Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 12/12/2023

  • |
T5g.org.vn - Trúng gió có phải là đột quỵ không?, 85 triệu người ở Tây Thái Bình Dương phải gánh chi phí y tế quá cao; Quy định mới về trách nhiệm kê khai giá thuốc của cơ sở kinh doanh dược…

Trúng gió có phải là đột quỵ không?

Hiện nay, nhiều người đang có sự hiểu nhầm về trúng gió là một dạng đột quỵ, dễ dẫn đến nhầm lẫn, khiến chậm trễ sơ cứu gây hậu quả đáng tiếc. Theo các bác sĩ, hai bệnh lý này có biểu hiện và cách xử trí hoàn toàn khác nhau. 

Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quang Thành, Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai, trúng gió bao gồm gió lạnh là bị nhiễm lạnh biểu hiện như sốt, nhức đầu và đau nhức toàn thân, sổ mũi và ho. Người bị trúng gió sẽ có biểu hiện sốt, đổ mồ hôi, nhức đầu, mắt đỏ, đau họng, nhạy cảm ánh sáng, khát nước, ho có đờm vàng và đặc, các vấn đề về hô hấp, táo bón và chảy máu cam.

Gió ẩm có tác dụng tương tự như cảm lạnh thông thường, gây đau nhức chân tay, bơ phờ, buồn nôn, chán ăn, tiêu chảy và có thể gây ra các bệnh như viêm khớp. Gió nội sinh tấn công gan và gây chóng mặt, co thắt, co giật và thậm chí hôn mê.

Trong khi đó, đột quỵ hay tai biến mạch máu não của tây y theo y học cổ truyền Trung Quốc được định nghĩa là “đột quỵ gió” được đặc trưng bởi tình trạng bất tỉnh và suy sụp đột ngột, lệch lưỡi và miệng, liệt nửa người, nói ngọng hoặc chỉ lệch lưỡi và miệng và liệt nửa người mà không bị ngã.

Tác nhân gây bệnh “đột quỵ gió” có liên quan mật thiết đến sự chuyển động ngược của khí huyết do chế độ ăn uống và lối sống bất thường, căng thẳng tâm lý, rối loạn tâm thần...

Về cơ chế của đột quỵ não theo y học cổ truyền Trung Quốc lý giải là do sự mất cân bằng của khí huyết và âm dương làm trung gian cho "gió giật” dẫn đến huyết khối hoặc xuất huyết não.

Theo tây y, tai biến mạch máu não, hay còn gọi là đột quỵ là tình trạng mất lưu thông máu đột ngột đến một khu vực của não, xảy ra khi mạch máu não bị tắc nghẽn bởi cục máu đông hoặc vỡ mạch, gây chảy máu trong não.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quang Thành, Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, có hai loại tai biến mạch máu não là: Đột quỵ thiếu máu cục bộ (nhồi máu não) và đột quỵ xuất huyết não.

Với đột quỵ thiếu máu cục bộ, hơn 80% các trường hợp tai biến mạch máu não do thiếu máu, xảy ra khi mạch máu cung cấp máu cho não bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn bởi cục máu đông.

Theo bác sĩ Nguyễn Quang Thành, nguyên nhân tai biến mạch máu não do thiếu máu cục bộ là huyết khối hình thành tại động mạch bị vữa xơ, thường là động mạch cảnh, động mạch sống nền và động mạch não. Xơ vữa động mạch là tình trạng chất béo tích tụ trong trong lòng mạch thành các mảng xơ và cứng, gây hẹp động mạch. Khi mảng xơ vữa vỡ ra tạo điều kiện hình thành cục máu đông lấp kín lòng mạch.

Một nguyên nhân khác là thuyên tắc mạch, khi cục máu đông hình thành ở một vị trí khác trong hệ tuần hoàn, thường là từ tim, sau đó di chuyển theo dòng máu lên não gây thuyên tắc mạch máu não. Nguyên nhân chính của thuyên tắc thường là do bệnh lý từ tim, viêm nhiễm, ung thư.

Trong khi đó, đột quỵ xuất huyết não xảy ra khi một mạch máu trong não bị vỡ và chảy máu ra xung quanh, gây tổn thương nhu mô não. Có hai loại là xuất huyết nội sọ (trong não) và xuất huyết khoang dưới nhện.

Các nguyên nhân gây tai biến mạch máu não do xuất huyết não là: Tăng huyết áp; các bệnh rối loạn đông máu; điều trị thuốc chống đông máu; liệu pháp tiêu sợi huyết trong điều trị nhồi máu cơ tim cấp hoặc đột quỵ thiếu máu não cấp tính (có thể gây xuất huyết não); dị dạng động tĩnh mạch, phình động mạch và các dị tật mạch máu khác (u tĩnh mạch và xoang hang); viêm mạch.

Bác sĩ Nguyễn Quang Thành nhấn mạnh, người mắc tai biến mạch máu não (đột quỵ) trong tây y, đông y gọi là đột quỵ gió (trúng phong) có triệu chứng nhận biết khác hoàn toàn so với trúng gió. Như vậy, trúng gió và đột quỵ là hai bệnh khác nhau về bản chất cũng như hướng điều trị.

Do đó, bác sĩ Thành khuyến cáo, những trường hợp có các biểu hiện rối loạn chức năng thần kinh khu trú, rối loạn vận động, ngôn ngữ, liệt… cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

"Trường hợp đột quỵ do thiếu máu não đến bệnh viện trước 4 giờ, chậm nhất là 6 giờ sẽ là thời gian vàng để can thiệp bằng phương pháp dùng thuốc tiêu sợi huyết hoặc lấy bỏ huyết khối. Nếu bệnh nhân đến viện muộn, hiệu quả điều trị giảm đi rất nhiều. Vì thế, người dân không nên mạo hiểm chờ xem những biểu hiện của mình là trúng gió hay đột quỵ vì có thể bỏ qua thời gian vàng điều trị", bác sĩ Thành nhấn mạnh. (Nhân dân, trang 8).

385 triệu người ở Tây Thái Bình Dương phải gánh chi phí y tế quá cao

Theo báo cáo của WHO, tỷ lệ người dân tại Tây Thái Bình Dương phải chịu mức chi phí y tế vượt 10% ngân sách gia đình đã tăng gấp đôi trong khoảng thời gian từ năm 2000-2017.

Theo báo cáo của WHO, tỷ lệ người dân tại Tây Thái Bình Dương phải chịu mức chi phí y tế vượt 10% ngân sách gia đình đã tăng gấp đôi trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2017.

Theo số liệu do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra ngày 11/12, khoảng 20% dân số khu vực Tây Thái Bình Dương, tương đương 385 triệu người, đã và đang phải gánh những khoản chi phí y tế quá cao.

Theo báo cáo của WHO, tỷ lệ người dân tại Tây Thái Bình Dương phải chịu mức chi phí y tế vượt 10% ngân sách gia đình đã tăng gấp đôi trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2017.

Trong năm 2000, chỉ có 10% dân số trong khu vực phải gánh mức chi phí y tế vượt quá khả năng chi trả của gia đình. Tỷ lệ này đã tăng gấp đôi lên 20% vào năm 2017.

Báo cáo nêu rõ chi phí y tế vượt quá khả năng chi trả có thể khiến người dân, đặc biệt là nhóm người dễ tổn thương, khó có thể khám chữa bệnh. Chi phí y tế cao còn có thể đẩy các gia đình rơi vào khó khăn tài chính, đặc biệt là những gia đình có thu nhập thấp, có người già hoặc sống ở vùng nông thôn. Tình trạng này làm tăng bất bình đẳng về y tế và kinh tế xã hội trong khu vực.

Báo cáo của WHO cho biết, đối với các hộ gia đình ở Tây Thái Bình Dương, tiền thuốc chữa bệnh chiếm nhiều nhất trong các chi phí y tế mà họ phải bỏ ra để chăm sóc sức khỏe, tiếp đó là tiền chăm sóc ngoại trú.

Giám đốc dịch vụ và hệ thống y tế của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương, Lluis Vinals Torres đã bày tỏ quan ngại về thực trạng trên, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải giảm chi phí thuốc men cho những người bị bệnh mạn tính cần sử dụng thuốc mỗi ngày. (Nhân dân, trang 8).  

 

Quy định mới về trách nhiệm kê khai giá thuốc của cơ sở kinh doanh dược

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 88/2023/NĐ-CP ngày 11/12/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược và Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế.

Nghị định nêu rõ, cơ quan quản lý nhà nước về giá thuốc có quyền có văn bản yêu cầu các cơ sở kinh doanh dược thực hiện kê khai giá báo cáo về mức giá kê khai, kê khai lại phù hợp với mặt bằng giá kê khai của mặt hàng tương tự trên thị trường, phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá để phục vụ công tác bình ổn giá, quản lý nhà nước về giá, kiểm tra, thanh tra theo quy định của pháp luật; thực hiện kiểm tra, thanh tra các cơ sở kinh doanh dược về giá thuốc theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước về giá thuốc có quyền chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật nếu phát hiện cơ sở kinh doanh thuốc vi phạm các quy định về quản lý giá thuốc trong các trường hợp: không thực hiện kê khai, kê khai lại; kê khai không đầy đủ giá thuốc theo quy định hoặc không điều chỉnh giá nhưng không báo cáo theo văn bản yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về giá thuốc đối với hồ sơ kê khai, kê khai lại của doanh nghiệp; báo cáo không trung thực các yếu tố hình thành giá hoặc bán thuốc cao hơn giá đã kê khai hoặc kê khai lại đang có hiệu lực.

Đồng thời, xem xét áp dụng các biện pháp trong trường hợp cơ sở kinh doanh dược đã vi phạm từ 2 lần trở lên trong thời gian 1 năm: tạm ngừng tiếp nhận hồ sơ đề nghị xác nhận nội dung thông tin, quảng cáo thuốc; tạm ngừng tiếp nhận hồ sơ đề nghị nhập khẩu thuốc chưa có Giấy đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam; tạm ngừng tiếp nhận hồ sơ cấp, gia hạn Giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Thời hạn tạm ngừng tiếp nhận hồ sơ quy định tại điểm này từ 3 tháng đến 12 tháng kể từ ngày ban hành văn bản thông báo hành vi vi phạm của cơ quan có thẩm quyền.

Cũng theo Nghị định, cơ quan quản lý nhà nước về giá thuốc có trách nhiệm thực hiện đúng quy định về tiếp nhận hồ sơ kê khai, kê khai lại giá thuốc quy định tại Điều 131 Nghị định này; rà soát hồ sơ kê khai, kê khai lại giá thuốc do các cơ sở kinh doanh dược kê khai theo đúng Biểu mẫu quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 4 Điều 130 Nghị định này và bảo mật mức giá kê khai, kê khai lại của tổ chức, cá nhân trong thời gian mức giá kê khai, kê khai lại chưa có hiệu lực thực hiện theo quy định của pháp luật".

Nghị định nêu rõ, cơ sở kinh doanh dược có quyền mua, bán thuốc theo giá đã kê khai, kê khai lại kể từ ngày cơ sở sản xuất hoặc cơ sở đặt gia công, cơ sở nhập khẩu thuốc nộp đủ hồ sơ kê khai, kê khai lại giá thuốc theo quy định và được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận. Trường hợp cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất hoặc cơ sở đặt gia công thuốc có điều chỉnh giảm giá kê khai so với kê khai liền kề thì cơ sở được quyền mua, bán ngay theo mức giá điều chỉnh giảm đồng thời với việc thực hiện kê khai giảm giá phù hợp với biến động giảm của yếu tố hình thành giá.

Cơ sở kinh doanh dược có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định về kê khai, kê khai lại giá thuốc, thông báo mức giá theo quy định của pháp luật và quy định tại Nghị định này; chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của hồ sơ kê khai, kê khai lại giá thuốc; chấp hành báo cáo về mức giá kê khai, kê khai lại theo yêu cầu của quản lý nhà nước về giá thuốc để phục vụ công tác bình ổn giá, quản lý nhà nước về giá, kiểm tra, thanh tra; chấp hành việc kiểm tra, thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có).

Nghị định nêu rõ, cơ sở kinh doanh dược không được bán buôn, bán lẻ thuốc cao hơn mức giá kê khai, kê khai lại do chính cơ sở sản xuất hoặc cơ sở đặt gia công, cơ sở nhập khẩu thuốc đó đã kê khai, kê khai lại. Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có văn bản yêu cầu cơ sở kinh doanh dược báo cáo về mức giá của mặt hàng thuốc do cơ sở đã kê khai, kê khai lại, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, cơ sở phải có văn bản phản hồi báo cáo về mức giá kê khai phù hợp với mặt bằng giá kê khai của mặt hàng tương tự trên thị trường hoặc phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá hoặc điều chỉnh giá kê khai, kê khai lại phù hợp theo ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về giá thuốc. Sau thời hạn trên, nếu cơ sở kinh doanh dược không có văn bản phản hồi thì hồ sơ kê khai, kê khai lại đã nộp không còn giá trị.

Cơ sở kinh doanh dược chấp hành các hình thức xử lý về kê khai giá thuốc theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, phí, lệ phí, hóa đơn.

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/12/2023. (Nhân dân, trang 8, Hà Nội mới, trang 5).

 

Giải trình tự gen, phát hiện sớm biến thể mới các bệnh truyền nhiễm

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi các Viện: Vệ sinh dịch tễ trung ương; Pasteur Nha Trang; Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên; Pasteur thành phố Hồ Chí Minh về việc chủ động theo dõi tình hình dịch bệnh trong nước.

Thời gian qua, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm đã ghi nhận các thông tin về việc gia tăng các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp và các trường hợp mắc cúm A(H5/N1) tại một số quốc gia trong khu vực.

Bên cạnh đó, một số bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng… và một số bệnh có vắc xin dự phòng vẫn ghi nhận số mắc gia tăng ở nhiều nơi.

Theo Bộ Y tế, hiện nay là giai đoạn chuyển mùa, tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện, lây lan, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm.

Để chủ động giám sát dịch bệnh, Bộ Y tế đề nghị các Viện: Vệ sinh dịch tễ trung ương; Pasteur Nha Trang; Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên; Pasteur thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên, liên tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh truyền nhiễm. Đồng thời, chủ động công tác giám sát; hướng dẫn các địa phương tiếp tục triển khai giám sát thường xuyên, giám sát trọng điểm, giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh.

“Các đơn vị phối hợp với các địa phương và các đơn vị liên quan chủ động lấy mẫu, giải trình tự gen phát hiện sớm các biến thể mới, các tác nhân gây bệnh, nhất là các tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường hô hấp, bệnh lây từ động vật sang người… Từ đó, chuẩn bị sẵn sàng các phương án đáp ứng với mọi tình huống xảy ra của dịch bệnh”, Bộ Y tế yêu cầu.

Ngoài ra, tăng cường hoạt động của Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp với sự kiện y tế công cộng (PHEOC); chủ động theo dõi thông tin dịch bệnh trong nước và quốc tế, có đánh giá, phân tích và đề xuất các biện pháp đáp ứng kịp thời, phù hợp.

Trước đó, Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường phòng, chống cúm gia cầm lây sang người trong bối cảnh bệnh này đang có diễn biến phức tạp tại Campuchia và có xu hướng gia tăng vào dịp cuối năm. (Hà Nội mới, trang 5).

 

Quản lý “Tiến trình” xét nghiệm - Lợi ích gia tăng của dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tận nơi MEDLATEC

Nhanh chóng, tiện lợi, chính xác là những lý do dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tận nơi MEDLATEC được hàng triệu người dân Việt Nam yêu thích, tin tưởng. Đặc biệt, dịch vụ này còn ưu việt hơn khi có thêm tính năng vượt trội theo dõi “tiến trình” xét nghiệm.

Giải pháp chăm sóc sức khỏe chủ động

Mỗi khi nhắc đến câu chuyện đi khám bệnh “ngày xưa”, người đi qua hai thế kỷ như ông Nguyễn Văn Thông (72 tuổi, Hà Nội) nhớ như inhình ảnh hàng dài người tay cầm cuốn sổ khám, chữa bệnh những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước.

Thế nhưng, hiện nay, những thay đổi và sự tiến bộvượt bậc của ngành y đã đem đến cho người dân sự an tâm, hài lòng khi được thụ hưởng các lợi ích và chính sách an sinh trong khám, chữa bệnh.

Với mong muốn mang đến người dân hình thức chăm sóc sức khỏe tiện lợi, cách đây gần 3 thập kỷ, GS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí - Nhà sáng lập, nay là Chủ tịch Hội đồng cố vấn MEDLATEC GROUP đã “khai sinh” dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tận nơi đầu tiên có ở Việt Nam. Sự tiên phong này được xem như “cuộc cách mạng” làm thay đổi văn hóa chăm sóc sức khỏe truyền thống của người dân.

Ông Thông chia sẻ: “Trước đây khi còn thanh niên, gần như tôi không có khái niệm đi khám, mà chỉ khi ốm mệt lắm mới khám, nhưngtôi thật sự ngao ngán và mệt mỏi vô cùng vì đi khám là phải chờ chực lâu.

Giờ đây bước sang độ tuổi thất thập, bệnh tật “rình rập” nên với tôi lúc này tài sản quý nhất là sức khỏe.Cũng may từ khi biết tới dịch vụ lấy mẫu tại nhà của MEDLATEC thì việc chăm sóc sức khỏe của tôi và các thành viên gia đình trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn nhiều”.

Lựa chọn hình thức chăm sóc sức khỏe tại nhà này, không chỉ gia đình ông Thông, mà hiện có 4 triệu người dân trên toàn quốc coi đây là giải pháp chăm sóc sức khỏe tiện ích, chủ động.

“Tiến trình” xét nghiệm - tiện ích “vàng” nâng cao trải nghiệm dịch

Để thương hiệu “lấy mẫu xét nghiệm tận nơi MEDLATEC” xứng đáng với sự yêu thích, tin tưởngcủa cộng đồng,xuyên suốt gần 3 thập kỷ qua, Nhà sáng lập cùng Ban lãnh đạo MEDLATEC luôn dành nhiều tâm huyết và quyết tâm nâng cao chất lượng dịch vụ như cam kết.

Đặc biệt, việc đưa vào vận hành ứng dụng y tế số My Medlatec, do Công ty cổ phần Công nghệ và Dịch vụ y tế số MED-ON (thành viên trực thuộc MEDLATEC Group) phát triển với tính năng quản lý “Tiến trình lấy mẫu” mang đến người dânsử dụng dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tận nơi trải nghiệm tuyệt vời và hoàn hảo hơn.

Tính năng theo dõi “tiến trình” xét nghiệm, ngay sau khi đặt lịch lấy mẫu thành công, một quy trình sử dụng dịch vụ được thiết lập chuẩn xác, khoa học. Bởi vậy, khách hàng chủ động nắm được lịch trình từ khi lịch hẹn được xác nhận, thời gian cụ thể lấy mẫu, tình trạng kết quả và tư vấn kết quả từ bác sĩ.

Gắn bó cùng dịch vụ lấy mẫu tại nhà nhiều năm nay, ông Thông vui vẻ bộc bạch: “Tôi thấy dịch vụ không ngừng gia tăng thêm tiện ích. Giờ đây dịch vụ còn tuyệt vời hơn khi ngay trên điện thoại chỉ cần tải app My Medlatec đã mang đến cho chúng ta rất nhiều tiện ích thiết thực. Điều tôi tâm đắc nhất là ngay khi có kết quả, ứng dụng tự động lưu toàn bộ kết quả để trở thành hồ sơ sức khỏe số, vô cùng thuận tiện cho tra cứu, so sánh các chỉ số/danh mục giữa các lần khám/xét nghiệm”.

“Cá thể hóa” chăm sóc sức khỏe bằng cái chạm tay

Bên cạnh tính năng vượt trội theo dõi “đường đi” xét nghiệm, ứng dụng 4.0 My Medlatec giúp “cá thể hóa” người dùng, nâng cao trải nghiệm khi khách hàng sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh tại Hệ thống Y tế MEDLATEC nói chung và dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tận nơi nói riêng. Do vậy, chỉ bằng một cái chạm tay trên ứng dụng y tế thông minh này, người dân được hưởng ngay nhiều lợi ích thiết thực khác gồm:

·Đặt lịch dễ dàng: Với thông tin khai báo khi cài ứng dụng, nên để đặt lịch xét nghiệm tận nơi, khách hàng không phải khai báo lại thông tin, do địa chỉ đã được tự động ghi nhớ và lưu sẵn trên ứng dụng.

  • Tra cứu kết quả nhanh chóng: Ngay khi có kết quả xét nghiệm, khách hàng đồng thời nhậnđược tin nhắn thông báo và xem chi tiết kết quả (bao gồm cả kết quả chẩn đoán hình ảnh - thăm dò chức năng nếu khách hàng khám tại viện).
  • Tránh lo lắng: Tính năng nhận diện chính xác nhân viên đến lấy mẫu giúp khách hàng an tâm, tin tưởng được phục vụ bởi đơn vị uy tín số 1 tại Việt Nam, xua đi lo lắng nhân viên của đơn vị khác giả mạo đến lấy.
  • Hồ sơ sức khỏe số: Ứng dụng lưu trữ tất cả kết quả xét nghiệm, thăm khám của cá nhân hoặc người thân trong gia đình. Thông qua hồ sơ sức khỏe số này, người dân dễ dàng quản lý, theo dõi sức khỏe cho cả gia đình một cách khoa học theo từng cá nhân, theo thời gian và đây cũng là dữ liệu bệnh sử quan trọng để cung cấp cho các bác sĩ khi đến thăm khám tại bất kỳ cơ sở y tế nào khác.
  • Bảo mật: Toàn bộ thông tin cá nhân, hồ sơ sức khỏe của khách hàng, MEDLATEC cam kết bảo mật tuyệt đối.

Ngoài ra, app còn có tính năng tìm kiếm cơ sở y tế trong hệ thống MEDLATEC gần nhất dù bạn đang ở bất cứ đâu và tiết kiệm chi phí khám, chữa bệnh với nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn. Trước những tiện ích đem lại, đến nay số lượng tải app không ngừng gia tăng kể từ khi app chính thức trình làng công nghệ.

Với tính nhân văn và những giá trị đem lại cho cộng đồng, dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tận nơi (chèn link: https://medlatec.vn/dich-vu/xet-nghiem-lay-mau-tai-nha) MEDLATEC vinh dự nhận giải thưởng "Sản phẩm dịch vụ chất lượng ASEAN 2023". Đồng thời, ứng dụng My Medlatec được vinh danh “Sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ số xuất sắc” tại Lễ trao Giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards năm 2023. Đây cũng là phần mềm y tế duy nhất đạt Giải thưởng Sao Khuê 2023 tại hạng mục “Lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe”.

Chủ động chăm sóc sức khỏe tận nơi, người dân đừng quên đặt lịch qua tổng đài 1900 56 56 56, hoặc app My Medlatec. (Hà Nội mới, trang 5).  

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang