Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 01/12/2021

  • |
T5g.org.vn - Chủ động các giải pháp đối phó số ca mắc Covid-19 tăng cao; Hai trẻ tử vong sau tiêm không liên quan đến vaccine và thực hành tiêm chủng; Bài học cũ trước biến thể mới; Bao phủ vắc xin Covid-19 giảm F0 nặng, tử vong…

 

Chủ động các giải pháp đối phó số ca mắc Covid-19 tăng cao

Trong một tuần qua, số người mắc Covid-19 tại một số địa phương tăng cao, nhất là số người mắc trong cộng đồng. Trước tình hình này, các địa phương đều đã chuẩn bị các kịch bản để xử lý các tình huống, đồng thời khuyến cáo người dân không hoang mang, nhưng không chủ quan, lơ là và phải thực hiện tốt nhất quy định về phòng, chống dịch của ngành y tế.

Nguyên nhân số ca mắc Covid-19 tăng đột biến trong cộng đồng trong những ngày gần đây chủ yếu do tâm lý chủ quan của người dân, tụ tập ăn uống, hoặc tham gia các hoạt động tập trung đông người, nhưng không bảo đảm nguyên tắc “5K”.

Số ca mắc tăng cao

Liên tục trong tuần qua, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ghi nhận số ca mắc mới ở mức cao, hơn 500 ca mỗi ngày, đỉnh điểm là ngày 30/11 với 860 ca. Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện các chùm ca bệnh trong doanh nghiệp có đông người lao động. Điển hình như Công ty Dong In Entech (huyện Đất Đỏ) có 100 ca; công trường số 28 Thi Sách (TP Vũng Tàu) 58 ca; Công ty TNHH sản xuất giày Uy Việt 78 ca; Công ty gỗ Thịnh Hoàng (thị xã Phú Mỹ) 38 ca… Một tuần qua, TP Cần Thơ có thêm hơn 6.000 ca mắc mới, trung bình hơn 900 ca/ngày, cao gấp đôi so với tuần trước đó.

Từ ngày 21/11 đến ngày 29/11, Hà Nội ghi nhận 2.267 bệnh nhân, trung bình 284 ca bệnh/ngày, tăng so với tuần từ ngày 14/11 đến ngày 20/11 (trung bình 226 ca/ngày). Riêng ngày 30/11 ghi nhận 468 ca dương tính, trong đó có 274 ca trong cộng đồng, là ngày ghi nhận số ca mắc mới và số ca mắc cộng đồng cao nhất từ khi dịch xuất hiện ở Hà Nội. Đáng lưu ý, 61,8% số ca dương tính là người đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin. Tỷ lệ F1 chuyển thành F0 giai đoạn này có xu hướng tăng nhanh, lên tới 14,9%. Dịch bệnh xuất hiện ở cả 30 quận, huyện, thị xã ở Thủ đô. Đã xuất hiện nhiều chùm ca bệnh ở các khu dân cư mật độ cao, các khu chung cư, khu công nghiệp hoặc phát sinh từ các hoạt động tập trung đông người, nhưng không bảo đảm nguyên tắc “5K”.

Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, số F0 có xu hướng tăng trong thời điểm thành phố đang trong giai đoạn “bình thường mới” với việc mở cửa lại các cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng như nhiều hoạt động kinh tế-xã hội. Đây là diễn biến đã được thành phố lường trước. Điều đáng lo ngại là số F0 tăng kéo theo tỷ lệ tử vong cũng tăng, chủ yếu ở người hơn 65 tuổi có bệnh lý nền, người chưa tiêm vắc-xin.

Đại diện tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhận định, nguyên nhân chính xuất phát từ sự chủ quan của cả chính quyền, người dân và doanh nghiệp khi chưa thực hiện đầy đủ, triệt để các biện pháp về phòng, chống dịch. Công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch chưa hiệu quả, nhất là việc người dân khai báo y tế khi ra, vào tỉnh chưa nghiêm, dẫn đến tình trạng một số người vào tỉnh nhưng không thực hiện cách ly y tế đúng quy định, để dịch lây lan trong cộng đồng.

Hỗ trợ tốt nhất cho F0 điều trị tại nhà

Ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh cho biết, bất cứ người nào phát hiện bị dương tính với vi-rút SARS-CoV-2 thì phải nhanh chóng đến trạm y tế địa phương hoặc trạm y tế lưu động để được hướng dẫn cụ thể, được nhận túi thuốc và tư vấn của bác sĩ, nhân viên y tế. Thành phố dự định có cơ chế, chính sách cho lực lượng nhân viên y tế cơ sở có thêm điều kiện hoạt động. Cùng với đó, thành phố sẽ chỉ đạo Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh phối hợp Sở Y tế đưa lực lượng quân y, dân quân trực cùng nhân viên trạm y tế lưu động. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh có 319 trạm y tế và đã bổ sung 344 trạm y tế lưu động. Để hỗ trợ thêm hệ thống y tế lưu động và các cơ sở y tế, Sở Y tế đã tham mưu và trình UBND thành phố đề án chăm sóc F0 tại nhà có sự tham gia của hệ thống y tế tư nhân. “TP Hồ Chí Minh đã chuẩn bị kịch bản để xử lý các tình huống khi ca mắc mới tăng cao. Do đó, thành phố đề nghị người dân không hoang mang, nhưng không chủ quan, lơ là và phải thực hiện tốt nhất quy định của ngành y tế”, ông Phạm Đức Hải nhấn mạnh. TP Hồ Chí Minh cũng thành lập 10 tổ kiểm tra các hoạt động phòng, chống dịch tại 21 quận, huyện và TP Thủ Đức để xử lý kịp thời yêu cầu của người dân; đồng thời, củng cố lại đường dây nóng 1022, tái lập hệ thống mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” để hỗ trợ tốt nhất cho F0.

Trước tình hình dịch Covid-19 có xu hướng tăng nhanh, lan rộng, phức tạp trên địa bàn, chiều 29/11, Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng đã nhất trí về chủ trương thực hiện quản lý, điều trị, cách ly F0 thể nhẹ, hoặc không có triệu chứng tại nhà khi bảo đảm đáp ứng các yêu cầu của ngành y tế. Thành phố giao ngành chức năng chuẩn bị sẵn sàng các phương án theo dõi, phân luồng, cơ số thuốc điều trị để hạn chế đến mức thấp nhất số bệnh nhân phải chuyển tầng điều trị. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Trần Thị Nhị Hà cho biết, thành phố giao chính quyền các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn và tổ Covid-19 cộng đồng kiểm tra điều kiện cách ly F1 và điều trị F0 thể nhẹ tại nhà. Các đơn vị chức năng lên danh sách các hộ gia đình đủ điều kiện. Khi phát hiện F0, cán bộ y tế sẽ xem xét điều kiện, thể trạng bệnh và dựa vào điều kiện gia đình để quyết định điều trị tại nhà hay tập trung. Dự kiến, ngay trong tuần này, Hà Nội sẽ triển khai điều trị F0 tại nhà. Với những F0 là người già, trẻ em, người nhiều bệnh nền, ngành y tế sẽ có chế độ chăm sóc, theo dõi đặc biệt, thường xuyên liên lạc với mục tiêu là giảm tỷ lệ tử vong xuống mức thấp nhất.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Phạm Minh An cho biết, kể từ ngày 25/11, tỉnh thực hiện theo dõi, điều trị F0 không có triệu chứng tại nhà và nơi làm việc. Tuy nhiên, ngành y tế vẫn tiếp tục phối hợp các địa phương khảo sát, bổ sung một số cơ sở sẵn sàng điều trị bệnh nhân Covid-19 trong trường hợp số ca mắc mới tăng đột biến. Tỉnh đã thành lập hai tổ y tế đặc biệt để hỗ trợ hai địa phương này phòng, chống dịch. Để ngăn chặn tình trạng dịch xâm nhập và lây lan trong các khu, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất đông công nhân, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đã xây dựng dự thảo Hướng dẫn tạm thời Phương án phòng, chống dịch tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Trước tình hình số ca F0 tăng cao, TP Cần Thơ tổ chức điều trị F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ tại nhà do các trạm y tế, tổ y tế lưu động phụ trách. Hiện Cần Thơ có hơn 9.000 F0 điều trị tại nhà nhằm giảm tải cho tuyến trên; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin mũi 2 cho người từ 50 tuổi trở lên, người có bệnh nền nhằm giảm tỷ lệ tử vong; tiêm vắc-xin cho trẻ từ 12-17 tuổi để sớm đạt miễn dịch cộng đồng. Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, Dương Tấn Hiển cho biết, thành phố đã có văn bản đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân thành phố không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Hạn chế tổ chức hoạt động tập trung đông người trong nhà, ngoài trời và tại nơi công cộng; khuyến cáo người dân chỉ ra khỏi nơi ở trong trường hợp thật sự cần thiết; thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K. Các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... có từ 100 người lao động trở lên phải thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 để tổ chức thực hiện phương án, kế hoạch công tác phòng, chống dịch tại đơn vị...  (Nhân dân, trang 1)

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 6: “Các tỉnh Đông Nam Bộ lên kịch bản ứng phó khi ca mắc Covid-19 tăng cao”

 

Bài học cũ trước biến thể mới

Trong khi biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 vẫn đang hoành hành khắp châu Á, châu Âu thì thế giới lại phải đứng trước mối lo ngại vô cùng lớn từ biến thể mới vừa xuất hiện, mang tên Omicron.

Chỉ thời gian ngắn sau khi biến thể mới ghi nhận tại Nam Phi, Tổ chức Y tế thế giới đã tuyên bố Omicron là “biến thể đáng quan ngại”. Hiện các nhà khoa học đang “chạy đua” nhằm đánh giá mức độ nguy hiểm của biến thể mới, nhưng từ những thông tin ban đầu về khả năng lây nhiễm (có thể lây lan nhanh hơn 500% so với biến thể Delta), nguy cơ tái nhiễm... các chuyên gia y tế đều cho rằng nguy cơ biến thể Omicron lây lan toàn cầu là rất cao.

Ngay lập tức, nhiều nước đã triển khai những biện pháp mạnh để ngăn chặn sự lây lan của biến thể mới này, thậm chí áp dụng hạn chế đi lại, cấm nhập cảnh đối với những người đến từ một số nước phía nam châu Phi...

Tại Việt Nam, thông tin từ Bộ Y tế cho biết, qua giám sát dịch tễ của virus SARS-CoV-2 thì đến hiện tại chưa ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 với biến thể Omicron. Tuy nhiên, với cách ứng phó mà nhiều nước đang áp dụng cho thấy, nước ta cũng cần có ngay các biện pháp để ngăn chặn phù hợp và hiệu quả, đặc biệt từ những bài học trong ứng phó làn sóng dịch Covid-19 thứ tư vừa qua đòi hỏi các biện pháp từ xa, từ sớm.

Trước hết, các cơ quan chuyên môn thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Y tế về tăng cường thực hiện công tác giám sát, phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch Covid-19; chủ động thực hiện giải trình tự gien các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến thể mới, nhất là những trường hợp có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi... Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới và các cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế để thông tin kịp thời về các biến thể của virus SARS-CoV-2 nhằm đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

Cuộc chiến chống dịch cần sự chung tay của các ngành liên quan trong việc kiểm soát chặt chẽ người từ nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, nhất là từ những quốc gia, khu vực đang có sự lây lan của biến thể Omicron.

Các địa phương chủ động xây dựng kịch bản đáp ứng các tình huống dịch Covid-19 trên địa bàn cụ thể, chi tiết, khả thi và bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Hơn lúc nào, hết cần bám sát quan điểm tiếp cận toàn dân, lấy người dân và doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm và lấy cấp cơ sở làm nền tảng trong phòng, chống dịch. Thực hiện giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 tại cộng đồng, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt để kịp thời khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát rộng...

Về phía người dân, cần tuân thủ các quy định, hướng dẫn của ngành y tế; cố gắng thay đổi nhiều nhất, nhanh nhất các thói quen, sở thích không phù hợp; duy trì áp dụng thông điệp 5K kết hợp tiêm đầy đủ vắc-xin phòng Covid-19... Các chuyên gia dịch tễ cho rằng, thực hiện tốt 5K hoàn toàn có thể hạn chế nguy cơ dịch lây lan nếu biến thể mới xâm nhập. (Nhân dân, trang 1)

 

Khẩn trương chuẩn bị phương án phòng, chống dịch phù hợp với biến chủng mới Omicron

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Y tế tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do biến chủng Omicron gây ra, khẩn trương chuẩn bị các phương án về vaccine, thuốc điều trị và các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với biến chủng mới của virus SARS-CoV-2.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 8749/VPCP-KGVX ngày 30/11/2021 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 do biến chủng Omicron trên thế giới và dự báo tình hình dịch Covid-19 trong nước, để chủ động kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu đồng chí Bộ trưởng Y tế:

Thứ nhất, tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do biến chủng Omicron gây ra; trên cơ sở khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, khẩn trương chuẩn bị các phương án về vaccine, thuốc điều trị và các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với biến chủng mới của virus SARS-CoV-2.

Thứ hai, chỉ đạo các địa phương, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch; đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; tăng cường lực lượng, vật tư, trang thiết bị y tế cho các địa bàn, địa phương có diễn biến dịch phức tạp và chủ động triển khai các biện pháp phù hợp điều trị sớm các trường hợp nhiễm mới để hạn chế trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong.

Thứ ba, chỉ đạo, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, đơn vị khẩn trương nhập khẩu, sản xuất thuốc điều trị Covid-19; thúc đẩy thử nghiệm, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine, thuốc điều trị Covid-19 trong nước.

Trước đó, tối 29/11, Văn phòng Chính phủ có công văn số 8706/VPCP-KGVX ngày 29/11/2021 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc kiểm soát biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2. (Nhân dân, trang 8)

Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới, trang 7: “Chuẩn bị phương án phòng, chống dịch phù hợp với biến chủng mới Omicron”; Sài Gòn giải phóng, trang 6: “ĐBSCL: Chủ động ứng phó với biến chủng Omicron”; Công an Nhân dân, trang 4: “Cấp bách triển khai các biện pháp ứng phó với biến chủng Omicron”

 

Các hãng dược phẩm nghiên cứu vaccine chống biến thể mới

Các hãng dược phẩm BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson (J&J) đang nghiên cứu phát triển các loại vaccine đặc hiệu chống biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2. Hãng BioNTech (Đức) bắt đầu cùng với đối tác Pfizer (Mỹ) nghiên cứu bào chế một loại vắc-xin có thể chống biến thể Omicron. Hãng Moderna (Mỹ) cho biết phải mất vài tháng mới có thể bàn giao một loại vaccine chống Omicron.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết đẩy nhanh tốc độ phát triển các loại vaccine phòng ngừa biến thể mới Omicron nếu cần thiết. Nhà trắng đang phối hợp các công ty dược phẩm phát triển những kế hoạch khẩn cấp dành cho các loại vaccine hoặc mũi tiêm tăng cường nếu cần để đối phó biến thể Omicron. Ông Biden cũng thảo luận với lãnh đạo các hãng bán lẻ lớn về nguồn cung hàng hóa trong dịp mua sắm cuối năm ở Mỹ khi xuất hiện biến thể Omicron.

Ngày 30/11, hãng dược phẩm Shionogi của Nhật Bản đang xem xét phát triển vaccine phòng biến thể mới Omicron bằng việc chuẩn bị sản xuất các hoạt chất sẽ được dùng làm cơ sở để phát triển vaccine. Shionogi đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối vaccine phòng Covid-19, đặt mục tiêu đưa vào sử dụng từ tháng 3/2022.

Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) thông báo, vaccine Sputnik V hoạt động hiệu quả trước biến thể Omicron và hiện đơn vị này đang phát triển một phiên bản vaccine Sputnik khác để tiêm liều tăng cường. Phiên bản mới của vaccine Sputnik ngừa biến thể Omicron có thể được sản xuất quy mô lớn trong 45 ngày tới.

Bộ Y tế Malaysia kêu gọi người dân tiêm mũi vaccine tăng cường và cấm công dân tới bảy nước châu Phi, gồm Nam Phi, Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia và Zimbabwe. Malaysia cũng cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài đã tới bảy nước nêu trên trong 14 ngày qua. Bộ Y tế Singapore cho biết, hai hành khách từ thành phố Johannesburg (Nam Phi) có kết quả xét nghiệm dương tính với biến thể Omicron khi đến Sydney (Australia) đã quá cảnh ở sân bay Changi của Singapore.

Tại châu Âu, Tây Ban Nha phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể mới Omicron là nam giới vừa trở về từ Nam Phi quá cảnh Amsterdam (Hà Lan). Tây Ban Nha thắt chặt kiểm tra dịch tễ đối với người nhập cảnh từ Anh, nước đã ghi nhận 11 ca nhiễm biến thể Omicron và được dự báo sẽ tăng trong thời gian tới.

Ngày 30/11, Pháp cũng ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron trên đảo Reunion. (Nhân dân, trang 8)

 

Tiếp tục nâng cao sức khỏe nhân dân

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 258/KH-UBND thực hiện quản lý sức khỏe cho người dân trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025. Theo đó, sẽ thiết lập hồ sơ quản lý để sức khỏe của mọi người dân đều được theo dõi, chăm sóc; được tư vấn sức khỏe; được điều trị hoặc được chuyển tuyến phù hợp khi có bệnh.

Trước thông tin này, người dân Thủ đô rất phấn khởi, mong kế hoạch này được các cơ quan chức năng triển khai đúng lộ trình để nâng cao hơn nữa chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà:

Tất cả người dân đều được quản lý, theo dõi, chăm sóc, tư vấn sức khỏe

Để triển khai Kế hoạch số 258/KH-UBND, trên cơ sở 6 nhóm nội dung, Sở sẽ thiết lập hồ sơ quản lý sức khỏe để mọi người dân đều được quản lý, theo dõi, chăm sóc, tư vấn, điều trị sức khỏe hoặc được chuyển tuyến phù hợp khi có bệnh. Phân loại nhóm đối tượng, chỉ đạo khám sức khỏe định kỳ theo nhóm học sinh, sinh viên, các đối tượng chính sách... Theo lộ trình, giai đoạn 2022-2025, Sở tiếp tục cập nhật dữ liệu sức khỏe của người dân khi đi khám sức khỏe, khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế và rà soát để tất cả người dân được khám, quản lý sức khỏe tối thiểu 1 lần/năm.

Trưởng phòng Y tế quận Hai Bà Trưng Cao Thị Hoa:

Đẩy mạnh phối hợp triển khai phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử

Thời gian tới, Phòng y tế quận Hai Bà Trưng sẽ đẩy mạnh phối hợp triển khai phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử gắn với hệ thống mã định danh bảo hiểm y tế, hệ thống quản lý dữ liệu dân cư và bảo đảm liên thông, đồng bộ với hệ thống khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế trong và ngoài công lập. Hệ thống phần mềm sẽ liên thông và cập nhật thông tin khám, chữa bệnh của tất cả các cơ sở y tế, cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập; bao gồm cả hệ thống bệnh viện, phòng khám đa khoa, trạm y tế, phòng khám tư nhân và tất cả cơ sở khám, chữa bệnh thuộc các bộ, ngành trung ương trên địa bàn.

Trưởng phòng Y tế huyện Đông Anh Nguyễn Thành Luân:

Tích hợp dữ liệu vào hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử

Việc thành phố ban hành Kế hoạch số 258/KH-UBND là hết sức cần thiết nhằm tích hợp các nguồn dữ liệu khám, chữa bệnh vào hồ sơ sức khỏe điện tử và để mọi đối tượng đi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế trong hay ngoài công lập đều được cập nhật vào hồ sơ sức khỏe. Thông qua phần mềm quản lý sức khỏe, phòng sẽ yêu cầu cơ quan chuyên môn tích hợp dữ liệu sức khỏe từ các chương trình mục tiêu, hệ thống thông tin quản lý bệnh truyền nhiễm, hệ thống thông tin tiêm chủng... vào hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử.

Ông Lê Trọng Duẩn, phường Đức Giang (quận Long Biên):

Phát huy tối đa vai trò của hệ thống y tế toàn thành phố

Theo tôi, phải chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực để phát huy tối đa vai trò của hệ thống y tế trên địa bàn toàn thành phố; nâng cao năng lực chuyên môn của nhân viên y tế cơ sở. Lâu nay người dân vẫn không muốn đến các trung tâm y tế tuyến huyện do trang thiết bị và nhân lực tại đây chưa được đầu tư đúng mức. Nếu khắc phục được điều này, không chỉ giảm tải cho bệnh viện tuyến trên mà còn giúp người dân được tiếp cận y tế sớm, nhanh, thuận tiện hơn.

Bà Nguyễn Thị Lược, phố Trần Bình, phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy):

Giúp có được “bức tranh toàn cảnh” về chất lượng sức khỏe nhân dân

Kế hoạch số 258/KH-UBND là thông tin vô cùng đáng mừng đối với người dân Thủ đô. Việc phân loại đối tượng chăm sóc sức khỏe thành các nhóm và lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho toàn bộ người dân vừa tránh được lãng phí do việc thống nhất sử dụng các xét nghiệm ở tất cả cơ sở y tế; giúp cơ quan quản lý có được “bức tranh toàn cảnh” về chất lượng sức khỏe của người dân, từ đó có chính sách phù hợp trong công tác quản lý nhà nước cũng như về chuyên môn, nghiệp vụ. Tôi mong các ngành chức năng sẽ triển khai kế hoạch đúng lộ trình để nâng cao hơn nữa chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. (Hà Nội mới, trang 1)

 

Điều trị F0 tại nhà ở 4 quận lõi phải bảo đảm điều kiện, tiêu chí chặt chẽ

Sáng 30-11, phát biểu tại phiên thảo luận tổ của Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho biết, trước mắt, thành phố cách ly F1 và điều trị F0 thể nhẹ tại nhà ở 26 quận, huyện, thị xã; sau đó sẽ triển khai tiếp ở cả 4 quận lõi. Nhưng điều trị F0 thể nhẹ tại nhà quan trọng nhất là phải bảo đảm điều kiện, tiêu chí chặt chẽ, chỉ khi đáp ứng được mới thực hiện.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đánh giá, quá trình phòng, chống Covid-19 ở đợt dịch thứ tư đã nảy sinh nhiều vấn đề và Hà Nội đang từng bước tháo gỡ, khắc phục phù hợp với tình hình, theo hướng luôn cẩn trọng, phù hợp với chỉ đạo của Trung ương.

Ở giai đoạn trước, Hà Nội chủ yếu cách ly F1 tại cơ sở cách ly tập trung và điều trị F0 tại các cơ sở y tế của thành phố và trung ương. Song, ở giai đoạn hiện nay, Hà Nội đã chuyển hướng, cho phép một bộ phận F1 và F0 thể nhẹ, không triệu chứng đủ điều kiện được cách ly và tự điều trị tại nhà.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, điều này phù hợp với tình hình, diễn biến và xu thế chung. Trước mắt, thành phố thực hiện cách ly F1 tại nhà và điều trị F0 thể nhẹ ở 26 quận, huyện, thị xã; sau đó tiếp tục triển khai thực hiện ở cả 4 quận lõi, gồm: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng. Tuy nhiên, yêu cầu điều trị F0 tại nhà quan trọng nhất là kiểm soát chặt chẽ các tiêu chí, điều kiện, chỉ khi đáp ứng được mới thực hiện.

Cũng theo đồng chí Đinh Tiến Dũng, thành phố đã và đang nới lỏng dần theo xu thế chung của cả nước, nhưng mục tiêu là phải kiểm soát được tình hình. Về nhiệm vụ thời gian tới, thành phố sẽ tập trung tiếp tục củng cố trạm y tế lưu động, đặc biệt là ở khu công nghiệp, nơi có nguy cơ cao, tập trung đông dân cư. Hà Nội sẽ phấn đấu để mọi trạm y tế lưu động phải bảo đảm đủ số giường, y, bác sĩ và thuốc. Hà Nội cũng sẽ củng cố y tế cơ sở từ quận, huyện, thị xã đến xã, phường, thị trấn, bố trí đầy đủ cả con người và cơ sở vật chất…

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm là Thủ đô, diễn biến tình hình dịch bệnh có tác động, ảnh hưởng lớn đến kết quả, tình hình mọi mặt của cả nước nên Hà Nội làm gì cũng phải thận trọng, từng bước, bảo đảm an toàn tuyệt đối, nhất là trong công tác phòng, chống dịch.

Trước đó, chiều 29-11, dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã họp nghe báo cáo và cho ý kiến chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố. Theo đó, Thường trực Thành ủy đã nhất trí về chủ trương đối với đề xuất thực hiện quản lý, điều trị, cách ly F0 thể nhẹ tại nhà.

Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo xây dựng phương án với tiêu chí, điều kiện cụ thể, phù hợp với đặc điểm tình hình dịch bệnh trên từng địa bàn để tổ chức thực hiện một cách thận trọng với mục tiêu cao nhất vẫn là bảo đảm sức khỏe và an toàn tính mạng cho người dân và hiệu quả công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Bí thư Thành ủy yêu cầu phải đề cao trách nhiệm cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp xã, phường, thị trấn trong việc tổ chức thực hiện, nhất là quản lý, giám sát và phối hợp với các cán bộ, y sĩ, bác sĩ, cơ sở y tế trong việc theo dõi sức khỏe, hỗ trợ và điều trị cho người dân. Từng địa phương phải xây dựng cơ chế vận hành kịp thời cứu chữa đối với các trường hợp chuyển nặng. UBND thành phố chỉ đạo nghiên cứu triển khai ngay phần mềm quản lý F0. (Hà Nội mới, trang 1)

Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 5: “Cho điều trị F0 nhẹ tại nhà ở bốn quận lõi Hà Nội”; Thanh niên, trang 2: “Hà Nội chuyển hướng cách ly F1, điều trị F0”; Công an Nhân dân, trang 2: “Điều trị F0 thể nhẹ tại nhà phải bảo đảm điều kiện, tiêu chí chặt chẽ”; Sức khỏe & Đời sống, trang 2: “Hà Nội sẽ thí điểm điều trị F0 thể nhẹ và không triệu chứng tại nhà”

 

Cuối năm lại lo ngộ độc rượu

Đến hẹn lại lên, cứ đến dịp cuối năm, lượng tiêu thụ rượu, bia của người dân lại tăng đột biến. Kéo theo đó, số vụ ngộ độc do sử dụng rượu không nguồn gốc, rượu có chứa methanol (cồn công nghiệp) cũng gia tăng. Ngộ độc cồn công nghiệp methanol đang là nguyên nhân gây tử vong lớn nhất trong các vụ ngộ độc thực phẩm.

Dễ nhầm lẫn ngộ độc với say rượu

Thời gian gần đây, tình trạng ngộ độc methanol có chiều hướng gia tăng. Chỉ trong 2 tuần trở lại đây, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận 8 bệnh nhân nhập viện do ngộ độc methanol. Các ca bệnh đều rất nặng, hôn mê, có tổn thương não. Kết quả xét nghiệm nồng độ cồn methanol trong máu rất cao, lên tới vài trăm ml/dL. Mặc dù đã được giải độc và cấp cứu theo phác đồ, nhưng vẫn có 2 bệnh nhân tử vong. Các bệnh nhân còn lại gặp các di chứng với não và mù mắt. Khai thác bệnh sử cho thấy, những bệnh nhân này đều uống các loại rượu không rõ nguồn gốc và uống rất nhiều rượu.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, về nhận diện, methanol rất giống với rượu ethanol thông thường, thậm chí còn ngọt và dễ uống hơn. Khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống với say rượu, nên dễ bị nhầm lẫn. Tuy nhiên, khoảng 1-2 ngày sau khi uống, bệnh nhân sẽ có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu giống như khó thở do nhiễm toan chuyển hóa, co giật, hôn mê. Khi đến viện, hầu hết các trường hợp này đã tổn thương não, mù mắt và tụt huyết áp, ở trong tình trạng nguy kịch.

Theo Trung tâm Chống độc, các loại rượu chứa cồn công nghiệp gây ngộ độc ở Việt Nam hoàn toàn có nguồn gốc không phải do các loại rượu nấu truyền thống mà do người kinh doanh đã mua cồn công nghiệp về đóng chai hoặc pha thành các loại rượu rởm. Sau đó, họ trà trộn với các loại rượu truyền thống để thu lợi. Một nguyên nhân nữa là nhiều công ty cũng nhập các loại cồn chứa methanol về đóng chai, dán nhãn cồn sát trùng hoặc cồn để đốt và bán ở các hiệu thuốc, thậm chí không loại trừ có cơ sở y tế nhập về để sử dụng.

Trung tâm Chống độc đã và đang phát hiện nhiều sản phẩm cồn sát trùng chứa nồng độ methanol rất cao. Nồng độ cồn công nghiệp methanol trong chai cồn sát trùng chiếm 70-90% và đều đã báo cáo Bộ Y tế, các cơ quan chức năng. Nguyên liệu cồn công nghiệp chứa methanol do sản xuất công nghiệp hoặc nhập khẩu và rất sẵn trên thị trường.

“Điều đáng lo ngại, đó là vào mỗi dịp lễ, Tết, số bệnh nhân nhập viện do rượu thường tăng 2-3 lần. Bệnh nhân ở mọi lứa tuổi, các ngành nghề. Không chỉ có rượu mà bia cũng gây ngộ độc. Bia là rượu pha loãng và có thêm… bọt, nếu lạm dụng cũng gây ngộ độc”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên lưu ý.

Cách phòng tránh ngộ độc cồn công nghiệp

Từ thực tế thống kê, theo dõi tình trạng ngộ độc rượu nhiều năm qua, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nhận định, số vụ ngộ độc rượu thường tăng cao dịp cuối năm, Tết Nguyên đán và những ngày lễ, hội. Nguyên nhân của ngộ độc rượu là do lạm dụng rượu, uống rượu quá mức chấp nhận của cơ thể, do uống rượu không nguồn gốc, không bảo đảm an toàn. Ngoài tình trạng ngộ độc thường gặp ở rượu methanol, thì ngộ độc rượu ngâm với thảo mộc (lá, rễ, hạt cây) hoặc ngâm với động vật (mật, phủ tạng…) có chứa độc tố tự nhiên cũng gây nguy hiểm khôn lường cho người dùng.

Theo các chuyên gia, trong 1 “đơn vị rượu” thường có 8-14g rượu nguyên chất chứa trong dung dịch đó. Mỗi đơn vị rượu tương đương 1 lon bia 270-330ml 2-12 độ hoặc 1 chén rượu vang 125ml 9-18 độ hay 1 chén rượu mạnh 40ml 40 độ. Nam giới uống quá 3 đơn vị rượu/ngày; nữ giới uống quá 2 đơn vị rượu/ngày được coi là lạm dụng rượu. Không chỉ gây ra tình trạng ngộ độc cấp tính, uống rượu lâu ngày dẫn đến nghiện rượu còn kèm theo tình trạng sút cân, chán ăn, ỉa chảy do tổn thương gan và ruột; da, niêm mạc nhợt nhạt do thiếu máu; thoái hóa gan, xơ gan, có thể ung thư gan; nhồi máu cơ tim, mất trí nhớ, run, rối loạn tinh thần… Riêng đối với phụ nữ mang thai, uống nhiều rượu có thể gây sinh non, ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tinh thần, trí tuệ của đứa trẻ, gây ngộ độc cho thai nhi.

Để phòng ngừa ngộ độc rượu, bia, theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, người dân cần thực hiện các nguyên tắc, đó là không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol > 0,1%, vì có thể gây mù mắt và tử vong. Ngoài ra, không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày. Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân. Đặc biệt, không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không rõ nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng và không uống khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị. Đối với trẻ em dưới 16 tuổi, tuyệt đối không uống rượu, bia.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cũng khuyến cáo, người dân hãy lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Cụ thể là loại rượu sử dụng chắc chắn được nấu theo cách truyền thống hoặc sản phẩm chính thức được đăng ký của các công ty, bảo đảm từ khâu sản xuất, phân phối, việc mua bán có mã hàng, có hóa đơn, để có thể truy xuất được nơi sản xuất, người phân phối. Trong dịp cuối năm, lễ, Tết, cần uống rượu, bia ở mức nguy cơ thấp nhất trong một lần uống, uống từ từ kết hợp với sử dụng đồ ăn, xen kẽ với nước lọc. Đặc biệt, tuyệt đối không điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi uống rượu, bia. (Hà Nội mới, trang 5)

 

Hà Nội ghi nhận kỷ lục kép với 468 ca dương tính, trong đó có 274 ca cộng đồng

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 29-11 đến 18h ngày 30-11, trên địa bàn thành phố ghi nhận 468 ca dương tính với SARS-CoV-2 (tăng 78 ca so với ngày trước đó), trong đó có 274 ca tại cộng đồng, 138 ca tại khu cách ly và 56 ca tại khu phong tỏa.

Như vậy, Hà Nội ghi nhận số ca mắc và số ca cộng đồng kỷ lục từ trước đến nay. 468 bệnh nhân mới được phân bố tại 182 xã, phường, thị trấn thuộc 28/30 quận, huyện: Đông Anh (51); Mê Linh (44); Bắc Từ Liêm (41); Quốc Oai (39); Đống Đa (38); Nam Từ Liêm (27); Hoài Đức (25); Gia Lâm (23); Chương Mỹ, Hà Đông (21); Cầu Giấy (19); Hoàn Kiếm (18); Sóc Sơn (16); Thanh Oai, Thanh Trì (12); Ba Đình (10), Hoàng Mai (8); Hai Bà Trưng, Thường Tín (7); Thanh Xuân (6); Đan Phượng (5); Phú Xuyên (4); Sơn Tây, Thạch Thất, Ứng Hòa, Tây Hồ (3); Phúc Thọ, Long Biên (1).

Riêng 274 ca cộng đồng được phân bố tại 116 xã, phường thuộc 25/30 quận, huyện: Đông Anh (45); Bắc Từ Liêm (31); Mê Linh (30); Hoài Đức (21); Gia Lâm (18); Sóc Sơn (14); Đống Đa, Cầu Giấy (13); Thanh Oai, Nam Từ Liêm, Quốc Oai (12); Hoàn Kiếm (8); Thanh Trì, Hà Đông (7); Thường Tín (6); Đan Phượng, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai (4); Tây Hồ, Ba Đình (3); Chương Mỹ, Thanh Xuân (2); Ứng Hòa, Sơn Tây, Long Biên (1).

Cộng dồn số ca mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4 đến nay) là 10.597 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 4.237 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 6.360 ca.

Riêng trong 24 giờ qua, số ca mắc trong cộng đồng ghi nhận nhiều nhất tại phường Đông Ngạc, Cổ Nhuế 1, Cổ Nhuế 2, Đức Thắng (quận Bắc Từ Liêm); phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy); thị trấn Đông Anh, xã Xuân Nộn, xã Hải Bối, xã Uy Nỗ (huyện Đông Anh); phường Ô Chợ Dừa, phường Thổ Quan (quận Đống Đa); xã Yên Viên, thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm); phường Yên Nghĩa, phường Phú Lãm (quận Hà Đông); xã Vân Canh (huyện Hoài Đức); các phường Chương Dương, Hàng Gai, Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm); các xã Tiền Phong, Quang Minh (huyện Mê Linh); xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn)… (Hà Nội mới, trang 7)

Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô, trang 2: “Hà Nội tăng 468 ca COVID-19 trong ngày, số mắc đang tăng rất nhanh”

 

Bốn biện pháp kiểm soát, ứng phó trước biến chủng Omicron

“Tăng giám sát, xét nghiệm, thúc đẩy tiêm chủng và nâng cao năng lực y tế cơ sở trong ứng phó với biến chủng Omicron”, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ nhấn mạnh như vậy tại cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, ngày 30/11.

Cuộc làm việc giữa Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long với ông Kidong Park, đại diện WHO tại Việt Nam; ông John MacArthur - Giám đốc CDC Hoa Kỳ tại khu vực Đông Nam Á và ông Matthew Moore - Giám đốc chương trình An ninh Y tế toàn cầu CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam nhằm trao đổi thông tin về cách thức phòng, chống biến thể Omicron.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, đến sáng 30/11, Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 với biến thể mới Omicron. Để chủ động ứng phó và kiểm soát tình hình, ngày 28/11, Bộ Y tế đã đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo: Tạm dừng tổ chức các chuyến bay đến và đi từ các quốc gia Nam Phi, Botswana, Namibia... và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/đi về từ các quốc gia trên; Chỉ đạo hệ thống tăng cường giám sát dịch COVID-19 nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch COVID-19; yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur chủ động thực hiện giải trình tự gen các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là những trường hợp có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi.

Đại diện WHO và CDC Hoa Kỳ đều nhấn mạnh đến 4 yếu tố trong việc kiểm soát và ứng phó với biến chủng Omicron, bao gồm: tăng giám sát và xét nghiệm để phát hiện sớm ca bệnh có biến chủng mới Omicron; thúc đẩy công tác tiêm chủng để bao phủ vắc xin phòng COVID-19; tăng cường hệ thống y tế, trong đó chú trọng y tế cơ sở, nhằm nâng cao năng lực ứng phó trong điều trị khi tình huống khi ca bệnh tăng cao, truyền thông nhiều hơn nữa về các biện pháp phòng chống dịch, công bố thông tin rộng rãi về kết quả giải trình tự gen các ca bệnh COVID-19 để các nhà khoa học có thêm thông tin nghiên cứu về biến chủng mới.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ Y tế cùng đại diện WHO, CDC Hoa Kỳ Khu vực Đông Nam Á và CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam đã thống nhất sẵn sàng chia sẻ và cập nhật kết quả giải trình tự gen các ca bệnh COVID-19 để có thêm thông tin cùng tìm phương pháp ứng phó.

Các bên cũng thống nhất quan điểm tiếp tục đẩy nhanh công tác tiêm chủng, ưu tiên các đối tượng nguy cơ cao và đảm bảo tiêm chủng an toàn.

Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin thêm, đến nay Việt Nam đã tiêm hơn 120 triệu liều vắc xin phòng COVID-19, tiến độ tiêm tiếp tục được đẩy nhanh; công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi đang được thực hiện tại hơn 30 tỉnh, thành phố.

Liên quan đến biến chủng mới, GS.TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, cho biết đến nay những điều thế giới biết về biến chủng Omicron này còn rất ít, chủ yếu ghi nhận ở các nước nam châu Phi. “Chúng ta thấy nó có nhiều đột biến hơn rất nhiều so với biến thể Delta, nhưng chưa có dữ liệu về dịch tễ, khả năng lây lan cũng như độc lực của virus. Virus luôn luôn đột biến, vì thế người dân cần tuân thủ 5K- khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung và khai báo y tế là quan trọng nhất”, GS.TS Nguyễn Văn Kính nhấn mạnh.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện khẩn cấp công cộng (Bộ Y tế) nhấn mạnh: “Trong lúc này người dân luôn luôn phải nâng cao cảnh giác, hạn chế tụ tập đông người. Đặc biệt, nếu biến chủng này xâm nhập thì thực hiện tốt 5K có thể hạn chế nguy cơ lây lan dịch”.

Tuyệt đối không được chủ quan

Liên quan đến biến chủng Omicron, BS. Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TPHCM khuyến cáo cộng đồng không nên quá hoang mang nhưng cũng tuyệt đối không được chủ quan. Biến chủng Omicron cũng như những biến chủng khác, cơ chế lây nhiễm như nhau, mọi người, mọi nhà cần tuân thủ tuyệt đối thông điệp 5K, trong đó đặc biệt lưu ý đến việc mang khẩu trang và rửa tay thường xuyên để tránh nguy cơ lây nhiễm.

“Ở khu vực Nam Phi trên cơ sở giải trình tự gen đã xác định đây là biến chủng mới của COVID-19. Trong chủng Omicron đặc tính lâm sàng khác với chủng Delta khi không có triệu chứng mất mùi, mất vị, chứng ho sổ mũi cũng ít. Bệnh nhân mắc biến chủng Omicron có biểu hiện mệt mỏi một cách kỳ lạ, đau nhức cơ thể như biểu hiện cảm cúm, số ca nhập viện tăng nhưng tử vong không tăng”, BS Khanh nói. (Tiền phong, trang 1)

 

Bình Dương lập phòng điều trị COVID, ngăn doanh nghiệp 'thả' F0 về nhà

Ngày 30/11, Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, những ngày qua số ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày ở tỉnh này từ 600 đến hơn 700 ca. Ngoài việc F0 có xu hướng tăng, xuất hiện nhiều trường hợp diễn biến nặng với trên 250 bệnh nhân đang phải thở ô xy.

Bình Dương đang điều trị tại nhà hơn 8.000 F0, được theo dõi bởi lực lượng y tế cơ sở. Địa phương đã thành lập 162 trạm y tế lưu động (trong đó 99 trạm tại các xã, phường thị trấn; 43 trạm trong KCN; 20 Tổ lưu động của Quân y).

Mặc dù bố trí mạng lưới bao phủ trạm y tế lưu động giúp người dân, công nhân dễ dàng tiếp cận khi cần, tuy nhiên, theo TS.BS Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, do lực lượng còn hạn chế nên chưa thể đáp ứng tuyệt đối.

Hiện vẫn còn tình trạng một số F0 “tự bơi”, thiếu sự hướng dẫn điều trị tại nhà, phát thuốc của các cơ sở y tế địa phương. Ngoài ra, xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp phát hiện có F0 đã để họ tự về nhà điều trị. Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã đề nghị doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với lực lượng y tế cơ sở, không được để F0 tự về nhà điều trị.

Trước tình hình F0 có xu hướng tăng, Bình Dương có kế hoạch kích hoạt lại bệnh viện dã chiến vào đầu tháng 12. Ngoài ra, nhằm kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động yên tâm sản xuất trong bối cảnh thích nghi an toàn, Bình Dương bố trí phòng khám, khu điều trị COVID-19 ngay trong khu công nghiệp. (Tiền phong, trang 5)

 

Bao phủ vắc xin Covid-19 giảm F0 nặng, tử vong

Bao phủ vắc xin tối đa một cách nhanh nhất là giải pháp để giảm ca bệnh nặng và tử vong trong diễn biến dịch còn phức tạp tại nhiều địa phương hiện nay.

Các địa phương đã tiêm vắc xin đến đâu?

Các tỉnh miền Tây đang khẩn trương bao phủ vắc xin, bởi dịch bệnh tại khu vực này đang gia tăng. Đến ngày 29.11, tỷ lệ tiêm phủ vắc xin Covid-19 đủ 2 mũi tại Cần Thơ đã đạt 87,9%, mũi 1 đạt 96,9% (cho người từ 18 tuổi trở lên); tỷ lệ tiêm mũi 1 ở trẻ em 12 - 17 tuổi cũng đã đạt 88,4%.

Đến sáng 30.11, Vĩnh Long đã hoàn thành mũi 1 cho trẻ 12 - 17 tuổi; 59.445 trẻ từ 12 - 17 tuổi đã tiêm 2 mũi, chiếm 66,48%. Số người trên 18 tuổi được tiêm đủ 2 mũi là 630.865, chiếm hơn 74% dân số.

Bình Dương đã tiêm 4.249.707 liều vắc xin (trong đó có 1.806.923 liều mũi 2) trong tổng số cần tiêm là 4.715.000 người. Bình Dương cũng đã tiêm được 206.903 liều vắc xin cho trẻ 12 - 17 tuổi. Hiện tỷ lệ tiêm mũi 2 cho người trên 18 tuổi tại Đồng Nai đạt 90,4%. Đồng Nai đang tiêm mũi 3 cho lực lượng tuyến đầu. Với trẻ 12 - 17 tuổi, hiện tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 81,17%.

Theo TS-BS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng khu vực miền Bắc (Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư), về lý thuyết, người đã tiêm vắc xin sẽ có miễn dịch chống lại vi rút, nhưng không phải ai cũng có miễn dịch này, vì không có vắc xin nào cũng đạt hiệu quả sinh miễn dịch 100%.

TS-BS Phạm Quang Thái cho hay với một số loại vắc xin, khoảng 90 - 95% người được tiêm có miễn dịch nhưng cũng có vắc xin, tỷ lệ này thấp hơn, khoảng 70%. Tùy loại vắc xin Covid-19, tỷ lệ người có miễn dịch phòng nhiễm sau tiêm khoảng 60 đến hơn 90%.

“Tuy nhiên, tỷ lệ phòng thể nặng và tử vong ở hầu hết các vắc xin Covid-19 đều đạt trên 90%, thậm chí có vắc xin phòng nhiễm chỉ ở mức 70%, nhưng phòng thể nặng và tử vong lại đạt trên 99%. Ngoài ra, vắc xin giúp kích hoạt hệ thống miễn dịch và tạo ra tế bào nhớ, do đó dù khá lâu sau khi tiêm, khi có tác nhân gây bệnh xâm nhập, hệ thống miễn dịch lại được tái kích hoạt nhanh chóng hơn để tạo ra miễn dịch bảo vệ cơ thể”, TS Thái cho biết.

Bảo vệ kép sau tiêm vắc xin

Về sự cần thiết tiêm vắc xin Covid-19, TS-BS Phạm Quang Thái lý giải một người khi có miễn dịch với vi rút gây bệnh sẽ bảo vệ họ không mắc bệnh và bảo vệ người khác không mắc một cách gián tiếp vì không tiếp tục lan truyền dịch. Khi một cộng đồng có tỷ lệ rất cao những người miễn nhiễm (do đã mắc bệnh hoặc đã được tiêm vắc xin hoặc cả hai), nếu có trường hợp mang vi rút xâm nhập sẽ không lây lan dịch, hoặc nếu có hiện tượng lây nhiễm cũng sẽ rất nhanh kết thúc. Do đó, dịch sẽ nhanh chóng được dập tắt. Miễn dịch cộng đồng cao thì sẽ không bùng phát dịch.

Tuy nhiên, TS-BS Phạm Quang Thái lưu ý khi đã bao phủ vắc xin trên diện rộng, đạt tỷ lệ miễn dịch cộng đồng khá cao (70 - 80% người được tiêm), vẫn có thể có dịch lẻ tẻ, rải rác. Nguyên nhân do vẫn còn 20 - 30% người chưa được tiêm, và bản thân các vắc xin cũng không đạt tỷ lệ bảo vệ tuyệt đối thì vẫn có nguy cơ nhiễm và lây bệnh. Với Covid-19, cũng cần lưu ý thêm, người sau tiêm vắc xin có thể nhiễm vi rút mà không có triệu chứng bệnh đồng thời tải lượng vi rút vẫn cao nên hoàn toàn có thể vẫn lây cho người khác. “Và ngay cả với người đã tiêm đủ liều vắc xin rồi, thì vẫn cần phải tiêm nhắc lại sau khoảng thời gian, vì miễn dịch trong cơ thể giảm dần”, TS-BS Phạm Quang Thái lưu ý.

TS-BS Phạm Quang Thái chia sẻ thêm trên thực tế, không chỉ Covid-19 mà các dịch bệnh khác như: viêm não, ho gà, bạch hầu... đều cần tiêm vắc xin nhắc lại. Đơn cử như bệnh ho gà cũng được khuyến cáo tiêm vắc xin nhắc lại sau mỗi 10 năm tính từ lúc đã tiêm đủ các liều cơ bản và liều nhắc lúc tiền học đường.

“Ngay cả khi vắc xin Covid-19 đạt tỷ lệ bao phủ trên 90% cộng đồng thì chúng ta vẫn cần thực hiện nghiêm túc khuyến cáo 5K; tăng cường giám sát các ca mắc mới và chưa thể “mở toang” mà bỏ qua các biện pháp phòng, chống dịch bởi hạn chế lây nhiễm chính là hạn chế phát sinh các biến chủng mới nguy hiểm có khả năng phá vỡ mọi thành quả bảo vệ do vắc xin đem lại”, TS-BS Phạm Quang Thái khuyến cáo.

Tiêm vắc xin cho trẻ em để đến trường an toàn

Bộ Y tế cho biết chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi chính thức triển khai từ đầu tháng 11.2021 trên toàn quốc. Dự kiến sẽ tiêm chủng cho khoảng 9 triệu trẻ trong độ tuổi này với khoảng 18 triệu liều.

Theo thống kê, toàn quốc đã có 34 địa phương triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi, với 3,51 triệu mũi tiêm, trong đó tiêm mũi 1 là 2,82 triệu liều (31,1%) và mũi 2 là 684.131 liều (7,5%).

Một số địa phương gồm: Hà Nam, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP.HCM, Tiền Giang, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang có tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 đạt trên 60% tổng số trẻ từ 12 - 17 tuổi.

Theo báo cáo nhanh của các tỉnh, trong số hơn 3,5 triệu mũi tiêm, ghi nhận có 10.573 (chiếm 0,3%) trường hợp phản ứng thông thường sau tiêm chủng, chủ yếu là phản ứng tại chỗ, đau tại chỗ tiêm. Có 3 trường hợp tai biến nặng sau tiêm đã ghi nhận tại Hà Nội, Bắc Giang, trong đó có 2 trường hợp tử vong.

Về 2 trường hợp tử vong sau tiêm vắc xin Covid-19, đại diện Bộ Y tế cho biết “Hội đồng chuyên môn về biến cố sau tiêm chủng xác định nguyên nhân tử vong liên quan đến phản ứng phản vệ độ 4, không liên quan đến vắc xin Covid-19 và thực hành tiêm chủng”.

Đại diện Bộ Y tế cho biết Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo cần tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em giúp trẻ tránh mắc bệnh và lan truyền vi rút, đặc biệt là đối với trẻ mắc bệnh nền (béo phì, hen, đái tháo đường…); giúp trẻ đến trường an toàn và tham gia các hoạt động xã hội.

TP.HCM tiếp tục tiêm phủ 2 mũi, chưa tiêm mũi 3

Theo báo cáo từ Sở Y tế TP.HCM, tính đến 7 giờ 30 ngày 30.11, TP.HCM đã tiêm trên 14,6 triệu liều vắc xin Covid-19. Trong đó, có 7,9 triệu liều mũi 1 và hơn 6,7 triệu liều mũi 2.

Tính trên dân số từ 18 tuổi trở lên theo thống kê của Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình thì TP.HCM có hơn 7,2 triệu người. Với người từ 18 tuổi trở lên, mũi 1 đã tiêm hơn 7,2 triệu liều, đạt 100%; mũi 2 đã tiêm 6,1 triệu liều, đạt 84,8%.

Trước đó, TP.HCM có đề xuất Bộ Y tế cho tiêm tăng cường mũi 3 cho đối tượng tuyến đầu chống dịch, người có nguy cơ cao và người lớn tuổi trong tháng 11 và 12.2021. Tại cuộc họp báo chiều 29.11, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết Bộ Y tế đã ghi nhận đề xuất này. Theo bác sĩ Mai, hiện nay TP.HCM sẽ tập trung tiêm vắc xin Covid-19 cho những người chưa tiêm mũi 2, trong đó có nhóm trẻ em từ 12 - 17 tuổi. Hy vọng thời gian tới Bộ Y tế thông qua kế hoạch tiêm mũi 3 thì TP.HCM sẽ triển khai.

VN ngăn chặn biến chủng Omicron

Ngày 30.11, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trước diễn biến phức tạp do biến chủng Omicron bùng phát trên thế giới.

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã làm việc với ông Kidong Park, đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại VN, ông John MacArthur, Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) tại khu vực Đông Nam Á, và ông Matthew Moore, Giám đốc Chương trình an ninh y tế toàn cầu của CDC Mỹ tại VN, để trao đổi thông tin về cách thức phòng, chống biến chủng Omicron.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, ngày 28.11, Bộ Y tế đã đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/đi về từ các quốc gia trên.

Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo hệ thống giám sát tăng cường giám sát dịch Covid-19, nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch Covid-19; các viện vệ sinh dịch tễ, viện Pasteur chủ động thực hiện giải trình tự gien các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là những trường hợp có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi; tăng cường giám sát, xét nghiệm, đẩy mạnh tiêm chủng và nâng cao năng lực y tế cơ sở trong ứng phó với biến chủng Omicron. (Thanh niên, trang 1)

 

F0 ở TP.HCM sẽ có thêm nhiều lựa chọn điều trị

Ngày 30.11, Sở Y tế trình UBND TP.HCM phương án thí điểm cơ chế cho y tế tư nhân tham gia chăm sóc và điều trị bệnh nhân Covid-19.

Giảm tải cho y tế cơ sở

Theo thống kê, hệ thống y tế tư nhân (YTTN) trên địa bàn gồm: 64 bệnh viện (BV), 215 phòng khám đa khoa, 6.223 phòng khám chuyên khoa và hơn 9.000 nhà thuốc.

 “Nếu được huy động và kích hoạt thì sẽ góp phần không nhỏ giúp giảm tải cho hệ thống y tế cơ sở và tăng cường hiệu quả trong công tác phòng chống dịch trong giai đoạn hiện nay”, Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng nêu trong báo cáo.

Sở Y tế kiến nghị cho phép YTTN tham gia chăm sóc và điều trị bệnh nhân (BN) Covid-19 theo các loại hình: chăm sóc và điều trị F0 tại BV, tại nhà, tại các cơ sở cách ly tập trung. Cơ chế thu phí dựa trên tự nguyện và thỏa thuận giữa người bệnh và cơ sở cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Thứ nhất, cơ sở YTTN đăng ký làm trạm y tế (TYT) lưu động để chăm sóc và điều trị F0 tại nhà thì trung tâm y tế (TTYT) quận, huyện ký hợp đồng trách nhiệm với phòng khám tư nhân, phân bổ số F0 theo quy định từ 50 đến 100 người. Nhân lực TYT lưu động tư nhân tối thiểu 3 người, trong đó ít nhất 1 bác sĩ và 1 điều dưỡng; thuốc điều trị Covid-19 do TTYT cấp, còn thuốc điều trị bệnh nền và cơ sở vật chất, trang thiết bị sẽ do TYT lưu động tư nhân tự trang bị. Toàn bộ chi phí chăm sóc F0 của TYT lưu động tư nhân do ngân sách nhà nước chi trả, tiền công khám tại nhà 27.500 đồng/lần khám, chi phí đi lại 20.000 đồng/lượt khám tại nhà, tiền công lấy mẫu xét nghiệm test nhanh là 16.700 đồng…

Mở rộng cơ chế thỏa thuận

Trong trường hợp cơ sở YTTN tham gia chăm sóc F0 tại nhà sẽ hoạt động theo cơ chế thỏa thuận với người bệnh và có kiểm soát. Cụ thể, người bệnh Covid-19 được quyền chọn lựa bác sĩ tư nhân để chăm sóc, điều trị tại nhà và chịu trách nhiệm thanh toán tiền công khám, chi phí đi lại của nhân viên y tế theo giá thỏa thuận. Sở Y tế quy định giá cho 1 lần khám tại nhà không cao hơn giá khám dịch vụ của các BV công lập trên địa bàn là 200.000 đồng/lượt khám.

Các phương tiện phòng hộ, vật tư tiêu hao dùng cho nhân viên y tế và thuốc theo phác đồ điều trị Covid-19 do TTYT cấp. Các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân tham gia chăm sóc F0 tại nhà chịu trách nhiệm kê khai giá khám với Sở Y tế theo quy định và công khai để người dân lựa chọn. Nhân viên y tế tư nhân tham gia chăm sóc F0 tại nhà theo chọn lựa của người bệnh không hưởng các chế độ phụ cấp phòng chống dịch khác.

Đối với các BV tư nhân điều trị người bệnh Covid-19 tại BV thì ngân sách nhà nước sẽ thanh toán chi phí điều trị Covid-19 như: tiền khám bệnh, tiền giường, dịch vụ kỹ thuật... theo mức giá dịch vụ khám, chữa bệnh được Bộ Y tế quy định. Các chi phí vật tư tiêu hao chưa được kết cấu vào giá dịch vụ kỹ thuật và thuốc điều trị Covid-19 (trừ các thuốc đặc trị điều trị Covid-19 đã được Sở Y tế cấp) thì ngân sách thanh toán theo số lượng thực tế sử dụng với giá thanh toán theo kết quả đấu thầu nhưng không cao hơn mức mà cơ quan bảo hiểm xã hội đang thanh toán cho đơn vị. BV tư nhân cũng được thanh toán tiền ăn, chi phí sinh hoạt, chi phí mai táng (nếu có) theo quy định. Đối với các chi phí khác phục vụ theo yêu cầu của người bệnh như tiền phòng, tiền ăn, dịch vụ tiện ích tăng thêm thì bệnh viện thu theo mức giá thỏa thuận.

Ngoài ra, Sở Y tế TP.HCM cũng đề xuất cho các cơ sở cách ly tập trung như cơ sở sản xuất, kinh doanh, khách sạn… được lựa chọn cơ sở YTTN đủ điều kiện tham gia thực hiện chăm sóc F0 và ký hợp đồng theo mức giá thỏa thuận.

Đề nghị nghiên cứu xã hội hóa cung cấp thuốc cho F0

Văn phòng UBND TP.HCM vừa phát đi thông báo truyền đạt kết luận cuộc họp giao ban của Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố ngày 27.11. Tại cuộc họp trên, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đề nghị các địa phương tiếp tục tập trung thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để tiêm vắc xin. Đồng thời, cung cấp đủ thuốc cho các F0 cách ly, điều trị tại nhà, nghiên cứu xã hội hóa việc cung cấp thuốc, đảm bảo khả năng tiếp cận của người dân đối với thuốc; củng cố hệ thống y tế từ cơ sở đến TP… (Thanh niên, trang 2)

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 7: “Lên phương án lâu dài cho cơ sở chăm sóc F0”

 

Gỡ vướng chế độ cho người lao động điều trị Covid-19 tại nhà

Ngày 30.11, Hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp (DN) và chính quyền do Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM phối hợp Sở LĐ-TB-XH và Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM tổ chức tại TP.HCM.

Hội nghị nhằm phổ biến, giải đáp các vướng mắc liên quan thực hiện quy định về lao động, việc làm, an toàn lao động, các chế độ chính sách BHXH...

Tại hội nghị, các DN đã đặt câu hỏi liên quan chính sách hỗ trợ cho người lao động (NLĐ); trợ cấp thôi việc cho NLĐ; phản ánh thái độ của viên chức khi giải quyết thủ tục hành chính... Đáng quan tâm, đại diện Công ty cổ phần Acecook VN thắc mắc việc giải quyết chế độ ốm đau cho NLĐ nhiễm Covid-19. Theo đại diện công ty, trước đó, BHXH TP.HCM có công văn giải quyết chế độ ốm đau đối với những người nhiễm Covid-19 điều trị, cách ly tại nhà. Tuy nhiên, đến ngày 26.11, lại có công văn không cho duyệt chế độ ốm đau với đối tượng này, đồng thời phải bổ sung các giấy tờ theo Thông tư 56 của Bộ Y tế.

Không để ảnh hưởng quyền lợi người lao động

Ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó giám đốc BHXH TP.HCM, giải thích theo quy định của luật BHXH và Thông tư 56 của Bộ Y tế, chứng từ để thanh toán các chế độ ốm đau là “giấy xuất viện đối với trường hợp điều trị nội trú” và “giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH nếu điều trị ngoại trú”. Hiện nay, F0 điều trị Covid-19 tại nhà được cấp giấy hoàn thành cách ly/điều trị do Ban chỉ đạo phòng, chống dịch/y tế phường cấp.

Trong thời gian giãn cách xã hội, BHXH TP.HCM đã tiếp nhận các hồ sơ, giấy tờ do các cơ quan có thẩm quyền cấp cho NLĐ nhiễm Covid-19 để làm căn cứ giải quyết các chế độ ốm đau, nhưng không theo mẫu quy định. Thế nhưng, đến ngày 19.11, Bộ Y tế có công văn trả lời BHXH VN, nêu rõ, các hồ sơ, giấy tờ không theo mẫu quy định tại Thông tư 56 sẽ không được giải quyết. Vì vậy, BHXH TP.HCM đã tạm thời dừng chi trả chế độ ốm đau cho NLĐ cách ly điều trị Covid-19 tại nhà; chỉ giải quyết chế độ theo đúng biểu mẫu của Thông tư 56. Đồng thời, ông Thanh đề nghị NLĐ liên hệ các cơ sở y tế hoặc trạm y tế địa phương để hoàn thiện lại hồ sơ, giấy tờ theo đúng quy định.

Phản hồi câu trả lời của lãnh đạo BHXH TP.HCM, đại diện Công ty cổ phần Acecook VN cho rằng việc yêu cầu NLĐ trở về các cơ sở y tế để xin cấp lại các giấy tờ như các biểu mẫu theo Thông tư 56 rất khó khăn. Đại diện công ty này cũng nói có nơi từ chối cấp lại vì lý do đã qua rồi, không có cơ sở cấp lại hoặc giải thích không có chức năng giải quyết hưởng BHXH cho NLĐ mắc Covid-19. Một số đại diện công ty khác cũng lo ngại, với NLĐ từ tỉnh quay về TP.HCM làm việc, nếu bây giờ yêu cầu họ về lại tỉnh xin giấy đó rất khó.

Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Thanh yêu cầu các đơn vị nêu cụ thể nơi nào không cấp lại được, đồng thời sẽ trao đổi, làm việc với các sở ngành có liên quan để nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc cho DN, không để ảnh hưởng quyền lợi của NLĐ.

Công nhân bị lây nhiễm Covid-19 từ công ty có tính là tai nạn lao động?

Tại hội nghị, một công ty sản xuất phần mềm ở Q.Phú Nhuận đặt câu hỏi nếu NLĐ bị lây nhiễm Covid-19 từ công ty và tử vong vì Covid-19 thì có được tính là tai nạn lao động (TNLĐ) và được hưởng chế độ TNLĐ không? Ông Nguyễn Bảo Cường, Trưởng phòng Lao động - Tiền lương - BHXH (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM), cho biết: “Việc nhiễm Covid-19 tại công ty và tử vong vì Covid-19 là nội dung chưa có tiền lệ. Sở LĐ-TB-XH TP.HCM sẽ ghi nhận, kiến nghị Bộ LĐ-TB-XH để hướng dẫn nội dung này”. (Thanh niên, trang 5)

Cùng chủ đề Báo Lao động, trang 4: “Đối thoại tháo gỡ vướng mắc về chế độ với người lao động bị nhiễm Covid-19”

 

14 bệnh viện tuyến trên hỗ trợ điều trị Covid-19 cho 11 tỉnh, thành phía Nam

Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện tuyến trên theo phân công chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ đánh giá, tổ chức thu dung điều trị, các điều kiện hiện có về giường bệnh, hệ thống oxy, trang thiết bị, thuốc, vật tư, nhân lực của các cơ sở y tế để xác định những khó khăn, bất cập và đề xuất với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh thành phố để chỉ đạo và hỗ trợ khắc phục.

Ngày 30-11, trước thực tế số ca mắc Covid-19 đang tăng trở lại ở nhiều tỉnh thành phía Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã phân công 14 bệnh viện tuyến trên trực tiếp hỗ trợ chuyên môn trong quản lý, điều trị Covid-19 tại TPHCM và 10 tỉnh phía Nam.

Theo đó, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Bệnh viện Thống Nhất tiếp tục hỗ trợ chuyên môn về hồi sức tích cực cho các cơ sở y tế của TPHCM. Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phụ trách hỗ trợ chuyên môn cho các cơ sở y tế của tỉnh Bình Dương; Bệnh viện Phổi Trung ương hỗ trợ tỉnh Đồng Nai; Bệnh viện Lão khoa Trung ương hỗ trợ tỉnh Đồng Tháp; Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên hỗ trợ tỉnh Long An; Bệnh viện Hữu Nghị hỗ trợ tỉnh Tiền Giang; Bệnh viện K hỗ trợ tỉnh Kiên Giang; Bệnh viện E hỗ trợ tỉnh Tây Ninh; Bệnh viện Nội tiết Trung ương hỗ trợ tỉnh Sóc Trăng; Bệnh viện Nhi Trung ương hỗ tỉnh Vĩnh Long; Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ tỉnh An Giang.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện tuyến trên theo phân công chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ đánh giá, tổ chức thu dung điều trị, các điều kiện hiện có về giường bệnh, hệ thống oxy, trang thiết bị, thuốc, vật tư, nhân lực của các cơ sở y tế để xác định những khó khăn, bất cập và đề xuất với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh thành phố để chỉ đạo và hỗ trợ khắc phục. Thành lập trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19; Đồng thời cử cán bộ y tế trực tiếp hướng dẫn chuyên môn tại chỗ, hội chẩn từ xa, tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực và giám sát chất lượng về cấp cứu, điều trị người bệnh Covid-19 cho cơ sở y tế các tỉnh, thành phố. Phối hợp với Trung tâm cấp cứu 115 tỉnh, thành phố (nếu có) trong việc điều phối, chuyển tuyến kịp thời và phù hợp người bệnh Covid-19. (Sài Gòn giải phóng, trang 1)

 

Hai trẻ tử vong sau tiêm không liên quan đến vaccine và thực hành tiêm chủng

Có 3 trường hợp tai biến nặng sau tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Hà Nội, Bắc Giang, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Hội đồng chuyên môn về biến cố sau tiêm chủng xác định nguyên nhân tử vong của 02 trường hợp này liên quan đến phản ứng phản vệ độ IV, không liên quan đến vaccine và thực hành tiêm chủng.

Thông tin về chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 12-17 tuổi tại giao ban lãnh đạo các cơ quan báo chí sáng ngày 30/11, đại diện Bộ Y tế cho biết công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em có ý nghĩa quan trọng, trước tiên để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em trước bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho khoảng 9 triệu trẻ từ 12-17 tuổi

Bộ Y tế cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo cần tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em giúp trẻ tránh mắc bệnh và lan truyền virus, đặc biệt là đối với trẻ mắc bệnh nền (béo phì, hen, đái tháo đường,…); giúp trẻ đến trường an toàn, tham gia các hoạt động xã hội.

Đồng thời, tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em trong lứa tuổi này góp phần tăng diện bao phủ vaccine phòng COVID-19 trong cộng đồng – biện pháp hữu hiệu, căn cơ để Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Hầu hết các nước trên thế giới đã có chỉ định tiêm cho vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em. Tại Mỹ, chỉ sử dụng vaccine Pfizer tiêm chủng cho trẻ em từ 5-17 tuổi. Tại Châu Âu các loại vaccine được chỉ định tiêm chủng cho trẻ em 12-17 tuổi là Pfizer, Moderna.

Tại Trung Quốc, trẻ 3-17 tuổi được chỉ định tiêm bằng vaccine Sinovac, vaccine này cũng được Indonexia chỉ định cho trẻ em.

UAE chỉ định vaccine Sinopharm cho trẻ em.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế cấp phép cho vaccine Comirnaty (Công ty Pfizer sản xuất) và chỉ định tiêm cho trẻ em 12-17 tuổi dựa theo khuyến cáo của WHO và nhà sản xuất. Sử dụng tương tự như ở người từ 18 tuổi trở lên; với liều lượng 0,3 ml mỗi liều, đường dùng tiêm bắp; lịch tiêm gồm 2 mũi, khoảng cách giữa 2 mũi từ 3 đến 4 tuần (21 - 28 ngày).

Các kết quả nghiên cứu của nhà sản xuất cho thấy tính an toàn và hiệu quả của vaccine Pfizer với trẻ 12 – 17 tuổi. Chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ 12-17 tuổi ở Việt Nam thực hiện theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp, ưu tiên tiêm trước cho nhóm 16-17 tuổi và hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương.

Việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em được tiến hành trước tại các địa phương đã trải qua đợt giãn cách xã hội, có tỷ lệ mắc COVID-19 cao; các địa phương có mật độ dân số đông, nguy cơ lây nhiễm cao.

Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi chính thức triển khai từ đầu tháng 11/2021 trên toàn quốc. Dự kiến, Chiến dịch sẽ tiêm chủng cho khoảng 9 triệu trẻ trong độ tuổi này với dự kiến số liều vaccine sử dụng khoảng 18 triệu liều.

Ghi nhận 0,3% trường hợp trẻ từ 12-17 tuổi tiêm vaccine phòng COVID-19 phản ứng thông thường sau tiêm chủng

Tính đến ngày 28/11/2021, trên toàn quốc đã có 34/63 tỉnh/thành phố triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, với 3.512.874 mũi tiêm đã được thực hiện, trong đó tiêm mũi 1 là 2.828.743 liều (tỷ lệ tiêm mũi 1 ước tính là 31,1%) và mũi 2 là 684.131 liều (tỷ lệ tiêm mũi 2 ước tính là 7,5%).

Một số tỉnh có tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 đạt trên 60% tổng số đối tượng 12-17 tuổi như: Hà Nam, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP HCM, Tiền Giang, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang.

Theo báo cáo nhanh của các tỉnh, ghi nhận có 10.573 (chiếm 0,3%) trường hợp phản ứng thông thường sau tiêm chủng, chủ yếu là phản ứng tại chỗ, đau tại chỗ tiêm. Có 03 trường hợp tai biến nặng sau tiêm đã ghi nhận tại Hà Nội, Bắc Giang, trong đó có 2 trường hợp tử vong.

Hội đồng chuyên môn về biến cố sau tiêm chủng xác định nguyên nhân tử vong của 02 trường hợp này liên quan đến phản ứng phản vệ độ IV, không liên quan đến vaccine và thực hành tiêm chủng.

Yêu cầu hàng đầu trong tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em là đảm bảo an toàn

Về chiến dịch tiêm chủng vaccine vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em 12 – 17 tuổi theo hình thức chiến dịch, tại các cơ sở tiêm chủng cố định, điểm tiêm lưu động và trường học.

Với trẻ trong độ tuổi 12-17 tuổi đang đi học sẽ được lập danh sách theo lớp và triển khai tiêm trước cho nhóm tuổi học sinh PTTH, lần lượt theo khối lớp từ khối 12 đến khối 11 và khối 10; tiếp đến là học sinh Trung học cơ sở từ lớp 9, 8, 7.

Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, rất cần sự phối hợp của các thầy cô giáo, cha mẹ. Cha mẹ, người giám hộ cần ký Phiếu đồng ý tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ, đồng thời chuẩn bị tâm lý, sức khỏe tốt cho trẻ trước khi tiêm chủng và phối hợp theo dõi sức khỏe của trẻ sau tiêm chủng theo hướng dẫn của cán bộ tiêm chủng.

Yêu cầu hàng đầu trong tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em là đảm bảo an toàn tiêm chủng. Các cán bộ y tế được hướng dẫn Khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em theo quy định của Bộ Y tế.

Các tiêu chuẩn khám sàng lọc được xây dựng cô đọng, cập nhật các tiêu chuẩn tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em của quốc tế, với yêu cầu đảm bảo an toàn là hàng đầu, trên cơ sở mở rộng chỉ định tiêm chủng tối đa, tạo cơ hội thuận tiện nhất cho mọi trẻ em Việt Nam đều được tiếp cận với vaccine phòng COVID-19.

Điểm nổi bật trong việc khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em là huy động sự song hành của hệ thống bệnh viện và hệ thống dự phòng, đảm bảo mỗi trẻ được tiêm vaccine được quản lý, theo dõi trong điều kiện an toàn nhất.

Những trẻ có bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính, có tình trạng dị ứng nặng hoặc phát hiện được tình trạng sức khỏe bất thường khi đến tiêm tại các điểm tiêm ở cộng đồng sẽ được tư vấn, hướng dẫn đến khám sàng lọc để tiêm chủng và theo dõi tại các điểm tiêm chủng tại bệnh viện.

Các khuyến cáo về các phản ứng sau tiêm chủng rất cần được quan tâm trong quá trình tiêm chủng; các tình huống có thể xảy ra sau tiêm vaccine phòng COVID-19 ở trẻ em theo các mức độ khác nhau; cách xử trí, theo dõi, điều trị phù hợp nhằm đảm bảo an toàn nhất cho trẻ sau tiêm mà không ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine.

Các biến chứng tim mạch ở trẻ em sau tiêm một số loại vaccine phòng COVID-19 được phân tích kỹ lưỡng để các cán bộ y tế làm công tác tiêm chủng trên toàn quốc hiểu rõ, theo dõi, phát hiện được các biến chứng (nếu có), áp dụng các biện pháp xử trí theo từng cấp độ, giúp bảo đảm an toàn cho trẻ sau tiêm. Các bệnh viện trên toàn quốc sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện trong hệ thống cũng như các điểm tiêm chủng ở cộng đồng, góp phần đảm bảo an toàn chung cho cả chiến dịch.

Song song với tổ chức Chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em 12 - 17 tuổi, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 và bao phủ vaccine cho nhóm người từ 50 tuổi trở lên để bảo vệ họ trước nguy cơ mắc bệnh nặng và giảm nguy cơ tử vong nếu không may mắc bệnh, theo chỉ đạo tại Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã triển khai tiêm vaccine Pfizer cho người từ 18 tuổi trở lên, với tổng số mũi tiêm đã thực hiện là 17.214.268 mũi tiêm, trong đó mũi 1 là 8.960.664 liều và mũi 2 là 8.253.604 liều. Theo báo cáo của các tỉnh/thành phố, các phản ứng thông thường sau tiêm chủng được ghi nhận tương tự như khuyến cáo của nhà sản xuất, có 60 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng được báo cáo (tỷ lệ 3,4/ 1 triệu vaccine liều sử dụng), hầu hết là phản ứng phản vệ độ II. (Sức khỏe & Đời sống, trang 8).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang