Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 13/4/2023

  • |
T5g.org.vn - Thủ tướng chỉ đạo nhiều vấn đề cấp bách khi đi kiểm tra đột xuất việc cung ứng thuốc, thiết bị y tế ở bệnh viện tuyến cuối; Nhiều người tái mắc COVID-19, tiêm vắc xin vẫn rất cần thiết; 'Việc tập trung được nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch là nỗ lực, cố gắng vượt bậc'; Dịch chồng dịch lúc chuyển mùa, lượng bệnh nhi nhập viện ở Hà Nội tăng mạnh; Thay đổi về bảo hiểm y tế hộ gia đình từ tháng 4-2023; Vi rút gây dịch Covid-19 có thể sẽ tồn tại lâu dài trong cộng đồng…

 

Thủ tướng chỉ đạo nhiều vấn đề cấp bách khi đi kiểm tra đột xuất việc cung ứng thuốc, thiết bị y tế ở bệnh viện tuyến cuối

Sáng 11/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi khảo sát một số bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn Hà Nội nhằm kiểm tra việc thực hiện các Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ, Thông tư của Bộ Y tế, tiếp tục nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.
Cùng đi với Thủ tướng có Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, Lãnh đạo BHXH Việt Nam và các bộ, ngành, cơ quan.
Cán bộ, y bác sĩ cảm thấy yên tâm làm việc hơn khi có các quyết sách tháo gỡ khó khăn trong mua sắm, đầu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế
Thủ tướng và đoàn công tác đã tới kiểm tra, khảo sát tại Trung tâm Cấp cứu A9- Bệnh viện Bạch Mai; thăm hỏi, lắng nghe ý kiến của các y bác sĩ trực tiếp làm việc, các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tại các khoa, phòng của Bệnh viện này.

Báo cáo với Thủ tướng, BS Nguyễn Anh Tuấn- Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9- Bệnh viện Bạch Mai cho biết Trung tâm A9 mỗi ngày tiếp nhận tới 400 bệnh nhân.

BS Tuấn bày tỏ cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lắng nghe ý kiến, kịp thời ban hành Nghị định 07 và Nghị quyết 30, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Đồng thời, cho biết các cán bộ, y bác sĩ cảm thấy yên tâm làm việc hơn nhiều với các quyết sách này. Hàng loạt khó khăn, vướng mắc đã từng bước được giải quyết, thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế đến nay đã được bảo đảm tương đối đầy đủ.

Đơn cử, trước khi Nghị quyết 30 và Nghị định 07 được ban hành, nhiều lô thuốc trúng thầu nhưng không thông quan được. Các máy móc liên doanh, liên kết phải dừng hoạt động đến nay đã hoạt động trở lại, đơn cử, một thiết bị trị giá hàng chục tỷ đồng nhưng chỉ một linh kiện bị hỏng, trước đây rất khó khăn để thay, nay Nghị quyết 30 cho phép chỉ định thầu mua linh kiện thay thế nên có thể sửa được ngay.

Cũng nhờ có Nghị quyết 30, Bệnh viện đã rất tích cực vận động các doanh nghiệp trao tặng lại các trang thiết bị sau khi hết thời hạn liên doanh, liên kết và các doanh nghiệp cũng hưởng ứng rất mạnh. Đơn cử, hệ thống chụp cắt lớp vi tính 256 dãy SOMATOM Definition Flash của Siemens rất hiện đại của Bệnh viện đã hoạt động trở lại sau 3 năm đắp chiếu.

Lãnh đạo Bệnh viện cho biết, trước đây, hệ thống này sau khi hết thời hạn liên doanh, liên kết, phải trải qua các thủ tục rất phức tạp mới có thể trở thành tài sản của Bệnh viện. Nhờ có Nghị quyết 30, phía doanh nghiệp đã tặng lại hệ thống này sau khi hết thời hạn liên doanh, liên kết và phát huy hiệu quả rất tốt trong khám chữa bệnh cho nhân dân.

Đề nghị lập kho thuốc hiếm, sớm ban hành các văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn về đấu thầu

Tuy nhiên, lãnh đạo Bệnh viện cho biết một số loại máy móc chẩn đoán vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ, tốt nhất nhu cầu khám chữa bệnh, nhất là tại các đơn vị khác của Bệnh viện, cần tiếp tục khắc phục. Lãnh đạo Bệnh viện đề nghị cần sớm ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn về mua sắm, đấu thầu với hiệu lực pháp lý cao hơn; đồng thời sớm triển khai việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế.

Mặt khác, Bạch Mai là bệnh viện chuyên khoa sâu, nhiều chuyên ngành, điều trị các ca bệnh hiếm mà những nơi khác không chẩn đoán được hoặc không điều trị được. Các thuốc chuyên ngành, chống độc, hiếm và số lượng tiêu thụ không lớn vẫn có lúc chưa đáp ứng được.

Bệnh viện đề nghị Bộ Y tế lập các kho thuốc hiếm ở 3 miền, khi cần thiết như trường hợp ngộ độc do botulinum khi người dân ăn cá chép muối ủ chua ở Quảng Nam, các bệnh viện lớn sẽ hỗ trợ chuyên môn và thuốc cho các địa phương, các cơ sở y tế khác. Lãnh đạo Bệnh viện cũng đề nghị quan tâm tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất của bệnh viện.

Tiếp đó, ngoài chương trình dự kiến, Thủ tướng đã đi kiểm tra, khảo sát đột xuất tại Bệnh viện Nhi Trung ương – trong thời điểm thời tiết chuyển mùa, các bệnh thông thường với trẻ em như bệnh hô hấp tăng nhanh, các bệnh kinh niên nặng lên.

Cũng ngoài chương trình dự kiến, Thủ tướng đã đi kiểm tra, khảo sát đột xuất tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn có thể diễn biến phức tạp, thời tiết chuyển mùa tạo điều kiện cho các bệnh truyền nhiễm lây lan.

Lãnh đạo Bệnh viện cũng cho biết các khó khăn, vướng mắc về mua sắm, đấu thầu cơ bản đã được giải quyết, song một số loại sinh phẩm, vật tư có thể không đáp ứng đủ khi nhu cầu tăng đột biến, một số loại dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát. Ngoài ra, lãnh đạo Bệnh viện cũng nêu nhiều khó khăn, vướng mắc khác trong hoạt động, nhất là cơ chế tự chủ; xử lý một số loại sinh phẩm, thuốc… phục vụ phòng chống COVID-19 còn tồn đọng…

Trong quý II/2023 phải ban hành thông tư để triển khai việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế

Bộ Y tế cần khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ ban hành trong năm nay các nghị định hướng dẫn Luật Khám, chữa bệnh, bảo đảm sát thực tế; đồng thời ban hành các thông tư cần thiết; trong đó nội dung quan trọng nhất, cần ưu tiên nhất là hướng dẫn về thuốc men, trang thiết bị y tế. Tăng cường chuyển đổi số trong đấu thầu, mua sắm vừa tiết kiệm thời gian, cải cách thủ tục, vừa phòng chống tiêu cực, tham nhũng.

Thủ tướng giao Bộ Y tế khẩn trương hướng dẫn, trong quý II/2023 phải ban hành thông tư để triển khai việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế.

Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện cơ chế hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế trên tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, nghiên cứu tạo cơ chế thuận lợi, phù hợp với cơ chế thị trường, tinh thần là mọi người chung tay, doanh nghiệp chung tay, người bệnh đóng góp, "nếu lợi ích quá nghiêng về người bệnh thì doanh nghiệp không có tiền đầu tư, nếu quá nghiêng về doanh nghiệp thì Nhà nước và người dân thiệt thòi".

Thủ tướng cũng đề nghị cần nghiên cứu, hoàn thiện quy định về Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để sử dụng đúng mục đích, hiệu quả tại các bệnh viện.

Thủ tướng giao Bộ Y tế nghiên cứu, thành lập ngay các trung tâm chuyên dự trữ thuốc hiếm, đặt tại 6 vùng kinh tế - xã hội trên cả nước, giao một bệnh viện hàng đầu tại đó quản lý, điều phối.

Thủ tướng đề nghị các bệnh viện, đội ngũ cán bộ, y bác sĩ tiếp tục tổng kết thực tiễn, tham gia xây dựng chính sách về đầu tư, chính sách với y bác sĩ, chính sách với bệnh nhân. Ông nhắc lại quan điểm, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, do đó cần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

hủ tướng đề nghị cán bộ, y bác sĩ các bệnh viện phát huy truyền thống vẻ vang của ngành, đề cao y đức, trách nhiệm của "thầy thuốc như mẹ hiền", "sâu y lý, giỏi y thuật, sáng y đức", đặt tính mạng sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết. Thủ tướng lưu ý các bệnh viện tích cực thực hiện công tác an sinh xã hội, chăm lo những người yếu thế, nhất là những gia đình khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Thủ tướng mong muốn Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục phát huy truyền thống của một trong những bệnh viện đầu tiên của đất nước, của Trung tâm A9 anh hùng – niềm hy vọng cuối cùng với nhiều người bệnh và người nhà.

Với Bệnh viện Nhi Trung ương, Thủ tướng đề nghị "lắng nghe các cháu bằng trái tim, bảo vệ, chăm sóc các cháu bằng hành động"; sử dụng đúng mục đích, hiệu quả Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp.

Huy động mạnh mẽ hợp tác công tư để dần chỉnh trang, cải tạo các bệnh viện ngày càng hiện đại, khoa học

Từ thực tiễn, Thủ tướng cho rằng cần nghiên cứu các quy định đặc thù phù hợp với các bệnh viện như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Nhiệt đới; luôn sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến có thể xảy ra.

Bộ Y tế và các cơ quan liên quan tổ chức họp ngay trong tuần để giao quyền tự chủ cho Bệnh viện Nhiệt đới; khẩn trương giải quyết các vấn đề liên quan tới sinh phẩm, thuốc… phòng chống COVID-19 của Bệnh viện.

Thủ tướng đề nghị các bệnh viện tiến hành quy hoạch lại khuôn viên và xây dựng các đề án, dự án cụ thể, các bộ, ngành, cơ quan tiếp tục nghiên cứu, bố trí kinh phí, đầu tư, đồng thời huy động mạnh mẽ hợp tác công tư để dần chỉnh trang, cải tạo các bệnh viện ngày càng hiện đại, khoa học, khang trang, sạch đẹp.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và các cơ quan khẩn trương xử lý dứt điểm các vướng mắc để hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Trước đó, trong các chuyến công tác tại Khánh Hòa, Điện Biên, Thủ tướng đã đi khảo sát thực tế tại các bệnh viện đa khoa của các tỉnh này. Thực tế kiểm tra, khảo sát cho thấy các khó khăn, vướng mắc liên quan đến đấu thầu, trang thiết bị, mua sắm đã cơ bản được tháo gỡ. (Sức khỏe & Đời sống, trang 1).

 

Nhiều người tái mắc COVID-19, tiêm vắc xin vẫn rất cần thiết

Trong cộng đồng đang có nhiều người tái nhiễm SARS-CoV-2, số ca nặng tại các cơ sở y tế cũng có dấu hiệu tăng (Chi tiết xem báo). (Sức khỏe & Đời sống, trang 1).
'Việc tập trung được nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch là nỗ lực, cố gắng vượt bậc'
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, việc tập trung được nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch trong thời gian qua là nỗ lực, cố gắng vượt bậc, thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc.
Sáng 11/4, tại Phiên họp thứ 22, UBTVQH đã xem xét báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Đoàn giám sát của Quốc hội về "Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng".

Sau khi lắng nghe Báo cáo và các ý kiến phát biểu của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và Chủ nhiệm các Ủy ban, thành viên của UBTVQH, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã có phát biểu giải trình về một số nội dung.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, là cơ quan tham mưu giúp việc cho Chính phủ về lĩnh vực y tế, Bộ Y tế nhận thấy nhiều nội dung liên đến công tác chống dịch COVID-19; xây dựng hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng được Quốc hội quan tâm xem xét, đây là cơ hội cho ngành thực hiện tốt hơn nhiệm vụ trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề nghị, cần nêu rõ và sâu hơn bối cảnh khó khăn chưa có tiền lệ của đại dịch COVID-19 để làm rõ những giải pháp đưa ra trong tình hình cấp bách, khi đất nước còn hạn chế trong nguồn lực tài chính, nguồn lực công nghệ. Trong bối cảnh đó, chúng ta đã rất linh hoạt, sáng tạo, giải quyết vấn đề thực tiễn đặt ra, nhưng bối cảnh đó cũng làm bộc lộ những tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng, triển khai, huy động nguồn lực.

Cụ thể, Việt Nam đã nhanh chóng tiếp thu khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đặc biệt trong lúc nguồn lực còn hạn chế, việc tiếp cận nguồn vaccine quốc tế ban đầu còn khó khăn. Việc tập trung được nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch trong thời gian qua là nỗ lực, cố gắng vượt bậc, thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc, điều này cần được làm rõ khi đánh giá, tổng kết việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực trong thời gian qua.

Quốc hội đã chủ động ban hành những quyết sách quan trọng, đặc biệt là Nghị quyết 30 đã tạo điều kiện cho việc huy động nhân lực, nguồn lực, vật lực cho công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, do đây là tình huống khó khăn chưa từng có tiền lệ nên không tránh khỏi trong tổ chức thực hiện có những thiếu sót, hạn chế. Bộ trưởng cho rằng, cần có đánh giá tổng thể lại những vấn đề còn vướng mắc trong quy định pháp luật, trong tổ chức thực hiện để có giải pháp cụ thể, khả thi để hoàn thiện và nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật, khắc phục được những tồn tại.

Bộ trưởng nhận định, với một dịch bệnh có sự lây lan mạnh mẽ như vậy, nền y tế tiên tiến hàng đầu thế giới cũng có thể gặp khó khăn. Chúng ta cần rút ra các kinh nghiệm cụ thể để ứng phó tốt hơn, hợp lý hơn trong những tình huống tương tự xảy ra. Bộ trưởng cũng đề nghị Đoàn giám sát khoanh vùng lại các đề xuất để đảm bảo đúng nội dung trọng tâm, đúng phạm vi giám sát để có cơ sở triển khai thực hiện hiệu quả.

Về xây dựng các kịch bản ứng phó, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, cần rà soát, nghiên cứu kỹ vì đây là nội dung vô cùng khó. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ quan hữu quan có sự quan tâm để phát triển hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng tại các địa phương, đảm bảo ứng phó tốt với tình hình dịch bệnh có thể xảy ra. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Dịch chồng dịch lúc chuyển mùa, lượng bệnh nhi nhập viện ở Hà Nội tăng mạnh

Nhiều bệnh theo mùa và bệnh dịch truyền nhiễm như cúm, thủy đậu, tay chân miệng, bệnh do virus hợp bào RSV, hay Covid-19… đang gia tăng nhanh trong 2 tuần qua, lượng bệnh nhi nhập viện ở Hà Nội tăng vọt.
Theo ghi nhận của phóng viên sáng 12-4 tại Bệnh viện Nhi Trung ương, lượng bệnh nhi đến khám rất đông, chủ yếu đến khám liên quan đến các bệnh lý đường hô hấp.

Riêng tại Trung tâm Hô hấp - Bệnh viện Nhi Trung ương, trung bình mỗi ngày tiếp nhận 150-160 bệnh nhi mắc các bệnh về hô hấp, trong đó có khoảng 30 bệnh nhi nhiễm RSV. Số lượng bệnh nhi nhiễm bệnh do virus hợp bào RSV tăng hơn 20 - 30% so với tháng trước.

Bên cạnh đó, số bệnh nhi được chẩn đoán mắc tay chân miệng cũng tăng vọt. TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hầu hết trẻ mắc tay chân miệng đều dưới 5 tuổi, đặc biệt trẻ dưới 3 tuổi mắc nhiều hơn.
Thống kê tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm đến nay, riêng ở đơn vị này có hơn 100 trường hợp trẻ nhập viện do tay chân miệng. Hầu hết các ca diễn biến nhẹ, một số trường hợp bệnh có diễn biến nhanh, nặng và gây biến chứng nguy hiểm.
Tại các bệnh viện của Hà Nội, số lượng bệnh nhân nhập viện do mắc tay chân miệng và bệnh đường hô hấp cũng đang gia tăng nhanh.

Đặc biệt, khoảng 10 ngày qua, số bệnh nhân Covid-19 vào điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn tăng cao. Trao đổi với báo chí, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Phó trưởng đơn nguyên Truyền nhiễm - Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, riêng trong ngày 11-4, bệnh viện tiếp nhận tới 10 bệnh nhân mắc Covid-19 nội trú, trong số này có cụ bà 102 tuổi.

Nếu như cả tháng 3, Bệnh viện Thanh Nhàn chỉ ghi nhận 25 bệnh nhân Covid-19 vào điều trị thì chỉ trong 10 ngày đầu tháng 4 đã tiếp nhận 75 bệnh nhân, tăng gấp 3 lần.

Bác sĩ Hưng cho biết, so với đợt dịch Covid-19 gần nhất thì hiện bệnh viện chưa ghi nhận bệnh nhân mắc Covid-19 nguy kịch, nhưng số bệnh nhân nhập viện tương đối nặng, đa phần các bệnh nhân đều phải thở oxy.

Về nguyên nhân bệnh nhân Covid-19 tăng đột biến, bác sĩ Hưng nhận định, có thể do người dân gần đây đã bỏ qua tiêm phòng vaccine phòng Covid-19, đáp ứng miễn dịch trong cộng đồng giảm đi, lây lan dịch có xu hướng trở lại. Mặt khác, thời tiết nóng ẩm cũng làm cho dịch tăng lên.

Để phòng chống dịch hiệu quả, các bác sĩ khuyến cáo người dân vẫn phải tuân thủ đeo khẩu trang ở nơi công cộng, vẫn luôn giữ khoảng cách và tiêm vaccine phòng chống Covid-19 đầy đủ. (An ninh Thủ đô, trang 3).

 

Thay đổi về bảo hiểm y tế hộ gia đình từ tháng 4-2023

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình bao gồm: toàn bộ người có tên trong cùng một hộ gia đình đăng ký thường trú, tạm trú.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam vừa có quyết định sửa đổi, bổ sung quy định nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình.

Việc sửa đổi, bổ sung quy định nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai Đề án 06 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về bỏ sổ hộ khẩu trong giải quyết thủ tục hành chính.

Theo đó, từ ngày 01/4/2023, nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình bao gồm: Toàn bộ người có tên trong cùng một hộ gia đình đăng ký thường trú, tạm trú (quy định cũ là toàn bộ người có tên trong sổ hộ khẩu), trừ các đối tượng: Nhóm do người lao động và đơn vị đóng;

Nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng; Nhóm do ngân sách Nhà nước đóng; Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng.

Người đã được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm y tế (quy định mới bổ sung) gồm: Thân nhân của công nhân, viên chức quốc phòng đang phục vụ trong Quân đội. Thân nhân của công nhân công an đang phục vụ trong Công an nhân dân. Thân nhân của người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu. (An ninh Thủ đô, trang 3).

 

Vi rút gây dịch COVID-19 có thể sẽ tồn tại lâu dài trong cộng đồng

Tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, đô thị hóa và di dân gia tăng là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện, lây lan và bùng phát.
Cơ bản vẫn đang được kiểm soát nhưng khó dự báo

Theo Bộ Y tế, những năm gần đây, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới diễn biến khó lường, khó dự báo. Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng phát triển, các đại dịch nói chung đang tăng dần tần suất xuất hiện.

Về dịch Covid-19 tại VN, từ đầu dịch (tháng 1.2020) đến nay, cả nước ghi nhận trên 11,5 triệu ca mắc và trên 43.000 trường hợp tử vong. Trong thời gian tới, dịch bệnh được dự báo vẫn tiếp tục diễn biến khó lường. Cùng với đó, các tác nhân gây bệnh, các chủng vi rút cúm xuất hiện, biến đổi liên tục làm giảm khả năng bảo vệ của vắc xin.

Trong nước, tình hình dịch Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác hiện cơ bản vẫn đang được kiểm soát. Từ đầu năm đến nay, không có ca tử vong do Covid-19. Nhưng với nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao do hầu hết các quốc gia đã mở cửa trở lại cùng với thời tiết thay đổi bất thường có thể làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Về số ca mắc Covid-19 gia tăng trong tuần gần đây, ngày 12.4, trao đổi với Thanh Niên, một chuyên gia của Bộ Y tế đánh giá: "Chúng ta xác định SARS-CoV-2, vi rút gây bệnh dịch Covid-19, vẫn đang tồn tại và thậm chí sẽ là lâu dài chứ chúng không biến mất. Trong khi đó, miễn dịch của người sau tiêm vắc xin hoặc từng mắc Covid-19 đã giảm. Thời tiết giao mùa hiện rất thuận lợi cho vi rút phát triển, đặc biệt ở miền Bắc; mật độ đi lại, tiếp xúc gia tăng là các yếu tố rất thuận lợi cho lây nhiễm Covid-19".

Nhiều nơi có nguy cơ cao không sử dụng hết vắc xin

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (Bộ Y tế), tháng 2 vừa qua, Viện đã phân bổ 832.900 liều vắc xin AstraZeneca (hạn sử dụng ngày 9 - 11.7.2023) cho 63 tỉnh thành để tiêm chủng mũi nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên.

Theo báo cáo nhanh của các tỉnh thành, đến ngày 12.4.2023, toàn quốc đã tiêm được khoảng 266 triệu mũi vắc xin Covid-19, trong đó có 51,6 triệu người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm liều nhắc lại (mũi 3), đạt tỷ lệ 81%. Tuy nhiên, tỷ lệ này không đồng đều trên cả nước và vẫn có nhiều địa phương dưới 80%. Trong khi đó, số vắc xin AstraZeneca hiện còn tại các tuyến (chưa bao gồm 204.400 liều dự trữ tuyến quốc gia) là khoảng 300.000. Tốc độ sử dụng vắc xin AstraZeneca trong 8 ngày đầu tháng 4 này chậm, với trung bình khoảng hơn 1.000 mũi/ngày, dẫn tới nguy cơ cao không sử dụng hết vắc xin.

Để tăng độ bao phủ và sử dụng hiệu quả vắc xin phòng Covid-19 AstraZeneca, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đề nghị sở y tế các tỉnh thành báo cáo, tham mưu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 địa phương chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục tăng cường công tác triển khai tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho các nhóm đối tượng, đặc biệt là tiêm liều nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên tại các địa phương chưa đạt tỷ lệ mục tiêu tối thiểu 80%, sử dụng hiệu quả số vắc xin AstraZeneca đã phân bổ cho các tỉnh thành.

Theo thông báo của Bộ Y tế, số mắc Covid-19 có xu hướng tăng liên tục trong 4 ngày gần đây (8 - 11.4), với 44 - 183 ca mắc mới/ngày, so với các tuần trước đó ghi nhận khoảng 10 - 40 ca/ngày. 

Theo Bộ Y tế, phòng chống dịch vẫn tuân thủ vắc xin, khử khuẩn, vệ sinh tay và đeo khẩu trang cùng các biện pháp khác theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Hiện về số ca bệnh nặng do Covid-19 vẫn chưa ghi nhận bất thường. Tuy nhiên, người dân không chủ quan, cần đến ngay cơ sở y tế khi có dấu hiệu trở nặng. (Thanh niên, trang 15).


Thời tiết nồm ẩm, tăng mạnh bệnh nhi nhập viện do hen phế quản

Cùng với thuỷ đậu, tay chân miệng, viêm hợp bào hô hấp, thời tiết thay đổi thất thường, nồm ẩm kéo dài tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đã làm gia tăng trẻ nhập viện do hen phế quản.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi ngày tiếp nhận hơn 1.000 bệnh nhi đến khám, trong đó tại Khoa Miễn dịch – Dị ứng – Khớp có 100 bệnh nhi (tăng từ 30%-50%), nhiều trẻ vào viện do ho, thở khò khè, thở rít, hen phế quản. Đáng chú ý, nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng cấp cứu vì lên cơn hen mức độ nặng, gây khó thở, thở rít, phải được hỗ trợ thở oxy và sử dụng thuốc giãn phế quản để cắt cơn hen.

Nguy hiểm nếu không kịp thời tới viện

Nằm điều trị tại Khoa Miễn dịch – Dị ứng – Khớp, Bệnh viện Nhi Trung ương mấy ngày nay, bé N.H.N (4 tuổi, Hà Tĩnh) đã đỡ hơn hôm đầu vào nhập viện, tuy nhiên vẫn phải thở oxy. Bà của bé cho biết, lúc ở nhà, cháu ho, sau đó khó thở kèm nôn nhiều. Vốn có bệnh tiền sử hen phế quản từ khi 3 tuổi, mỗi khi thay đổi thời tiết, bé N thường ho rất nhiều, lần nào ho cũng dẫn đến nôn và khó thở đều phải nhập viện để thở oxy và khí dung. Những lần trước nhẹ hơn nên cháu chỉ nhập bệnh viện tỉnh, lần này khó thở nặng hơn, gia đình đưa cháu ra Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám.

Cùng phòng với bé N là bé P.K.N (10 tuổi, Nghệ An) cũng phải thở oxy do hen phế quản. Bố của bệnh nhi cho biết, năm 2022 cháu khám ở tỉnh và được chẩn đoán mắc hen phế quản, thỉnh thoảng thay đổi thời tiết bệnh lại tái phát và nhập viện. Lần này, trước khi vào viện 3 ngày, bé có biểu hiện ho, tức ngực, khó thở, đặc biệt là nửa đêm về sáng thì có những cơn khó thở khiến trẻ không ngủ được.

Chị Nguyễn Thị Phương (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, cả hai con trai (6 và 8 tuổi) nhà chị đều mắc hen phế quản từ nhỏ. Tuần trước, cả hai cháu có biểu hiện ho, sau tăng dần khó thở, thở rít. “Nửa đêm thấy con nặng hơn nên tức tốc đưa tới bệnh viện gần nhà. Sau khi điều trị khí dung và thở oxy 5 ngày, các cháu đã ổn định và xuất viện”, chị Phương kể.

Theo TS.BS Lê Quỳnh Chi, Trưởng khoa Miễn dịch – Dị ứng – Khớp, Bệnh viện Nhi Trung ương, trong tháng 3 Khoa tiếp nhận 50 bệnh nhi nhập viện vì lên cơn hen cấp, các cháu nhập viện đều trong tình trạng khó thở, phải thở oxy với biểu hiện cơn hen phế quản từ mức trung bình trở lên. Hầu hết trẻ nhập viện vì cơn hen cấp đều chưa được điều trị dự phòng đầy đủ, có những trường hợp bác sĩ đã kê đơn dự phòng, nhưng gia đình chưa tuân thủ cho con uống thuốc theo đơn. Có trường hợp trẻ mới chỉ được gia đình đưa đi khám ở các phòng khám, chưa được thăm dò về chức năng hô hấp, các test dị ứng nên chưa được chẩn đoán xác định là hen và điều trị dự phòng. Điển hình là 2 trường hợp cháu N.H.N và P.K.N nêu trên, đều có tiền sử ho, khò khè, đã được chẩn đoán hen nhưng chưa được điều trị dự phòng nên nhập viện trong tình trạng cơn hen cấp mức độ nặng gây khó thở.

Nguyên nhân nào dẫn đến bệnh hen gia tăng?

Trung bình mỗi ngày Khoa Miễn dịch – Dị ứng – Khớp, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận khoảng 60-80 bệnh nhi đến khám, tuy nhiên thời gian gần đây có ngày Khoa tiếp nhận lên đến hơn 100 bệnh nhi (tăng từ 30-50%), trong đó có rất nhiều trẻ đến khám vì ho, thở khò khè, thở rít, hen phế quản. Chỉ tính riêng 5 ngày trong tháng 3 (từ 27- 31/3), Khoa tiếp nhận hơn 120 trẻ đến khám được chẩn đoán mắc bệnh hen, 10% trong số đó phải nhập viện điều trị, có những trường hợp nhập viện cấp cứu vì lên cơn hen cấp mức độ nặng, gây khó thở, thở rít, phải được hỗ trợ thở oxy và sử dụng thuốc giãn phế quản để cắt cơn hen.

Lý giải vì sao lại gia tăng trẻ nhập viện vì hen phế quản, TS.BS Lê Quỳnh Chi cho hay, do thời tiết thay đổi thất thường, trời mưa, nồm ẩm khiến tỷ lệ bệnh nhi hen nhập viện khá đông, đặc biệt tăng mạnh bệnh nhi lên cơn hen cấp. BS Chi cũng lưu ý với các phụ huynh có con bị bệnh hen, việc xác định chính xác bệnh và điều trị dự phòng đầy đủ sẽ giúp kiểm soát tốt nền viêm mạn tính của đường thở, giúp chức năng hô hấp của trẻ trở về bình thường, không ảnh hưởng đến cấu trúc của đường thở cũng nhu các hoạt động trong sinh hoạt hằng ngày. Nếu trẻ không được điều trị dự phòng đầy đủ, đúng cách thì sẽ thường xuyên bị lên cơn hen cấp. Đặc biệt, có những thay đổi nhỏ như đi bơi, sinh hoạt ngoại khoá, hoặc thay đổi đột ngột về thời tiết, môi trường sống, có nguy cơ mắc hen cấp nặng.

Bệnh hen phế quản không kiểm soát sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Hen ở trẻ em chủ yếu thuộc týp hen dị ứng, thường đáp ứng tốt với các thuốc điều trị dự phòng như corticosteroid hạng hít hoặc corticosteroid dạng hít phối hợp với thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài. Để đạt được kiểm soát tốt bệnh hen, các bác sĩ khuyến cáo, ngoài vấn đề tiên quyết là tuân thủ điều trị các thuốc dự phòng để ổn định bệnh, cha mẹ cần đảm bảo chất lượng môi trường, vệ sinh nhà cửa, trường lớp, để tránh những căn nguyên gây khởi phát cơn hen ở trẻ.

Theo khuyến cáo của Bệnh viện Nhi Trung ương, những trẻ hen phế quản cần được tiêm phòng đầy đủ vaccine cúm hằng năm và vaccine phế cầu theo tuổi. Trong trường hợp trẻ nhiễm virus, gia đình cần tuân thủ xịt thuốc dự phòng theo y lệnh, vệ sinh mũi họng, xúc miệng thường xuyên.

Ngoài ra, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám định kỳ thường xuyên để được đánh giá về chức năng hô hấp, tình trạng kiểm soát hen của trẻ, đồng thời, được các chuyên gia y tế hướng dẫn cách xử trí khi lên cơn hen cấp. Phụ huynh tuyệt đối không được chủ quan sử dụng theo đơn thuốc cũ hoặc tự thay đổi phác đồ điều trị mà không có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa, khiến tình trạng bệnh của trẻ ngày càng chuyển biến nặng. (Công an nhân dân, trang 7).

 

Nguy cơ cao bệnh bại liệt hoang dại xâm nhập

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) vừa có văn bản gửi các địa phương về việc tiêm vaccine IPV (phòng bại liệt) cho trẻ sinh năm 2021-2022.

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong năm 2021, 2022 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thực hiện giãn cách xã hội, nhiều địa phương đã phải tạm dừng triển khai tiêm chủng thường xuyên, dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng nhiều loại vaccine ở mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua.

Trong đó, tỷ lệ uống vaccine bOPV (vaccine phòng bại liệt đường uống) và tiêm IPV của cả năm 2021 chỉ đạt 69,4% và 80,4%; năm 2022 đạt 70,1% và 89,2%. Tỷ lệ tiêm IPV mũi 2 đạt 73% dẫn đến nhu cầu sử dụng các vaccine này giảm so với kế hoạch, tăng số lượng tồn vaccine IPV hạn sử dụng ngắn tại các tuyến. (Chi tiết xem báo Tiền phong, trang 6).

 

Đổ bệnh vì thời tiết khắc nghiệt

Cả nước đang vào giai đoạn chuyển mùa, sự thay đổi thời tiết là điều kiện thuận lợi để các virus, vi khuẩn nguy hại phát triển, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.

Miền Bắc: Mệt mỏi với nồm ẩm

Đã 3 ngày điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) nhưng bé gái 5 tuổi con của chị Lê Thị Hà (ở Trương Định, Hà Nội) vẫn ho nhiều, khó thở do viêm phế quản. Bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm phế quản co thắt do cơ địa mẫn cảm với thời tiết có độ ẩm cao. Theo bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang, Phó trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn, thời tiết miền Bắc đang mưa phùn, nồm ẩm kéo dài đã ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe người dân, nhất là với trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh lý về hô hấp. Khi thấy trẻ có các dấu hiệu mệt mỏi, sốt cao, uống thuốc hạ sốt đáp ứng kém, khó thở... gia đình cần đưa ngay đến bệnh viện.

Trong khi đó, mỗi ngày Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận từ 3.500-4.500 bệnh nhi. TS Nguyễn Thị Mai Hoàn, Trưởng khoa Khám bệnh, cho biết, một số bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, bệnh lý về da và sốt virus đang tăng mạnh, lượng bệnh nhân đến khám tăng khoảng 30% so với trước. Bệnh viện Da liễu Trung ương cũng đang tiếp nhận lượng lớn bệnh nhân bị nấm da và viêm da tiếp xúc liên quan đến yếu tố thời tiết. Bác sĩ Quách Thị Hà Giang, Phó trưởng Khoa Khám bệnh, cho biết, mưa phùn và độ ẩm cao làm cho nhà cửa, quần áo, chăn màn bị ẩm rất khó chịu, nếu chúng ta mặc quần áo ẩm dễ làm tăng nặng bệnh nấm da.

Miền Nam: Nhập viện vì… nóng

Theo thống kê của Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM), mỗi ngày bệnh viện có hơn 3.000 lượt khám chữa bệnh, trong đó, số lượt bệnh nhân thăm khám liên quan đến vấn đề về hô hấp, tai mũi họng chiếm tỷ lệ cao. Ông N.V.N. (81 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre) đến khám tại Khoa Nội hô hấp cho biết: “Tôi ở nhà cả ngày và mở máy lạnh 24/24 giờ. Cứ nghĩ là tránh được nóng ai ngờ lại vướng phải bệnh viêm phổi do lạm dụng máy lạnh”. Còn anh N.L.Đ. (45 tuổi, ngụ quận 12, TPHCM) đang làm ở công trình xây dựng thì bị choáng vì say nắng, phải cấp cứu.

Bác sĩ Dư Lê Thanh Xuân, Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn (ICU), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, cho biết, từ đầu năm đến nay, bệnh viện tiếp nhận hơn 330 trường hợp mắc thủy đậu. Thời điểm này đang bước vào mùa bệnh thủy đậu, những người có cơ địa suy giảm miễn dịch, người già, thai phụ… sẽ có nguy cơ trở nặng khi mắc bệnh này.

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1, nhiều bệnh nhi nhập viện do liên quan đến các bệnh tiêu hóa (chiếm 8%), hô hấp (chiếm 10%-15%). Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi đồng 1, cần cho trẻ uống đủ nước, ngủ đủ giấc, vệ sinh mũi họng. Khi đi nắng về không vào máy lạnh ngay vì nhiệt độ cơ thể trẻ sẽ khó thích nghi. Cần đeo khẩu trang khi ra đường. Trẻ sốt ho, sổ mũi nên đưa đến cơ sở y tế khám và điều trị, không nên để lâu tránh biến chứng nặng hơn.

Theo Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp, trung bình một tuần có khoảng 90 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), tổng số ca mắc tính từ đầu năm đến nay là trên 1.000 ca. Sở Y tế tỉnh Long An cho hay, từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh đã ghi nhận 570 ca mắc SXH, gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2022, trong đó có 1 ca tử vong. Tỉnh Sóc Trăng cũng ghi nhận từ ngày 27-3 đến ngày 2-4 có 38 ca mắc SXH, phát hiện 17 ổ dịch mới. Còn tại tỉnh An Giang, tính từ đầu năm đến ngày 11-4, số ca mắc SXH là 1.201 ca, tăng 4% so với cùng kỳ. (Sài Gòn giải phóng, trang 9).

 

Hoàn thiện chính sách pháp luật để ngành Y tế phát triển

Thời gian qua, nhất là sau đại dịch Covid-19, nhiều cơ chế, chính sách liên quan ngành y tế bộc lộ những vướng mắc, bất cập. Điều đó đặt ra yêu cầu cần có giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trước mắt cũng như sớm hoàn thiện chính sách pháp luật, tạo điều kiện cho ngành y tế phát triển bền vững.
Tại buổi làm việc với Bộ Y tế, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá, nhiều cơ chế, chính sách trước đây đã bộc lộ không ít bất cập, hạn chế sau “cơn bão” Covid-19. Như mô hình tự chủ bệnh viện vốn là điểm sáng cũng gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không còn phù hợp; công tác đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, xã hội hóa trong cơ sở y tế công lập nảy sinh những vấn đề không lường trước được…

Chính vì vậy, ngành y tế cần rà soát cụ thể từng điều, khoản, thông tư, nghị định, luật cần sửa đổi, bổ sung về tự chủ, xã hội hóa, mua sắm, đấu thầu…; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan nhằm xây dựng được những chính sách cốt lõi, có tính chất đặc thù để thực hiện tốt những nhiệm vụ quan trọng, nhất là trong giai đoạn khoa học, công nghệ phát triển mạnh mẽ; tạo sự gắn kết giữa y tế công lập với y tế tư nhân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe…

Trên cơ sở những khó khăn, bất cập đã được nêu ra, Bộ Y tế đã đề xuất kế hoạch xây dựng chính sách pháp luật năm 2023:

Đẩy mạnh thực hiện Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; tổng kết thi hành và xây dựng hồ sơ các dự án Luật quan trọng để trình Quốc hội ban hành nhằm khắc phục các vướng mắc, khó khăn, bất cập về thể chế và tăng tính dự báo như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật Phòng bệnh, Luật Trang thiết bị y tế, Luật Dân số…

Đối với những vấn đề về thể chế liên quan đến y tế nhưng có đan xen các lĩnh vực xã hội khác thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành khác xây dựng như Luật Đấu thầu, Luật Giá… Bộ Y tế tiếp tục tích cực tham gia đóng góp ý kiến để hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những vướng mắc hiện nay về đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị y tế…

Ngành y tế cũng sẽ tập trung triển khai quyết liệt, nhanh chóng các giải pháp, chính sách đã được Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 80/2023/QH15 về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 (Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.

Để có đầy đủ văn bản hướng dẫn ngay khi Luật có hiệu lực thi hành, bảo đảm hiệu lực và hiệu quả, Bộ Y tế đang tập trung xây dựng các nghị định và thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các nội dung được giao trong Luật tạo bước đột phá về thể chế trong công tác khám bệnh, chữa bệnh bao gồm:

Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật;

Nghị định quy định tự chủ, xã hội hóa, giá dịch vụ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

Thông tư quy định phương pháp định giá đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh;

Thông tư quy định giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc danh mục do quỹ bảo hiểm y tế thanh toán, giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do ngân sách nhà nước thanh toán, giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc danh mục do quỹ bảo hiểm y tế thanh toán mà không phải là dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế và các bộ khác…

Toàn ngành rà soát tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật về y tế và các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực khác có liên quan đến y tế để đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình mới.

Trong ba năm tới cần tập trung sửa đổi, bổ sung một cách căn cơ các Thông tư trong lĩnh vực y tế, trong đó tập trung đầu tiên theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, các điều kiện liên quan đến tổ chức triển khai, làm sao để tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, cho người dân, bảo đảm quyền lợi của người bệnh và thuận lợi cho hoạt động của cơ sở y tế; hoàn thiện các quy trình chuyên môn, định mức kỹ thuật, giá của dịch vụ y tế, từ đó hoàn thiện các văn bản cốt yếu, tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước có được đầy đủ thể chế để tổ chức và thi hành pháp luật trong lĩnh vực y tế.

Bộ Y tế cũng sẽ tăng cường công tác hậu kiểm. Các lĩnh vực hiện đang có thanh tra chuyên ngành như dược, an toàn thực phẩm, khám, chữa bệnh… sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm để bảo đảm khi thông thoáng điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhưng chất lượng thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị y tế, an toàn thực phẩm được thường xuyên giám sát, hậu kiểm và phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm…

Toàn ngành sẽ tập trung triển khai Nghị quyết số 80/2023/QH15 của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024; Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 4/3/2023 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế; Nghị định số 07/2023/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế.

Bộ Y tế đang hoàn thiện các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Dân số; Luật Phòng bệnh; Luật Thiết bị y tế; Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (sửa đổi); Luật Chuyển đổi giới tính; Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi)…

Trên cơ sở tính cấp thiết, Bộ Y tế vừa có đề nghị Ủy ban Xã hội của Quốc hội sắp xếp ưu tiên trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược vào tháng 5/2024; trình dự án Luật Dân số vào tháng 10/2024; trình dự án Luật Phòng bệnh vào tháng 5/2025. (Nhân dân, trang 5).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang