Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 12/12/2019

  • |
T5g.org.vn - Một bệnh nhi tử vong do nhiễm cúm A/H1N1; Chuyển giao cho tuyến dưới nhiều kỹ thuật lĩnh vực tim mạch; Triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử: Lợi ích nhiều phía…

 

Ðích đến là những nụ cười của người bệnh

Mỗi ngày khoảng 1.400 bệnh viện trong cả nước đón tiếp khám và điều trị cho hàng trăm nghìn lượt người bệnh. Không chỉ chú trọng nâng cao chất lượng khám, điều trị, các bệnh viện cũng rất coi trọng đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh, mà đích đến là những nụ cười.

Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy sau 5 năm triển khai Ðề án "Ðổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh" có sự thay đổi rất lớn trong ý thức của mỗi cán bộ y tế, đó là chuyển từ "ban ơn" sang "phục vụ". Bộ Y tế thực hiện trong toàn ngành nhiều nhóm giải pháp để đạt mục tiêu đề ra, đó là: đẩy mạnh việc tuyên truyền - giáo dục; cải thiện cơ sở vật chất; đổi mới cơ chế tài chính; thay đổi và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Giờ đây, sự hài lòng của người bệnh không chỉ là cuộc vận động để thay đổi thái độ phục vụ của nhân viên y tế, hay nâng cao chất lượng bệnh viện, cải thiện môi trường xanh, sạch, đẹp… mà đó là đích đến của nền y tế hiện đại.

Có dịp trò chuyện với không ít người bệnh đến khám hoặc đang điều trị nội trú tại các bệnh viện đầu ngành như K, Nội tiết T.Ư, Nhi T.Ư... chúng tôi thấy họ thật sự ấn tượng về những thay đổi từ mỗi bệnh viện. Ðó không chỉ là cơ sở vật chất, trang thiết bị ngày càng khang trang, hiện đại mà hơn hết là sự nhiệt tình của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế. Ðội ngũ cán bộ, nhân viên y tế giờ đây như là người đồng hành, thường xuyên thăm hỏi, động viên… như là liều thuốc quý giúp người bệnh vững tin trong hành trình chiến đấu với những căn bệnh trong mình.

Kết quả khảo sát chỉ số hài lòng của người bệnh đối với dịch vụ khám, chữa bệnh do Tổ chức sáng kiến Việt Nam thực hiện cho thấy có 80,8% số người được hỏi, hài lòng với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Tỷ lệ chưa hài lòng còn lại (gần 20%) chủ yếu là về cơ sở vật chất của các bệnh viện chưa bảo đảm; quy trình, thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm, thanh toán viện phí, ra viện, nhập viện rườm rà, khiến người bệnh vất vả mới hoàn thành...; chỉ số tham nhũng vặt ở bệnh viện tuyến huyện giảm còn 0,4%. Ngoài ra, một số bệnh viện chưa thật sự sâu sát trong giữ gìn nhà vệ sinh, để xảy ra tình trạng nhà vệ sinh bừa bãi, bẩn, bốc mùi…

Ngành y tế xác định, những kết quả đạt được nêu trên mới chỉ là bước đầu, vì điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác khám, chữa bệnh nhiều nơi xuống cấp, chưa đồng bộ kể cả với các bệnh viện tuyến Trung ương. Tình trạng quá tải ở bệnh viện, nhất là các đơn vị tuyến Trung ương và tuyến tỉnh đang gây ra áp lực rất lớn tác động đến chất lượng khám, chữa bệnh. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng người bệnh và người nhà người bệnh chưa hợp tác trong tuân thủ các thủ tục hành chính, quy trình khám, chữa bệnh cũng như trong giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan bệnh viện...

Ðể đạt mục tiêu về sự hài lòng người bệnh không thể một sớm, một chiều. Tuy nhiên ngành y tế và các bệnh viện cần tiếp tục tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, vật chất, nhất là tuyến y tế cơ sở để khám, chữa bệnh hiệu quả cho người dân ngay ở tuyến dưới, giảm quá tải ở tuyến trên. Tiếp tục đổi mới phong cách phục vụ, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tạo dựng niềm tin, thu hút người bệnh trong nước và nước ngoài. Mặt khác, các bệnh viện cần quyết liệt hơn trong nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; tiếp tục tập huấn, thực hiện các thông tư về đổi mới trang phục, công tác xã hội, quy tắc ứng xử, hòm thư góp ý, quy chuẩn khám, chữa bệnh, đổi mới phong cách thái độ... Bên cạnh đó tăng cường đào tạo năng lực, chuyển giao kỹ thuật y tế xuống các trạm y tế xã, phường; cải thiện tình trạng quá tải bệnh viện; đẩy mạnh áp dụng bệnh viện thông minh, từng bước áp dụng tiêu chuẩn JCI trong quản lý chất lượng; tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính theo hướng tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế… Ðối với người bệnh, cán bộ y tế cần ân cần, chăm sóc, đặt lợi ích của họ lên hàng đầu; trong mọi hoàn cảnh phải niềm nở, hướng dẫn tận tình, tạo tâm lý thoải mái cho người bệnh và người nhà.

Sự hài lòng của người bệnh cần bắt đầu từ chính các cán bộ y tế. Ở đâu đó vẫn còn những nhân viên y tế có thái độ ứng xử chưa đúng mực, do vậy cần phải tạo được phong trào, khơi dậy tình thương, lòng nhân ái, tạo sự thay đổi tích cực trong công việc của mỗi cán bộ, nhân viên y tế. (Nhân dân, trang 5).

 

Chuyển giao cho tuyến dưới nhiều kỹ thuật lĩnh vực tim mạch

Từ một đơn vị quy mô nhỏ, thời gian qua, Bệnh viện Tim Hà Nội có bước phát triển vượt bậc, vừa được Bộ Y tế công nhận và giao nhiệm vụ tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật chuyên ngành tim mạch.

Quyết định của Bộ trưởng Y tế về việc công nhận, giao nhiệm vụ tuyến cuối chuyên môn kỹ thuật tim mạch vừa được trao cho Bệnh viện Tim Hà Nội. Theo đó, Bệnh viện Tim Hà Nội tham gia cùng các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế thực hiện công tác chỉ đạo tuyến trong lĩnh vực khám, chữa bệnh chuyên ngành tim mạch. Bệnh viện Tim Hà Nội cũng được giao là bệnh viện hạt nhân tham gia chỉ đạo chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật cho mạng lưới bệnh viện vệ tinh. Ðây là bước chuyển quan trọng, đánh dấu sự phát triển của một bệnh viện đầu ngành với năm mũi nhọn: phẫu thuật, can thiệp, nội khoa, nhi khoa và tim mạch chuyển hóa.

GS, TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, cho biết đến nay Bệnh viện Tim Hà Nội là đơn vị duy nhất của Hà Nội được Bộ Y tế công nhận và giao nhiệm vụ là bệnh viện tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật; đồng thời là một trong 23 bệnh viện hạt nhân của Bộ Y tế tham gia chỉ đạo chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật cho 16 bệnh viện vệ tinh trên cả nước, trong đó có các bệnh viện tuyến tỉnh như: Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Hà Tĩnh, Gia Lai... Thời gian qua, Bệnh viện bảo đảm tiến độ chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện vệ tinh bằng nhiều hình thức, như tổ chức các lớp đào tạo, cử cán bộ trực tiếp về hỗ trợ cho các bệnh viện vệ tinh, bệnh viện tuyến dưới. Năm 2019, bệnh viện đã tổ chức các lớp đào tạo cho 522 học viên (là cán bộ y tế thuộc các bệnh viện vệ tinh), chuyển giao 60 gói kỹ thuật, từ cơ bản đến nâng cao và cử 87 lượt chuyên gia xuống trực tiếp chuyển giao kỹ thuật tại các bệnh viện vệ tinh. Những chuyên gia đi chuyển giao kỹ thuật đã tham gia hỗ trợ các kíp cán bộ của bệnh viện vệ tinh thực hiện hàng trăm ca cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn, điều trị rối loạn nhịp, can thiệp tim mạch, cấp cứu tim mạch, siêu âm qua thực quản, siêu âm mạch máu…

Bên cạnh đó, Bệnh viện Tim Hà Nội cũng biên soạn mới, hoàn thiện, phát triển và trình Bộ Y tế thẩm định, phê duyệt 26 tài liệu đào tạo để phục vụ chuyển giao 10 gói kỹ thuật thuộc phạm vi đề án bệnh viện vệ tinh. Ðó là các tài liệu về cấp cứu tim mạch, điều dưỡng nội khoa tim mạch, cấp cứu tim mạch nhi… Hoàn thiện, trình Bộ Y tế thẩm định hai chương trình đào tạo về "cấp cứu tim mạch nhi" và "chuẩn bị và phụ giúp can thiệp tim mạch cơ bản"… Sau khi được chuyển giao các gói kỹ thuật, nhiều bệnh viện tuyến tỉnh được nâng cao năng lực điều trị nội khoa, thực hiện thường quy siêu âm tim, triển khai kỹ thuật can thiệp tim mạch… nhờ đó "giữ chân" được người bệnh, hạn chế thấp nhất việc phải chuyển lên tuyến trên.

Xác định việc hỗ trợ y tế cơ sở là nhiệm vụ quan trọng, Bệnh viện Tim Hà Nội cũng đã triển khai xây dựng, xuất bản tài liệu và triển khai nhiều lớp đào tạo phù hợp y tế cơ sở. Ðồng thời xin ý kiến các chuyên gia đầu ngành, in ấn, ban hành các quy trình chuyên môn, phác đồ điều trị tim mạch cho y tế cơ sở như: điều trị, quản lý tăng huyết áp tại tuyến xã; phác đồ điều trị tăng huyết áp tại trạm y tế; chẩn đoán, điều trị đột quỵ não; chẩn đoán, điều trị, quản lý suy tim… Với sự hỗ trợ này, các bác sĩ tuyến cơ sở có khả năng chẩn đoán và xử trí bước đầu, chuyển tuyến phù hợp đối với một số bệnh lý thường gặp. (Nhân dân, trang 5).

 

Báo động gia tăng đột quỵ não ở người trẻ tuổi

Các chuyên gia lĩnh vực thần kinh vừa phát đi cảnh báo về tình trạng gia tăng đột quỵ não ở người trẻ tuổi. Trong vòng 12 năm qua, số người trẻ bị đột quỵ não tăng tới gần 50%; nhóm tăng cao nhất là những người lạm dụng bia, rượu, hút thuốc lá, sử dụng các chất kích thích, tình trạng "béo phì văn phòng".

Đột quỵ não hay còn gọi là tai biến mạch máu não, là tình trạng máu cung cấp cho một phần não bị gián đoạn hoặc giảm nặng khiến cho vùng não đó bị thiếu ô-xy và dinh dưỡng. Nếu vùng tế bào não bị tổn thương nặng hoặc lan rộng, đột quỵ có thể dẫn đến chết người hoặc để lại những di chứng nặng nề về rối loạn vận động, nhận thức, ngôn ngữ, thị giác… TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Nội - Hồi sức thần kinh (Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức) cho biết: Có nhiều nguyên nhân gây đột quỵ não, nhưng thường gặp ở những người bị đái tháo đường (nguy cơ gấp bốn lần so với người bình thường), tăng huyết áp (nguy cơ gấp ba lần), bệnh tim mạch (gấp sáu lần), rối loạn mỡ máu, những người béo phì, ít vận động, hút nhiều thuốc lá, lạm dụng rượu, chất gây nghiện như hê-rô-in, am-phê-ta-min…

Ðột quỵ não gia tăng theo lứa tuổi. Trước đây đột quỵ não thường xảy ra ở những người cao tuổi thì ngày nay, khoảng 25% số ca đột quỵ lại xảy ra ở những người trẻ tuổi; số người trẻ bị đột quỵ não tăng gần 50% trong vòng 12 năm qua. Ðáng chú ý, mặc dù đột quỵ là bệnh gây chết người và tàn phế cao nhưng chúng ta có thể phòng ngừa được. Theo đó, cần tránh các yếu tố nguy cơ bằng thói quen sống tích cực: Không lạm dụng bia, rượu; không hút thuốc lá hoặc sử dụng các chất kích thích; có chế độ ăn uống điều độ, hợp vệ sinh, cân đối các chất, nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi, giảm muối, giảm mỡ; tập luyện thể dục hằng ngày, tránh tình trạng căng thẳng thần kinh quá mức và kéo dài. Ðối với những người bị đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh lý tim mạch… cần có phương án kiểm soát, điều trị hiệu quả bằng cách đo huyết áp hằng ngày, kiểm tra sức khỏe định kỳ để có sự điều chỉnh phù hợp.

TS Nguyễn Anh Tuấn cũng lưu ý, trong điều trị tai biến mạch máu não, cần chú trọng tái thông mạch máu càng sớm càng tốt, đối với những trường hợp nhồi máu não cần được đưa đến bệnh viện sớm trong giờ vàng (dưới 4,5 giờ sau khi bị đột quỵ) và lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học (dưới sáu giờ sau khi bị đột quỵ). Với đột quỵ chảy máu não, tùy vào từng trường hợp, người bệnh có thể được cân nhắc phẫu thuật lấy máu tụ, kẹp túi phình, phẫu thuật cắt bỏ khối dị dạng mạch máu não (nếu có). Bên cạnh đó, cần hạn chế biến chứng, tìm nguyên nhân đột quỵ não để dự phòng đột quỵ tái phát và phục hồi thần kinh bằng tập phục hồi chức năng sớm, bởi tỷ lệ tái phát đột quỵ trong 5 năm đầu tiên là 25%, nghĩa là cứ bốn người bệnh sống sót sau đột quỵ sẽ có một trường hợp bị tái phát. Do đó, người dân cần chú ý điều trị tích cực để phòng ngừa tái phát tai biến mạch máu não. Thay đổi lối sống tích cực, có chế độ ăn thích hợp, tăng cường tập thể dục, tập vận động cũng như kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ để phòng ngừa đột quỵ não tái phát. Bên cạnh đó, người dân nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời phòng ngừa những nguy cơ dẫn đến căn bệnh nguy hiểm này. (Nhân dân, trang 5).

 

Có tới 47% người trưởng thành bị tăng huyết áp

Đó là thông tin được đưa ra tại tọa đàm “Tăng huyết áp - các biện pháp để giảm thiểu gánh nặng bệnh tim mạch tại Việt Nam” do Liên đoàn Tim mạch thế giới phối hợp cùng Hội Tim mạch học quốc gia Việt Nam và Tổ chức VinaCapital Foundation tổ chức ngày 11-12 tại Hà Nội.

GS.TS Nguyễn Lân Việt, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Tim mạch học quốc gia Việt Nam cho biết, hiện nay, các bệnh không lây nhiễm, như: Tim mạch, ung thư, đái tháo đường đang tăng nhanh chóng. Trong đó, tim mạch là bệnh đáng lo ngại nhất. Trung bình mỗi năm trên thế giới có khoảng 17,5 triệu người tử vong vì các bệnh tim mạch, nhiều gấp 4 lần so với tổng số ca tử vong do sốt rét, HIV/AIDS và lao cộng lại.

Ở Việt Nam có nhiều yếu tố nguy cơ gây ra các bệnh tim mạch, trong đó tăng huyết áp là yếu tố đóng vai trò quan trọng nhất gây ra tử vong. Điều đáng nói, tăng huyết áp hiện là bệnh lý phổ biến nhất trong cộng đồng, được coi là “kẻ giết người thầm lặng”. Thậm chí, khi biến chứng của tăng huyết áp không gây ra tử vong cũng sẽ để lại nhiều di chứng gây tàn phế, giảm sức lao động cho người bệnh.

Người có huyết áp cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành lên 3 lần. Song tăng huyết áp mà đi kèm các yếu tố nguy cơ khác, như mỡ máu cao, hút thuốc lá, thì nguy cơ này tăng lên 16 lần. Đáng chú ý, bệnh tiến triển trong nhiều năm, người bệnh có thể sẽ không phát hiện ra triệu chứng.

Cũng theo GS.TS Nguyễn Lân Việt, theo điều tra về tỷ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành tại Việt Nam trước đây, cứ 4 người trưởng thành có 1 người bị tăng huyết áp (chiếm khoảng 40%). Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây cho thấy, tỷ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành đã lên đến 47%. Thế nhưng, số người được chẩn đoán bệnh vẫn còn thấp, số bệnh nhân được điều trị còn ít.

Trước thực tế trên, chương trình quốc gia về phòng chống bệnh tim mạch đang tập trung vào 2 vấn đề chính, đó là tăng cường truyền thông cho người dân để hiểu đúng mức độ nguy hiểm của bệnh tăng huyết áp, đồng thời tăng cường các chương trình đào tạo và đào tạo lại cho cán bộ y tế tại tuyến cơ sở, cập nhật kiến thức trong phòng, chống các bệnh tim mạch nói chung và tăng huyết áp nói riêng.

Theo GS.TS Nguyễn Lân Việt, nguyên tắc điều trị tăng huyết áp là điều chỉnh lối sống, như: Giảm béo phì, giảm ăn muối, hạn chế thức ăn nhiều cholesterol, hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá… Mặt khác, tăng cường các hoạt động thể lực ở mức độ phù hợp với người bệnh, như đi bộ khoảng 30-45 phút mỗi ngày; tránh căng thẳng thần kinh, tránh bị lạnh đột ngột. (Hà Nội mới, trang 1).

 

Triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử: Lợi ích nhiều phía

Ngành Y tế đang khẩn trương triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử trên toàn quốc. Việc lập hồ sơ sức khỏe điện tử mang đến nhiều lợi ích thiết thực, góp phần bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, theo dõi, chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các cơ sở y tế. Hiện, một số vướng mắc về phần mềm, tính liên thông giữa các cơ sở khám, chữa bệnh đang được ngành Y tế tháo gỡ, với mục tiêu đến năm 2025, 95% người dân trên toàn quốc có hồ sơ sức khỏe điện tử.

Vẫn còn gặp khó khăn

Hiện, Bộ Y tế đã thí điểm phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử tại 26 trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình của 8 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Lào Cai, Yên Bái, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Long An. Riêng tại Hà Nội, việc lập hồ sơ sức khỏe điện tử của từng người dân được triển khai tại các trạm y tế từ đầu năm 2018.

Trung tâm Y tế huyện Hoài Đức (Hà Nội) có 1 phòng khám và 20 trạm y tế xã, thị trấn. Trong hai năm 2018 và 2019, huyện đã đầu tư hơn 70 tỷ đồng nâng cao chất lượng 13 trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Nhờ triển khai mô hình này nên chất lượng dịch vụ tại các trạm y tế đã tăng lên. Hiện, các trạm y tế thực hiện 243 danh mục kỹ thuật, gồm các chuyên khoa: Nội, sản, nhi, y học cổ truyền, răng hàm mặt… Toàn huyện cũng đã có 99% dân số được lập hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử.

Theo Tiến sĩ Khánh Thị Nhi, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hoài Đức, việc mỗi cá nhân có hồ sơ điện tử sẽ giúp quản lý và chăm sóc sức khỏe tốt hơn, giúp ích cho cả người bệnh và cán bộ y tế. Khi người dân đi khám, thông qua hồ sơ sức khỏe điện tử được liên thông từ tuyến y tế cơ sở đến các bệnh viện, thầy thuốc sẽ biết được tiền sử bệnh tật một cách nhanh chóng, chính xác, đầy đủ, tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị.

Tương tự, tại Trạm Y tế xã Tân Hội (huyện Đan Phượng, Hà Nội) sau hơn 1 năm hoạt động theo mô hình nguyên lý y học gia đình, 97% dân số trong xã đã được lập hồ sơ quản lý sức khỏe.

Tuy nhiên, bà Trần Thị Mai Hương, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tân Hội cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ sức khỏe người dân tại trạm y tế còn hạn chế. Hiện, trạm y tế sử dụng 3 phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử. Nhưng các phần mềm chưa tương thích với các bệnh viện tuyến trên nên khó khăn trong việc theo dõi tiền sử bệnh tật của người dân.

Trong tháng 9 và tháng 10-2019, Trung tâm Y tế huyện Mỹ Đức đã khai trương và đưa vào hoạt động 5 trạm y tế xã theo mô hình nguyên lý y học gia đình. Tại các trạm y tế này đã có 40.117/41.926 người được lập hồ sơ quản lý sức khỏe (đạt 95,7%).

Nhưng cũng như Trạm Y tế xã Tân Hội, việc cập nhật các lần khám chữa bệnh của người dân vào phần mềm hồ sơ quản lý sức khỏe chưa bảo đảm do thiếu nhân lực để vận hành và các phần mềm chưa được kết nối liên thông…

Mỗi người dân sẽ có một hồ sơ sức khỏe điện tử

Theo kế hoạch của Bộ Y tế, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn, bảo đảm đến cuối năm 2020 có ít nhất 80% người dân được lập hồ sơ sức khỏe điện tử. Dự kiến đến năm 2025, 95% người dân trên toàn quốc có hồ sơ sức khỏe điện tử, được cập nhật thông tin sức khỏe thường xuyên và được kết nối với tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên cả nước.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, trong tương lai, hồ sơ quản lý sức khỏe người dân phải được liên thông từ trạm y tế xã đến các cơ sở y tế tuyến trên. Khi người dân đến cơ sở y tế, bác sĩ ở bất kỳ bệnh viện nào cũng có thể nắm được đầy đủ thông tin về hiện trạng sức khỏe của người đó, thông qua hệ thống máy tính. Đối với bảo hiểm y tế, khi thông tin về khám chữa bệnh của người bệnh thông suốt, minh bạch, việc quản lý chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế dễ dàng hơn, góp phần hạn chế việc lạm dụng thuốc và xét nghiệm nếu có.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, về một số bất cập như phần mềm áp dụng chưa liên thông; một số địa phương còn lúng túng khi lựa chọn phần mềm, mã định danh y tế, mẫu hồ sơ và khai thác dữ liệu phục vụ công tác quản lý…, Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn cụ thể.

"Bộ Y tế đang phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam xác định phương thức xây dựng mã định danh y tế cho người dân, bảo đảm mỗi hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân được cấp phát một mã định danh y tế. Thời gian hoàn thành là năm 2020", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn thông tin.

Về phía thành phố Hà Nội, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế Hà Nội) Vũ Duy Hưng cho biết: "Thành phố đang nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng phần mềm quản lý sức khỏe từ các trạm y tế đến các bệnh viện của thành phố. Khi thiết lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân, chúng tôi phải bảo đảm tuân thủ đúng quy định của Bộ Y tế, nhất là các yếu tố an toàn, bảo mật. Hồ sơ sức khỏe là tài liệu y tế ghi lại quá trình chăm sóc sức khỏe của một người. Mục tiêu chung của kế hoạch là từng bước hình thành cơ sở dữ liệu về sức khỏe người dân tại Trung tâm Dữ liệu y tế quốc gia". (Hà Nội mới, trang 5).

 

Thực hiện hơn 520 ca ghép mô, tạng trong năm 2019

Chiều 11-12, tại Hà Nội, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Medlatec tổ chức lễ phát động phong trào đăng ký hiến tặng mô, tạng với chủ đề “Trao yêu thương - Nối dài sự sống”.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cho biết, đến nay, Việt Nam đã có 19 trung tâm ghép tạng và đạt được những tiến bộ vượt bậc về kỹ thuật lấy, ghép mô, tạng. Ngoài ra, hiện cả nước đã có hơn 30.000 người đăng ký hiến tạng, tăng 10.000 người so với thời điểm cuối năm 2018.

Thống kê của Hội Ghép tạng Việt Nam cho thấy, số ca được ghép tạng tại Việt Nam đã tăng rất nhanh trong 4 năm gần đây. Tính đến tháng 9-2019, cả nước đã thực hiện được hơn 4.600 ca ghép tạng, trong đó ghép thận gần 4.000 ca, ghép tủy hơn 500 ca, còn lại là ghép gan, ghép tim, phổi và các loại mô tạng khác. Riêng năm 2019, tổng số ca ghép tạng là hơn 520 ca.

Tuy nhiên, phần lớn số ca ghép này là từ người cho sống. Hiện nay, rất nhiều người bệnh vẫn đang mòn mỏi chờ đợi tạng hiến để được ghép. Tại lễ phát động, khoảng 600 cán bộ, nhân viên của Bệnh viện Đa khoa Medlatec đã đăng ký hiến tặng mô, tạng. (Hà Nội mới, trang 5).

 

Bệnh viện đầu tiên thành lập khoa phẫu thuật tim mạch cho trẻ em

Bệnh viện E vừa công bố quyết định thành lập Khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực trẻ em thuộc Trung tâm Tim mạch của bệnh viện. Đây cũng là bệnh viện đa khoa đầu tiên trên cả nước thành lập khoa phẫu thuật tim mạch và lồng ngực trẻ em.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, hằng năm nước ta có khoảng 10.000 - 12.000 trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh nhưng chỉ có 6.000-8.000 trẻ được phẫu thuật. Điều đáng nói, bệnh tim bẩm sinh chiếm đến 90% trong tổng số các bệnh tim mạch ở trẻ và trong đó có đến 50% trường hợp bệnh tim bẩm sinh không xác định được nguyên nhân.

Việc thành lập Khoa Phẫu thuật tim mạch cho trẻ em tại Bệnh viện E sẽ giúp tăng khả năng chẩn đoán, điều trị các bệnh lý tim mạch phức tạp ở trẻ. Hiện trung bình mỗi năm, Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện E) can thiệp, phẫu thuật khoảng 1.000 ca.

Không chỉ phẫu thuật cho những trường hợp chỉ vài giờ, vài ngày tuổi, các bác sĩ tại đây đã phẫu thuật tim bẩm sinh phức tạp cho trẻ chỉ nặng 1,7kg. Tỷ lệ thành công của các ca phẫu thuật tim mạch là khoảng 95%. (Hà Nội mới, trang 5).

 

Xã hội hóa đầu tư y tế ở Đồng Nai: Thành quả kèm thách thức

Những năm qua, Đồng Nai luôn phải đối mặt với áp lực tăng đầu tư cho y tế nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, việc khuyến khích xã hội hóa (XHH) đầu tư vào lĩnh vực này đã mang lại những kết quả bước đầu rất ấn tượng, nhưng đi kèm với đó là những thách thức.

Những con số ấn tượng

Nói đến công tác XHH của ngành y tế Đồng Nai, đầu tiên phải kể đến các bệnh viện: Đa khoa Đồng Nai, Đa khoa Thống Nhất, Đa khoa khu vực Long Khánh và Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, với tỷ lệ giường bệnh XHH rất cao. Trong đó, đứng đầu là Đa khoa Đồng Nai với quy mô 1.400 giường thì có đến 700 giường được đầu tư bằng hình thức XHH, góp phần nâng số giường bệnh XHH trong toàn tỉnh lên 1.984 giường, đạt tỷ lệ 6,4 giường/10.000 dân. Nhờ khuyến khích đầu tư XHH y tế mà đến nay, toàn tỉnh có trên 3.236 cơ sở hành nghề y dược tư nhân, trong đó có 6 bệnh viện, 49 phòng khám đa khoa, 720 phòng khám chuyên khoa, 110 phòng chẩn trị y học cổ truyền, 2.230 cơ sở kinh doanh dược phẩm... Cơ sở hành nghề y dược tư nhân phần lớn được đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất khang trang, hiện đại. Chỉ tính riêng 49 phòng khám đa khoa tư nhân hiện có, tổng số vốn đầu tư XHH y tế đã lên đến con số 490 tỷ đồng - một con số không nhỏ trong điều kiện ngân sách không đủ đáp ứng cho nhu cầu khám chữa bệnh với đòi hỏi ngày càng cao của người dân.

Đối với các cơ sở y tế công lập, ngoài việc quản lý tốt nguồn đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị từ nguồn vốn ngân sách, các đơn vị còn mạnh dạn vay vốn ngân hàng với tổng số vốn hơn 200 tỷ đồng để đầu tư máy móc hiện đại dùng trong chẩn đoán, phẫu thuật, như máy CT scaner, MI, lọc máu, hệ thống điều trị bằng oxy cao áp, máy gia tốc tuyến tính, máy CT 2,4 tesla… Nhờ đó, nhiều kỹ thuật cao đã được triển khai ở các bệnh viện lớn, giúp cho việc chẩn đoán nhanh, chính xác, điều trị kịp thời cho bệnh nhân và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tính đến nay, đã có 6 bệnh viện trong tỉnh thực hiện được kỹ thuật phẫu thuật sọ não hoặc thay khớp gối, thay khớp háng, thay chỏm xương đùi, tán sỏi tiết niệu, thận nhân tạo, điều trị ung thư, vô sinh…

Cần tháo gỡ nút thắt

Tuy vậy, việc các cơ sở y tế tư nhân xuất hiện ngày càng nhiều đã khiến cho tình trạng chảy máu chất xám từ bệnh viện công sang bệnh viện, phòng khám đa khoa tư nhân diễn ra với mức độ ngày càng gay gắt. Một lượng lớn bác sĩ giỏi (chuyên khoa 1, chuyên khoa 2) có thâm niên công tác 10 - 20 năm, đang giữ cương vị trưởng, phó khoa phòng, đã đầu quân cho các cơ sở y tế tư nhân với mức lương cao hơn, khiến một số bệnh viện công thiếu hụt bác sĩ giỏi.

Bác sĩ - Tiến sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, thừa nhận việc bác sĩ giỏi bỏ ra ngoài làm việc ở các bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân đang là một vấn nạn của ngành y tế địa phương. Các bác sĩ mới ra trường phần lớn tập trung ở TPHCM và rất khó lôi kéo về địa phương, thậm chí cả với các sinh viên Đồng Nai, trong khi nguồn đào tạo tại chỗ lại rất hạn chế. Do đó, theo bác sĩ Vũ, giải pháp căn cơ vẫn là cho phép tỉnh Đồng Nai được mở đào tạo ngành y khoa chính quy ngay tại Trường Đại học Đồng Nai, mỗi năm cần bổ sung 50 - 70 bác sĩ để đủ cung ứng cho các bệnh viện công và tư. Ngoài ra, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cần quan tâm giải quyết kịp thời nguồn chi vượt quỹ bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh năm 2019 để các bệnh viện công của tỉnh có điều kiện bổ sung kinh phí, nguồn thuốc men và giải quyết nhu cầu tăng thu nhập chính đáng của đội ngũ y bác sĩ, tạo tâm lý an tâm phục vụ bệnh nhân. Dân số tăng nhanh, trong khi nguồn kinh phí được Chính phủ giao lại có xu hướng giảm cơ học, là rất bất hợp lý và không công bằng cho các tỉnh có đóng góp lớn vào ngân sách trung ương hàng năm như Đồng Nai. (Sài Gòn giải phóng, trang 10).

 

Một bệnh nhi tử vong do nhiễm cúm A/H1N1

Chiều 11-12, bác sĩ Điện Ngọc Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Phú Yên, xác nhận địa phương vừa ghi nhận một trường hợp bệnh nhi tử vong do mắc cúm A/H1N1.

Trước đó, ngày 29-11, bệnh nhi N. có dấu hiệu sốt, ho nên người nhà tự mua thuốc cho cháu uống (không rõ thuốc gì). Đến ngày 30-11, cháu N. không có dấu hiệu thuyên giảm, gia đình đưa đến Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên để điều trị, được chẩn đoán bị “viêm phổi nặng”. Đến ngày 4-12, bệnh tình cháu N. có dấu hiệu nặng hơn, gia đình tiếp tục đưa cháu đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định để điều trị. Hai ngày sau, bác sĩ tiến hành lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur Nha Trang, nhận được kết quả dương tính với cúm A/H1N1. Đến ngày 9-12, bệnh nhi tiên lượng xấu, người nhà đã xin bệnh viện cho cháu về và đã tử vong trên đường.

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Phú Yên cũng đã cấp hóa chất và hướng dẫn cho người thân và gia đình cháu N. vệ sinh môi trường nhà cửa, dụng cụ gia đình. Đơn vị chức năng đang khoanh vùng các phạm vi có nguy cơ mắc cúm A/H1N1 cao để kịp thời can thiệp, hỗ trợ người dân. (Sài Gòn giải phóng, trang 11).

 

27 bệnh nhân bị bệnh viện 'khai tử' nhầm

Chiều 11-12, ông Võ Năm - Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Bình Định cho biết, cơ quan này đã có báo cáo gửi Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam về kết quả kiểm tra, xác minh hàng chục trường hợp bệnh nhân tử vong nhưng vẫn phát sinh chi phí khám chữa bệnh để thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) trên hệ thống dữ liệu BHXH Việt Nam.

Trước đó qua kiểm tra rà soát hệ thống dữ liệu điện tử theo dõi khám chữa bệnh BHYT, ngày 14-11 BHXH Việt Nam đã có văn bản đề nghị 10 cơ sở khám chữa bệnh BHYT ở Bình Định tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin 27 trường hợp bệnh nhân tử vong nhưng sau đó vẫn phát sinh chi phí khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn, Bệnh viện Chỉnh hình - Phục hồi chức năng Quy Nhơn, Trung tâm Y tế TP Quy Nhơn và Trung tâm Y tế các huyện Tuy Phước, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Phù Cát, An Nhơn, Tây Sơn.

Kết quả kiểm tra của BHXH tỉnh Bình Định cho thấy có 27 trường hợp bệnh nhân đã bị các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Bình Định “khai tử” nhầm. Nguyên nhân là do khi tháo tác kỹ thuật trên máy tính, nhân viên y tế đã click nhầm ô bệnh nhân “ổn định, ra viện” sang ô “tử vong” trên hệ thống dữ liệu điện tử theo dõi khám chữa bệnh BHYT. (Công an Nhân dân, trang 7).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang