Hơn 6 triệu lượt người nghèo đã được khám, cấp thuốc miễn phí
Đây là thông tin được đưa ra trong Hội nghị tổng kết chương trình “Khám, chữa bệnh nhân đạo và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng” giai đoạn 2014-2017 do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Bộ Y tế, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức ngày 11-1 tại Hà Nội.
Với chủ đề “Chung sức hành động vì sức khỏe cộng đồng”, sau 4 năm triển khai (từ ngày 1-9-2014 đến 30-11-2017) chương trình đã tổ chức hơn 13.400 đợt khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 6 triệu lượt người, với tổng trị giá trên 1.318 tỷ đồng. Trong đó, tiền thuốc hơn 525 tỷ đồng; hơn 3,1 triệu suất quà trị giá hơn 448 tỷ đồng tặng các đối tượng đặc biệt khó khăn; hỗ trợ bữa ăn tình thương cho bệnh nhân nghèo trong bệnh viện, hỗ trợ mổ tim, tặng nhà tình thương, tặng bò... cho hơn 7,7 triệu người nghèo, khó khăn với trị giá trên 225 tỷ đồng.
Chương trình đã huy động hơn 257.300 y, bác sỹ, dược sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, tình nguyện viên từ các bệnh viện thuộc Bộ Y tế và Quân đội... tham gia thực hiện các đợt khám bệnh. Chương trình cũng nhận được sự ủng hộ nguồn lực của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước.
Chương trình cũng đã đưa được những dịch vụ y tế chuyên sâu, chất lượng cao tới vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Qua các hoạt động này đã thúc đẩy, thu hút được nhiều thầy thuốc trẻ đi đến các vùng khó khăn, vùng sâu, xa để đồng cảm, chia sẻ với người bệnh, phát huy năng lực của mình và từ đó cố gắng hơn nữa trong công tác.
Tại Hội nghị, 8 đơn vị đã được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 56 tập thể và 122 cá nhân được nhận Bằng khen của Bộ Y tế; 36 tập thể được tặng Bằng khen của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; 29 tập thể được nhận Bằng khen của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam do có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác khám, chữa bệnh nhân đạo. (An ninh Thủ đô, trang 6).
Chống rét tại bệnh viện
Theo quan sát của phóng viên Báo Hànộimới tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội vào sáng 11-1, trong tiết trời giá lạnh, lượng người ra, vào thưa thớt, giảm mạnh so với bình thường. Trong phòng bệnh, người bệnh được cung cấp đầy đủ phương tiện chống rét nhưng ở bên ngoài, những người đi chăm sóc phải chịu cảnh co ro trong tiết trời rét buốt.
Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai không còn cảnh đông đúc mọi ngày. TS Đồng Văn Thành, phụ trách Khoa Khám bệnh cho biết, bệnh viện đã tăng cường gần 30 máy sưởi cho khu vực lấy máu xét nghiệm, siêu âm, điện tim… Thiết bị sưởi ấm giúp bệnh nhân không bị lạnh khi phải bỏ bớt quần áo hoặc để hở một phần cơ thể để khám bệnh. Nếu như vào thời điểm bình thường, khoa tiếp nhận khoảng 3.000-3.500 bệnh nhân/ ngày thì trong ba ngày vừa qua, mỗi ngày khoa chỉ tiếp nhận 2.500-3.000 bệnh nhân. Người đến khám chủ yếu mắc bệnh nặng hoặc bệnh mạn tính, đã có lịch hẹn.
Trái ngược với hình ảnh ấm áp trong phòng bệnh, dưới cái lạnh cắt da, người nhà bệnh nhân nằm, ngồi co ro, vạ vật dưới gốc cây, ghế đá ở sân Bệnh viện Bạch Mai. Họ mang theo chiếu, chăn ấm để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt. Bác Nguyễn Đình Minh (66 tuổi, ở huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) chia sẻ: “Ba ngày qua, tôi vào viện để chăm sóc bố đẻ đang nằm điều trị tại Khoa Ngoại. Bị bệnh đã khổ, giờ lại còn rét buốt như thế này, không chỉ bệnh nhân mà cả người nhà cũng khổ thêm. Chúng tôi phải mặc thật ấm, khi ngồi ở ghế đá phải quấn chăn để tránh rét”…
Có người đi theo để chăm sóc người thân nhưng chính họ đã phải nhập viện. Đơn cử, bà Đỗ Thị Ngọc Bảo (76 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) vào chăm sóc chồng đang điều trị tại Khoa Tim mạch can thiệp (Bệnh viện Hữu nghị) được 2 ngày thì cũng đổ bệnh, do bị nhiễm lạnh khiến huyết áp tăng đột ngột. Hiện tại, bà và chồng là ông Nguyễn Văn Nghệ (83 tuổi) cùng nằm điều trị tại một phòng bệnh.
Tại Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương), nơi có gần 30 giường bệnh luôn kín chỗ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phụ trách Khoa Cấp cứu cho biết, trong những ngày rét đậm, rét hại, khoa đã bố trí thêm trang thiết bị làm ấm cho bệnh nhân như quạt sưởi, đèn sưởi, chăn ấm... “Trong các phòng bệnh đều rất ấm. Cửa kính nứt, vỡ… đã được thay thế để tránh gió lùa. Bệnh nhân được giữ ấm, chỉ những người thăm nuôi là khổ nhất. Trong đợt rét này, số bệnh nhân liên quan đến huyết áp, tim mạch… tăng do nhiều người chủ quan”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp nói.
TS Dương Quốc Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo: Người nhà bệnh nhân cần mặc ấm để tránh bị lạnh. Khi ngồi chờ người nhà khám bệnh thì nên chọn những nơi kín gió. Khi di chuyển giữa các khu khám bệnh hay ra ngoài tòa nhà thì phải hết sức tránh sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ. Sự thay đổi nhiệt đột ngột là nguyên nhân gây nhiều bệnh, trong đó có tai biến, đột quỵ.
Theo TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, trong những đợt giá rét, ngành Y tế sẽ tăng cường kiểm tra công tác phòng chống rét cho bệnh nhân. Ngoài việc sẵn sàng đủ cơ số thuốc, giường bệnh, phương tiện cấp cứu, bảo đảm thiết bị giữ ấm cho người bệnh nội trú, các bệnh viện nên thiết lập các khu vực chờ kín gió cho người nhà bệnh nhân cũng như người bệnh đến khám ngoại trú (Hà Nội mới, trang 7).
Bệnh viện K rút ngắn thời gian trả kết quả mô bệnh học sớm từ 30-48h
Trong công tác khám chữa bệnh, Bệnh viện K đã thực hiện đồng loạt các giải pháp để cải tiến quy trình khám, chữa bệnh tại các khoa như: thực hiện tiếp đón và hướng dẫn người bệnh, cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi nhất cho người dân khi đến khám chữa bệnh tại bệnh viện.
Ngoài ra Bệnh viện luôn duy trì ổn định tổng số 35 bàn khám, trong đó có 25 bàn khám phục vụ người bệnh có bảo hiểm y tế tại 5 khoa, bộ phận khám bệnh cả 3 cơ sở; giải quyết hết những trường hợp người bệnh khám trong ngày; Bệnh viện đẩy nhanh thời gian trả các kết quả xét nghiệm, triển khai các dịch vụ cận lâm sàng theo yêu cầu như nội soi gây mê, soi đại trực tràng sớm, trả kết quả mô bệnh học sớm trong vòng 30h hoặc 48h… (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Vướng mắc về thẻ BHYT, liên hệ với BHXH qua số 1900969668 để được giải đáp
Về một số điểm mới của thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2018, ông Nguyễn Văn Hiếu- Phó Trưởng Ban Sổ thẻ của BHXH Việt Nam cho biết, thẻ BHYT mới không ghi thời hạn sử dụng (từ ngày... đến ngày....) như trước mà chỉ ghi thẻ bắt đầu có giá trị sử dụng.
Để biết giá trị sử dụng thẻ, người tham gia có thể chủ động tra cứu trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam (địa chỉ: https://baohiemxahoi.gov.vn/) theo mã số BHXH ghi trên thẻ; danh sách cấp thẻ lưu tại đơn vị quản lý đối tượng.
“Trường hợp vẫn còn vướng mắc có thể liên hệ với cơ quan BHXH qua tổng đài số 1900969668 để được giải đáp. Đến kỳ hạn đóng tiền BHYT, cơ quan BHXH sẽ có trách nhiệm thông tin kịp thời và đôn đốc đơn vị, người tham gia tiếp tục đóng BHYT đảm bảo đúng quy định”- ông Hiếu nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu trong trường hợp người có thẻ BHYT đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia, sẽ được hưởng theo đối tượng có quyền lợi BHYT cao nhất và chỉ được cấp một thẻ BHYT duy nhất theo đối tượng có thứ tự đầu tiên quy định tại Điều 12 Luật BHYT. Vì vậy, người tham gia cần chủ động thông tin và cung cấp các giấy tờ chứng minh quyền lợi BHYT cao hơn cho cơ quan BHXH.
Ông Hiếu cũng cho biết thêm, đối với các cơ sở khám chữa bệnh BHYT: Khi tra cứu thông tin về thẻ BHYT của người tham gia trên Cổng Thông tin giám định BHYT mà cơ sở dữ liệu không đầy đủ hoặc không đúng thì liên hệ với phòng/bộ phận giám định BHYT của cơ quan BHXH nơi ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT để xác minh mà không được phép yêu cầu người bệnh quay về đổi thẻ BHYT.
Hệ thống phần mềm đảm bảo việc hỗ trợ các cơ sở khám chữa bệnh tra cứu được giá trị của cả thẻ BHYT có mã số BHXH và thẻ BHYT cũ trong trường hợp người tham gia BHXH xuất trình 1 trong 2 thẻ BHYT còn giá trị để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia khi đi khám, chữa bệnh.
Liên quan đến vấn đề này, tại hội nghị gặp gỡ báo chí định kỳ tháng 1/2018 mới đây của BHXH Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn chia sẻ: Thực tế có trường hợp thẻ mới của người bệnh đã hết thời hạn sử dụng, nhưng thẻ BHYT cũ vẫn còn thời hạn sử dụng.
“Nguyên nhân là đơn vị sử dụng lao động đã báo cắt giảm thẻ BHYT cũ khi chấm dứt Hợp đồng lao động nhưng cơ quan BHXH không yêu cầu đơn vị thu hồi do dữ liệu quá trình tham gia đã được cập nhật trên Hệ thống dữ liệu quốc gia (hiện nay có khoảng 4 triệu thẻ BHYT hết hạn sử dụng trong dữ liệu điện tử do các đơn vị sử dụng lao động báo giảm). Việc cập nhật dữ liệu một số trường hợp chưa kịp thời đã được BHXH Việt Nam giải quyết ngay trong ngày đầu tiên thẻ BHYT mới có hiệu lực.
Để không xảy ra thêm các trường hợp đó, BHXH Việt Nam đã yêu cầu Trung tâm Công nghệ thông tin trong tháng 1/2018 phải luôn có một tổ “trực chiến” đảm bảo toàn bộ cơ sở dữ liệu cũ và mới đều được thống nhất, đưa lên Cổng Thông tin điện tử của Ngành, không bỏ sót quyền lợi của người tham gia.
Trường hợp người có thẻ BHYT đang điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh nhưng thẻ BHYT hết hạn sử dụng, đại diện BHXH Việt Nam cho biết, ngày 29/12/2017, BHXH Việt Nam đã ban hành công văn số 5917/BHXH-CSYT hướng dẫn riêng các trường hợp này.
Theo đó, quỹ BHYT vẫn thanh toán chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng theo chế độ quy định cho đến hết đợt điều trị ngoại trú cho người bệnh BHYT.
Đối với trường hợp điều trị nội trú, quỹ BHYT sẽ thanh toán chi phí cho đến khi ra viện cho các trường hợp thẻ hết hạn sử dụng vào cuối năm tài chính (ngày 31/12), và chưa có thẻ BHYT mới do các nguyên nhân khách quan (khâu lập danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT không kịp thời; cơ quan, đơn vị, hộ gia đình đã tham gia BHYT nhưng chưa kịp nhận thẻ BHYT).
Trường hợp cơ quan, đơn vị chưa tham gia BHYT cho người lao động trong năm tài chính mới, cơ quan BHXH sẽ thông báo để chủ sử dụng lao động biết về việc này và nêu rõ người bệnh sẽ không được quyền lợi khám chữa bệnh BHYT khi thẻ BHYT đã hết hạn sử dụng. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Rét đậm, nhiều người “cố thủ” không chịu đi khám bệnh, bác sĩ cảnh báo dễ gặp biến chứng
Với nhiệt độ ngoài trời rét đậm chỉ từ 9 đến 12 độ C, nhiều người dù mang bệnh nhưng do ngại rét không chịu đến BV mà vẫn “cố thủ” ở nhà chờ thời tiết ấm hơn mới đi khám. Các bác sĩ cảnh báo, với một số bệnh mạn tính dù đang ổn định nhưng khi gặp lạnh rất dễ biến chứng nặng lên, do đó, người dân cần hết sức cảnh giác.
Theo GS.TS Ngô Quý Châu – PGĐ Bệnh viện Bạch Mai, GĐ Trung tâm Hô hấp của BV, bệnh hô hấp là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới bệnh tật, thậm chí tử vong. Khi thời tiết lạnh, số bệnh nhân hô hấp tăng lên. Ví dụ như hôm nay trời lạnh, khoảng 3- 5 ngày sau số bệnh nhân đến khám tăng lên, nói như thế để thấy cũng cần một quá trình tác động lên cơ thể.
Khi không khí lạnh làm đường hô hấp trên, các mạch máu dưới niêm mạc co lại, đường niêm mạc không được tưới máu nhiều, khả năng bảo vệ của niêm mạc chống lại virus, vi khuẩn qua đường thở giảm dần đi, các hoạt động bảo vệ khác kém đi. Đầu tiên bệnh nhân sẽ bị nhiễm bệnh hô hấp trên như viêm mũi họng, viêm khí quản, phế quản, viêm amidan, viêm phổi, màng phổi.... Đó là những người không có bệnh lý mạn tính, dễ bị viêm đường hô hấp do virus, vi khuẩn... Với những bệnh nhân đã có bệnh phổi mạn tính như COPD, hen phế quản, thời tiết lạnh sẽ làm bệnh nặng lên, làm người bệnh tăng triệu chứng, như khó thở tăng lên, bệnh nhân phải đi khám, thậm chí cấp cứu. Khi trời lạnh, số bệnh nhân đến khám vì các bệnh hô hấp tăng lên.
Bệnh nhân COPD dễ trở nặng
Đáng lưu ý nhất là các bệnh nhân mắc bệnh phổi mạn tính (COPD), vào thời tiết lạnh bệnh nhân rất dễ gặp phải các đợt cấp. Tại BV Bạch Mai, theo GS.TS Ngô Quý Châu, số bệnh nhân mắc COPD phải nhập viện và điều trị tại Trung tâm Hô hấp vì đợt cấp đứng hàng đầu trong các bệnh lý về phổi. Các bệnh nhân mắc COPD điều trị tại Trung tâm Hô hấp phần lớn là các ca bệnh nặng, phải nằm điều trị lâu dài.
Trong lúc giao mùa, bệnh nhân mắc COPD thường rơi vào tình trạng nặng vì khả năng nhiễm virus, vi khuẩn từ đường hô hấp trên, đường hô hấp dưới làm cho tình trạng co thắt phế quản, tăng tiết dịch nhầy trong đường hô hấp nhiều lên, làm cho rối loạn thông khí trầm trọng hơn và bệnh nhân khó thở nhiều hơn, nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng.
“Các bệnh nhân mắc COPD hoàn toàn có thể điều trị được tại nhà, tuy nhiên các bệnh nhân này cần chú ý tuân thủ việc sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của y bác sĩ và tuân thủ lịch tái khám. Những bệnh nhân có đợt cấp không đáp ứng với việc điều trị tại nhà, hoặc có biểu hiện suy hô hấp nặng, cần phải đến cơ sở y tế để khám cấp cứu ngay”- GS. Châu khuyến cáo.
Để không chế những đợt cấp cho bệnh nhân COPD, GS. Châu cho biết, cách điều trị chung là điều trị triệt để căn nguyên gây đợt cấp, tối ưu hoá thuốc giãn phế quản, dùng corticoid đường phun hít.
Cùng với đó, việc phòng ngừa đợt cấp đóng vai trò rất quan trọng bằng cách: Giữ ấm cơ thể. Tránh khói bụi, thời tiết lạnh ẩm. Tiêm vắc xin phòng cúm và phế cầu. Cần tránh các yếu tố nguy cơ mắc bệnh như: thuốc lá, thuốc lào và các chế phẩm từ thuốc lá (Siga, shisha…), khói bụi, hóa chất nghề nghiệp. Điều trị tốt giai đoạn ổn định sẽ giúp phòng ngừa cơn cấp.
Cẩn trọng với bệnh tăng huyết áp không triệu chứng
Tại BV Bạch Mai tuy chưa có thống kê cụ thể, nhưng theo các bác sĩ, khoảng 3-4 ngày sau 1 đợt lạnh số người đến khám tăng lên, đặc biệt những lúc trời lạnh sâu, và kéo dài, tỷ lệ bệnh nhân tăng lên đột biến sau 1 tuần. Các đối tượng bị ảnh hưởng nặng nhất là trẻ em, người lớn tuổi và người có bệnh phổi mạn tính. Viêm phổi trẻ em vẫn là nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.
TS. Đồng Văn Thành - Phó trưởng khoa, phụ trách Khoa khám bệnh, BV Bạch Mai cho biết, trong những ngày rét đậm vừa qua, bệnh nhân đến khám giảm đi rất nhiều. Chủ yếu bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính, đến lịch khám, hết thuốc phải đến viện, còn đại đa số người dân “cố thủ”, hoặc chỉ khi nào biểu hiện nặng mới đến viện.
Trong những ngày bình thường thời tiết ấm, khoa khám bệnh tiếp nhận khoảng 3.000 lượt bệnh nhân. Riêng ngày đầu tiên của đợt rét, do có hiện tượng đi khám “chạy rét” nên tăng vọt lên 3.600 ca, ngày hôm qua và hết ngày 10/1, số bệnh nhân đến khám chỉ trên dưới 2.500 ca, chủ yếu là các bệnh cơ xương khớp; COPD dù đang ổn định nhưng gặp lạnh dễ diễn biến nặng lên, bệnh hen phế quản, tăng huyết áp ở người nhà.
“Thời tiết lạnh, không giữ đủ ấm cơ thể, xảy ra hiện tượng co mạch sẽ làm huyết áp tăng vọt lên dù đang uống thuốc. Điều này đặc biệt nguy hiểm ở những người không kiểm soát được huyết áp do chưa điều trị, có thể dẫn đến tai biến ngay tức khắc. Đáng nói, nhiều trường hợp cao huyết áp lại không biểu hiện triệu chứng, vì thế người bệnh chỉ tình cờ được phát hiện khi đi khám sức khỏe, hoặc có tai biến đến BV mới được phát hiện cao huyết áp”- TS. Thành khuyến cáo.
Theo TS. Vũ Văn Giáp, để phòng ngừa đối với bệnh hô hấp tránh tái phát – đặc biệt các nhóm chính cần lưu ý là: bệnh hen, COPD, giãn phế quản... cần năng cao khả năng miễn dịch của cơ thể thông qua dùng các loại vaccine để phòng bệnh chủ động, đặc biệt hai tác nhân chính gây nên các bệnh hô hấp đó là virus, cúm, cúm mùa, cúm theo dịch cần tiêm phòng.
Thứ hai căn nguyên phế cầu, hiện chúng ta có hai vaccine chính phổ biến để phòng 2 tác nhân chính này. Với trẻ thì có vaccine BCG có thể tiêm cho trẻ em. Đối với việc phòng bệnh không đặc hiệu khác bằng cách nâng cao thể trạng người bệnh, cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý để có đề kháng. Phòng ngừa có liên quan đến môi trường sống của người bệnh, chúng ta giữ cho môi trường sống khô ráo không ẩm thấp, tránh khói bụi trong và ngoài nhà. Các chỉ số về không khí có ô nhiễm, trong thời điểm có chỉ số ô nhiễm cao như vậy người mắc bệnh hô hấp mạn tính hạn chế đi ra khỏi nhà, trong gia đình sử dụng cụ đun nấu không phát sinh khói, giảm ô nhiễm môi trường trong nhà. Đó là các cách phòng ngừa chung mà đặc hiệu và không đặc hiệu.
Tuân thủ điều trị theo các giai đoạn bệnh và tái khám định kỳ để có hướng dẫn điều trị cụ thể chứ không tự ý sử dụng đơn cũ đã được bác sĩ kê và không tự ý mua kháng sinh về điều trị dẫn đến kháng thuốc trong cộng đồng như hiện nay là vấn đề hết sức nghiêm trọng. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Phẫu thuật động kinh kết hợp đặt điện cực bề mặt vỏ não thành công
Một tuần sau ca mổ kéo dài 5 tiếng của các bác sĩ Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương và các chuyên gia thần kinh của Mỹ, đến ngày 11-1, cháu Nguyễn K.H (11 tuổi, Hà Nội) đang có dấu hiệu phục hồi tốt. Điều này đồng nghĩa với việc kết thúc 9 năm sống thấp thỏm với những cơn co giật của bé.
Đây là kết quả của ca phẫu thuật động kinh kết hợp đặt điện cực bề mặt vỏ não lần đầu tiên tại BV Nhi Trung ương.
Khi sinh ra, cháu H. hoàn toàn khỏe mạnh. Tuy nhiên, đến 9 tháng tuổi thì cháu bị sốt, có cơn co giật và phải điều trị tại BV. Khi ấy gia đình chỉ nghĩ bé co giật là do sốt. Thời gian sau, cháu bị co giật cả chân tay với tần suất tăng dần dù cháu không sốt.
Lúc này gia đình mới nghĩ đến khả năng con mắc bệnh lý về thần kinh nên đưa đến BV. Các bác sĩ của BV Nhi Trung ương chẩn đoán cháu mắc động kinh và bé H. được điều trị theo phác đồ của BV.
Suốt 9 năm qua, các bác sĩ đã thay đổi rất nhiều loại thuốc chống động kinh cho cháu nhưng bệnh không giảm. Cuối cùng, sau khi làm lại các xét nghiệm, hội chẩn nhiều lần, các bác sĩ Khoa Thần Kinh của BV Nhi Trung ương đã kết luận cháu mắc chứng động kinh kháng thuốc và phải phẫu thuật.
Đây là một ca bệnh khó với nhiều nguy cơ nên BV đã mời các chuyên gia thần kinh đến từ Alabama (Hoa Kỳ) hỗ trợ để phẫu thuật cho cháu. Các bác sĩ xác định được nguyên nhân sinh động kinh là do loạn sản vỏ não.
TS. Cao Vũ Hùng-Trưởng Khoa Thần kinh (BV Nhi Trung ương) cho biết, khó khăn nhất của phẫu thuật động kinh là phải định được vùng sinh động kinh, mới tiến hành phẫu thuật cắt được.
Ths. Lê Nam Thắng -Phó trưởng Khoa Thần Kinh, là Trưởng kíp phẫu thuật cháu H. cho biết: Ca phẫu thuật này có thuận lợi là chúng tôi được các chuyên gia Mỹ hỗ trợ chuyển giao công nghệ.
Trên cơ sở đó chúng tôi áp dụng kỹ thuật phẫu thuật kết hợp đặt điện cực bề mặt vỏ não trong quá trình phẫu thuật. Điều này cho phép các bác sĩ xác định một cách chính xác, chi tiết hơn vị trí của vùng sinh động kinh, tránh phẫu thuật diện tích mô não lớn nhằm tiết kiệm cho bệnh nhi những vùng não thực sự còn lành lặn.
“Phẫu thuật động kinh kết hợp đặt điện cực bề mặt vỏ não là một kỹ thuật rất phức tạp. Thành công của ca phẫu thuật đòi hỏi sự phối hợp chuẩn xác của cả ekip. Quá trình bóc tách và đặt điện cực trên bề mặt não đòi hỏi phẫu thuật viên có kinh nghiệm để tránh nguy cơ chảy máu trong mổ, vị trí đặt điện cực cần chuẩn xác để đánh giá được đúng nhất vị trí vùng sinh động kinh cần loại bỏ.
Nhiệm vụ của các bác sĩ nội thần kinh là đọc bản ghi điện não ngay tại phòng mổ, chẩn đoán nhanh nhất và chính xác nhất vùng tổn thương. Trong khi đó, bác sĩ gây mê có vai trò đưa ra liều gây mê phù hợp nhằm bắt được sóng điện não chính xác nhất”- Ths. Thắng chia sẻ.
Theo Ths. Lê Nam Thắng, phẫu thuật động kinh kết hợp điện não đồ bề mặt vỏ não là phương pháp phẫu thuật đặt các tấm có chứa điện cực trên bề mặt vỏ não, nhằm tiếp cận gần nhất với ổ phát sóng động kinh để ghi lại các sóng điện não, tránh được nhược điểm của điện não đồ da đầu chỉ xác định là có sóng bất thường của cả 1 vùng.
Khi phát hiện bất thường về sóng điện não (sóng động kinh), các bác sĩ có thể xác định vùng nào cần phẫu thuật cắt bỏ hoặc các vùng chưa cắt liệu còn bất thường hay không.
Ca phẫu thuật kéo dài 5 giờ đã thành công tốt đẹp. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của ekip mổ, trình độ tay nghề và nhất là sự nhiệt tình, tận tụy của các thầy thuốc, ca mổ đã tránh được những tai biến nguy hiểm dễ gặp như chảy máu trong mổ, nhiễm trùng sau mổ.
Kết thúc ca phẫu thuật, cháu bé hồi tỉnh nhanh và chỉ lên cơn giật vào ngày đầu tiên sau mổ, từ ngày thứ 2 đã không còn xuất hiện cơn co giật nữa.
Theo các bác sĩ chuyên khoa thần kinh, bệnh động kinh nếu không kiểm soát được cơn co giật sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển, chất lượng sống của người bệnh. Người bệnh có thể gặp các tai nạn sinh hoạt, chấn thương do cơn giật gây nên.
Cơn động kinh kéo dài có thể dẫn đến tổn thương não, thậm chí gây tử vong. Do vậy, bệnh nhân mắc động kinh kháng thuốc cần được áp dụng các phương pháp điều trị như phẫu thuật, chế độ ăn kiêng…. trong đó, phẫu thuật là lựa chọn tốt với nhóm động kinh kháng thuốc. (Công an nhân dân, trang 2).
Hai bé trai bị chó cắn thương tâm
Ngày 11-1, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cho biết vừa điều trị cho hai cháu bé bị chó nhà cắn rất thương tâm. Cả hai đều bị chó cắn trong lúc chơi với chó một mình, không có người lớn ở bên.
Vừa ăn cơm trưa xong, chị N.T.H (35 tuổi, ngụ ở Đắc Lắc) quay vào bếp dọn dẹp thì nghe con trai chị (bé L.N.T.L, một tuổi rưỡi), đang chơi ở ngoài sân khóc ré lên.
Chị vội chạy ra sân thì thấy con trai chị đã bị con chó to (chó bécgiê) trong nhà cắn lìa một phần mặt trong đó có phần cánh mũi bên phải, trên tay con vẫn đang cầm một cái cây .
Ghép phần mặt bị rớt ngay trong đêm
Chị liền nhặt lấy phần mặt bị chó cắn rớt xuống sân, rồi đưa con đến bệnh viện huyện.
Tại đây, phần mặt này đã được rửa sạch, ướp đá. Con chị được chuyển lên bệnh viện tỉnh và tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 1 lúc 0h ngày 4-1.
Các bác sĩ cho biết khi nhập viện, bệnh nhi đã bị mất một phần mũi, mất cả sụn mũi và một phần mặt.
Khoảng 30 phút sau khi bệnh nhi được chuyển đến, các bác sĩ đã tiến hành ghép lại phần mặt đã bị rớt ra cho bé.
Hiện tại vết mổ đã khô nhưng các bác sĩ lo ngại cánh mũi của bệnh nhi sẽ không sống được vì vùng cánh mũi hiện đang đổi màu.
Hiện các bác sĩ vẫn tiếp tục theo dõi. Trong trường hợp cánh mũi không sống được, các bác sĩ sẽ lấy một phần sụn của tai bệnh nhi để lắp sang phần mũi. Tuy nhiên, đây là giai đoạn sau này vì phải đợi bệnh nhi lớn lên.
Tương tự, người nhà bé trai N.T.Đ (4 tuổi rưỡi, ngụ ở Long Thành, Đồng Nai) cũng phát hiện bé bị con chó béc-giê nhà nuôi (nặng khoảng 25kg) cắn khi nghe bé khóc ré lên.
Mẹ của bé kể lúc ba bé phát hiện ra, bé đã trong tình trạng ngưng thở.
Ba bé phải hô hấp nhân tạo suốt trong lúc chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng Nai, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy và bé tiếp tục chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 lúc 3h sáng 7-1.
Các bác sĩ cho biết bé Đ. được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng tràn khí trung thất, tràn khí dưới da, tràn khí màng phổi và phải dẫn lưu màng phổi hai bên.
Tại đây, bệnh nhi đã được hồi sức cho tỉnh, và được xông dẫn lưu màng phổi hai bên. Sau đó, bệnh nhi mới được chuyển sang Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Trước đó, bệnh nhi bị chó cắn thủng khí quản nên không khí tràn ra toàn thân bệnh nhi, khí tràn từ trên xuống đùi bé, tất cả các khoang trong ngực bé bị tràn khí hết.
Ngay khi chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1, các bác sĩ đã phải mổ cấp cứu cho bé. Bé được mở cổ để tìm lỗ thủng thì thấy một vết thủng lớn ở ngay khí quản.
Các bác sĩ đã may lỗ thủng lại cho bé và tiếp tục chuyển hồi sức để tiếp tục theo dõi, chăm sóc bé.
Sáng 11-1, bé đã tỉnh, tiếp xúc được, tình trạng tràn khí không còn và dự kiến hai ngày sau có thể rút nội khí quản cho bé.
Không để trẻ chơi một mình với chó
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, cả hai bà mẹ đều kể trong nước mắt về tai nạn mà con họ đã trải qua.
Gia đình của hai bé đều không thể ngờ được con họ lại bị chính con chó nhà nuôi cắn thương tâm như vậy. Cả hai gia đình này đều nuôi 3 con chó trong nhà và cả hai con chó cắn hai bé đều chưa được chích ngừa trước đó.
ThS-BS Đào Trung Hiếu, phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, chia sẻ là một bác sĩ ngoại khoa, điều trị nhiều cháu bé bị tai nạn thương tâm nhưng ông vẫn bị "sốc" khi nhìn thấy những tổn thương nặng nề mà hai cháu bé này phải trải qua do chính những con chó nuôi trong nhà.
Theo bác sĩ Nguyễn Thế Huy, phó khoa Tai mũi họng Bệnh viện Nhi Đồng 1, tai nạn do chó cắn đầu tiên sẽ ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Chiều cao của trẻ em thường bằng với tầm của con chó nên khi bị con chó tấn công trẻ thường bị tấn công vào vùng mặt, ảnh hưởng nhiều thẩm mỹ.
Ngoài ra, khi chó cắn có nguy cơ bị nhiễm trùng, thậm chí còn ảnh hưởng đến chức năng sống như trường hợp cháu Đ. bị chó cắn vào cổ, đường thở, có thể sẽ bị tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Theo các bác sĩ khi trẻ chơi với chó phải có người lớn ở cạnh bên, tuyệt đối không để trẻ một mình chơi với chó.
Bác sĩ cũng lưu ý các gia đình nuôi chó nên chích ngừa cho chó. (Tuổi trẻ, trang 14).