Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 11/8/2023

  • |
T5g.org.vn - Bệnh viện thứ tư của Hà Nội xóa bỏ bệnh án giấy; Nhân viên y tế ở cơ sở công lập vẫn nghỉ việc; Nhiều người bị rắn cắn; Bộ Y tế chuyển trách nhiệm cho địa phương, cán bộ dân số tiếp tục chờ xét phụ cấp; Các bệnh viện, trung tâm y tế tại TP.HCM cần tuyển 538 bác sĩ; Bắt nạt học đường gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng; Di chứng nặng vì bệnh tay chân miệng

 

Bệnh viện thứ tư của Hà Nội xóa bỏ bệnh án giấy

Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa huyện Ứng Hòa, để triển khai bệnh án điện tử, từ năm 2020, bệnh viện này đã bắt đầu triển khai hệ thống phần mềm HIS (hệ thống quản lý bệnh viện). Từ tháng 2-2023, bệnh viện đã triển khai phần mềm HIS-LIS (phần mềm cận lâm sàng).

Tiếp đó, bệnh viện đưa vào áp dụng từng bước thanh toán điện tử, chữ ký số, thẻ khách hàng, triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh bằng phần mềm PACS. Đến tháng 7-2023, bệnh viện đã cơ bản hoàn thành các điều kiện ứng dụng bệnh án điện tử.

Kết quả bỏ phiếu của Hội đồng chuyên môn thẩm định vào cuối tháng 7-2023 đã thống nhất, Bệnh viện Đa khoa Vân Đình đủ điều kiện để triển khai bệnh án điện tử thay thế hoàn toàn bệnh án giấy.

Như vậy, theo quy định của Thông tư 46/2018/TT-BYT quy định về hồ sơ bệnh án điện tử; Thông tư 54/2017/TT-BYT quy định về bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám, chữa bệnh của Bộ Y tế, Bệnh viện Đa khoa Vân Đình đạt mức 6/7 - mức gần cao nhất của tiêu chí “Bệnh viện thông minh”.

Trước đó, Hà Nội có 3 bệnh viện gồm Đa khoa huyện Mỹ Đức; Phụ sản Hà Nội và Đa khoa Xanh Pôn đã áp dụng bệnh án điện tử. Như vậy, Bệnh viện Đa khoa Vân Đình là bệnh viện thứ 4 của Hà Nội áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử thay thế hoàn toàn bệnh án giấy.

Bệnh viện Đa khoa Vân Đình là bệnh viện hạng II trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, hiện trung bình mỗi ngày khám cho gần 1.000 lượt bệnh nhân, điều trị nội trú cho hơn 400 lượt người. Việc áp dụng bệnh án điện tử vào hoạt động khám, chữa bệnh rất hữu ích cho cả bác sĩ và người bệnh (An ninh thủ đô, trang 6).


Nhân viên y tế ở cơ sở công lập vẫn nghỉ việc

Sau dịch COVID-19, dù các hoạt động đã trở lại bình thường nhưng vẫn rất đông y bác sĩ tại các cơ sở y tế công lập nghỉ việc, ông Nguyễn Hải Nam, Phó chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM, phát biểu ngày 10/8 ở buổi họp báo về tình hình dịch bệnh và phục hồi kinh tế.

Sau thời gian chống dịch COVID-19, năm 2022 các cơ sở y tế công lập phải đối mặt với tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc tăng 177% so với năm 2019 (thời điểm trước khi xảy ra dịch). Tính từ ngày 1/1 đến 10/8/2023, số lượng viên chức nghỉ việc là 547 người, trong đó có 202 bác sĩ, 239 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y. Số lượng viên chức nghỉ việc 7 tháng đầu năm 2023 có xu hướng giảm so với số lượng nghỉ việc năm 2022 (1.523 viên chức).

Ông Nam cho biết, qua khảo sát, có nhiều nguyên nhân khiến nhân viên y tế nghỉ việc, chủ yếu do áp lực công việc cao, không đảm bảo sức khỏe làm việc, sức khỏe suy giảm sau dịch COVID-19, đơn vị công tác xa nhà, tập trung thời gian học sau đại học, muốn thay đổi môi trường làm việc, mức thu nhập trong hệ thống y tế công lập thấp so với nơi làm việc khác.

Sở Y tế đã tổ chức chương trình lắng nghe và trao đổi trực tuyến với nhân viên y tế thuộc các đơn vị theo từng nhóm đối tượng cụ thể để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng cùng các khó khăn của họ.

Bên cạnh đó, ngành y tế đang có chính sách khen thưởng các tập thể, cá nhân, khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức tham gia học tập, nâng cao trình độ, năng lực ở trong nước và ngoài nước. Sở Y tế đang xây dựng và triển khai các chính sách đặc thù củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế phường, xã, thị trấn theo chương trình thực hành tại bệnh viện đa khoa gắn với trạm y tế đối với bác sĩ đa khoa. Hiện nay, 268 bác sĩ đã hoàn thành khóa đầu tiên của chương trình thực hành và được Sở Y tế giới thiệu về công tác tại các đơn vị y tế công lập trực thuộc có nhu cầu qua Ngày hội việc làm, góp phần bổ sung nhân lực bác sĩ trẻ cho hệ thống y tế công lập (Tiền phong, trang 5).


Nhiều người bị rắn cắn

Nửa tháng trở lại đây, trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai tiếp nhận 3-4 bệnh nhân nhập viện vì rắn cắn.
Ngày 10/8, bác sĩ Nguyễn Công Huấn, trưởng kíp trực khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, cho biết, nhiều trường hợp bị rắn cắn nguy kịch phải nhập viện. “Nửa tháng qua, chúng tôi tiếp nhận hơn 20 bệnh nhân bị rắn cắn. Đa số ca bệnh là nông dân, người làm vườn, đi rẫy bị rắn cắn. Có trường hợp đang ngủ ở nhà, bị rắn bò vào cắn hoặc rắn núp dưới tủ lạnh, thò ra ngoài cắn người”, bác sĩ Huấn nói.

Theo bác sĩ Huấn, các loài rắn độc thường gặp ở Gia Lai là rắn lục đuôi đỏ, rắn khô mộc, rắn hổ mèo, rắn hổ mang chúa… Nọc độc của các loài rắn này gây rối loạn đông máu cực nhanh, gây độc thần kinh làm ngưng tim, ngưng thở bất cứ lúc nào. “Vừa rồi, có trường hợp người dân bị rắn hổ mang cắn, hoại tử rất nặng. Khoa Cấp cứu phải truyền mười mấy đơn vị máu, cứu sống thành công, giờ bệnh nhân đã xuất viện về nhà”, bác sĩ nói.

Chị N.T.T.T. (trú thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh) bất ngờ bị rắn lục đuôi đỏ bò vào nhà cắn vào chân. Sau khi bị cắn, chị T. tim đập không đều, khó thở…, lập tức được người nhà chuyển đến bệnh viện tỉnh cấp cứu. “May mắn, tôi được đưa đi cấp cứu kịp thời nên qua cơn nguy kịch và đã xuất viện”, chị T kể.

Chị B (trú thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa) trong lúc làm cỏ bị rắn lục đuôi đỏ từ trong bụi rậm lao ra cắn vào tay. “Lúc mới bị cắn cảm giác như bị xước da, sau đó cơn đau tăng dần lên làm tê hết cả bàn tay”, chị B thuật lại. Người nhà tức tốc đưa chị B. xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu.

Chị C.T. L (trú xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai, Kon Tum) cất đôi ủng làm vườn ở trong nhà, rắn hổ mèo chui vào nằm sẵn từ lúc nào. Khi chị L mang ủng vào chân thì bị rắn cắn. Người nhà sơ cứu ban đầu rồi chở chị L xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cấp cứu kịp thời.

Bác sĩ Huấn cho hay, gần đây, Gia Lai xuất hiện loài rắn khô mộc, hình dáng như que củi. Nhiều người dân đi lấy củi nhầm tưởng que củi, khi đưa tay vào thì bị rắn cắn. Trường hợp thường gặp khác là rắn lục đuôi đỏ. Loài này màu xanh như lá cỏ, khi người dân làm cỏ, cắt tỉa cây trong vườn thì bị rắn cắn. Bác sĩ khuyến cáo người dân khi lao động ở rẫy, trang trại cần mang ủng, găng tay, bảo hộ lao động. Khi ở nhà, cần kiểm tra kỹ các ngóc ngách, nơi rắn có thể trú ẩn. Trước khi làm vườn, cần cầm gậy quơ vào bụi rậm, cây trồng để dễ dàng phát hiện, xua đuổi rắn (Tiền phong, trang 15).


Bộ Y tế chuyển trách nhiệm cho địa phương, cán bộ dân số tiếp tục chờ xét phụ cấp

Mặc dù mức độ công việc và cống hiến của các cán bộ dân số không khác gì cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng, nhưng đến nay, họ vẫn không thuộc đối tượng được hưởng phụ cấp của Nghị định 05. Hàng vạn cán bộ dân số bức xúc cho rằng, Bộ Y tế “đem con bỏ chợ”, khiến cán bộ dân số bị “bỏ lại phía sau”.

Bộ Y tế “đá bóng trách nhiệm” về các địa phương

Sau khi Báo Lao Động có loạt bài phản ánh về bất cập khi triển khai Nghị định 05 và sắp xếp vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp cho cán bộ dân số cả nước, Bộ Y tế đã có công văn trả lời Báo Lao Động, trong đó khẳng định cán bộ viên chức dân số không thuộc đối tượng được hưởng phụ cấp của Nghị định 05.

Về nội dung sắp xếp lại vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp tại các cơ sở y tế để cán bộ dân số được hưởng đúng chế độ phụ cấp, Bộ Y tế cho biết: "Đối với viên chức có trình độ chuyên môn y tế được tuyển dụng vào vị trí việc làm công tác dân số và được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức dân số, nay do yêu cầu nhiệm vụ của trạm y tế xã, phường, thị trấn, các viên chức này được phân công, bố trí vào các vị trí việc làm mà vị trí đó chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ về chuyên môn y tế thì trạm y tế xã, phường, thị trấn đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp của viên chức y tế theo đúng trình độ chuyên môn của viên chức đó và khi đó viên chức sẽ được hưởng chế độ chính sách của viên chức chuyên ngành y tế theo vị trí việc làm và chức danh nghề nghiệp viên chức đó được bổ nhiệm".

Theo nhiều chuyên gia y tế, hàng ngày, hàng giờ, các cán bộ dân số vẫn phải thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao phó, thực hiện nhiều công việc y tế khác, ngoài công việc dân số. Trong khi, lực lượng cán bộ dân số là một phần của ngành y tế thì Bộ Y tế lại "đổ" trách nhiệm cho các địa phương.

Bà Trần Nhị Hà - Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội khóa 15, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định, việc các địa phương sắp xếp lại vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp cho cán bộ dân số không hề đơn giản. "Với vị trí việc làm được phân công và quan điểm với quản lý ngành, chúng tôi cho rằng, rất cần ổn định đội ngũ viên chức y tế cũng như viên chức dân số"- bà Hà nói.

Phối hợp, rà soát lại vị trí việc làm

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, để giải quyết vấn đề này, đề nghị UBND các tỉnh, Sở Y tế chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan rà soát, xác định lại vị trí việc làm theo các hướng sau:

Thứ nhất, nếu cán bộ dân số có trình độ chuyên môn y tế, do yêu cầu nhiệm vụ được bố trí các công việc về chuyên môn y tế (chẳng hạn như y tế dự phòng) thì phải khẩn trương xem xét bổ nhiệm chức danh nghề cho họ; để từ đó, giúp họ được hưởng phụ cấp chức danh nghề từ 40% trở lên. Khi đó là trở thành những đối tượng thuộc Nghị định 05.

Thứ hai đối với viên chức dân số không có trình độ chuyên môn y tế, nhưng do điều kiện thiếu nguồn nhân lực để bố trí việc làm tại y tế cơ sở, nếu đơn vị có vị trí việc làm phù hợp và có nhu cầu bổ nhiệm thì phải cử cán bộ dân số đi đào tạo sau đó bổ nhiệm cán bộ dân số đó đúng vị trí việc làm để được hưởng phụ cấp phù hợp.

Khi đã được đào tạo thì phải bổ nhiệm chức danh nghề chuyên môn y tế để được hưởng phụ cấp theo Nghị định 05. Tất cả vướng mắc đều nằm ở đó. Phải nói rõ: Nghị định 05 quy định phụ cấp ưu đãi nghề chứ không phải phụ cấp phòng chống dịch.

Còn tại cơ sở y tế, không có yêu cầu làm chuyên môn y tế, không có nhu cầu đào tạo để sắp xếp vị trí việc làm thì đề nghị không phân công nhiệm vụ khác cho các cán bộ dân số.

Bà Phạm Thị Hưởng, cán bộ dân số tại Trạm Y tế phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam đặt vấn đề: “Bây giờ chúng tôi đi đào tạo chức danh nghề nghiệp thì phải đào tạo bằng cấp như thế nào cho phù hợp với yêu cầu phân bổ chức danh nghề nghiệp? Vì trên thực tế chúng tôi đã có bằng y dược và có cả bằng y tế công cộng… Tới đây, Bộ Y tế có những chính sách hay hướng dẫn nào để y tế cơ sở dễ thực hiện việc này hay không?”

Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định: Nếu có đầy đủ các bằng cấp y tế thì có thể chuyển đổi chức danh nghề. Khi một đơn vị có vị trí việc làm và có nhu cầu thì phải yêu cầu họ chuyển đổi chức danh nghề cho mình (Lao động, trang 1).


Các bệnh viện, trung tâm y tế tại TP.HCM cần tuyển 538 bác sĩ

Ngày 15.8 mới chính thức diễn ra ngày hội việc làm dành cho hơn 290 bác sĩ vừa hoàn thành chương trình thí điểm thực hành tại bệnh viện gắn liền với trạm y tế và nhận chứng chỉ hành nghề y đa khoa của Sở Y tế TP.HCM.
Tuy nhiên, tính đến ngày 10.8, đã có 63 bệnh viện, trung tâm y tế đăng ký tham gia ngày hội việc làm và đề xuất nhu cầu tuyển dụng 538 bác sĩ. Trung tâm cấp cứu 115 là đơn vị đề xuất nhu cầu tuyển dụng cao nhất với 58 bác sĩ. Tiếp đến Trung tâm kiếm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đề xuất nhu cầu là 20 bác sĩ.

Tại ngày hội việc làm, lãnh đạo các đơn vị có thể phỏng vấn nhanh nhằm phát hiện năng khiếu phụ cần có theo vị trí việc làm, đồng thời cũng là nơi để các bác sĩ trẻ có thể hỏi thêm thông tin về đơn vị trước khi đặt bút đăng ký.

Theo Sở Y tế TP, để dự phòng khả năng sẽ có nhiều bác sĩ đăng ký tại một đơn vị, vượt quá nhu cầu tuyển dụng của đơn vị đó nên Sở cho phép bác sĩ đăng ký 3 lần. Nếu lần đầu bác sĩ chưa được chọn thì đăng ký lần 2 và lần 3 ở đơn vị khác (Thanh niên, trang 4).


Bắt nạt học đường gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng

Một nữ sinh 14 tuổi (học lớp 8, ở Bắc Ninh) được gia đình đưa đến Bệnh viện Bạch Mai khám do em đã có hành vi tự hủy hoại và ý nghĩ tự sát.
Đó là thông tin được bác sĩ (BS) Đỗ Thùy Dung, thuộc Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện (BV) Bạch Mai, chia sẻ tại tọa đàm "Bắt nạt học đường" do Viện Sức khoẻ tâm thần tổ chức cuối tháng 5 vừa qua tại Hà Nội.

Bị bạn cùng lớp bắt nạt suốt 1 năm

Theo lời kể của bệnh nhân (BN) và người nhà, khi học cấp 1, BN học tập tốt, lên lớp 6, 7 BN vẫn đạt học lực giỏi. BN ít chơi cùng và ít khi nói chuyện với các bạn cùng lớp, chỉ có một vài bạn thân ngoài lớp; ít đi chơi với bạn bè ngoài giờ học. Khoảng 1 năm nay, BN có căng thẳng với nhóm bạn nữ trong lớp, bị các bạn chê bai, công kích về ngoại hình. BN thường bị đe dọa, xúc phạm, thậm chí có lần bị bạn nữ cùng lớp cầm vở tát vào mặt ngay trong lớp.

Chưa hết, thỉnh thoảng khi tan học, BN bị nhóm bạn chặn bên ngoài trường để gây căng thẳng, có lúc bị đánh. BN bị dọa nếu báo cho giáo viên hoặc bố mẹ thì sẽ bị đánh nhiều hơn. BN đã có lần tìm cách nói với mẹ về vấn đề của mình nhưng mẹ BN cho rằng chỉ là việc trẻ con, nên tự giải quyết.

Tình trạng bắt nạt kéo dài suốt gần 1 năm khiến BN từ lo lắng, căng thẳng, sợ hãi, chuyển sang dễ cáu gắt, nổi nóng với người xung quanh, học tập bị giảm sút. BN nghỉ học thường xuyên, ăn uống kém, đêm ngủ chập chờn, ít ra ngoài.

Các BS thông tin thêm về ca bệnh: Khoảng 2 tuần trước khi vào viện, BN tự ý nghỉ học, chỉ ở trong phòng khóc và có suy nghĩ tiêu cực bi quan, có ý nghĩ tự sát để giải thoát, có hành vi rạch tay… Lúc này gia đình đưa BN khám và BN được nhập viện.

Qua khám và đánh giá, các BS phát hiện BN mắc hội chứng trầm cảm. BN điều trị nội trú tại viện bằng dùng thuốc, liệu pháp tâm lý và sức khỏe dần cải thiện: cởi mở hơn, chia sẻ các vấn đề của bản thân, tích cực giao tiếp, giảm ý tưởng tự sát, giảm hành vi tự hủy hoại, ăn uống tốt hơn và giấc ngủ cải thiện, được xuất viện.

Nguyên nhân gây giảm thành tích học tập

Theo BS Nguyễn Hoàng Yến, thuộc Phòng Sức khỏe tâm thần trẻ em và thanh thiếu niên, Viện Sức khỏe tâm thần: Hành vi bắt nạt là một vấn đề nghiêm trọng ở trẻ em và thanh thiếu niên trong độ tuổi đi học; nó có tác động ngắn hạn và dài hạn đối với cá nhân bị bắt nạt, cá nhân bắt nạt, cũng như người ngoài cuộc có mặt trong sự kiện bắt nạt. Về sức khỏe thể chất, nạn nhân có thể bị ảnh hưởng ngay lập tức sau khi bị bắt nạt.

Nạn nhân của bắt nạt học đường có thể bị stress cấp tính và kéo dài, có thể liên quan đến các vấn đề rối loạn giấc ngủ, cảm xúc, chú ý, học tập… Nhiều nghiên cứu nhận thấy thanh thiếu niên bị bắt nạt thường cảm thấy chán nản, lo lắng và cô đơn. Các nghiên cứu cũng cho thấy có mối quan hệ giữa trầm cảm và bị bắt nạt ở trường; trầm cảm khiến ý định tự tử cao hơn, cũng như gia tăng cảm xúc đau khổ so với những người không bị bắt nạt.

BS Yến lưu ý với phụ huynh: Bắt nạt học đường cũng là nguyên nhân gây giảm thành tích học tập. Thành tích học tập kém đi có thể là một yếu tố dự đoán trẻ đang bị bạn bè ngược đãi.

Phòng ngừa, bảo vệ sức khỏe tinh thần cho trẻ

Theo Viện Sức khỏe tâm thần, để phòng ngừa nạn bắt nạt học đường, trước hết cần xây dựng môi trường nhà trường nói không với bắt nạt học đường. Ở đó, trẻ thường xuyên được giáo dục về việc tôn trọng quyền cá nhân, sức khỏe, nhân phẩm của người khác. Tăng cường vai trò của giáo viên, nhân viên tâm lý và gia đình trong việc đánh giá và giải quyết các vấn đề liên quan bắt nạt học đường. Khuyến khích nạn nhân có những phương thức ứng phó thích hợp và tìm kiếm sự hỗ trợ.

Ngoài ra, rất cần sự hợp tác liên ngành trong việc giải quyết bắt nạt học đường, bao gồm tổ chức các đường dây nóng về giáo dục, xử lý các khủng hoảng, cũng như có các hình thức hỗ trợ khủng hoảng sau biến cố tâm lý (Thanh niên, trang 14). 


Di chứng nặng vì bệnh tay chân miệng

Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước đã ghi nhận 49.000 ca bệnh tay chân miệng, 16 trường hợp tử vong, tăng so với cùng kỳ năm 2022.

Năm nay, ghi nhận nhiều trẻ mắc tay chân miệng nặng, biến chứng nguy hiểm. Chủng EV71 thường gây bệnh cảnh nặng và dễ gây các biến chứng có thể tử vong và năm nay gia tăng tỷ lệ ca mắc dương tính với chủng virus này. Tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam thời gian vừa qua thiếu trầm trọng thuốc nặng khiến cho công tác cấp cứu và điều trị gặp rất nhiều khó khăn. 

Biến chứng suy hô hấp, viêm não

 Cháu P.M.N (10 tháng tuổi, Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội) bị sốt cao, mệt mỏi, được điều trị tại nhà, sau đó người nổi nốt như phỏng dạ. Khi đưa tới Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, cháu đã xuất hiện tình trạng viêm phổi có suy hô hấp, kèm theo biểu hiện bệnh tay chân miệng không điển hình. Sau 1 ngày điều trị, cháu bé xuất hiện các dấu hiệu chuyển độ nặng như mạch nhanh, sốt cao liên tục không đáp ứng với thuốc hạ sốt, suy hô hấp tiến triển, huyết áp tăng.

Các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực Nhi đã đặt ống nội khí quản thở máy cho cháu bé và điều trị theo phác đồ bệnh tay chân miệng nặng (mức độ 3). Sau 5 ngày điều trị, sức khoẻ cháu được cải thiện và ngày thứ 6 rút ống nội khí quản.

Theo ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Trung ương, nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng bệnh tay chân miệng nặng, có biến chứng viêm não do đến viện muộn. Nghĩ cháu sốt thông thường như mọi khi mọc răng, gia đình cháu P.H.K (2 tuổi, Thạch Thất, Hà Nội) chỉ để cháu ở nhà và tự mua thuốc hạ sốt về uống. Nhưng sau 2 ngày cháu vẫn sốt cao, không đáp ứng với thuốc hạ sốt, trên người có vài lấm tấm đỏ, gia đình đưa đi khám. Khi đến Bệnh viện Nhi Trung ương, cháu bé trong tình trạng sốt cao và được tiên lượng nặng, biến chứng viêm não.

Theo TS.BS Đào Hữu Nam - Trưởng Khoa Điều trị tích cực, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, những cháu bé sốt cao, nặng như những trường hợp này thường tiến triển thành độ 3 và độ 4 – đây là mức độ nặng và rất nặng của bệnh tay chân miệng – sẽ dẫn đến hôn mê, thậm chí tổn thương cơ tim, sốc và tử vong.

Theo bác sĩ, nhiều trẻ đến viện muộn đã có biến chứng viêm não do trước đó sốt cao đáp ứng kém với thuốc hạ sốt, nhưng gia đình tự điều trị tại nhà. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, có tới gần 30% số bệnh nhi nhập viện nặng có dương tính với chủng EV71.

Cần cung ứng đủ thuốc cho điều trị

Theo Bộ Y tế, bệnh tay chân miệng ghi nhận gia tăng, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam, xuất hiện nhiều ca bệnh nặng và rất nặng, gây tử vong. Tỉnh Bình Thuận đã ghi nhận 2 ca tử vong do tay chân miệng kể từ đầu năm tới nay. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Bình Thuận, mặc dù chưa đến chu kỳ đỉnh dịch, nhưng bệnh tay chân miệng năm nay có dấu hiệu tăng cao trong các tháng gần đây. Trường hợp tử vong mới đây nhất là 9 tháng tuổi, cháu bé sốt cao và gia đình tự cho uống thuốc, đưa đến phòng khám tư. Hai ngày sau cháu bé khó thở, thở nhanh, gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa khu vực La Gi để xử lý cấp cứu. Một ngày sau bệnh nhi tử vong.

Theo thống kê của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2023 đến nay, TP có hơn 15.753 ca mắc tay chân miệng. Một trong những khó khăn mà các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh phải đối mặt đó là thời gian dài vừa qua thiếu thuốc điều trị bệnh tay chân miệng nặng, trong khi mỗi ngày TP có hàng trăm ca mắc mới và có nhiều ca nặng, nguy kịch từ các địa phương khác chuyển đến. Theo Sở Y tế TP, tình hình thiếu thuốc Phenobarbital điều trị tay chân miệng do nguồn cung ứng trong nước bị hạn chế và gián đoạn một thời gian dài từ cuối năm 2020.

Trước tình hình đó, hội đồng chuyên môn của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã họp và thống nhất lựa chọn các thuốc an thần khác tạm thay thế trong khi chờ đợi các doanh nghiệp dược Việt Nam tìm nguồn cung ứng từ các nước khác. Sau nhiều ngày chờ đợi, đến nay mới có 1.000 lọ Gamma Globulin và 21.000 ống thuốc Phenobarbital dạng tiêm điều trị tay chân miệng nặng về Việt Nam để cung cấp cho các bệnh viện chuyên khoa Nhi và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh.

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch, gặp nhiều ở trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt nhóm dưới 3 tuổi. Bệnh biểu hiện nhiều mức độ, việc chẩn đoán sớm, theo dõi là rất cần thiết vì những biến chứng nặng nề gây nên. Theo BS Hoàng Văn Kết – Trường khoa Hồi sức tích cực Nhi, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, với các căn bệnh nhiễm virus cấp tính này, tình trạng chuyển độ có thể tiến triển rất nhanh, gây biến chứng nguy hiểm tới tính mạng. Bởi vậy mà các bậc cha mẹ cần hết sức chú ý tới các dấu hiệu của bệnh.

Bác sĩ đưa ra khuyến cáo cho các bậc phụ huynh không nên chủ quan khi thấy con có các biểu hiện như lên mụn nước, bọng nước ở niêm mạc miệng, ở bàn chân, bàn tay, mông, gối… cần đi khám để xác định bệnh và có phác đồ điều trị phù hợp. Trẻ mắc bệnh tay chân miệng có nguy cơ có thể chuyển độ bất cứ lúc nào, ngay cả khi đã được khám, có chẩn đoán theo dõi bệnh tay chân miệng độ nhẹ, được kê đơn điều trị ngoại trú, cha mẹ cũng cần theo dõi sát.

Khi có bất kì dấu hiệu chuyển độ nào như: Sốt cao liên tục không đáp ứng thuốc hạ sốt, quấy khóc vô cớ, nôn nhiều, giật mình nhiều, run, yếu tay chân… hay các dấu hiệu bất thường, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế tái khám để được điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể dẫn đến các di chứng thần kinh, tim mạch vĩnh viễn, thậm chí tử vong (Công an nhân dân, trang 4).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang