Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế: Nghị quyết 30 thể hiện sự thống nhất cao của cả hệ thống chính trị trong phòng chống dịch bệnh
Chiều 10/10, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 16, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, UBTVQH cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 Kỳ họp thứ Nhất - Quốc hội khóa XV.
Kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ tốt nhất cho tính mạng, sức khỏe nhân dân
Trình bày Báo cáo việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Kỳ họp thứ Nhất - Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam từ đầu năm 2020, đến nay đã trải qua 4 đợt bùng phát dịch. Đợt dịch lần thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4/2021, với đa nguồn lây, đa chủng, đa ổ bệnh và đã xâm nhập sâu trong cộng đồng làm số ca mắc tăng nhanh trong thời gian ngắn. Số ca mắc và tử vong tăng cao, chiếm hơn 99% tổng số của 3 đợt dịch trước đó.
Báo cáo nêu rõ, thực tiễn dịch bệnh trong giai đoạn này là chưa có tiền lệ. Các quy định pháp luật, các cơ chế chính sách hiện hành trong thời kỳ này chưa bao phủ, chưa lường hết các diễn biến của dịch bệnh…
Hầu hết các trang thiết bị y tế, thuốc, sinh phẩm chẩn đoán, vaccine… đều phải nhập khẩu do chưa sản xuất trong nước được… Hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, đặc biệt tại tuyến cơ sở còn hạn chế. Điều này dẫn đến rất nhiều khó khăn, vướng mắc, làm hạn chế hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống dịch.
Triển khai chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính Trị, Ban Bí thư, của đồng chí Tổng Bí thư, Lãnh đạo Quốc hội và Nhà nước, Chính Phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của pháp luật, trong đó lần đầu tiên áp dụng các biện pháp chưa từng có trong tiền lệ, các biện pháp như trong tình trạng khẩn cấp nhằm kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ tốt nhất cho tính mạng, sức khỏe nhân dân.
"Trong bối cảnh đó, để ứng phó kịp thời linh hoạt, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, sớm ổn định và kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái "bình thường mới", triển khai chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30", Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Việc ban hành Nghị quyết số 30 thể hiện sự phối hợp chặt chẽ, sự đoàn kết, thống nhất cao của các cơ quan nhà nước và cả hệ thống Chính trị, được Quốc hội, cử tri và đồng bào cả nước tích cực ủng hộ và thực hiện; tạo cơ sở pháp lý kịp thời cho việc quyết định, áp dụng các biện pháp phù hợp, hiệu quả phòng, chống dịch và tiếp tục bảo đảm thực hiện tốt các yêu cầu về an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Về một số tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, công tác chỉ đạo điều hành có lúc, có nơi còn lúng túng, chưa thống nhất, bị động, có lúc nóng vội, chưa kịp thời điều chỉnh khi tình hình thay đổi. Công tác dự báo có lúc chưa sát thực tiễn. Việc triển khai chiến dịch tiêm chủng một số nơi chưa bảo đảm đầy đủ các chỉ tiêu do Chính phủ yêu cầu. Tại một số nơi, một số thời điểm, người dân tại nhà khó tiếp cận thuốc điều trị COVID-19. Một số địa phương chưa chủ động, kịp thời thực hiện đấu thầu mua sắm thuốc. Một số văn bản chỉ đạo, điều hành chưa sát thực tiễn.
Phân tích nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế này, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, có lúc, có nơi sự phối hợp chỉ đạo giữa các cơ quan còn chưa chặt chẽ, kịp thời, còn thiếu nhất quán; công tác quản lý nhà nước, cơ chế, chính sách và việc quản lý giá, kiểm soát, giám sát, hướng dẫn mua sắm vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm xét nghiệm, vaccine còn bất cập.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, thời gian tới, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, cơ chế, chính sách phòng COVID-19; tiếp tục đẩy nhanh Chiến dịch tiêm chủng vaccine; đẩy mạnh thực hiện chính sách an sinh xã hội, quan tâm chăm sóc sức khỏe người dân, giải quyết hiệu quả các vấn đề hậu COVID-19.
Quan tâm gỡ khó về đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế
Chủ nhiệm Ủy ban xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết Kỳ họp thứ Nhất - Quốc hội khóa XV số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết: "Ủy ban Xã hội đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19, các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong suốt gần 3 năm qua, đặc biệt kể từ khi ban hành Nghị quyết 30".
Nghị quyết đã bám sát tình hình dịch bệnh trong nước cũng như trên thế giới, tích cực, quyết liệt, chủ động, sáng tạo, linh hoạt thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, ban hành hoặc hướng dẫn thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng, tác động do đại dịch COVID-19, áp dụng các cơ chế đặc biệt, đặc cách, đặc thù đáp ứng điều kiện, nhu cầu thực tế để phòng chống dịch…
Đến nay, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát tốt trên phạm vi toàn quốc, đời sống của nhân dân dần trở lại bình thường, các hoạt động kinh tế - xã hội đang từng bước phục hồi mạnh mẽ và đạt được những kết quả quan trọng, khẳng định tính kịp thời, đúng đắn, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các quyết sách của Quốc hội, việc ban hành chính sách của Chính phủ đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Ủy ban Xã hội thấy rằng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nỗ lực cao độ trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 30 với tinh thần khẩn trương, kịp thời và đánh giá việc thực hiện nội dung được quyết nghị tại mục 3.8 của Nghị quyết 30 và điểm g mục 2.1 của Nghị quyết số 63/2022/QH15 Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV.
Ủy ban Xã hội cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ về những kết quả đã đạt được, khó khăn, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm, đồng thời kiến nghị Quốc hội, UBTVQH tiếp tục quan tâm ưu tiên phân bổ ngân sách cho lĩnh vực xã hội nói chung, cho y tế nói riêng; quan tâm giải quyết khó khăn, vướng mắc về thể chế liên quan tới đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế, giá dịch vụ y tế và các nội dung khác thuộc lĩnh vực y tế trong quá trình sửa đổi và xây dựng các dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo sát sao công tác phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với tình hình chung của thế giới và bối cảnh kinh tế - xã hội trong nước; rà soát các quy định bất cập liên quan đến công tác phòng, chống dịch làm căn cứ hoàn thiện chính sách pháp luật về y tế, an sinh xã hội, nhất là khắc phục các hạn chế, vướng mắc liên quan đến mua sắm, đấu thầu, huy động, vận động nguồn lực, tiếp nhận, sử dụng, quản lý, nghiên cứu sản xuất vắc xin, thuốc, trang thiết bị y tế để không làm ảnh hưởng đến công tác khám bệnh; ưu tiên nguồn lực đầu tư cho ngành y tế, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, đảm bảo tốc độ tăng chi y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách địa phương; khẩn trương rà soát các chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19... (Sức khoẻ & đời sống, trang 3)
Chăm sóc tại nhà cho trẻ bị nhiễm trùng, nhiễm độc thực phẩm
Nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây theo đường tiêu hoá. Bệnh thường khởi phát đột ngột sau khi ăn phải thức ăn đã bị ô nhiễm bởi vi sinh vật gây bệnh hoặc độc tố của chúng.
Thức ăn bị nhiễm vi khuẩn hay độc tố trong đồ ăn là nguyên nhân chính gây bệnh, gây hại cho trẻ. Có nhiều loại vi khuẩn gây nên tình trạng này như độc tố có tụ cầu vàng, E. Coli, phẩy khuẩn tả, Salmonela, Rotavirus… Thời tiết chuyển mùa, hệ miễn dịch của trẻ còn non nớt, chưa phát triển hoàn thiện nên dễ mắc bệnh qua đường tiêu hoá.
Vì vậy, các bậc cha mẹ nên biết các dấu hiệu, biểu hiện, cũng như cách chăm sóc ăn uống đúng cách và các biện pháp phòng tránh nhiễm trùng, nhiễm độc cho trẻ.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị nhiễm trùng, nhiễm độc thực phẩm
Trên thực tế, nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn chủ yếu lây truyền qua đường ăn uống bởi thực phẩm và nước nhiễm bẩn. Nguy cơ thường gặp ở trẻ có cơ địa nhỏ bé, trẻ suy dinh dưỡng, trẻ mắc bệnh nền suy giảm miễn dịch.
Ngoài ra, do mưa lũ ăn uống thiếu vệ sinh, trong đó hay gặp nhất là ăn thức ăn chưa được nấu chín, hâm lại nhiều lần, điều kiện vệ sinh kém.
Bởi vậy, khi bị ngộ độc thức ăn trẻ thường có một số dấu hiệu như:
- Trẻ buồn nôn: Sau khi ăn thức ăn nhiễm khuẩn, nhiễm độc trẻ có thể buồn nôn, nôn ngay sau vài phút, vài giờ hoặc lâu hơn.
- Trẻ bị đau bụng, đại tiện nhiều lần: Trẻ đại tiện nhiều lần dạng lỏng nước, có thể có lẫn máu.
- Trẻ sốt: Một số trường hợp trẻ ngộ độc có thể có sốt cao, nhiệt độ trên 38 độ C. Các triệu chứng thường xuất hiện sau khi ăn thức ăn bị nhiễm độc từ 1 giờ tới 3 ngày. Trẻ có thể nôn liên tục hoặc vài lần trong ngày. Bên cạnh đó, còn đau bụng dữ dội, đau quặn từng cơn, sau đó đi ngoài tiêu chảy. Triệu chứng đau quặn xảy ra trước lúc đi ngoài. Tùy vào tác nhân gây ngộ độc mà dấu hiệu nôn trớ nổi bật hay đi ngoài nhiều hơn.
Trẻ bị nôn nhiều và đau bụng nếu nguyên nhân do độc tố gây nên. Nếu nguyên nhân do vi khuẩn, triệu chứng tiêu chảy đi ngoài sẽ nổi bật hơn. Tình trạng này sẽ khiến trẻ bị rối loạn mất nước và điện giải. Khi bị sốt và đi ngoài phân nhày máu là dấu hiệu nhiễm khuẩn, gây nên tổn thương ruột.
Cha mẹ cần làm gì khi trẻ bị nhiễm trùng, nhiễm độc thực phẩm?
Khi thấy trẻ có biểu hiện sốt, tiêu lỏng nhiều lần, cha mẹ thường lo lắng và mua thuốc cho con uống ngay, nhiều người còn cho trẻ uống kháng sinh, điều này là vô cùng sai lầm. Các nhà nghiên cứu cho rằng, việc điều trị kháng sinh ở thể này là không cần thiết, vì không làm rút ngắn thời gian bị bệnh mà còn làm tăng thời gian mang trùng ở thời kỳ lại sức. Việc xử lý chủ yếu là bù nước và điện giải là vấn đề quan trọng nhất, đặc biệt nếu tiêu chảy cấp xảy ra ở trẻ. Vì trẻ em thể trọng cơ thể nhỏ, khi tiêu chảy bị mất nước và điện giải sẽ nhanh chóng gây giảm khối lượng tuần hoàn và rối loạn nước điện giải, đi vào trụy mạch.
Xử trí tại nhà, cần bù nước bằng dung dịch Oresol theo đúng hướng dẫn sử dụng, không được chia nhỏ gói Oresol để pha làm nhiều lần. Nếu không có Oresol, có thể pha nước gạo rang với muối ăn. Thường bù từ 1 - 2 lít/ngày. Dung dịch bù nước đã pha nếu quá 12 giờ không uống hết phải bỏ đi. Lưu ý không được tự ý dùng thuốc làm giảm nhu động ruột.
Nếu trẻ tiêu lỏng quá nhiều và bị sốt, có thể cần dùng đến thuốc hạ sốt, an thần, chống tiêu lỏng hoặc ở những thể nặng có thể dùng kháng sinh. Tuy nhiên, liều lượng, loại thuốc cần theo chỉ định của các bác sĩ tiêu hóa. Ngoài ra, cần lưu ý khi chăm sóc tại nhà cho trẻ bị nhiễm trùng, nhiễm độc ăn uống.
Với trẻ bị ngộ độc thức ăn, nếu chăm sóc đúng cách sẽ giúp tình trạng bệnh của trẻ nhanh giảm và sức khỏe nhanh bình phục trở lại, cụ thể:
- Cha mẹ cần đặt trẻ nằm, đầu nghiêng sang một bên để tránh tình trạng hít sặc. Bù nước và chất điện giải bị mất do nôn trớ.
- Cần thay đổi chế độ ăn cho trẻ giúp trẻ phục hồi nhanh hơn. Nếu trẻ còn bú mẹ thì cho bú ít nhưng chia làm nhiều lần, mỗi lần cách nhau tầm 30 phút đến 1 giờ.
Nếu trẻ lớn hơn cho ăn cháo, uống nước bù điện giải Oresol. Tình trạng nôn trớ vẫn xảy ra thì phải tạm ngưng ăn trong 1 giờ, sau đó cho ăn lại với lượng ăn ít hơn, từng ngụm hoặc từng thìa. Khi trẻ ổn định cho ăn trở lại bình thường nếu trẻ không nôn trớ nữa. Thức ăn thường dễ tiêu hóa là cháo, cơm mềm, bánh mì, súp nghiền…
- Cần theo dõi nhiệt độ thường xuyên, dịch nôn trớ, phân và nước tiểu của trẻ. Nếu có dấu hiệu nặng như nôn nhiều, chất nôn có máu hoặc ngả xanh, không uống hoặc bỏ bú, mệt, sốt cao, phân có máu… cần đưa ngay tới cơ sở y tế gần nhất để được điều trị.
Lời khuyên thầy thuốc
Để phòng nhiễm trùng, nhiễm độc ăn uống ở trẻ, cha mẹ cần lưu ý cách chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, đặc biệt trong vấn đề ăn uống, giữ gìn vệ sinh thực phẩm.
Cần lựa chọn thức ăn đã được nấu chín, bảo quản thức ăn đã nấu cẩn thận, tốt nhất là giữ trong tủ lạnh, không để ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ, tránh vi khuẩn xâm nhập vào nhiều. Hâm kỹ lại thức ăn trước khi ăn.
Trong bảo quản thức ăn cần chú ý hạn sử dụng của thức ăn, không để lẫn thức ăn sống và thức ăn chín. Nếu chế biến thức ăn, đối với rau củ quả cần rửa sạch và ngâm nước muối. Không dùng thức ăn đông lạnh, thực phẩm ôi thiu.
Không cho trẻ ăn thức ăn hay uống những chất lạ, tránh những trường hợp ngộ độc xảy ra. Giữ vệ sinh trong ăn uống bằng cách ăn chín, uống sôi.
Ngoài ra, cha mẹ cần tạo cho trẻ thói quen rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh... để phòng bệnh. Môi trường sống của trẻ cần thông thoáng, sạch sẽ, vệ sinh đồ chơi cho trẻ. (Sức khoẻ & đời sống, trang 5)
Bệnh viện Quân y 175 đón nhận huân chương chiến công hạng nhất
Chiều 11.10, Bệnh viện quân y 175 (Bộ Quốc phòng) làm lễ đón nhận Huân chương chiến công hạng Nhất do Chủ tịch nước trao tặng vì đã có thành tích trong phòng, chống dịch Covid-19.
5 tập thể, 9 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất, Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba. 5 tập thể và 9 cá nhân được tặng thưởng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 45 tập thể và 432 cá nhân được tặng thưởng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và UBND TP.HCM; 28 tập thể và 218 cá nhân được tặng bằng, giấy khen của Giám đốc Bệnh viện quân y 175… (Thanh niên, trang 4).