Từ mô hình chăm sóc sức khỏe tinh thần học sinh ở Quận 3
Vấn đề học sinh gặp những khó khăn về sức khỏe tinh thần, nhất là sau đại dịch Covid-19 đang là một thực trạng gây lo lắng cho nhiều gia đình lẫn nhà trường. Nhu cầu chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh là một vấn đề cấp thiết.
Mô hình Phòng tư vấn học đường trực tuyến và trực tiếp dành cho học sinh trên địa bàn Quận 3 do ngành giáo dục triển khai với ba tiêu chí lớn: An toàn-Yêu thương-Tôn trọng đã và đang tạo ra những kết quả tích cực đến các em học sinh.
Điểm tựa cho phụ huynh học sinh
Em V. học lớp 8 nhiều năm liền là học sinh giỏi nhưng em vẫn thường tìm đến các chuyên viên tâm lý để được giải đáp những thắc mắc mà em không biết bày tỏ cùng ai.
Em V. cho biết, tuổi mới lớn em và các bạn thường có suy nghĩ, hành động chứng tỏ bản thân; có những xung đột với bạn bè, gia đình,… nhưng khi gặp các vấn đề phức tạp thì không biết xử lý như thế nào cho phù hợp nên dễ dẫn đến những vấn đề tâm lý trong cuộc sống.
Vì thế, phòng tâm lý học đường là địa chỉ thường được V. lựa chọn lui tới. Còn anh Vũ Thiện Chính, có con đang học cấp trung học cơ sở cũng tìm đến phòng tư vấn học đường để có thể trở thành “bạn” của con khi chúng đang trong độ tuổi phát triển về tâm sinh lý.
Anh Chính cho biết, trước đây, nhiều vấn đề không thể trao đổi do bất đồng quan điểm với con. Anh đã thử nhiều cách nhưng các con vẫn không lắng nghe và tiếp thu cho nên anh đã tìm đến phòng tư vấn để được các chuyên viên hướng dẫn.
Tiến sĩ Phạm Đăng Khoa, Trưởng phòng Giáo dục Quận 3 cho biết: Nhu cầu được lắng nghe, chia sẻ, hướng dẫn trong cuộc sống của học sinh ngày càng lớn, đòi hỏi ngành giáo dục phải có một kênh lắng nghe và giúp đỡ học sinh vượt qua khó khăn, yên tâm trưởng thành từng ngày.
Hè năm 2022, Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 3 đã làm việc với các đơn vị để xây dựng mô hình tư vấn tâm lý cho học sinh, giúp chuyên gia tâm lý và học sinh gần nhau hơn. Ứng dụng vào thực tế, ngành giáo dục Quận 3 lấy ba tiêu chí lớn: An toàn-Yêu thương-Tôn trọng để thực hiện.
Hiện, phòng thí điểm hoạt động ba phòng tư vấn tâm lý học đường tại ba trường trung học cơ sở (Trường Hai Bà Trưng, Bạch Đằng và Colette), mỗi trường đều có chuyên viên tâm lý có chuyên môn.
Ngoài ra, website: https://quan3.tamlyhocduong.org và ứng dụng trên CH Play (nền tảng Android) với sáu tính năng (Kiến thức tâm lý; Tư vấn tâm lý trực tuyến; Trắc nghiệm tâm lý; Tư vấn hướng nghiệp; Đặt lịch tư vấn trực tiếp; Những câu hỏi thường gặp) trở thành địa chỉ cho các em tìm đến mỗi khi gặp các vấn đề về tâm lý.
Tính từ 16/12/2022 đến 31/7/2023, các địa chỉ này đã có hơn 60.200 lượt truy cập; các bài viết về thông tin của tuổi mới lớn, tâm sinh lý tuổi học đường cũng có gần 54 nghìn lượt xem. Nhiều học sinh cũng đã đăng ký để được các chuyên viên tư vấn trên nền tảng trực tuyến.
Hoàn thiện để tiếp cận nhiều học sinh hơn
Tiến sĩ Phạm Đăng Khoa cho biết: Qua quá trình thực hiện mô hình, ngành giáo dục Quận 3 đã từng bước giải quyết các vấn đề bức thiết như: Tạo được một kênh lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ từng học sinh Quận 3; xã hội hóa hiệu quả hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh, đồng thời giải được bài toán thiếu cơ sở vật chất và chuyên gia để xây dựng phòng, góc tư vấn học đường trong các trường trên địa bàn quận.
Việc phát triển mô hình này cũng giúp các trường có thêm một kênh thông tin gần gũi với từng học sinh, giúp nhà quản lý giáo dục các cấp kịp thời có hướng hỗ trợ học sinh và củng cố được mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong công tác chăm sóc học sinh toàn diện.
Tiến sĩ Phạm Đăng Khoa cho rằng, mô hình có thể được mở rộng để phục vụ học sinh trên quy mô toàn thành phố cũng như nhân rộng ra các địa phương khác bởi tính phổ biến, điểm tương đồng trong quản lý, vận hành. Đồng thời, mô hình cũng là tiền đề để khuyến khích các trường mạnh dạn thành lập phòng, góc tư vấn học đường hỗ trợ học sinh.
Đánh giá về mô hình này, GS, TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Các trường cần có những mô hình hỗ trợ để học sinh được quan tâm sát sao hơn, bởi đây là các chủ nhân tương lai của đất nước. Vì thế các trường cần nhanh chóng hình thành và phát triển phòng tâm lý học đường.
Tuy đạt được những kết quả tích cực song nhiều vấn đề khó khăn cũng khiến mô hình này chưa hoàn thiện như mong đợi. Đơn cử, nơi tư vấn tâm lý vẫn ít trong khi số lượng học sinh có nhu cầu tư vấn, hỗ trợ ngày một đông hơn.
Một số trường trung học cơ sở chưa mạnh dạn áp dụng mô hình tại trường. Nhiều học sinh còn e dè khi đăng ký tham gia tư vấn trực tuyến. Kinh phí vận hành hệ thống tư vấn trực tuyến chưa có sự đầu tư bền vững khi thành phố chưa ban hành cơ chế về hướng dẫn sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ hoạt động tư vấn tâm lý học đường trong trường học.
Để mô hình hoạt động hiệu quả hơn, Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng kiến nghị Quận 3 thực hiện đầu tư kinh phí, trang bị cơ sở vật chất cho các trường để thành lập các phòng tâm lý học đường tại các trường trung học cơ sở còn lại. Đơn vị cũng tiếp tục lắng nghe ý kiến của học sinh, phụ huynh để cập nhật, bổ sung, nâng cao chất lượng hoạt động của mô hình. (Nhân dân, trang TP.HCM).
Phát hiện thêm nhiều ca bệnh đậu mùa khỉ
Sở Y tế TPHCM vừa có báo cáo nhanh về tình hình dịch bệnh trên địa bàn gửi đến UBND thành phố. Đáng lưu ý nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm là sự xuất hiện dồn dập bệnh đậu mùa khỉ. Hiện tại tổng số ca bệnh được phát hiện tại thành phố lên đến 13 trường hợp.
Theo đó, sau khi ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ thứ 5 tại quận Tân Bình, những ngày cuối tuần qua, các bệnh viện trên địa bàn thành phố liên tiếp phát hiện thêm 8 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Hiện tất cả bệnh nhân đã được cách ly, điều trị trong tình trạng sức khỏe ổn định. Ngành y tế đã khẩn trương điều tra dịch tễ, khoanh vùng các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân, cách ly, theo dõi tại nhà.
Sau quá trình điều tra dịch tễ, Sở Y tế nhận định các ca bệnh đậu mùa khỉ chưa phát hiện các yếu tố liên quan đến nước ngoài. Đây được xem là những ca bệnh nội địa, công tác giám sát phát hiện sớm và điều trị bệnh đậu mùa khỉ vẫn đang được ngành y tế TPHCM tăng cường tại các cửa khẩu và hệ thống bệnh viện, phòng khám tư nhân trên toàn địa bàn.
Tính từ khi xuất hiện ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên vào năm 2022, đến nay toàn TPHCM đã có 13 trường hợp mắc bệnh. Nếu tính trên cả nước thì tổng số ca bệnh được ghi nhận là 15 (2 ca bệnh còn lại được ghi nhận tại Bình Dương).
BS. Huỳnh Thị Thúy Hoa, Trưởng khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho rằng, đậu mùa khỉ không dễ lây lan ra cộng đồng. Bệnh có cách lây gần giống HIV do tiếp xúc, cọ sát với mụn nước, quan hệ tình dục với người đang mắc bệnh. Tuy nhiên, đậu mùa khỉ sẽ tự thải trừ hoàn toàn vi rút và lành bệnh nếu bệnh nhân có miễn dịch tốt.
BS. Thúy Hoa cho biết, bệnh đậu mùa khỉ chỉ diễn tiến nặng, có thể nguy hiểm đến tính mạng đối với người suy giảm miễn dịch (AIDS, xơ gan, tiểu đường). Các triệu chứng của bệnh diễn tiến nặng bao gồm các tổn thương da lớn hơn, lan rộng hơn (đặc biệt là ở miệng, mắt và bộ phận sinh dục), nhiễm trùng thứ phát ở da dẫn đến nhiễm trùng máu và viêm phổi nặng.
Cần phát hiện sớm ca bệnh trong cộng đồng
Ngày 9/10, trao đổi với báo chí, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), cho rằng cần điều tra dịch tễ, giám sát ca bệnh có tiếp xúc với người đi từ vùng dịch về hay không. Ngoài ra, cần tiếp tục tăng cường giám sát cửa khẩu, người đi vùng dịch về, giám sát cộng đồng có ghi nhận bệnh nhân và những nơi khác. Việc phát hiện sớm ca bệnh trong cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong khoanh vùng, cách li, tránh lây lan.
“Nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó để không mất kiểm soát dịch nhưng cũng không gây tốn kém nguồn lực, vì lúc này có rất nhiều bệnh dịch khác đang bùng phát như sốt xuất huyết, tay chân miệng”, PGS.TS Trần Đắc Phu nói.
Ông nhấn mạnh, bệnh đậu mùa khỉ không dễ lây lan cho tất cả mọi người trong cộng đồng, chỉ dễ lây lan trên một số nhóm người có nguy cơ như đồng tính nam, người song giới, người có bạn tình quan hệ tình dục không an toàn, không bảo vệ bằng bao cao su. Bệnh có thể lây do tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh đậu mùa khỉ vì bệnh này còn lây theo hình thức giọt bắn và qua dịch tiết.
“Người dân khi đã tiếp xúc gần với người có triệu chứng nghi ngờ đậu mùa khỉ, nếu có các triệu chứng nghi ngờ bệnh cần đến các cơ sở y tế địa phương để được chẩn đoán xác định và chủ động cách li, tránh lây cho người khác”, ông Phu khuyến cáo. (Tiền phong, trang 10).
Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 4: “TPHCM ghi nhận thêm 4 ca mắc đậu mùa khỉ”; Công an Nhân dân, trang 4: “Liên tiếp phát hiện ca mắc đậu mùa khỉ, cần làm gì ứng phó?”.
Hà Nội có ca mắc viêm não Nhật Bản đầu tiên
Ngày 9/10, tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, thành phố ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc viêm não Nhật Bản trong năm 2023. Bệnh nhân là một bé trai 5 tuổi ở huyện Phúc Thọ. Cụ thể, ngày 19/9, trẻ xuất hiện các biểu hiện như: sốt cao, đau đầu, mệt mỏi… Đến ngày 25/9, bệnh nhân nhập Bệnh viện Nhi Trung ương. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân dương tính với virus viêm não Nhật Bản. Gia đình cho biết, trước đó, trẻ đã tiêm 3 mũi cơ bản vắc xin phòng bệnh này.
TS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới Trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương), cho biết bệnh viêm não Nhật Bản thường khó phát hiện sớm do các triệu chứng ban đầu rất giống với những viêm nhiễm khác, diễn tiến của bệnh lại rất nhanh, thậm chí chỉ sau 1 ngày bệnh nhân đã có biểu hiện co giật, rơi vào hôn mê. Tử vong do viêm não Nhật Bản thường xảy ra trong 7 ngày đầu khi bệnh nhân có hôn mê sâu, co giật và những triệu chứng tổn thương não. Bệnh viêm não Nhật Bản chưa có thuốc kháng virus đặc hiệu. Tỉ lệ trẻ tử vong do mắc viêm não Nhật Bản là từ 3 - 5%.
Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, khi thấy trẻ có các triệu chứng sốt, ngủ nhiều, đau đầu, nôn khan thì bố, mẹ các em nên đưa đi khám. Trong trường hợp để trẻ xuất hiện các biểu hiện nặng thì sẽ gây ra nhiều biến chứng và rất khó khăn trong quá trình điều trị.
Các bác sĩ cho biết, hiện nay, tuy đa số các trẻ đã được tiêm phòng đầy đủ nhưng vẫn còn nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh do sức đề kháng kém, chưa tiêm vắc xin phòng bệnh hoặc tiêm không đủ số mũi. “Các bà mẹ có con lớn tuổi mắc viêm não Nhật Bản hầu hết đều cho rằng, con đã được tiêm phòng 3 mũi đầy đủ đến 2 tuổi. Nhưng đây là quan niệm sai lầm khiến gia tăng trẻ lớn mắc bệnh. Các bậc cha mẹ nên tiêm phòng cho con mình đầy đủ và tiêm nhắc lại 3-5 năm một lần đến năm 15 tuổi”, bác sĩ Hải khuyến cáo. (Tiền phong, trang 15).
Cùng chủ đề An ninh Thủ đô, trang 4: “Ghi nhận ca viêm não Nhật Bản đầu tiên tại Hà Nội trong năm 2023”.
Chuyển đổi bệnh án giấy sang bệnh án điện tử: Những bước đi quá chậm
Bệnh án điện tử (BAĐT) được Bộ Y tế đánh giá là cốt lõi và điểm khởi đầu cho vấn đề chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế. Mặc dù mang lại nhiều lợi ích cho cả cơ sở y tế cũng như người bệnh, song hiện nay tốc độ chuyển đổi sang BAĐT vẫn còn chậm.
Giảm quy trình, tăng tiện ích
8 giờ sáng, anh Trần Huy Luân (47 tuổi, ngụ phường Linh Tây, TP Thủ Đức, TPHCM) đến khám bệnh tại Bệnh viện (BV) thành phố Thủ Đức. Anh được chỉ định xét nghiệm sinh hóa máu, siêu âm vùng bụng, chụp X-quang vùng ngực. Sau khi có các kết quả, anh trở về phòng khám ban đầu và chờ lãnh thuốc. Tất cả quy trình chỉ mất khoảng 80 phút. Nếu như trước đây, mỗi lần khám bệnh anh Luân phải mất không dưới 3 tiếng đồng hồ, thì nay thời gian đã giảm đáng kể nên anh rất hài lòng.
Là BV đầu tiên trong cả nước triển khai thí điểm BAĐT từ năm 2015, đến nay BV thành phố Thủ Đức đã số hóa toàn bộ hồ sơ bệnh án bằng giấy và tích hợp vào phần mềm trên 6.000 hồ sơ bệnh án giấy, giúp lưu trữ được lâu, phục vụ thuận tiện cho công tác thống kê, báo cáo, nghiên cứu khoa học, dự báo…
TS-BS Vũ Trí Thanh, Phó Giám đốc phụ trách BV thành phố Thủ Đức, cho biết, BAĐT giảm thời gian truy xuất rõ rệt so với bệnh án giấy, từ gần 31 phút xuống chỉ còn gần 19 phút. Nếu tính số lượng hàng ngàn bệnh án phải thực hiện mỗi ngày, số thời gian được tiết giảm rất đáng kể, chưa kể các tiện ích trong việc lưu trữ, truy xuất khi cần. Tương tự, nhằm đáp ứng yêu cầu khám và điều trị của hơn 2.000 người bệnh ngoại trú, gần 900 người bệnh nội trú mỗi ngày, từ năm 2022 đến nay, BV Bình Dân không ngừng đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng đến hoàn thiện BAĐT. Gần như các module trong hồ sơ bệnh án đã được làm xong và hoạt động suôn sẻ, đạt mức 5/7 theo Thông tư 46/2018/TT-BYT của Bộ Y tế quy định hồ sơ BAĐT.
Hình ảnh điều dưỡng, bác sĩ hay thư ký y khoa sử dụng hồ sơ điện tử ngày càng trở nên quen thuộc với những người bệnh đang điều trị tại đây. Theo ThS Võ Thuận Anh, Điều dưỡng trưởng BV Bình Dân, trước đây, điều dưỡng phải viết tay 5 biểu mẫu trên giấy sau khi chăm sóc người bệnh, mất khá nhiều thời gian, thì nay đã tích hợp thành 1 biểu mẫu điện tử. Các thông số như mạch, nhiệt độ, huyết áp của người bệnh được cập nhật tự động ngay khi điều dưỡng nhập các dữ liệu, vô cùng tiện lợi, chính xác và an toàn.
Chưa như mong đợi
Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước có khoảng 1.300 cơ sở khám chữa bệnh, trong đó có khoảng 135 bệnh viện hạng I trở lên. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có khoảng 50 cơ sở y tế (gồm cả công lập và tư nhân) chính thức công bố chuyển từ bệnh án giấy sang BAĐT. Tại TPHCM, một số đơn vị đã triển khai BAĐT như: BV thành phố Thủ Đức, BV Đại học Y Dược, BV Hùng Vương, BV Bình Dân, BV Gia An 115…
Đến nay, đã có 41/51 BV đã xây dựng kế hoạch triển khai BAĐT, và 27/51 BV đảm bảo triển khai BAĐT trong năm 2023 theo đúng lộ trình của Bộ Y tế. Theo các BV, để triển khai BAĐT, cần phải có nguồn kinh phí lớn đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin, nhân lực…
Thế nhưng, nguồn kinh phí này rất khó khăn với các BV tự chủ vì chi phí cho công nghệ thông tin chưa được đưa vào cơ cấu giá của dịch vụ kỹ thuật thực hiện, do đó nhiều nơi vẫn còn loay hoay xoay xở. Bác sĩ Mai Đức Huy, Phó Giám đốc BV Đa khoa Sài Gòn, thông tin, BV mới chỉ thực hiện BAĐT ở mức độ cơ bản và sắp tới sẽ nâng cấp hệ thống thông tin bệnh viện đạt mức 6 để triển khai BAĐT mức nâng cao, bỏ bệnh án giấy.
“BV đang thực hiện theo Thông tư 46 của Bộ Y tế hướng dẫn về việc triển khai BAĐT. Tuy nhiên, hiện có rất nhiều quy định mới về bảo mật an toàn thông tin, về chữ ký số, các chuẩn quy định về kho lưu trữ dữ liệu điện tử... khiến công tác thực hiện gặp lúng túng”, bác sĩ Mai Đức Huy nói. Để việc triển khai BAĐT được nhanh, hạn chế các khuyết điểm và tuân thủ đúng các tiêu chí, BV Đa khoa Sài Gòn rất mong được Bộ Y tế, Sở Y tế tổ chức các buổi tham quan học tập kinh nghiệm tại các BV đã triển khai thành công BAĐT để tham khảo.
Đồng quan điểm, bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Chợ Rẫy, cho rằng, việc triển khai BAĐT phải có sự liên thông, liên kết giữa các cơ sở y tế, vì một bệnh nhân không chỉ đi khám chữa bệnh ở một BV mà có thể điều trị tại nhiều BV khác nhau, khi liên kết được những thông tin này thì BAĐT mới trở nên thực chất. Bộ Y tế cần đưa ra một mẫu BAĐT chuẩn áp dụng cho tất cả BV trên toàn quốc, để khi cần thì các BV có thể truy xuất, trích xuất thông tin của bệnh nhân ở các BV khác. Nếu không thì khi bệnh nhân chuyển tuyến vẫn buộc phải làm thủ tục bằng giấy, và đến BV tuyến sau phải thực hiện lại hồ sơ bệnh án từ đầu, việc triển khai BAĐT sẽ chỉ là… nửa vời!
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã yêu cầu toàn ngành y tế phải đẩy mạnh chuyển đổi số: thúc đẩy thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt; khẩn trương triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy; triển khai đơn thuốc điện tử; đặt lịch khám, chữa bệnh trực tuyến; chú trọng các giải pháp hỗ trợ người dân, người bệnh, sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip, nhận dạng sinh trắc học khi đăng ký và trong quá trình khám, chữa bệnh. Đến hết năm 2025, tất cả BV trên cả nước phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử. (Sài Gòn giải phóng, trang 4).
Bộ Y tế: Không sử dụng khí N2O trên người bệnh khi chưa được phê duyệt
Theo Bộ Y tế, báo cáo của Cục Quản lý Dược và một số đơn vị liên quan khẳng định, khí N2O chưa đủ cơ sở pháp lý được công nhận là thuốc chữa bệnh tại Việt Nam.
Bộ Y tế vừa có Công văn gửi Cục Quân y (Bộ Quốc phòng); Cục Y tế (Bộ Công an); các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Sở y tế các tỉnh, thành phố; Y tế ngành về việc không sử dụng khí N2O - khí Nitơ Oxyd (tên hóa học là Dinitrogen monoxyd) trên người bệnh.
Tại văn bản do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký ban hành cho biết, hiện nay, tình trạng lạm dụng khí N2O tại một số điểm vui chơi, giải trí gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của người dân.
Theo Bộ Y tế, báo cáo của Cục Quản lý Dược và một số đơn vị liên quan khẳng định, khí N2O chưa đủ cơ sở pháp lý được công nhận là thuốc chữa bệnh tại Việt Nam. Vì vậy, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không sử dụng khí N2O trên người bệnh khi chưa được Bộ Y tế phê duyệt. Cùng đó, các đơn vị tăng cường quản lý việc sử dụng loại khí này tại cơ sở (nếu có) để tránh thất thoát, lạm dụng và sử dụng sai mục đích.
"Đơn vị nào để xảy ra việc thất thoát, lạm dụng hoặc sử dụng sai mục đích thì thủ trưởng đơn vị đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật."- Văn bản của Bộ Y tế nhấn mạnh.
Trước đó, Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng sản phẩm khí N2O. Theo đó, Bộ Y tế cho hay, khí Nitơ Oxyd (tên hóa học là Dinitrogen monoxyd) có công thức hóa học là N2O, là hóa chất được sử dụng trong công nghiệp (sản xuất pin mặt trời, trong kỹ thuật hàn, cắt, dùng cho máy, thiết bị phân tích, tăng công suất động cơ...); đồng thời được sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm (có trong danh mục phụ gia thực phẩm của Ủy ban thực phẩm quốc tế - Codex); và đang được nghiên cứu sử dụng để an thần, giảm đau trong nha khoa.
Tuy nhiên, việc lạm dụng, sử dụng không đúng mục đích khí Nitơ Oxyd (N2O) có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, đặc biệt là trong giới trẻ do thần kinh bị kích thích, hưng phấn và gây cười; sử dụng lâu sẽ dẫn đến tự kỉ, đau đầu, mệt mỏi, suy nhược cơ thể; sử dụng liều cao có thể dẫn đến ảo giác... Đồng thời có thể có những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.
Để tăng cường công tác quản lý đối với khí Nitơ Oxyd (N2O) theo quy định pháp luật, phòng chống việc lạm dụng, sử dụng sai mục đích, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai:Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở nhập khẩu, kinh doanh, sang chiết sản phẩm khí Nitơ Oxyd (N2O) bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý hóa chất cũng như quản lý phụ gia thực phẩm; tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông đến người dân, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên về tác hại và hậu quả của việc lạm dụng sử dụng, sử dụng sai mục đích khí Nitơ Oxyd (N2O).
Đồng thời, ban hành các quy định theo thẩm quyền để ngăn ngừa và xử lý việc lạm dụng, sử dụng sai mục đích khí Nitơ Oxyd (N2O) nhất là tại các điểm vui chơi, giải trí như các quán bar, vũ trường, quán karaoke, rạp chiếu phim, công sở, trường học...
Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương thực hiện rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sản phẩm khí Nitơ Oxyd (N2O) nhằm bảo đảm kiểm soát triệt để nguy cơ lạm dụng, sử dụng sai mục đích, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh theo đúng quy định.
Trên thực tế thời gian qua, báo Sức khỏe & Đời sống đã có nhiều lần phản ánh, thông tin việc giới trẻ lạm dụng sử dụng 'bóng cười' và những hệ lụy nghiêm trọng về sức khoẻ khi lạm dụng khí N2O. Đã có không ít trường hợp phải nhập viện điều trị dài ngày vì tổn thương tủy cổ, tê yếu tay chân do ngộ độc khí N2O, loạn thần... (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3).