Bộ Y tế yêu cầu quản lý chặt công tác khám sức khỏe
Bộ Y tế yêu cầu bộ phận thực hiện khám sức khỏe nghiêm túc thực hiện đúng các quy định của pháp luật hướng dẫn liên quan đến công tác khám và cấp giấy khám sức khỏe.
Để đánh giá những bất cập khi thực hiện thông tư hướng dẫn về lĩnh vực khám sức khỏe qua các năm và để tiếp tục tăng cường, quản lý công tác khám sức khỏe trong các lĩnh vực như đường bộ, đường thủy, đường hàng không..., nhất là trong thời điểm cả thế giới bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, Bộ Y tế vừa có công văn về việc tăng cường quản lý công tác khám sức khỏe.
Công văn được gửi tới Sở Y tế 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bệnh viện, Viện trực thuộc Bộ Y tế; Y tế Bộ, ngành.
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị lãnh đạo các đơn vị nghiêm túc chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý tiếp tục tăng cường kiểm tra, thanh tra các cơ sở thực hiện khám sức khỏe thuộc thẩm quyền quản lý; Chỉ đạo bộ phận thực hiện khám sức khỏe nghiêm túc thực hiện đúng các quy định của pháp luật hướng dẫn liên quan đến công tác khám và cấp giấy khám sức khỏe;
Chấn chỉnh, xử lý theo các mức độ đối với các thiếu sót, tồn tại phát hiện trong quá trình thanh, kiểm tra của đơn vị và báo cáo về Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) kết quả kiểm tra, thanh tra, xử lý.
Đảm bảo số điện thoại đường dây nóng trên website của đơn vị hoạt động 24/24 để kịp thời tiếp nhận ý kiến, giải đáp thắc mắc của các cá nhân, tổ chức liên quan đến hoạt động của đơn vị; Cập nhật thường xuyên danh sách các vị công bố đủ điều kiện thực hiện khám sức khỏe trên Cổng thông tin điện tử của Đơn vị đồng thời báo cáo về Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh), Bộ Lao động - Thương binh và Xã Hội (Cục Việc làm), Bộ Giao thông vận tải (Cục Hàng hải, Cục Y tế).
Cập nhật, áp dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý giấy khám sức khỏe; Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi được yêu cầu trong việc xác minh thông tin về Giấy khám sức khỏe và các nội dung liên quan;
Khi có sự thay đổi về một trong các nội dung theo như văn bản đã công bố về cơ sở đủ điều kiện thực hiện khám sức khỏe (địa điểm khám, thời gian khám, nhân lực tham gia, hợp đồng, trang thiết bị...), đề nghị đơn vị gửi báo cáo về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp bằng văn bản trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ khi có sự thay đổi nêu trên.
Tăng cường phối hợp với cơ quan báo chí, chính quyền địa phương, lực lượng công an trên địa bàn để kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm minh các trường hợp cố ý làm trái quy định của pháp luật trong hoạt động khám, chữa bệnh và khám sức khỏe.
Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi cả thế giới cũng như Việt Nam đang bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, Bộ Y tế đề nghị lãnh đạo các đơn vị chỉ đạo quyết liệt các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thực hiện hoặc ký hợp đồng thực hiện xét nghiệm COVID-19 cho người đi công tác, học tập ở nước ngoài phải đảm bảo thực hiện đúng quy trình của Bộ Y tế, chịu trách nhiệm về kết quả xét nghiệm của cơ quan, tổ chức mình... (Gia đình & Xã hội, trang 2; Sức khỏe & Đời sống, trang 2)
Tâm sự của những cán bộ y tế đầu tiên được tiêm vaccine COVID-19
Các y bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là những người đầu tiên được tiêm vaccine phòng COVID-19. Với họ, đây là một vinh dự và cũng là trách nhiệm- đó là trách nhiệm khỏe mạnh để có thể hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Hôm 8/3 là một ngày khá đặc biệt với Ths.BS Đặng Hồng Hải, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, khi anh vinh dự là một trong những cán bộ y tế đầu tiên được tiêm vaccine COVID-19.
Bước ra từ khu tiêm chủng sau thời gian theo dõi sau tiêm, sức khoẻ BS. Đặng Hồng Hải vẫn ổn định, anh vui vẻ thông báo việc không gặp phải phản ứng phụ nào của vaccine, đã hoàn thành mũi tiêm thứ nhất.
"Sau khi 30 phút theo dõi không có vấn đề gì về các phản ứng phụ, tôi được ra ngoài và tự theo dõi. Ngay sau đây tôi đã có thể trở lại luôn với công việc hàng ngày”, BS. Đặng Hồng Hải cho biết.
Cũng như BS Đặng Hồng Hải, các nhân viên y tế của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là những người trực tiếp khám chữa bệnh, trực tiếp tiếp xúc với người bệnh, là đối tượng phơi nhiễm đầu tiên với COVID-19 nên việc tiêm chủng để bảo vệ cho cán bộ y tế là hết sức cần thiết, cũng là bảo vệ cho bệnh nhân và cộng đồng.
“Lợi ích của tiêm vaccine đã được công nhận từ lâu, thành quả nhờ tiêm vaccine đã được ghi nhận, vì vậy đây là chủ trương rất đúng đắn của Bộ Y tế. Việc tiêm chủng vaccine từ trước đến nay đã có hiệu quả rõ rệt, về độ an toàn chúng tôi thấy rất đảm bảo, nhất là những thập kỷ gần đây, công nghệ bào chế vaccine cũng rất hiện đại nên lại càng an toàn. Hơn nữa, các hãng sản xuất vaccine COVID-19 đều là những hãng nổi tiếng trên thế giới. Vì vậy người dân hãy yên tâm với loại vaccine mới này”, Ths.BS Đặng Hồng Hải khẳng định. (Gia đình & Xã hội, trang 5)
Sức khỏe của những người tiêm vaccine covid-19 đều ổn định
Theo thông tin từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia sáng 10/3 cho biết, tính đến cuối giờ chiều ngày 9/3, 522 người đã được tiêm vaccine AstraZeneca phòng COVID-19.
Họ là các cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng.
Cụ thể, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở Đông Anh) đã tiêm cho 107 người. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh đã tiêm cho 104 người.
Tại hai điểm tiêm của tỉnh Hải Dương là Trung tâm Y tế TP Hải Dương và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành đã tiêm cho 206 người.
Hai cơ sở mới triển khai trong ngày 9/3 là Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) đã thực hiện tiêm 36 người; Bệnh viện dã chiến tỉnh Gia Lai thực hiện tiêm cho 69 người.
Theo báo cáo nhanh từ các địa điểm tiêm chủng, Dự án Tiêm chủng mở rộng đã ghi nhận một số trường hợp phản ứng sau tiêm vaccine COVID-19, tuyệt đại đa số là phản ứng thông thường sau tiêm chủng đã được khuyến cáo như đau cơ, mệt mỏi, sốt, đau đầu, ớn lạnh, sưng đau tại chỗ tiêm, buồn nôn…
Có 5 trường hợp được theo dõi xử trí tại bệnh viện, trong đó có 2 trường hợp phản vệ độ 2 đã được xử lý theo quy định và tình trạng sức khoẻ đã trở lại bình thường, 3 trường hợp có biểu hiện tiêu chảy, dị ứng, kẹt huyết áp. Sức khỏe của tất cả các trường hợp trên hiện đã ổn định.
Chương trình Tiêm chủng mở rộng đánh giá thực tế triển khai tiêm chủng trong 2 ngày qua diễn ra an toàn, các trường hợp có phản ứng sau tiêm nằm trong tỷ lệ cho phép.
Do vaccine phòng COVID-19 là vaccine mới, nên người được tiêm phải tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của cơ quan y tế.
Theo quy định của Bộ Y tế, các điểm tiêm chủng đều phải đáp ứng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về lưu giữ và bảo quản vaccine, bố trí các khu vực chức năng (chỗ đón tiếp, nơi ngồi chờ, phòng khám sàng lọc, phòng tiêm, phòng theo dõi sau tiêm, phòng xử lý sốc phản vệ) theo quy tắc một chiều, được trang bị hộp chống sốc và tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch.
Tất cả những người đi tiêm chủng đều được khám sàng lọc và phổ biến cách theo dõi sức khỏe và phản ứng sau tiêm, khi phát hiện những biểu hiện bất thường họ phải liên lạc với cơ sở y tế để được xử lý và điều trị kịp thời. (Gia đình & Xã hội, trang 5; Sài Gòn giải phóng, trang 1)
Một số lưu ý khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19
Từ ngày 8-3, Việt Nam bắt đầu triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho những đối tượng ưu tiên (những nhân viên y tế nơi tuyến đầu chống dịch). Vắc-xin Covid-19 là vắc-xin mới được nghiên cứu, phát triển, cho nên khi triển khai thì cả người tiêm và người được tiêm cần lưu ý một số điểm để tránh những sự cố.
Thực hiện Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26-2 của Chính phủ về việc mua và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19, Bộ Y tế đã khẩn trương thực hiện đàm phán, mua vắc-xin cũng như chuẩn bị hậu cần để nhanh chóng cung ứng vắc-xin vào triển khai tiêm chủng. Theo kế hoạch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 giai đoạn 2021 - 2022, đợt tiêm đầu tiên được triển khai tại 13 tỉnh, thành phố đang là điểm nóng về phòng, chống dịch (Hải Dương, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Gia Lai, Quảng Ninh, Ðiện Biên, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Giang, Bình Dương) và 21 bệnh viện điều trị cho người bệnh Covid-19. Ðối tượng được ưu tiên trong đợt tiêm đầu tiên này là lực lượng chủ chốt ở tuyến đầu thường xuyên phải tiếp xúc với nguồn bệnh, bao gồm nhân viên y tế đang điều trị cho người bệnh Covid-19, nhân viên làm công tác truy vết, xét nghiệm, người làm việc tại khu cách ly, tổ Covid-19 cộng đồng, ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, lực lượng công an, quốc phòng tại các địa phương nêu trên.
Bộ Y tế cho biết, vắc-xin phòng Covid-19 sử dụng trong đợt tiêm đầu này là vắc xin của Tập đoàn AstraZeneca nghiên cứu và phát triển; là một trong ba vắc-xin đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp; hiện đã được sử dụng tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ðợt tiêm vắc-xin lần này là khởi đầu cho chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với hơn 100 triệu mũi tiêm được thực hiện trên toàn quốc, nhằm mục tiêu phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân trên cả nước.
Cũng như tất cả các vắc-xin khác đã sử dụng, vắc-xin phòng Covid-19 khi được tiêm vào cơ thể có thể xảy ra những phản ứng không mong muốn. Do vậy, các cơ sở thực hiện tiêm chủng, người tiêm và người được tiêm cần lưu ý một số nội dung quan trọng. PGS, TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Phó Trưởng Ban điều hành Dự án Tiêm chủng cho biết, đây là vắc-xin rất mới, các thông tin về tai biến, biến cố bất lợi sau tiêm chủng cũng chưa được WHO cung cấp đầy đủ. Các phản ứng có thể xảy ra sau tiêm gồm: phản ứng phổ biến đau tại chỗ tiêm, đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt... và có thể có các phản ứng hiếm gặp khác như phản ứng phản vệ, dị ứng. Do vậy các cơ sở tiêm chủng thực hiện nguyên tắc "bốn tại chỗ", bảo đảm sẵn sàng các phương tiện phòng, chống sốc và xử trí kịp thời.
Ðáng chú ý, cũng như tất cả các vắc-xin khác, vắc-xin phòng Covid-19 khi đưa vào cơ thể cũng có thể xảy ra phản ứng nghiêm trọng như phản ứng sốc (trong vòng 30 phút sau tiêm hoặc phản ứng quá mẫn muộn trong 1 đến 2 ngày đầu sau tiêm). Vì thế, ngoài các quy định bảo đảm an toàn tiêm chủng, đối tượng tiêm sẽ được khám sàng lọc cẩn thận trước khi tiêm. Tại các điểm tiêm chủng phải bố trí để bảo đảm giãn cách, bố trí hộp chống sốc, thường xuyên có cán bộ y tế theo dõi sát sức khỏe của các đối tượng được tiêm.
TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền bắc (Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư) đưa ra khuyến cáo: Ðể bảo đảm an toàn tiêm chủng, người tham gia tiêm chủng cần có sự chuẩn bị trước khi đi tiêm như tự đánh giá nguy cơ bản thân, nếu có nguy cơ mắc Covid-19 cần xét nghiệm để bảo đảm không bị nhiễm vi-rút. Nếu có bất cứ triệu chứng nào như sốt hoặc triệu chứng nhiễm trùng, cần thông báo cho nhân viên y tế và không đến điểm tiêm chủng. Ngoài ra, nếu là người mắc các bệnh lý nền nặng hoặc tiến triển, cần điều trị ổn định trước khi đi tiêm chủng bởi rất dễ xảy ra trùng hợp ngẫu nhiên và có thể cho rằng nguyên nhân là do tiêm chủng. Tại thời điểm đi tiêm, người tham gia tiêm chủng cần thông báo đầy đủ cho y, bác sĩ về tình trạng sức khỏe của bản thân bao gồm tiền sử bệnh tật, tiền sử dị ứng với bất cứ tác nhân nào. Trong buổi tiêm, cần tuân thủ các quy định theo hướng dẫn của cán bộ y tế, đeo khẩu trang, tránh chạm vào các vị trí công cộng; phối hợp cùng cán bộ tiêm chủng kiểm tra nhãn lọ nếu được yêu cầu… Khi ngồi, cần quay mặt về hướng khác với hướng có cán bộ y tế; cung cấp đầy đủ thông tin khi được yêu cầu và kiểm tra lại phiếu xác nhận tiêm chủng khi được trao lại.
Sau khi tiêm xong, cần ở lại điểm tiêm chủng để được cán bộ y tế tư vấn và theo dõi ít nhất 30 phút. Thông báo ngay cho cán bộ y tế nếu thấy có bất thường xảy ra với cơ thể. Lưu ý các dấu hiệu khó chịu, buồn nôn, phát ban, sưng tại chỗ tiêm có thể là các biểu hiện của phản ứng dị ứng. Sau khi về nhà, người được tiêm chủng cần theo dõi sức khỏe bản thân ít nhất hai ngày. Những điểm cần lưu ý bao gồm các dấu hiệu tại chỗ như sưng, nóng, đỏ tại nơi tiêm (chú ý tuyệt đối không đắp bất cứ thứ gì vào nơi tiêm). Theo dõi thân nhiệt, cặp nhiệt độ khi sốt, sử dụng thuốc hạ sốt đúng liều lượng và theo dõi đáp ứng với thuốc hạ sốt. Nếu phát hiện bất thường về sức khỏe, phải báo ngay cho nhân viên y tế để được tư vấn và xử lý kịp thời. Các dấu hiệu nguy cơ bao gồm: sốt cao trên 39oC, khó hạ nhiệt độ, hoặc sốt kéo dài hơn 24 giờ; co giật; phát ban; tinh thần khó chịu, kích thích vật vã, lừ đừ...; khó thở hoặc khi có biểu hiện bất thường khác về sức khỏe, cần đến ngay cơ sở y tế.
Phiếu xác nhận tiêm chủng cần được lưu giữ cẩn thận và mang đến điểm tiêm khi đi tiêm mũi tiếp theo. Mặc dù những phản ứng có thể xảy ra khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 không phổ biến, nhưng với đối tượng được tiêm lại là người có bệnh lý nền thì việc cẩn trọng trong giám sát sức khỏe là hết sức cần thiết, để tránh những rủi ro. Mọi thông tin về sức khỏe sau tiêm cần cung cấp cho cán bộ y tế, để công tác theo dõi phản ứng sau tiêm đánh giá đúng về đặc điểm của vắc-xin cũng như góp phần giúp ngành y tế kịp thời có những điều chỉnh cần thiết liên quan đến vắc-xin và tiêm chủng.
Bộ Y tế cho biết, theo các dữ liệu đến tháng 2-2021, vắc-xin của AstraZeneca có hiệu quả phòng lây nhiễm SARS-CoV-2 là 76% sau mũi tiêm thứ nhất và 81% sau mũi tiêm thứ hai; chưa ghi nhận trường hợp mắc phải nhập viện do Covid-19 trong nhóm những người đã tiêm chủng. Người đi tiêm chủng cần đeo khẩu trang, thực hiện Thông điệp 5K phòng lây nhiễm dịch Covid-19, trong buổi tiêm chủng phải thông báo cho nhân viên y tế tiền sử tiêm chủng, phản ứng với các loại vắc-xin đã từng được tiêm trước đây và tình trạng sức khỏe của bản thân để được chỉ định tiêm chủng phù hợp và an toàn. (Nhân dân, trang 5)
Nhiều địa phương nới lỏng quy định phòng, chống dịch Covid-19
Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 cho Bộ Y tế 502,9 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 để tiếp tục mua sắm các vật tư, hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị y tế cần thiết phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo phương án đã được Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông qua năm 2020. Bộ Y tế chịu trách nhiệm toàn diện về quản lý, sử dụng, thanh quyết toán số kinh phí được bổ sung; thực hiện mua sắm đúng quy định của pháp luật, đúng mục đích, đối tượng, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch và phù hợp với diễn biến của dịch bệnh năm 2021.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, trong ngày 10-3 ghi nhận ba ca mắc Covid-19, trong đó có hai ca là người nhập cảnh từ nước ngoài về Việt Nam và một ca tại TP Hải Dương (tỉnh Hải Dương), được phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc những người nguy cơ cao, đã được cách ly từ ngày 8-3. Hiện hai người nhập cảnh được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi và Bệnh viện đa khoa tỉnh Long An; ca bệnh ở TP Hải Dương đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 3.
Liên quan hoạt động tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại các đơn vị, địa phương, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia (TCMR) cho biết các đơn vị đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho 522 người. Theo báo cáo nhanh từ các địa điểm tiêm chủng, đã có một số trường hợp phản ứng sau tiêm vắc-xin Covid-19 AstraZeneca, nhưng là phản ứng thông thường sau tiêm chủng đã được khuyến cáo như: đau cơ, mệt mỏi, sốt, đau đầu, ớn lạnh, sưng đau tại chỗ tiêm, buồn nôn…
Tình hình dịch Covid-19 từng bước được kiểm soát, cho nên các địa phương cũng đã nới lỏng quy định về phòng, chống dịch. UBND tỉnh Gia Lai có văn bản về việc gỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội đối với huyện Ia Pa và thị xã Ayun Pa từ 0 giờ ngày 11-3; khôi phục, cho hoạt động trở lại bình thường đối với các hoạt động, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ đã tạm dừng trước đó. UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu UBND, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch huyện Ia Pa và thị xã Ayun Pa tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp bắt buộc chung trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn theo quy định của ngành y tế...
UBND tỉnh Thái Bình cho phép từ 7 giờ ngày 10-3 các di tích, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng mở cửa trở lại, nhưng không được tổ chức lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao tập trung đông người. Tại các địa điểm này phải thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch như: lập trạm kiểm soát ghi nhật ký; tổ chức phân luồng; yêu cầu du khách đeo khẩu trang, bố trí đầy đủ dung dịch sát khuẩn cho du khách… Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát được mở bán trong nhà, trong các ki-ốt bảo đảm khoảng cách về bàn, ghế. Ngoài ra, các bến khách ngang sông từ huyện Quỳnh Phụ sang tỉnh Hải Dương hoạt động bình thường, nhưng hạn chế số lượng chuyến và số lượng khách mỗi chuyến. Những người ở bốn địa phương, gồm các huyện Cẩm Giàng, Kim Thành, thị xã Kinh Môn, TP Hải Dương (tỉnh Hải Dương); người từ các ổ dịch đang bị phong tỏa khi vào tỉnh Thái Bình bắt buộc phải cách ly tập trung 14 ngày.
Tổ "An toàn Covid" số 2 thuộc Sở Giao thông vận tải Hải Dương vừa kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại một số đơn vị vận tải đường bộ, đường thủy nội địa. Tổ phát hiện tại bến đò Hàn (TP Hải Dương) và bến đò Hùng Thắng (huyện Nam Sách), những người quản lý bến đò chưa có sổ ghi chép thông tin hành khách; chưa trang bị thiết bị đo thân nhiệt cho hành khách; thiếu dung dịch sát khuẩn... Ðoàn kiểm tra đề nghị Sở Giao thông vận tải có văn bản đề nghị TP Hải Dương và huyện Nam Sách chỉ đạo đình chỉ hoạt động hai bến đò nêu trên cho đến khi bảo đảm đầy đủ các điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 mới cho hoạt động trở lại.
Ngày 10-3, Báo Tuổi Trẻ và Hội Doanh nhân trẻ TP Hồ Chí Minh trao tặng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh các thiết bị y tế phục vụ công tác chữa trị người bệnh Covid-19, gồm: một máy thở ECMO; hai hệ thống máy lọc máu liên tục và hai máy monitor, với tổng trị giá 6,5 tỷ đồng. Theo thông tin từ Ban Vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh, tính đến cuối tháng 2-2021, đơn vị này đã tiếp nhận hơn 258,3 tỷ đồng từ sự đóng góp của các doanh nghiệp, người dân trong và ngoài nước. Ðơn vị này cũng đã phân phối lượng tiền mặt và hàng hóa trị giá hơn 168,7 tỷ đồng cho lực lượng y tế tuyến đầu, người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn. (Nhân dân, trang 5)
Bộ Y tế có đóng góp quan trọng trong việc phòng chống dịch Covid-19 thành công ở nước ta
Tại buổi làm việc với Ban cán sự Đảng, Ban Thường vụ Đảng uỷ Bộ Y tế sáng ngày 10/3, đồng chí Huỳnh Tấn Việt- Bí thư Đảng uỷ Khối các cơ quan TW đánh giá cao những kết quả ngành y tế đạt được thời gian qua, đặc biệt là nỗ lực của ngành trong công tác tham mưu, chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp phòng chống dịch COVID-19 ở nước ta.
Đồng chí Huỳnh Tấn Việt- Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng uỷ Khối các cơ quan TW cùng đồng chí Nguyễn Thanh Long- Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế đồng chủ trì buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Huỳnh Tấn Việt đánh giá cao những kết quả ngành y tế đã đạt được thời gian qua, đặc biệt là nỗ lực của ngành y tế trong công tác tham mưu, chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp phòng chống dịch COVID-19 ở nước ta.
Kể lại câu chuyện trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng cũng là thời điểm dịch COVID-19 bùng phát tại Hải Dương, đồng chí Huỳnh Tấn Việt cho biết do cùng sinh hoạt tổ đại biểu với Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nên cá nhân đồng chí đã chứng kiến sự quyết liệt, nhanh chóng và kịp thời của “tư lệnh ngành y tế”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long trong chỉ đạo, điều hành các công tác phòng chống dịch.
“Chính điều đó đã góp phần cùng cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành triển khai thành công chiến dịch chống dịch lần 3”- đồng chí Bí thư Đảng uỷ Khối nhấn mạnh.
Đồng chí Huỳnh Tấn Việt cũng biểu dương Đảng uỷ Bộ Y tế đã tham mưu tích cực cho lãnh đạo Bộ Y tế trong các hoạt động của ngành nói chung, trong công tác phòng chống dịch COVID-19 nói riêng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thay mặt Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế, trân trọng cảm ơn những tình cảm, sự quan tâm, đồng hành của cá nhân đồng chí Huỳnh Tấn Việt và Đảng uỷ Khối các cơ quan TW dành cho Bộ Y tế và Đảng uỷ Bộ Y tế.
“Các hoạt động của ngành cũng như trong công tác Đảng, Bộ Y tế và Đảng uỷ Khối các cơ quan TW đều có sự trao đổi, xin ý kiến. Chúng tôi đã luôn nhận được sự hướng dẫn của Đảng uỷ Khối rất tận tình, giúp Đảng uỷ Bộ Y tế làm tốt nhiệm vụ của mình”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trong thời gian qua, theo chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, ngành y tế cùng với các cấp, các ngành và toàn dân triển khai công tác phòng chống dịch thành công.
Bên cạnh đó, thời gian qua ngành y tế đã đạt kết quả trên nhiều lĩnh vực khác.
Trong công tác khám chữa bệnh, ngành y tế đã có những bước chuyển biến rất căn bản, chất lượng khám chữa bệnh ngày một nâng lên. Hệ thống khám chữa bệnh từ xa ra đời, chỉ trong vòng 45 ngày đã kết nối trên 1.000 điểm cầu trực tuyên, giúp cho người dân ở tuyến cơ sở được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng cao ngay tại cơ sở. Ngành y tế đang tiến tới 100% các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc đều kết nối khám chữa bệnh từ xa để từ đó, chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân ở các tuyến đều nâng lên.
“Chúng tôi có những câu chuyện rất cảm động liên quan đến khám chữa bệnh từ xa, đó là trường hợp một người bệnh ở huyện Mù Căng Chải- Yên Bái bị bệnh nặng, phải phẫu thuật ngay, tuy nhiên bệnh nhân lại không đủ điều kiện sức khoẻ để chuyển về tuyến dưới .
Thông qua khám chữa bệnh từ xa, các chuyên gia của Bệnh viện Việt Đức đã hỗ trợ, hướng dẫn các thầy thuốc tuyến cơ sở phẫu thuật cứu sống bệnh nhân ngay tại đó. Hai tuần sau, bệnh nhân đã đứng dậy được, nói lời chào và cảm ơn các y bác sĩ cả tuyến trung ương và cơ sở đã cứu sống mình.”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ.
Trong công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 cũng vậy, nhờ công nghệ đã kết nối các thầy, các chuyên gia đầu ngành để hỗ trợ tuyến dưới trong điều trị, nên đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã cứu sống ngoạn mục nhiều ca COVID-19 nặng…
Ngành y tế đã đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý với sự ra đời và công khai minh bạch toàn bộ các hoạt động của ngành y tế, từ vấn đề giá thuốc, đến giá trang thiết bị y tế, đến đấu thầu và kể cả giá dịch vụ y tế của tất cả các cơ sở y tế. Đây là lần đầu tiên Bộ Y tế công khai giá của trên 62.000 loại thuốc, 40.000 loại trang thiết bị, hơn 90.000 kết quả đấu thầu… trên cổng Công khai y tế.
“Tất cả những việc này nhằm tạo điều kiện cho người dân có thể giám sát và cũng thể hiện quyết tâm, mong muốn xây dựng một nền y tế công khai, minh bạch và hiệu quả”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế xác định năm 2021 là năm bản lề trong tiến trình thực hiện đổi mới mạnh mẽ của ngành trên nhiều lĩnh vực, từ khám chữa bệnh đến y tế dự phòng và đào tạo nhân lực y tế…
Hiện nay, ngành y tế đang tập trung ưu tiên cho việc triển khai thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Bộ Y tế đã yêu cầu các điểm tiêm chủng tăng tốc việc tiêm, để đảm bảo số lượng tiêm kịp thời. Đồng thời, Bộ Y tế cũng đã và đang nỗ lực để đàm phán, giúp Việt Nam tiếp cận được nhiều nguồn vắc xin phòng COVID-19.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bày tỏ mong muốn cá nhân đồng chí Huỳnh Tấn Việt cũng như Đảng uỷ Khối các cơ quan TW tiếp tục quan tâm, đồng hành với ngành y tế.
Cũng tại buổi làm việc, Đảng uỷ Khối các cơ quan TW đã trao tặng Bằng khen của Đảng uỷ Khối các cơ quan TW cho Đảng Bộ Bộ Y tế. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)
Bộ Y tế: Cảnh báo giả mạo trong cung ứng, mua bán vắc xin COVID-19
Bộ Y tế khuyến cáo: Các cơ quan, tổ chức khi nhận được các thông tin, đề nghị, hợp tác về việc cung cấp vắc xin phòng COVID-19 cần thận trọng, chủ động xác thực, kiểm chứng thông tin, đảm bảo an toàn pháp lý, tài chính và thương mại
Theo thông tin mới đây của Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol), Cảnh sát Trung Quốc và Nam Phi đã bắt giữ nhiều đối tượng liên quan đến buôn bán vắc xin COVID-19 giả.
Ngoài ra, Interpol cũng đã nhận được thêm các báo cáo về việc phân phối vaccine giả và hoạt động lừa đảo nhắm vào các cơ quan y tế.
Tại Việt Nam, trong thời gian vừa qua đã có nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước nộp hồ sơ đăng ký, liên hệ với Bộ Y tế để chào bán, gợi ý cung cấp vắc xin phòng COVID-19 của các nhà sản xuất như Moderna (Mỹ), AstraZeneca…
Tuy nhiên, qua xác minh thông tin, các nhà sản xuất vắc xin trên hiện tại chưa có hoạt động ủy quyền, ủy thác với các tổ chức, cá nhân này.
Ngày 1/3/2021, Astra Zeneca đã có thư khẳng định, ngoài Chương trình COVAX, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Công ty Cổ phần Vắc xin Việt Nam (VNVC), Astra Zeneca không uỷ quyền cho công ty, tổ chức, cá nhân nào khác cung cấp vắc xin phòng COVID-19 của Astra Zeneca tại Việt Nam.
Tương tự, Moderna cũng đã khẳng định chưa ủy quyền cho bất cứ bên nào về việc đăng ký, bán hàng và nhập khẩu vắc xin phòng COVID-19 cho Việt Nam đến thời điểm hiện tại. Các nhà sản xuất vắc xin khác như Pfizer, Johnson & Johnson đều có công ty chi nhánh tại Việt Nam.
Đối với vắc xin Sputnik của Nga, Đại sứ quán Nga tại Việt Nam đã khẳng định mọi sự mua bán, nhập khẩu, hợp tác cần trao đổi trực tiếp với Quỹ Đầu tư Trực tiếp của Nga. Trung Quốc, Ấn Độ cũng khẳng định rõ việc mua, nhập khẩu vắc xin phòng COVID-19 phải được Chính phủ phê duyệt.
Ngày 15/02/2021, Cơ quan Chống gian lận Châu ÂU (The European Anti-Fraud Office (OLAF) đã cảnh báo chính phủ các nước cảnh giác về việc gian lận, lừa đảo trong mua bán vắc xin phòng COVID-19.
Trong tuyên bố này, OLAF cho biết đã có hiện tượng các tổ chức, cá nhân mạo danh mời chào vắc xin COVID-19 giả nhằm lừa gạt các chính phủ thành viên của EU đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng.
Các hình thức lừa đảo có thể gồm: tự nhận là đại diện thương mại cho các nhà sản xuất vắc xin và tuyên bố sở hữu hoặc có quyền tiếp cận vắc xin phòng COVID-19 để mời chào bán vắc xin; chào bán số lượng lớn vắc xin phòng COVID-19 cho Chính phủ hoặc các tổ chức, cung cấp một lượng hàng mẫu để ký kết, nhận tiền đặt cọc và sau đó chiếm dụng; hoặc cung cấp các lô vắc xin phòng COVID-19 giả mạo. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)
Hải Dương có thể còn các ổ dịch lẩn khuất
Chiều 10/3, Việt Nam ghi nhận thêm 3 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 2 ca nhập cảnh. Hải Dương tiếp tục có ca mắc qua sàng lọc trong cộng đồng.
Ca bệnh ghi nhận trong nước tại tỉnh Hải Dương được phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc những người có nguy cơ cao tại TP Hải Dương, đã được cách ly từ ngày 8/3 (BN2.528). Hiện bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 3 - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương cơ sở 2… (Công an nhân dân, trang 1)
Bộ Y tế: Vắc-xin ngừa COVID-19 không an toàn 100% với đại dịch
Việt Nam bắt đầu tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho nhân viên y tế; người dân kỳ vọng đây là vũ khí hữu hiệu ngăn chặn đại dịch. Tiền Phong trao đổi với PGS.TS Trần Đắc Phu, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc (Bộ Y tế), xung quanh vấn đề này.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Việt Nam sẽ có khoảng 100 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19. Đây là tín hiệu đáng mừng. Theo ông, chúng ta có thể nới lỏng các biện pháp phòng dịch không?
Theo tính toán, để phòng bệnh cho một cộng đồng thì cộng đồng đó phải đạt được miễn dịch khoảng 60-70% dân số trở lên. Như vậy, chúng ta phải có ít nhất 60-70% dân số được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19. Như vậy, Việt Nam cần từ 100-150 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19. Trong khi việc tiêm vắc-xin chưa hẳn đã có miễn dịch ngay sau khi tiêm, kháng thể chống virus tồn tại trong cơ thể con người là bao lâu, một số vắc-xin mới đánh giá được tác dụng giảm triệu chứng nặng của bệnh, chưa xác định được chính xác hiệu quả của việc giảm sự lây truyền bệnh ở mức nào hoặc đề phòng sự biến thể của virus không có tác dụng với vắc-xin vừa được tiêm.
Do vậy, chúng ta vẫn phải áp dụng biện pháp phòng bệnh có hiệu quả như thực hiện nguyên tắc 5K. Một minh chứng cụ thể là Israel đã tiêm vắc-xin được 50% dân số, nhưng chính phủ vẫn khuyến cáo người dân đeo khẩu trang, khử khuẩn...
Chúng ta có thể trông chờ vắc-xin từ những nguồn nào, theo ông?
Theo tôi được biết, hiện nay, ngoài vắc-xin AstraZeneca, Việt Nam có thể đàm phán để có được vắc-xin khác như của hãng Pfizer, Moderna, Sputnik V và Việt Nam cũng đang sản xuất vắc-xin Nano Covax, Covivac... Chúng ta mong muốn có đủ vắc-xin tiêm cho người dân Việt Nam trên cơ sở có các loại vắc-xin khác nhau. Tất nhiên, vắc-xin phải đạt hiệu quả phòng bệnh và an toàn.
Ông nhìn nhận thế nào về AstraZeneca?
Đối với vắc-xin COVID-19 mà Việt Nam nhập khẩu của hãng AstraZeneca sáng 24/2 thì hiệu quả bảo vệ khoảng 60-70% và thực tế hiện nay người ta cũng chưa biết miễn dịch kéo dài được bao lâu. Nhưng theo tôi, với việc đáp ứng miễn dịch như vậy, việc bảo quản vắc-xin này không đòi hỏi ở nhiệt độ âm 70 độ C (chỉ cần ở nhiệt độ 2-8 độ C) cũng như giá thành thấp là phù hợp với Việt Nam.
Theo ông, việc Tổ chức Y tế Thế giới cho phép lưu hành khẩn cấp vắc-xin mới có gì lợi và hại?
Thông thường, 1 vắc-xin từ khi nghiên cứu đến khi thành phẩm là cả quá trình lâu dài và phức tạp, ít nhất 4-5 năm. Sau đó, khi nhập sang các nước khác phải có thử nghiệm lâm sàng bài bản. Tuy nhiên, chỉ trong một năm, thế giới đã cho ra đời vắc-xin ngừa COVID-19. Cùng với đó, Việt Nam cũng đang gấp rút thử nghiệm, sản xuất vắc-xin này trong thời gian ngắn hơn nhiều so với tiền lệ. Đây là điều chưa từng xảy ra trên thế giới. Tuy nhiên, nhanh không có nghĩa là không đảm bảo an toàn. Tất cả các vắc-xin đang lưu hành đã được cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới. Tại Việt Nam, việc nhập khẩu khẩn cấp vắc-xin đã được quy định trong luật pháp. Điều này đem lại lợi ích là phục vụ chống dịch.
Tuy nhiên, chính vì thời gian ngắn, gấp rút nên những nghiên cứu chưa được đầy đủ như cho thấy giảm tỷ lệ nặng, giảm tử vong nhưng có giảm được lây nhiễm ở mức độ nào, kháng thể tồn tại trong cơ thể người được tiêm trong bao lâu thì cũng chưa thật rõ ràng. Kể cả các đối tượng cũng chưa đánh giá được hết như đối tượng trên 65 tuổi, người dưới 18 tuổi hoặc một số đối tượng đặc thù… Thực tế cần đánh giá thực địa nhưng do làm khẩn cấp nên không đảm bảo được các dữ liệu này.
Ông kỳ vọng thế nào về vắc-xin do Việt Nam sản xuất?
Việt Nam hiện có 4 đơn vị trong nước, gồm Nanogen, IVAC, Vabiotech và Polyvac đang nghiên cứu, thử nghiệm vắc-xin ngừa COVID-19. Nanogen bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng 2. Báo cáo cho thấy vắc-xin này an toàn và hiệu quả. Ngoài ra, hai loại vắc-xin COVID-19 khác cũng chuẩn bị vào thử giai đoạn lâm sàng đầu tiên sau khi thử nghiệm trên động vật cho hiệu quả tốt. Trong đó, vắc-xin Covivac của IVAC có kinh nghiệm và đã áp dụng công nghệ sản xuất vắc-xin cúm. Tôi hy vọng, với sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế, dù khẩn cấp, Việt Nam vẫn cho ra đời vắc-xin tự nghiên cứu, sản xuất đảm bảo tiêu chí an toàn và hiệu quả. Tôi cho rằng, chúng ta sẽ đảm bảo an ninh vắc-xin với giá thành hợp lý. Dự kiến cuối năm 2021, đầu 2022, chúng ta có vắc-xin “Made in Việt Nam”.
Tiêm vắc-xin có đảm bảo sẽ không nhiễm SARS-CoV-2 hay không?
Trên thế giới, vấn đề này hiện chưa được làm rõ. Thực tế qua việc tiêm vắc-xin COVID-19 trên thế giới cho thấy có sự giảm triệu chứng khi mắc bệnh rõ rệt, giảm hẳn nguy cơ tử vong. Việc giảm nguy cơ lây bệnh, kháng thể có thể tồn tại trong cơ thể bao lâu thì vẫn chưa có kết luận rõ ràng, điều này còn tùy vào loại vắc-xin. Chưa kể đến nay, các báo cáo của các hãng sản xuất vắc-xin cũng khác nhau. Bởi các vắc-xin đều được sản xuất dưới dạng khẩn cấp nên chưa có đủ thời gian để thử nghiệm và thẩm định kỹ càng. Tuy nhiên, về cơ bản, các báo cáo vẫn cho thấy vắc-xin ngừa COVID-19 có tác dụng nên chúng vẫn được tiêm.
Cảm ơn ông.
(Tiền phong, trang 10)