Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 10/9/2021

  • |
T5g.org.vn - Bình Dương cấp 'thẻ xanh' cho người tiêm 2 mũi vắc-xin; Hà Nội phân bổ 1 triệu liều vắc xin Sinopharm về 30 quận, huyện; Chiến lược mới: Chống dịch theo nguy cơ từng khu vực; Phải chăm lo sức khỏe cho đội ngũ y tế; TPHCM thận trọng nới lỏng giãn cách; Vắc xin Covivac thử nghiệm giai đoạn 2

Bình Dương cấp 'thẻ xanh' cho người tiêm 2 mũi vắc-xin

Ngày 9/9, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, nói với phóng viên Tiền Phong, tỉnh đã yêu cầu các địa phương “vùng xanh” quản lý việc đi lại trong vùng theo hướng sẽ triển khai cấp “thẻ xanh” cho người tiêm đủ 2 mũi vắc-xin. Người tiêm 1 mũi được cấp “thẻ vàng” khi lưu thông trong “vùng xanh” và phải có thêm giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính. Theo ông Minh, địa phương sẽ nới lỏng nhưng có kế hoạch kiểm soát dịch bệnh trên tinh thần không chủ quan, lơ là.

Các chợ truyền thống, trung tâm thương mại, siêu thị được hoạt động trở lại với điều kiện có xây dựng phương án kinh doanh đảm bảo phòng, chống dịch cụ thể và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Dừng hoạt động các chốt kiểm soát dịch bệnh liên khu phố, cho phép người dân địa phương lưu thông trong phạm vi phường; đối với các chốt liên phường, liên huyện, liên tỉnh, vẫn tiếp tục duy trì. Hiện nay, tỉnh Bình Dương có các huyện “vùng xanh” gồm Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Phú Giáo và Bắc Tân Uyên. TX Bến Cát, TP Thủ Dầu Một là “vùng vàng” và TX Tân Uyên, TP Thuận An, TP Dĩ An “vùng đỏ”.

Theo kế hoạch, đến ngày 15/9, toàn tỉnh Bình Dương sẽ trở lại trạng thái bình thường mới... Theo đó, từng bước nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, trước mắt cho phép một số lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ thiết yếu hoạt động trở lại, nhưng khống chế về số lượng người phục vụ; một số lĩnh vực ăn uống chỉ cho phép mang về, không phục vụ tại chỗ.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo Sở KH&ĐT phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu kế hoạch phục hồi kinh tế, xã hội sau ngày 15/9 khi hết giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Cùng với việc thần tốc xét nghiệm diện rộng, nhất là ở các “vùng đỏ”, Bình Dương tiến hành tiêm vắc-xin COVID-19 cho người dân. Đến nay, Bình Dương có gần 1,3 triệu người được tiêm vắc-xin trong tổng dân số khoảng 2,6 triệu người. Để đạt miễn dịch cộng đồng, sống chung với dịch bệnh, địa phương cần tiêm vắc-xin cho hơn 2 triệu người thuộc đối tượng ưu tiên.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi, tuy là “vùng xanh” nhưng xung quanh vẫn có các “điểm đỏ”, vì vậy công tác xét nghiệm sàng lọc tìm F0 đòi hỏi phải thực hiện liên tục tại các khu vực này, không bỏ sót F0 dẫn đến bùng phát ổ dịch mới. “Hiện nay công tác phòng, chống dịch bệnh đã chuyển sang trạng thái “sống chung với dịch”. Do đó, việc phát hiện, xử lý các ổ dịch mới trong thời gian tới sẽ xem như công việc bình thường. Các địa phương xem xét nghiệm là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên để kịp thời kiểm soát tốt dịch bệnh”, ông Lợi nói (Tiền phong, trang 3).

 

Hà Nội phân bổ 1 triệu liều vắc xin Sinopharm về 30 quận, huyện

Sở Y tế Hà Nội vừa có thông tin phân bổ về gần 1 triệu liều vắc xin Sinopharm về các quận, huyện trên địa bàn thành phố để tiêm phòng chống COVID-19. Sở Y tế Hà Nội vừa có thông báo về việc Bộ Y tế phân bổ vắc xin phòng COVID-19 đợt 33, trong đó cấp cho thành phố Hà Nội 999.600 liều vắc xin Sinopharm (Tiền phong, trang 3; An ninh thủ đô, trang 4).

 

Chiến lược mới: Chống dịch theo nguy cơ từng khu vực

Vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện các ổ dịch COVID-19 trong cộng đồng và có khả năng bùng phát; ở một số địa phương, dịch đã nhiễm sâu trong cộng đồng, tương đương những nơi nhiễm nặng trên thế giới. Do đó, cần có những biện pháp chống dịch mới phù hợp diễn biến.

Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp ngày 9/9 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, chủ trì với Bộ Y tế, Bộ KH&CN, cùng các chuyên gia, nhà khoa học về các biện pháp chống dịch trong tình hình mới. Các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất, trong chiến lược chống dịch chung của cả nước, vẫn cần phải có chiến lược riêng cho hai khu vực khác nhau theo nguy cơ dịch bệnh. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, giãn cách vẫn là biện pháp cả thế giới đang áp dụng để ngăn chặn chuỗi lây nhiễm COVID-19, kể cả khi người dân đã tiêm đủ liều vắc-xin. Nhưng giãn cách phải thực chất, thực hiện nghiêm, đồng thời có chuẩn bị về nguồn nhân lực, thiết bị y tế và nguồn ôxy để điều trị cho người bệnh.

Theo báo cáo của Bộ Y tế tại cuộc họp, trong số 23 địa phương đang thực hiện giãn cách, TPHCM đang trong giai đoạn cao điểm của chiến dịch xét nghiệm diện rộng toàn thành phố nên số ca mắc mới tiếp tục ghi nhận ở mức cao. Các tỉnh, thành phố còn lại cơ bản vẫn ghi nhận số ca mắc mới trong cộng đồng hằng ngày tuy không cao…

Tại 40 tỉnh, thành phố còn lại, tình hình dịch cơ bản đang trong tầm kiểm soát, nhưng vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện các ổ dịch trong cộng đồng và có khả năng bùng phát. Do đó, các địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là. Các chuyên gia cho rằng, không có biện pháp chống dịch COVID-19 tách biệt, đơn lẻ. Những đợt dịch trước đây, Việt Nam đã chống dịch tốt.

Với diễn biến mới của dịch, Việt Nam vẫn cần các biện pháp phối hợp để duy trì thành công này. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nói: “Làn sóng dịch thứ tư với biến chủng Delta khiến số ca mắc tăng theo cấp số nhân, dẫn đến quá tải và số ca tử vong tăng cao. Đặc biệt, thấy rõ vấn đề về thiếu trang thiết bị y tế và vắc-xin”. Các chuyên gia đề nghị có công cụ, bộ tiêu chí đánh giá mức độ lây nhiễm, từ đó, phòng tránh lây nhiễm và có biện pháp để giảm thiểu số ca tử vong. Với bộ tiêu chí này, chính quyền địa phương sẽ quyết định thắt chặt giãn cách hay nới lỏng.

Các chuyên gia cũng đặt vấn đề về việc áp dụng biện pháp phòng, chống dịch khác nhau giữa người đã tiêm đủ liều vắc-xin và người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều. Các nhà khoa học thẳng thắn cho rằng, có tình trạng lúng túng trong triển khai các biện pháp chống dịch COVID-19, thiếu thông tin định hướng tốt trên truyền thông…

Ứng phó phù hợp diễn biến mới

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên phát biểu, COVID-19 là bệnh truyền nhiễm mới nổi, như vậy phải vừa làm vừa nghiên cứu vừa tìm biện pháp ứng phó phù hợp với diễn biến dịch bệnh.

“Sau thời gian triển khai phòng, chống dịch COVID-19, chúng ta đã vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tiếp thu các ý kiến của nhân dân, các nhà khoa học, tham khảo các bài học quốc tế, từng bước hoàn thiện để chống dịch hiệu quả hơn. Kết quả vừa qua cho thấy, công tác phòng, chống dịch đang đi đúng hướng, phù hợp với diễn biến tình hình và điều kiện thực tế của Việt Nam. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, khó lường, vì vậy vẫn phải tiếp tục vừa làm vừa rút kinh nghiệm để bổ sung, hoàn thiện với tinh thần thực hiện quyết liệt và hiệu quả”, ông Tuyên nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, khi dịch diễn biến phức tạp và lây lan vào các khu công nghiệp tại Bắc Ninh và Bắc Giang, Ban Chỉ đạo Quốc gia đã có hướng thực hiện cách ly F1 tại nhà và hướng dẫn công nhân tự lấy mẫu xét nghiệm. Đến khi dịch tiếp tục diễn biến phức tạp tại TPHCM, chiến lược ứng phó đã có điều chỉnh từ xét nghiệm đến phân tầng điều trị và cho một số F0 điều trị, cách ly tại nhà.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, tình hình dịch đã “nhiễm sâu” đặc biệt ở TPHCM và một số địa phương lân cận như Bình Dương, Long An, Đồng Nai… Những địa phương này hiện không khác những nơi nhiễm nặng nhất trên thế giới. Trong khi đó, dịch bệnh tại các tỉnh, thành phố khác vẫn đang được kiểm soát. Do đó, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, cần có sự điều chỉnh về các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với diễn biến trong nước. Với những tỉnh, thành phố kiểm soát dịch bệnh, ghi nhận ít ca mắc, các chuyên gia khuyến cáo vẫn tiếp tục tăng cường công tác phát hiện, cách ly F0, F1, truy vết F2, F3.

Đối với khu vực dịch bệnh lây nhiễm sâu như TPHCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai..., phải có những biện pháp chống dịch đặc biệt như tập trung kiểm soát nguồn lây để kéo giảm số ca mắc mới, giảm nhanh số ca tử vong, đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin. Sau đó, các địa phương này dần nới lỏng hoạt động sản xuất, kinh doanh theo trạng thái bình thường mới như các nước phát triển đã tiêm vắc-xin đạt miễn dịch cộng đồng. Cùng với đó, bên ngoài thành phố là vành đai an toàn, kiểm soát chặt người ra vào, không để dịch lây lan ra các địa phương khác (Tiền phong, trang 5).

 

Phải chăm lo sức khỏe cho đội ngũ y tế

Theo số liệu cập nhật đến nay có trên 17.000 nhân lực y tế chi viện cho các tỉnh phía Nam chống dịch. Và hiện TP.HCM được chi viện phần lớn số lượng, ước tính khoảng 10.000 người. Lực lượng này hỗ trợ rất lớn, "chia lửa" cho đội ngũ y tế tại TP.HCM trong công tác phòng chống dịch COVID-19 thời gian qua.

Bộ Y tế đánh giá ngoài làm việc môi trường áp lực cao, nhân viên y tế là những người có nguy cơ nhiễm bệnh. Chỉ tính sơ bộ riêng TP.HCM đã có trên 900 nhân viên y tế phơi nhiễm trong quá trình tham gia chăm sóc, điều trị người bệnh. Ở nhiều quốc gia số nhân viên y tế mắc chiếm khoảng 10% tổng số ca mắc COVID-19. Đã có 3 nhân viên y tế tử vong trong khi làm nhiệm vụ, trong đó TP.HCM 2 người và Bình Dương 1 người.

Liên quan đến việc đảm bảo các chế độ chính sách cho đội ngũ y tế, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản khẩn gửi bệnh viện điều trị COVID-19 đề nghị đảm bảo các chế độ phụ cấp chống dịch cho nhân viên y tế, tình nguyện viên khi tham gia công tác phòng chống dịch. Đặc biệt, đảm bảo các phương tiện phòng hộ đạt chuẩn, bữa ăn đủ dinh dưỡng, đa dạng và có nơi nghỉ ngơi sau khi làm việc.

Để "tiếp sức" cho nhân viên y tế, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng đề nghị TP.HCM ngoài việc tăng cường lực lượng hỗ trợ, cần đảm bảo thời gian nghỉ sau khi kết thúc ca trực cho các nhân viên y tế, tránh để làm việc liên tục trong thời gian dài không có ngày nghỉ. Đặc biệt TP.HCM cần cung cấp thực phẩm, điều chỉnh chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng, có thêm lựa chọn phù hợp khẩu vị mỗi vùng miền đối với lực lượng chi viện. Với trường hợp nhân viên y tế không may mắc COVID-19 cần được đảm bảo chế độ ăn tối thiểu như thường ngày, không áp dụng chế độ của người bệnh (Tuổi trẻ, trang 2).

 

TPHCM thận trọng nới lỏng giãn cách

Chính quyền TPHCM đang xem xét để nới lỏng giãn cách một số khu vực địa bàn, đồng thời xây dựng phương án khôi phục dần các hoạt động kinh doanh khi điều kiện cho phép. Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, việc mở cửa các hoạt động kinh doanh sẽ dựa trên nguyên tắc mở cửa dần dần và an toàn đến đâu mở đến đó. Thời gian sắp tới, TPHCM xác định người dân phải sống trong điều kiện có dịch bệnh (bình thường mới-PV). “Muốn như vậy kế hoạch mở cửa phải chuẩn bị. Mở cửa phải theo từng bước, có nguyên tắc thì sẽ đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân và đảm bảo tốt cho phục hồi hoạt động sản xuất”, ông Mãi nhấn mạnh.

Ông Mãi cho biết, từ nay đến ngày 15/9, TPHCM vẫn tiếp tục áp dụng các biện pháp như từ ngày 23/8 đến nay. Tuy nhiên, các chuỗi cung ứng hàng hóa (siêu thị) sẽ mở đến xã, phường, thị trấn. Trong những khu vực vùng đỏ, shipper sẽ đi chợ thay người dân, còn ở vùng xanh, người dân được đi chợ 1 tuần/lần và khuyến khích những người đi chợ đã tiêm 2 mũi vắc-xin. Từ nay đến ngày 15/9, những vùng xanh sẽ thí điểm dịch vụ bán thức ăn mang về. Sau ngày 15/9, TPHCM sẽ mở lại những hoạt động an toàn. Theo ông Mãi, địa bàn nào an toàn thì TPHCM sẽ mở nhiều hoạt động. Những hoạt động an toàn cho người tham gia sẽ được mở lại. Cụ thể, sau 15/9, nếu tình hình dịch được kiểm soát, TPHCM dự kiến sẽ mở cửa một số ngành kinh doanh như hoạt động thương mại điện tử thông qua shipper, trang thiết bị phục vụ y tế, lương thực thực phẩm, cửa hàng xăng dầu, gas, công trường xây dựng, cung cấp vật liệu xây dựng…

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, việc thực hiện giãn cách với nhiều mức độ khác nhau trong nhiều tháng qua là để TPHCM cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, từng bước mở dần lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đưa cuộc sống dần trở lại bình thường.

5 tiêu chí bắt buộc

Quận 7 là một trong hai địa phương đầu tiên tại TPHCM công bố kiểm soát được dịch. Theo Chủ tịch UBND quận 7 Hoàng Minh Tuấn Anh, kế hoạch của thành phố đặt ra về công tác kiểm soát dịch dựa trên 5 tiêu chí: kéo giảm tỉ lệ tử vong của người mắc COVID-19; Không để trường hợp F0 chuyển nặng và không được điều trị; khẩn trương xét nghiệm để mở rộng vùng xanh, không bị lây nhiễm; duy trì và kiểm soát lây nhiễm, không để lây lan, phát sinh thêm ổ dịch mới; người dân phải được tiêm vắc-xin mũi 1 trên 70%.

Tỉ lệ tiêm vắc-xin của quận 7 đã đạt khoảng 98-99%. Trong 1 tháng qua, quận không xuất hiện ổ lây nhiễm mới. Tỉ lệ vùng xanh của quận 7 đạt 68-69%, tỉ lệ vùng đỏ và vùng cam giảm xuống khoảng 25%. Nhờ thực hiện tốt công tác chăm sóc F0 tại nhà nên trong vòng 1 tháng qua, tỉ lệ F0 trở nặng rất thấp. Số ca tử vong tại bệnh viện dã chiến quận 7 trong 2 tuần nay mỗi ngày chỉ 1-2 ca. “Nếu trong điều kiện bình thường, sau 15/9, tình hình bệnh dịch của thành phố ổn thì quận 7 dự kiến khoảng từ 20/9 đến 20/10 sẽ mở lại một số ngành nghề hoạt động về lương thực thực phẩm thiết yếu, dịch vụ mua bán, ăn uống đường phố với hình thức bán mang đi”, ông Anh nói.

Ngoài ra, chính quyền địa phương sẽ xem xét lại tiêu chí “3 tại chỗ” và “2 điểm đến một cung đường”. Đồng thời, sau khi các tổ công tác của quận thẩm định các điều kiện này thì quận 7 sẽ gắn bảng “hộ kinh doanh xanh” hoặc “hộ kinh doanh an toàn”. Những hộ đảm bảo các điều kiện trên sẽ được hoạt động trở lại” (Tiền phong, trang 4).

 

Vắc xin Covivac thử nghiệm giai đoạn 2

Covivac, vắc xin ngừa COVID-19 thứ hai của VN, do Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC) tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) nghiên cứu sản xuất đang chuẩn bị tiêm mũi 2, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 trên người. Sau khi hoàn thành nghiên cứu giai đoạn 1 với kết quả được đánh giá cao về tính an toàn và tính sinh miễn dịch, mục tiêu chính của giai đoạn 2 là xác định công thức và liều lượng đạt hiệu quả tối ưu của vắc xin Covivac.

Có thể cấp phép trong điều kiện khẩn cấp?

Từ ngày 19-8, đơn vị đảm nhận thử nghiệm vắc xin Covivac (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương) và đơn vị triển khai thử nghiệm (Trường ĐH Y Hà Nội) đã phối hợp với các cơ quan y tế địa phương tiến hành thử nghiệm lâm sàng, tiêm mũi 1 của giai đoạn 2, cho các tình nguyện viên tại Trung tâm Y tế huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình).

Các tình nguyện viên (gồm cả nam và nữ), với các độ tuổi từ 18 - 59 và từ 60 tuổi trở lên, được tiêm mũi 1 là vắc xin Covivac có mức liều 3 mcg hoặc 6 mcg hay vắc xin đối chứng là AstraZeneca. Việc tiêm vắc xin đối chứng thay vì tiêm giả dược, theo đề cương ban đầu, còn có mục đích nhằm đối chứng tính sinh miễn dịch của vắc xin Covivac với vắc xin của nước ngoài.

TS Dương Hữu Thái cho biết toàn bộ 375 người tình nguyện đã tiêm mũi 1 đều an toàn trong vòng 7 ngày sau khi tiêm và đang chuẩn bị tiêm mũi 2 vào giữa tháng 9-2021. Nếu hoàn thành các bước thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 theo đề cương đã được phê duyệt, dự kiến tháng 11-2021 nhóm nghiên cứu sẽ có báo cáo đánh giá giữa kỳ kết quả nghiên cứu giai đoạn này của vắc xin Covivac.

GS Trần Văn Thuấn, thứ trưởng Bộ Y tế, đã có ý kiến: "Nếu đánh giá tốt, tháng 12-2021 sẽ có kết quả ban đầu của giai đoạn 3. Vắc xin chứng minh được độ an toàn, tính sinh miễn dịch cao, bước đầu thể hiện rõ hiệu quả thì có thể đề xuất các hội đồng đạo đức, hội đồng cấp phép của Bộ Y tế xem xét, cấp phép trong điều kiện khẩn cấp".

Sẵn sàng sản xuất 20 - 30 triệu liều/năm

Việc nghiên cứu phát triển và sản xuất vắc xin Covivac, theo TS Dương Hữu Thái, IVAC vẫn tiếp tục hợp tác và nhận được sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế thuộc nhiều quốc gia trên thế giới và trong Liên minh sản xuất vắc xin phòng chống COVID-19 cùng công nghệ (VN, Thái Lan và Brazil) theo sự điều phối, hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức PATH (tổ chức y tế toàn cầu phi lợi nhuận, được thành lập từ năm 1977 tại Hoa Kỳ).

IVAC nghiên cứu phát triển, sản xuất vắc xin Covivac cũng theo quy trình công nghệ trên trứng gà có phôi. Các mẫu chủng phôi virus bất hoạt để IVAC nghiên cứu phát triển, sản xuất vắc xin Covivac ngừa COVID-19 được cung cấp từ hai trường đại học của Hoa Kỳ thông qua sự hợp tác, điều phối của PATH.

Về năng lực sản xuất vắc xin Covivac, theo TS Dương Hữu Thái, "khi được đánh giá hoàn thành các giai đoạn nghiên cứu (tất cả gồm 3 giai đoạn), nếu được Bộ Y tế cấp phép sản xuất thì IVAC sẽ sẵn sàng sản xuất được ngay vắc xin Covivac trong vòng một tháng sau khi được cấp phép. Với năng lực hiện tại, IVAC sẵn sàng sản xuất mỗi năm từ 20 - 30 triệu liều vắc xin Covivac (tùy theo liều lượng vắc xin được chọn)". Bởi hiện nay IVAC đã có sẵn nhà máy, dây chuyền công nghệ, nhân lực, kinh nghiệm và cả đàn gà được nhập khẩu từ Pháp đang nuôi tại Trại chăn nuôi Suối Dầu của viện (để lấy trứng cho nghiên cứu, sản xuất các vắc xin cúm và Covivac) (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Cần cơ chế tiếp sức nhân viên y tế

Cải thiện dinh dưỡng bữa ăn, có thêm không gian, thời gian nghỉ ngơi sau mỗi tua trực, trang bị đầy đủ bảo hộ cùng trang thiết bị máy móc, thuốc men…Đó chính là những nhu cầu cần thiết được nhiều nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 mong mỏi… Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì cùng các bộ, ngành tiếp tục quan tâm hơn nữa về đời sống vật chất, tinh thần và đề xuất chính sách cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế đang ngày đêm vất vả phục vụ nhân dân.

Giấc ngủ tính bằng phút

Đã gần 2 tháng kể từ khi tham gia điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến huyện Bình Chánh, bác sĩ Nguyễn Trọng Hiếu vẫn chưa về thăm gia đình. Số lượng bệnh nhân COVID-19 ngày càng lớn, nên mỗi nhân viên y tế đều phải đảm nhận nhiều vai trò khác nhau, cùng tập thể gánh công việc trong bệnh viện.

Bác sĩ Hiếu kể trung bình mỗi ngày anh chăm sóc đến 80-90 bệnh nhân COVID-19 từ nặng đến nhẹ. Có 3-4 tình nguyện viên hỗ trợ nhưng cũng phụ công việc chăm sóc thông thường, bác sĩ vẫn là người trực chính theo sát cấp cứu cho bệnh nhân. "Lượng bệnh nhân đông nên việc trở nặng nhanh lắm. Chúng tôi thường phải trực cấp cứu 24/24, có những đêm giấc ngủ chỉ tính bằng phút, vừa ngả lưng rồi lại phải bật dậy lao vào cấp cứu cho bệnh nhân trở nặng" - bác sĩ Hiếu chia sẻ.

Không những sẻ chia, trách nhiệm hết mình trong việc chữa trị cho bệnh nhân, mới đây khi lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh đến thăm hỗ trợ 10 triệu đồng, nhóm bác sĩ Hiếu động viên nhau không lấy số tiền đó dùng cho cá nhân mà dành mua thuốc hỗ trợ người bệnh.

Còn bác sĩ Nguyễn Thành Tâm - Bệnh viện dã chiến số 1 (KTX ĐH Quốc gia TP.HCM) - kể có lúc bệnh nhân lên đến 4.500 người, mỗi bác sĩ phụ trách từ 70-80 bệnh nhân. Không chỉ trực tiếp điều trị, các bác sĩ còn phải đảm nhận nhiều vị trí khác nhau như đẩy bình oxy, các công việc hành chính như nhập liệu, viết hồ sơ... Từ lúc bước vào cuộc chiến chống dịch hầu như các y bác sĩ đều chú tâm vào công việc chữa trị cho người bệnh mà quên mất ngày nghỉ hay ngày lễ.

Bên cạnh cường độ làm việc cao, theo bác sĩ Tâm, dinh dưỡng của nhân viên y tế có lúc chưa đáp ứng được nhu cầu cần thiết, có bữa cơm khô, rất khó ăn. Khu nghỉ ngơi cũng được trưng dụng từ các khu ở dành cho bệnh nhân mắc COVID-19, mọi thứ với nhân viên y tế cũng giống như một người bệnh thông thường. "Việc đảm bảo dinh dưỡng và nơi nghỉ ngơi cho các nhân viên y tế là điều rất quan trọng. Bởi khi mọi người đủ sức khỏe mới mong chăm sóc người bệnh được tốt nhất" - bác sĩ Tâm bộc bạch.

Những khó khăn từ thực tế như trên cũng đã được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nêu trong công văn gửi Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM ngày 7-9. Theo đó, sau khi kiểm tra tại một số bệnh viện dã chiến, ông Sơn nhận thấy còn một số điểm bất hợp lý, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tinh thần của nhân viên y tế.

Theo ông Nguyễn Trường Sơn, hiện mỗi bác sĩ, điều dưỡng phải chăm sóc và quản lý từ 140-150 bệnh nhân COVID-19. Ngoài ra, mỗi người làm việc theo tua kéo dài từ 8-10 tiếng/ngày, trong điều kiện trang phục bảo hộ liên tục có thể gây mất nước và điện giải. Các bác sĩ và điều dưỡng thường xuyên phải trực cấp cứu 12 tiếng/ngày nếu được điều động tăng cường và với số lượng người bệnh quá lớn, trực nhiều giờ cũng là lý do chất lượng điều trị, chăm sóc người bệnh bị giảm sút.

Mệnh lệnh từ trái tim: cứu người!

Gần hai tháng đi vào hoạt động với nguồn nhân lực chi viện từ nhiều bệnh viện khắp cả nước, Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP Thủ Đức đứng trước một khối lượng công việc khổng lồ. Trong số hơn 2.600 bệnh nhân tiếp nhận điều trị đã có hàng trăm bệnh nhân nặng, nguy kịch khỏi bệnh. Để có được thành quả này, TS.BS Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm giám đốc điều hành Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP Thủ Đức - chia sẻ hầu như tất cả nhân viên đều lao vào cuộc chiến với tâm thế cống hiến, cứu người, hiếm ai để ý đến các khoản phụ cấp, hỗ trợ.

Ngoài sự chăm lo hỗ trợ từ Nhà nước, điều mang lại "sức mạnh tinh thần" cho các nhân viên y tế của bệnh viện còn đến từ sự "đùm bọc" của cộng đồng xã hội. Có khi chỉ cần ly trà sữa, cái bánh ít, trứng gà luộc... được người dân gửi vào cũng làm cho các bác sĩ, điều dưỡng ấm lòng. "Ở riết trong bệnh viện với áp lực công việc thường trực, nhiều khi anh chị em y bác sĩ chỉ thèm một giấc ngủ trọn vẹn, những món ăn dân dã như bánh tráng trộn, xoài lắc, trà sữa từ cộng đồng, chỉ thế thôi đã vui lắm rồi" - bác sĩ Thức chia sẻ.

Trong bối cảnh hiện nay, bác sĩ Thức cho rằng việc đáp ứng nhân lực cho các bệnh viện là điều khá khó khăn, giống như chiếc chăn "kéo đầu này hụt đầu kia". Do đó riêng tại bệnh viện hồi sức, mỗi nhân viên xác định phải làm bằng 4-5 người so với ngày thường. Để giảm áp lực, mỗi ngày bệnh viện còn chia làm 4 kíp (3 ca làm, 1 ca nghỉ), xoay vòng mỗi kíp 8 tiếng. Tuy vậy có ngày thiếu hụt người (nhân viên mắc COVID-19) buộc phải tăng giờ làm gối đầu cho ca sau. 

"8 tiếng chăm sóc bệnh nhân hồi sức thì gấp 4-5 lần chăm sóc bệnh nhân thông thường. Do đó với một nhân viên y tế làm việc liên tục suốt 8 tiếng thì chẳng khác gì làm ca 24 giờ/ngày cả" - bác sĩ Thức bộc bạch thêm.

Do vậy, để tái tạo sức lao động, tạo động lực làm việc cho lực lượng tuyến đầu chống dịch này, bác sĩ Thức cho rằng việc chú trọng chăm lo miếng ăn, giấc ngủ là điều rất quan trọng. Bác sĩ Thức cho biết hiện bệnh viện có được không ít thuận lợi là các nhân viên đang được bố trí chỗ ăn ở khá thoải mái, có xe đưa rước khá tốt. Ngoài ra, các nhà hảo tâm cũng ủng hộ đồ ăn, thức uống thường xuyên. Sau mỗi ca làm cực nhọc, nhân viên y tế được bố trí nơi vệ sinh tắm rửa bằng nước nóng, có ghế massage, nghe nhạc để giảm bớt căng thẳng.

Nói thêm về câu chuyện trên, bác sĩ Trần Văn Khanh - giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh kiêm giám đốc Bệnh viện dã chiến số 3 (TP Thủ Đức) - chia sẻ khi bước chân vào trận chiến với "giặc" COVID-19, phía sau lưng của nhân viên y tế còn là con thơ, mẹ già và người thân trong gia đình. Tuy vậy, ai cũng đều hiểu "phía trước là sinh mạng người bệnh" và đều có chung một quyết tâm cố gắng làm trọn trách nhiệm của người thầy thuốc. Ít có ai quan tâm so đo thiệt hơn về chuyện tiền bạc trợ cấp, cũng ít có ai mong được tung hô, tán thưởng.

Theo bác sĩ Khanh, với đặc thù công việc trong môi trường nguy hiểm, mỗi nhân viên y tế đều có ít nhiều căng thẳng trước áp lực công việc và nguy cơ lây bệnh bất cứ lúc nào. "Ngoài sự hy sinh cho cộng đồng, nhân viên y tế cần thêm thời gian để nghỉ ngơi hợp lý tái tạo sức khỏe. Ngoài ra, dinh dưỡng mỗi bữa ăn cũng cần phải được cải thiện phù hợp hơn và cần đảm bảo trang bị đầy đủ đồ bảo hộ để anh chị em tiếp tục chiến đấu với cuộc chiến chống dịch còn kéo dài" - bác sĩ Khanh chia sẻ (Tuổi trẻ, trang 2).

 

Đề nghị tăng trợ cấp chống dịch cho nhân viên y tế

Ngày 9-9, thông tin từ Bộ Y tế cho biết bộ trưởng Bộ Y tế đã giao Vụ Pháp chế là đầu mối xây dựng chính sách trợ cấp mới cho nhân viên y tế.

Cụ thể, trong tờ trình gửi Chính phủ về chế độ trợ cấp trong phòng chống dịch, Bộ Y tế đề nghị nâng mức trợ cấp chống dịch cho nhân viên y tế lên gấp đôi so với hiện hành cho người trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người nhiễm và nghi nhiễm COVID-19, tức là 600.000 đồng/người/ngày. Các nhóm nhân viên y tế tham gia điều tra, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, phân tích mẫu... tại cơ sở y tế, xử lý môi trường y tế được đề nghị tăng trợ cấp từ 300.000 đồng/người/ngày hiện nay lên mức 400.000 đồng/người/ngày.

Người vận chuyển mẫu bệnh phẩm, vận chuyển người bệnh, vận chuyển người tử vong do COVID-19, giám sát và theo dõi dịch tễ tại xã phường được đề nghị nâng trợ cấp từ 200.000 đồng/người/ngày hiện nay lên gấp đôi. Đội vận chuyển cấp cứu 115 hiện đang nhận trợ cấp mức 150.000 đồng/người/ngày được đề nghị lên 300.000 - 400.000 đồng/người/ngày. Các nhóm đang được trợ cấp mức 130.000 đồng/người/ngày được đề nghị nâng lên mức 200.000 đồng/người/ngày. Nâng mức tiền ăn cho nhân viên y tế tham gia chống dịch từ 80.000 đồng/người/ngày hiện nay lên 150.000 đồng/người/ngày.

Với học sinh, sinh viên tham gia chống dịch, Bộ Y tế đề nghị hỗ trợ 190.000 đồng/người/ngày cho tiền ăn và sinh hoạt phí. Đối với các bệnh viện tự chủ tài chính nhưng hiện phải cử nhân viên y tế tham gia chống dịch, không có nguồn thu tại chỗ, đề nghị ngân sách hỗ trợ kinh phí hoạt động, đồng thời đề nghị trợ cấp độc hại cho nhân viên y tế.

Công đoàn y tế Việt Nam cho biết đến nay đã có các gói hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm cho y bác sĩ, hỗ trợ "gói dinh dưỡng" trị giá 1 triệu đồng/đợt cho nhân viên y tế phục hồi sức khỏe. Ngoài ra, trên 1.200 y bác sĩ bị nhiễm COVID-19 đã được hỗ trợ mức 10 triệu đồng/người (Tuổi trẻ, trang 2; Công an nhân dân, trang 1; Nhân dân, trang 8).

 

Không đặt nặng việc kỷ luật bác sĩ bỏ việc

Tại buổi họp báo thông tin tình hình dịch COVID-19 ở TP.HCM chiều 9-9, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết như trên khi nói về công văn đề nghị xử lý hành chính và thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với các y bác sĩ tự ý bỏ việc.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết thêm nội dung công văn có 3 phần và Bộ Y tế không đưa ra các hình thức kỷ luật, mà chỉ khuyến cáo trong một trận chiến, có những chiến sĩ hết sức dũng cảm, có chiến sĩ bình thường nhưng cũng có những người quay đầu. "Bộ Y tế nhắc nhở để mong muốn đồng nghiệp hãy cùng nhau chung sức cho trận chiến COVID-19, cùng với toàn thể người dân đạt được thắng lợi. Còn vấn đề kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính chúng tôi nghĩ đây không phải vấn đề đặt nặng của công văn này" - ông Sơn nói.

Tại buổi họp báo, ông Phạm Đức Hải - phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM - khẳng định đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế là những chiến sĩ hết sức kiên cường, phải được tri ân và tôn vinh. Tuy nhiên, ông Hải thừa nhận dù đã rất nỗ lực nhưng thực tế vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu khám chữa bệnh. Chế độ chính sách đã thông qua nhưng việc triển khai còn chậm, TP đang khẩn trương xử lý (Tuổi trẻ, trang 3).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang