế, báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo hiểm y tế.
Đặc biệt Giám đốc các bệnh viện, viện có giường bệnh, cơ sở y tế khám chữa bệnh các tuyến phải tăng cường kiểm tra công tác lập hồ sơ bệnh án, kê đơn, cấp thuốc BHYT, không để xảy ra tình trạng lập hồ sơ bệnh án khống, kê đơn thuốc khống, cấp thuốc không đầy đủ cho người bệnh, để chiếm dụng thuốc, tiền của quỹ BHYT. Đảm bảo quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT tránh tình trạng yêu cầu người bệnh tự chi trả các dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế mặc dù đã có trong danh mục được quỹ BHYT chi trả và không đưa những nội dung này vào bảng kê chi phí. (Công an nhân dân, trang 1, An ninh Thủ đô, trang 4, Thanh niên, trang 4, Hà Nội mới, trang 7).
Phòng khám có bác sĩ Trung Quốc 'chặt chém', phán bừa: Yêu cầu tước giấy phép
Sở Y tế TP.Đà Nẵng yêu cầu Thanh tra Sở này xử phạt, tước giấy phép phòng khám có bác sĩ Trung Quốc 'chặt chém', phán bừa và thực hiện khám chữa bệnh chui.
Chiều 9.9, Sở Y tế TP.Đà Nẵng có kết quả kiểm tra Phòng khám đa khoa Hữu Nghị (291 Điện Biên Phủ, Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng), vừa bị người dân tố giác có bác sĩ Trung Quốc "chặt chém", phán bừa, khám chữa bệnh chui.
Trong đó, BS Lan Xin Xing có nhiều sai phạm khi khám bệnh cho nam bệnh nhân N.T.L (33 tuổi, ngụ Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) như chẩn đoán anh L. viêm niệu đạo. Theo kết quả xét nghiệm cận lâm sàng và tiêu chuẩn chẩn đoán nhiễm trùng niệu đạo, viêm niệu đạo, thì chỉ với kết quả tế bào biểu mô trong dịch niệu đạo, có rải rác bạch cầu, thì chưa đủ căn cứ chẩn đoán bệnh nhân viêm niệu đạo.
Khám bệnh, chữa bệnh vì mục đích vụ lợi
Sở Y tế xác định việc chẩn đoán và chỉ định điều trị viêm niệu đạo khi chưa đủ căn cứ đã vi phạm: chỉ định sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vì mục đích vụ lợi.
Đối với chẩn đoán bao quy đầu dài, dây hãm ngắn, BS chỉ căn cứ phiếu chụp dương vật, không phải soi dương vật, là chưa đủ cơ sở kết luận.
Ngoài ra, đối với bệnh nhân L., cơ sở còn vi phạm các giấy tờ khám chữa bệnh không có chữ ký BS cũng như xét nghiệm, không niêm yết giá dịch vụ; điều dưỡng Nguyễn Thị Mênh không đeo bảng tên.
Đối với tố cáo của nữ bệnh nhân H.T.N (20 tuổi, ngụ Q.Cẩm Lệ), Sở Y tế xác định BS Tao Gong Min mô tả chưa cụ thể bệnh trạng và cấp độ bệnh, nhưng lại chỉ định xét nghiệm đánh giá chức năng gan, mật là không cần thiết, qua đó sở kết luận chỉ định dịch vụ khám chữa bệnh vì mục đích vụ lợi.
Các phiếu khám, trả kết quả xét nghiệm cũng không có chữ ký người phụ trách, không niêm yết giá dịch vụ.
Đối với bệnh nhân B.V.M (22 tuổi, ngụ H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) cắt bao quy đầu tại Phòng khám đa khoa Hữu Nghị, ngoài thu tiền thủ thuật, Sở Y tế phát hiện phòng khám thu đến 15,85 triệu đồng cho dịch vụ vật lý trị liệu rối loạn cương dương là vi phạm vì dịch vụ này không có trong bảng giá niêm yết.
Đồng thời, thủ thuật cắt bao quy đầu và dịch vụ vật lý trị liệu rối loạn cương dương không có trong phạm vi hoạt động chuyên môn của phòng khám, phòng khám đã làm chui, chặt chém người bệnh, vi phạm cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn trong giấy phép.
Phòng khám này chỉ được sơ cấp cứu ban đầu về ngoại khoa, khám, xử lý vết thương thông thường, bó bột, tháo bột gãy xương nhỏ, mổ u bã đậu, u nông nhỏ, không chích các ổ mủ lan tỏa lớn.
Như Thanh Niên đã thông tin, sau Phòng khám đa khoa Hữu Thọ (280 - 282 Nguyễn Hữu Thọ, P.Khuê Trung, Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) liên tiếp có BS Trung Quốc tràn lan sai phạm, thì đến lượt Phòng khám đa khoa Hữu Nghị bị phát hiện "chặt chém" bệnh nhân.
Do đó, Sở Y tế chuyển Thanh tra Sở xử phạt các hành vi: không lập, hoặc lập sổ khám bệnh không đầy đủ, nhân viên không đeo bảng tên, không niêm yết giá, khám chữa bệnh vì mục đích vụ lợi và vượt quá chuyên môn trong giấy phép.
Với các vi phạm trên, Phòng khám đa khoa Hữu Nghị có khả năng chịu mức phạt tổng hợp lên đến 166 triệu đồng, cùng hình thức phạt bổ sung là tước giấy phép hoạt động từ 3 đến 6 tháng đối với phòng khám có bác sĩ Trung Quốc "chặt chém", phán bừa và khám chữa bệnh chui này. (Tiền phong, trang 4).
Người mang 'án oan' 10 năm nhiễm HIV kiện Giám đốc Sở Y tế
Ngày 9/9, anh Lê Mạnh Linh, người bị “kết án” oan gần 10 năm nhiễm HIV cho biết, TAND TP Ninh Bình vừa tiếp nhận đơn của anh về việc khởi kiện Giám đốc Sở Y tế Ninh Bình để đòi bồi thường thiệt hại tinh thần và vật chất.
Trước đó, ngày 12/8, Tiền Phong có bài: “Tan cửa nhà vì 'án oan' HIV”, phản ánh việc anh Lê Mạnh Linh (SN 1979, ở phường Tây Sơn, TP Tam Điệp, Ninh Bình) điều trị bệnh phổi, bất ngờ sau đó nhận “bản án” HIV. Anh Linh nhiều lần khiếu nại nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.
Anh Linh cho rằng, trong thời gian bị “kết án” oan, dẫn đến bị tổn thất, thiệt hại về tinh thần, vật chất, như mất việc làm, bị vợ bỏ, người thân xa lánh… Vì thế, anh Linh đã gửi đơn ra TAND TP Ninh Bình để khởi kiện Giám đốc Sở Y tế Ninh Bình, yêu cầu được bồi thường thiệt hại theo quy định.
Anh Lê Mạnh Linh cho biết thêm, đầu năm 2019, anh đã có đơn khiếu nại gửi Giám đốc Sở Y tế Ninh Bình đề nghị làm rõ việc mình bị “kết án” oan nhiễm HIV gần chục năm, yêu cầu xử lý trách nhiệm những người liên quan. Sau khi tiếp nhận đơn của anh Linh, Sở Y tế Ninh Bình đã giao cơ quan chuyên môn vào cuộc xem xét, sau đó Giám đốc Sở đã ban hành Quyết định số 1835a/QĐ-SYT về việc giải quyết khiếu nại.
Tại quyết định trên, Sở Y tế Ninh Bình nêu rõ: Anh Lê Mạnh Linh không bị nhiễm HIV. Kết quả xét nghiệm mẫu máu mang tên Lê Mạnh Linh là do Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS trả lời Bệnh viện Lao và bệnh Phổi, việc anh Linh dương tính với HIV là có sự nhầm lẫn. Tuy nhiên, không xác định được nguyên nhân dẫn đến sự nhầm lẫn kết quả là do trong quá trình lấy máu hay trong quá trình xét nghiệm.
Về việc này, Sở Y tế Ninh Bình xác định việc nhầm lẫn kết quả xét nghiệm mẫu máu của anh Lê Mạnh Linh và đưa vào phần mềm quản lý danh sách người nhiễm HIV/AIDS là trách nhiệm của các đơn vị, đồng thời yêu cầu các đơn vị: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Bệnh viện Phổi, Trung tâm Y tế thành phố Tam Điệp, Trạm Y tế phường Tây Sơn tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc nhầm lẫn kết quả xét nghiệm của anh Linh.
Sau khi có Quyết định của Sở Y tế Ninh Bình, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phối hợp với Trung tâm Y tế thành phố Tam Điệp, Trạm Y tế phường Tây Sơn đã tổ chức hội nghị thông báo với chính quyền địa phương về việc “anh Lê Mạnh Linh không phải là người nhiễm HIV, thời điểm tư vấn và làm xét nghiệm tự nguyện tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình ngày 25/1/2019”.
Cho rằng việc giải quyết trên là không thoả đáng, anh Linh đã gửi đơn khởi kiện Giám đốc Sở Y tế Ninh Bình ra tòa. (Tiền phong, trang 4).
Hà Nội: Số ca mắc bệnh tay chân miệng gia tăng ở trẻ mầm non khi tựu trường
Sở Y tế Hà Nội cảnh báo, bắt đầu mùa tựu trường đến hết những tháng cuối năm là thời điểm có thể ghi nhận số mắc bệnh tay chân miệng gia tăng, đặc biệt là nguy cơ lây lan trong các trường mầm non…
Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị y tế trực thuộc ngành triển khai các biện pháp tích cực, chủ động phòng chống tay chân miệng từ nay đến cuối năm 2019.
Theo đó, qua báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 554 trường hợp mắc tay chân miệng, giảm so với cùng kỳ năm 2018. Tuy vậy, những tháng cuối năm là thời điểm có thể ghi nhận số mắc bệnh tay chân miệng gia tăng.
Lý do vì trong mùa tựu trường, trẻ tập trung vào năm học mới, cộng với điều kiện thời tiết thuận lợi, điều kiện vệ sinh chưa đảm bảo là yếu tố thuận lợi cho sự lây lan và phát triển của dịch bệnh. Bệnh gặp chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi.
Vì thế, để kiểm soát sự gia tăng số ca mắc tay chân miệng mới, không xảy ra tử vong, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội tập huấn, hướng dẫn chuyên môn về giám sát và xử lý dịch tay chân miệng cho TTYT quận, huyện, thị xã; chú trọng hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong trường học.
Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu TTYT các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục tại địa phương triển khai các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng trong trường học, nhất là các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học và các cơ sở trông giữ trẻ… trên địa bàn.
Bệnh tay chân miệng hiện chưa có vaccine phòng bệnh. Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện 6 biện pháp tự phòng, chống dịch bệnh như sau: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; thực hiện tốt vệ sinh ăn uống; thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc với trẻ hàng ngày; không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất. (An ninh Thủ đô, trang 2).
Bổ nhiệm Phó GĐ Sở Y tế TP. HCM
Sáng 9-9, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm đã trao quyết định của UBND TP bổ nhiệm ông Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc BV Phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp, giữ chức vụ Phó GĐ Sở Y tế TP. HCM. Thời gian giữ chức vụ là năm năm.
Chúc mừng ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cho biết vấn đề chăm sóc sức khỏe không chỉ cho người dân TP.HCM mà còn cho cả các tỉnh, thành lân cận nên việc tăng cường lãnh đạo của ngành y tế luôn được TP quan tâm.
Từ đó, ông Lê Thanh Liêm mong ông Nam gắn bó đoàn kết với tập thể Sở Y tế để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ông Nguyễn Hoài Nam năm nay 47 tuổi, quê Bình Định. Ông có trình độ chuyên môn là bác sĩ chuyên khoa 2 chuyên ngành quản lý y tế, cao cấp lý luận chính trị. (Thanh niên, trang 4).
Cần thay đổi hình thức tuyên truyền phòng, chống sốt xuất huyết
Ngày 9-9, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đoàn công tác đã kiểm tra việc phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Theo báo cáo của Sở Y tế Đồng Nai, từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 11,6 nghìn ca mắc sốt xuất huyết, tăng gần 2,7 lần so với năm 2018, trong đó có ba ca tử vong. Số ca mắc sốt xuất huyết tăng ở hầu hết tất cả các huyện, thành phố. Ngành y tế đã phối hợp chính quyền các địa phương xử lý hơn 1,7 nghìn ổ dịch và tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất dập dịch trên diện rộng, truyền thông nâng cao ý thức phòng, chống bệnh cho người dân,… Phát biểu ý kiến kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết của tỉnh Đồng Nai trong thời gian qua. Đồng thời cho rằng, hiện đang trong thời điểm mùa mưa nên nguy cơ bùng phát là rất lớn, do đó, để hạn chế thấp nhất số người mắc và tử vong do sốt xuất huyết, ngành y tế và chính quyền các cấp cần tăng cường giám sát, xử lý ổ dịch; thay đổi, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền để mọi người dân đều có thể biết và thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đề nghị, đối với các bệnh viện cần phải lọc bệnh để giảm tải bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, tránh lây chéo, dẫn đến tử vong do sốt xuất huyết. Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã trả lời một số kiến nghị, đề xuất của tỉnh Đồng Nai trong triển khai phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết.
Trước đó, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và các thành viên đoàn công tác đã kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại phường Tam Phước, một trong bốn phường có số lượng người mắc sốt xuất huyết cao nhất TP Biên Hòa. Tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã trực tiếp đến kiểm tra phòng, chống sốt xuất huyết tại một số hộ dân. Đoàn cũng đến kiểm tra công tác khám chữa bệnh, điều trị bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai. (Nhân dân, trang 5).