Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 11/12/2016

  • |
T5g.org.vn - Tác dụng của các thuốc trị viêm mũi thông thường; Trẻ kém thông minh vì thiếu mỡ; Đưa robot vào điều trị bệnh; Đạp phải kim tiêm, điều trị phơi nhiễm HIV ở đâu?; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Người dân phải được chăm sóc như có bác sĩ riêng; Giả thanh tra y tế hù dọa hàng loạt phòng khám…

Tác dụng của các thuốc trị viêm mũi thông thường

Trong các bệnh về đường hô hấp thì viêm mũi là bệnh thường gặp nhất với triệu chứng điển hình là ngạt mũi, chảy nước mũi… Tùy vào nguyên nhân do cảm cúm, dị ứng hay do nhiễm khuẩn mà lựa chọn dùng thuốc cho phù hợp, tuy vậy cần lưu ý là chỉ dùng thuốc kháng sinh khi nguyên nhân gây viêm mũi do vi khuẩn. Thuốc rửa mũi: Khi bị viêm mũi, ngạt mũi, cần làm sạch mũi với nước muối sinh lý trước, trước khi dùng các thuốc điều trị khác. Rất nhiều trường hợp chỉ cần rửa mũi đúng cách đã đạt hiệu quả rõ rệt.

Nhỏ vài giọt vào hốc mũi, sau đó cúi xuống và xì sạch dịch mũi. Thực hiện như vậy vài lần vào các buổi sáng, chiều, tối có tác dụng làm sạch mũi, làm loãng dịch tiết trong mũi và chống khô mũi. Các dịch tiết và bụi bẩn sẽ được tống ra khỏi mũi thông qua việc xì mũi, hắt hơi hoặc hút rửa mũi. Tuy nhiên, nên lưu ý vấn đề giữ vệ sinh các chai, lọ xịt nhỏ mũi, nhất là phần tiếp xúc với mũi để tránh nhiễm khuẩn ngược dòng vào trong chai lọ, khi đó, lần dùng tiếp theo vô tình đưa vi khuẩn này vào mũi khiến bệnh dai dẳng, kéo dài. Tốt nhất không nên dùng chung lọ xịt, nhỏ mũi.

Thuốc chống dị ứng: Phổ biến nhất là các thuốc như chlorpheniramin, promethazin, loratadine… Đây là các kháng histamin, rất hiệu quả khi điều trị triệu chứng dị ứng như ho, sổ mũi nước, nổi mề đay, ngứa. Nhưng nhược điểm của thuốc là gây buồn ngủ (như chlorpheniramin, promethazin). Vì vậy, khi dùng thuốc, người bệnh cần tránh làm việc đòi hỏi sự tập trung, tỉnh táo như lái xe, làm việc trên cao… và không uống rượu khi đang phải dùng thuốc.

Thuốc điều trị nghẹt mũi: Các thuốc thông mũi thường được dùng là naphazolin, xylometazolin, oxymetazolin… Khi nhỏ thuốc vào niêm mạc mũi, các thuốc này có tác dụng làm co mạch tại chỗ, do đó giảm lưu lượng máu qua mũi, giúp giảm sưng và sung huyết làm cho mũi hết ngạt và dễ thở tạm thời. Thuốc được dùng dưới dạng nhỏ mũi hoặc khí dung xịt vào mũi, có tác dụng nhanh, duy trì trong nhiều giờ. Vì thế, mỗi ngày chỉ nên nhỏ từ 2-3 lần và chỉ nên dùng trong vòng 7 ngày. Không dùng thuốc kéo dài vì dễ có tác dụng ngược, làm mũi bị nghẹt nhiều hơn. Không nên dùng thuốc cho người bị tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, mạch nhanh, người bị viêm mũi mạn tính.

Thuốc chống viêm corticoid: Các thuốc này có hiệu quả nhất trong việc điều trị tất cả các thể viêm mũi, xoang mạn tính. Thuốc làm giảm tất cả các triệu chứng như ngứa niêm mạc mũi xoang, do đó làm thông mũi và giải quyết ứ tắc mũi xoang. Thuốc này tương đối an toàn khi sử dụng lâu dài do ít bị hấp thu vào máu.

Các thuốc kháng sinh: Việc dùng thuốc kháng sinh cần theo chỉ định của bác sĩ mà người bệnh cần tuân thủ điều trị. Nếu dùng thuốc không đúng chỉ định, vi khuẩn sẽ nhờn thuốc và gây bệnh trở lại. (An ninh Thủ đô (trang 8).

 

Trẻ kém thông minh vì thiếu mỡ

Lo sợ những ảnh hưởng xấu của mỡ đến sức khỏe của con, nhiều bà mẹ đã gạch tên thực phẩm này ra khỏi thực đơn hàng ngày. Điều này đã và đang khiến cả thể lực lẫn trí lực của trẻ bị ảnh hưởng. Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tính đến 2010, số lượng tiêu thụ chất đạm, chất béo ở Việt Nam đã tăng gấp 2-3 lần những năm 1980. Mặc dù hàm lượng chất béo tăng trong khẩu phần ăn, tuy nhiên, thực tế là trẻ em Việt Nam lại đang thiếu mỡ. Cụ thể, ở lứa tuổi 1-3, khẩu phần ăn chỉ đáp ứng 64% nhu cầu mỡ của trẻ; tuổi 3-6 là 69%, tuổi 6-9 là 61%, tuổi 9-12 chỉ đạt 53%.

Chuyện này nghe có vẻ ngược đời, thế nhưng, nghịch lý này lại xuất phát từ quan điểm sai lầm của người Việt. Thực tế, đa phần chúng ta đều cho rằng mỡ có thể gây ra những tác động xấu với sức khỏe như: tăng cholesterol, gây béo phì… nên hầu hết các gia đình đều thay thế mỡ bằng dầu thực vật. Hiện tượng này không chỉ xảy ra ở thành thị mà cả ở nông thôn cũng vậy.

Theo Th.s bác sĩ Doãn Tường Vi, Viện Dinh dưỡng Lâm sàng Hà Nội, mỡ động vật không chỉ cung cấp năng lượng cho sự phát triển thể chất của trẻ nhỏ mà còn đóng vai trò rất quan trọng trong việc tổng hợp các chất dinh dưỡng cũng như kiến thiết, xây dựng các tế bào não. Chính vì thế, thiếu mỡ vừa ảnh hưởng đến thể lực, vừa khiến trí lực của trẻ cũng khó có thể phát triển toàn diện.

Não trẻ có 64% là mỡ

Các khoa học chỉ ra rằng, não bộ của trẻ nhỏ có tới 64% là mỡ, do đó, rất cần tế bào mỡ để tăng trưởng về kích thước. Mặc dù cùng là chất béo, thế nhưng, trong dầu thực vật lại thiếu ARA - 1 loại axit béo vô cùng cần thiết cho sự hình thành các tế bào não. Chính vì thế, để chức năng não không bị ảnh hưởng khiến trẻ kém thông minh, chúng ta nên bổ sung mỡ vào chế độ dinh dưỡng của trẻ.

Không chỉ đóng góp cho quá trình xây dựng các tế bào não, mỡ còn là dung môi cần thiết để hòa tan các loại vitamin như: A, K, D, E. Thiếu mỡ, trẻ không thể hấp thụ đầy đủ 4 loại vitamin này, dễ dẫn đến mắc các bệnh: còi xương, mờ mắt, sức đề kháng kém… Hơn nữa, bản thân mỡ cũng là chứa nhiều vitamin A, D nên có thể coi đây là một trong những nguồn hợp lý để tăng cường loại vitamin này.

Trẻ dễ biếng ăn: Nên dùng mỡ 

Nhiều người cho rằng, chất béo trong mỡ khiến trẻ đầy bụng, khó tiêu, từ đó dẫn tới hiện tượng biếng ăn, thế nhưng, sự thực thì hoàn toàn ngược lại. Mỡ động vật thơm hơn, ngậy hơn nên sẽ khiến thức ăn dậy mùi, dậy vị. Chính vì thế, theo bác sĩ Tường Vi, nếu trẻ chán ăn, ăn không ngon miệng, bố mẹ hãy sử dụng mỡ khi chế biến thức ăn để tăng độ ngậy, độ ngon, từ đó kích thích vị giác của trẻ.

Vẫn theo bác sĩ Vy, không chỉ mỡ lợn mà mỡ gà cũng có những tác dụng tương tự, thế nên, cha mẹ hoàn toàn có thể đổi bữa để làm phong phú hơn thực đơn hàng ngày của các bé.

Tỷ lệ mỡ và dầu: 70% -30%

Mặc dù có nhiều tác dụng với cơ thể, tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận những lợi ích của dầu thực vật. Chính vì thế, để cân bằng, bạn có thể sử dụng đan xen 2 loại chất béo này với tỷ lệ 2 bữa dùng dầu ăn và 1 bữa dùng mỡ.

Khi sử dụng mỡ, bạn không nên mua loại chế biến, đóng gói sẵn mà nên mua mỡ tươi về chế biến và để tủ lạnh dùng dần. Cũng như dầu ăn, mỡ lợn chỉ nên dùng một lần rồi bỏ, nếu dùng loại đã chiên đi, chiên lại, cơ thể trẻ sẽ tích tụ nhiều độc tố ảnh hưởng tới sức khỏe. Riêng với trẻ đang mắc các bệnh tiểu đường, thừa cân, béo phì… bạn nên hạn chế tối đa dùng mỡ lợn, gà.. vì nó có thể tạo ra nhiều cholesterol ảnh hưởng đến chức năng gan, tim mạch… Thay vào đó, bạn có thể bổ sung cho con mỡ từ các loại cá như cá thu, cá hồi...

Nuôi con chưa bao giờ là việc đơn giản, thế nên, thay vì dựa vào kinh nghiệm truyền miệng, hãy cố gắng tích lũy kiến thức cho bản thân. Chỉ khi hiểu đúng bản chất của sự việc, những đứa trẻ của bạn mới có thể phát triển toàn diện về cả thể lực lẫn trí lực. (An ninh Thủ đô, trang 8).

 

Đưa robot vào điều trị bệnh

Sáng 10-12, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM), Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dự lễ khánh thành, đưa vào hoạt động hệ thống phẫu thuật nội soi sử dụng robot.

 Theo BS Trần Vĩnh Hưng - giám đốc Bệnh viện Bình Dân, phẫu thuật robot đã khắc phục được những hạn chế của phẫu thuật nội soi truyền thống và mổ mở, trở thành trợ thủ thông minh trong phòng phẫu thuật dưới sự điều khiển của các bác sĩ phẫu thuật viên được đào tạo chuyên sâu về nội soi robot.

Nhờ có hệ thống hình ảnh không gian 3 chiều, hệ thống Robot cho phép bác sĩ phẫu thuật có thể quan sát sâu hơn và chính xác hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho từng thao tác phẫu thuật so với hình ảnh không gian 2 chiều trong phẫu thuật nội soi thông thường.... 

Lợi điểm của phẫu thuật robot là vùng phẫu thuật được thu hẹp tối đa với xâm lấn tối thiểu nên bệnh nhân lành bệnh mau, hồi phục thể trạng nhanh hơn.

Phát biểu tại lễ khánh thành, chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong biểu dương Sở Y tế TP, tập thể lãnh đạo, cán bộ, viên chức và người lao động của Bệnh viện Bình Dân.

Theo chủ tịch, việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án phẫu thuật nội soi robot tại Bệnh viện Bình Dân thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm cao của Sở Y tế TP, của Bệnh viện Bình Dân nhằm góp phần thực hiện mục tiêu tổng quát của ngành y tế TP chuyên nghiệp, hiện đại, hoàn chỉnh, hướng tới công bằng, hiệu quả và phát triển, bảo đảm mọi người dân được hưởng các dịch vụ y tế có chất lượng…. Từ đó đưa bệnh viện trở thành một trong những trung tâm y tế chuyên sâu, dịch vụ chất lượng cao của khu vực phía Nam và cả nước, ngang tầm hệ thống y tế của các nước phát triển trong khu vực. (Tuổi trẻ, trang 2, Tiền phong, trang 2, Thanh niên, trang 3).

 

Đạp phải kim tiêm, điều trị phơi nhiễm HIV ở đâu?

Tỉ lệ nhiễm HIV mới hằng năm đã giảm, nhưng mỗi năm vẫn có khoảng 10.000 người “lọt sổ”. Nhiều người không biết tới việc điều trị phơi nhiễm và cũng không biết đến đâu để điều trị kịp thời trong vòng 72 giờ để ngăn khả năng nhiễm HIV.

 Đó là thực tế mà TS.BS Lê Mạnh Hùng, phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM), nêu tại hội thảo cập nhật hướng dẫn về điều trị và dự phòng HIV do Hội phòng chống HIV/AIDS TP.HCM tổ chức sáng 10-12.

“Nhiều người sau khi đạp phải kim tiêm, có quan hệ tình dục không an toàn, biết mình bị phơi nhiễm nhưng không biết sơ cấp cứu, sơ cứu xong không biết đến nơi nào để điều trị ban đầu”, ông Hùng nêu thêm.

Theo ông, “1 đồng dự phòng hơn 10 đồng điều trị”. Do đó ngoài mục tiêu 90% người nhiễm được phát hiện được điều trị bằng thuốc ARV thì cũng nên đặt ra mục tiêu 90% người có hành vi có nguy cơ nhiễm HIV được điều trị phơi nhiễm kịp thời trong vòng 72 giờ.

TS.BS Lê Trường Giang, chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM, cũng cho biết việc điều trị phơi nhiễm cho nhân viên y tế gặp tai nạn y khoa có khả năng nhiễm HIV hay cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ… đã được thực hiện nhiều năm nay cho thấy hiệu quả rất lớn khi không có ca nào điều trị phơi nhiễm kịp thời mà bị nhiễm HIV. Đồng thời, hiện nay điều trị nhiễm và phơi nhiễm HIV đều đã được đưa vào danh mục chi trả của BHYT.

Tuy nhiên, người dân vẫn thiếu thông tin về việc phải khẩn cấp điều trị phơi nhiễm và tối thiểu trong vòng 72 giờ sau khi có hành vi nguy cơ để ngăn chặn nguy cơ nhiễm HIV và cũng không biết tìm đến địa chỉ nào.

Đồng thời, hệ thống điều trị hiện nay mới chỉ có duy nhất Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM tiếp nhận điều trị phơi nhiễm cho người dân.

“Cần tuyên truyền cho người dân biết về điều trị phơi nhiễm HIV, đồng thời TP.HCM cũng cần kiến nghị mở rộng điều trị phơi nhiễm HIV cho người dân ở các phòng khám y tế quận, huyện, có quy định điều trị phơi nhiễm để người dân dễ dàng tiếp cận”, ông Giang nêu. (Tuổi trẻ, trang 2).

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Người dân phải được chăm sóc như có bác sĩ riêng

Ngày 10/12, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Thọ và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Bài toán đặt ra là làm sao để 100% người dân Phú Thọ có thẻ bảo hiểm y tế (hiện là trên 85%); tỷ lệ chi từ quỹ bảo hiểm y tế cho y tế cơ sở phải tăng lên (hiện mới đạt khoảng 30%) và nhất là để mỗi người dân đều được chăm sóc sức khỏe như có bác sĩ riêng”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt hàng lãnh đạo tỉnh Phú Thọ chỉ đạo ngành bảo hiểm xã hội, y tế địa phương xây dựng, thí điểm cơ chế dành cho y tế cơ sở để người dân được theo dõi, chăm sóc sức khỏe ban đầu toàn diện như có bác sĩ riêng. Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Minh Châu cam kết sẽ triển khai trong thời gian sớm nhất, tiến tới mở rộng đến tất cả các xã/phường trên địa bàn để hơn 1,3 triệu người dân đều được thụ hưởng.

Nhiều khoảng trống kiến thức ở bác sĩ tuyến xã, huyện

Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) vừa công bố kết quả nghiên cứu về chất lượng và công bằng trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại Việt Nam. Nghiên cứu này được thực hiện năm 2015 tại 78 bệnh viện huyện và 246 trạm y tế xã tại 6 tỉnh, thành đại diện các vùng miền.

Ông Khương Anh Tuấn, Viện phó Viện Chiến lược và Chính sách y tế, cho biết, nhóm nghiên cứu đã đưa ra các câu hỏi và quan sát chẩn đoán, điều trị, kê đơn của các bác sĩ tuyến huyện, xã về 5 bệnh cơ bản thường gặp, gồm tiêu chảy trẻ em, viêm phổi trẻ em, lao, tiểu đường týp 2, tăng huyết áp. Kết quả, tỷ lệ câu hỏi mà bác sĩ hỏi bệnh nhân và câu hỏi cần phải hỏi để đưa ra chẩn đoán bệnh chính xác hơn chỉ đạt xấp xỉ 50%. Theo ông Tuấn, chính việc các bác sĩ thiếu kiến thức cơ bản, khám lâm sàng không theo chuẩn khiến việc chẩn đoán bệnh cũng bị ảnh hưởng. Với bệnh tăng huyết áp độ 1, tỷ lệ chẩn đoán sai là 19%, đái tháo đường týp 2 là 14%, tiêu chảy trẻ em là 12%, lao là 9%, viêm phổi trẻ em là 3%. Tỷ lệ chẩn đoán đúng khá cao nhưng vẫn còn nhiều bác sĩ chỉ chẩn đoán đúng một phần về bệnh lý. Đặc biệt, bệnh tiêu chảy trẻ em chỉ có 6% chẩn đoán đúng hoàn toàn, 81% đúng một phần. Tỷ lệ các bác sĩ chẩn đoán đúng khá cao nhưng không chắc đưa ra chỉ định điều trị đúng. Với bệnh viêm phổi trẻ em, 97% bác sĩ chẩn đoán đúng bệnh nhưng có tới gần 48% bác sĩ đưa ra điều trị chưa đúng.

Một nghịch lý được nhìn ra từ nghiên cứu này là các bác sĩ tuyến xã kiến thức ít hơn luôn chịu khó hỏi bệnh nhân và khám kỹ hơn các bác sĩ tuyến huyện - nơi có điều kiện học tập và thực hành tốt hơn. Ông Olusoji Adeyi, Giám đốc lĩnh vực y tế dinh dưỡng và dân số (Ngân hàng Thế giới), nói rằng, quá trình nghiên cứu cho thấy bác sĩ tuyến xã thực hành gần hết những gì họ đã trả lời lý thuyết, còn các bác sĩ huyện lại ít thực hành và chủ yếu dựa vào các kết quả xét nghiệm, chiếu chụp (Tiền phong, trang 3).

 

Giả thanh tra y tế hù dọa hàng loạt phòng khám

Trong những ngày qua, có người giả thanh tra y tế gọi cho hàng loạt các PK ở TP.HCM để 'hù dọa' sẽ bị thanh, kiểm tra. Hôm qua 10.12, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết Công an TP đã làm việc với Sở Y tế về việc có người tự xưng Chánh thanh tra Sở Y tế gọi điện hù dọa hàng loạt phòng khám (PK).

Trong những ngày qua, một đối tượng dùng số điện thoại 0903026741 gọi cho hàng loạt các PK ở TP.HCM để “hù dọa” sẽ bị thanh, kiểm tra.

Ngày 6.12, một PK đa khoa ở Q.10 nhận được điện thoại của người tự xưng Chánh thanh tra Sở Y tế TP và cho biết đoàn thanh tra của Sở cùng UBND TP, 2 phóng viên… tổng cộng 13 người, chuẩn bị xuống thanh tra PK. Người này yêu cầu chủ PK phải chi bồi dưỡng cho đoàn, nếu không sẽ bị xử lý vì PK bán thuốc hết “date”, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bậy… PK đồng ý chi cho đối tượng này 65 triệu đồng. Trong buổi sáng 6.12, đối tượng này đã gọi thúc ép PK 10 lần, yêu cầu mang tiền đến các địa điểm, lúc đầu ở cổng Sở Y tế, sau đó là trước UBND Q.10, Công an Q.10 và cuối cùng là một quán cà phê. Thế nhưng, người đòi tiền sau đó không xuất hiện, mà yêu cầu để tiền ở bồn hoa trước quán sẽ có người lấy. Tuy nhiên, PK không đồng ý và yêu cầu chánh thanh tra xuất hiện thì mới đưa. Cuối cùng đối tượng không xuất hiện. Diễn biến vụ việc trên đã được cơ quan công an theo dõi, mọi cuộc điện đàm đều được ghi âm.

Khoảng 18 giờ cùng ngày, một phòng chẩn trị ở Q.5 cũng nhận được điện thoại xưng Chánh thanh tra Sở Y tế TP đang tập trung lực lượng gồm thanh tra, nhà báo (8 người) ở cổng Sở Y tế TP chuẩn bị đi thanh tra PK này và yêu cầu PK mang bao thư 8 triệu đồng lên Sở để bồi dưỡng cho các thành viên, nếu không sẽ bị xử lý nặng. Tuy nhiên, PK rất cảnh giác, bảo rằng sẵn sàng đón tiếp đoàn thanh tra; và đối tượng không gọi lại nữa. Đến sáng 7.12, những cú điện thoại tương tự gọi đến các PK khác ở Q.5 (PK Thân Dân), Q.11 (PK Đại Phước), Q.3 (PK Monaco) và một số nhà thuốc ở quận 3, 4, 10, Gò Vấp… với nội dung tương tự.

Chánh thanh tra Sở Y tế TP Bùi Minh Trạng cho biết chỉ trong sáng 7.12, thanh tra nhận được hơn 30 phản ánh liên quan vấn đề mạo danh kiểu như trên ở khắp các quận, huyện. Trước đây cũng có một vài cơ sở bị lừa mua tài liệu tập huấn nhưng chỉ vài trăm ngàn đồng. Trước tình trạng trên, thanh tra y tế đã gửi thông báo cảnh giác đến tất cả PK và 24 phòng y tế quận, huyện để cảnh giác. “Họ gọi đến điện thoại bàn của PK chúng tôi và nói: Chánh thanh tra Sở Y tế nói cần gọi lại có việc gấp, họ để lại số điện thoại. Khi tôi gọi lại thì nghe giọng nói không phải là Chánh thanh tra Sở Y tế. Họ nói chuyện như người trong ngành y, biết rất rõ về hoạt động thanh tra”, giám đốc một PK cho biết.

“Theo tôi, động cơ của một nhóm đối tượng này không nhằm lấy tiền mà mục đích chính là làm mất uy tín thanh tra y tế. Vì gần đây, chúng tôi đã kiểm tra và xử lý nghiêm khắc các cơ sở hoạt động không phép, cùng những cơ sở “cò" khám chữa bệnh”, ông Trạng nhận định. Vì các PK đặt câu hỏi tại sao những đối tượng này biết khá rõ hoạt động của thanh tra, nên thanh tra đã đề nghị cơ quan chức năng xác minh xử lý. (Thanh niên, trang 13).

 

Phẫu thuật lấy khối u xơ nặng gần 4 kg

Sáng 10.12, bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hà, Giám đốc Bệnh viện chuyên khoa Sản – Nhi tỉnh Sóc Trăng, cho biết bệnh viện vừa phẫu thuật thành công cứu sống bệnh nhân mang khối u xơ nặng gần 4 kg.

Theo bác sĩ Hà, ngày 5.12, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân tên Thạch Thị Sự (42 tuổi, ngụ ấp Trà Đót, xã Tài Văn, H.Trần Đề) nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội và bụng căng phình to như cái trống (giống như phụ nữ đang mang thai ở tháng 8, 9).

Ngay sau đó, bệnh nhân được bác sĩ chỉ định cho siêu âm, chụp X – quang. Kết quả cho thấy bệnh nhân Sự đang mang trong người một khối u xơ tử cung quá to. Do sức khỏe của bệnh nhân quá yếu ớt, lại có triệu chứng thiếu máu nên các y, bác sĩ đã truyền máu và xét nghiệm hội chẩn chờ sức khỏe bệnh nhân chuyển biến tốt sẽ tiến hành phẫu thuật. (Thanh niên, trang 5).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang