Hướng tới trở thành trung tâm y tế hàng đầu của khu vực miền núi phía bắc
Thấm nhuần tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt 60 năm qua, kể từ ngày Bác Hồ về thăm (13-3-1960), tập thể những người thầy thuốc của Bệnh viện T.Ư Thái Nguyên không ngừng nỗ lực thi đua lập nhiều thành tích, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao, nhất là trong công tác khám bệnh, chữa bệnh, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Bệnh viện T.Ư Thái Nguyên, tiền thân là Bệnh viện Liên khu Việt Bắc, được thành lập tháng 7-1951 (tại Minh Lập, Đồng Hỷ, Thái Nguyên) với nhiệm vụ được giao là “Y tế dân công và kháng chiến kiến quốc”. Bệnh viện đã có nhiều đóng góp vào thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của toàn dân tộc. Ngày 13-3-1960, tập thể cán bộ, nhân viên của bệnh viện vui mừng được đón Bác Hồ đến thăm. Phát huy truyền thống và làm theo lời căn dặn của Người, tập thể cán bộ, nhân viên luôn đoàn kết, phát huy sức mạnh tập thể xây dựng bệnh viện lớn mạnh trở thành trung tâm y tế vùng chuyên sâu của khu vực.
Theo PGS, TS Nguyễn Công Hoàng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện T.Ư Thái Nguyên, trải qua gần 70 năm xây dựng và phát triển, nhất là trong giai đoạn 10 năm trở lại đây, bệnh viện đã có những bước phát triển vượt bậc về mọi mặt. Đội ngũ những người thầy thuốc của bệnh viện khắc ghi lời Bác dạy, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm và xác định được sứ mệnh của mình. Học tập và làm theo Bác, bệnh viện đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Bệnh viện đã hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy các đơn vị trực thuộc được chia tách phát triển theo hướng mũi nhọn chuyên sâu các chuyên ngành với 54 khoa, phòng, trung tâm, gần 1.200 cán bộ, viên chức có trình độ cao, chuyên sâu, tâm huyết.
Hiện nay, bệnh viện là cơ sở y tế dẫn đầu khu vực miền núi phía bắc về ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị cho người bệnh ở các lĩnh vực. Tiêu biểu như trong lĩnh vực nội khoa và tim mạch can thiệp, bệnh viện đã thực hiện được chụp mạch, nong và đặt xten động mạch vành, động mạch cảnh, động mạch não; chụp động mạch ngoại biên; đặt máy tạo nhịp tạm thời; cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn, điều trị đột quỵ do tắc mạch. Là một trong 15 bệnh viện trên toàn quốc thực hiện kỹ thuật ghép thận (thực hiện 25 cặp ghép có tỷ lệ thành công 100%); phẫu thuật tim kín; phẫu thuật tim hở (thay van, vá lỗ thông liên thất, liên nhĩ…); phẫu thuật khâu nối mạch máu; cắt u phổi, u trung thất…; phẫu thuật nội soi các chuyên khoa: phát hiện sàng lọc, chuẩn đoán ung thư...
Những năm qua, bệnh viện luôn là lá cờ đầu về năng suất, chất lượng, hiệu quả trong công tác khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh và cấp cứu thiên tai, thảm họa khi xảy ra. Bệnh viện luôn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra năm sau cao hơn năm trước. Trung bình mỗi năm bệnh viện thu dung điều trị cho hơn 66 nghìn lượt người bệnh nội trú, gần 400 nghìn lượt người bệnh khám, điều trị ngoại trú và khám sức khỏe ngoại viện cho hàng trăm nghìn lượt người cho các tập đoàn công nghiệp; hàng trăm kỹ thuật mới được triển khai, nâng tỷ lệ thực hiện danh mục kỹ thuật của Bộ Y tế ban hành từ 70% (năm 2016) lên 80% (năm 2019).
Với vai trò là cơ sở đào tạo thực hành chính của Trường đại học Y - Dược Thái Nguyên và các trường y dược trong khu vực, hằng năm bệnh viện đã tham gia đào tạo hàng nghìn bác sĩ, dược sĩ có trình độ đại học, tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I, bác sĩ chuyên khoa II đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho ngành y tế. Bên cạnh đó, bệnh viện đặc biệt quan tâm đến công tác hợp tác quốc tế với các nước có nền y học tiên tiến như Nhật Bản, Đức, Pháp, Thái-lan,… để chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực. Không chỉ trong công tác chuyên môn, bệnh viện luôn tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng nông thôn mới và thực hiện CNH - HĐH đất nước. Hằng năm, đã tổ chức hàng chục đợt khám, chữa bệnh nhân đạo, cấp phát thuốc miễn phí cho người nghèo, đồng bào vùng khó khăn, các đối tượng chính sách, người có công… Bằng trí tuệ, tâm huyết, sự hy sinh thầm lặng của người thầy thuốc, những năm qua, bệnh viện đã có nhiều tập thể, cá nhân là những tấm gương sáng được người bệnh và nhân dân khen ngợi, Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành khen thưởng, góp phần tạo bước phát triển đột phá của bệnh viện hiện nay.
Có được kết quả đó, là nhờ bệnh viện đã phát huy được sức mạnh đoàn kết, trí tuệ của tập thể ban lãnh đạo, cán bộ, nhân viên thấm nhuần tư tưởng và học tập làm theo đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh từ quan điểm chỉ đạo, đến tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, kế hoạch thực hiện của chính quyền và hành động cụ thể của mỗi cán bộ, viên chức trong việc phục vụ người bệnh. Một trong những dấu ấn của sự thành công là việc bệnh viện đã tập trung xây dựng và triển khai thành công bảy đề án phát triển từ việc nâng cao đạo đức cách mạng, ý thức trách nhiệm cho đảng viên; phát triển đội ngũ nhân lực y tế đến cải tiến và nâng cao chất lượng bệnh viện toàn diện; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế hiện đại; xây dựng Đảng bộ Bệnh viện T.Ư Thái Nguyên thành đảng bộ trên cơ sở đạt xuất sắc toàn diện… Kết quả kiểm tra đánh giá chất lượng bệnh viện theo 83 tiêu chí của Bộ Y tế năm sau cao hơn năm trước, năm 2019 đạt 4,01 điểm đã khẳng định được vai trò, vị thế của mình, được người bệnh hài lòng và nhân dân tin tưởng.
Tập thể cán bộ, nhân viên Bệnh viện T.Ư Thái Nguyên hôm nay đang tiếp tục tập trung trí tuệ, sức mạnh đoàn kết, kế thừa truyền thống xây dựng bệnh viện ngày càng khang trang, hiện đại… xứng tầm là bệnh viện trung ương tuyến cuối khu vực, đáp ứng yêu cầu công tác phòng bệnh, khám, chữa bệnh trong giai đoạn tới. (Nhân dân, trang 5).
Tìm mọi biện pháp ngăn chặn dịch Covid-19
Tất cả 16 người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Corona (Covid-19) đều phục hồi tốt. Góp phần có được thành công đó là việc có được phác đồ điều trị bám sát từng ca bệnh và sự phân tuyến điều trị hợp lý.
Bên cạnh những biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 thì phương án điều trị như thế nào cũng là một thách thức lớn đối với các cơ sở điều trị (bệnh viện). Mặc dù chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng ngành y tế Việt Nam đã xây dựng được phác đồ điều trị khá hiệu quả. Tới nay, tất cả 16 trường hợp dương tính với bệnh, chúng ta đã điều trị thành công, trong đó có ba trường hợp khá phức tạp là một trẻ em ba tháng tuổi và hai người có bệnh nền (cao huyết áp, đái tháo đường). Theo các nghiên cứu, thống kê trên thế giới, phần lớn số người chết bởi dịch Covid-19 đều cao tuổi (hơn 60 tuổi) và có những bệnh nền, trong đó có một ca bệnh (ông Li Ding, người Vũ Hán, Trung Quốc) có tới bốn bệnh nền gồm: Cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường và từng cắt phổi do ung thư.
PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: Với tinh thần “không để dịch lây lan” ngay từ những ngày đầu, khi có thông tin về dịch bệnh, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt ngành y tế và các bộ, ngành liên quan phòng, chống dịch Covid-19. Trong hệ thống khám, chữa bệnh, Hội đồng chuyên môn với các giáo sư đầu ngành đã tổ chức nhiều cuộc họp, thảo luận kỹ các phương án, tình huống... Có thể nói, tại Việt Nam, những hướng dẫn chuyên môn điều trị bệnh thường được xây dựng sớm.
PGS, TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh: Với dịch bệnh này, chúng tôi thấy có những đặc thù với dịch SARS trước kia (năm 2003) và bệnh dịch mới nổi hiện nay cho nên Việt Nam có hướng dẫn điều trị cập nhật ngay từ những ngày trước Tết Nguyên đán Canh Tý. Sau đó, Việt Nam tiếp tục tập huấn triển khai một cách quyết liệt các phác đồ hướng dẫn điều trị cho các bệnh viện. Ngay sau khi điều trị khỏi cho ba trường hợp đầu tiên (tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Khánh Hòa và Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa), phác đồ điều trị một lần nữa được cập nhật, đưa ra những chiến lược điều trị cụ thể từ hướng dẫn đón tiếp ban đầu, cách ly người bệnh đến sử dụng thuốc, dịch truyền và phương tiện cấp cứu cần thiết nhất cho người bệnh nặng bằng phương tiện hiện đại nhất. Có thể nói, đối phó với dịch Covid-19, ngành y tế Việt Nam luôn đi trước khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Đáng chú ý, việc phân tuyến điều trị người mắc Covid-19 tại các bệnh viện được Bộ Y tế bố trí như hiện nay cũng hợp lý, hiệu quả. Người dân hoàn toàn có thể yên tâm về công tác phòng, chống dịch bệnh. Với những trường hợp có triệu chứng không nặng, chưa diễn biến nặng thì giữ ở tuyến tỉnh điều trị. Tỉnh Thanh Hóa, Khánh Hòa đã “giữ” người bệnh để điều trị ngay tại tỉnh và họ đã thành công khi điều trị khỏi. Đây là cơ sở để xác định việc không cần tập trung người bệnh mắc Covid-19 về các trung tâm lớn. Thậm chí có thể để người bệnh điều trị ngay tại tuyến huyện với sự hỗ trợ chuyên môn từ bệnh viện tuyến trên (cách làm như ở các huyện Bình Xuyên và Tam Đảo, Vĩnh Phúc). Với phương châm bốn tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và sự chi viện của bác sĩ tuyến trên sẽ giúp cơ sở tuyến tỉnh, huyện đủ khả năng điều trị cho người bệnh. Từ kinh nghiệm trong điều trị cho cả 16 người bệnh, Tiểu ban Điều trị (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19) sẽ tổng hợp các số liệu về dịch tễ học, lâm sàng và các kết quả điều trị để tiếp tục cập nhật thêm phác đồ điều trị trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia y tế, đối với bệnh truyền nhiễm, nguyên tắc số một là phải cách ly thật tốt. Đối với dịch Covid-19, nhất là trong khu vực bệnh viện cần bảo đảm nguyên tắc tuyệt đối cách ly nguồn bệnh. Do vậy, khi tiếp nhận người bệnh (có thể là người nghi mắc bệnh, có thể dương tính nhẹ, hay nặng) đội ngũ y tế cũng như người bệnh cần phải tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc cách ly (đã được ban hành). Để bảo đảm chất lượng chuyên môn cũng như an toàn cho người bệnh, thầy thuốc, cộng đồng, Bộ Y tế đã có văn bản tiếp tục nhắc nhở các giám đốc sở y tế, giám đốc bệnh viện và các cơ sở y tế đặc biệt quan tâm việc cách ly, quản lý người bệnh ở tại cơ sở. Mục tiêu của Bộ Y tế là có phương pháp bảo vệ và cố gắng không để các thầy thuốc bị lây bệnh và không để lây từ bệnh viện ra cộng đồng.
Trong quá trình cách ly cần phối hợp chặt chẽ các cơ quan liên quan: công an, chính quyền địa phương... thậm chí, có những khu vực cần tổ chức quản lý chặt chẽ, tuyệt đối. Có ba khu vực cách ly, đó là khu vực với những người nghi mắc (chưa phải là người bệnh dương tính nhưng cũng phải được cách ly tuyệt đối); khu dành cho người đã bị bệnh rồi nhưng nhẹ, vẫn sinh hoạt bình thường được; khu dành cho những người bị bệnh nặng. Ở đây, ngay cả quần, áo, chất thải của người bệnh và các nguồn lây đều được quản lý theo quy chuẩn của Bộ Y tế về an toàn sinh học, kiểm soát nhiễm khuẩn. Đáng chú ý, đối với người bệnh được cho xuất viện là mới ra viện về lâm sàng bệnh nhưng về tâm lý, thể trạng vẫn cần phải được theo dõi, quan tâm, động viên và tránh sự kỳ thị... (Nhân dân, trang 5).
Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân, trang 3: “Lực lượng công an nỗ lực phòng chống dịch Covid-19”.
Tự bảo vệ mình và không gây họa cho cộng đồng
Diễn đàn “Ý thức trách nhiệm với cộng đồng” đã tiếp nhận nhiều ý kiến của bạn đọc về việc nâng cao ý thức trong việc chung sức ngăn ngừa dịch Covid-19 lây lan.
Không làm dịch bệnh lây lan
Trong thời gian này, khi các trường học và một số cơ quan, xí nghiệp phải nghỉ để phòng chống dịch lại có một số người tranh thủ đưa con đi du lịch trong nước và nước ngoài, thậm chí đến những nơi đang có dịch bệnh. Điều này tiềm ẩn nguy cơ bị lây nhiễm và mang mầm bệnh về lây cho những người tiếp xúc.
Mỗi người hãy nâng cao ý thức bảo vệ mình và cộng đồng, không tập trung nơi đông người, hạn chế đến những nơi có dịch. Nếu thấy bản thân có dấu hiệu bị lây nhiễm phải trình báo để được cách ly, điều trị, tránh lây lan cho người khác khiến tình hình khó kiểm soát hơn.
Virus rất dễ dàng xâm nhập những cơ thể có sức đề kháng yếu, do vậy, nên rèn luyện, giữ gìn sức khỏe, có một chế độ ăn uống hợp lý, đủ dinh dưỡng; rửa tay thường xuyên với các dung dịch sát khuẩn để ngăn ngừa dịch bệnh.
NGUYỄN HOÀI ÂN, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi
Nghiêm túc chấp hành biện pháp cách ly
Việc những người từ vùng dịch về nước gian dối trong việc khai báo, giấu bệnh, trốn cách ly đã gây hậu quả nặng nề. Đó là hành động phạm pháp, thiếu ý thức phòng dịch, vô trách nhiệm với sức khỏe cá nhân và cả cộng đồng.
Trong 2 tháng qua, để điều trị thành công cho 16 trường hợp nhiễm Covid-19, nước ta đã phải huy động nhiều công sức, trí tuệ của đội ngũ y tế và đã phải tốn kém kinh phí điều trị rất lớn. Thế nhưng, chỉ vài người bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh trốn cách ly đã gây thêm tai họa nặng nề, số ca lây nhiễm tăng vọt.
Trong những biện pháp phòng chống dịch Covid-19, thì cách ly những trường hợp nghi nhiễm là biện pháp cần thiết để ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh lây ra cộng đồng. Dù rằng không ai cảm thấy thoải mái khi ở trong khu vực cách ly vì phải xa gia đình, không lo được việc làm ăn, nhưng đây là biện pháp cần thiết trong lúc dịch đang bùng phát như hiện nay.
Pháp luật nghiêm cấm việc không chấp hành các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm; hành vi từ chối hoặc trốn tránh cách ly y tế, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do vậy, đã đến lúc chúng ta không nên chỉ dừng lại ở việc kêu gọi nâng cao ý thức của người dân, mà cần phải có hình phạt thích đáng với những trường hợp không nghiêm túc chấp hành biện pháp cách ly. Những người bị cách ly và gia đình nên hiểu, ủng hộ biện pháp này để góp phần ngăn chặn dịch bệnh.
LÊ QUANG HUY, Trường THCS Trừ Văn Thố, tỉnh Tiền Giang
Không nên đặc cách trong việc phòng chống dịch
Trong thời gian qua, đã có những trường hợp về/đến nước ta từ vùng dịch mà không gặp vấn đề gì về thủ tục nhập cảnh cũng như kiểm tra y tế và kiểm tra thân nhiệt tại sân bay, không phải cách ly. Trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay, cơ quan chức năng không nên đặc cách, bỏ qua quy trình y tế về phòng chống dịch đã đề ra.
Việc bắt buộc thực hiện đúng quy trình y tế về chống dịch là rất cần thiết, vừa thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật và bình đẳng, vừa nêu cao tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm của mọi người trong việc phòng chống dịch bệnh nguy hiểm. Chúng ta không nên quá cứng nhắc nhưng cũng tuyệt đối không nên xem nhẹ, bỏ qua các quy định về phòng chống dịch bệnh. Đặc cách trong việc phòng chống dịch sẽ tạo ra tiền lệ xấu, nhiều người sẽ có ý kiến phản đối, thậm chí phá vỡ quy tắc, quy định, khiến khó có thể xử lý những trường hợp không chấp hành việc cách ly.
Luật gia PHẠM VĂN CHUNG
Trung thực khi làm tờ khai y tế
Ngay khi nhận được tin nhắn của Bộ Y tế về việc làm tờ khai y tế, nhiều người đã truy cập trang web tokhaiyte.vn và khai báo theo hướng dẫn rất dễ dàng, nhanh chóng. Đây là một việc làm cần thiết và cấp bách nhằm phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên đã có những người khai ẩu, khai dối, thậm chí xem tờ khai này như trò đùa, khai nhiều lần với nhiều số điện thoại khác nhau, làm rối cơ quan chức năng khi xử lý thông tin.
Do vậy không thể trông chờ vào sự tự nguyện, mà cần đưa thêm biện pháp pháp lý đối với tờ khai này. Nên có quy định và đưa vào tờ khai các nội dung: chính sách điều trị bệnh khuyến khích người dân tự kê khai trung thực; biện pháp chế tài xử lý nếu khai gian; mức phạt đối với những trường hợp vào mạng tokhaiyte.vn khai bậy bạ nhiều lần; quy định yêu cầu mọi người phải có làm tờ khai y tế trước khi khám chữa bệnh.
DƯƠNG VĂN MINH LỘC, phường Bình Trưng Tây, quận 2, TPHCM. (Sài Gòn giải phóng, trang 3).
Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ, trang 1: “Phải xử lý nghiêm người chốn cách ly”; Tiền phong, trang 1: “Ứng phó dịch Covid-19: Xử lý nghiêm người gian dối, trồn cách ly”.
Việt Nam khẳng định công nghệ xét nghiệm nCoV
Cùng với việc nghiên cứu thành công, đưa vào sản xuất đại trà bộ sinh phẩm (bộ kit) realtime RT PCR phát hiện virus Corona chủng mới (nCoV), các nhà khoa học Việt Nam khẳng định về chất lượng bộ kit cũng như khả năng đáp ứng số lượng, giá thành, giúp công tác phòng chống Covid-19 đạt hiệu quả cao hơn.
Độ ổn định, chính xác cao
Trung tướng, GS-TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y - đơn vị chủ trì nghiên cứu và phát triển bộ sinh phẩm xét nghiệm nCoV, cho biết kit thử của Việt Nam có chất lượng tương đương kit của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhưng nhiều ưu việt hơn về độ nhạy, độ đặc hiệu và tính ổn định.
Cụ thể, kỹ thuật nhóm nghiên cứu sử dụng là sự tích hợp các thử nghiệm nên chỉ cần một phép thử (tránh những thao tác dẫn đến kết quả không chính xác); cùng lúc chạy được 96 mẫu (nhiều hơn so với bộ kit của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ - CDC - là 24 mẫu).
Đặc biệt, bộ kit do các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu có độ ổn định trên các hệ thống máy real-time khác nhau, ứng dụng được tại nhiều địa bàn trên cả nước có hệ thống máy không cùng chủng loại. Sự tích hợp này giúp rút ngắn thời gian, ít bước xét nghiệm nên chi phí giá thành bộ kit giảm hơn.
Thiếu tá Hoàng Xuân Sử, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết theo quy trình của WHO thiết kế cần thực hiện 2 phản ứng khác nhau để nhận biết mẫu bệnh phẩm có nhiễm nCoV hay không, trong khi bộ kit của Việt Nam chỉ cần thực hiện một phản ứng (bộ kit của CDC Hoa Kỳ phải thử 3 phản ứng). “Việt Nam nghiên cứu sau nên khắc phục được các hạn chế của các đơn vị nghiên cứu đi trước”, Thiếu tá Hoàng Xuân Sử phân tích.
Cũng theo Thiếu tá Hoàng Xuân Sử, nhóm nghiên cứu đã phải liên hệ với đối tác tại Viện Virus học của Đại học Charite Berlin, Viện Y học nhiệt đới Bernhard Nocht, CHLB Đức và tham khảo các đối tác nghiên cứu ở Pháp, Singapore để có thêm tư vấn, trao đổi về thông tin di truyền, phương tiện xác định mẫu nCoV mới nhất.
Độ chính xác của kit thử trong một phản ứng được đo bằng độ nhạy, độ đặc hiệu và ngưỡng phát hiện. GS-TS Đỗ Quyết cho biết, bộ kit Việt Nam về độ nhạy có thể phát hiện 5 copies trong một phản ứng, tương ứng với mẫu thử nghiệm lâm sàng 300-400 copies/ml một mẫu bệnh phẩm.
Vì vậy, GS-TS Đỗ Quyết khẳng định bộ kit Việt Nam có độ chính xác rất cao khi cho kết quả mẫu bệnh phẩm âm tính, tức là đối tượng không bị nhiễm nCoV. Mặt khác, độ ổn định (tính tương thích) với các máy PCR (một kỹ thuật được sử dụng trong phòng thí nghiệm để tạo ra hàng triệu bản sao của DNA trong ống nghiệm) Việt Nam đang có, bộ kit đều tương thích. Trừ thời gian một giờ để tách mẫu bệnh phẩm (xử lý vô trùng, bất hoạt virus, tách RNA), bộ kit thử cần khoảng 1 giờ sẽ cho kết quả.
Sản xuất đại trà với giá thành hợp lý
Bộ kit này được hoàn thiện chỉ trong thời gian một tháng sau khi Bộ trưởng Bộ KH-CN quyết định phê duyệt kinh phí, giao trực tiếp Học viện Quân y chủ trì phối hợp cùng Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á nghiên cứu, sản xuất.
Về năng lực sản xuất, ông Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á, cho biết hiện nay năng lực sản xuất của công ty khoảng 10.000 bộ kit/ngày, khi cần huy động có thể tăng công suất lên gấp 3 lần. Như vậy, hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, hoặc hỗ trợ quốc tế trong tình trạng dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều nơi trên thế giới.
Cũng theo ông Phan Quốc Việt, do có sự tài trợ kinh phí của Bộ KH-CN theo chương trình KH-CN trọng điểm quốc gia và sự hỗ trợ của các đối tác nên giá thành mỗi bộ kit dự kiến từ 400.000-600.000 đồng (bằng 1/4 giá thành một bộ kit tương tự của nước ngoài). Hiện nay, ngoài Việt Nam còn có WHO, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Đức đã sản xuất thành công bộ kit phát hiện nhanh virus nCoV.
Ông Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ KH-CN các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ KH-CN), cho biết đây là lần đầu tiên trong thời gian ngắn, với sự phối hợp của các nhà khoa học, các nhà quản lý, doanh nghiệp, Việt Nam đã thành công trong việc sản xuất bộ kit thử nhanh nCoV. Trên thực tế cũng đã có một số nhóm sản xuất các chế phẩm sinh học, các bộ kit thử nhanh nCoV. Tuy nhiên, bộ kit realtime RT PCR one step là bộ kit đầu tiên được cấp phép lưu hành nhanh và được phép sản xuất hàng loạt, trải qua sự đánh giá nghiêm ngặt từ các cơ quan y tế.
Hiện Bộ Y tế đã cấp phép tạm thời, đưa vào sản xuất đại trà bộ kit này trong 6 tháng. Trong quá trình này, nhóm nghiên cứu vẫn tiếp tục thực hiện xét nghiệm sàng lọc, sản xuất sinh phẩm chẩn đoán invitro (trong ống nghiệm), phải tiếp tục phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đánh giá hiệu quả của sản phẩm trên lâm sàng và kiểm tra với sản phẩm đối chứng.
“Nhóm nghiên cứu cũng đang tiếp tục hoàn thiện sản phẩm và hồ sơ để được xem xét cấp số đăng ký lưu hành theo quy định. Sau 6 tháng, kết quả các ca thử nghiệm lâm sàng sẽ rà soát lại để trình Bộ Y tế cấp phép sử dụng tiếp theo”, GS-TS Đỗ Quyết nhấn mạnh. (Sài Gòn giải phóng, trang 4).
WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu
Ngày 11-3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây ra là một đại dịch toàn cầu.
Dịch bệnh này đã lây lan nhanh chóng ra hơn 121.000 người từ châu Á tới châu Âu và hiện có ở nhiều nơi của nước Mỹ.
Theo Reuters, phát biểu tại một cuộc họp báo, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: “Chúng tôi rất quan ngại cả về mức độ lây lan và mức độ nghiêm trọng đáng báo động cũng như mức độ hành động kém (của nhiều nước) một cách đáng báo động. Do đó, chúng tôi đã đưa ra đánh giá rằng Covid-19 có thể được mô tả như một đại dịch”.
Cũng theo ông Ghebreyesus, nếu các quốc gia phát hiện, kiểm tra, điều trị, cách ly, truy tìm và huy động người dân của họ phản ứng kịp thời thì đã có thể ngăn chặn nhiều ca nhiễm mới Covid-19, ngăn chặn những trường hợp đó trở thành cụm và những cụm đó trở thành lây truyền trong cộng đồng.
Ngày 11-3, chính quyền tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc thông báo các lĩnh vực then chốt như giao thông công cộng, thiết bị y tế và sản xuất nhu yếu phẩm hàng ngày ở Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, sẽ được phép hoạt động trở lại, trong khi các ngành công nghiệp khác vốn chịu tác động của chuỗi cung ứng quốc gia hay toàn cầu cũng có thể nối lại hoạt động nếu được cơ quan hữu quan cho phép.
Trong khi đó, hôm 10-3, nội các Thái Lan cũng đã chính thức thông qua gói kích thích, dự kiến sẽ bơm 400 tỷ baht (hơn 12,7 tỷ USD) cho nền kinh tế nhằm giảm nhẹ tác động của dịch Covid-19.
Khi số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ vượt quá 1.000, làm gần 30 người chết, ngày 11-3, Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ đã đàm phán các biện pháp để củng cố nền kinh tế. Một số thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa cho biết có thể có một thỏa thuận tiềm năng bao gồm 300 tỷ USD giảm thuế, trợ giúp các khoản thanh toán tiền thuê nhà và thế chấp, thanh toán hóa đơn y tế.
Theo Reuters, tại Anh, Ngân hàng Trung ương đã cắt giảm lãi suất 0,5% trong một động thái khẩn cấp để chống lại sự sụp đổ kinh tế bởi dịch Covid-19.
Để thích nghi điều kiện thời dịch bệnh, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tuyên bố tất cả các nhân viên của tổ chức này sẽ làm việc tại nhà riêng vào ngày 13-3. Một người phát ngôn của Ngân hàng Thế giới (WB) cho hay, tổ chức này cũng đang tiến hành thử nghiệm các quy trình làm việc từ xa ở quy mô nhỏ hơn. Trong khi đó, các quan chức tại trụ sở Liên hiệp quốc ở New York đã yêu cầu đội ngũ nhân viên thực hiện chế độ làm việc từ xa, đặc biệt là những người đến từ các quốc gia có tình trạng lây lan dịch Covid-19 trên diện rộng. (Sài Gòn giải phóng, trang 10).
Cùng chủ đề Báo Thanh niên, trang 24: “WHO chính thức tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu”.
Kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh vào Việt Nam
Tất cả các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam đều phải khai báo y tế bắt buộc. Nếu khai báo gian dối sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Sáng 11/3, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã họp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì cuộc họp.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã thảo luận, phân tích, đánh giá tình hình dịch bệnh tại châu Âu; công tác kiểm soát dịch tễ tại cửa khẩu; quản lý người xuất nhập cảnh; tổ chức cách ly người từ vùng có dịch nhập cảnh vào Việt Nam; kiểm soát biên giới; giám sát, phát hiện người bệnh tại cộng đồng; công tác chuẩn bị tại các bộ, ngành để sẵn sàng ứng phó với các tình huống mới; khôi phục lại một số đường bay quốc tế…
Đối với người nước ngoài, đại diện Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, công dân nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam vừa phải tuân thủ quy định của luật pháp quốc tế, vừa phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Do đó, nếu người nước ngoài vào Việt Nam mà khai báo y tế bắt buộc không đúng theo quy định của Việt Nam về kiểm soát dịch bệnh thì sẽ phải chịu các hình thức xử phạt về hành chính, thậm chí trường hợp gây hậu quả lây nhiễm trong cộng đồng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.
Về giao thông, để ngăn chặn dịch bệnh, các đại biểu thống nhất đối với các hãng hàng không của Việt Nam quy định bắt buộc hành khách phải đeo khẩu trang từ khi ngồi trên máy bay cho đến khi đã vào Việt Nam và làm thủ tục nhập cảnh phải đeo khẩu trang.
Đối với các hãng hàng không nước ngoài, chúng ta có khuyến nghị mạnh mẽ. Khi hành khách đã vào cảng hàng không làm thủ tục nhập cảnh thì bắt buộc phải đeo khẩu trang. Các cảng hàng không sẽ phát khẩu trang miễn phí cho hành khách.
Các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp quản lý chặt chẽ khách quá cảnh tại Việt Nam, yêu cầu các cảng hàng không quốc tế bố trí khu riêng phục vụ cho khách quá cảnh. Trong thời gian chờ bay, hành khách nếu thuộc diện nghi ngờ, tuổi cao có bệnh nền, người có triệu chứng lâm sàng, dịch tễ,… thì tuyệt đối không được nhập cảnh. Các trường hợp còn lại muốn nhập cảnh thì phải khai báo y tế bắt buộc.
Bộ Giao thông vận tải khuyến nghị lái xe các phương tiện giao thông công cộng (đặc biệt là lái xe taxi) phải đeo khẩu trang, yêu cầu hành khách phải đeo khẩu trang,…
Về tổ chức cách ly, Ban Chỉ đạo thống nhất tiếp tục kiên định thực hiện cách ly tập trung 14 ngày. Ban Chỉ đạo đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn, tập huấn cụ thể cho các địa phương về việc giảm mật độ cách ly và tổ chức cách ly tại cộng đồng.
Những người thuộc diện cách ly tập trung, sau 3 ngày xét nghiệm nếu kết quả âm tính với virus gây COVID-19 sẽ được chuyển về cách ly tại địa phương nhưng vẫn tiếp tục phải theo dõi sức khỏe theo hướng dẫn của của chính quyền và cơ quan y tế, đồng thời tiến hành lập hồ sơ sức khoẻ điện tử. (Gia đình & Xã hội, trang 2).
Cùng chủ đề Báo Thanh niên, trang 5: “Không để “lọt lưới” người về từ vùng dịch”; Công an Nhân dân, trang 2: “Nhiệm vụ quan trọng số 1 là giám sát người nhập cảnh vào sân bay Nội Bài”; Tiền phong, trang 4: “Nhập cảnh Việt Nam: Buộc khai báo y tế”.
Bộ Y tế: Không kỳ thị, phân biệt với người đã hoàn thành cách ly đi làm trở lại
Bộ Y tế khuyến cáo người lao động không có thái độ kỳ thị và phân biệt đối xử tại nơi làm việc đối với các trường hợp đã hoàn thành việc cách ly y tế hoặc phải đi công tác đến các khu vực có nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn mới nhất về phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại nơi làm việc, ký túc xá của người lao động. Trong đó nhấn mạnh, không có thái độ kỳ thị và phân biệt đối xử tại nơi làm việc đối với các trường hợp đã hoàn thành việc cách ly y tế.
Hướng dẫn được ban hành kèm theo công văn số 1133/BYT-MT của Bộ Y tế, bao gồm các nội dung chi tiết: Thông tin chung về bệnh COVID-19 và Hướng dẫn phòng chống lây nhiễm tại nơi làm việc, ký túc xá cho người lao động.
Các khuyến cáo chung cho người lao động
Thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân để phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế:
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng trong ít nhất 30 giây hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn có trên 60% nồng độ cồn khi không có điều kiện rửa tay với xà phòng. Rửa tay tại các thời điểm: trước khi vào làm việc, sau giờ nghỉ giải lao, trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
- Che kín mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay, hoặc mặt trước khuỷu tay để làm giảm phát tán dịch tiết đường hô hấp ra không khí. Bỏ khăn giấy che mũi, miệng vào túi đóng kín để vứt vào thùng rác đúng nơi quy định và rửa tay với xà phòng.
- Không đưa tay lên mắt, mũi, miệng để tránh lây nhiễm bệnh. Nghiêm cấm hành vi khạc, nhổ tại nơi làm việc.
- Giữ ấm cơ thể, duy trì các thói quen tốt cho sức khỏe như tập thể dục giữa ca làm việc, tích cực vận động cơ thể; ăn chín, uống chín và đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Không dùng chung các đồ dùng cá nhân như cốc, chai nước, khăn tay,…
- Nếu phát hiện bản thân hoặc người cùng làm việc/khách hàng có một trong các biểu hiện sốt, ho, khó thở thì bản thân hoặc hướng dẫn người cùng làm việc/khách hàng hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh và phải báo cho người quản lý hoặc/và người làm công tác y tế tại nơi làm việc để thực hiện theo hướng dẫn tại Mục VI và Phụ lục 4.
- Không có thái độ kỳ thị và phân biệt đối xử tại nơi làm việc đối với các trường hợp đã hoàn thành việc cách ly y tế hoặc phải đi công tác đến các khu vực có nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
Đối với người lao động làm nghề, công việc có nguy cơ tiếp xúc và lây nhiễm cao
Ngoài các khuyến cáo chung ở trên, người lao động làm nghề, công việc có nguy cơ tiếp xúc và lây nhiễm cao cần lưu ý:
- Người làm việc tại các vị trí phải tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, người dân cần đeo khẩu trang đúng cách theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Sử dụng găng tay phù hợp để giảm tiếp xúc không cần thiết. Nếu không sử dụng găng tay, phải rửa tay thường xuyên với xà phòng trong ít nhất 30 giây, dùng giấy lau tay sử dụng một lần để làm khô tay; hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn có trên 60% nồng độ cồn.
- Sử dụng bộ quần áo phòng hộ (bao gồm cả khẩu trang, kính, mũ, găng tay) khi phải tiếp xúc với trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.
- Hạn chế bắt tay, tiếp xúc với khách hàng trong khoảng cách dưới 2 m (nếu có thể).
- Không mua bán, tiếp xúc, chuyên chở các loại động vật hoang dã.
- Tăng cường sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc từ xa để giảm tiếp xúc trực tiếp.
Đối với người lao động phải đi công tác đến các khu vực có nguy cơ lây nhiễm COVID-19
Ngoài các khuyến cáo ở trên, người lao động động phải đi công tác đến các khu vực có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cần lưu ý:
- Tuân thủ các quy định về phòng chống dịch của chính quyền địa phương nơi đến công tác.
- Rửa tay thường xuyên, giữ gìn vệ sinh cá nhân khi ho, hắt hơi. Tránh xa ít nhất 02 mét đối với những người đang ho hoặc hắt hơi.
- Trong khi đi công tác, nếu có một trong các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở cần đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc với những người xung quanh, thông báo với người quản lý, gọi điện cho đường dây nóng của Sở Y tế hoặc Bộ Y tế (số điện thoại 1900 3228 hoặc 1900 9095) và đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Sau khi đi công tác về từ khu vực có nguy cơ lây nhiễm COVID-19
- Người lao động tự theo dõi các triệu chứng trong 14 ngày và đo nhiệt độ 02 lần một ngày.
- Nếu có một trong các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở người lao động phải cần đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc với những người xung quanh, gọi điện cho đường dây nóng của Sở Y tế hoặc Bộ Y tế (số điện thoại 1900 3228 hoặc 1900 9095) và đến cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn và cách ly chặt chẽ tại cơ sở y tế. Thông báo cho người quản lý hoặc/và người làm công tác y tế tại nơi làm việc để thông báo cho những người tiếp xúc gần tại nơi làm việc tự theo dõi sức khỏe và đến cơ sở y tế khi cần thiết. (Gia đình & Xã hội, trang 7).
Cùng chủ đề BáoTuổi trẻ, trang 2: “Hà Nội: ứng xử chuẩn mực với người cách ly”; Nông thôn ngày nay, trang 1: “Cách ly Covid-19 - Tường trình từ người trong cuộc: “Chúng tôi không đáng bị kỳ thị”” ; An ninh Thủ đô, trang 4: “Không được kỳ thị và phân biệt đối xử với người đã hoàn thành cách ly y tế”.
Sẵn sàng ứng phó các tình huống mới của dịch COVID-19
Sáng 11/3, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) đã họp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.
Đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân tin tưởng vào giải pháp chống dịch của Đảng, Nhà nước
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã thảo luận, phân tích, đánh giá tình hình dịch bệnh tại châu Âu; công tác kiểm soát dịch tễ tại cửa khẩu; quản lý người xuất nhập cảnh; tổ chức cách ly người từ vùng có dịch nhập cảnh vào Việt Nam; kiểm soát biên giới; giám sát, phát hiện người bệnh tại cộng đồng; công tác chuẩn bị tại các bộ, ngành để sẵn sàng ứng phó với các tình huống mới; khôi phục lại một số đường bay quốc tế…
Khai báo y tế bắt buộc
Các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất phải kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh vào Việt Nam. Theo đó, tất cả các trường hợp người nhập cảnh vào Việt Nam (kể cả người Việt Nam và người nước ngoài) đều phải khai báo y tế bắt buộc. Nếu khai báo gian dối sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đối với người ngước ngoài, đại diện Bộ Ngoại giao nhấn mạnh công dân nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam vừa phải tuân thủ quy định của luật pháp quốc tế, vừa phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Do đó, nếu người nước ngoài vào Việt Nam mà khai báo y tế bắt buộc không đúng, theo quy định của Việt Nam về kiểm soát dịch bệnh thì sẽ phải chịu các hình thức xử phạt hành chính, thậm chí trường hợp gây hậu quả lây nhiễm trong cộng đồng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.
Về giao thông, để ngăn chặn dịch bệnh từ đường hàng không, các đại biểu cũng thống nhất đối với các hãng hàng không của Việt Nam quy định bắt buộc hành khách phải đeo khẩu trang từ khi ngồi trên máy bay cho đến khi đã vào Việt Nam và làm thủ tục nhập cảnh phải đeo khẩu trang. Còn đối với các hãng hàng không nước ngoài thì chúng ta phải có khuyến nghị mạnh mẽ. Khi hành khách đã vào cảng hàng không làm thủ tục nhập cảnh thì bắt buộc phải đeo khẩu trang. Các cảng hàng không sẽ phát khẩu trang miễn phí cho hành khách.
Các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp quản lý chặt chẽ khách quá cảnh (transit) tại Việt Nam, yêu cầu các cảng hàng không quốc tế bố trí khu riêng phục vụ cho khách quá cảnh (nghỉ ngơi, mua sắm đồ lưu niệm). Trong thời gian chờ bay, hành khách nếu thuộc diện nghi ngờ, tuổi cao có bệnh nền, người có triệu chứng dịch tễ,… thì tuyệt đối không được nhập cảnh.
Các trường hợp còn lại muốn nhập cảnh thì phải khai báo y tế bắt buộc… Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải khuyến nghị lái xe các phương tiện giao thông công cộng (đặc biệt là lái xe taxi) phải đeo khẩu trang, yêu cầu hành khách phải đeo khẩu trang,…
Kiên định thực hiện cách ly tập trung
Về tổ chức cách ly, Ban Chỉ đạo thống nhất tiếp tục kiên định thực hiện cách ly tập trung 14 ngày. Ban Chỉ đạo đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn, tập huấn cụ thể cho các địa phương về việc giảm mật độ cách ly và tổ chức cách ly tại cộng đồng.
Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn về giảm mật độ cách ly, theo đó người đang cách ly tập trung, sau 3 ngày cách ly tập trung đã xét nghiệm âm tính thì có thể chuyển về cách ly tại cộng đồng và giám sát chặt chẽ, đồng thời tiến hành lập hồ sơ sức khoẻ điện tử. Giao trách nhiệm cho cấp uỷ, chính quyền địa phương chỉ đạo kiểm tra, giám sát người cách ly tại nhà;...
Về xử lý môi trường, các đại biểu cũng đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể về quy trình cho các địa phương thực hiện diệt khuẩn, tiêu trùng tẩy độc tại gia đình và khu vực có người nhiễm COVID-19; hướng dẫn diệt khuẩn tại các địa điểm công cộng, điểm du lịch, trường học… tránh lãnh phí không cần thiết, thậm chí gây hoang mang cho người dân.
Ban Chỉ đạo cũng giao Bộ Y tế hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ cho các địa phương việc phân luồng, tổ chức khám chữa bệnh cho những trường hợp cảm sốt thông thường,…
Phân tích diễn biến dịch bệnh tại châu Âu, bên cạnh việc đơn phương tạm dừng chính sách miễn visa đối với 8 nước châu Âu, các thành viên Ban Chỉ đạo cũng bàn thảo vấn đề có nên báo cáo cấp thẩm quyền cho phép tổ chức cách ly tập trung đối với những người đến từ khu vực này hay không.
Theo các chuyên gia y tế, hiện nay diễn biến dịch bệnh ở khu vực này rất phức tạp, số ca mắc bệnh và tử vong tăng nhanh; khí hậu ở châu Âu mùa này cũng thuận lợi cho virus SARS-CoV-2 phát triển; người dân châu Âu có thói quen tự do đi lại, không đeo khẩu trang,… nên nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh khu vực này rất cao.
Các ý kiến đại diện Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng nhấn mạnh bài học chiến thắng chiến dịch mở màn là thực hiện tốt công tác rà soát, ngăn chặn, phát hiện các trường hợp nghi ngờ để tổ chức cách ly. Do vậy việc tổ chức cách ly tập trung đối với người nhập cảnh từ khu vực châu Âu là cần thiết. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng đề nghị cân nhắc kỹ giải pháp này.
Ban Chỉ đạo cho rằng bản chất việc tổ chức cách ly là sàng lọc, phát hiện những người có nguy cơ lây nhiễm để thực hiện biện pháp ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Chúng ta cũng không cực đoan cho rằng tất cả mọi người đến từ các nước châu Âu đều là người có nguy cơ.
Chúng ta chỉ cách ly những người có nguy cơ lây nhiễm bệnh, đó là những người đã đi qua vùng dịch, ổ dịch, có tiếp xúc gần với người đã đi qua vùng dịch... Ban Chỉ đạo giao Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao thống nhất các địa điểm được coi là vùng dịch, ổ dịch COVID-19 để báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.
SARS-CoV-2 đã biến chủng
Báo cáo cập nhật tình hình dịch bệnh của Ban Chỉ đạo cho biết tính đến 20h ngày 10/3, trên thế giới đã ghi nhận 114.191 trường hợp mắc COVID-19 tại 104 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trên thế giới đã ghi nhận 4.019 trường hợp tử vong, trong đó tại Trung Quốc đại lục là 3.136 người; Italy 463, Iran 237, Hàn Quốc 54, Pháp 30, Tây Ban Nha 30, Mỹ 27,… So với ngày 9-3 số mắc tăng 3.933, tử vong tăng 191 trường hợp.
Đáng chú ý, về biến đổi gen, tại Italy đã xác định đồng thời có 4 biển chủng của virus SARS-CoV-2, khác với chủng của virus được xác định tại Vũ Hán, Trung Quốc. Bên cạnh đó, ghi nhận bệnh nhân số 17 từ Italy về Việt Nam và bệnh nhân số 20 lây nhiễm từ bệnh nhân số 17 có biểu hiện viêm phổi rõ nét (bao gồm viêm phổi kẽ), biểu hiện bệnh cũng nặng hơn so với bệnh nhân đến từ Anh (có triệu chứng mờ nhạt). (Công an Nhân dân, trang 1).
Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô, trang 4: “Xử lý nghiêm hành khách nhập cảnh khai báo y tế gian dối, kể cả người nước ngoài”; Lao động, trang 2: “Kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh vào Việt Nam”.
Ra mắt ứng dụng “Y tế trực tuyến”
Ngày 10/3, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh ra mắt ứng dụng “Y tế trực tuyến” sau gần 4 tháng xây dựng, để người dân tham gia giám sát và phản ánh trong lĩnh vực y tế một cách nhanh nhất.
Đây là ứng dụng mới của ngành y tế TPHồ Chí Minh nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người dân cùng tham gia giám sát và phản ánh đến cơ quan quản lý nhà nước về các hành vi vi phạm pháp luật khi hành nghề trong lĩnh vực y tế của các cá nhân và tổ chức.
Người dân sau khi cài đặt ứng dụng “Y tế trực tuyến” trên điện thoại thông minh (IOS và Android) sẽ dễ dàng phản ánh các hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân hoặc của các cơ sở hành nghề trong lĩnh vực y tế đến Thanh tra Sở Y tế, người gửi thông tin phản ánh dễ dàng đính kèm các hình ảnh hoặc video clip về các hành vi vi phạm pháp luật.
Thanh tra Sở Y tế khi nhận được thông tin phản ánh của người dân sẽ phân loại và chuyển thông tin đến các phòng chức năng và phòng y tế quận, huyện để xử lý thông tin. Sau khi xử lý thông tin và phản hồi kết quả đến Thanh tra Sở Y tế... (Công an Nhân dân, trang 1).
Đẩy mạnh phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới
Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 11/3/2020 về việc tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Trước diễn biến mới của dịch bệnh, để giảm thiểu tối đa lây lan, sẵn sàng và chủ động ngăn chặn, ứng phó với dịch bệnh trên diện rộng, bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe, tính mạng của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm, quyết liệt các chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Công văn số 79-CV/TW ngày 30/1/2020, Điện của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 07/3/2020, các Chỉ thị số 05/CT-TTg, 06/CT-TTg, 10/CT-TTg, 11/CT-TTg và các Công điện số 121/CĐ-TTg, 156/CĐ-TTg và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; chuẩn bị tốt nhất, sẵn sàng cho mọi tình huống; tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất sức khỏe và tính mạng của nhân dân.
Kiểm soát chặt chẽ nguồn lây bệnh
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ tập trung chỉ đạo: Chủ động, quyết liệt ngăn chặn, phát hiện nhanh và kiểm soát chặt chẽ nguồn lây bệnh (cả ở trong nước và xâm nhập từ nước ngoài); tổ chức cách ly hoặc giám sát người đã tiếp xúc với người bệnh theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; rà soát người nhập cảnh trong 14 ngày qua nhưng không thuộc diện cách ly tập trung, phát hiện kịp thời nguồn lây bệnh.
Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh. Cụ thể, tăng cường kiểm soát người nhập cảnh qua các cửa khẩu hàng không, trên bộ, hàng hải; lưu ý kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh qua biên giới Tây Nam; tạm dừng việc miễn thị thực đơn phương và hiệu lực giấy miễn thị thực đã cấp cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam tại các nước Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha.
Thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với tất cả các hành khách nhập cảnh Việt Nam theo quy định, quản lý thông tin khai báo chặt chẽ, hiệu quả và phát hiện sớm để thực hiện cách ly đối với những trường hợp đến từ hoặc đi qua vùng dịch; hạn chế tối đa các chuyến bay giữa Việt Nam đến các vùng có dịch và ngược lại (kể cả của các hãng hàng không nước ngoài).
Quản lý chặt chẽ hoạt động du lịch, bảo đảm an toàn; phối hợp với các Bộ liên quan kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời nguy cơ lây nhiễm bệnh từ nước ngoài qua đường du lịch; tạm hoãn các đoàn đi công tác nước ngoài; trường hợp đặc biệt phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép; khuyến cáo người dân không ra nước ngoài, nhất là đến các vùng có dịch.
Sẵn sàng phương án cách ly trên diện rộng
Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm việc cách ly và chuẩn bị sẵn sàng phương án cách ly trên diện rộng. Thực hiện các biện pháp cách ly phù hợp đối với tất cả các trường hợp nhập cảnh đến từ, đi qua vùng có dịch tại các cơ sở cách ly; thực hiện sàng lọc và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp đối với từng loại trường hợp tại các khu cách ly tập trung, không để lây chéo. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao kịp thời công bố danh sách quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch để áp dụng biện pháp cách ly tập trung đối với người nhập cảnh Việt Nam từ vùng dịch.
Chăm lo bảo vệ sức khỏe, bảo đảm điều kiện sinh hoạt, không để lây nhiễm cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, lực lượng vũ trang làm việc tại các khu cách ly tập trung; UBND các tỉnh, thành phố tổ chức khoanh vùng, cách ly và tiêu độc khử trùng ngay đối với những khu vực phát hiện có người nhiễm bệnh; kiểm soát chặt chẽ người ra vào khu vực cách ly.
Các Bộ: Quốc phòng, Công an, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đẩy nhanh việc chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực để thực hiện việc cách ly; rà soát, cập nhật phương án, kế hoạch cách ly trên diện rộng; có phương án huy động khách sạn, cơ sở lưu trú… làm nơi cách ly tập trung.
Nghiên cứu phương thức phòng, chống, phác đồ điều trị, vắc xin phòng bệnh COVID-19
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp Bộ Y tế tiếp tục tập trung chỉ đạo nghiên cứu phương thức phòng, chống, phác đồ điều trị, vắc xin phòng bệnh COVID-19; sớm đưa bộ KIT thử vào sử dụng. Bộ Y tế rà soát việc bảo đảm nhân lực, phương tiện, vật tư y tế sẵn sàng ứng phó trong trường hợp dịch lây lan trên diện rộng.
Tiếp tục thông tin kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch về diễn biến dịch tại Việt Nam, về các trường hợp thuộc đối tượng cách ly tập trung hoặc giám sát y tế, theo dõi sức khỏe tại cộng đồng theo đúng quy định; chú trọng đưa tin có chọn lọc nhằm ổn định xã hội.
Xử lý nghiêm, kể cả xử lý theo pháp luật hình sự các trường hợp đưa tin không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận, mất ổn định xã hội và các hành vi găm hàng, tăng giá, gây bất ổn thị trường theo đúng quy định của pháp luật. Bộ Tư pháp đề xuất các hình thức xử lý nghiêm khắc, đủ sức răn đe; chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế đề xuất xử lý các trường hợp vi phạm về khai báo y tế, không chấp hành cách ly.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, học tập
Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chủ động, tập trung chỉ đạo công tác phòng chống dịch coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm túc chức trách, nhiệm vụ trong phòng, chống dịch bệnh. Hạn chế tổ chức cuộc họp, sự kiện và hoạt động tập trung đông người; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, học tập, khai báo điện tử, kiểm soát dịch bệnh; hướng dẫn, khuyến khích người dân tăng cường sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.
Cấp ủy, chính quyền cơ sở, nhất là phường, xã, thôn, bản, tổ dân phố... tập trung rà soát phát hiện nhanh nhất các trường hợp nghi nhiễm bệnh để có biện pháp phù hợp; vận động người dân hạn chế tham gia các hoạt động tập trung đông người, tăng cường các hoạt động nâng cao sức khỏe, thể lực.
Các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước theo chức năng nhiệm vụ được giao thực hiện nghiêm việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1771/VPCP-KTTH ngày 07 tháng 3 năm 2020.
Phát động toàn dân nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe
Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức, đoàn thể phối hợp với các cấp chính quyền nhất là chính quyền cơ sở trong việc vận động nhân dân tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh; nghiêm túc thực hiện việc cách ly, giám sát y tế, phát hiện kịp thời các trường hợp nghi nhiễm; phát động toàn dân nâng cao ý thức và tăng cường các hoạt động tự bảo vệ sức khỏe.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cùng với việc quyết liệt phòng, chống dịch cần tích cực triển khai các giải pháp phòng chống dịch, đồng thời tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp cụ thể, hữu hiệu để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội theo đúng Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. (Công an Nhân dân, trang 2).
Cùng chủ đề Nông thôn ngày nay, trang 1: “Thủ tướng: Sẵn sàng phương án cách ly diện rộng” ; An ninh Thủ đô, trang 1: “Sẵn sàng phương án cách ly diện rộng”; Lao động, trang 1: “Thủ tướng ra Chỉ thị về phòng, chống dịch Covid-19: Sẵn sàng phương án cách ly trên diện rộng”; Nhân dân, trang 1: “Đẩy mạnh phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới”; Hà Nội mới, trang 1: “Thủ tướng chỉ thị đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới”.
Hà Nội chi trả toàn bộ tiền xét nghiệm, hỗ trợ người cách ly 100.000 đồng/ngày
Nêu việc người dân đã ủng hộ, chủ động tham gia giám sát các trường hợp nghi nhiễm Covid -19 tại cộng đồng cũng như tự nguyện tham gia cách ly... Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khẳng định đây là những tín hiệu tốt từ đó tin tưởng TP sẽ đẩy lùi dịch bệnh.
Chiều 11-3, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid -19 TP Hà Nội đã chủ trì họp trực tuyến với các quận huyện để tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống SARS-CoV-2.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP đánh giá, trong 2 ngày qua, các quận huyện và CATP đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình cao của người dân giúp xác định rõ 191 người tiếp xúc gần với 4 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2; 589 người F2.
Thay mặt lãnh đạo TP, Chủ tịch UBND TP ghi nhận nỗ lực, cố gắng ngày đêm của các đơn vị nói trên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Về việc người dân có nhắn tin hỏi có cần phun khử khuẩn toàn TP không, Chủ tịch UBND TP cho biết, qua tham khảo ý kiến các chuyên gia trong và ngoài nước thì: “Chúng ta không nên lo lắng quá. Cần chú ý việc tiếp xúc với những người đi từ nước ngoài (có dịch) về thời gian gần đây”.
Nêu tình hình diễn biến dịch Covid – 19 ngày càng phức tạp và WHO đánh giá đang có nguy cơ cao trở thành đại dịch, Chủ tịch UBND TP nêu rõ, nguy cơ lây nhiễm tại Hà Nội vẫn cao.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND TP, có trường hợp người dân khi thấy thông tin về hành khách dương tính trên chuyến bay VN0054 đã tự giác đến các cơ sở y tế để thực hiện cách ly. Đây là tín hiệu tốt, có thể giúp đẩy lùi dịch bệnh.
Nêu trường hợp người ở phường Nam Đồng, quận Đống Đa cách ly không nghiêm túc bị nhân dân phát hiện, Chủ tịch UBND TP cảm ơn và đề nghị người dân cùng tham gia giám sát những người cách ly tại nhà, không để các trường hợp này ra ngoài.
Các gia đình có người nhà, con em đi công tác từ châu Âu, Mỹ… về phải thông tin với các cơ quan y tế. Chủ tịch UBND TP khuyến cáo người dân tham gia hoạt động nơi công cộng, đi xe buýt phải đeo khẩu trang.
Chủ tịch UBND TP đặc biệt nhấn mạnh, nhiệm vụ quan trọng số 1 hiện nay là tập trung vào công tác giám sát số người Việt Nam, nước ngoài nhập cảnh vào sân bay Nội Bài hay từ các tỉnh, thành phố khác đến Hà Nội từ việc khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt.
Cần tuyên truyền sâu rộng để người dân nhận thức rõ nguy cơ lây nhiễm từ những người trở về từ vùng dịch để chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, tự giác tham gia cách ly...
Chủ tịch UBND TP yêu cầu phải xét nghiệm hết tất cả các trường hợp F1, F2, kinh phí TP chi trả. Tất cả các trường hợp cách ly tại nhà hay bệnh viện đều được TP hỗ trợ 100.000 đồng/ ngày.
Chủ tịch UBND TP nêu rõ, không được gọi các trường hợp cách ly là đối tượng, không được để người trong diện phải cách ly cảm thấy bức xúc… Các quận huyện, phường xã phải quán triệt rõ vấn đề này, không được vi phạm. (An ninh Thủ đô, trang 1).
Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 3: “Hà Nội: Hỗ trợ 100 nghìn đồng/ngày với mỗi người cách ly”.