Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 11/1/2021

  • |
T5g.org.vn - Diễn tập y tế phục vụ Đại hội XIII của Đảng; Hơn 500 giáo sư, bác sĩ, điều dưỡng sẽ phục vụ Đại hội Đảng; 1.613 người đang cách ly tại nơi lưu trú phòng dịch Covid-19; Bệnh nhân gia tăng, bệnh viện bổ sung thiết bị chống rét…

 

Diễn tập y tế phục vụ Đại hội XIII của Đảng

Chiều 10.1, lễ xuất quân và diễn tập y tế phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã được tổ chức tại Trung tâm hội nghị quốc gia (Hà Nội).

Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội XIII của Đảng, tham dự.

Ông Trần Quốc Vượng yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các bộ ngành liên quan và các địa phương, thực hiện quyết liệt công tác phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho người dân và đảm bảo an toàn cho tổ chức thành công Đại hội XIII; tăng cường hơn nữa công tác kiểm soát đường biên giới, đường bộ, đường thủy, quản lý chặt chẽ xuất nhập cảnh, không để xảy ra tình trạng  nhập cảnh, vượt biên trái phép gây lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định tại cơ sở cách ly tập trung và cách ly tại nơi lưu trú, tuyệt đối không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

* Cùng ngày, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UBND TP.Hà Nội tổ chức lễ xuất quân, diễn tập phương án bảo vệ Đại hội XIII của Đảng, tại quảng trường Sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội. Ngay sau lệnh xuất quân, các lực lượng đã diễn tập duyệt đội ngũ, diễu hành các phương tiện, thiết bị kỹ thuật, biểu diễn quân sự, võ thuật và diễn tập xử lý tình huống tập trung đông người gây rối an ninh, trật tự, bạo loạn; tình huống đánh bắt khủng bố, giải cứu con tin trên nhà cao tầng và bảo vệ yếu nhân, diễn tập các tình huống kiểm soát dịch Covid-19, kiểm soát an toàn thực phẩm... (Thanh niên, trang 4).

Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân, trang 2: “Đề cao công tác y tế, bảo đảm an toàn tuyệt đối Đại hội XIII của Đảng”.

 

1.613 người đang cách ly tại nơi lưu trú phòng dịch Covid-19

Hiện 17.634 người tiếp xúc gần ca bệnh và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly y tế theo dõi sức khỏe, phòng dịch; trong đó 1.613 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Chiều 10.1, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (BCĐ) thông báo ghi nhận bệnh nhân (BN) Covid-19 mới, là ca nhập cảnh. Đây là BN thứ 1514 tại VN, được cách ly ngay tại Thanh Hóa. BN 1514 (nữ, 24 tuổi, quốc tịch VN) có địa chỉ tại xã Thanh Vân, H.Tam Dương, Vĩnh Phúc. Ngày 8.1, BN từ Nhật Bản nhập cảnh sân bay Thọ Xuân (tỉnh Thanh Hóa) trên chuyến bay QH9415, được cách ly ngay, lấy mẫu xét nghiệm. Hiện BN được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Thanh Hóa.

Theo BCĐ, trong số 1.514 BN Covid-19 ghi nhận tại VN đến nay, 1.361 ca đã được điều trị khỏi; 693 ca mắc do lây nhiễm trong nước. Hiện 17.634 người tiếp xúc gần ca bệnh và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly y tế theo dõi sức khỏe, phòng dịch; trong đó 1.613 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú. Đã 40 ngày liên tiếp VN không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. (Thanh niên, trang 5).

Cùng chủ đề Nhân dân, trang 8: “Một người mắc Covid-19 được cách ly ngay khi nhập cảnh”; Hà Nội mới, trang 1: “Việt Nam đã ghi nhận 1.514 ca mắc Covid-19”.

 

1.361 ca mắc Covid-19 được điều trị khỏi bệnh

Chiều tối 9-1, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, trong ngày cả nước ghi nhận thêm 1 ca mắc mới Covid-19 (ca bệnh thứ 1.513) là người nhập cảnh từ Nhật Bản được cách ly ngay. Trong ngày, cả nước có thêm 4 ca mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số bệnh nhân được điều trị khỏi lên 1.361 người. Trong số bệnh nhân mắc Covid-19 đang điều trị có 25 người đã âm tính với virus SARS-CoV-2.

Liên quan tới trường hợp bệnh nhân thứ 1.498 (nam, 22 tuổi, ở Hạ Long, Quảng Ninh) là du học sinh từ Mỹ trở về Việt Nam ra khỏi khu cách ly ở Chương Mỹ, Hà Nội khi chưa có giấy xét nghiệm lần 2, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ vừa quyết định tạm đình chỉ công tác thêm 2 cán bộ của đơn vị để xem xét xử lý. Trước đó, Sở Y tế Hà Nội đã tạm đình chỉ công tác đối với ông Tạ Văn Thiềng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ - người ký giấy cho bệnh nhân 1.498 rời khỏi khu cách ly tập trung. Sau sự việc trên, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã và các cơ quan liên quan kiện toàn lại Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, tuân thủ nghiêm các quy định cách ly người nhập cảnh. Các cơ sở cách ly cần quản lý tốt người nhập cảnh, giám sát chặt chẽ công tác phòng chống dịch, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch để người dân đón Tết Nguyên đán Tân Sửu.

mNgày 9-1, Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long cho biết, kết quả xét nghiệm lần 2 đối với tất cả 15 trường hợp là F1 của bệnh nhân 1.440 đều âm tính với virus SARS-CoV-2. Ngay trong sáng cùng ngày, tất cả được về nhà để tiếp tục cách ly thêm 1 tuần nữa.

 Riêng đối với bệnh nhân 1.440, sau 5 lần xét nghiệm vẫn dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân 1.440 đang điều trị tích cực tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Vĩnh Long.

* Ngày 9-1, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh An Giang cho biết vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Trần Thanh Kiệt (SN 1977, ngụ xã Khánh An, huyện An Phú, tỉnh An Giang) để tiếp tục điều tra về hành vi “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”.

Theo điều tra ban đầu, vào khoảng 4 giờ ngày 29-12-2020, tại ấp Tân Khánh, thị trấn Long Bình (huyện An Phú), lực lượng Công an huyện An Phú phối hợp cùng Công an tỉnh An Giang bắt quả tang Trần Thanh Kiệt đang tổ chức đưa Trịnh Thị Chinh (SN 1993, ngụ tỉnh Bắc Ninh) và Trần Thị Nhung (SN 1995, ngụ Hà Nội), xuất cảnh trái phép sang Campuchia.

Tại cơ quan công an, Trần Thanh Kiệt khai có quen với một người tên Mỹ (ở Campuchia) nên chiều ngày 28-12-2020, Mỹ liên lạc với Kiệt bàn kế hoạch đưa 2 đối tượng trên xuất cảnh trái phép từ Việt Nam sang Campuchia (qua địa bàn tỉnh An Giang) với tiền công 500.000 đồng/người. Sau đó, Mỹ cho Kiệt số điện thoại của Chinh để liên hệ.

Khoảng 3 giờ ngày 29-12-2020, Kiệt hướng dẫn Chinh cùng Nhung đi taxi từ TP Châu Đốc đến thị trấn Long Bình (huyện An Phú). Tại đây, Kiệt đưa cả hai sang Campuchia nhưng chưa kịp giao khách cho người của Mỹ thì bị lực lượng công an bắt giữ. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Hạn chế các chuyến bay đưa người nhập cảnh vào Việt Nam

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước giai đoạn Quý I năm 2021.

Theo đó, do xuất hiện chủng mới của virus COVID-19 lây lan nhanh hơn ở nhiều nước, Thủ tướng yêu cầu hạn chế tối đa các chuyến bay đưa người nhập cảnh vào Việt Nam từ nay đến Tết Nguyên đán. Trường hợp thực sự cần thiết, từng chuyến bay đón người về phải được các Bộ Y tế, Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Bộ Y tế chuẩn bị kỹ lưỡng các cơ sở cách ly để thực hiện cách ly người Việt Nam nhập cảnh tập trung. Thời hạn, quy trình cách ly cần được rà soát, xem xét phù hợp với yêu cầu phòng chống lây lan của chủng virus mới, đảm bảo tuyệt đối an toàn.

Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm ngặt việc tiếp nhận, vận chuyển, theo dõi y tế đối với người đã hết hạn cách ly tập trung. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền cơ sở tăng cường tuyên truyền, vận động các gia đình có người thân đang ở nước ngoài muốn về nước tuyệt đối không nhập cảnh trái phép. Các trường hợp về nước bằng đường bộ có hoàn cảnh thực sự khó khăn được Nhà nước xem xét, hỗ trợ kinh phí cách ly. (Tiền phong, trang 3).

Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân, trang 1: “Hạn chế tối đa chuyên bay đưa người nhập cảnh vào Việt Nam”.

 

Bệnh nhân gia tăng, bệnh viện bổ sung thiết bị chống rét

Hà Nội và các tỉnh Bắc Bộ đang trải qua những ngày rét đậm, rét hại kéo dài, nhiệt độ ngoài trời có lúc giảm xuống dưới 10 độ C, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, tại nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, lượng bệnh nhân nhập viện gia tăng. Các bệnh viện đã trang bị thêm quạt sưởi, máy sưởi ấm, nước nóng, che chắn kín gió... để giúp người bệnh, người nhà bệnh nhân chống rét.

Cảnh giác với đột quỵ, cúm, liệt mặt...

Theo tin từ một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, nhiệt độ giảm sâu khiến nguy cơ gia tăng đột quỵ, tim mạch, các bệnh liên quan đến đường hô hấp...

Cụ thể, tại Khoa Cấp cứu và Đột quỵ (Bệnh viện Lão khoa trung ương) có 100 giường bệnh luôn trong tình trạng kín chỗ. Còn tại Bệnh viện Thanh Nhàn, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ những ngày trời lạnh tăng trên 15%. Tương tự, tại Bệnh viện Tim Hà Nội, trời lạnh, số người đến khám bệnh giảm trong khi số bệnh nhân đột quỵ lại tăng lên 20% so với bình thường.

Bác sĩ Vũ Quỳnh Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, có 4 nguyên nhân khiến đột quỵ trong mùa đông gia tăng. Đầu tiên là do cơ thể tăng tiết chất Catecholamine (để giữ nhiệt) đã làm co mạch, khiến huyết áp tăng lên. Ngoài ra, về mùa đông, con người thường uống ít nước hơn dẫn đến độ đặc quánh của máu tăng lên dễ gây nguy cơ tắc mạch máu não. Bên cạnh đó, trong mùa lạnh hay xảy ra tình trạng cơ thể bị thay đổi nhiệt độ đột ngột: Vừa ngủ dậy ra ngoài tập thể dục, chơi thể thao xong tắm lạnh, tắm vào lúc đêm khuya... Mùa đông cơ thể cũng ít vận động dẫn đến nguy cơ béo phì, đái tháo đường, cholesterol trong máu tăng cao... cũng là các nguyên nhân dẫn đến đột quỵ.

Còn tại Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), trong những ngày trời lạnh có khoảng 25-30% số trẻ nhập viện điều trị do mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp.

Tại Bệnh viện Nhi trung ương, Tiến sĩ Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội nhiễm, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trẻ em cho biết, mỗi ngày có 20-30 trẻ mắc cúm vào viện. Từ đầu năm 2020 cho đến nay, tại đây tiếp nhận khoảng 2.000 bệnh nhân cúm.

Còn tại Bệnh viện Phổi trung ương, nếu những tháng bình thường có 170 lượt bệnh nhân điều trị nội trú tại Khoa Bệnh phổi mạn tính thì những thời điểm giá rét tăng lên hơn 220 lượt bệnh nhân, chủ yếu là người cao tuổi điều trị các bệnh về đường hô hấp. "Không chỉ gia tăng về số lượng, hầu hết bệnh nhân nhập viện trong đợt này đều trong tình trạng nặng. Thậm chí, có những bệnh nhân bị suy hô hấp phải hỗ trợ bằng thở máy, ô xy", bác sĩ Vũ Văn Thành, Trưởng khoa Bệnh phổi mạn tính cho biết.

Bên cạnh các bệnh về đường hô hấp, tim mạch, không ít người đã bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, dẫn đến tình trạng bị méo miệng, liệt mặt. Trong tuần qua, số bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên đến khám, điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị tăng 20-30%. Triệu chứng này xảy ra chủ yếu do bệnh nhân gặp lạnh đột ngột, Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Văn Lý, Trưởng khoa Y học cổ truyền cho biết.

Tăng cường phương tiện chống rét, cấp cứu cho người bệnh

Để tăng cường các biện pháp chống rét cho người bệnh, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện bảo đảm đầy đủ phương tiện phòng, chống rét cho người bệnh trong quá trình khám chữa bệnh, nơi chờ khám, các buồng điều trị phải kín gió, có đủ chăn, đệm, lò sưởi... Bên cạnh đó, các bệnh viện phải bố trí đầy đủ số thuốc cấp cứu, giường bệnh, phương tiện cấp cứu để kịp thời xử lý các trường hợp mắc các bệnh đột ngột do cảm lạnh, viêm đường hô hấp cấp, các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ... Trường hợp người bệnh phải chuyển tuyến, cần giữ ấm trong quá trình vận chuyển, đặc biệt là trẻ em, trẻ sơ sinh và người già.

Tránh để người bệnh bị rét khi điều trị tại bệnh viện, ngay trước đợt rét đậm của mùa đông này, ông Đặng Trần Chiến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ đã yêu cầu các khoa, phòng kiểm tra lại các cửa sổ, cửa ra, vào các buồng bệnh, bảo đảm kín gió. Ngoài ra, bổ sung thêm điều hòa hai chiều, đèn, quạt sưởi và cung cấp đầy đủ chăn, đệm cho người bệnh.

Tương tự, các bệnh viện trung ương trên địa bàn thành phố đã bổ sung thêm các thiết bị bảo đảm chống rét cho bệnh nhân và cả người nhà họ. Cụ thể, tại Bệnh viện K, các buồng bệnh bảo đảm đầy đủ nước nóng. Thậm chí, cây nước nóng được bố trí tại sảnh điều trị để người bệnh, người nhà thuận tiện trong việc ăn uống, pha sữa, thuốc. Bệnh viện cũng đã bố trí quạt sưởi tại khoa điều trị, bổ sung cửa kính khép kín tại khu vực khám bệnh và các khoa điều trị, cung cấp thêm chăn ấm cho người bệnh...

Bệnh viện Bạch Mai đã trang bị 20 cây sưởi công nghiệp lắp trên vỉa hè trục đường Khoa Cấp cứu để giúp người nhà bệnh nhân sưởi ấm trong khi chờ người thân.

Để phòng bệnh trong thời tiết giá rét, bác sĩ Vũ Quỳnh Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội khuyến cáo, người trung niên và cao tuổi cần giữ ấm cơ thể khi đi ngủ và mỗi khi ra khỏi phòng. Đi ngủ và thức dậy đúng giờ, tập thể dục, uống nhiều nước vào sáng sớm lúc ngủ dậy, ăn đủ bữa trong ngày, đặc biệt là bữa sáng. Ăn nhiều rau xanh, hoa quả, đậu nành...

Còn với trẻ nhỏ, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo, để phòng các bệnh viêm tai mũi họng, viêm đường hô hấp trong thời điểm này, việc giữ ấm cho trẻ khi về đêm và gần sáng, tránh khói thuốc lá, bụi xe bằng khẩu trang. Ngoài ra, cho trẻ ăn đủ chất, uống đủ nước, ăn nhiều trái cây, rau củ để tăng cường sức đề kháng và rửa mũi bằng nước muối sinh lý khi bị cảm cúm. Khi phát hiện dấu hiệu bệnh, cha mẹ không nên tự ý cho trẻ dùng kháng sinh mà nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và kê đơn... (Hà Nội mới, trang 1).

Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 8: “Cơ sở y tế tích cực chống rét cho bệnh nhân”.

 

Không để ''dịch chồng dịch''

Năm 2020 là một năm đầy khó khăn và thử thách, nhưng nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, Hà Nội đã không để xảy ra “dịch chồng dịch”. Tuy nhiên, trước diễn biến có chiều hướng phức tạp của dịch Covid-19 trên thế giới, ngay từ những ngày đầu năm 2021, thành phố đã tập trung mọi nguồn lực để kiểm soát, ngăn chặn dịch lây lan, trước mắt là bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân đón Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Chủ động phòng, chống dịch từ sớm

Theo Sở Y tế Hà Nội, trong năm 2020, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố đều được kiểm soát. Đơn cử như bệnh sốt xuất huyết ghi nhận 6.725 ca mắc, giảm 45% so với năm 2019, trong đó có 2 ca tử vong tại quận Nam Từ Liêm và quận Hoàn Kiếm; sởi có 15 ca, giảm 1.755 ca so với năm 2019; tay chân miệng có 3.109 ca, tăng hơn 2,5 lần so với năm 2019, nhưng không ghi nhận ca tử vong. Ngoài ra, một số dịch bệnh khác có ca mắc rải rác, như: Ho gà 6 ca, viêm não Nhật Bản 6 ca, não mô cầu 2 ca… Đặc biệt, cùng với cả nước, thành phố đã kiểm soát được dịch Covid-19. Tính đến ngày 10-1-2021, Hà Nội đã qua 146 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới Covid-19 tại cộng đồng.

Để có được kết quả này, theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, đơn vị. Điểm nhấn là Hà Nội đã chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch từ rất sớm. Ngay từ đầu năm 2020, nhờ đánh giá, dự báo đúng tình hình dịch Covid-19, thành phố đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp chống dịch. Cùng với đó, hệ thống giám sát, xử lý dịch được tổ chức chặt chẽ từ thành phố đến cơ sở. Đội ngũ nhân viên y tế đã khắc phục mọi khó khăn, tuân thủ đúng quy chế chuyên môn, góp phần tích cực đẩy lùi dịch bệnh.

Song, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, trên thế giới, dịch Covid-19 hiện vẫn diễn biến phức tạp, chưa có xu hướng giảm. Thậm chí, một số quốc gia đã ghi nhận biến chủng của vi rút SARS-CoV-2. Mặc dù một số nước đã nghiên cứu và đưa vào sử dụng vắc xin phòng dịch Covid-19, nhưng để đạt được miễn dịch cộng đồng là một quá trình lâu dài. Còn trong nước, một số đơn vị thực hiện việc cách ly tập trung người nhập cảnh chưa đúng quy định, tình trạng nhập cảnh trái phép vẫn diễn ra. Thêm vào đó, việc giao lưu, đi lại, tổ chức các sự kiện tập trung đông người gia tăng dịp cuối năm cũng tiềm ẩn nguy cơ dịch lây lan. “Thời điểm này, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào thành phố còn cao hơn thời điểm trước”, ông Hoàng Đức Hạnh lưu ý.

Cùng với dịch Covid-19, theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn, các dịch bệnh khác, như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, cúm… cũng luôn tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện và lan rộng. Thậm chí, các dịch bệnh có vắc xin phòng bệnh, như: Ho gà, bạch hầu, sởi… cũng có nguy cơ gia tăng số ca mắc do còn “khoảng trống” miễn dịch trong cộng đồng vì tiêm chủng chưa đầy đủ.

Giữ vững thành quả chống dịch

Phát huy kết quả về phòng, chống dịch thành phố đã đạt được, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Đặng Quang Tấn cho rằng, trong năm 2021, nhất là thời điểm từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 và phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Hà Nội phải quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Cùng với đó, nâng cao năng lực kiểm soát các dịch bệnh truyền nhiễm, năng lực xét nghiệm, sẵn sàng các trang thiết bị, vật tư y tế nhằm ứng phó kịp thời nếu dịch bệnh xảy ra.

Để công tác kiểm soát dịch hiệu quả, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đề nghị, lực lượng chức năng của thành phố và của các quận, huyện, thị xã tăng cường quản lý chặt người nhập cảnh tại sân bay, các khu cách ly, kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh trái phép… Bên cạnh đó, các đơn vị tiếp tục duy trì thường trực 24/24 giờ đội đáp ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh. Các địa phương không được chủ quan, cần thực hiện tốt giám sát dịch, phát hiện sớm ca bệnh, từ đó khoanh vùng, dập dịch kịp thời. Đây cũng chính là những yếu tố then chốt quyết định việc thành bại của công tác phòng, chống dịch trong năm mới 2021.

Đối với các bệnh có vắc xin phòng, theo ông Hoàng Đức Hạnh, các đơn vị cần tiếp tục triển khai tốt chương trình tiêm chủng mở rộng, nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, đặc biệt lưu ý công tác tiêm chủng với các bệnh có nguy cơ bùng phát cao. Cùng với đó, tăng cường truyền thông đến người dân việc thực hiện “thông điệp 5K” trong phòng, chống dịch Covid-19 (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế). Khi người dân phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép, nghi ngờ mắc bệnh, nghi ngờ có dấu hiệu dịch tễ liên quan đến dịch Covid-19 trên địa bàn, cần thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng. (Hà Nội mới, trang 1).

 

Hơn 500 giáo sư, bác sĩ, điều dưỡng sẽ phục vụ Đại hội Đảng

Bộ Y tế đã tổ chức diễn tập công tác y tế phục vụ Đại hội Đảng. Với 5 hợp phần phòng chống dịch, diễn tập tình huống cấp cứu, tình huống ô nhiễm phóng xạ hàng loạt... đã được thực hiện với nhiều trang thiết bị hiện đại.

5 hợp phần quan trọng được diễn tập lần này là kiểm soát dịch COVID-19 và vệ sinh môi trường; tổ chức lấy mẫu bệnh phẩm và xử lý ca nhiễm; kiểm soát ngộ độc thực phẩm và xử lý ngộ độc; xử lý cấp cứu bệnh nhân và chuyển về tuyến điều trị; xử lý cấp cứu nhiễm xạ hàng loạt.

Theo ông Lương Ngọc Khuê, cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trên 500 giáo sư, bác sĩ, điều dưỡng sẽ tham gia hỗ trợ, theo dõi sức khỏe cho các đại biểu, nhân viên phục vụ tại đại hội. Tại địa điểm diễn ra đại hội sẽ có y bác sĩ của các Bệnh viện Hữu Nghị, Bạch Mai, Tim Hà Nội, 108 và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương túc trực.

Địa điểm này cũng sẽ được đặt 1 trung tâm cấp cứu được trang bị thiết bị tim phổi ngoài cơ thể, xét nghiệm nhanh, siêu âm tại giường... Các mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm COVID-19 lấy tại khu vực đại hội sẽ được xét nghiệm tại Bệnh viện Phổi trung ương, thời gian cho kết quả là 60 phút. Ngoài ra còn có thiết bị xét nghiệm nhanh và hiện đại của quân đội thường trực.

Phát biểu tại buổi diễn tập, ông Trần Quốc Vượng - ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư -cho biết Đại hội lần thứ XIII của Đảng diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp là khác biệt nhất so với các kỳ đại hội đã diễn ra. "Vi vậy công tác y tế phải được đề cao hơn lúc nào hết" - ông Vượng nói. (Tuổi trẻ, trang 13).

Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô, trang 1: “Trong bối cảnh dịch Covid-19, công tác y tế phục vụ Đại hội XIII của Đảng phải được đề cao hơn lúc nào hết”; Sức khỏe & Đời sống, trang 3: “Trong bối cảnh dịch COVID-19, công tác y tế phục vụ Đại hội XIII của Đảng phải được đề cao hơn lúc nào hết”.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang