Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 01/11/2019

  • |
T5g.org.vn - Rửa thực phẩm bằng hóa chất: Phải ra tòa; Tiếp tục khởi tố 7 bị can trong vụ VN Pharma buôn bán thuốc ung thư giả; Trung bình 15-20% mẫu nước và dịch lọc thận nhân tạo bị nhiễm khuẩn nặng; Bác sĩ Phù Chí Dũng được đại học Pháp vinh danh Giáo sư-Giảng viên cao cấp

 

Rửa thực phẩm bằng hóa chất: Phải ra tòa

Theo kế hoạch, hôm nay, TAND Q.Thủ Đức (TP.HCM) xét xử bị cáo Bùi Văn Sáng (37 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức) về hành vi “vi phạm quy định an toàn thực phẩm”. Cuộc chiến chống thực phẩm bẩn đã có bước ngoặt mới: xử lý hình sự. Để đưa ra xét xử bị cáo Bùi Văn Sáng về hành vi "vi phạm quy định an toàn thực phẩm" là cả một quá trình gian nan trong việc chứng minh hành vi phạm tội. Mọi chuyện bắt đầu từ 18 tháng trước, ngày 13-4-2018, hành vi chỉ đạo ngâm tẩm củ cải, cà rốt bằng hai loại hóa chất sodium sulfate, sodium dithionete của Sáng bị Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an TP.HCM) phát giác.

Dùng hóa chất ngâm 7 - 8 tấn củ cải/ngày

Theo nội dung vụ án, Sáng là chủ cơ sở chế biến nông sản tại P.Tam Bình (Q.Thủ Đức). Cơ sở này chưa có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Từ tháng 11-2017, Sáng thuê 3 nhân viên có nhiệm vụ rửa cà rốt, củ cải cho khách hàng tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức. Để rửa cho củ cải mau sạch đẹp và không bị hư thối, Sáng chỉ đạo cho nhân viên liên hệ mua hóa chất sodium sulfate (Na2SO4) tại chợ Tam Bình (Q.Thủ Đức) để ngâm rửa, giá rửa 1kg củ cải là 500 đồng.

Theo sự chỉ dẫn của Sáng, sau khi củ cải được rửa bằng nước sinh hoạt, các nhân viên sẽ sử dụng một muỗng cà phê hóa chất pha loãng với nước sẽ ngâm được 50kg củ cải. Mỗi ngày các nhân viên này dùng hóa chất để ngâm khoảng 7 - 8 tấn củ cải cho khách, thu lợi từ 3,5 - 4 triệu đồng.

Tại thời điểm bị bắt quả tang, cơ quan công an thu giữ được 1,6 tấn củ cải và 1,5 tấn cà rốt đã được ngâm hóa chất, tổng giá trị là 11,8 triệu đồng. Đặc biệt phát hiện thu giữ 250 gram bột màu trắng, qua giám định là chất sodium dithionete (Na2S2O4) và sodium sulfate (Na2SO4). Theo thông tư 02/VBHN-BYT của bộ trưởng Bộ Y tế về việc hướng dẫn việc quản lý phụ gia thực phẩm thì các chất này nằm ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm.

Ngày 8-6-2018, hồ sơ vi phạm của Sáng được chuyển cho Công an Q.Thủ Đức để xử lý hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Và đây là lần đầu tiên cơ quan tố tụng tại TP.HCM truy tố, xét xử hành vi ngâm thực phẩm trong hóa chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Rất muốn xử lý hình sự, nhưng...

Bao năm qua có rất nhiều vụ vi phạm về an toàn thực phẩm nghiêm trọng như ngâm tẩm thực phẩm bằng hóa chất, sử dụng chất cấm (tạo nạc, tăng trọng) trong chăn nuôi, "phù phép" làm giả các loại thực phẩm; nhuộm măng tươi, dưa cải muối bằng chất vàng ô (Auramine O) gây nguy cơ ung thư... Dù mong muốn được xử "mạnh tay" nhưng các cơ quan chức năng chỉ loanh quanh với điệp khúc "bắt quả tang - tiêu hủy - xử phạt hành chính".

Điển hình như loại thực phẩm liên quan đến sản phẩm động vật vi phạm lại càng nhức nhối. Gần 3 năm trước, vụ việc tưởng chừng như có thể xử lý hình sự xảy ra tại Công ty TNHH B.H (Q.3), khi công ty này "phù phép" thịt heo nái thành thịt bò, tẩm hóa chất metabisulfite.

Cụ thể, ông N.X.B. (tổng giám đốc công ty) bị Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an TP), Chi cục Chăn nuôi - thú y bắt quả tang khi đang tổ chức cho công nhân ngâm tẩm hóa chất, huyết bò và nước để "phù phép" thịt heo nái thành thịt bò tung ra thị trường tiêu thụ. 

Thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng xác định công ty vừa nhập về 2.044kg thịt heo nái, đều không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Trong đó, có 865kg đã ngâm hóa chất metabisulfite mua từ chợ Kim Biên (Q.5) - loại này theo các chuyên gia chỉ được phép dùng trong bảo quản các loại rau củ, không được dùng để bảo quản thịt.

Quy trình ngâm tẩm hóa chất của ông này như sau: Thịt heo nái nguyên mảng cho cắt từng khối nửa ký hoặc cắt lát mỏng ngâm vào một dung dịch với tỉ lệ 100g hóa chất - 6 lít huyết bò - 56 lít nước lọc. 

Ngâm khoảng 15 phút, số thịt này đưa vào kho bảo quản, kinh doanh gắn mác thịt bò. Như vậy với thịt heo nái nạc nhập vào chỉ 60.000 - 70.000 đồng/kg, qua sơ chế ngâm tẩm hóa chất, giám đốc công ty này bán ra cho các đầu mối giao cho nhiều quán phở trên địa bàn TP.HCM với giá từ 135.000 - 140.000 đồng/kg, tức thu lợi trên 50% sản phẩm được bán ra.

"Với các vi phạm nghiêm trọng chúng tôi đã bàn giao hồ sơ cho UBND Q.3, đề nghị Công an quận khởi tố vụ án hình sự gây tổn hại sức khỏe của người khác. Tuy nhiên, cuối cùng Viện KSND Q.3 không phê chuẩn bởi... không xác định được hậu quả cụ thể từ hành vi vi phạm và chỉ xử phạt gần 200 triệu đồng" - một cán bộ thú y TP nói.

Một hành vi nguy hiểm khác "suýt" được xử lý hình sự là sử dụng thịt heo tẩm ướp hóa chất "phù phép" thành các "đặc sản" như nai, nhím, đà điểu... do vợ chồng ông L.M.T. (Q.Thủ Đức) thực hiện. 

Theo thống kê chỉ trong vòng 7 tháng (từ tháng 11-2015 đến tháng 6-2016), vợ chồng ông này bị cơ quan chức năng bắt quả tang sử dụng hóa chất ngâm tẩm, biến thịt heo thành các loại "đặc sản" đến ba lần, với quy mô sản xuất rất lớn. Nhưng cứ sau mỗi lần bị bắt, xử phạt, hai người này lại chuyển địa điểm tiếp tục hành vi vi phạm...

Trong báo cáo của Ban quản lý an toàn thực phẩm TP, trong 6 tháng đầu năm 2019 đơn vị kiểm tra trên 4.000 cơ sở thực phẩm, trong đó có gần 500 cơ sở vi phạm với số tiền xử phạt gần 7 tỉ đồng mà không có một trường hợp nào được chuyển hồ sơ xử lý hình sự. Hình thức xử lý chủ yếu là cảnh cáo và phạt tiền. Ngoài ra, (nếu có) được bổ sung các hình thức phạt để khắc phục hậu quả như dừng ở mức đình chỉ hoạt động; thu hồi, tiêu hủy sản phẩm; đình chỉ lưu hành tài liệu quảng cáo; kiểm dịch lại sản phẩm động vật (Tuổi trẻ, trang 2).

 

Tiếp tục khởi tố 7 bị can trong vụ VN Pharma buôn bán thuốc ung thư giả

VKSND Tối cao vừa phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can của Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đối với 7 bị can trong vụ án VN Pharma (gian đoạn 2) về tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”, theo quy định tại Điều 194 – BLHS. Cụ thể các bị can bị khởi tố ở giai đoạn 2 vụ án VN Pharma vẫn là Nguyễn Minh Hùng (SN 1978) - nguyên Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma (gọi tắt là VN Pharma); Võ Mạnh Cường (SN 1978) - nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hàng hải Quốc tế H&C; Nguyễn Trí Nhật (SN 1975) - nguyên Phó Tổng giám đốc VN Pharma; Ngô Anh Quốc (SN 1984) - nguyên Phó Tổng giám đốc VN Pharma.

Tiếp đến là Phan Cẩm Loan (SN 1973) - nguyên Phó trưởng phòng Xuất nhập khẩu VN Pharma; Lê Thị Vũ Phương (SN 1982) - nguyên Kế toán trưởng VN Pharma và Phạm Quỳnh Trang (SN 1980) - nguyên nhân viên Công ty TNHH Thương mại Hàng hải Quốc tế H&C.

Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an cũng đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phê chuẩn Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với hai bị can Ngô Anh Quốc và Nguyễn Trí Nhật, thời hạn 4 tháng. Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (Vụ 3) đã phê chuẩn Lệnh bắt tạm giam này. Cùng với hai bị can Ngô Anh Quốc và Nguyễn Trí Nhật, hai bị can Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường cũng đã bị tạm giam từ giai đoạn trước của vụ án. Hiện, ba bị can: Lê Thị Vũ Phương, Phan Cẩm Loan, Phạm Quỳnh Trang được tại ngoại và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.

Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã tiến hành tống đạt các Quyết định khởi tố bị can, thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam. Việc khởi tố 7 bị can này là nhằm tiến hành điều tra, làm rõ hành vi buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 ghi xuất xứ từ Canada xảy ra tại VN Pharma trong thời gian từ năm 2012 đến năm 2014.

Trong giai đoạn 1 của vụ án, 7 bị can nêu trên cùng với 5 bị cáo khác đã bị Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra xét xử sơ thẩm trong các ngày từ 24-9 đến ngày 1-10 và tuyên phạt các mức án từ 3 năm tù (hưởng án treo) đến 20 năm tù về tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”.

Hội đồng xét xử nhận định, hành vi buôn bán thuốc chữa ung thư giả của các bị cáo đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Toàn bộ lô thuốc bị giả nguồn gốc xuất xứ, nhiều chỉ tiêu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn, hồ sơ thuốc bị làm giả… nên có đủ căn cứ xác định thuốc H-Capita là thuốc giả. Qua đó, Tòa khẳng định có đủ cơ sở để kết luận các bị cáo phạm tội "Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh".

Liên quan đến vụ án này, ngày 18-9-2019, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) và các cơ quan liên quan. Vụ án hiện đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ (An ninh thủ đô, trang 14).

 

Trung bình 15-20% mẫu nước và dịch lọc thận nhân tạo bị nhiễm khuẩn nặng

Sáng nay, 31-10, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp đã tổ chức hội thảo khoa học Thận nhân tạo với chủ đề “An toàn, hiệu quả trong thận thân tạo bằng đồng bộ hệ thống máy thận – nước RO – dịch lọc trung tâm”.

Báo cáo về các biến chứng liên quan đến xử lý nước và dịch lọc thận nhân tạo tại hội thảo, TS.BS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo – Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh, tai biến trong chạy thận luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra, dù ở bất cứ bệnh viện nào.

Đặc biệt trong lọc máu, bên cạnh những biến chứng lâm sàng cần xử lý cấp cứu thì còn một số biến chứng liên quan đến xử lý nước RO và dịch lọc không thấy ngay được mà có thể gây biến chứng lâu dài, ảnh hưởng đến chất lượng sống của bệnh nhân.

Qua báo cáo, trung bình 15-20% mẫu nước và dịch lọc trong chạy thận nhân tạo bị nhiễm khuẩn nặng. Nguyên nhân chủ yếu do chưa tuân thủ đúng các quy trình sát trùng hệ thống xử lý nước, máy thận và hệ thống ống phân phối nước.

Do vậy, để đảm bảo an toàn trong lọc thận nhân tạo, hạn chế hậu quả do nhiễm khuẩn nước và dịch lọc, vị chuyên gia hàng đầu về chạy thận nhân tạo của Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo các bệnh viện cần phải có người chuyên trách về hệ thống xử lý nước và người này cần được đào tạo liên tục.

Cùng đó, định kỳ thử test nước và dịch lọc tại các vị trí quy định, định kỳ khử khuẩn hệ thống ống dẫn nước, ghi chép đầy đủ vào sổ nhật ký nước…

Cũng tại hội thảo, PGS.TS Hà Hữu Tùng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp cho biết, trong lịch sử lọc máu ở nước ta đã xảy ra nhiều vụ tai biến nghiêm trọng, thậm chí có những tai biến gây chết nhiều người bệnh như sự cố xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cách đây chưa lâu.

Tại Bệnh viện Đa khoa Nông Nghiệp, khoa Thận niệu Lọc thận nhân tạo hiện đang quản lý điều trị cho gần 200 bệnh nhân suy thận mạn tại các địa phương Hà Nội, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương… Dù đã triển khai lọc thận 15 năm nay, song lãnh đạo bệnh viện này cũng thẳng thắn cho biết, trong quá trình triển khai đã từng xảy ra những tai biến.

“Vì thế, việc đầu tư trang thiết bị hiện hại và đồng bộ hóa những quy trình hệ thống lọc máu là giải pháp quan trọng để giúp giảm thiểu tối đa những rủi ro, tai biến cho bệnh nhân, giảm chất thải ra môi trường và giảm nhân lực” – PGS.TS Hà Hữu Tùng nói.

Có một điểm đáng chú ý là hiện cả nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu lọc thận nhân tạo với trên 35.000 bệnh nhân. Giá chạy thận nhân tạo ở Việt Nam thuộc diện thấp nhất thế giới, trong khi chi phí việc đầu tư cho hệ thống lọc thận rất tốn kém. Dù vậy, với mục tiêu an toàn cho người bệnh, các cơ sở y tế đều đang cố gắng để nâng chất lượng lọc thận nhân tạo.

Được biết, hiện Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp là 1 trong 3 cơ sở y tế ở miền Bắc đồng bộ được hệ thống máy thận – nước RO – dịch lọc trung tâm trong lọc máu, cũng là bệnh viện đầu tiên tự bỏ chi phí để đầu tư xây dựng được hệ thống pha dịch trung tâm, nhằm đảm bảo an toàn ở mức cao nhất (An ninh thủ đô, trang 14).

 

Bác sĩ Phù Chí Dũng được đại học Pháp vinh danh Giáo sư-Giảng viên cao cấp

Sáng 31-10, đại diện Trường Đại học Grenoble Alpes (Pháp) đã công bố quyết định công nhận chức danh Giáo sư - Giảng viên cao cấp cho bác sĩ chuyên khoa 2 Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu huyết học. Đây là người Việt Nam đầu tiên được Trường Đại học Grenoble Alpes phong tặng là giáo sư.

Theo Giáo sư Jean Hoàng Chung Minh, Trường Đại học Grenoble Alpes, chức danh Giáo sư của bác sĩ Dũng không phải là giáo sư danh dự mà là giáo sư như các giáo sư của Pháp. Về nghĩa vụ, một năm bác sĩ Dũng sẽ phải qua Pháp giảng dạy, đào tạo, làm việc 3 tháng và được nhận lương như giáo sư Pháp. Tuy nhiên, do điều kiện ở Bệnh viện Truyền máu huyết học, bác sĩ Dũng sẽ đi công tác tại Pháp một năm vài lần ngắn ngày và không nhận lương.

Chia sẻ về lý do khuyến khích bác sĩ Phù Chí Dũng nộp hồ sơ xin Hội đồng xét duyệt chức danh Giáo sư – Giảng viên cao cấp, Giáo sư Jean Hoàng Chung Minh cho rằng, bác sĩ Dũng là người có uy tín, lo cho bệnh viện và gửi bác sĩ sang Pháp đào tạo.

Bên cạnh đó, nhận thấy những đóng góp của bác sĩ Phù Chí Dũng trong sự hợp tác giữa hai nước Việt – Pháp như: có các công trình nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế; tham gia công tác giảng dạy tại các trường đại học y tại TPHCM; tổ chức thành công các kỳ hội nghị ghép tế bào gốc Việt – Pháp mở rộng 2 năm/lần kể từ năm 2010; có thời gian làm việc hợp tác với một số bệnh viện trung tâm ở Pháp về lĩnh vực truyền máu huyết học; bác sĩ Dũng từng có thời gian học tập bác sĩ nội trú tại Pháp và Bỉ....

Trước đó, vào năm 2017, bác sĩ Phù Chí Dũng đã hoàn thiện và nộp hồ sơ bao gồm lý lịch khoa học, các nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế. Sau nhiều lần Hội đồng xét duyệt, đến năm 2019, đa số thành viên trong Hội đồng đã nhất trí thông qua và chính thức ra Quyết định công nhận chức danh Giáo sư – Giảng viên cao cấp cho bác sĩ chuyên khoa 2 Phù Chí Dũng (Sài Gòn giải phóng, trang 2).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang