Xuất hiện ca bệnh viêm màng não do não mô cầu
Ngày 30.11, thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết bệnh nhân nữ N.T.H.V (18 tuổi, ở ký túc xá Trung tâm Nhật ngữ, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) điều trị nội trú tại bệnh viện này đã được chẩn đoán viêm màng não do não mô cầu. Trước thời điểm vào viện, bệnh nhân đã sốt 3 - 4 ngày, đau đầu nhưng vẫn đi học, sau đó được đưa vào cấp cứu trong tình trạng hôn mê. Sau khi bệnh nhân nhập viện, có 2 bạn học cũng xuất hiện dấu hiệu sốt, đau đầu đã được đưa vào bệnh viện khám, cách ly và chờ kết quả xét nghiệm. Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội đã cử một đội đến nơi ở, nơi học của H.V để xử lý dịch, điều tra dịch tễ (Thanh niên, trang 2; Tuổi trẻ, trang 14).
Chủ nhà thuốc không biết mặt… dược sĩ đại diện
Tình trạng dược sĩ đại học cho thuê bằng cấp diễn ra lâu nay trong ngành dược nhưng người thuê và người cho thuê bằng thường “núp” dưới hình thức “hợp đồng hợp tác”. Theo tìm hiểu của PV, hiện giá thị trường chung cho thuê bằng dược sĩ (DS) ở TP.HCM trung bình từ 7 - 8 triệu đồng/tháng. Có trường hợp người thuê và cho thuê bằng DS không hề biết mặt nhau vì họ thông qua dịch vụ, cứ đến tháng tiền chuyển đến tận tay người cho thuê.
“Hợp tác” nhưng không biết dược sĩ
Vừa qua, Phòng Y tế H.Bình Chánh (TP.HCM) kiểm tra nhà thuốc K.L do ông T.V.C làm chủ và nằm trên địa bàn, thời điểm kiểm tra nhà thuốc không có mặt DS. Đến ngày 23.11, ông C. giải trình với cơ quan quản lý y tế rằng ông có “hợp tác” với DS N.T.H.Đ để mở nhà thuốc thông qua… dịch vụ, đến nay ông chưa gặp mặt DS Đ. Lúc Phòng Y tế H.Bình Chánh kiểm tra, nhà thuốc K.L đang hoạt động mặc dù chưa có giấy phép, người bán thuốc chưa có chứng chỉ hành nghề (CCHN). Với 2 hành vi này, Thanh tra Sở Y tế TP phạt ông C. 15 triệu đồng và buộc ngưng hoạt động nhà thuốc.
Mới đây, Thanh tra Sở Y tế TP đã phạt 7,5 triệu đồng đối với một nhà thuốc ở Q.6 về hành vi thuê mướn CCHN; đóng cửa nhà thuốc và sẽ rút CCHN của DS T.T.K.T, đang công tác tại một bệnh viện. Trước đó chủ nhà thuốc này gửi đơn đến các cơ quan chức năng để tố cáo DS T. không giữ lời hứa gia hạn hợp đồng cho thuê bằng DS (thực chất là CCHN dược để mở nhà thuốc) và không trả lại tiền cọc.
Gây nguy hiểm cho người bệnh
PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết trên địa bàn TP hiện có khoảng 5.000 nhà thuốc, tương đương có 5.000 DS đứng tên. “TP có 5.000 nhà thuốc trong khi nhu cầu chỉ cần 2.000 nhà thuốc là đủ”, PGS-TS Phong Lan nói và cho biết: “DS cho thuê CCHN để người khác mở nhà thuốc, do vậy có nhiều nhà thuốc khi mở cửa hoạt động nhưng lại không có mặt DS. Đây là vấn nạn gây thiệt thòi, thậm chí nguy hiểm cho người bệnh vì không có DS tư vấn chuyên môn sử dụng thuốc, tương tác thuốc... khi nhà thuốc bán thuốc cho người bệnh”, PGS-TS Lan nói.
PGS-TS Lan cho rằng vấn nạn thuê mướn CCHN dược dưới danh nghĩa “hợp tác” phần lớn là do quản lý nhà nước lâu nay không xuể đối với lĩnh vực này. Nghị định 176 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, quy định: Nếu DS vắng mặt khi nhà thuốc (do họ đứng tên) mở cửa hoạt động thì DS chỉ bị phạt 3 - 5 triệu đồng (đối với cơ sở bán lẻ), 5 - 8 triệu đồng (đối với cơ sở bán buôn) là quá nhẹ. Nếu chứng minh được thuê mướn CCHN dược thì mới phạt tiền - lần đầu 5 - 10 triệu đồng với cơ sở bán lẻ, 10 - 20 triệu đồng với cơ sở bán buôn và tước quyền sử dụng CCHN dược trong thời gian 1 - 3 tháng cũng là quá nhẹ.
“Điều bất hợp lý là luật Dược nghiêm cấm thuê mướn CCHN. Một khi đã nghiêm cấm mà bị phát hiện thì cần phải tịch thu luôn CCHN thì mới triệt tiêu tình trạng này. Tuy nhiên, chứng minh được việc cho thuê là vô cùng khó vì trong hợp đồng họ lách qua hợp tác”, bà Lan cho biết.
Theo bà, với DS đang là công chức, viên chức thì chỉ được phép mở nhà thuốc hoạt động ngoài giờ. “Trước đây một DS đang làm việc ở tỉnh khác xin phép mở nhà thuốc tại TP.HCM thì không được, còn bây giờ luật không cấm thì phải cấp phép cho họ và sau đó đi thẩm định, kiểm tra”, PGS-TS Lan nói và cho biết thêm: “Hầu hết các nhà thuốc ở các khu dân cư qua kiểm tra thường “dính” sai phạm DS vắng mặt. Trên thực tế, để dẹp tình trạng cho thuê CCHN dược phải sửa đổi luật Dược, quy định vi phạm bao nhiêu lần thì tước vĩnh viễn CCHN và người bị thu hồi đi các tỉnh khác cũng không được cấp lại”.
Bà Lan cho biết Sở Y tế TP đang nhập dữ liệu danh sách nhà thuốc, người hành nghề tại các nhà thuốc để dễ kiểm tra. Bên cạnh đó, luật Dược sửa đổi cho phép CCHN và giấy phép hoạt động có giá trị vĩnh viễn, do vậy cứ 3 năm một lần tái kiểm thực hành nhà thuốc tốt. Tiêu chuẩn không được thiếu của nhà thuốc là tư vấn của DS, nếu kiểm tra DS vắng mặt một số lần nhất định thì sẽ không được công nhận nhà thuốc thực hành tốt, đồng nghĩa nhà thuốc bị đóng cửa. Phải xử phạt nặng DS cho thuê, vắng mặt tại nhà thuốc, nếu tái phạm cần có cơ chế rút CCHN vĩnh viễn (Thanh niên, trang 8).
Nữ sinh hôn mê vì mắc viêm não mô cầu
Ngày 30/11, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư) cho biết, bệnh viện đang điều trị cho chùm ca bệnh viêm não mô cầu. Bệnh nhân là sinh viên 18 tuổi (sống tại ký túc xá một trường ở quận Cầu Giấy, Hà Nội), bị sốt, đau đầu và hôn mê. Nhập viện, bác sĩ xác định bệnh nhân bị viêm não mô cầu, phải cách ly để điều trị. Hai người bạn trước đó đã tiếp xúc với bệnh nhân và bị sốt cũng được cách ly để điều trị và chờ kết quả xét nghiệm xem có bị viêm não mô cầu không. Được biết, bệnh nhân có biểu hiện sốt mấy ngày nhưng vẫn đi học, đến khi vào viện thì rơi vào tình trạng hôn mê mới được người thân đưa đi viện. Hiện bệnh nhân tỉnh nhưng vẫn còn đau đầu.
TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng (Hà Nội) cho biết, ngoài 3 trường hợp nhập viện, khoảng 70 người khác có tiếp xúc với bệnh nhân đang được cơ quan y tế theo dõi sát sao. Sau khi nhận được thông tin về ca bệnh viêm não mô cầu, Trung tâm đã cử đội phòng dịch đến nơi bệnh nhân học tập, sinh sống khử khuẩn môi trường, điều tra dịch tễ, lập danh sách những người tiếp xúc gần với người bệnh. Những trường hợp cần thiết được uống một liều kháng sinh dự phòng, cách ly và tự theo dõi bệnh tại nhà, khuyến cáo nếu có biểu hiện gì bất thường thì đến ngay các cơ sở y tế.
Bệnh nguy hiểm, dễ lây
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho biết, hiện không phải mùa của bệnh viêm não mô cầu, từ đầu năm đến nay, bệnh viện tiếp nhận rải rác vài ca bệnh này. Theo bác sĩ Cấp, nhiều người có sẵn vi khuẩn gây viêm não mô cầu trong cơ thể, nhưng trong 1 số trường hợp vi khuẩn thay đổi độc lực gây bệnh nguy hiểm như đối với bệnh nhân nói trên. Bệnh lây qua đường hô hấp, nguyên nhân từ vi khuẩn nên có kháng sinh đặc trị. “Vi khuẩn gây bệnh viêm não mô cầu dễ lây truyền qua đường hô hấp. Vi khuẩn nhân lên nhiều ở vùng hầu họng, nên khi bệnh nhân ho, hắt hơi mầm bệnh dễ phát tán ra ngoài. Sau khi xâm nhập vào tế bào đường hô hấp trên, gây ra tình trạng viêm mũi họng, người bệnh ho, sốt cao, đau cơ, đau đầu, buồn nôn, có thể bị co giật, giảm trương lực cơ, có biểu hiện của liệt chi, mặt, tri giác giảm... Tùy vị trí xâm nhập, độc lực của vi khuẩn cũng như sức đề kháng của cơ thể mà dẫn đến viêm mũi họng nhẹ tới nhiễm khuẩn huyết đơn thuần hoặc kịch phát gây tử vong”, bác sĩ Cấp cho hay.
Thống kê của ngành y tế cho thấy, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 650 ca viêm màng não mủ do vi khuẩn, trong đó vi khuẩn não mô cầu chiếm khoảng 14%. Đây là một bệnh nhiễm khuẩn nghiêm trọng, số bệnh nhân ít nhưng tỷ lệ tử vong cao. Bác sĩ Cấp cho biết, não mô cầu là bệnh nguy hiểm, chỉ sau vài tiếng nhiễm bệnh đã có thể gây sốc nhiễm khuẩn. Bệnh rải rác quanh năm nhưng thường có xu hướng gia tăng vào mùa đông - xuân do yếu tố thời tiết ẩm, lạnh dễ làm giảm sức đề kháng. Đây là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn đang nằm sẵn trong họng gây bệnh (Tiền phong, trang 6).
Tấm lòng với phạm nhân nhiễm HIV
“Đã là phạm nhân thì ai cũng có tâm trạng và những phạm nhân có HIV, tâm trạng ấy thường trĩu nặng hơn. Họ sẽ suy nghĩ, hành động tiêu cực nếu không nhận được sự gần gũi, cảm thông, chia sẻ”. Với tâm niệm ấy, những quản giáo khoác áo blouse trắng của Trại tạm giam số 1 CATP Hà Nội đã luôn hết mình chăm sóc các phạm nhân nhiễm HIV. Đại úy Nguyễn Hồng Hải, Bệnh xá trưởng Bệnh xá Trại tạm giam số 1 CATP Hà Nội cho hay, nhiều phạm nhân nhiễm HIV khi nhập trại đều không có giấy xác định tình trạng sức khỏe hay qua khám sàng lọc để biết tình hình bệnh tật. Chỉ khi họ mắc bệnh khác, được đưa ra các bệnh viện bên ngoài hoặc gia đình gửi thuốc ARV để điều trị, thì lúc đó mới biết phạm nhân đã nhiễm HIV, thậm chí có người đã chuyển sang giai đoạn AIDS.
“Công việc chăm sóc những phạm nhân này không hề đơn giản. Có những phạm nhân chuyển sang AIDS giai đoạn cuối nên tâm lý bi quan, nảy sinh tư tưởng chống đối khiến bác sỹ mỗi khi chăm sóc họ luôn phải đề phòng” - bác sỹ Nguyễn Hồng Hải bày tỏ. Nhớ lại câu chuyện về một phạm nhân mắc HIV/AIDS, Trung úy Đỗ Thị Nguyệt Thương, cán bộ Bệnh xá Trại tạm giam số 1 kể: “Năm 2006, một phạm nhân tên Hà Văn Vũ nhập trại. Qua kiểm tra sức khỏe, tôi mới biết Vũ nghiện ma túy và nhiễm HIV do sử dụng kim tiêm đã qua sử dụng để chích ma túy”. Bệnh nhân này đã bị vỡ hết ven, để có thể tiêm thuốc điều trị, các y tá, bác sỹ tại Trại tạm giam số 1 phải dùng cách “cấy mà”, tức là tiêm trực tiếp vào vùng bẹn, đùi mà không cần lấy ven. Trong một lần tiêm thuốc, Vũ đã bị “vỡ mà” ở bẹn, máu phun tung tóe. Trong tình huống ấy, Trung úy Đỗ Thị Nguyệt Thương không có nhiều thời gian để đắn đo, e ngại, bởi tính mạng của phạm nhân có thể nguy kịch. Phản ứng duy nhất là cầm máu nhằm cứu sống phạm nhân. Với sự khéo léo của nữ y tá trẻ tuổi, phạm nhân Vũ đã vượt qua cơn nguy kịch.
Theo Bác sỹ Nguyễn Hồng Hải, ngày ngày chăm sóc, giao tiếp với phạm nhân nhiễm HIV có rất nhiều khó khăn, trở ngại, nếu không có một tình cảm yêu thương, không có 1 cái tâm, thì các y tá, bác sỹ ở đây đã không thể vượt qua. Đón nhận sự chăm sóc tận tình, chu đáo, không ít phạm nhân đã phải thốt lên: “Người nhà có khi cũng chưa chăm sóc được bằng các bác sỹ ở đây”.
Hay có những bệnh nhân nhiễm HIV bị mắc bệnh viêm da tiết bã toàn thân, gần như toàn bộ cơ thể bị lở loét; trong những tình huống đó, nếu không có tâm niệm về y đức, thì các y bác sỹ khó có thể giúp cho bệnh nhân vượt qua được giây phút hiểm nghèo. Bao nhiêu năm qua, các bác sỹ, y tá Trại tạm giam số 1 đã tự nguyện chọn cho mình sự gian khổ, hiểm nguy nhất. Họ lặng lẽ viết lên bài ca đẹp về tình người, về cách đối xử nhân văn với những người đang phải trả giá cho những lầm lỗi cuộc đời, đúng như câu hát: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai?” (An ninh thủ đô, trang 8).
Thay đổi đường lây, dịch HIV diễn biến khó lường hơn
Theo ước tính của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước có thêm khoảng 10.000 người nhiễm mới HIV được phát hiện. Đáng chú ý, những người nhiễm HIV hiện nay không chỉ tập trung ở các nhóm đối tượng nguy cơ cao như trước mà xảy ra ở nhiều nhóm dễ tổn thương khiến việc phát hiện ca nhiễm mới tại cộng đồng khó khăn hơn.
Nhiều người nhiễm bệnh mà không biết
Cục phòng chống HIV/AIDS - Bộ Y tế cho biết, dù số người nhiễm HIV mới tại nước ta đã có xu hướng giảm liên tục trong gần chục năm trở lại đây song Việt Nam vẫn đang là quốc gia có số người nhiễm HIV cao thứ 5 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2016 đến nay, ước tính cả nước có khoảng 10.000 người nhiễm mới HIV được phát hiện. So với các năm trước, tỷ lệ nhiễm mới có xu hướng giảm nhưng mức độ giảm không đáng kể so với năm 2015, nhất là tại một số tỉnh đã có dịch lâu năm thì tỷ lệ nhiễm mới lại có xu hướng tăng lên.
Đặc biệt, mô hình dịch HIV/AIDS tại Việt Nam đang có sự thay đổi từ lây truyền chủ yếu qua đường máu (tiêm chích ma túy) sang quan hệ tình dục không an toàn. Những người nhiễm mới HIV trong giai đoạn hiện nay không còn tập trung trong nhóm có hành vi nguy cơ cao như trước đây, mà sự lây nhiễm HIV đã và đang xảy ra trong nhóm những người dễ bị tổn thương như vợ, bạn tình của người nhiễm HIV, người tiêm chích ma túy. Điều này khiến cho việc phát hiện sớm ca nhiễm mới HIV trong cộng đồng trở nên khó khăn hơn nhiều bởi đa số người nhiễm mới trong giai đoạn đầu thường không có biểu hiện gì ra bên ngoài.
GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, vì lý do trên nên “Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS” năm 2016 và Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (ngày 1-12) năm nay, Việt Nam tiếp tục đưa ra mục tiêu 90-90-90.
Cụ thể, hướng tới năm 2020 có 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) và 90% số người được điều trị bằng ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, mục tiêu đầu tiên rất quan trọng, bởi nếu một người nhiễm HIV mà không biết thì có thể vô tình làm lây truyền cho người thân và cho người khác trong cộng đồng. Hơn nữa sẽ không thể tiếp cận và cung cấp được các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho họ.
Hỗ trợ “phao cứu sinh” cho người nhiễm HIV
Một điểm hết sức đáng chú ý khác về diễn biến dịch HIV/AIDS tại nước ta hiện nay là dù số người nhiễm HIV/AIDS còn sống trong cộng đồng khá cao nhưng tỷ lệ người nhiễm có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) lại rất thấp khiến cho việc tiếp cận điều trị của người bệnh hết sức khó khăn.
Theo TS. Dương Thúy Anh, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, hiện nay tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ BHYT bình quân ở nước ta mới chỉ đạt khoảng 40%, bằng 1/2 tỷ lệ người dân cả nước có thẻ BHYT. Nguyên nhân chủ yếu là do điều kiện kinh tế của đa số người nhiễm HIV rất khó khăn, nhiều người sống lang thang, không có nơi cư trú ổn định nên không được hưởng các chính sách hỗ trợ BHYT của nhà nước, nhất là vẫn có nhiều người nhiễm bệnh lo sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử nếu tham gia BHYT...
Trước thực trạng trên, ngày 27-11 vừa qua, Bộ Y tế đã tổ chức triển khai Quyết định số 2188/QĐ-TTg ngày 15-11-2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc thanh toán thuốc kháng virus HIV được mua sắm tập trung cấp quốc gia sử dụng nguồn quỹ khám, chữa bệnh BHYT và hỗ trợ người sử dụng thuốc kháng virus HIV. Theo đó, dự kiến từ tháng 6-2017, bắt đầu thực hiện chi trả thuốc ARV từ nguồn BHYT chiếm khoảng 15% số người bệnh và tăng dần trong những năm tiếp theo, phấn đấu đạt 70% số người bệnh điều trị HIV/AIDS được thanh toán qua BHYT vào năm 2020. Đây là chủ trương quan trọng nhằm ứng phó kịp thời để duy trì và tăng số người nhiễm HIV được điều trị, chăm sóc sau khi hết các nguồn tài trợ quốc tế, hay có thể nói là “chiếc phao cứu sinh” nhằm tạo điều kiện cho người nhiễm HIV được tiếp cận khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT (An ninh thủ đô, trang 8).