Kỳ tích y học Việt Nam: Thay xương đùi bằng xương nhân tạo in 3D
Lần đầu tiên tại Việt Nam, một bệnh viện của Hà Nội đã thực hiện kỹ thuật ghép xương nhân tạo bằng vật liệu PEEK in 3D để thay thế cho xương đùi cho bệnh nhân bị u xương ác tính…
Ngày 11-11, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn thông tin cho biết, các bác sĩ của bệnh viện này vừa mổ ghép 2 đoạn xương nhân tạo bằng vật liệu PEEK in 3D dài gần 20 cm để thay thế cho đầu trên xương đùi của 2 bệnh nhân bị u xương sụn ác tính.
Hai bệnh nhân là ông Nguyễn Văn V. (50 tuổi, Bắc Ninh) và ông Khuất Hữu T. (46 tuổi, Hà Nội). Đây cũng là 2 bệnh nhân ghép xương đùi đầu tiên ở Việt Nam được áp dụng bảo tồn chi bằng phương pháp này.
ThS.BS Phạm Trung Hiếu, Trưởng đơn nguyên Phẫu thuật khớp háng và khung chậu thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao - Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, trước đây, nếu bệnh nhân được chẩn đoán là ung thư xương thì phương pháp duy nhất là tháo bỏ khớp háng, khiến bệnh nhân chịu cảnh tàn phế đến suốt đời.
Những năm gần đây, nhờ sự phát triển và ứng dụng của công nghệ in 3D, đặc biệt cùng sự ra đời của công nghệ sử dụng vật liệu PEEK trong tạo hình xương nhân tạo, một hướng đi mới đã được mở ra giúp điều trị triệt để những bệnh nhân có bệnh lý u xương phức tạp như trên.
Với 2 bệnh nhân kể trên, các bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn đã quyết định lấy bỏ đoạn xương kèm u và thay thế bằng xương nhân tạo kèm khớp được in 3D hoàn toàn.
Theo đó, cả hai bệnh nhân được tiến hành chụp cắt lớp vi tính vùng khớp háng và xương đùi hai bên. Sau đó, dựa vào mẫu dựng hình 3D của xương đùi và khớp háng bên lành, các kỹ sư tạo ra mẫu thiết kế 3 chiều cho đoạn xương cần thay thế vào bên bị bệnh.
Khi đã có bản thiết kế, các kỹ sư sử dụng máy in 3D tạo ra khuôn đúc ngược bằng kim loại. Khi khuôn đúc hoàn thành, vật liệu PEEK ở dạng lỏng (đã được xử lý diệt khuẩn) sẽ được đổ vào khuôn và tạo mô hình xương thực tế để sử dụng trong phẫu thuật.
Để liên kết giữa phần xương nhân tạo này và đoạn xương còn lại của bệnh nhân, các bác sĩ sử dụng khớp nhân tạo titan đặc biệt được thiết kế riêng phù hợp với cấu trúc của đoạn xương nhân tạo.
Sau ca mổ lấy bỏ hai khối u xương (1 trường hợp có khối u xương nặng 1,6 kg và trường hợp còn lại có khối u xương nặng 2 kg), thay thế bằng xương nhân tạo in 3D, hiện cả 2 bệnh nhân đã vận động nhẹ nhàng trở lại, có thể tập đi sớm. (An ninh Thủ đô, trang 6).
Bệnh viện An Sinh xây không phép: Sai từ chính quyền sở tại đến chủ đầu tư
Trong buổi trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, ông Hoàng Minh Hải, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Nam Từ Liêm khẳng định, việc bệnh viện An Sinh xây dựng không phép là hoàn toàn sai, từ chính quyền sở tại đến chủ đầu tư.
Khó cưỡng chế vì là công trình lớn?
Tại buổi trao đổi với phóng viên báo An ninh Thủ đô, ông Hoàng Minh Hải thừa nhận, trước tiên, phải khẳng định việc bệnh viện An Sinh xây dựng khi chưa có Giấy phép là sai. Bởi vậy, UBND quận đã có quyết định xử phạt vi phạm và quyết định cưỡng chế.
Tuy nhiên, thời hạn quyết định cưỡng chế đã qua 1 tháng (ngày 11/10 quận Nam Từ Liêm có quyết định cưỡng chế, trong vòng 15 ngày chủ đầu tư không tự tháo dỡ phần sai phạm sẽ bị cưỡng chế), nhưng đến nay, công trình vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại, thách thức dư luận và chính quyền quận Nam Từ Liêm.
Lý giải về việc này, ông Hải cho rằng, do đây là một công trình lớn, nên cần có thời gian cũng như biện pháp mới có thể triển khai cưỡng chế, tháo dỡ. Quận đã giao cho UBND phường Phú Đô xây dựng phương án cưỡng chế.
"Anh em thanh tra xây dựng cũng chủ quan"
Đáng nói, trong buổi trao đổi, khi đề cập đến việc lập phương án cũng như tiến hành cưỡng chế phần xây dựng không phép của bệnh viện An Sinh, ông Hải nhiều lần kêu “khó” và so sánh với công trình vi phạm tại 8B Lê Trực đến nay qua nhiều năm cũng chưa xong.
Ông Hải thừa nhận, sự phát hiện vi phạm là muộn và có nguyên nhân chủ quan và khách quan. Theo đó, một mặt do Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị (ông Đỗ Xuân Bình làm Đội trưởng-PV) của quận tách ra từ lực lượng Thanh tra Sở Xây dựng nên việc phát hiện vi phạm, báo cáo về quận còn chậm.
“Dự án này thuộc diện thành phố cấp phép, đã quây tôn từ khá lâu nên có khi anh em thanh tra xây dựng cũng chủ quan cho rằng, một dự án lớn như vậy thì tất nhiên phải có Giấy phép xây dựng”- ông Hải cho hay.
Cũng vì "anh em thanh tra xây dựng chủ quan" nên quận Nam Từ Liêm đã để dự án thi công trên diện tích lớn 1.200m2, đổ bê tông, ép cọc… và đến hiện tại, quận lại kêu khó cưỡng chế và cần phải có thời gian.
Chưa đề cập đến việc kiểm điểm, rút kinh nghiệm
Để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng như vậy nhưng đến nay, sau nhiều tháng, quận Nam Từ Liêm chưa hề có một buổi họp nào để đề cập đến trách nhiệm của các cá nhân, tập thể cũng như kiểm điểm rút kinh nghiệm chung trên địa bàn. Ông Hải thừa nhận, đến nay, quận vẫn tập trung xử lý việc vi phạm của bệnh viện An Sinh nhưng thực tế là vi phạm vẫn còn nguyên đó như chúng tôi đã phản ánh.
“Trong kiểm điểm công tác cuối năm, chúng tôi sẽ có buổi làm việc về vấn đề này, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể, còn đến thời điểm này thì quận chưa có buổi họp nào về vấn đề này”- ông Hải nói.
Trả lời về việc liệu có phải quận Nam Từ Liêm đang chần chừ, kéo dài thời gian để doanh nghiệp có thể “sửa sai” (chờ Giấy phép để hợp pháp hóa vi phạm), ông Hải lại than việc cưỡng chế rất khó và rất phức tạp chứ không như tháo dỡ một căn nhà cấp 4.
Cũng theo ông Hải phân trần, đây là công trình an sinh xã hội trên địa bàn, không phải là xây nhà để bán nên cũng không gây ra hậu quả nghiêm trọng. “Trên thực tế là doanh nghiệp xây dựng công trình an sinh xã hội trên địa bàn nên mình cũng xem xét, không nên đánh giá là công trình gây ra hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, còn đương nhiên họ sai thì phải xử lý”- ông Hải bày tỏ.
Về khả năng trong thời gian tới, khi chủ đầu tư dự án bệnh viện An Sinh xin được Giấy phép xây dựng thì quận Nam Từ Liêm có mở rào để chủ đầu tư thi công bình thường, ông Hải cho biết, trước mắt quận sẽ triển khai xử lý việc chủ đầu tư vi phạm và trước khi cho phép thi công trở lại còn phải xin ý kiến của Sở Xây dựng.
Ông Hải nhìn nhận, quận Nam Từ Liêm phát triển từ huyện lên quận tới nay mới 5 năm, tốc độ đô thị hóa quá lớn, cùng lúc có nhiều công trình dự án nên yếu tố con người và chuyên môn còn hạn chế...
Tại công văn trả lời Báo An ninh Thủ đô về trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng như các cá nhân, tập thể trong việc để bệnh viện An Sinh ngang nhiên xây dựng không phép, ông Nguyễn Huy Cường - Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm cũng không đề cập đến một câu nào tới xử lý trách nhiệm, mà chỉ diễn giải lại trình tự phát hiện, xử phạt vi phạm đối với công trình này. (An ninh Thủ đô, trang 6).