Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 01/12/2022

  • |
T5g.org.vn - Việt Nam sẽ tiếp tục đi đầu trong đáp ứng với HIV; Kiến nghị quản lý bác sĩ nước ngoài hành nghề; Chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện ứng phó với dịch như COVID-19 trong tương lai…

 

Nòng cốt trong phòng, chống HIV/AIDS

Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1/12), Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm phát động Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 (từ ngày 10/11 đến 10/12) với chủ đề "Chấm dứt đại dịch AIDS-Thanh niên sẵn sàng".

Tiến sĩ Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay sẽ lấy thanh niên làm nòng cốt trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt đại dịch này vào năm 2030. Trong tháng hành động sẽ diễn ra nhiều hoạt động thiết thực trên cả nước.

Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc tăng cường triển khai các hoạt động phù hợp điều kiện, chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị, địa phương trong tình hình diễn biến mới của dịch Covid-19.

Tùy điều kiện cụ thể, các đơn vị, địa phương tổ chức các hội nghị, hội thảo tập trung các nội dung về tình hình dịch HIV/AIDS ở Việt Nam: Dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp; đường lây truyền HIV đang thay đổi qua quan hệ tình dục không an toàn trong các nhóm thanh niên, quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới, người sử dụng ma túy tổng hợp, người bán dâm và bạn tình của các nhóm đối tượng trên. Từ đó cảnh báo dịch HIV sẽ ngày càng trở nên khó kiểm soát, nhất là trong giới trẻ...

Tại Việt Nam, tỷ lệ lây nhiễm HIV hiện nay trong nhóm thanh niên đang có xu hướng tăng cao. Thống kê cho thấy, tỷ lệ nam giới chiếm 92% trong tổng số ca nhiễm; 73% số ca nhiễm thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới; 26% số ca nhiễm có độ tuổi từ 22 tuổi trở xuống; 62% số ca nhiễm trong độ tuổi 23 đến 40 tuổi. Theo báo cáo của Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS, trên thế giới có 20% số trẻ nhiễm HIV không được chẩn đoán tình trạng nhiễm, trong đó 40% số trẻ từ 10 đến 14 tuổi. Ngoài nguyên nhân chính là trẻ bị lây nhiễm từ mẹ thì nguyên nhân chủ yếu khác dẫn đến tình trạng trẻ vị thành niên nhiễm HIV là quan hệ tình dục sớm và không an toàn. Khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam năm 2019 (số liệu được Bộ Y tế công bố tháng 4/2022), tỷ lệ quan hệ tình dục trong học sinh giảm nhẹ, nhưng tỷ lệ quan hệ tình dục trước 14 tuổi tăng gấp hai lần, từ 1,45% (năm 2013) tăng lên 3,51% (năm 2019).

Các chuyên gia y tế đã cảnh báo nguy cơ gia tăng số ca nhiễm HIV mới trong nhóm thanh niên và nam quan hệ tình dục đồng giới trẻ (từ 15 đến 19 tuổi). Bên cạnh đó, công tác dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV cho trẻ vị thành niên còn gặp nhiều khó khăn, như kiến thức, nhận thức còn hạn chế; đối với học sinh đang đi học, lịch đi học sẽ trùng với lịch khám; chưa ý thức về tình hình nhiễm bản thân dẫn tới không có ý thức về điều trị, cho nên hay quên thuốc, thậm chí ngại uống thuốc... Mặt khác, vẫn còn sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV; tỷ lệ ức chế tải lượng vi-rút ở trẻ em thấp hơn ở người lớn (91,2% và 97%).

Nhằm triển khai các hoạt động thiết thực, đúng chủ đề, mục tiêu của tháng hành động năm nay, các địa phương trên cả nước đã và đang tổ chức lễ phát động Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022; tổ chức mít-tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng, chống AIDS; tổ chức các hoạt động truyền thông đại chúng và truyền thông qua mạng xã hội; truyền thông trực tiếp và truyền thông nhân sự kiện.

Tại các đường phố chính, trung tâm, quảng trường đã treo khẩu hiệu, pa-nô, áp-phích, tờ rơi với các nội dung tuyên truyền sâu rộng về phòng, chống HIV/AIDS, nhất là trong lứa tuổi thanh, thiếu niên gồm nhiều hoạt động như: Tư vấn bộc lộ tình trạng nhiễm HIV, chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, chuyển tiếp trẻ vị thành niên sang giai đoạn trưởng thành và sang dịch vụ chăm sóc sức khỏe người lớn, hỗ trợ tuân thủ và duy trì điều trị ARV cho trẻ vị thành niên nhiễm HIV.

Mục tiêu của hoạt động tư vấn bộc lộ tình trạng nhiễm HIV giúp trẻ hiểu đúng về tình trạng nhiễm HIV một cách tích cực; trang bị kiến thức, kỹ năng để trẻ tự bộc lộ tình trạng nhiễm HIV với người khác; giáo dục trẻ tự chăm sóc, tuân thủ điều trị ARV, không làm lây truyền HIV cho người khác... Mục tiêu của hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục là giúp trẻ nhận biết tình cảm của bản thân và biết cách tự kiểm soát, xử trí; giúp trẻ có quyết định đúng đắn về hành vi quan hệ tình dục, đưa ra các quyết định tích cực liên quan sức khỏe sinh sản, tình dục và dự phòng nhiễm HIV.

Ðể công tác điều trị HIV cho trẻ vị thành niên đạt hiệu quả, các chuyên gia trong phòng, chống HIV/AIDS cho rằng, mô hình chăm sóc điều trị HIV/AIDS cho trẻ vị thành niên cần được thiết kế thân thiện, riêng tư, bảo đảm tính bí mật cho trẻ; đồng thời phải dễ tiếp cận và phù hợp nhu cầu và hoàn cảnh cụ thể của trẻ. Ðặc biệt, cần có sự chung tay của các cấp, ngành và toàn xã hội.

Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao kiến thức, nhận thức cho người dân về công tác chăm sóc, bảo vệ và giúp đỡ trẻ vị thành niên nhiễm HIV/AIDS; cung cấp thông tin, kiến thức về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS cho các cấp, các ngành, các cơ sở dịch vụ trợ giúp trẻ em, các cơ sở điều trị cho trẻ em nhiễm HIV/AIDS, các tổ chức xã hội liên quan, cha mẹ và người chăm sóc trẻ; hỗ trợ trẻ HIV/AIDS được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật cho các cơ sở, dịch vụ y tế và các trường học, tạo điều kiện cho các cơ sở này thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, điều trị, bảo đảm quyền được học tập của trẻ nhiễm HIV/AIDS . (Nhân dân, trang 8).

Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới, trang 1: “Cùng hành động đẩy lùi HIV/AIDS”.

 

Tiết kiệm gần 23.000 tỉ đồng nhờ ngoại giao vắc xin

Tính đến tháng 9-2022, Việt Nam đã nhận được tổng số hơn 258 triệu liều vắc xin COVID-19, trong đó nguồn viện trợ đạt gần 120 triệu liều, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước gần 23.000 tỉ đồng.

Chiều 30-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết công tác ngoại giao vắc xin. Hội nghị diễn ra tại trụ sở Văn phòng Chính phủ và kết nối trực tuyến tới trụ sở UBND một số tỉnh, thành phố cùng các đại sứ quán, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng nhấn mạnh: "Hội nghị nhằm nhìn lại những việc đã làm được cũng như chưa làm được thời gian qua, xác định nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm quý để không chỉ áp dụng cho công tác ngoại giao vắc xin mà tiếp tục mở rộng sang lĩnh vực ngoại giao kinh tế".

Báo cáo kết quả công tác ngoại giao vắc xin COVID-19, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết tính đến tháng 9-2022, Việt Nam đã nhận tổng số hơn 258 triệu liều, trong đó nguồn viện trợ đạt gần 120 triệu liều, chiếm gần 50% số vắc xin tiếp nhận được, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hơn 900 triệu USD (tương đương gần 23.000 tỉ đồng).

Về thiết bị y tế, hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã hỗ trợ thiết bị y tế với tổng trị giá khoảng 80 triệu USD (tương đương gần 2.000 tỉ đồng).

"Có thể khẳng định, chiến dịch ngoại giao vắc xin đã hết sức thành công, cùng với chiến dịch tiêm chủng đã giúp xoay chuyển tình thế, đưa Việt Nam trở thành một trong ít quốc gia "đi sau về trước" trong triển khai tiêm chủng vắc xin COVID-19.

Ngoại giao vắc xin thực sự là một chiến dịch ngoại giao đặc biệt, chưa có tiền lệ, để lại nhiều bài học giá trị cả về lý luận và thực tiễn", ông Sơn nói.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cũng cho hay Bộ Y tế đã chủ động theo sát các thông tin khoa học, phê duyệt có điều kiện các vắc xin để tiếp nhận hỗ trợ vắc xin qua cơ chế COVAX và các cơ chế song phương.

"Đến ngày 29-11, tổng số mũi tiêm tại Việt Nam là hơn 264 triệu mũi; tỉ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đã đạt xấp xỉ 100%; tỉ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên đã đạt tương ứng 79,7% và 86,9%. Tỉ lệ tiêm mũi 1 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã 91,5%.

Việt Nam là một trong các nước có tỉ lệ tiêm vắc xin cao trên thế giới với quy mô rộng rãi, nhiều đối tượng, nhiều mũi tiêm, sử dụng đa dạng các loại vắc xin. Tổ chức Y tế thế giới ghi nhận, đánh giá Việt Nam có chiến lược sử dụng vắc xin phù hợp, hiệu quả", bà Hương cho hay. (Tuổi trẻ, trang 3).

 

Vì sao Bộ Y tế đề nghị cấm thuốc lá điện tử?

Để qua mặt được sự quản lý của các cơ quan chức năng hiện nay, nhiều loại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng "núp bóng" dưới muôn hình dạng khác nhau để rao bán cho giới trẻ, đặc biệt là học sinh.

Cần mạnh tay với thuốc lá điện tử. Mới đây, Bộ Y tế đã đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới vì các sản phẩm này, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Đây đều là các sản phẩm có hại cho sức khỏe. Đề nghi này được các chuyên gia và nhiều người đồng tình, cho rằng chúng có thể gây nguy hại đến thế hệ trẻ dài lâu.

Nhập viện, tổn thương não vì thuốc lá điện tử

Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho hay gần như tuần nào cũng tiếp nhận những trường hợp bệnh nhân ngộ độc thuốc lá điện tử vào điều trị. Thậm chí có nhiều ca bệnh gặp di chứng nặng nề, tổn thương não...

Gần đây, bệnh viện điều trị cho K.N. (20 tuổi), N. được bạn rủ đi chơi, có sử dụng thuốc lá điện tử trong chuyến đi. Sau khi dùng, cô gái bất tỉnh và được đưa đến y tế cơ sở trong tình trạng hôn mê, tụt huyết áp và được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai.

Các bác sĩ cho biết qua kiểm tra đánh giá, bệnh nhân có tổn thương đa cơ quan nặng nề, suy tim, não có tổn thương lan tỏa, xung huyết não. Ngoài ra xuất hiện cả tổn thương gan, thận, tình trạng bệnh nhân rất nặng, trong khi trước đó bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh.

"Mẫu thuốc lá điện tử bệnh nhân sử dụng đã được gửi đi xét nghiệm tại Viện Pháp y quốc gia. Qua xét nghiệm, các chuyên gia tìm thấy một chất cần sa tổng hợp là ADB- BUTINACA" - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết.

Hay một trường hợp khác cũng nhập viện cấp cứu trong tình trạng khó thở, co giật sau thời gian hút thuốc lá điện tử. Cháu N.A. (12 tuổi) là học sinh trung học ở Hà Nội, trước đó N.A. là học sinh ngoan, học giỏi, nhưng cha đi làm xa, mẹ bận công việc nên không dành thời gian quan tâm.

Gần đây, N.A. hay tụ tập với các anh lớp trên ở trường học, các anh đã rủ N.A. sử dụng thuốc lá điện tử.

Sau đó, N.A. có tự mua trên mạng về để hút. Sau khi hút thuốc lá điện tử, N.A. xuất hiện cơn run tay chân, chóng mặt, hoảng sợ, khó thở và xuất hiện cơn co giật. Cháu được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi trung ương theo dõi, điều trị.

Ủng hộ cấm thuốc lá điện tử, nung nóng

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hoàng - giảng viên Trung tâm giáo dục y học, Đại học Y dược TP.HCM - cho biết thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng hiện nay đều có hại cho sức khỏe, nguy hiểm như thuốc lá điếu.

Hiện thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng được ẩn nấp dưới nhiều hình dạng rất khó bị kiểm soát, vì có nhiều mùi vị khác nhau nên nhiều người có thể sử dụng được. Đặc biệt là giới trẻ, học sinh, sinh viên đang có xu hướng sử dụng rất nhiều.

Bên cạnh việc được nhiều đơn vị trên thế giới chứng minh sự nguy hiểm cho sức khỏe, hiện nay thuốc lá điện tử còn bị biến tướng, chứa ma túy (các chất gây nghiện, an thần) gây hại nhiều hơn. Đây cũng là cơ hội để các chất gây nghiện như heroin xâm nhập, núp bóng thuốc lá điện tử.

Bác sĩ Nguyên cho rằng hiện nay thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bởi "công thức" sản xuất thay đổi từng ngày. Các thành phần trong hỗn hợp dung dịch được sản xuất theo trào lưu khác nhau.

Mỗi thời điểm lại điều chế ra các loại thuốc lá điện tử có mùi vị và thay đổi liên tục, không đoán định được. Nguy hiểm nhất là các chất thay đổi liên tục và thậm chí cho các chất ma túy, cần sa vào để làm tăng cảm giác "phê" và nghiện.

Theo bác sĩ Nguyên, việc kiểm soát các loại chất trong thuốc lá điện tử là rất khó. Do các hỗn hợp này chứa các loại ma túy, cần sa tổng hợp (không phải cần sa cổ điển, tự nhiên, khó xét nghiệm) và chứa hàng trăm chất thay đổi khác nhau, mỗi ngày có một chất mới, một công thức mới nên rất khó để kiểm soát. Vì vậy nên cấm thuốc lá điện tử tránh gây nguy hại đến sức khỏe, đặc biệt là giới trẻ. (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Kiến nghị quản lý bác sĩ nước ngoài hành nghề

Ngày 30-11, Sở Y tế TPHCM cho biết, sau một thời gian tạm lắng xuống do dịch Covid-19, gần đây một số phòng khám tư nhân có yếu tố nước ngoài lại tái xuất hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong hành nghề khám chữa bệnh. Thậm chí có nhiều phòng khám từng vi phạm trước đây và từng bị xử phạt ở khung cao nhất theo quy định của pháp luật hiện hành.

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, trước thực trạng này, Sở Y tế kêu gọi người dân và nhân viên y tế cùng hỗ trợ ngành y tế phát hiện và kịp thời thông báo về Thanh tra Sở Y tế bằng cách gọi đường dây nóng, hoặc thông báo qua ứng dụng “Y tế trực tuyến” hoặc bất cứ hình thức nào có thể để kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Ở tầm quản lý nhà nước, ngành y tế Thành phố kiến nghị Quốc hội sớm thông qua Luật khám chữa bệnh (sửa đổi), trong đó, cần quy định bác sĩ nước ngoài muốn hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam bắt buộc phải qua kỳ thi chứng chỉ hành nghề, bắt buộc phải thông thạo tiếng Việt và nói tiếng Việt khi khám bệnh.  Cần tăng nặng các hình thức xử phạt như thu hồi vĩnh viễn chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động nếu tái phạm các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi liên quan đến đạo đức hành nghề khám chữa bệnh.

Đồng thời đề nghị UBND các quận, huyện tăng cường phối hợp với Sở Y tế trong quản lý hành nghề khám chữa bệnh tư nhân trên địa bàn như: kiểm tra, giám sát các địa chỉ phòng khám từng vi phạm, đang vi phạm và bị tạm đình chỉ ngưng hoạt động, buộc các cơ sở vi phạm ngưng quảng cáo, che hoặc gỡ biển hiệu trong thời gian bị tạm ngưng hoạt động. (Sài Gòn giải phóng, trang 6).

 

Lâm Đồng: 1 người tử vong, 5 người cấp cứu nghi ngộ độc thực phẩm

Ngày 30-11, UBND huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) cho biết, trên địa bàn xã Phú Hội xảy ra vụ việc 1 người tử vong, 5 người khác đang cấp cứu sau khi ăn cơm cùng nhau.

Thông tin ban đầu, ngày 25-11, có 8 người (cùng trú tại thôn R’Chai 2, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng) đi hái cà phê tại thôn Phú Trung, xã Phú Hội. Đến trưa cùng ngày, cả nhóm ăn cơm tại rẫy cà phê. Tại đây, 6 người đã uống rượu trắng, ăn cơm với canh là món bò hầm cà rốt, 2 người còn lại chỉ ăn cơm, canh.

Đến rạng sáng ngày 26-11, anh B. (sinh năm 1990) thấy mệt mỏi và khó thở, được người nhà đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng nhưng đã tử vong sau đó.

Chiều cùng ngày, anh L. (sinh năm 1987) cũng có triệu chứng mệt mỏi, khó thở, được người nhà đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng, sau đó được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng trong tình trạng hôn mê, nguy kịch.

Tiếp đó, chiều ngày 28-11, 4 người còn lại trong nhóm có uống rượu tại bữa ăn lần lượt xuất hiện các triệu chứng đau bụng, chóng mặt, tái xanh, nôn ói… cũng đã được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng. (Sài Gòn giải phóng, trang 9).

Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân, trang 8: “Một người tử vong, 5 người nhập viện sau khi ăn trưa”.

 

Quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế hiệu quả

Để đảm bảo nguồn chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT) được sử dụng hiệu quả và bền vững, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích của người tham gia, thời gian qua, BHXH huyện Mường La (Sơn La) đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, quản lý, sử dụng quỹ KCB BHYT tại các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn.

Nhằm quản lý hiệu quả chi phí KCB BHYT từ Quỹ BHYT và bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT, BHXH huyện Mường La đã chủ động phối hợp với các cơ sở y tế thực hiện nghiêm quy trình KCB BHYT, nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng quỹ BHYT, thực hiện các dịch vụ kỹ thuật đúng quy trình chuyên môn của Bộ Y tế, nhất là trong việc chỉ định điều trị nội trú, chỉ định sử dụng thuốc và dịch vụ y tế; giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của người bệnh trong quá trình KCB BHYT.

Ngoài ra, BHXH huyện cũng tập trung nâng cao chất lượng giám định điện tử, giám định theo chuyên đề, kiểm soát chi KCB BHYT kịp thời. Hằng tháng, đều phân tích, đánh giá chi phí KCB BHYT, xác định các nguyên nhân làm gia tăng chi phí bất hợp lý, xây dựng kế hoạch, giải pháp quản lý nhằm tối ưu hóa sử dụng quỹ BHYT.

Bà Lê Thanh Xuân - Giám đốc BHXH huyện Mường La cho biết, qua kiểm tra, hầu hết các cơ sở KCB được kiểm tra đã thực hiện tốt các quy định về KCB BHYT, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT; việc chuyển dữ liệu KCB BHYT lên hệ thống thông tin giám định BHYT đầy đủ, kịp thời. Tuy nhiên, còn cơ sở KCB BHYT có những hạn chế như chỉ định sử dụng thuốc chưa phù hợp với chẩn đoán; một số bác sĩ chỉ định nhiều dịch vụ kỹ thuật cho nhiều bệnh nhân trong cùng một thời điểm; chuẩn hoá dữ liệu đầu ra theo quyết định số 4210/QĐ-BYT chưa đúng quy định…

Đáng chú ý, kết quả kiểm tra các trạm y tế xã đã phát hiện việc chỉ định thuốc không đúng hướng dẫn sử dụng tại tờ hướng dẫn thuốc; lập hồ sơ bệnh án các bệnh mãn tính không đúng quy định của Bộ Y tế nên BHXH huyện đã từ chối số tiền trên 26 triệu đồng.

“Đến nay, BHXH huyện đã từ chối thanh toán chi phí KCB BHYT không đúng quy định với tổng số tiền trên 500 triệu đồng và yêu cầu cơ sở KCB nghiêm túc chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, khắc phục ngay những sai sót, hạn chế trong việc sử dụng quỹ, thanh toán chi phí KCB BHYT…” - bà Xuân thông tin.

Cũng theo bà Xuân, thời gian qua, BHXH huyện đã tăng cường công tác giám định, kiểm tra định kỳ, đột xuất tại các khoa phòng của BVĐK huyện. Đặc biệt là kiểm tra ngoài giờ hành chính, kiểm tra chi phí biến động bất thường để kịp thời phát hiện và ngăn chặn tình trạng người bệnh có bệnh án nội trú nhưng không nằm viện theo quy định, cung ứng thuốc, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật không đúng quy định... nhờ đó đã có những chuyển biến tích cực như: điều chỉnh giảm số giường thực kê, giảm ngày điều trị bình quân từ 7,8 ngày/đợt xuống còn 6,2 ngày/đợt điều trị. (Lao động, trang 4).

 

Cảnh báo gia tăng số ca phơi nhiễm thuốc trị ho ở trẻ

Việc sử dụng thuốc trị ho benzonatate cho trẻ em hoặc cố tình tiếp xúc với benzonatate ở trẻ đang gia tăng trong thời gian gần đây. Các chuyên gia đang lên tiếng cảnh báo vì tình trạng phơi nhiễm thuốc này ở trẻ nhỏ…

Việc sử dụng thuốc trị ho benzonatate cho trẻ em hoặc cố tình tiếp xúc với benzonatate ở trẻ đang gia tăng trong thời gian gần đây. Các chuyên gia đang lên tiếng cảnh báo vì tình trạng phơi nhiễm thuốc này ở trẻ nhỏ…

Để điều trị hiệu quả, tránh những tác dụng phụ không mong muốn, cần dùng đúng chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, đến nay chưa có những đánh giá về hiệu quả và mức độ an toàn của thuốc trị ho benzonatate cho trẻ dưới 10 tuổi.

Mới đây, Cục Quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ đã lên tiếng cảnh báo về sự gia tăng tình trạng phơi nhiễm thuốc trị ho benzonatate ở trẻ em. Các chuyên gia đã tiến hành phân tích hồi cứu dữ liệu để kiểm tra các xu hướng gần đây về phơi nhiễm benzonatate (từ năm 2012 đến năm 2019) và hậu quả lâm sàng đối với trẻ em.

Các nhà nghiên cứu cho hay, có sự gia tăng trong việc sử dụng thuốc theo toa benzonatate cho trẻ em. Trong năm 2010 đến 2018, các trung tâm kiểm soát chất độc của Hoa Kỳ nhận được báo cáo của 80% trong số 4.689 trường hợp phơi nhiễm benzonatate ở trẻ em là do phơi nhiễm đơn chất, 77 % là tiếp xúc không chủ ý.

Hầu hết các trường hợp này (khoảng 83% với 2.718 trường hợp;) là nhóm trẻ em từ 0 đến 5 tuổi. Ngoài ra, có sự gia tăng các trường hợp cố ý tiếp xúc với benzonatate ở trẻ em từ 10 đến 16 tuổi. Trẻ em từ 10 đến 16 tuổi chiếm 61% các trường hợp sử dụng benzonatate liên quan đến lạm dụng. Đã có một số trường hợp trẻ gặp tác dụng phụ nghiêm trọng sau khi tiếp xúc với benzonatate.

Do đó, để tránh những mối nguy do phơi nhiễm với benzonatate ở trẻ, các chuyên gia khuyến cáo, nên để benzonatate xa tầm tay trẻ em để tránh việc trẻ vô tình nuốt phải hoặc tránh khả năng sử dụng hoặc lạm dụng cho trẻ lớn hơn. (Sức khỏe & Đời sống, trang 11).

 

Chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện ứng phó với dịch như COVID-19 trong tương lai

Dịch bệnh gây ảnh hưởng rất lớn lên sức khỏe, xã hội và kinh tế của loài người. Để hạn chế xảy ra dịch bệnh như COVID-19 trong tương lai, kịp thời ứng phó, kiểm soát dịch ngay khi phát hiện mầm bệnh mới cần phải làm gì?

Trong lịch sử, trước COVID-19 loài người đã phải đối mặt với khoảng 20 đại dịch lớn khiến hàng trăm triệu người tử vong như dịch hạch (Justinian Plague) năm 541 sau Công Nguyên khiến 15 triệu -150 triệu người chết; dịch Cái chết Đen (Black Death) năm 1347 khiến trên 150 triệu người tử vong; dịch tả làm khoảng 5 triệu người chết; dịch hạch (Third Plague) năm 1894-1959 gây ra cái chết cho 15 triệu người; dịch cúm Tây Ban Nha (Spanish Flu) năm 1918 đã khiến 20 - 50 triệu người tử vong; năm 1980 dịch HIV/AIDS đã khiến 35 triệu người chết, dịch cúm lợn (Swine Flu) năm 2009 đã khiến cho 20.000 - 50.000 người tử vong; năm 2014 dịch Ebola đã cướp đi sinh mạng của trên 10.000 người và hiện tại COVID-19 khiến hơn 6 triệu người tử vong.

Theo TS. BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, hầu hết các đại dịch đều bắt nguồn từ động vật sau đó lây nhiễm sang người. Dịch có thể bùng phát trong phạm vi một hoặc vài quốc gia, sau đó tràn lan ra toàn thế giới.

Mầm bệnh có thể tồn tại và lây truyền giữa các loài khác nhau như chỉ lây truyền trong động vật; mầm bệnh đột biến: truyền từ động vật sang người nhưng không truyền từ người sang người; đột biến: truyền từ người sang người, vài chu kỳ; mầm bệnh tồn tại song song ở người và động vật; mầm bệnh chỉ lây truyền ở người. Vậy nên, để kiểm soát và ngăn chặn đại dịch cần phải xác định được nguồn chứa mầm bệnh ở người và động vật để kiểm soát dịch bệnh, tiêu diệt tận gốc mầm bệnh.

Các yếu tố tạo nên đại dịch

Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng, hiện nay, có rất nhiều yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát. Xã hội càng phát triển thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh càng cao. Việc thay đổi khí hậu sẽ khiến cho các loại virus gây bệnh bị đột biến và từ đó tạo nên các dịch bệnh mới. Tác động của con người lên môi trường tự nhiên ngày càng lớn gây nên tình trạng mất cân bằng hệ sinh thái tạo điều kiện thuận lợi cho virus phát triển. Xã hội và kinh tế phát triển thúc đẩy việc giao thương đi lại giữa các khu vực ngày càng tăng, đây là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, lây lan ra các vùng địa lý khác.

Việc đô thị hóa, mật độ dân cư ngày càng tăng cùng với việc phân hóa xã hội giàu nghèo, môi trường và điều kiện sống không đảm bảo khiến cho cho nhiều dịch bệnh bùng phát.

Hiện nay mật độ tiếp xúc giữa con người với động vật ngày càng cao khiến cho nguy cơ các loại virus tồn tại trên động vật lây nhiễm sang con người ngày càng lớn. Điển hình, COVID-19 là một trong những đại dịch do virus từ động vật gây nên và lây nhiễm từ người sang người. Dịch COVID-19 bùng phát trên nhiều quốc gia trên thế giới là do quá trình giao thương, tiếp xúc giữa người ở vùng địa lý này với vùng địa lý khác.

Bài học từ COVID-19 cho tương lai

Theo TS. BS Lê Quốc Hùng, dù COVID-19 chưa kết thúc nhưng đã để lại nhiều bài học "đắt giá" không riêng gì cho ngành y tế mà cho tất cả các lĩnh vực khác. Vậy nên, để có thể hạn chế việc xuất hiện và bùng phát các dịch khác trong tương lai thì chúng ta cần áp dụng những bài học kinh nghiệm mà COVID-19 đã để lại.

Nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 cũng như các dịch mới khác trong tương lai rất lớn, nguy cơ dịch chồng dịch cao. Một số bài học có thể rủt ra từ dịch COVID-19 vừa qua:

- Chuẩn bị "kho" trang thiết bị y tế như thuốc, dụng cụ phòng hộ… đầy đủ để sẵn sàng phòng chống dịch bệnh ngay khi phát hiện bệnh.

-Giám sát khả năng xuất hiện mầm bệnh "mới", báo cáo sớm các ca bệnh "lạ" để dự báo dịch, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để tăng khả năng phát hiện các mầm bệnh.

-Dự đoán chính xác khả năng bùng phát dịch, tuyệt đối không chủ quan trước dịch bệnh.

-Thông tin chính xác, minh bạch và kịp thời trong mọi tình huống.

- Thực hiện sớm các can thiệp phi dược phẩm như kiểm dịch, kiểm soát nguồn lây, giãn cách... ngay khi phát hiện mầm bệnh, xác định tác nhân lây bệnh, con đường truyền bệnh... để lựa chọn phương pháp ngăn chặn sớm và phù hợp để đạt hiệu quả cao nhất.

- Nghiên cứu vaccine để chủ động tự cung cấp, tự phòng dịch.

-Điều phối, xây dựng đội ngũ nhân lực chuyên phòng dịch "cứng" tại tất cả các cơ sở y tế để có thể ứng phó nhanh khi phát hiện dịch bệnh.

-Nghiên cứu khoa học, xây dựng phác đồ điều trị là hết sức quan trọng trong quá trình phòng và chống dịch.

-Áp dụng công nghệ thông tin vào ngành y do hiệu quả mà nó mang lại là vô cùng lớn.

Dịch bệnh qua đi không những gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của con người mà còn ảnh hưởng tới kinh tế, xã hội, chính trị... của cả thế giới. Những hệ lụy mà dịch bệnh để lại có thể kéo dài và rất khó khắc phục vậy nên việc rút kinh nghiệm từ các đợt dịch đã từng xảy trước đây để phòng, chống và ứng phó kịp thời với những đợt dịch tiếp theo là vô cùng cần thiết. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Việt Nam sẽ tiếp tục đi đầu trong đáp ứng với HIV

Cùng hành động, Việt Nam sẽ tiếp tục đi đầu trong đáp ứng với HIV trong khu vực và có thêm nhiều kinh nghiệm để tiếp tục chia sẻ với bạn bè quốc tế, không để người dân nào bị bỏ lại phía sau trong phòng, chống HIV/AIDS…

Đó là chia sẻ của ông Taoufik Bakkali, Quyền Giám đốc khu vực Văn phòng UNAIDS, Châu Á – Thái Bình Dương mới đây tại Lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm 2022 mới đây tại Bắc Ninh.

Ông Taoufik Bakkali cho biết, trong tháng hành động quốc gia phòng chống AIDS của Việt Nam và trước thềm Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm nay, UNAIDS công bố Báo cáo toàn cầu nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS 2022, nêu rõ những bất bình đẳng đang kìm hãm nỗ lực chung hướng tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS, để AIDS không còn là một mối nguy cho sức khỏe cộng đồng.

Báo cáo phân tích các thách thức đa chiều mà những nhóm dân số chính chịu ảnh hưởng bởi HIV đang phải đối mặt – trong bối cảnh dịch HIV tập trung như ở Việt Nam. Những nhóm này bao gồm người sử dụng và tiêm chích ma túy, người đồng tính nam, phụ nữ chuyển giới, người bán dâm và vợ/chồng, bạn tình của những người này. Ông Taoufik Bakkali nhấn mạnh, tất cả các quốc gia và mọi người dân cùng đoàn kết, chung tay để có thể vượt qua sự bất bình dẳng này...

Năm 2022 đánh dấu 10 năm Việt Nam nỗ lực và đã đạt được những bước tiến đáng kể hướng tới mục tiêu bảo đảm nguồn lực tài chính bền vững cho công tác phòng chống HIV.

Ông Taoufik Bakkali cho biết, Việt Nam đã và đang chuyển đổi thành công điều trị HIV sang nguồn tài chính từ bảo hiểm y tế. Bước chuyển đổi này không chỉ duy trì bền vững các dịch vụ giúp cứu người và nâng cao chất lượng cuộc sống của người sống với HIV, đóng góp cho sức khỏe cộng đồng của người dân Việt Nam, mà còn cung cấp nhiều bài học kinh nghiệm mà các quốc gia trong và ngoài khu vực châu Á – Thái Bình Dương có thể học hỏi.

Việt Nam cũng đang thí điểm mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS với các tổ chức xã hội, hướng tới duy trì bền vững các dịch vụ dự phòng HIV do cộng đồng cung cấp thông qua sử dụng nguồn ngân sách nhà nước.

Đề án thí điểm và cách tiếp cận mới này cũng sẽ giúp tăng cường tính chủ động, tính bền vững và hiệu suất cao hơn của cộng đồng trong cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cũng như xác lập một mô hình tốt cho việc sử dụng nguồn tài chính trong nước đảm bảo cung cấp dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV.

Mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV với các tổ chức xã hội là mô hình được giới thiệu như là một thực hành tốt trong Báo cáo toàn cầu nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm nay để tạo cảm hứng và khuyến khích các quốc gia trong khu vực áp dụng.

Cùng hành động, Việt Nam sẽ tiếp tục đi đầu trong đáp ứng với HIV trong khu vực và có thêm nhiều kinh nghiệm để tiếp tục chia sẻ với bạn bè quốc tế về không để người dân nào bị bỏ lại phía sau trong phòng chống HIV/AIDS. Đó sẽ không chỉ là kinh nghiệm trong việc khống chế dịch HIV mà còn rất có giá trị học hỏi đối với những nỗ lực lớn hơn về thực hiện Chăm sóc sức khỏe toàn dân và các Mục tiêu Phát triển Bền vững. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang