Nữ bác sĩ ở Hải Phòng bị đánh gãy răng
Thời gian gần đây, các vụ hành hung cán bộ y tế gia tăng với tính chất ngày càng nguy hiểm. Ngoài những vụ hành hung thân thể, thực tế nhiều thầy thuốc còn phải chịu đựng cả những hành vi đe dọa về mặt tinh thần như bị lăng mạ, dọa dẫm. Những vụ việc này đã khiến dư luận bất bình, đòi hỏi phải có giải pháp xử lý triệt để nhằm chấm dứt hành vi côn đồ này.
Bác sĩ bị đánh gãy răng vì… nhắc để xe vào nơi quy định
Thông tin từ huyện An Dương (TP. Hải Phòng) cho biết, công an huyện này đang tập trung xác minh, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc bà Nguyễn Thị L. - bác sĩ tại Khoa Truyền nhiễm của BVĐK An Dương bị một người đàn ông hành hung ngay tại bệnh viện. Theo thông tin ban đầu, vào 8 giờ ngày 10/6, khi đang ở trước cửa phòng dưới tầng 1 của bệnh viện, BS. Nguyễn Thị L. thấy một người đàn ông đi ôtô đỗ xe gây cản trở lối đi trước cửa Khoa Truyền nhiễm. Bác sĩ L. có nhắc nhở người đàn ông này để xe vào nơi quy định. Ngay sau đó, hai bên lời qua tiếng lại, người đàn ông nêu trên đã lao vào hành hung nữ bác sĩ, gây thương tích. Kết quả thăm khám và chụp Xquang cho thấy, BS. L. bị phù nề phần mặt bên phải, gãy chân răng số 7.
Ngay sau đó, Ban Giám đốc BVĐK An Dương đã yêu cầu cơ quan công an vào cuộc điều tra. Quá trình điều tra, Công an huyện An Dương xác định đối tượng hành hung BS. Nguyễn Thị L. là ông Nguyễn Văn Hưng, SN 1976, trú tại tổ 3, thị trấn An Dương, huyện An Dương. Cơ quan CSĐT - Công an huyện An Dương đã triệu tập ông Nguyễn Văn Hưng để làm rõ hành vi hành hung nữ bác sĩ.
Trước đó, vào chiều ngày 23/4, trong quá trình các y, bác sĩ BVĐK tỉnh Hà Tĩnh tiến hành làm thủ tục và thăm khám ban đầu cho thai phụ tên T., một người đàn ông đã cầm dao bước tới, to tiếng, đập bàn gây sức ép, yêu cầu phải xử lý nhanh cho bệnh nhân. Trước sự việc này, các nhân viên y tế Khoa Cấp cứu - Chống độc đã gọi điện báo bảo vệ bệnh viện và công an. Ngay sau đó, lực lượng bảo vệ của bệnh viện và Công an TP. Hà Tĩnh đã có mặt tại hiện trường kịp thời can ngăn, đồng thời thông báo với lực lượng Cảnh sát 113 Công an tỉnh Hà Tĩnh đến phối hợp, khống chế người đàn ông, tước hung khí đưa về trụ sở để phối hợp điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Phòng, chống bạo hành nhân viên y tế: Rất cần có luật
Phân tích về nguyên nhân dẫn tới các vụ bạo hành, tại tọa đàm “Bạo hành trong bệnh viện, vấn nạn và giải pháp” do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức vào cuối tuần qua, GS.TS. Trần Văn Thuấn, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương nhận định: “Dưới góc độ chuyên môn nghề nghiệp, chúng ta nhận thấy vấn đề không dừng lại ở lối hành xử không chuẩn mực và những nguyên nhân do rượu, bia, ảnh hưởng của các chất kích thích ở một số người bệnh, người nhà người bệnh mà ngay chính phương pháp làm việc, giao tiếp với bệnh nhân của một số y, bác sĩ còn chưa hợp lý. Ngoài ra, còn rất nhiều nguyên nhân khác mà việc tăng cường các biện pháp pháp lý không thể giải quyết triệt để vấn đề”.
Từ những nguyên nhân đó, các chuyên gia cho rằng mỗi cơ sở y tế để phòng chống bạo hành thì phải xây dựng môi trường y tế thật sự chuyên nghiệp, đặc biệt quy trình làm việc phải thực sự tốt. Cần có hệ thống cảnh báo phòng chống bạo hành, có đội ngũ bảo vệ có kỹ năng, kiến thức phòng chống bạo hành, liên kết với đơn vị công an khu vực ngay khi có bạo hành xảy ra. Đồng thời, cá nhân mỗi nhân viên y tế phải tự có ý thức phòng chống bạo hành, nghĩa là phải luôn luôn nhìn nhận ngoài công việc chuyên môn thì phải hiểu rằng những cái gì đang có nguy cơ đe dọa đối với mình. Khi hiểu được điều đó thì đấy là cách bảo vệ tốt nhất bởi môi trường xung quanh bảo vệ chúng ta không quan trọng bằng tự một nhân viên y tế phải có ý thức phòng chống để không xảy ra bạo hành.
Mặt khác, trước sự gia tăng của vấn nạn bạo hành trong bệnh viện, ngày 19/6/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý bổ sung Khoản D Điều 134 trong dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) về tình tiết tăng nặng khi phạm tội cố ý gây thương tích đối với người “chữa bệnh cho mình”. Theo đó, tăng mức phạt đối đa lên tới 3 năm tù.
Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa đủ mạnh và chưa có quy định bảo vệ trực tiếp quyền lợi của nhân viên y tế ở nơi xảy ra các sự việc và nhận thức của người nhà người bệnh khi thực hiện nghĩa vụ trong khám, chữa bệnh chưa thực sự đầy đủ. Ở các nước phát triển, bên cạnh việc bảo vệ nhân viên y tế bằng các phương tiện, trang thiết bị hiện đại, các hành vi xâm phạm nhân viên y tế cho dù chỉ là lời nói đều bị trừng phạt rất nặng.
Thiết nghĩ đã đến lúc pháp luật phải xây dựng ít nhất một điều luật đó là tội chống cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế, đưa vào thành tội của Bộ luật Hình sự nhằm hạn chế tối đa các tình trạng bạo hành nhân viên y tế, đảm bảo cho môi trường y tế được làm việc an toàn. (Sức khỏe & Đời sống, trang 1).
Một bệnh nhân ở Vĩnh Long nghi nhiễm cúm A/H1N1
Ngành Y tế Cần Thơ đang ráo riết theo dõi, giám sát những trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân nghi nhiễm cúm để kịp thời cách ly điều trị và khống chế bệnh không cho lây lan.
Chiều 12-6, bác sĩ (BS) Cao Minh Chu, Phó Giám đốc sở Y tế TP Cần Thơ cho biết, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) TP Cần Thơ đang có một bệnh nhân nghi nhiễm cúm A/H1N1. Sau một tuần điều trị, sức khỏe bệnh nhân này đã ổn định.
Tuy nhiên, ngành Y tế Cần Thơ đang ráo riết theo dõi và giám sát những trường hợp có thể nhiễm cúm khi tiếp xúc với bệnh nhân này để kịp thời cách ly điều trị và khống chế bệnh không cho lây lan.
Theo Sở Y tế TP Cần Thơ, ngày 3-6, bà Nguyễn Thị Tư (84 tuổi), được Trung tâm Y tế thị xã Bình Minh (Vĩnh Long) tiếp nhận điều trị với chẩn đoán bị cao huyết áp.
Trong quá trình này, bà Tư có tiếp xúc với bà Nguyễn Thị Mười Ba (bà Ba trước đó đã bị nhiễm cúm A/H1N1 theo kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh).
Ngày 8-6, bà Tư được chuyển đến BVĐK TP Cần Thơ và được điều trị tại Khoa Tim mạch - Lão học với chẩn đoán viêm phổi, theo dõi nhiễm trùng huyết.
Ngay sau khi nhận được tin báo bà Tư có tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm cúm trước đó, BVĐK TP Cần Thơ đã chuyển bà Tư đến Khoa Nhiễm và tiến hành cách ly, theo dõi viêm phổi, lấy mẫu bệnh phẩm và điều trị thêm Taminflu. Hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định…
Kết luận của Sở Y tế TP. Cần Thơ cho thấy, bệnh nhân Tư có yếu tố dịch tễ, có triệu chứng cúm, nghi nhiễm cúm A/H1N1. Sở Y tế TP Cần Thơ đã chỉ đạo bệnh viện khẩn trương kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo tại bệnh viện cho các bệnh nhân khác.
Cho các nhân viên y tế làm việc tại Khoa Tm mạch – Lão học và Khoa Nhiễm, gửi bệnh phẩm về viện Pasteur để xét nghiệm, điều tra dịch tễ người tiếp xúc với bệnh nhân để cách ly điều trị kịp thời, đồng thời chỉ đạo khẩn đến toàn ngành Y tế Cần Thơ thực hiện các biện pháp chuyên môn phòng chống dịch cúm trên địa bàn. (Công an nhân dân, trang 2; Lao động, trang 1).
Bộ Y tế nói về nguy cơ 8 chiến sĩ Công an bị phơi nhiễm HIV khi truy bắt tội phạm
Mấy ngày vừa qua, nhiều phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về vụ 8 chiến sĩ Công an tỉnh Hải Dương bị phơi nhiễm HIV khi bắt giữ các đối tượng buôn bán ma túy, trong đó có đối tượng bị nhiễm HIV. Bộ Y tế vừa lên tiếng về sự việc này. Thông tin đến báo chí ngày 12-6, TS.BS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS - Bộ Y tế cho biết, Cục này đã nhận được báo cáo từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Hưng Yên - đơn vị thường trực về phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh Hưng Yên – liên quan đến vụ việc này.
Theo đó, ngày 6-6-2018, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Công an tỉnh Hưng Yên đã bắt quả tang đối tượng Tạ Văn Lý (sinh năm 1976, trú tại xã Phùng Hưng, huyện Khoái Châu, Hưng Yên) đang có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy tại quốc lộ 39A. Qua đấu tranh, Lý đã khai mua heroin từ Huyền. Lực lượng chức năng đã khám xét nhà của đối tượng Huyền.
Khi tổ chức khám xét nhà của Huyền, anh trai của Huyền là Nguyễn Văn T là người nhiễm HIV, từng có 2 tiền án về tội mua bán trái phép chất ma túy, đã sử dụng dao đe dọa, chống trả quyết liệt lực lượng thực thi hành nhiệm vụ. T. đã dùng dao tự cứa vào tĩnh mạch trên cổ tay mình cho chảy máu, rồi cầm dao xông vào lực lượng Công an đang làm nhiệm vụ.
Mặc dù biết đối tượng bị nhiễm HIV, nhưng với tinh thần cương quyết đấu tranh trấn áp tội phạm và tính nhân văn, các chiến sĩ cảnh sát hình sự đã không ngại nguy hiểm đến tính mạng, kiên quyết khống chế, bắt giữ đối tượng. Đồng thời, lực lượng cảnh sát còn băng bó vết thương, bảo toàn tính mạng cho đối tượng T.
Trong quá trình khống chế đối tượng, 8 đồng chí Công an bị phơi nhiễm HIV do bị thương, xây xát và dính máu của đối tượng.
Phân tích kỹ hơn về nguy cơ phơi nhiễm HIV của 8 chiến sĩ Công an trong trường hợp nói trên, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV Hoàng Đình Cảnh cho biết, phơi nhiễm với HIV được xác định là khi tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc các dịch cơ thể của người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm HIV dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV.
Ông Cảnh nêu rõ, nguy cơ nhiễm HIV của các các bộ chiến sĩ Công an trên phụ thuộc vào một số yếu tố. Thứ nhất là nơi tiếp xúc với máu và chất dịch cơ thể của người nhiễm HIV bắn vào. Nếu bắn vào các vùng da hay niêm mạc của các chiến sĩ Công an bị xây xát, tổn thương thì có nguy cơ.
Vùng da niêm mạc tổn thương càng rộng thì nguy cơ cao hơn. Nếu máu và dịch cơ thể của người nhiễm HIV đó bắn vào vùng da lành thì không có nguy cơ.
Thứ hai là việc xử lý vết thương của cán bộ chiến sĩ Công an sau đó thể nào. Nếu tổn thương da chảy máu mà rửa ngay ngay vết thương dưới vòi nước hay rửa kỹ bằng xà phòng và nước sạch thì nguy cơ cũng giảm đi rất nhiều.
Thứ ba là tình trạng nhiễm HIV của người gây phơi nhiễm. Với trường hợp này, đối tượng T. đã được xác định nhiễm HIV và hiện đang được điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV) từ năm 2010.
“Theo báo cáo của cơ sở điều trị cho T, lần xét nghiệm tải lượng virus gần đây nhất cuối năm 2017 thì tải lượng virus của T. là 164 bản sao/ml máu, tức là tải lượng virus trong máu của bệnh nhân T là rất thấp. Các nghiên cứu cho thấy, khi một người nhiễm HIV được điều trị ARV và đạt tải lượng virus thấp thì nguy cơ lây nhiễm HIV sang người khác cũng thấp” – TS Cảnh nói.
Thứ tư là điều trị thuốc kháng virus sau phơi nhiễm. Hiện nay, Bộ Y tế khuyến cáo điều trị sau phơi nhiễm với HIV bằng thuốc ARV càng sớm càng tốt; tối ưu nhất trong vòng 6 giờ đầu và không quá 72 giờ sau phơi nhiễm.
Ông Cảnh cho biết, theo báo cáo của tỉnh Hưng Yên, cả 8 chiến sĩ Công an đều được khám, xét nghiệm HIV, tư vấn và được cấp thuốc ARV miễn phí để điều trị trong vòng 20 giờ. Có thể nói thời gian điều trị ARV như vậy là sớm.
“Với tất cả các yếu tố trên, có thể nói nguy cơ nhiễm HIV của 8 cán bộ công an tỉnh Hưng Yên là có, tuy nhiên không cao” – TS Hoàng Đình Cảnh nhấn mạnh.
Vẫn theo Cục Phòng chống HIV/AIDS – Bộ Y tế, 8 cán bộ chiến sĩ Công an nói trên hiện đã được làm đầy đủ các thủ tục về phơi nhiễm HIV trong môi trường nghề nghiệp như xử trí ban đầu, lập biên bản, tư vấn, xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng sau phơi nhiễm bằng thuốc ARV.
Công việc tiếp theo là tư vấn hỗ trợ tâm lý để các chiến sĩ yên tâm nếu cần thiết, đồng thời theo dõi tác dụng phụ của ARV trong quá trình điều trị để đảm bảo việc điều trị ARV đủ liệu trình 28 ngày. Cần tổ chức xét nghiệm lại HIV cho 8 chiến sĩ này sau 3 tháng kể từ khi phơi nhiễm.
Cùng đó, ngành y tế sẽ tư vấn cho các chiến sĩ về việc không được hiến máu, thực hành quan hệ tình dục an toàn cho đến khi loại trừ được tình trạng nhiễm HIV; tư vấn về việc tiêm vaccine viêm gan virus B nếu cần. (Tuổi trẻ, trang 4; Công an nhân dân, trang 3).
Cách ly điều trị 3 nhân viên y tế bị nghi nhiễm cúm A/H1N1
Chiều 12.6, trao đổi với báo chí, bác sĩ Bùi Văn Đời, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện đa khoa TP.Cần Thơ (BV Cần Thơ), cho biết trong ngày BV đã tiến hành cách ly 3 nhân viên có biểu hiện nhiễm cúm A/H1N1 sau khi điều trị cho một bệnh nhân bị dương tính với cúm A/H1N1. Trước đó, ngày 8.6, BV Cần Thơ tiếp nhận điều trị bệnh nhân N.T.T (84 tuổi, ngụ xã Mỹ Hòa, TX.Bình Minh, Vĩnh Long). Kết quả xét nghiệm, bệnh nhân T. bị phát hiện dương tính với cúm A/H1N1. Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân T., bác sĩ và 2 điều dưỡng của khoa tim mạch trực tiếp điều trị bị nghi lây nhiễm cúm A/H1N1. Sau khi cho cách ly, BV đã tiến hành điều trị cúm A/H1N1 theo phác đồ của Bộ Y tế cho các nhân viên nghi lây nhiễm; đồng thời khẩn trương thống kê, lập danh sách các nhân viên y tế đã tiếp xúc, điều trị cho bệnh nhân trước đó, nhằm sàng lọc những người có thể bị lây bệnh. Ngoài ra, BV cũng tiến hành theo dõi và kiểm tra thường xuyên cho 2 người thân của bệnh nhân T. đang thăm nuôi tại BV. Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, Phó giám đốc Sở Y tế TP.Cần Thơ, cho biết Sở Y tế TP.Cần Thơ, Trung tâm y tế dự phòng Cần Thơ đã họp khẩn với Ban Giám đốc BV Cần Thơ và thống nhất thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cúm A/H1N1 để triển khai các bước về phòng, chống dịch trên địa bàn TP.
Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế TP.Cần Thơ, bệnh nhân T. trước đó nhập viện điều trị vào ngày 3.6 tại Trung tâm y tế TX.Bình Minh và được chẩn đoán, điều trị bệnh tăng huyết áp. Ngày 5.6, trong quá trình điều trị tại đây, bà T. có tiếp xúc với bệnh nhân N.T.M.B (ngày 9.6 Viện Pasteur TP.HCM có kết quả xét nghiệm khẳng định bệnh nhân B. bị nhiễm cúm A/H1N1). Đến ngày 8.6, bà T. được chuyển đến Khoa Tim mạch - Lão học của BV Cần Thơ với chẩn đoán tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, viêm phổi. Sau đó, Trung tâm y tế TX.Bình Minh báo cáo với BV Cần Thơ là bà T. có tiếp xúc với bệnh nhân B. nhiễm cúm A/H1N1 nên BV chuyển bà T. đến phòng cách ly tại khoa truyền nhiễm. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán theo dõi bệnh nhân T. viêm phổi do vi rút, tăng huyết áp, lấy mẫu bệnh phẩm và điều trị thêm Tamiflu. Đến chiều 12.6, sức khỏe bà T. đã ổn định, bớt ho, hết sốt, ăn uống được. Hiện Sở Y tế TP.Cần Thơ đã thông báo ca bệnh của bà T. về Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long và triển khai nhiều biện pháp phòng chống cúm A/H1N1 trên địa bàn TP. (Thanh niên, trang 4).
Thu hồi sản phẩm sữa của hai doanh nghiệp thực phẩm lớn
Ngày 12-6, Thanh tra Bộ Y tế cho biết, cơ quan này vừa liên tiếp ra các quyết định thu hồi 12 sản phẩm thực phẩm của Công ty cổ phần thực phẩm Light Food do có vi phạm về công bố sản phẩm và ghi nhãn sản phẩm. Các thực phẩm vi phạm bị thu hồi gồm thực phẩm bổ sung (TPBS) Biolac pedia, số đăng ký 184/2018/DKSP ngày 3-5-2018;TPBS Biolac IQ Grow 1, số đăng ký 185/2018/DKSP ngày 3/5/2018; TPS Biolac infant, số đăng ký 183/2018/DKSP ngày 3-5-2018; TPBS Biolac mama, số đăng ký 005/BIOLF-CBPH-TPBS ngày 13-3-2018; TPBS Biolac golg, số đăng ký 002/BIOLF-TPBS ngày 13-3-2018...
Cũng trong ngày 12-6, Thanh tra Bộ đã ra quyết định thu hồi 23 sản phẩm thực phẩm của Công ty cổ phần công nghiệp thực phẩm Vinanusoy (Công ty Vinanusoy) sản xuất, lưu hành do có vi phạm về công bố và ghi nhãn sản phẩm. Cụ thể, sản phẩm vi phạm là TPBS Mooncare pedia; TPBS Mooncare IQ Grow; TPBS Mooncare infant formula; TPBS Maxsure số 1; TPBS Maxsure số 2; TPBS Maxsure số 3...
Đối với những sản phẩm có vi phạm về nhãn nêu trên, theo quyết định của Thanh tra Bộ Y tế, sau khi thu hồi sản phẩm, doanh nghiệp tiến hành khắc phục nội dung ghi nhãn, bảo đảm nhãn phù hợp với nhãn công bố được tiếp tục lưu hành sau khi được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đồng ý bằng văn bản và đáp ứng các quy định khác về bảo đảm an toàn thực phẩm.
Ngoài các sản phẩm, lô sản phẩm bị thu hồi nói trên, đối với những sản phẩm, lô sản phẩm do hai doanh nghiệp sản xuất sau ngày ban hành quyết định này nếu đã được công bố theo đúng quy định, đáp ứng các yêu cầu về ghi nhãn và các quy định khác về bảo đảm an toàn thực phẩm, công ty được phép lưu hành bình thường theo quy định của pháp luật.
Thanh tra Bộ Y tế yêu cầu hai doanh nghiệp nêu trên chịu trách nhiệm tự tổ chức thu hồi và xử lý sản phẩm vi phạm nêu dưới sự giám sát của Đoàn kiểm tra, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Sau khi kết thúc việc thu hồi và xử lý sản phẩm trên, hai doanh nghiệp phải báo cáo với Thanh tra Bộ Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội về kết quả thu hồi và xử lý sau thu hồi. (Nhân dân, trang 5).
830.000 liều vaccine "5 trong 1" ComBe Five đầu tiên chuẩn bị về Việt Nam, thay cho Quinvaxem
Hôm nay, 12-6, thông tin từ Cục Quản lý dược – Bộ Y tế cho biết, dự kiến từ giữa tháng 6 này, 833.200 liều vaccine ComBE Five (do GAVI viện trợ) sẽ được nhập khẩu về Việt Nam và chính thức được sử dụng để thay thế vaccine Quinvaxem. Theo Cục Quản lý dược, vaccine ComBE Five (do Ấn Độ sản xuất) sẽ được sử dụng thay thế cho vaccine Quinvaxem đã được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia trước đây do nhà sản xuất tại Hàn Quốc ngừng sản xuất loại vaccine này.
Để đảm bảo cung ứng kịp thời vaccine “5 trong 1” ComBE Five trong tiêm chủng mở rộng (tiêm miễn phí cho trẻ) và đảm bảo hiệu quả công tác tiêm chủng, Cục Quản lý dược đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia chủ động liên hệ và tiến hành các thủ tục liên quan để nhận viện trợ hoặc mua sắm vaccine ComBE Five theo đúng cơ chế đã được phê duyệt.
Mặt khác, khẩn trương báo cáo tên và địa chỉ cơ sở được ủy quyền nhập khẩu vaccine ComBE Five theo đúng yêu cầu của Cục Quản lý dược; Chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, giám sát các đơn vị, địa phương trong việc triển khai sử dụng vaccine ComBE Five, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh nếu có.
Đặc biệt, ở giai đoạn triển khai tiêm chủng trên quy mô nhỏ tại 7 tỉnh/ thành phố (Hà Nam, Bắc Giang, Yên Bái, Kon Tum, Bình Định, Đồng Tháp, Bà Rịa-Vũng Tàu) trong tháng 6-7/2018 trước khi tổ chức triển khai việc chuyển đổi sử dụng vaccine ComBE Five (thay cho Quinvaxem) rộng ra phạm vi cả nước, cần kịp thời báo cáo kết quả và các khó khăn, vướng mắc về Cục Quản lý dược để giải quyết. (Nhân dân, trang 5).
Những giọt máu nghĩa tình
Cùng với cả nước, trên địa bàn TP Hà Nội xuất hiện ngày càng nhiều cá nhân, gia đình tình nguyện hiến máu cứu người. Những giọt máu nghĩa tình ấy đã tiếp thêm nguồn sống cho người bệnh, chia sẻ khó khăn với người nghèo và góp phần bồi đắp, nhân lên những giá trị nhân ái. Ghi nhận những tấm lòng cao cả, Ban Vận động hiến máu tình nguyện TP Hà Nội tổ chức tôn vinh gần 200 cá nhân, gia đình hiến máu tiêu biểu vào Ngày Quốc tế Người hiến máu 14-6.
Những tấm lòng nhân ái
Hình ảnh chị Lê Thị Hà, 48 tuổi, xã Kim Thư (Thanh Oai) trong trang phục bảo hộ lao động lấm lem bùn đất, hớn hở hiến máu tại lễ hội Xuân hồng huyện Thanh Oai năm 2018 diễn ra đầu tháng 3 vừa qua gây xúc động với bất cứ ai chứng kiến. Ấy là bởi chị đang đi làm đồng, thì biết tin có đợt hiến máu tình nguyện nên không thể… “bỏ lỡ” cơ hội cứu người. “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại, tôi hiểu điều đó nên đã tham gia hiến máu nhân đạo hơn 30 lần và sẽ tiếp tục hiến đến khi nào sức khỏe còn cho phép. Hiến máu đúng liều lượng không ảnh hưởng đến sức khỏe như nhiều người vẫn nghĩ, thậm chí nó còn giúp cho cuộc sống thêm ý nghĩa vì có thể mang lại những điều tốt đẹp cho cộng đồng”, chị Hà nhắn nhủ. Có con mắc bệnh hiểm nghèo và được cộng đồng tiếp máu để kéo dài sự sống, chị Nguyễn Thị Lương, phường Minh Khai (Bắc Từ Liêm) thấu hiểu hơn ai hết nhu cầu cần tiếp máu của người bệnh. Dù con chị đã đi xa, song mỗi lần nghĩ về đứa con xấu số, chị Lương thấy mình cần làm điều gì đó góp phần cứu người. Tình yêu của người mẹ dành cho con là động lực thôi thúc chị hiến máu tình nguyện tới 8 lần và sẽ tiếp tục hiến thêm nhiều lần nữa.
Tham gia hiến máu tình nguyện có những người lao động như chị Lê Thị Hà, Nguyễn Thị Lương; có những học sinh, sinh viên nhiệt huyết, những cán bộ, công chức nhiệt tình, trách nhiệm, những doanh nhân giàu lòng nhân ái,… Đến thời điểm này, anh Phạm Ngọc Duy, sinh viên Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp đã hiến máu 12 lần và vận động bạn bè cùng trường hiến gần 1.500 đơn vị máu/năm; anh Đặng Trung Kiên, sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội từng hiến máu 11 lần và vận động được hơn 1.000 đơn vị máu/năm. Anh Nguyễn Ngọc Quang, cán bộ UBND xã Việt Long (Sóc Sơn); Phạm Phú Phát, tình nguyện viên Câu lạc bộ Hành trình đỏ… được biết đến là những người có “trái tim hồng” với hơn 40 lần hiến máu tình nguyện, đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động cộng đồng hưởng ứng. Qua 20 lần hiến máu, kỹ sư Lê Đình Quý, Ban Quản lý Dự án 493 Trương Định, thuộc Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Hà Nội đã cứu một số người có nhóm máu hiếm O Rh (âm) thoát khỏi tử thần…
Ngoài ra, TP Hà Nội có rất nhiều gia đình mà các thành viên cùng hiến máu tình nguyện như gia đình ông Tạ Minh Hải, tổ 4, phường Nhật Tân (Tây Hồ); Lê Đình Duật, tập thể S8, phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân); gia đình bà Phùng Thị Vân, xã Phú Châu (Ba Vì); Nguyễn Thị Cẩm, xã Đại Thành (Quốc Oai…
Nhân lên những giá trị tốt đẹp
Từ những cá nhân, gia đình hiến máu tiêu biểu, phong trào hiến máu tình nguyện trên địa bàn TP Hà Nội ngày càng phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu. Thống kê của Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội cho thấy, toàn thành phố hiện có hơn 80 câu lạc bộ, đội tuyên truyền hiến máu nhân đạo với số lượng hội viên lên đến hàng nghìn người. Họ vừa là những cá nhân tích cực vận động cộng đồng tham gia hiến máu, vừa là ngân hàng máu sống, sẵn sàng hiến máu khi bệnh nhân cần. Tính chung, trung bình mỗi năm, TP Hà Nội có khoảng 2-3% dân số tham gia hiến máu tình nguyện.
Thông qua những sự kiện, chiến dịch như “Lễ hội Xuân hồng”, “Những giọt máu hồng”, “Hành trình Đỏ”, Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện 7-4, Ngày Quốc tế Người hiến máu 14-6… được tổ chức rộng khắp, phong trào hiến máu tình nguyện của TP Hà Nội thu về hơn 1,2 triệu đơn vị máu trong giai đoạn 2008-2017. Đáng mừng là số người tình nguyện hiến máu cũng như lượng máu thu về tăng đều hằng năm. Năm 2017, lượng máu thu được tăng hơn 5 lần so với năm 2008. Trong 5 tháng đầu năm nay, toàn thành phố đã tiếp nhận hơn 110.000 đơn vị máu, đạt 55,8 % kế hoạch năm. Nguồn máu nhân đạo góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu trung ương và nhiều bệnh viện khác.
Ý nghĩa của phong trào hiến máu tình nguyện đã được khẳng định. Tuy vậy, phong trào vẫn chưa phát triển bền vững ở một số địa phương, chưa đáp ứng đủ nhu cầu cấp cứu và điều trị. “Số lượng máu thu được hằng năm (theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới) mới đáp ứng được khoảng 70-75% nhu cầu. Ở một số địa phương, lực lượng tham gia hiến máu chủ yếu là thanh niên, học sinh, sinh viên, chưa mở rộng ra các đối tượng khác”, ông Nguyễn Sỹ Trường, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội nhận định.
Để đạt mục tiêu thu được hơn 200.000 đơn vị máu với hơn 4% dân số Thủ đô tham gia hiến máu vào năm 2020, ông Nguyễn Sỹ Trường mong muốn các ngành, địa phương, các cấp hội Chữ thập đỏ trên địa bàn TP Hà Nội quan tâm phát triển đội ngũ tuyên truyền viên, tình nguyện viên có kiến thức, kỹ năng vận động hiến máu tình nguyện; nhân rộng mô hình “Mỗi xã, phường là một địa chỉ hiến máu”, “Tuyến phố hiến máu”, “Gia đình hiến máu”… Ngoài ra, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu thành lập Hội Vận động hiến máu Hà Nội và sớm đưa hội đi vào hoạt động. Đồng quan điểm, bác sĩ Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu trung ương cho rằng, việc mở rộng đối tượng tham gia là giải pháp tối ưu để khắc phục tình trạng thiếu máu trong công tác cấp cứu và điều trị hiện nay, nhất là vào những tháng nghỉ hè, dịp nghỉ Tết Nguyên đán.
Dù còn những khó khăn nhất định, song danh sách những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào hiến máu tình nguyện của TP Hà Nội ngày một dài thêm. Điều đó đồng nghĩa với việc nhiều bệnh nhân có thêm cơ hội sống. Thật đáng quý, đáng trân trọng biết bao! (Hà Nội mới, trang 5).
Đẩy mạnh triển khai kế hoạch ứng dụng và phát triển y tế thông minh Bộ Y tế năm 2018
Để đẩy mạnh triển khai kế hoạch ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin đạt hiệu quả và có chất lượng cao, được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ Y tế, ngày 20/3, Cục Công nghệ thông tin – Bộ Y tế tổ chức "Hội nghị triển khai Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ Y tế năm 2018"
PGS.TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục CNTT - Bộ Y tế, chủ trì Hội nghị, tham dự có khoảng 145 đại biểu là lãnh đạo và chuyên viên các Vụ, Cục, Tổng cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, các Sở Y tế, các bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện tuyến tỉnh, 13 doanh nghiệp CNTT, Hội Tin học Việt Nam, đại diện Vụ CNTT, Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, truyền thông báo chí đến tham dự và đưa tin. Đây là một trong những hoạt động quan trọng của Cục CNTT, Bộ Y tế nhằm thúc đẩy triển khai kế hoạch, tìm kiếm, đưa ra giải pháp tối ưu thực hiện trọn vẹn, thành công kế hoạch Ứng dụng CNTT của Bộ Y tế trong năm 2018. Đồng thời cũng từng bước thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của Đảng giao về thiết lập hệ thống sổ sức khỏe điện tử đến từng người dân, cập nhật các thông tin sức khỏe cho người dân khi đi khám sức khỏe, xây dựng cơ chế lộ trình phù hợp thực hiện để tiến tới mọi người dân đều được theo dõi, khám và chăm sóc sức khỏe định kỳ; tập trung đẩy nhanh cải cách hành chính, ƯDCNTT từ quản lý bệnh viện, BHYT, bệnh án điện tử, khám chữa bênh từ xa….
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Cục trưởng PGS.TS Trần Quý Tường nhấn mạnh, triển khai Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ Y tế năm 2018 là rất cần thiết và có ý nghĩa. Trong thời gian qua, với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự kết hợp chặt chẽ của các Bộ/ngành, sự vào cuộc ủng hộ của các bạn bè quốc tế, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân có những bước đầu phát triển quan trọng, đặt nền móng cho sự phát triển y tế điện tử trong thời gian tới. Về thể chế, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản, thông tư, nhiều quyết định chuyên môn kỹ thuật về CNTT Y tế được Bộ Thông tin & Truyền thông xếp vào nhóm 1 trong số những Bộ/ngành có tiến bộ trong ban hành các thể chế về CNTT. Ngành y tế đã tăng cường chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, triển khai thành công và có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến của Bộ Y tế; kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia ASEAN. Hiện nay, 100% dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền Bộ Y tế được cung cấp trực tuyến ở mức độ 2; 57 dịch vụcông trực tuyến mức độ 3 và 4; kết nối liên thông gửi/nhận văn bản điện tử với Văn phòng Chính phủ, với các tỉnh thành; công khai đầy đủ tiến độ giải quyết hồ sơ của Bộ Y tế trên cổng thông tin điện tử Chính phủ… (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Giảm giá khám bệnh, ngày giường và 40 dịch vụ y tế
Bộ Y tế đã xây dựng Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 37 về giá dịch vụ y tế với hướng dẫn cụ thể về thanh toán và thay đổi 6 giá khám bệnh theo hạng bệnh viện (BV) và trạm y tế xã, 42 giá ngày giường theo hạng BV và 40 dịch vụ kỹ thuật chủ yếu là các dịch vụ chẩn đoán hình ảnh như: siêu âm, Xquang, MRI, CT scanner, PET-CT; Nội soi tai mũi họng, y học cổ truyền, phục hồi chức năng. Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đưa ra tại cuộc họp của Bộ Y tế với các phóng viên báo chí chiều 11/6
Giá khám bệnh sẽ giảm 15-20%
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, việc điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh hàng năm là cần thiết, vì giải quyết bất cập trong thực tế cũng như việc điều chỉnh giá theo Thông tư 37 lần này nhằm cân đối quỹ và chất lượng khám chữa bệnh. Trước mắt, do chưa thể điều chỉnh mức đóng BHYT nên để bảo đảm cân đối quỹ, Bộ Y tế sẽ điều chỉnh giá của một số dịch vụ thông thường như khám bệnh, chiếu, chụp, chẩn đoán, siêu âm, giường...
Theo đó, giá khám bệnh sẽ giảm 15-20%, giá ngày giường điều trị giảm từ 2 - 10% theo từng hạng BV. Tuy chỉ điều chỉnh một số dịch vụ (đa số là giảm giá) nhưng tác động lớn đến khả năng cân đối quỹ BHYT, vì đây là các dịch vụ sử dụng nhiều, điều chỉnh để giảm tần suất sử dụng.
Chủ yếu là điều chỉnh giảm số lượt khám/bàn khám, công suất sử dụng máy móc, thiết bị, giường bệnh, nhất là các BV tuyến tỉnh, tuyến huyện tăng, do được đầu tư, nâng cấp, thông tuyến, người bệnh sử dụng nhiều hơn nên giảm được chi phí, nhiều loại vật tư, hóa chất giá giảm so với trước đây do hiệu quả của công tác đấu thầu.
“Việc điều chỉnh này không ảnh hưởng các đối tượng người nghèo, cận nghèo. Nhưng ảnh hưởng đến nguồn thu của các cơ sở khám bệnh, mặc dù vậy chất lượng dịch vụ y tế vẫn phải đảm bảo”- Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tiến hành khảo sát tổng thể, nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước để xây dựng giá dịch vụ y tế theo hướng phân loại để giảm bớt số lượng dịch vụ y tế hiện nay (trên 18.000 dịch vụ), sắp xếp lại theo nguyên tắc thuận lợi cho quản lý, dễ thực hiện cho các cơ sở y tế và bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT; làm căn cứ để ban hành định mức, xây dựng giá của các dịch vụ này (mức giá gồm chi phí trực tiếp, tiền lương (theo lương cơ sở 1.390.000đ) và chi phí quản lý. Đồng thời, trình Chính phủ ban hành Nghị định thay Nghị định số 85/NĐ-CP, trong đó đặc biệt lưu ý tăng nhân lực cho các BV để nâng cao chất lượng; giao tự chủ cho các BV/Trung tâm y tế huyện phù hợp để giảm áp lực tự chủ tài chính.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong KCB, giám định, thanh toán BHYT
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết, Bộ Y tế đã và đang triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh (KCB) và giám định, thanh toán BHYT trong toàn ngành, nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch trong cung ứng dịch vụ y tế, trong giám định chi phí và thanh toán BHYT.
Việc sớm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo tính kịp thời, minh bạch trong giám định và thanh toán chi phí, đồng thời đảm bảo quản lý sử dụng dịch vụ y tế khi có thông tuyến KCB, đảm bảo kiểm soát việc tiếp cận và cung ứng dịch vụ y tế đối với người có thẻ BHYT phù hợp, hiệu quả, tránh người bệnh và người cung cấp dịch vụ lạm dụng.
Bộ Y tế cũng cho biết thêm, theo thông tin từ Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, từ ngày 1/1/2018 - 11/6/2018 đã có hơn 73,5 triệu hồ sơ được 12.307 cơ sở KCB gửi lên Cổng với tổng số chi phí KCB tương ứng trên 46.000 tỷ đồng. Trong số 73,5 triệu hồ sơ có hơn 72,5 triệu hồ sơ đã được gửi sang đề nghị giám định thanh toán với tổng số tiền đề nghị thanh toán trên 45.000 tỷ đồng. Tỷ lệ liên thông dữ liệu toàn quốc hiện đạt 97,6%. Hiện Bộ Y tế đang nghiên cứu xây dựng một phần mềm thống nhất tại Trạm y tế tuyến xã, qua đó sẽ quản lý đồng bộ các hoạt động như dự phòng, dân số - KHHGĐ, quản lý sức khỏe cá nhân, khám chữa bệnh... (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Lần đầu tiên tại VN thực hiện thành công can thiệp rò bạch mạch
PGS.TS Phạm Đức Huấn, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết: Các bác sĩ bệnh viện vừa điều trị thành công ca bệnh bị rò dưỡng chấp ống ngực sau mổ bằng phương pháp can thiệp qua da. Đây là một tiến bộ rất lớn của y học, một bệnh trước kia được coi là nan y thì nay đã có thể điều trị thành công nhờ kỹ thuật này và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là Bệnh viện đầu tiên của Việt Nam thực hiện thành công can thiệp rò bạch mạch.
Bệnh nhân Đinh Văn G., 73 tuổi, sau mổ ung thư thực quản 1 tuần, bắt đầu giai đoạn hồi phục thì xuất hiện tràn dịch màng phổi theo ống dẫn lưu. Dịch màng phổi chảy ra đặc và có màu trắng như sữa. Các chức năng cơ bản của bệnh nhân bình thường, bệnh nhân đã có thể tự đi lại và sinh hoạt tuy nhiên dịch màng phổi rò khoảng 2 lít một ngày.
Các bác sĩ nhận định đây là biến chứng hiếm gặp sau mổ ung thư vùng ngực nói chung và ung thư thực quản nói riêng do tổn thương vào ống dẫn lưu bạch huyết chính ở vùng ngực. Biến chứng này trước đây là “ác mộng” của các bác sĩ Ngoại khoa do hàng ngày phải chứng kiến bệnh nhân rò hàng lít dịch và thể trạng suy kiệt dần đi đến khi chết mà không làm được gì. Phẫu thuật để tìm chỗ rò gần như là bất khả thi.
Các bác sĩ cho biết; bệnh nhân G. được chuyển đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trong tình trạng suy kiệt do mất dịch và suy dinh dưỡng. Dẫn lưu màng phổi lúc đó đã đến tuần thứ 3 với số lượng khoảng 2 lít một tuần. Dịch chảy ra từ dẫn lưu màng phổi mỗi ngày khoảng 2 lít có màu vàng, để lâu có lớp dịch màu trắng lắng xuống đáy chai.
Chia sẻ với Phóng viên Báo Sức khỏe&Đời sống, ThS.BS. Nguyễn Ngọc Cương cho biết; Các bác sĩ điện quang can thiệp của Khoa Chẩn đoán hình ảnh đã quyết định chụp hiện hình hệ thống bạch huyết của bệnh nhân. Một kim rất nhỏ được tiêm vào hạch bạch huyết nằm dưới da vùng bẹn để bơm chất cản quang vào hạch sau đó, thuốc cản quang này sẽ đi lên theo tuần hoàn bạch huyết. Khi thuốc cản quang hiện hình hệ thống bạch huyết, các bác sĩ phát hiện một điểm rò nằm ở vùng ngực chảy dịch bạch huyết vào khoang màng phổi phải.
Khi phát hiện điểm rò, các bác sĩ quyết định nút điểm rò bằng một kim nhỏ chọc vào vùng bụng. Đây là một kỹ thuật rất khó đòi hỏi phải kinh nghiệm trong lĩnh vực điện quang can thiệp do ống bạch huyết có đường kính khoảng 1.5 - 2 mm nằm sâu sát cột sống và nằm kẹt vào giữa động mạch chủ bụng và tĩnh mạch chủ bụng, phía trước ống bạch huyết là ruột, mạch máu, mạc treo…
Đáng chú ý, ca can thiệp chỉ thực hiện bằng gây tê tại chỗ do thể trạng bệnh nhân quá yếu, không thể gây mê được. Sau can thiệp nút tắc điểm rò bằng vòng xoắn kim loại và keo sinh học 24 giờ, dẫn lưu dịch giảm còn khoảng 50 ml, theo dõi đến ngày thứ 3 dẫn lưu dịch không ra thêm. Bệnh nhân được cho ăn qua đường ruột và rút dẫn lưu sau 4 ngày. Sau một thời gian theo dõi, bệnh nhân xuất viện an toàn.
Theo ThS.BS Nguyễn Ngọc Cương, người trực tiếp thực hiện ca can thiệp bạch mạch: “Hiện nay kỹ thuật chụp hiện hình hệ bạch huyết bằng tiêm cản quang vào hạch vùng bẹn đã được triển khai thường quy tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nhờ phương pháp chụp bạch mạch mà nhiều bệnh lý hệ bạch huyết trước đây không thể chẩn đoán được thì nay đã có thể chẩn đoán và điều trị thành công”.
Được biết, trên thế giới, kỹ thuật can thiệp bạch mạch cũng mới được áp dụng vài năm gần đây nhờ sự tiến bộ của khoa học công nghệ. Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là Bệnh viện đầu tiên của Việt Nam thực hiện thành công can thiệp rò bạch mạch.
Rò dưỡng chấp sau mổ là một biến chứng rất hiếm gặp nhưng có thể coi là nỗi “ác mộng” của các bác sĩ phẫu thuật vì khi mổ lại tỷ lệ thành công rất thấp và nguy cơ tai biến cao. Tuy nhiên nếu không được điều trị bệnh nhân sẽ mất dịch và mất chất dinh dưỡng dẫn đến suy kiệt nhanh chóng. Đó chính là thử thách đối với các bác sĩ khiến họ quyết tâm cao tìm cách khắc phục và phương pháp tối ưu được lựa chọn là điều trị can thiệp qua da. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).