Khó mua vật tư y tế vì vướng thẩm định giá
Dù một số vướng mắc trong quy định trong mua sắm, đấu thầu thiết bị vật tư y tế đã được tháo gỡ, song việc thẩm định giá rất khó khăn. Vì thế tại Hà Tĩnh có bệnh viện đang được cấp rất nhiều tiền để mua sắm trang thiết bị nhưng không thể mua nổi…
Mua vật tư y tế gặp khó
Tại kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII, các đại biểu tiếp tục chất vấn nhiều nội dung liên quan đến tình trạng khó khăn trong mua sắm vật tư trong các cơ sở y tế.
Đại biểu Đào Thị Anh Nga (Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh) yêu cầu người đứng đầu ngành y tế làm rõ “Tình trạng khó khăn trong mua sắm vật tư trong các cơ sở y tế, mặc dù kinh phí bố trí từ lâu trong đó có quỹ COVID-19”.
Tại kỳ họp, ông Nguyễn Minh Đức - Giám đốc Sở Y tế cho biết, trước đây việc mua sắm vật tư, thiết bị y tế gặp rất nhiều khó khăn bởi vướng các quy định trong mua sắm, đấu thầu. Gần đây, có các chủ trương lớn từ Chính phủ, thông tư của Bộ Y tế; đặc biệt, UBND tỉnh có các quyết định, HĐND tỉnh có các nghị quyết nên đã tháo gỡ được khó khăn vấn đề này. Tuy nhiên hiện nay còn có khó khăn bởi thực hiện theo quy trình đấu thầu bắt buộc phải qua 7 bước.
“Trong mỗi bước phải quy định thời gian. Nếu như thực hiện theo các quy định thì phải mất thời gian ít nhất trong vòng 6 tháng. Theo như tổng kết từ trước đến nay không chỉ riêng ở Hà Tĩnh mà các tỉnh khác thực hiện đấu thầu thường từ 10-12 tháng”, ông Đức cho hay.
Người đứng đầu ngành Y tế Hà Tĩnh cũng cho rằng, dù cơ chế đã được các cấp, các ngành, tháo gỡ nhưng việc hiện nay công tác mua sắm trang thiết bị vẫn đang trong thời gian chờ kết quả để đáp ứng được nhu cầu của người dân và người bệnh. Hiện thuốc có thể đáp ứng được đến quý I/2025, còn vật tư, thiết bị đang trong quá trình thực hiện các bước.
Ông Nguyễn Minh Đức cho biết, với kinh phí mua sắm thiết bị, vật tư y tế, Sở đã trình UBND tỉnh và Sở Tài Chính, hiện đang trong giai đoạn thẩm định. Còn nguồn kinh phí được cấp 900 triệu mua bình oxi đã được tổ chức đấu thầu lần 1 nhưng không đáp ứng nên đã huỷ thầu. Sở đang đề xuất để làm công tác đấu thầu trở lại.
Bệnh viện có tiền vẫn khó mua...
Làm rõ thêm những vấn đề được nêu trên lĩnh vực này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu cho biết thời gian qua, ngành y tế gặp rất nhiều khó khăn trong mua sắm trang thiết bị và vật tư. Ngoài những nguyên nhân đã được Sở Y tế nêu thì còn có những liên quan vướng mắc giữa các luật khác nhau. “Dù một số vướng mắc đã được tháo gỡ nhưng rất khó để thực hiện. Như Bệnh viện Hà Tĩnh hiện nay đang được cấp rất nhiều tiền để mua sắm trang thiết bị nhưng không mua nổi hoặc làm rất chậm vì không ai thẩm định giá. Quy trình thì qua 7 bước nhưng 1 bước không thể không làm là thẩm định giá, nhưng không làm được”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu cho biết.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đưa dẫn chứng một doanh nghiệp có ý kiến rằng nếu đưa ra một danh sách danh mục khoảng 20 thiết bị cho 1 gói, họ chỉ thẩm định được những mặt hàng này, còn những mặt hàng khác không thực hiện được.
"Lý do là theo Luật Thương mại, giá nhập khẩu thuộc bí mật của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tham gia thẩm định giá, họ không tiếp cận được cái giá đó thì họ không làm”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh lý giải.
Ngoài vấn đề trong công tác đấu thầu trang thiết bị y tế gặp khó, đại biểu Thái Văn Sinh (Phó Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh) cũng nêu những rủi ro khi thẩm mỹ viện phát triển rầm rộ. “Đề nghị cho biết cách thức, giải pháp quản lý lĩnh vực này như thế nào”, đại biểu đặt câu hỏi.
Giám đốc Sở Y tế - Nguyễn Minh Đức cho biết, loại hình cung cấp dịch vụ thẩm mỹ không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động nhưng phải có các văn bản chứng minh đáp ứng đủ điều kiện hoạt động. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện TTH Hà Tĩnh được cấp phép khám chữa bệnh về thẩm mỹ và 123 cơ sở thực hiện thông báo đăng ký hoạt động dịch vụ thẩm mỹ.
Từ năm 2020 đến nay, các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra 28 lượt cơ sở cung cấp dịch vụ thẩm mỹ, xử phạt 4 cơ sở, yêu cầu dừng hoạt động 7 cơ sở vì chưa đủ điều kiện.
Thời gian tới Sở sẽ kiến nghị các cấp có thẩm quyền ban hành các quy định theo hướng chặt chẽ hơn; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý các cơ sở vi phạm (Tiền phong, trang 14).
Bác sĩ đi xin tiền mong cứu mẹ con sản phụ
Bệnh nhân là sản phụ Nguyễn Thị Thúy Nhung (34 tuổi, ngụ thôn Dương Đàn, xã Tam Dân, H.Phú Ninh, Quảng Nam), gia cảnh khó khăn, đang lâm vào tình trạng ngặt nghèo.
"Hoàn cảnh bệnh nhân (BN) quá khó khăn, trong khi cô ấy đang có đứa con 23 tuần tuổi trong bụng, nên dù phải đi xin tiền mỗi nơi một chút, tôi vẫn muốn dùng ecmo (kỹ thuật thực hiện ô xy hóa qua màng ngoài cơ thể) để tăng khả năng cứu sống cả hai mẹ con", bác sĩ Hoàng Hữu Hiếu, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (HSTC-CĐ), Bệnh viện Đà Nẵng, chia sẻ.
Trước đó, chị Nhung bị viêm phổi cấp nhưng chỉ điều trị tại nhà trong tình trạng sốt cao, ho, khó thở… Đến khi chị được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng thì bệnh đã chuyển nặng, dẫn đến suy hô hấp độ 3, nhiễm trùng huyết, suy kiệt, tràn dịch màng phổi hai bên. BN được theo dõi hồi sức đặc biệt vì có thai gần 23 tuần tuổi. Rất nhanh sau đó, BN suy hô hấp nặng, tiên lượng nặng và được chuyển sang Khoa HSTC-CĐ đặt nội khí quản thở máy, chỉ định kháng sinh liều cao, lọc máu liên tục, nhưng tình trạng vẫn rất nguy kịch.
Các y bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng chỉ định phương pháp ecmo để phổi có thời gian phục hồi, tăng khả năng cứu sống cả hai mẹ con chị Nhung. Bác sĩ Hiếu cho biết vì hoàn cảnh BN quá khó khăn nên việc điều trị bằng kháng sinh liều cao và lọc máu liên tục với chi phí hơn 20 triệu đồng/ngày (do không có bảo hiểm y tế) trong hơn một tuần qua đã vượt quá khả năng của gia đình. Chính vì vậy, áp dụng phương pháp ecmo lên đến vài trăm triệu đồng nằm ngoài tầm với của người bệnh.
Thai nhi là động lực để bác sĩ nỗ lực đến cùng
Dù người mẹ gần như đã đặt chân vào cửa tử, nhưng hình ảnh siêu âm thai gần 23 tuần tuổi vẫn phát triển rất tốt trong buồng tử cung đã là động lực để các bác sĩ nỗ lực đến cùng mong cứu sống hai mẹ con. "Không chỉ vậy, cô ấy cần phải sống vì 2 đứa trẻ đang ở nhà chờ mẹ về nữa", bác sĩ Hiếu nói.
Trong khi tính mạng của con gái và cháu ngoại đang nguy kịch, bên ngoài cánh cửa Khoa HSTC-CĐ, bà Dương Thị Thu (61 tuổi), mẹ chị Nhung, khóc trong bất lực vì chi phí điều trị quá lớn, ngoài sức tưởng tượng của bà. Ngược xuôi chạy vạy, vay mượn được hơn 60 triệu đồng để tạm ứng viện phí cho con, bà Thu cho biết phần còn lại hơn 300 triệu đồng chỉ biết nhờ các bác sĩ "đi xin" giúp. Thương con ốm đau, tình cảnh hôn nhân thì khúc mắc đổ vỡ, hiện tại bà Thu phải bỏ công việc bán vé số để chăm con gái, trong lòng vẫn canh cánh lo cho cháu ngoại ở quê không ai chăm sóc, và cả người chồng bị bệnh ung thư cùng mẹ chồng năm nay đã 95 tuổi…
"Hoàn cảnh của BN rất éo le, gia cảnh lại quá khó khăn, nhưng đứa bé trong bụng có sức sống mãnh liệt quá, nên dù biết tốn kém chúng tôi vẫn có gắng xoay xở hết mức để cứu cho được cả mẹ lẫn con… rồi từ từ tính tiếp. Rất mong mẹ con sản phụ nhận được sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng nói chung và bạn đọc báo nói riêng để vượt qua cửa tử", bác sĩ Hiếu bày tỏ (Thanh niên, trang 12).
TPHCM nỗ lực tăng mức sinh, nâng cao chất lượng dân số
Ngày 10-12, Sở Y tế TPHCM tổ chức Hội nghị kỷ niệm 62 năm ngày dân số Việt Nam (26-12) và tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, cung cấp các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số.
Theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, trong những năm gần đây, công tác dân số của TPHCM đạt được nhiều kết quả quan trọng, như không ngừng nâng cao chất lượng dân số giai đoạn đầu đời thông qua triển khai có hiệu quả chương trình tầm soát, chẩn đoán, điều trị bệnh, tật trước sinh và sơ sinh, tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn. Cơ cấu dân số của thành phố thay đổi theo hướng tích cực với dân số trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ trên 70%.
TPHCM cũng kiểm soát hiệu quả tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Bên cạnh đó, các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được tăng cường, năm 2022 tuổi thọ trung bình của người dân thành phố ở mức khá cao, với 76,3 tuổi so với mặt bằng chung cả nước là 73,6 tuổi.
Tuy nhiên, theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, công tác dân số của thành phố vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; trong đó, tình trạng mức sinh thấp đã ở mức báo động. Năm 2023, ước tính tỷ suất sinh của thành phố là 1,42 con/phụ nữ mang thai. Cùng với đó, dân số đông, biến động dân cư rất lớn, người dân nhập cư đông, phân bố dân cư không đều, tốc độ đô thị hóa nhanh khiến các vấn đề liên quan như nhà ở, việc làm, môi trường ô nhiễm, vệ sinh an toàn thực phẩm, dịch bệnh... gặp nhiều khó khăn, thách thức.
"Thời gian tới, Sở Y tế sẽ tham mưu UBND TPHCM tập trung thực hiện các giải pháp chủ động ứng phó linh hoạt với mức sinh thấp, nỗ lực truyền tải thông điệp "Mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con" đến từng người dân nhằm giải quyết tình trạng mức sinh thấp, mang lại lợi ích cho gia đình và xã hội", TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu thông tin.
Đồng thời, Sở Y tế cũng giao nhiệm vụ cho các bệnh viện, các cơ sở y tế có cung cấp các dịch vụ liên quan lĩnh vực dân số, cần tập trung triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng dân số giai đoạn đầu đời, mở rộng phạm vi thực hiện chương trình tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn.
Theo TS Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Dân số (Bộ Y tế), thời gian tới, TPHCM tập trung giải quyết toàn diện và đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố; đặc biệt chất lượng dân số đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Thành phố cũng cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền; tiếp tục phát huy vai trò của Ban chỉ đạo dân số và phát triển các cấp; đưa công tác dân số thành nội dung quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền.
Song song, đổi mới, đa dạng hóa các hình thức cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dân số giai đoạn đầu đời; mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân đến các bệnh viện, Trung tâm y tế tuyến huyện một cách thuận tiện, gần dân. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác phụng dưỡng, chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi, triển khai các mô hình chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Nguy cơ biến chứng nặng cho trẻ khi mẹ mổ đẻ chủ động
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mổ lấy thai chủ động khi không có chuyển dạ khiến nguy cơ mắc hội chứng suy hô hấp ở trẻ cao gấp 2,6 lần so với mổ đẻ có chuyển dạ và cao gấp 1,9 lần so với đẻ thường.
Chỉ trong gần một tuần của tháng 11, Trung tâm sơ sinh Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư (Hà Nội) đã tiếp nhận 6 trẻ gặp các biến chứng nặng phải thở máy, có trẻ cần duy trì thuốc trợ tim, vận mạch. Có 2 trường hợp trẻ tổn thương phổi nặng, suy hô hấp, suy tuần hoàn. Đáng chú ý, các bệnh nhi (BN) đều được sinh mổ chủ động khi mẹ chưa có cơn co.
Trong đó, có trường hợp nhập viện mới 1 ngày tuổi là bé trai Đ.T.D ở Thái Bình. Do lo lắng những biến chứng của vết mổ đẻ cũ nên sản phụ quyết định sinh mổ chủ động khi thai nhi được 37 tuần. Sau sinh, trẻ được hỗ trợ thở áp lực dương liên tục qua mũi. Tuy nhiên, suy hô hấp tiến triển, trẻ được chuyển đến BV Nhi T.Ư trong tình trạng tổn thương phổi nặng, suy tuần hoàn. Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ (BS) Trung tâm sơ sinh đã tiến hành hỗ trợ thở máy cho trẻ. Sau 7 ngày điều trị tích cực, may mắn tình trạng của bé Đ.T.D đã cải thiện và ổn định.
Trường hợp khác không may mắn là bé trai ở Nam Định, cũng nhập viện khi được 1 ngày tuổi. Bé được đẻ mổ chủ động tại BV địa phương khi thai kỳ ở tuần thứ 36, lúc này mẹ chưa có cơn chuyển dạ. Trẻ sau sinh có suy hô hấp, tăng áp phổi nặng, được chuyển đến BV Nhi T.Ư trong tình trạng tím tái, ô xy giảm thấp, suy tuần hoàn.
Tại BV Nhi T.Ư, các BS ngay lập tức tiến hành cho trẻ thở máy tần số cao, duy trì thuốc trợ tim, vận mạch, thuốc giãn mạch phổi. Mặc dù đã được hồi sức tích cực nhưng tình trạng không cải thiện, trẻ đã tử vong sau 3 ngày.
Th.S-BS Nguyễn Thị Hồng Loan, Khoa Điều trị tích cực sơ sinh, Trung tâm sơ sinh, BV Nhi T.Ư, lưu ý trẻ được sinh ra do mổ đẻ chủ động có thể bị suy hô hấp với nhiều mức độ: từ khó thở thoáng qua đến suy hô hấp nặng cần thở máy, thậm chí cần đến ECMO (tim phổi nhân tạo). Một số trường hợp nặng có thể tử vong. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mổ lấy thai chủ động khi không có chuyển dạ khiến nguy cơ mắc hội chứng suy hô hấp ở trẻ cao gấp 2,6 lần so với mổ đẻ có chuyển dạ và cao gấp 1,9 lần so với đẻ thường.
Trong thời kỳ bào thai, phổi bị dịch lấp đầy nên quá trình trao đổi khí phụ thuộc vào bánh nhau. Khi bánh nhau ngừng hoạt động chức năng, phổi phải đảm nhiệm vai trò này. Quá trình chuyển dạ kích thích tăng sản xuất adrenalin của thai nhi và tăng giải phóng hormone thyrotropin của mẹ. Quá trình này có tác dụng làm tế bào phổi giảm tiết dịch và bắt đầu hấp thu dịch phổi ở trong phế nang, là bước chuẩn bị để phổi bắt đầu thực hiện chức năng hô hấp. Ở trẻ đẻ mổ chủ động sẽ không có quá trình này, dẫn đến phổi trẻ khi sinh ra chứa nhiều dịch hơn, dễ bị mắc các vấn đề về hô hấp sau sinh.
BS Hồng Loan chia sẻ: "Để tránh các biến chứng nặng có thể xảy ra do mổ đẻ chủ động, bố mẹ không nên lựa chọn phương thức đẻ này khi không có chỉ định mổ đẻ bắt buộc. Nếu có lo lắng, hãy trao đổi với BS sản khoa để được hỗ trợ, chuẩn bị cho quá trình sinh an toàn và tốt nhất" (Thanh niên, trang 16).