Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 12/5/2017

  • |
T5g.org.vn - Bệnh sốt xuất huyết và Zika có nguy cơ bùng phát trở lại; Nguyễn Đức lập thêm một kỳ tích vượt qua nghịch cảnh; Chấm dứt việc nhận thuốc viện trợ nhân đạo có hạn dùng ngắn; Bệnh viện công đầu tiên ở Hà Nội hẹn lịch khám bệnh qua điện thoại; Báo động mất an ninh bệnh viện…

 

Bệnh sốt xuất huyết và Zika có nguy cơ bùng phát trở lại

Số người bị sốt xuất huyết gia tăng tại một số địa phương. Bên cạnh đó, vẫn xuất hiện nhiều trường hợp mắc bệnh do virus Zika tại một số tỉnh, thành phố phía Nam - Bộ Y tế cho biết vào ngày 11-5.

Ngày 11-5, Bộ Y tế cho biết những tháng đầu năm 2017, số người bị sốt xuất huyết gia tăng tại một số địa phương: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Thừa Thiên Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh, Vĩnh Long, Hậu Giang, Đắk Lắk... Bên cạnh đó, vẫn xuất hiện nhiều trường hợp mắc bệnh do virus Zika tại một số tỉnh, thành phố phía Nam.

Trong khi đó, đang bắt đầu vào mùa mưa là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và Zika phát triển mạnh.

Trước tình hình trên, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị -xã hội tích cực tham gia và vận động người dân tiến hành các hoạt động loại bỏ các vật dụng phế thải (như: lốp xe, vỏ lon đồ hộp, chai, lọ...) để loại bỏ nơi sinh sản của muỗi; đậy kín các dụng cụ chứa nước mưa, nước sinh hoạt, thường xuyên thay nước bình hoa; tổ chức các chiến dịch để người dân tự diệt loăng quăng, bọ gậy phòng chống bệnh sốt xuất huyết và Zika.

Các địa phương cần đảm bảo đủ nhu cầu về thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị để triển khai các hoạt động phòng chống dịch chủ động, hiệu quả.  (Công an nhân dân, trang 2; Tiền phong, trang 6).

 

Nguyễn Đức lập thêm một kỳ tích vượt qua nghịch cảnh

Sáng 11-5, bệnh nhân Nguyễn Đức (trong cặp song sinh Việt-Đức, 36 tuổi) chính thức được các Chuyên gia và bác sĩ chuyên khoa Niệu-Bệnh viện (BV) Bình Dân TP Hồ Chí Minh thống nhất đưa vào thực hiện ca phẫu thuật tạo hình niệu quản: cắm lại niệu quản vào bàng quang. Do tình trạng dị tật bẩm sinh của hệ tiết niệu diễn biến phức tạp của bệnh nhân nên nhận định của ê kíp, đây là một ca phẫu thuật khó.Trước đó, tại BV Bình Dân, Nguyễn Đức đã được mổ mở thận ra da tối thiểu bằng ống thông nhỏ để điều trị thận ứ nước nhiễm trùng trên thận độc nhất. Các bác sĩ cho biết, do tình trạng dị tật bẩm sinh của hệ tiết niệu diễn tiến phức tạp theo thời gian, nếu không được phẫu thuật tạo hình, Nguyễn Đức sẽ phải đeo ống thông dẫn lưu nước tiểu suốt đời và nguy cơ biến chứng trên chức năng của thận. Vốn là một ca phẫu thuật phức tạp, quyết định phẫu thuật cắm lại niệu quản vào bàng quang cho bệnh nhân Nguyễn Đức đã được Hội đồng Khoa học Công nghệ của BV cân nhắc nhiều lần. 

Phẫu thuật này nhằm khắc phục tình trạng hẹp niệu quản vốn đã gây tình trạng nhiễm trùng hệ niệu tái phát nhiều lần ở người bệnh. Dự tính, ca phẫu thuật sẽ diễn ra trong khoảng 3 h, do Phó GS-TS.BS Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng trực tiếp chỉ huy. 

Nguyễn Đức là bệnh nhân có nhiều cơ duyên đặc biệt và gắn bó với BV Bình Dân trong những cột mốc đáng nhớ của cuộc đời anh. 

Trong ca phẫu thuật huyền thoại kéo dài hơn 15 h vào ngày 4/10/1988, hai anh em Việt-Đức đã được phẫu thuật tách rời nhờ đội ngũ 70 các giáo sư, bác sĩ trong nước và các bác sĩ đến từ Nhật Bản, trong đó có các chuyên gia về phẫu thuật tổng quát, phẫu thuật tiết niệu và gây mê hồi sức của BV Bình Dân.

Năm 2009, khi vợ chồng Nguyễn Đức mong muốn có con sau một thời gian lập gia đình, các bác sĩ Nam khoa BV Bình Dân đã phối hợp với các bác sĩ của BV Từ Dũ mang lại niềm hạnh phúc làm cha cho Nguyễn Đức và kết quả là anh chị sinh được hai cháu bé khỏe mạnh.

Với lần phẫu thuật này, Nguyễn Đức một lần nữa đặt niềm tin vào tay nghề của đội ngũ chuyên môn của BV Bình Dân thay vì lựa chọn phẫu thuật tại Nhật Bản.

Tối 10-5, trước khi bước vào cuộc phẫu thuật, Nguyễn Đức xúc động chia sẻ với các bác sĩ: " Tôi rất biết ơn tình cảm của các giáo sư, các bác sĩ, trong đó có các y-bác sĩ tại BV Bình Dân đã luôn quan tâm, nỗ lực điều trị và lắng nghe những nguyện vọng của tôi trong suốt bao nhiêu năm qua".

Nguyễn Đức cũng cho biết, anh hiểu rõ cơ thể của mình có nhiều khác biệt so với bình thường và ca phẫu thuật tạo hình, cắm niệu quản vào bàng quang rất khó nhưng anh cũng đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng và đặt trọn niềm tin vào các bác sĩ- những người đã hồi sinh cuộc đời cho anh. (Công an nhân dân, trang 2; Nhân dân, trang 5).

 

Chấm dứt việc nhận thuốc viện trợ nhân đạo có hạn dùng ngắn

Ngày 10-5, Sở Y tế TP. HCM vừa có công văn khẩn gửi Bộ Y tế giải trình về việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng thuốc Tasgina 200 mg của Bệnh viện Truyền máu & Huyết học (BV TMHH) TP.HCMTrong đó, Sở này cũng báo cáo, khi có kết luận thanh tra số 08/KL-TTTP ngày 10-2-2017, Sở đã chỉ đạo Giám đốc BV TMHH tổ chức kiểm điểm tập thể, cá nhân có liên quan về các thiếu sót trong việc làm thủ tục tiếp nhận chậm trễ hơn 34.000 viên thuốc Tasigna. Đồng thời, Giám đốc Sở Y tế TP. HCM cũng thừa nhận, lỗi để hàng chục ngàn viên thuốc quí giá bị huỷ bỏ có trách nhiệm của Sở Y tế TP. HCM.

Điểm lại quá trình thủ tục nhập lô thuốc Tasgina 200mg cho thấy, giai đoạn đàm phán và chuẩn bị hồ sơ của BV mất 4 tháng 11 ngày; giai đoạn BV bổ sung giấy tờ theo yêu cầu của Cục Quản lý Dược là 25 ngày và bổ sung giấy tờ cho Sở Y tế là 1 tháng 7 ngày; thời gian Sở Y tế xử lý hồ sơ mất 21 ngày; Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị thành phố xử lý hồ sơ mất 3 tháng; UBND TP xử lý hết 10 ngày làm việc. Tính cả thời gian BV và công ty làm thủ tục tiếp nhận và tiếp nhận hàng về kho là 13 tháng 8 ngày.

Được biết, quá trình từ lúc tiếp nhận thư đồng ý hiến tặng thuốc đến khi hoàn tất các thủ tục đưa về sử dụng của BV TMHH kéo dài trong khi thuốc Tasgina 200mg có hạn sử dụng ngắn (23 tháng). 

Tại thời điểm Cục Quản lý dược cấp giấy phép nhập khẩu thuốc (tháng 7-2014), thuốc chỉ còn hạn dùng 10 tháng nhưng Công ty Novartis vẫn gửi thuốc về Việt Nam. Sở Y tế TP. HCM cho rằng, trách nhiệm này thuộc về Công ty Novartis và BV.

Cũng theo báo cáo của Giám đốc BV với Sở Y tế, ngay từ khi nhận được thuốc, BV đã nhận thức được việc chắc chắn không thể sử dụng kịp số thuốc vừa nhập trước thời gian hết hạn. Do vậy, BV đã tổ chức họp khẩn với các bệnh nhân bạch cầu mạn dòng tuỷ (CML) kháng trị thuốc Glivec (50 người tham gia) để giải thích về lợi ích của việc sử dụng thuốc Tasigna, sau đó có 26 người tham gia chương trình (đồng chi trả là 42 triệu đồng/năm). 

BV cũng chủ động đề nghị Công ty Novartis cho phép mở rộng chương trình đến các BV khác trong toàn quốc hoặc thông báo cho các nơi khác chuyển bệnh đến nhưng không được phía công ty đồng ý. Công ty Novartis chấp nhận phương án hủy thuốc nếu thuốc hết hạn dùng và chuẩn bị ngay lô thuốc mới theo yêu cầu của BV để đảm bảo các bệnh nhân đã dùng thuốc không bị thiếu thuốc. 

Tháng 4/2015, BV đã nhận được lô thuốc mới nên tất cả các bệnh nhân đang tham gia chương trình đều được cấp phát thuốc đầy đủ.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, do đây là lần đầu tiên Sở giải quyết hồ sơ tiếp nhận thuốc viện trợ có điều kiện nên các chuyên viên các phòng chức năng của Sở còn lúng túng dẫn đến chậm xử lý hồ sơ nhận thuốc viện trợ 3 ngày, Sở Y tế phải rút kinh nghiệm. 

Tuy nhiên, Sở Y tế cũng "truy lỗi" của BV TMHH, đó là việc lập kế hoạch dự trù số lượng thuốc hiến tặng của BV TMHH không sát với thực tế sử dụng: tiếp nhận 34.068 viên, sử dụng 14.611 viên, còn tồn 19.997 viên, dự trù 50 người tham gia nhưng thực tế chỉ có 26 người tham gia.

Theo đó, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng đề nghị, nếu BV xét thấy nhu cầu sử dụng thuốc Tasgina 200mg là cần thiết cho người dân thì tìm nguồn viện trợ khác theo đúng nghĩa viện trợ nhân đạo, không bao hàm việc đồng chi trả như Công ty Novartis đã làm. Đồng thời, khi ký hợp đồng tham gia chương trình này, phải xác định rõ "chủ sở hữu" của lô thuốc trên là của BV hay của Công ty Novartis vì trên thực tế, BV không thể tự quyết định cách sử dụng khi số thuốc trên gần hết hạn.

Qua vụ việc này, Sở Y tế cũng yêu cầu BV chấm dứt việc nhận thuốc viện trợ có hạn dùng ngắn; thực hiện các hồ sơ, thủ tục xin thuốc viện trợ phải nhanh chóng…Đồng thời, Giám đốc Sở Y tế đã chỉ đạo tổ chức họp rút kinh nghiệm chung cho toàn ngành y tế thành phố, cũng như đã ký công văn hướng dẫn tiếp nhận, quản lý tiền, hàng viện trợ, quà biếu, tặng cho các đơn vị trực thuộc. (Sức khỏe & Đời sống, trang 6; Công an nhân dân, trang 2).

 

Bệnh viện công đầu tiên ở Hà Nội hẹn lịch khám bệnh qua điện thoại

Thông tin từ Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) cho biết, từ ngày 8.5, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn bắt đầu triển khai đăng ký khám bệnh qua điện thoại. Đây là bệnh viện công đầu tiên của Hà Nội triển khai đặt lịch khám bệnh qua điện thoại. 

Theo đó, từ 8h – 17h hàng ngày, từ thứ 2 đến thứ 6, bệnh viện sẽ nhận điện thoại của bệnh nhân qua tổng đài 19006155, cước phí cuộc gọi là 3000đ/ phút.

Tại đây, người bệnh có thể thông báo với nhân viên tổng đài về tình hình sức khỏe, nhu cầu khám bệnh của mình, từ đó nhân viên tổng đài sẽ tư vấn và hẹn lịch khám cho bệnh nhân với các bác sĩ chuyên khoa. Thông tin về lịch khám bệnh sẽ được báo lại với người bệnh qua hệ thống tin nhắn chỉ sau 10 phút đặt lịch. Ngoài ra, người bệnh có thể theo dõi lịch trình khám bệnh của mình qua website datkham.bvxanhpon.com ngay sau khi đặt lịch khám bệnh. Sau khi đặt lịch khám, người bệnh chỉ cần đến bệnh viện đúng giờ đã hẹn theo lịch là có thể được khám ngay mà không phải chờ đợi.

Theo phòng công tác xã hội của Bệnh viện Xanh Pôn, hình thức đặt lịch khám qua tổng đài sẽ giúp người bệnh rút ngắn được thời gian chờ đợi từ 1,5 – 2 giờ so với đi khám thông thường.

Ngoài đặt lịch khám bệnh qua tổng đài 19006155, người bệnh có thể đặt lịch khám qua chat hỗ trợ ở trang bvxanhpon.vn hoặc qua trang facebook của Phòng công tác xã hội Bệnh viện Xanh Pôn (ở địa chỉ facebook Công tác xã hội – Bệnh viện Xanh Pôn). Vào đầu tháng 6 tới, bệnh viện sẽ tiếp tục triển khai đặt lịch khám qua mạng.

Được biết, trong ngày đầu ra mắt, tổng đài đặt lịch khám của Bệnh viện Xanh Pôn chỉ nhận được 6 cuộc gọi, nhưng hôm nay, sau 3 ngày triển khai đặt lịch khám qua tổng đài 19006155, đã tiếp nhận và sắp xếp cho khoảng 100 trường hợp đến khám.

Người bệnh được yêu cầu đến sớm hơn 15 phút so với giờ hẹn để làm thủ tục, bao gồm kiểm tra lại họ tên, tuổi, mã số bệnh nhân (nếu đã từng khám bệnh ở BV Xanh Pôn), số thẻ bảo hiểm…

 Nếu người bệnh không đến viện đúng giờ, đến quá sớm hoặc quá muộn (sau 15 phút so với giờ đặt lịch), hệ thống sẽ chuyển người bệnh sang xếp số khám thông thường. Thời gian đặt lịch qua tổng đài ngắn nhất là đặt lịch hôm nay, hôm sau người bệnh có thể được đi khám ngay. (Tiền phong, trang 6; Hà Nội mới, trang 5).

 

Báo động mất an ninh bệnh viện

Liên tiếp những vụ côn đồ xông vào bệnh viện hành hung bệnh nhân và cả đội ngũ y bác sĩ, khiến môi trường bệnh viện trở nên mất an toàn. hực trạng này tiếp tục được nêu tại Hội nghị sơ kết 3 năm (2014 - 2017) thực hiện quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) trong lĩnh vực y tế trên địa bàn TP.HCM chiều qua 11.5, giữa Sở Y tế và Công an TP.HCM, nhằm tìm giải pháp cho thực trạng đáng báo động này.

Vừa cấp cứu, vừa sợ côn đồ truy sát

Mở đầu hội nghị, thượng tá Lưu Thanh Long, Phó trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ (PA83) - Công an TP.HCM, cho biết nhiều bệnh viện (BV) ở TP.HCM có các băng nhóm tội phạm trà trộn vào để trộm cắp, lừa đảo, mua bán trẻ em, cho vay nặng lãi... Mặc dù Công an TP chủ động nắm bắt, điều tra và truy bắt nhưng tình hình ANTT trong và ngoài các BV vẫn diễn biến phức tạp.

heo báo cáo tại hội nghị, từ 2014 - 2017, Công an TP đã điều tra, bắt giữ, lập hồ sơ 28 nghi phạm; triệt phá 5 băng nhóm với 16 nghi phạm cưỡng đoạt tài sản, trộm cắp móc túi, mua bán trẻ em trong BV. Ngoài ra, công an các quận, huyện đã xử lý 840 vụ phạm pháp hình sự tại BV. Trong đó, Công an Q.1 tiếp nhận xử lý 100 vụ; Công an Q.5 xử lý 54 vụ; Công an Q.10 xử lý 43 vụ trộm cắp tài sản. Các “cò” khám bệnh vẫn hoạt động phức tạp trước cổng các BV lớn để lừa đảo bệnh nhân. Tại BV Nhân dân 115 ghi nhận 2 vụ hành hung bác sĩ (BS), nhân viên bảo vệ; một vụ bắt cóc trẻ em tại BV Nhi đồng 1; 2 vụ gây rối tại BV Nhân dân Gia Định. Ngoài ra, Công an H.Bình Chánh tiếp nhận 26 vụ đe dọa nhân viên y tế, đập phá tài sản BV, gây rối ANTT chủ yếu tại khoa cấp cứu... Riêng tại các BV, lực lượng bảo vệ đã tuần tra phát hiện, bắt giữ 154 trường hợp móc túi, 408 trường hợp trộm cắp tài sản.

 PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP, cho rằng: “Các BV rất quan tâm, lo lắng về trộm cắp, lừa đảo hay côn đồ xộc vào BV gây rối tấn công bệnh nhân, đe dọa và đánh các y BS. Thời gian gần đây trên các báo đài liên tục thông tin về các trường hợp côn đồ xông vào BV hỗn chiến, đuổi đánh y BS khiến những người làm nghề y càng thêm lo sợ”.

Theo Công an Q.Bình Thạnh, tại BV Nhân dân Gia Định không ít lần băng nhómcôn đồ kéo vào phòng cấp cứu gây rối, lao vào đánh, truy sát nhau. Chẳng hạn như rạng sáng 26.10.2016, BV này tiếp nhận bệnh nhân ngụ Q.2 bị thương do đánh nhau, trong khi các y BS đang cấp cứu cho bệnh nhân thì nhóm côn đồ gần 10 người xông vào khoa cấp cứu la lối và đánh nhau hỗn loạn. Còn theo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), từ năm 2010 tới nay cả nước ghi nhận có 20 vụ việc điển hình về mất ANTT trong BV. 60% các vụ việc xảy ra ở BV tuyến tỉnh, 20% xảy ra tại BV tuyến T.Ư, còn lại là các tuyến dưới. 90% số vụ việc xảy ra ngay trong khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc cho người bệnh (chiếm tới 60%) và 30% số vụ việc là xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho người bệnh, người nhà người bệnh.

Bảo vệ cần mạnh, công an phải nhanh

PGS-TS Tăng Chí Thượng nhấn mạnh người đứng đầu các BV phải chịu trách nhiệm về tình hình ANTT tại BV của mình. Bên cạnh đó, công an và ngành y tế thường xuyên tổ chức diễn tập các tình huống bất ngờ tại các khoa cấp cứu để nhân viên y tế, lực lượng bảo vệ chủ động ứng phó trước khi công an địa phương tới nơi.

Nhiều đại biểu đồng tình việc BV phải chủ động trong công tác an ninh, thông qua bố trí lực lượng bảo vệ mạnh và chuyên nghiệp, bố trí camera quan sát ở những nơi trọng yếu, bên cạnh đó lực lượng công an cũng cần ứng phó kịp thời hơn nữa trong những trường hợp khẩn cấp. Ông Lê Dũng Tiến, Đội trưởng đội bảo vệ BV Từ Dũ (TP.HCM), cho biết BV có lực lượng bảo vệ tuần tra thường xuyên tại khu cấp cứu, điều trị, khi có đối tượng manh nha “quậy” thì bảo vệ nắm bắt ngay. BV cũng đã lắp 133 camera an ninh theo dõi và có người trực giám sát để phát hiện sớm hay truy xuất hình ảnh cung cấp cho các cơ quan chức năng xử lý khi cần. Tương tự, theo BS Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV Q.Thủ Đức, BV đã phối hợp công an quận, công an phường để có hỗ trợ trong những tình huống cụ thể, và chậm nhất là trong vòng 5 phút thì lực lượng công an sẽ có mặt sau khi BV báo động. BV đã lắp hơn 290 camera để theo dõi, đồng thời gắn camera ở ngoài đường xung quanh BV kết nối về công an phường.

Đại tá Phạm Ngọc Khương, Phó giám đốc Công an TP, nhìn nhận những vụ truy sát tại các BV gây dư luận bức xúc trong nhân dân và gây ảnh hưởng tâm lý với BS và thầy thuốc; đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu công tác phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động tội phạm có tổ chức. “Các BV cần lắp đặt thêm nhiều camera an ninh để thuận tiện cho việc theo dõi các băng nhóm gây án, thu thập chứng cứ để công an có cơ sở truy bắt tội phạm tại BV”, ông Khương khuyến cáo, đồng thời tán thành với lãnh đạo Sở Y tế là chọn một vài BV phối hợp với công an quận huyện diễn tập xử lý tình huống này một cách nhịp nhàng để không bị động. BV cần nâng cao chất lượng dịch vụ

Trả lời PV Thanh Niên, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), nhìn nhận luật Khám bệnh chữa bệnh có quy định về bảo vệ danh dự, tính mạng, tài sản của nhân viên y tế, trong đó có quy định nghiêm cấm vi phạm danh dự, tính mạng, tài sản của người hành nghề... Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa đủ mạnh và chưa có quy định bảo vệ trực tiếp quyền lợi của nhân viên y tế ở nơi xảy ra các sự việc và nhận thức của người nhà người bệnh khi thực hiện nghĩa vụ trong khám, chữa bệnh chưa đầy đủ. Thống kê cho thấy, 70% các trường hợp bị tấn công là BS.

Theo ông Khuê, sự manh động của một số đối tượng đã dẫn tới những hành vi tiêu cực đối với cán bộ y tế. Một số đối tượng cũng lợi dụng các tình huống sự cố y khoa không mong muốn để thực hiện các hành vi phạm pháp (như đe dọa, tống tiền) để trục lợi, là nguyên nhân gây ra các xung đột.

Bên cạnh đó, ông Khuê cho rằng: “BV cần nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Thầy thuốc giỏi chuyên môn chưa đủ, phải có kỹ năng xã hội, hiểu biết tâm lý người bệnh, cộng đồng để ứng xử phù hợp. Các BS, nhân viên y tế cần nâng cao kỹ năng giao tiếp với người bệnh và người nhà bệnh nhân; có kỹ năng giải quyết các mâu thuẫn, xung đột trong BV”. (Tiền phong, trang 4).

 

Virus cúm A/H7N9 thay đổi độc lực nguy hiểm hơn

Khi tiến hành phân tích gene virus cúm ở người, cũng như ở gia cầm cho thấy, virus cúm A/H7N9 tại Trung Quốc đã thay đổi từ độc lực thấp sang độc lực cao.

Ngày 11-5, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Nông Lương của Liên hiệp quốc (FAO) đã ghi nhận sự thay đổi của virus cúm A/H7N9 tại Trung Quốc từ độc lực thấp sang độc lực cao khi tiến hành phân tích gene virus cúm ở người, cũng như ở gia cầm. 

Theo đó, ở trên người đã phát hiện gene độc lực cao tại 2 bệnh nhân mắc cúm A/H7N9 tại Quảng Đông và một bệnh nhân mắc cúm A/H7N9 ở Đài Loan.

Ở gia cầm, FAO cũng ghi nhận 41 mẫu cúm gia cầm độc lực cao ở gia cầm và môi trường được lấy tại 23 chợ gia cầm sống và 3 trang trại thuộc 3 tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, Quảng Tây và Hà Nam.

Kết quả nghiên cứu cho thấy virus cúm A/H7N9 độc lực cao có khả năng gây chết 100% gà mắc (trong thí nghiệm) và có khả năng lây truyền nhanh hơn gấp khoảng 100 -1.000 lần so với virus có độc lực thấp.

Sự liên tục thay đổi này như là một đặc điểm tự nhiên của virus cúm do quá trình tái tổ hợp.

WHO cũng cho biết, dịch cúm A/H7N9 bắt đầu được ghi nhận tại Trung Quốc từ 3-2013 với 5 đợt dịch, trong đó đợt dịch thứ 5 diễn ra từ tháng 10-2016 tới nay là đợt dịch lớn nhất từ trước tới nay cả về quy mô, số lượng mắc và tốc độ lây lan với 541 người mắc.

Từ  tháng 3-2017 đến nay đã ghi nhận thêm 3 địa phương thuộc khu vực Cam Túc, Tây Tạng và Thiểm Tây có trường hợp bệnh mới.

Như vậy trong đợt dịch thứ 5 đã ghi nhận các trường hợp mắc cúm A/H7N9 tại 17 tỉnh tại Trung Quốc.

Đáng lưu ý, gần đây dịch có xu hướng bùng phát mạnh tại một số tỉnh phía Nam, Đông Nam của Trung Quốc trong đó có hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây giáp biên giới với Việt Nam cũng đã ghi nhận các trường hợp mắc bệnh. Trong đó riêng tại tỉnh Quảng Tây, từ đầu năm 2017 tới nay đã có 14 trường hợp mắc cúm A/H7N9 trong khi năm 2015 -1016 tỉnh này không ghi nhận trường hợp mắc.

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm A/H7N9, Bộ Y tế nhận định virus cúm A/H7N9 ở Trung Quốc có nguy cơ xâm nhập nước ta rất cao. Do đó, Bộ Y tế Việt Nam tiếp tục phối hợp với WHO, FAO và các tổ chức quốc tế theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và kịp thời thông báo cho người dân để áp dụng các biện pháp phòng chống phù hợp.

Các lực lượng chức năng và địa phương đang tập trung việc ngăn chặn việc nhập lậu gia cầm và các sản phẩm gia cầm từ biên giới vào nước ta; đồng thời kiểm soát chặt chẽ, nghiêm cấm việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm dịch trên thị trường.

Đẩy mạnh giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh tại các khu vực có nguy cơ cao, khu vực buôn bán gia cầm sống, các cơ sở y tế và tại các cửa khẩu.

Cập nhật các tài liệu hướng dẫn chuyên môn và tổ chức lớp tập huấn cho các cán bộ y tế tại các tỉnh biên giới về công tác giám sát, xét nghiệm và xử lý ổ dịch.

BỘ Y TẾ KHUYẾN CÁO

Người dân tuyệt đối không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.

Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.  

Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời. (Sài Gòn giải phóng, trang 1; Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Cứu sống sản phụ bị vỡ phình động mạch

Ngày 11/5, BS.CKII Nguyễn Thái An, trưởng khoa Hồi sức phẫu thuật tim, Bệnh viện Chợ Rẫy đã thông tin về ca bệnh vỡ quai động mạch chủ ở ngực hiếm gặp.

Bệnh nhân tên N.T.M.D (20 tuổi) nhập viện trong tình trạng lơ mơ, thở máy qua nội khí quản. Qua siêu âm, các bác sĩ thấy túi phình động mạch chủ ngực, tụ máu quanh túi phình, khả năng vỡ túi phình. Bệnh nhân khó thở do suy hô hấp cấp bị túi phình đè lên.

Được biết, cách nhập viện 7 ngày bệnh nhân có biểu hiện đau ngực trái từng cơn, không lan ra sau lưng. Mặc dù chị D. có đi khám tại một số cơ sở y tế nhưng bệnh tình không thuyên giảm…

Ca phẫu thuật thành công sau tám giờ, hiện sức khỏe người bệnh ổn định, bảo toàn được sự sống của thai nhi ở tuần thứ 12. (Nhân dân, trang 5; Sức khỏe & Đời sống, trang 6).

 

Nối thành công ngón tay đứt lìa bằng kỹ thuật vi phẫu

Ngày 11/5, Bệnh viện quận Thủ Đức cho biết, đã thực hiện vi phẫu nối thành công ngón trỏ bàn tay phải bị đứt lìa cho một bệnh nhân.   Bệnh nhân nam T.V.T (26 tuổi, phường Linh Đông, quận Thủ Đức) vào Khoa Cấp cứu Bệnh viện quận Thủ Đức trong tình trạng ngón trỏ bàn tay phải đứt lìa do trong quá trình lao động bị máy xay thịt cắt đứt.

Ngay lập tức, các bác sĩ Khoa Ngoại Chấn thương - Chỉnh hình của bệnh viện đã tiến hành hội chẩn, thực hiện các xét nghiệm cần thiết và vi phẫu cấp cứu để nối ngón tay bị đứt cho bệnh nhân.

Êkíp phẫu thuật đã thực hiện cố định xương gãy, khâu nối mạch máu, gân cơ bằng kỹ thuật vi phẫu dưới kính hiển vi. Sau 4 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã nối thành công ngón tay cho bệnh nhân.

Sau 5 ngày theo dõi, hiện ngón tay của bệnh nhân đã lưu thông mạch máu tốt. Bệnh nhân sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.

Bác sĩ Lê Hoàng Văn Hải - Trưởng Khoa Ngoại Chấn thương - Chỉnh hình Bệnh viện quận Thủ Đức cho biết: Việc vi phẫu nối lại chi chỉ có thể thực hiện thành công khi bệnh nhân đến sớm (tốt nhất là trong 3 giờ sau đứt lìa), phần chi đứt rời phải được bảo quản lạnh trong túi nilon và được thực hiện tại các cơ sở có đầy đủ trang thiết bị cùng đội ngũ bác sĩ có kinh nghiệm. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang