Cảnh báo xu hướng bệnh nhân ung thư “trẻ hóa”
Một nghiên cứu do Đại học Edinburgh (Scotland) và Trường y Đại học Chiết Giang (Trung Quốc) thực hiện, công bố trên Tạp chí BMJ Oncology ngày 7-9 cho thấy, số ca ung thư ở người dưới 50 tuổi trên toàn cầu tăng gần 80% trong ba thập kỷ qua.
Việt Nam cũng là một trong những nước có tỷ lệ mắc ung thư cao trên thế giới và đang có xu hướng “trẻ hóa” người mắc loại bệnh đặc biệt nguy hiểm này.
Mới ngoài 20 tuổi đã mắc ung thư
Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay, căn bệnh ung thư đang trở thành gánh nặng lớn của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 183.000 ca mắc mới và khoảng 122.000 ca tử vong do bệnh ung thư, trong đó chủ yếu là ung thư gan, phổi, vú. Thông thường, tuổi tác vẫn là yếu tố dự báo nguy cơ ung thư lớn nhất. Có khoảng 90% các loại ung thư ảnh hưởng đến những người trên 50 tuổi và một nửa ảnh hưởng đến những người trên 75 tuổi. Thế nhưng, hiện nay, bệnh nhân ung thư đang ngày càng “trẻ hóa”.
Trong tất cả loại ung thư thường gặp ở nước ta, ung thư gan hiện đứng đầu về cả tỷ lệ mắc và tử vong. Theo Globocan - Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế, trung bình tại Việt Nam mỗi năm ghi nhận gần 26.500 ca ung thư gan, chiếm 14,5% tổng số ca ung thư. Riêng tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận điều trị cho nhiều trường hợp mắc ung thư gan khi tuổi đời còn rất trẻ. Như trường hợp của anh Đ.T.H (31 tuổi, ở Hưng Yên) không có dấu hiệu gì bất thường, nhưng khi đi khám sức khỏe tổng quát để đi làm việc ở nước ngoài, kết quả khiến anh H bất ngờ và rất sốc vì phát hiện có khối u trong gan. Sau khi sinh thiết tế bào, bác sĩ chẩn đoán, nam bệnh nhân đã mắc ung thư gan nguyên phát.
Sau ung thư gan, tại Việt Nam, ung thư phổi đứng hàng thứ hai về tỷ lệ mắc mới với hơn 26.000 ca, cũng như tỷ lệ tử vong gần 24.000 ca hằng năm, ở cả 2 giới. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, thời gian gần đây, qua thực tế điều trị, các bác sĩ nhận thấy, tỷ lệ trẻ hóa trong ung thư phổi nhiều hơn. Điều đáng nói, tình trạng nữ giới mắc ung thư phổi cũng có dấu hiệu tăng lên, trong khi với bệnh này lâu nay thường gặp ở nam giới. Nếu như trước đây, các bác sĩ chỉ gặp bệnh nhân ung thư phổi trên 50 tuổi là nam giới, thì nay, đã có bệnh nhân dưới 40 tuổi là nữ giới.
Đơn cử như trường hợp nữ nhân viên văn phòng P.L.N (25 tuổi, ở Hà Nội). Trước khi đến viện 2 ngày, N xuất hiện cơn co giật toàn thân khoảng 3 phút, sau đó tê yếu nửa người trái. Tại Bệnh viện Bạch Mai, nữ bệnh nhân được làm các xét nghiệm, chụp cộng hưởng từ sọ não và kết quả phát hiện mắc ung thư phổi trái di căn não.
Ngoài ung thư gan, phổi, các bệnh viện còn tiếp nhận nhiều trường hợp ung thư vú ở tuổi thanh niên - căn bệnh trước đây thường gặp ở tuổi từ 40 trở lên. Bệnh viện K đã và đang điều trị cho không ít bệnh nhân bị ung thư vú khi chưa lập gia đình hay có những nữ sinh vừa bước chân vào cổng trường đại học. Đơn cử như trường hợp của bệnh nhân N.A.T (22 tuổi, ở Nam Định), sau khi đi thăm khám và làm các xét nghiệm, chụp chiếu cận lâm sàng, bác sĩ đã kết luận, T bị ung thư vú phải. Đáng tiếc, do phát hiện muộn, khối u đã di căn đến gan…
Cần duy trì lối sống lành mạnh
Đề cập đến nguyên nhân khiến cho bệnh nhân ung thư ngày càng “trẻ hóa”, bác sĩ Hà Hải Nam, Phó Trưởng khoa Ngoại bụng I (Bệnh viện K) cho rằng, mức độ quan tâm đến sức khỏe của người dân cũng tăng lên cùng với công nghệ sàng lọc hiện đại hơn đã giúp phát hiện nhiều trường hợp mắc ung thư khi tuổi đời còn rất trẻ. Mặt khác, ngày nay, người trẻ cũng tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư sớm hơn.
“Có 3 tác nhân gây ung thư chính, bao gồm: Tác nhân vật lý (tia bức xạ, ánh nắng mặt trời…); tác nhân hóa học (hóa chất sử dụng trong công nghiệp, phẩm nhuộm…); tác nhân sinh học (vi khuẩn HP, viêm gan B…) có trong bia rượu, đồ ăn uống. Việc người trẻ uống rượu bia, hút thuốc lá sớm, nghiện đồ ăn nhanh nhiều dầu mỡ, ít vận động, thức khuya… sẽ thúc đẩy tế bào bất thường (ung thư) phát triển sớm hơn so với tuổi”, bác sĩ Hà Hải Nam phân tích.
Theo thông tin từ Bệnh viện K, hút thuốc lá là nguyên nhân dẫn tới khoảng 21% tổng số ca tử vong do ung thư trên toàn thế giới, trong đó có 90% là ung thư phổi, 75% ung thư miệng, thực quản, hạ họng thanh quản, 5% ung thư bàng quang và nhiều loại ung thư khác. Ngoài ra, lối sống ít vận động cũng là nguyên nhân dẫn tới khoảng 5% các trường hợp tử vong do ung thư. Đặc biệt, những người béo phì có nguy cơ mắc các loại ung thư cao hơn người bình thường. Béo phì cũng là nguyên nhân dẫn tới khoảng 20% các loại ung thư như: Ung thư thực quản, dạ dày, đại trực tràng, gan, buồng trứng, tụy, ung thư vú sau mãn kinh….
“Để phòng ngừa bệnh ung thư, mọi người cần hình thành thói quen sống lành mạnh, lựa chọn sử dụng thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc… Cùng với đó, mỗi người cần tăng cường hoạt động thể dục thể thao để giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư. Đặc biệt, người dân cần có ý thức kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Cẩm Phương khuyến cáo.
Bên cạnh việc giảm thiểu tất cả các yếu tố nguy cơ, các chuyên gia ung bướu cũng lưu ý, người trẻ tuổi ở trong gia đình có người mắc ung thư càng phải cẩn trọng, tầm soát bệnh định kỳ. Bởi đây là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc ung thư cao hơn so với người khác (Hà Nội mới, trang 5).
Nghiên cứu phát triển thuốc mới phòng chống sốt xuất huyết
Đó là một trong 4 dự án quan trọng được đưa ra tại lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Viện nghiên cứu Vi sinh và Chống dịch Stanford (Mỹ), Viện nghiên cứu Tâm Anh thuộc Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh diễn ra ngày 10-9 tại Hà Nội.
Thỏa thuận hợp tác này được xây dựng trên khuôn khổ hợp tác khoa học và đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam và Hoa Kỳ mà hai Chính phủ đặt ra trong chuyến thăm Việt Nam chính thức của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Theo đó, Viện nghiên cứu Vi sinh và Chống dịch Stanford và Viện nghiên cứu Tâm Anh sẽ đẩy mạnh hợp tác đào tạo, nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học; nghiên cứu phát triển các loại thuốc phòng và trị bệnh; ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và xây dựng hệ thống phòng lab hiện đại cho hoạt động thử nghiệm lâm sàng thuốc tại Viện nghiên cứu Tâm Anh theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt từ Stanford (Hà Nội mới, trang 5).
Vì sao không nên truyền dịch tại nhà khi bị sốt xuất huyết?
Thuê dịch vụ truyền dịch tại nhà là tình huống gây nguy hiểm cho sức khỏe, đặc biệt với người bệnh sốt xuất huyết.Tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư (Hà Nội), các bác sĩ ghi nhận số ca nhập viện do sốt xuất huyết (SXH) tăng trong các tuần gần đây, trong đó có các trường hợp tự điều trị tại nhà không đỡ, bệnh nặng mới đến BV. Đáng lưu ý, nhiều bệnh nhân (BN) tự điều trị bằng cách đến các cơ sở y tế tư nhân truyền dịch, thậm chí thuê người đến truyền dịch tại nhà.
Nhập viện điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, một nữ BN ở Q.Cầu Giấy cho hay bị sốt, đau đầu dữ dội nên tự uống thuốc và thuê "bác sĩ" đến truyền nước tại nhà. Tuy nhiên, do tình trạng không đỡ, BN mệt nhiều hơn nên được đưa đến BV. Tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, qua kết quả xét nghiệm, BN được bác sĩ cho biết mắc SXH.
Một số trường hợp khác do trì hoãn đến BV, khiến người bệnh nhập viện trong tình huống rất nặng như: tiểu cầu giảm thấp, máu cô đặc, người mệt không đi lại được…
TS-BS Trần Văn Giang, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, lưu ý: "Trước hết, truyền dịch hay như nhiều người dân vẫn quen gọi là truyền nước, không thể cải thiện ngay tình trạng bệnh mà có thể làm nặng thêm. Ví dụ, SXH trong những ngày đầu gây sốt rất cao, có thể kèm theo mất nước, mất điện giải. Nếu không truyền đúng loại dịch phù hợp thì làm cho tình trạng rối loạn điện giải nặng hơn".
Qua thực tế điều trị, PGS-TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới - BV Bạch Mai (Hà Nội), cho hay người mắc SXH, người sốt cao thường nghĩ truyền dịch, bù dịch sẽ tốt, nhưng đó là sai lầm. Tuyệt đối không tự ý truyền dịch tại nhà khi bị SXH vì có thể dẫn đến phù nề, suy hô hấp và nguy hiểm đến tính mạng.
Lưu ý khi trẻ bị sốt xuất huyết
Với trẻ nhỏ mắc SXH, TS-BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới - BV Nhi T.Ư (Hà Nội), lưu ý trẻ em mắc SXH thường có biểu hiện khác nhau. Bệnh khởi phát khá đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn phục hồi. Trong đó, sau giai đoạn sốt, trẻ tiến vào giai đoạn nguy hiểm thường rơi vào khoảng ngày thứ 3 - 7 sau khi mắc bệnh. Biểu hiện SXH ở trẻ giai đoạn này có thể còn sốt hoặc đã thuyên giảm, trẻ bị thoát huyết tương.
Tình trạng thoát huyết tương nặng sẽ dẫn đến sốc, với các biểu hiện dễ nhận thấy như: vật vã, bứt rứt, lờ đờ, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, tiểu ít, tụt huyết áp hoặc không thể đo được huyết áp. Trẻ cũng có thể bị xuất huyết dưới da hoặc xuất hiện các mảng bầm tím, các nốt xuất huyết nằm rải rác hoặc tập trung ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạn sườn; xuất huyết ở niêm mạc như chảy máu mũi, chảy máu chân răng, tiểu ra máu…
Theo hướng dẫn của Trung tâm bệnh nhiệt đới - BV Nhi T.Ư, tất cả trẻ bị sốt cao từ ngày thứ hai trở đi và ở trong khu vực có người bị SXH nên được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, điều trị.
Khi trẻ sốt từ 38,5 độ C, cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol, nhưng cần sử dụng đúng liều lượng, với liều 10 - 15 mg/kg cân nặng, nhắc lại sau 4 - 6 giờ/lần nếu trẻ có sốt lại. Kết hợp chườm ấm để tránh biến chứng sốt cao gây co giật.
Không dùng nhóm thuốc hạ sốt ibuprofen hoặc aspirin để hạ sốt cho trẻ vì thuốc này khiến tình trạng chảy máu trầm trọng lên, có thể gây xuất huyết dạ dày, nguy hiểm đến tính mạng.
Không tự ý ra hiệu thuốc mua kháng sinh cho con dùng vì bệnh này do vi rút Dengue gây ra, dùng kháng sinh không những không hiệu quả với vi rút mà còn làm nặng thêm tình trạng gan, thận.
Cho trẻ uống nhiều nước: nước oresol (pha theo đúng liều lượng hướng dẫn), nước lọc, nước cam, nước dừa… Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu, ăn thức ăn giàu vitamin, rau, nước quả ép.
Không cho trẻ uống các loại nước có ga, nước có màu đỏ hoặc màu nâu. Tránh thức ăn cay, thức ăn có màu đỏ hoặc màu nâu, thức ăn quá nóng hay quá lạnh.
Tuyệt đối không đưa trẻ đi truyền dịch ở những cơ sở y tế không đảm bảo, các phòng khám tư nhân không đủ điều kiện làm thủ thuật (Thanh niên, trang 15).
Điều trị thành công bệnh thần kinh nhờ kĩ thuật đỉnh cao
Ngày 8/9, lần đầu tiên tại Việt Nam áp dụng thành công kĩ thuật tiên tiến thế giới để phẫu thuật cho 2 bệnh nhân bị bệnh thần kinh rất phức tạp. Từ đây mở ra cơ hội có cuộc sống bình thường với trẻ bị bệnh thần kinh nặng.
Ca phẫu thuật động kinh cho bé N.N.M do các bác sĩ Trung tâm Thần kinh (Bệnh viện Nhi Trung ương) thực hiện, dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia Bệnh viện Trẻ em Alabama (Mỹ) đã thành công nhờ áp dụng phương pháp mới của thế giới: đặt điện cực sâu bề mặt vỏ não, xác định chính xác ổ động kinh. Bệnh nhi N.N.M (nữ, 6 tuổi) bắt đầu có những cơn động kinh từ khi 21 tháng, lúc đó bố mẹ chỉ nghĩ con bị sốt co giật, điều trị nhiều lần ở các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh nhưng không tìm được sóng động kinh.
Khi lên 3 tuổi, N.N.M được thăm khám lại và xác định là mắc động kinh kháng trị với hàng trăm cơn động kinh mỗi ngày. Tại Trung tâm Thần kinh (Bệnh viện Nhi Trung ương), các bác sĩ nhận định trẻ có vùng động kinh trên phim cộng hưởng từ rất phức tạp, gần với các vùng vận động và dây trung tâm.
“Vì vậy, để ca mổ được thực hiện chính xác và hiệu quả nhất, dưới sự hỗ trợ của 7 chuyên gia đến từ Bệnh viện Trẻ em Alabama, chúng tôi đã phẫu thuật đặt điện cực sâu bề mặt vỏ não, lập bản đồ vùng sinh động kinh, theo dõi trong vòng 24 - 48 giờ liên tục, nhằm ghi hình tất cả những vùng động kinh, từ đó lựa chọn vị trí và phương pháp phẫu thuật thích hợp. Đây là kĩ thuật tiên tiến trên thế giới, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam”, bác sĩ Lê Nam Thắng, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, Phó Giám đốc Trung tâm Thần kinh, cho biết.
Kết quả điện não đồ đã tìm ra chính xác các ổ động kinh. Ngay lập tức, các bác sĩ khoa Nội Thần kinh, khoa Ngoại Thần kinh và Chẩn đoán hình ảnh đã hội chẩn cùng các chuyên gia Mỹ, quyết định phẫu thuật cho N.N.M vào ngày 7/9.
Trải qua hơn 4 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã loại bỏ hoàn toàn vùng tổn thương gây ra cơn động kinh cho bé N.N.M. Hiện tại, bệnh nhi gần như tỉnh táo, không có cơn giật và hoàn toàn không liệt, không bị ảnh hưởng chức năng vận động.
Trường hợp thứ 2 được phẫu thuật thành công là bé H.T (nam, 5 tuổi) cũng rất phức tạp, trẻ bị xơ hóa củ ở cả 2 bán cầu não vùng trán bên trái và thái dương, có rất nhiều ổ xơ hóa nên điện não đồ thông thường không xác định được đâu là nguyên nhân chính gây ra động kinh. Những vùng gây động kinh này lại rất gần các vùng chức năng.
Vì thế, các bác sĩ Trung tâm Thần kinh cùng ekip chuyên gia Mỹ tiến hành 2 bước: mở sọ xác định ổ gây động kinh trước bằng cộng hưởng từ, sau đó đặt điện cực, bao gồm điện cực bề mặt và điện cực sâu dưới sự hướng dẫn của hệ thống định vị.
Sau 48 giờ theo dõi, các bác sĩ thực hiện phẫu thuật cắt ổ động kinh cho trẻ mà không gây ảnh hưởng đến chức năng và vận động. “Với việc phẫu thuật đạt được thành công tuyệt đối như vậy, bệnh nhi sẽ không phải dùng thuốc chống động kinh sau mổ, hoàn toàn có thể trở lại cuộc sống bình thường”, bác sĩ Thắng nói.
Chia sẻ về việc sang Việt Nam chuyển giao kĩ thuật cho các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, GS Brandon Rocque, Bệnh viện Trẻ em Alabama, cho biết: “Kĩ thuật đặt điện cực bề mặt não đã thực hiện ở Mỹ và châu Âu 5 năm nay.
Các bác sĩ nội khoa, phẫu thuật viên của Bệnh viện Nhi Trung ương là cơ sở y tế đầu tiên của Đông Nam Á nhận chuyển giao kĩ thuật, họ tiếp thu rất tốt trong phẫu thuật và chăm sóc bệnh nhi. Chúng tôi hi vọng rằng các ca phẫu thuật đều sẽ đạt kết quả tốt”.
Kĩ thuật tiên tiến đặt điện cực sâu bề mặt vỏ não lập bản đồ vùng sinh động kinh lần này có tính chính xác rất cao, thực sự là một bước tiến mới đối với y học Việt Nam.
Để đưa kĩ thuật này về Việt Nam, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã có gần 2 năm chuẩn bị. Bác sĩ Thắng cùng một số bác sĩ hồi sức đã học tập và nhận chuyển giao kĩ thuật này tại Mỹ. Cuối tháng 9, sẽ có thêm 3 bác sĩ của bệnh viện tiếp tục đi học tập 3 tháng tại Bệnh viện Trẻ em Alabama (Tiền phong, trang 6).