Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 11/7/2016

  • |
T5g.org.vn - Phẫu thuật khối u môi dưới cho bé 7 tháng tuổi; Đoàn y, bác sĩ trẻ 18 bệnh viện khám bệnh bà con Củ Chi; Hành trình Đỏ đặt mục tiêu thu được 20.000 đơn vị máu; Hà Nội sẽ tổ chức hai đợt cao điểm vệ sinh môi trường, diệt muỗi và bọ gậy; Người nghèo được hỗ trợ khi điều trị ung thư, chạy thận...

Đoàn y, bác sĩ trẻ 18 bệnh viện khám bệnh bà con Củ Chi

Trong 02 tháng qua, từ ngày 07/5/2016, tại Bệnh viện huyện Củ Chi, Đoàn Sở y tế phối hợp 18 bệnh viện thành phố triển khai đợt khám bệnh từ thiện, cấp thuốc miễn phí và tặng quà cho bệnh nhân nghèo các xã trên địa bàn huyện Củ Chi cho hơn 2.250 người dân.

Đợt khám bệnh từ thiện này, thể hiện tinh thần xung kích, tình nguyện của đội ngũ y, bác sĩ trẻ của thành phố, tích cực tham gia các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, góp phần chăm sóc sức khỏe cho bà con nhân dân huyện Củ Chi anh hùng. (* Sài Gòn giải phóng (trang 4)

Hành trình Đỏ đặt mục tiêu thu được 20.000 đơn vị máu

Sáng 10/7, tại Hà Nội, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương tổ chức họp báo giới thiệu về Hành trình Đỏ - Hành trình vận động hiến máu xuyên Việt năm nay. Theo đó, dự kiến Hành trình đỏ năm nay sẽ thu được 20.000 đơn vị máu, góp phần khắc phục tình trạng thiếu máu trong dịp hè hiện nay.

du kien thu toi thieu 20.000 don vi mau tu hanh trinh do 2016 hinh 0

 Thắp sáng ngọn đuốc Hành trình Đỏ.

Hành trình Đỏ năm nay diễn ra 1 tháng, bắt đầu từ 1/7, tại 27 tỉnh, thành phố. Trong đó, Đoàn phía Nam xuất phát từ đảo Phú Quốc (Kiên Giang) đi qua 15 tỉnh, thành phố; Đoàn phía Bắc sẽ xuất phát từ Hà Nội di chuyển qua 11 tỉnh, thành phố. Hai đoàn sẽ hợp quân tại Thanh Hóa trước khi về Hà Nội vào ngày 27/7, sau đó sẽ tổ chức một chuỗi các sự kiện trong đó có ngày hội hiến máu “Giọt hồng tri ân” tại Trung tâm hội nghị quốc gia vào ngày 31/7.

Bắt đầu ra quân từ 1/7, đến nay, Đoàn Hành trình Đỏ phía Nam đã tiếp nhận được gần 900 đơn vị máu tại các tỉnh Kiên Giang, An Giang và Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 10/7, đoàn Hành trình Đỏ miền Bắc sẽ chính thức lên đường và tổ chức tại 11 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

Tổ chức Hành trình Đỏ để vận động thêm nhiều đối tượng khác trong xã hội tham gia hiến máu tình nguyện chứ không chỉ dừng lại ở lực lượng sinh viên như hiện nay. (* Sài Gòn giải phóng (trang 2))

Cùng chủ đề Báo Nhân dân trang 8: “Xuất quân Hành trình đỏ 2016”; Báo Hà Nội mới trang1: “Vận động hiến 20.000 đơn vị máu trong hành trình đỏ 2016”; Báo An ninh Thủ đô trang 2: “19.000 đơn vị máu từ hành trình đỏ xuyên Việt”; Báo Tiền phong trang 1: “Hành trình Đỏ dự kiến thu 20.000 đơn vị màu”; Báo Nông thông Ngày nay trang 2: “Sẽ thu 20.000 đơn vị máu từ Hành trình Đỏ”

Hà Nội sẽ tổ chức hai đợt cao điểm vệ sinh môi trường, diệt muỗi và bọ gậy

Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành kế hoạch về việc tổ chức phun hóa chất, vệ sinh môi trường diệt muỗi và bọ gậy, chủ động phòng chống sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika 6 tháng cuối năm nay.

Theo kế hoạch, thành phố sẽ tổ chức 2 đợt cao điểm phun hóa chất, vệ sinh môi trường diệt muỗi và bọ gậy. Cụ thể, đợt I diễn ra trong tháng 7 và tháng 8 và đợt II từ tháng 10 đến tháng 11. Mặt khác, các địa phương duy trì thường xuyên công tác vệ sinh môi trường, thu gom phế thải phòng chống dịch bệnh.

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các Trung tâm Y tế (TTYT) quận, huyện xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm huy động tối đa sự tham gia của cộng đồng về nhân lực, kinh phí, vật tư trong triển khai các chiến dịch. Trên cơ sở kế hoạch đề ra, các chiến dịch phải làm tốt công tác chuẩn bị từ lập danh sách hộ gia đình, cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện… trong khu vực khoanh vùng tổ chức chiến dịch. Đảm bảo đủ nhân lực, vật tư, hóa chất… đồng thời, tổ chức kiểm tra công tác chuẩn bị ở các xã, phường, khi đảm bảo đủ điều kiện theo yêu cầu mới được triển khai chiến dịch tại địa phương. (* Hà Nội mới, Nhân dân (trang 5))

Mổ cấp cứu thành công ngư dân bị viêm ruột thừa cấp trên biển

Chiều 10-7, BS Nguyễn Văn Quân, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) cho biết, trưa cùng ngày, các y, bác sĩ của bệnh viện đã thực hiện mổ cấp cứu thành công ca viêm ruột thừa cấp cho ngư dân Đậu Văn Thượng, 42 tuổi ở xã Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) khi đang đánh bắt hải sản trên ngư trường vịnh Bắc Bộ.

Anh Thượng được đưa vào bệnh viện huyện đảo cấp cứu trong tình trạng đau bụng cấp, được các bác sĩ bệnh viện huyện đảo hội chẩn cùng Quân y Tiểu đoàn phòng thủ đảo xác định bị viêm ruột thừa cấp giờ thứ 20 trên thể trạng bệnh tiểu đường. Ca bệnh được đánh giá là phức tạp so với điều kiện huyện đảo do nguy cơ biến chứng của bệnh tiểu đường nhưng cần phẫu thuật, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Sau hơn hai giờ đồng hồ thực hiện, ca mổ kết thúc thành công. Người bệnh được thoát mê an toàn, chuyển xuống phòng Hồi sức để theo dõi và điều trị. (* Nhân dân (trang 5))

59 khách du lịch nhập viện sau khi ăn tại nhà hàng ở TP Nha Trang

Ngày 10-7, các bệnh viện: Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, Tâm Trí Nha Trang, Vinmec Nha Trang… đã tiếp nhận 59 nhân viên của Công ty Cổ phần bất động sản Thế Kỷ (Tập đoàn CEN Group Hà Nội) trong thời gian du lịch tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), với các triệu chứng bị ngộ độc thực phẩm như nôn ói, chóng mặt, đau bụng, tiêu chảy… sau khi dùng thức ăn tại Nhà hàng Bốn Mùa ở đường Trần Phú. Hầu hết du khách nhập viện trong tình trạng ngộ độc nhẹ, chỉ điều trị bằng uống kháng sinh, truyền nước.

Chiều 10-7, ông Lê Tấn Phùng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cho biết, phần lớn người bệnh đã ổn định sức khỏe, xuất viện ngay trong ngày. Sở Y tế chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh lấy mẫu xét nghiệm, điều tra nguyên nhân vụ việc. Một số người bị ngộ độc cho biết, tối 9-7, Công ty tổ chức liên hoan toàn đoàn tại nhà hàng Bốn Mùa và món nghi ngờ gây ngộ độc là cua sốt, vì nhiều người không ăn món này đã không có các triệu chứng nêu trên. (* Nhân dân (trang 5))

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng trang 11: “60 khách du lịch nhập viện vì ngộ độc thực phẩm”; Báo Hà Nội mới trang 7: “59 khách du lịch nhập viện sau khi ăn ở nhà hàng”; Báo Lao động trang 3: “Hàng chục người nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm”

Hệ thống y tế tư nhân: Bao giờ đi đúng “quỹ đạo”?

LTS: Không thể phủ nhận vai trò của hệ thống cơ sở y tế tư nhân trong công tác khám, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân, góp phần giảm tải cho các bệnh viện công lập. Thế nhưng, trong quá trình hoạt động, không ít cơ sở y tế tư nhân, nhất là những phòng khám (PK) đã, đang bộc lộ không ít sai phạm liên quan đến những quy định về điều kiện kinh doanh, hành nghề, quy định về khám, chữa bệnh, các điều kiện về nhân lực… Đến bao giờ, hoạt động khám, chữa bệnh của những PK tư mới đi đúng “quỹ đạo”, đáp ứng yêu cầu của người dân? Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu loạt bài làm rõ hơn câu trả lời cho vấn đề này.

Bài 1: Vẫn là "bệnh kinh niên"

Trong hệ thống y tế ngoài công lập, PK tư chiếm vị trí quan trọng. Khi mắc bệnh thông thường, người bệnh thường lựa chọn PK tư, thay vì đến các bệnh viện (BV), vì tại đây, họ không mất nhiều thời gian chờ đợi, có thể khám ngoài giờ hành chính, được thăm khám tận tình và chăm sóc chu đáo hơn. Tuy nhiên, chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) của những PK tư vẫn là điều khiến mọi người băn khoăn, bởi công tác quản lý bộc lộ nhiều bất cập... như "bệnh kinh niên" chưa có thuốc chữa.

Các phòng khám, hiệu thuốc tư nhân san sát trên phố Phùng Hưng, quận Hà Đông. Ảnh: Khánh Huy

Nhiều như “nấm”…

Tính đến ngày 30-6-2016, trên địa bàn Hà Nội có 2.931 cơ sở KCB ngoài công lập, trong đó có 145 PK đa khoa, 2.221 PK chuyên khoa và cơ sở dịch vụ y tế, 565 phòng chẩn trị y học cổ truyền. Khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại một số quận, huyện gồm: Hai Bà Trưng, Hà Đông, Đống Đa, Hoàn Kiếm… cho thấy, ở những khu vực nào có BV công lập thì quanh đó, cơ sở y tế tư nhân “mọc” lên nhiều như “nấm” sau mưa.

Dọc tuyến đường Phùng Hưng (phường Phúc La, quận Hà Đông), đoạn chạy qua BV Quân y 103, dài chưa đầy một kilômét, nhưng tập trung rất nhiều cơ sở y tế tư nhân, gồm cả BV tư nhân, PK đa khoa, chuyên khoa… và cơ sở dược tư nhân. Theo thống kê của UBND phường Phúc La, trên địa bàn phường hiện có 73 cơ sở hành nghề KCB tư nhân, trong đó có 2 BV đa khoa, 4 PK đa khoa, còn lại là PK chuyên khoa và cơ sở y học cổ truyền. Không chỉ riêng phường Phúc La, hầu hết các phường trên địa bàn quận Hà Đông đều có các cơ sở y tế tư nhân hoạt động và số cơ sở này tiếp tục tăng hằng năm. Toàn quận Hà Đông hiện có hơn 200 cơ sở y tế tư nhân, trong đó phường Văn Quán có 20 cơ sở, phường Quang Trung 24 cơ sở, phường Mộ Lao 18 cơ sở…

Quận Hai Bà Trưng cũng là nơi “hội tụ” khá đông các PK và quầy thuốc tư nhân, tập trung nhiều nhất tại khu vực xung quanh BV Bạch Mai. Chỉ tính riêng địa bàn phường Đồng Tâm, tại các khu dân cư số 1, 2 và 3 nằm ven đường Giải Phóng đã có tới 90 cơ sở hành nghề y, dược tư nhân. Tại đây, nhân viên hễ thấy bóng dáng có người đứng gần cửa PK là chạy tới chào mời, đón khách vào khám bệnh…

Sự “nở rộ” của hệ thống PK tư đã đáp ứng nhu cầu KCB đa dạng của người dân, giảm tải cho các BV công. Đó là điều mừng, nhưng đằng sau đó là không ít nỗi buồn, lo, bức xúc của người bệnh. Chị Đỗ Hiền Trang (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) kể, lần nào chồng chị đi nội soi dạ dày tại một cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn quận Ba Đình cũng được bác sĩ chỉ định xét nghiệm máu, chụp X-quang, điện tim, thậm chí cả kiểm tra tai, mũi, họng. Lần nội soi gần đây nhất, cách lần khám trước khoảng một tháng cũng bị nhân viên y tế của trung tâm “đè” ra, bắt làm lại đủ loại xét nghiệm, kể cả những xét nghiệm không cần thiết. “Bình thường, chi phí nội soi dạ dày gây mê, kèm xét nghiệm HP chỉ mất khoảng 1,8 triệu đồng. Thế nhưng, do thêm đủ loại xét nghiệm khiến chi phí bị đội lên 3 triệu đồng” - chị Đỗ Hiền Trang phàn nàn.

Không chỉ lạm dụng xét nghiệm, tại không ít PK, bác sĩ vừa khám bệnh, vừa kê đơn, bán thuốc, “pha chế” thuốc, bắt chẹt bệnh nhân để thu lợi. Chị Nguyễn Thị Hằng (đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình) cho biết, con trai chị 3 tuổi, mỗi lần bị ốm đều đến khám bệnh ở một PK trên đường Giải Phóng, bởi chỉ có uống thuốc ở đây mới nhanh khỏi. Chị Nguyễn Thị Hằng thắc mắc, không biết bác sĩ cho con uống thuốc gì, mỗi lần đưa con đến khám, bác sĩ kê mấy loại thuốc đều không còn vỉ, thậm chí có những viên thuốc được bẻ còn nửa viên. Nếu không lấy thuốc tại PK này, chị cũng không biết mua ở đâu…

Kiểm tra là ra… vi phạm

Ông Nguyễn Dương Trung, Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong 6 tháng (từ 16-11-2015 đến 15-5-2016), Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành thanh, kiểm tra 62 lượt cơ sở, thì có 24 cơ sở bị xử lý vi phạm hành chính, với tổng tiền phạt là hơn 430 triệu đồng. Các vi phạm mang tính “kinh niên”, lần thanh tra nào cũng phát hiện là: Quảng cáo dịch vụ KCB khi chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nội dung; sổ KCB ghi chép không đầy đủ theo quy định; không bảo đảm về nhân sự trong quá trình hoạt động; lạm dụng xét nghiệm và các kỹ thuật cận lâm sàng; khám bệnh không đúng phạm vi chuyên môn; quảng cáo không đúng với nội dung đăng ký; sử dụng người nước ngoài làm công việc chuyên môn nhưng không xin phép cơ quan quản lý; sử dụng dược phẩm “chui”…

Mới đây, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động đối với PK y học cổ truyền Việt Tâm (tại 987 đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai) do mắc nhiều sai phạm. Theo Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường, PK này do một bác sĩ người Trung Quốc làm giám đốc phụ trách chuyên môn. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, bác sĩ này không có mặt. Đây là PK chuyên khoa chẩn trị về đông y, nhưng lại treo biển PK đa khoa và chưa có số đăng ký. PK cũng đã tự ý sử dụng một số loại thuốc chưa đăng ký, cấp phép để điều trị cho người bệnh. Trước đó, tháng 9-2015, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cũng đã tiến hành đình chỉ hoạt động KCB và tước chứng chỉ hành nghề 9 tháng (bắt đầu từ ngày 1-10-2015) của hai bác sĩ người Trung Quốc và xử phạt 67,4 triệu đồng đối với PK đa khoa 168 Hà Nội (xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì) do tại thời điểm kiểm tra, nhân viên y tế không đeo biển tên, chức danh; sổ KCB không ghi đúng theo quy định; cơ sở, trang thiết bị y tế không bảo đảm vệ sinh; bác sĩ vừa kê đơn, vừa bán thuốc…

Đây chỉ là một vài trường hợp trong số rất nhiều cơ sở KCB tư nhân vi phạm. Điều đáng nói, trước sự phát triển nở rộ của hệ thống cơ sở y tế tư nhân, công tác quản lý của cơ quan chức năng lại bộc lộ nhiều bất cập. (* Hà Nội mới (trang 1))

Người nghèo được hỗ trợ khi điều trị ung thư, chạy thận

Theo dự thảo Quyết định về việc khám, chữa bệnh cho người nghèo đang được Bộ Y tế lấy ý kiến, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở các xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn; người thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng... là những đối tượng được hưởng chế độ hỗ trợ (hỗ trợ tiền ăn, chi phí đi lại, chi phí thanh toán).

Đặc biệt, người thuộc hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình cũng sẽ được hỗ trợ khi điều trị các bệnh: ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim hoặc điều trị các bệnh không lây nhiễm khác gặp khó khăn do chi phí điều trị cao và không đủ khả năng tự chi trả chi phí điều trị.

Cụ thể, đối với người bệnh đã tham gia thẻ BHYT, trường hợp chi phí khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT và phần phải đồng chi trả theo quy định của pháp luật về BHYT lớn hơn mức lương cơ sở cho mỗi đợt điều trị thì người bệnh phải thanh toán tối đa số tiền bằng mức lương cơ sở, phần còn lại được Quỹ hỗ trợ để thanh toán cho cơ sở khám, chữa bệnh.

Trường hợp người bệnh chưa tham gia bảo hiểm y tế, được Quỹ hỗ trợ 50% chi phí khám bệnh, chữa bệnh nhưng tối đa không quá 6 lần mức lương cơ sở cho 1 đợt điều trị. Trường hợp phải điều trị nhiều đợt trong năm thì tổng số tiền hỗ trợ từ Quỹ tối đa không quá 12 lần mức lương cơ sở/1 năm.

Dự thảo nêu rõ, Quỹ không hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các trường hợp người bệnh tự lựa chọn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (trái tuyến, vượt tuyến) hoặc khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu. (* An ninh Thủ đô (trang 3))

'Luật rừng' của bảo vệ bệnh viện

Không ai được phép buộc bệnh nhân vào, ra bệnh viện phải sử dụng phương tiện này hay phương tiện khác hoặc phải chi thêm tiền.

Nhưng thực tế nhức nhối tại nhiều bệnh viện ở Hà Nội cho thấy đang tồn tại một mảng tối đáng sợ xung quanh dịch vụ này.

Tại Bệnh viện (BV) Việt Đức, dù có biển đề rõ “không thu tiền các xe vào sân phòng khám để đưa, đón người bệnh sau đó ra ngay...” nhưng theo phản ánh của một số người làm dịch vụ vận chuyển bệnh nhân, việc thu phí vẫn diễn ra bình thường.

 Chị Ng., một trong những người làm dịch vụ đưa đón bệnh nhân và người nhà đi các tỉnh cho biết, khu vực cổng chính BV Việt Đức có trên dưới 10 người làm dịch vụ này với giá trung bình 10.000 đồng/ km. “Đã thành lệ từ lâu rồi. Biển treo cho có vậy thôi chứ mỗi ô tô đến đón bệnh nhân ra khỏi BV đều phải nộp cho tổ bảo vệ ít nhất 20.000 đồng/lượt”, chị Ng. nói.

Chiều hôm qua, đại diện BV Nhi T.Ư và công ty bảo vệ đã đến Nghệ An thắp hương cho bệnh nhi và xin lỗi gia đình về việc bảo vệ chặn xe chở người bệnh đang hấp hối về nhà.

Trung tâm cấp cứu “không dám chở bệnh nhân”

Phóng viên Thanh Niên đã thực hiện một cuộc khảo sát về việc cần chở bệnh nhân từ một số BV lớn tại Hà Nội như BV Bạch Mai, BV Quân y 103, Viện Bỏng quốc gia... về quê thì đều nhận được câu từ chối là “không” từ các trung tâm cấp cứu 115 Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Nam... cùng lời giải thích: “Không phải chúng tôi không muốn chở mà là không dám chở”.

Theo giải thích của người điều hành vận chuyển cấp cứu 115 của một tỉnh miền Trung, một số BV tại Hà Nội từ lâu đã được liệt vào “danh sách đen” của đơn vị này bởi không thể nào đón được khách tại những nơi này.

Ông Nguyễn Văn Nam - Đội trưởng Đội vận chuyển cấp cứu Trung tâm 115 Thái Bình, cho biết tại BV Bạch Mai, xe của đơn vị này luôn bị bảo vệ chặn ở cổng. “Nhiều khách quen của chúng tôi phải bắt taxi đi qua cổng, xuống mạn cầu vượt thì mới đưa lên xe cứu thương. Tuy nhiên, đó chỉ là những trường hợp người bệnh nhẹ, còn người bệnh nặng chúng tôi cũng đành bó tay”, ông Nam nói.

Tình trạng “không dám đón khách” cũng xảy ra tương tự với Trung tâm 115 Thái Bình tại Viện Bỏng quốc gia, BV Quân y 103. “Chỉ cần xe chúng tôi vừa đỗ trước cổng BV đã có người gõ kính hỏi “vào đây làm gì?”. Nếu thấy chúng tôi đón người ở đó về thì lập tức đội xăm trổ sẵn sàng lao vào hành hung, đập vỡ kính”, ông Nam kể.

Anh Bùi Văn Khương, một tài xế xe cứu thương tư nhân ở Nghệ An, kể tại Viện Bỏng quốc gia và BV Bạch Mai, khi xe cứu thương vào thì bảo vệ yêu cầu mở cửa xe để kiểm tra, không có bệnh nhân thì lập tức bị đuổi ra. Thậm chí xe có bệnh nhân đi vào cũng chỉ được dừng khoảng 5 - 10 phút rồi bị đuổi ra, mặc cho gia đình bệnh nhân đề nghị y tá trên xe cấp cứu hỗ trợ.

“Là vì họ sợ chúng tôi đón mất khách của hãng xe cứu thương trong BV. Chúng tôi chở bệnh nhân từ Nghệ An ra giá là 3,7 triệu đồng, gồm cả dịch vụ, chiều về chúng tôi chỉ lấy 1,5 - 2 triệu đồng, còn xe cứu thương tại BV chở giá 6 - 7 triệu đồng. Người bệnh muốn chúng tôi chở nhưng không thể được vì có đội bảo kê này ở đây”, anh Khương nói.

“Trấn lột” cả xe cứu thương

Trong vai người nhà bệnh nhân đặt xe cứu thương chở bệnh nhân từ BV Việt Đức về TP.Hải Dương, PV Thanh Niên được đường dây nóng có số điện thoại 09365001... và số 038681... cho biết, mức giá là 1,2 triệu đồng đã bao gồm phí ra cửa BV 20.000 đồng nộp cho bảo vệ.

Để kiểm chứng thêm, PV tiếp tục trong vai người nhà bệnh nhân thuê xe cứu thương chở bệnh nhân từ BV Việt Đức đi tỉnh thì được tài xế xe cứu thương của tỉnh Cao Bằng, Phú Thọ, Bắc Ninh... xác nhận đều phải trả mức phí 20.000 đồng cho bảo vệ. Lý do thu thế nào không ai rõ, chỉ biết việc này đã thành lệ như vậy.

Theo phản ánh của một số đơn vị vận chuyển cấp cứu khác, tại BV Việt Đức, dù không bị gây khó dễ trong việc vào đón bệnh nhân nhưng họ phải thông qua “cò” là một số đối tượng xã hội trong khu vực này thì mới được chở người bệnh.

“Bệnh nhân gọi chúng tôi đến đón thì lập tức có người ra nhận là đã theo trường hợp này từ sáng sớm rồi nên muốn đón là phải mất tiền cho họ. Chẳng hạn khi chúng tôi vận chuyển người bệnh từ Thái Bình lên đây là 1,7 triệu đồng, để tận dụng chiều về chúng tôi chỉ lấy 800.000 - 1 triệu đồng nhưng “cò” vẫn buộc gia đình bệnh nhân trả 1,7 triệu đồng, khoản chênh là nộp cho “cò”. Nếu chúng tôi phản đối thì bị đe dọa hành hung, đập vỡ kính”, một lái xe cứu thương ở Thái Bình cho biết.

Trả lời Thanh Niên, một phó giám đốc của BV Việt Đức thừa nhận BV có ký hợp đồng với một đơn vị đã được cấp phép hoạt động trong vận chuyển bệnh nhân bằng xe cứu thương và vẫn còn tình trạng “cò” xe trà trộn vào BV, tiếp cận người có nhu cầu thuê xe với giá rẻ hơn.

Trên thực tế, ngày 2.3 vừa qua, anh Lê Văn Dũng (22 tuổi, tài xế của một hãng xe cấp cứu tư nhân ở TP.Hà Nội) vừa điều khiển xe vào Viện Bỏng quốc gia đón bệnh nhân ra viện thì bị hai người chặn xe. Họ lôi anh Dũng ra khỏi xe và đấm đá túi bụi, đến khi anh Dũng ngất xỉu họ mới bỏ đi. Công an Q.Hà Đông tiếp nhận điều tra nhưng đến nay vẫn chưa làm rõ được hung thủ.

Bỏ ngay các “quy định nội bộ”

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), nói: “Các BV phải nghiêm túc thực hiện yêu cầu của Bộ Y tế, bỏ ngay các quy định nội bộ về hạn chế việc lựa chọn dịch vụ vận chuyển người bệnh, tạo độc quyền về dịch vụ này. Giám đốc BV phải chịu trách nhiệm trực tiếp về các hoạt động chuyên môn, dịch vụ phục vụ người bệnh chứ không thể đổ lỗi hoàn toàn cho đơn vị khai thác trong trường hợp để xảy ra các sự cố. Không bỗng nhiên mà bảo vệ BV được đứng ra thu tiền, quát nạt như vậy”.

Nhìn lại vụ việc mới đây tại BV Nhi T.Ư khiến dư luận bức xúc, luật sư Phạm Văn Phất (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) nhấn mạnh BV không có quyền ràng buộc, hạn chế người bệnh.

“Việc bảo vệ BV không cho bệnh nhân sử dụng xe cấp cứu bên ngoài là phân biệt đối xử, hạn chế quyền của công dân. Chưa kể một số nơi đặt ra các loại phí không có trong quy định, thu phí không có hóa đơn là đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng”, luật sư Phất nói.

Theo ông, để xảy ra tình trạng này có trách nhiệm rất lớn của lãnh đạo các BV, họ đã buông lỏng trong quản lý và có cách nhìn nhận sai lệch. “Họ coi tài sản nhà nước, coi BV do mình quản lý (vốn từ tiền thuế người dân) như một lãnh địa riêng của họ. Họ tạo ra những đặc quyền cho đối tượng khác, thể hiện dấu hiệu của lợi ích nhóm”, ông Phất bày tỏ. (* Thanh niên (trang 1))

Bệnh viện xin... xuống hạng

Hai bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh của Đồng Nai là Bệnh viện Da liễu và Y dược cổ truyền vừa mới thăng hạng chưa được một năm nhưng nay lại xin “xuống hạng”.

Khổ vì “lên đời”

Bên trong khang trang, cơ sở thiết bị đầy đủ nhưng mấy tháng nay Bệnh viện Da liễu Đồng Nai mỗi ngày chỉ tiếp nhận chục người tới khám. Con số này, theo lãnh đạo bệnh viện là quá èo uột dù nơi đây đã lên hạng bệnh viện tuyến tỉnh và tương đương.

Lý do theo bệnh viện là sau khi thực hiện Thông tư 40 ngày 16/11/2015 của Bộ Y tế “về quy định đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), có hiệu lực thi hành từ 1/1/2016” bệnh viện này không còn được tiếp nhận khám chữa bệnh bảo hiểm ban đầu.

Bác sĩ Lê Thị Thái Hà, giám đốc Bệnh viện Da liễu Đồng Nai cho biết sau gần nửa năm thực hiện quy định chuyển từ bệnh viện hạng 3, tương đương tuyến huyện thành bệnh viện tuyến tỉnh, nơi đây không còn được khám BHYT trái tuyến. Vì vậy, bệnh nhân không còn đến khám ban đầu tại đây.

 Bà Hà dẫn chứng: “Từ đầu năm 2016 đến nay, số lượng bệnh nhân điều trị ngoại trú chỉ bằng 17% so với cùng kỳ năm trước. Còn công suất khám chữa bệnh nơi đây chỉ đạt 5,6%”. Trong khi bác sĩ Phạm Văn Hà- Phó Giám đốc bệnh viện than thở: “Sau khi thực hiện Thông tư 40 số bệnh nhân khám BHYT tại đây giảm gần 90%. Trước đây, mỗi tuần bệnh viện tiếp nhận 1.000 bệnh nhân đến khám nay chỉ còn 50 người/tuần”.

Bệnh viện Y dược cổ truyền Đồng Nai cũng vắng như chùa bà đanh sau hơn nửa năm “lên đời” từ bệnh viện hạng 3, tương đương cấp huyện. Lãnh đạo bệnh viện này nói số lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh giảm 50% do nơi đây không được tiếp nhận khám bệnh BHYT ban đầu như lúc còn hạng 3. Theo bệnh viện này từ con số 1.625 thẻ đăng ký khám BHYT nay chỉ còn một nửa.

 Chị Nguyễn Thị Th., giáo viên ở thành phố Biên Hòa cho biết, chị đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện Đa khoa Biên Hòa, nhưng với căn bệnh nhiễm sắc tố da từ trước nên đã điều trị tại Bệnh viện Da liễu. Tuy nhiên, theo chị Th. hiện nay BHYT không chi trả cho khám trái tuyến tại đây nên không còn lựa chọn nào khác buộc phải tự chi trả tiền để điều trị bệnh khi đến khám.

Theo bác sĩ Thái Hà hầu hết bệnh nhân đến chữa bệnh trứng cá, nấm…tại đây đều phải điều trị dài ngày, mỗi toa thuốc tốn từ 300-400 ngàn/đợt/10 ngày nếu không được BHYT thanh toán. Với đội ngũ công nhân, lao động nghèo số tiền chữa trị này không phải nhỏ, từ khi có quy định không cho khám trái tuyến, rất nhiều người đã bỏ dở việc điều trị tại bệnh viện. “Nếu Thông tư 40 không được điều chỉnh chúng tôi e các chuyên khoa của bệnh viện phải đóng cửa”- bác sĩ Hà lo lắng.

Xin… xuống hạng

Trước khi hai bệnh viện này được Bộ Y tế cho phép lên hạng tương đương tuyến tỉnh, Đồng Nai đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhằm xây dựng, nâng cấp bệnh viện khang trang. Với địa bàn có hơn 3 triệu dân, trong đó rất đông công nhân lao động, hai cơ sở y tế này đã đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh chuyên sâu cho người dân. Tuy nhiên, giờ đây không chỉ lãnh đạo mà hàng trăm y bác sĩ nơi đây mong muốn được xuống hạng để… thu hút bệnh nhân.

Theo Sở Y tế Đồng Nai, kể từ ngày 1/6/2016, người bệnh muốn đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Da liễu và Bệnh viện Y dược cổ truyền phải có giấy chuyển tuyến của nơi đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu. Trong khi đó các cơ sở đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu rất ít khi chuyển bệnh nhân mà giữ lại để điều trị. Vì vậy quyền lợi của người tham gia BHYT bị ảnh hưởng khi không được khám chữa bệnh ở các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Quang Trung, Phó giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết việc xếp loại Bệnh viện Da liễu và Bệnh viện Y dược cổ truyền từ hạng 3 tuyến huyện theo Thông tư 37/2014 của Bộ Y tế lên bệnh viện tuyến tỉnh theo Thông tư 40 hiện không dựa vào bất cứ cơ sở khoa học nào, mà có vẻ hoàn toàn phụ thuộc vào sự chủ quan.

“Các bệnh viện chuyên khoa công lập hạng 3 thì được xếp vào tuyến tỉnh và tương đương, trong khi các bệnh viện chuyên khoa, Y học cổ truyền tư nhân hạng 3 lại xếp vào tuyến huyện cũng là điều chưa hợp lý trong thông tư này”- ông Trung nhìn nhận trong một văn bản gửi Bộ Y tế.

Điều mà cả lãnh đạo các bệnh viện trên cũng như Sở Y tế Đồng  Nai lo lắng hơn nữa là đến tháng 7/2016 khi thực hiện thu giá dịch vụ kỹ thuật gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù và tiền lương thì hai bệnh viện trên sẽ khó duy trì hoạt động. (* Tiền phong (trang 10))

Uống nước lá cây rừng, 1 người tử vong, 4 người nhập viện

Do uống nước được đun từ cây rừng nên một gia đình ở xã Đông Cuông (Văn Yên,Yên Bái) phải nhập viện, trong đó một người đã tử vong.

Theo thông tin mà phóng viên Pháp luật Plus nhận được, vào chiều qua 7/7, gia đình ông Nông Văn Thượng (sinh năm 1957, ở thôn Khe Chàm, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) có đun nước cây rừng để uống.

Đến 16h cùng ngày, ông Thượng cùng vợ, các con và cháu là anh Nông Văn Giang (sinh năm 1987), chị Vũ Thị Oanh (sinh năm 1988), cháu nội là Nông Văn Khánh (sinh năm 2012) có biểu hiện bị ngộ độc. Cả gia đình ông Thượng đã được hàng xóm và họ hàng đưa đi cấp cứu.

Mặc dù đã được các y bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng ông Thượng đã không qua khỏi. Các thành viên khác hiện đang được điều trị tại Bệnh viện huyện Văn Yên, đang dần ổn định sức khỏe.

Hàng xóm của gia đình ông Thượng là anh Nguyễn Thanh Dương có sang uống nước cây rừng cũng đã được đưa đi cấp cứu, đến nay đã ổn định sức khỏe và ra viện.

Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Yên Bái cho biết, hiện đơn vị đã cử đoàn công tác đến xã Đông Cuông tìm hiểu nguyên nhân gây ra ngộ độc, đồng thời hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân.

Được biết, chính quyền địa phương và nhân dân trong xã Đông Cuông, huyện Văn Yên cũng đang tích cực giúp đỡ gia đình bị nạn lo hậu sự. (* Sức khỏe & Đời sống (trang 2))

Phẫu thuật khối u môi dưới cho bé 7 tháng tuổi

Các bác sĩ Khoa Tạo hình – Sọ mặt, bệnh viện Nhi Trung ương vừa phẫu thuật thành công cho một bé trai 7 tháng tuổi bị khối u dị dạng mạch máu ở môi dưới bằng phương pháp dùng vạt môi phía đối diện để che phủ tổn thương.

Bệnh nhi là cháu N.Q.N. (7 tháng tuổi, ở Vĩnh Phúc). Gia đình cho biết, sau sinh trẻ được gia đình phát hiện có khối u màu tím sẫm tại vùng môi dưới bên phải. Khối u này có xu hướng to dần lên, không những làm mất thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng chức năng khi trẻ bú,

Gia đình đã đưa cháu đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương và được chẩn đoán theo dõi tổn thương u máu. Tuy nhiên, sau 2 tháng điều trị thuốc, khối u không những không thuyên giảm mà còn tiếp tục phát triển to hơn.

ThS.BS. Đặng Hoàng Thơm – Trưởng khoa phẫu thuật Sọ mặt và Tạo hình, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh nhân đã được hội chẩn và xác định đây là dạng tổn thương u dị dạng mạch ở vùng môi dưới (vascular malformations). Do khối u đã phát triển tới 3/5 chiều dài môi dưới nên bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật cắt khối u vào ngày 15/6.

Theo BS. Thơm, khó khăn lớn nhất trong ca phẫu thuật cắt hoàn toàn khối dị dạng mạch lớn này trên trẻ nhỏ đó là việc phục hồi lại về giải phẫu cũng như chức năng của môi. Sau khi thảo luận với gia đình, phẫu thuật viên quyết định cắt hoàn toàn khối dị dạng và dùng vạt môi phía đối diện để trượt che phủ tổn thương sau khi cắt bỏ. Sau mổ, môi dưới của cháu đã được phục hồi về gần như bình thường. Bệnh nhi đã được ra viện sau 2 ngày phẫu thuật và hiện sức khỏe hổi phục tốt, chức năng môi trở lại gần như bình thường. (* Sức khỏe & Đời sống (trang 2))

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang