Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 13/11/2023

  • |
T5g.org.vn - Đề nghị cấp thẻ BHYT và thanh toán cho đối tượng được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh; Khoảng trống trong đào tạo y khoa; 'Giáo sư, bác sĩ' khám chữa bệnh không phép tại nhà…

 

Hà Nội căng thẳng bệnh sốt xuất huyết, tăng ca bệnh nặng

Từ đầu năm đến nay Hà Nội ghi nhận 28.500 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 4 ca tử vong.

Các chuyên gia nhận định tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhiều ca nặng.

Ca bệnh nặng tăng nhanh

Khoảng 10 ngày trước, anh H. (35 tuổi, trú tại Hà Nội) bắt đầu sốt cao, miệng đắng ngắt. Thế nhưng nghĩ rằng do sốt vi rút bình thường, anh H. không đến bệnh viện kiểm tra.

Sau 4 ngày sốt cao, anh H. hạ sốt nhưng người vẫn ê ẩm mệt mỏi. Cho đến ngày thứ 5, anh H. bắt đầu chảy máu trong miệng. Lúc này, anh H. mới ý thức được tình trạng nghiêm trọng nên lập tức đến viện.

"Đến nơi, bác sĩ nói sốt xuất huyết đã biến chứng suy thận, men gan tăng cao gấp 100 lần, máu cô đặc, tình trạng rất nghiêm trọng. May mắn sau khi tôi được truyền tiểu cầu, dịch truyền, tình trạng thận đã cải thiện.

Do gia đình chưa ai mắc sốt xuất huyết, lại thấy vẫn hạ sốt, ăn được nên chủ quan không nghĩ rằng có thể biến chứng như vậy. Gần nửa tháng cả nhà đảo lộn cuộc sống vì sốt xuất huyết, bởi vậy không thể chủ quan được", anh H. chia sẻ.

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, gần hai tháng qua trung bình mỗi tuần TP ghi nhận đến 2.400 - 2.700 trường hợp. Toàn TP từ đầu năm đến nay đã ghi nhận hơn 1.600 ổ dịch, hiện vẫn còn 231 ổ dịch hoạt động. Sở Y tế đánh giá với diễn biến tình hình thời tiết như hiện nay, ca bệnh có thể tiếp tục tăng cao trong những tuần tới.

Tại các bệnh viện ở Hà Nội, số ca sốt xuất huyết liên tục gia tăng. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (tuyến cuối điều trị sốt xuất huyết) đang tiếp nhận điều trị cho khoảng 250 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết.

Lưu ý sốc sốt xuất huyết rất nguy hiểm

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, thông thường vào cuối mùa dịch tỉ lệ ca nặng sẽ gia tăng hơn so với đầu dịch. Bệnh viện vẫn ghi nhận ca mắc sốt xuất huyết gia tăng, trong đó nhiều ca nặng.

Bác sĩ Cấp nhận định việc gia tăng ca bệnh khá đúng với quy luật, chủ yếu do thời tiết phía Bắc thời gian gần đây vẫn nắng nóng, nhiệt độ cao tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh đẻ.

Theo bác sĩ Cấp, biến chứng sốc sốt xuất huyết rất nguy hiểm. Có những bệnh nhân từ khi có dấu hiệu cảnh báo đến khi sốc sốt xuất huyết chỉ diễn biến trong 4 đến 6 tiếng.

Nếu sốc sốt xuất huyết không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nguy kịch, thậm chí tử vong.

Nguyên nhân tử vong

Bác sĩ Cấp nêu rõ hai biến chứng thường gặp nặng của sốt xuất huyết là tình trạng cô đặc máu dẫn đến tụt huyết áp và sốc. Biến chứng thứ hai là biến chứng hạ tiểu cầu máu.

Bác sĩ Cấp cho hay trong đó biến chứng cô đặc máu thường gặp hơn và có diễn biến nhanh chóng, nguy hiểm hơn rất nhiều so với biến chứng hạ tiểu cầu. Vì vậy, người bệnh và bác sĩ cũng cần hết sức chú ý.

Tử vong do sốt xuất huyết chỉ là thứ yếu, còn nguyên nhân chủ yếu là do cô đặc máu thành mạch gây sốc sốt xuất huyết. Những trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo bắt buộc phải nhập viện để theo dõi, điều trị bù dịch theo phác đồ.

Nếu chúng ta không nhận biết được sớm dấu hiệu cảnh báo, không điều trị đúng có thể diễn biến rất nhanh, dẫn đến tử vong.

Các dấu hiệu cảnh báo bao gồm tình trạng thoát dịch và tăng dẫn ống thành mặt. Bệnh nhân có thể cảm thấy mệt mỏi, đau bụng, đau tức vùng gan, vật vã, li bì, lơ mơ.

Khi xét nghiệm máu có thể cho thấy tình trạng cô đặc máu hoặc siêu âm có thể thấy thoát dịch màng phổi, màng bụng. Dấu hiệu của hạ tiểu cầu như chảy máu tự nhiên, chảy máu chân răng, rong kinh, chảy máu mũi..., xét nghiệm máu cho thấy hạ tiểu cầu.

Bác sĩ Phạm Văn Phúc, phó trưởng khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cho hay trong ba ngày đầu người bệnh thường sốt cao, đau đầu, đau mỏi cơ khớp, do đó người bệnh nên đi khám làm xét nghiệm chẩn đoán mắc sốt xuất huyết Dengue và xét nghiệm chỉ số Hematocrit nền.

"Sau ngày thứ 3 - ngày thứ 7 của bệnh cần tái khám để đánh giá nguy cơ Dengue nặng hoặc đi khám ngay khi có dấu hiệu cảnh báo như khó chịu nhiều mặc dù đã đỡ sốt, đau bụng, nôn ói nhiều, mệt lả, bứt rứt, tay chân lạnh, ẩm, chảy máu mũi, miệng, hoặc xuất huyết âm đạo, thay đổi ý thức như lú lẫn, kích thích, vật vã hoặc li bì", bác sĩ Phúc khuyến cáo.

Trứng muỗi cũng mang mầm bệnh

Theo ông Hoàng Đình Cảnh, viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương, hiện nay theo một số nghiên cứu cho thấy muỗi sốt xuất huyết có thể lây qua gia truyền.

Tức là muỗi mẹ mang vi rút Dengue gây sốt xuất huyết, khi đẻ trứng thì trong trứng muỗi đã mang mầm bệnh. Trong môi trường khô trứng muỗi có thể chưa nở, nhưng khi ẩm ướt trứng nở ra, muỗi con đã mang vi rút gây bệnh.

Tùy vào từng điều kiện thời tiết, trứng muỗi có thể nở sau một tuần, thậm chí vài tuần. Vì vậy việc xử lý lăng quăng, bọ gậy phải thực hiện liên tục và thường xuyên. (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Việt Nam đang có chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng

Mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng an sinh xã hội...

Phát biểu tại hội thảo "Mức sinh thấp tại VN: Thực trạng và giải pháp" do Hội Phụ sản VN tổ chức tại Hà Nội vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết trên thế giới mức sinh ở hầu hết các châu lục đều liên tục giảm và giảm xuống rất thấp so với mức sinh thay thế. Thực tế này dẫn đến thiếu hụt nguồn lao động, các vấn đề về dân số già và chăm sóc người cao tuổi. Dự báo tình trạng thiếu lao động sẽ phổ biến trên toàn thế giới sau năm 2055, ảnh hưởng đến phát triển không bền vững về con người.

Tại VN, thời gian qua, tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 và tiếp tục duy trì đến nay. Tuy nhiên, VN đang đối mặt thực trạng chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng. Bên cạnh 33 tỉnh có mức sinh cao thì hiện có 21 tỉnh, thành có mức sinh thấp, thậm chí một số tỉnh mức sinh rất thấp, tập trung ở khu vực Đông Nam bộ, ĐBSCL và duyên hải miền Trung. Các tỉnh mức sinh thấp có quy mô dân số là 37,9 triệu người chiếm khoảng 39,4% dân số cả nước sẽ tác động rất lớn đến phát triển bền vững cho cả nước.

Đáng chú ý, mức sinh thấp không chỉ diễn ra ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển mà còn xuất hiện ở nhiều tỉnh có điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn thuộc khu vực ĐBSCL, nơi chiếm vai trò quan trọng trong việc sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an ninh quốc gia về lương thực.

Bên cạnh đó, thông tin tại hội thảo cho biết VN là một trong các quốc gia có tỷ lệ vô sinh cao (khoảng 7,7%), trong đó vô sinh nguyên phát là 3,9% và vô sinh thứ phát là 3,8%, ảnh hưởng đến hàng triệu cá nhân, cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn.

Mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng an sinh xã hội… Nhiều nước trên thế giới đã thành công trong việc giảm sinh nhưng chưa có nước nào thành công trong việc đưa mức sinh rất thấp về mức thay thế cho dù có nhiều chính sách khuyến sinh với nguồn lực đầu tư lớn.( Thanh niên, trang 15).

Cùng chủ đề Báo Lao động, trang 1: “Xu hướng người trẻ kết hôn muộn, ngai sinh con gia tăng”.

 

Khoảng trống trong đào tạo y khoa

Khoảng trống giữa đào tạo lâm sàng và lý thuyết trong giáo dục y học đang đặt ra những đòi hỏi cấp bách cho khối trường đào tạo y dược trong bối cảnh kỳ thi quốc gia đánh giá năng lực hành nghề do Luật Khám chữa bệnh quy định sẽ triển khai từ năm 2027.

Nhóm nghiên cứu của ThS Cao Thị Ngọc Bích, Trung tâm Kỹ năng và Sáng tạo Mô phỏng Lâm sàn, Trường Đại học (ĐH) Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã khảo sát kiến thức về quy trình đo huyết áp (HA) chính xác của bác sĩ thực hành 18 tháng tốt nghiệp tại trường ĐH này. Nghiên cứu được thực hiện vào tháng 10/2022, trên đối tượng là 43 bác sĩ thực hành 18 tháng, tốt nghiệp từ Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Kết quả đánh giá nhìn chung, kiến thức về quy trình đo HA chính xác ở nhóm bác sĩ thực hành 18 tháng không cao. Bác sĩ vẫn chưa có đủ kiến thức về quy trình đo HA chính xác.

Trong nghiên cứu này, 2,3% - 25,6% bác sĩ không biết ảnh hưởng của các yếu tố môi trường đến trị số HA. Một tỷ lệ lớn bác sĩ (trên 46%) trả lời sai câu hỏi cần cho bệnh nhân nghỉ bao nhiêu phút trước khi đo HA. Điều này đã phản ánh đúng thực tiễn đo HA tại phần lớn các bệnh viện đa khoa của Việt Nam, là chỉ sử dụng một kích cỡ túi hơi cho tất cả bệnh nhân người lớn. Chỉ 65% trả lời đúng câu hỏi về lựa chọn máy đo HA phù hợp nhất khi bệnh nhân có loạn nhịp tim hoàn toàn.

Liên quan đến các câu hỏi về kỹ thuật đo HA, gần 50% không biết cần phải ước lượng trước HA tâm thu bằng sờ mạch cánh tay, có thể là hậu quả của việc thiếu kiến thức về khoảng trống HA. Thật vậy, với câu hỏi về khoảng trống HA, 42% bác sĩ trả lời sai.

Thiếu kiến thức về khoảng trống HA là vấn đề cần đặc biệt quan tâm vì bằng chứng cho thấy, khoảng trống HA liên quan đến xơ vữa động mạch cảnh và tăng độ cứng thành động mạch ở bệnh nhân tăng HA. Đặc biệt, hơn 30% bác sĩ không tự tin hoặc chưa rõ kiến thức về quy trình đo HA chính xác.

“Vấn đề này cần được giải quyết sớm, có thể thông qua huấn luyện và cho phản hồi bởi vì đây là đối tượng đã tốt nghiệp, chỉ một thời gian ngắn nữa sẽ làm việc độc lập trong hệ thống chăm sóc sức khỏe, trực tiếp chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân”, nhóm nghiên cứu khẳng định. Đồng thời kết luận khảo sát này cho thấy, còn khoảng trống lớn kiến thức về quy trình đo HA đúng ở bác sĩ thực hành 18 tháng tốt nghiệp từ Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Do đó, cần xem xét điều chỉnh lại cách giảng dạy kỹ năng đo HA cho sinh viên của trường để hiệu quả hơn. Ngoài ra, nên xem xét đổi mới hình thức lượng giá sinh viên (đánh giá trình độ người học trong đào tạo y khoa), cùng với việc đào tạo lại cho giảng viên dựa theo khuyến cáo của các Hội tim mạch toàn cầu hoặc Hội tim mạch quốc gia, đồng thời bổ sung các buổi huấn luyện và lượng giá lại mỗi hai năm một lần cho sinh viên là cần thiết để đảm bảo đo HA đúng kỹ thuật, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.

Hơn nữa, hy vọng rằng kết quả từ khảo sát này có thể giúp cải thiện chất lượng đào tạo nhân viên khối ngành sức khỏe tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Một nghiên cứu khác của nhóm giảng viên, bác sĩ Trường ĐH Y Hà Nội đã được thực hiện trên đối tượng sinh viên hệ bác sĩ Y khoa, khóa 2020 - 2026 (493 sinh viên), đề tài Phát hiện khoảng trống trong kỹ năng Y khoa qua kỳ thi đánh giá kỹ năng y khoa. Kết quả cho môn Kỹ năng y khoa I có 11/26 kỹ năng có sinh viên không đạt.

Với môn Kỹ năng y khoa II có 4/25 kỹ năng có sinh viên không đạt. Tỷ lệ sinh viên không đạt ở các nhóm kỹ năng là kỹ năng giao tiếp là 0,2%, kỹ năng thăm khám là 0,4%, kỹ năng thực hành thủ thuật là 0.,2%, kỹ năng phiên giải kết quả có tỷ lệ không đạt cao nhất là 2,8%.

Qua hai khảo sát trên có thể thấy trong y khoa vẫn còn những khoảng trống ở đào tạo lâm sàng và lí thuyết.

Đổi mới đào tạo lý thuyết và lâm sàng

Hội Giáo dục Y học vừa tổ chức Hội nghị giáo dục y khoa toàn quốc năm 2023 có chủ đề “Lượng giá trong giáo dục y học dựa trên năng lực: Thách thức - giải pháp” . Tại đây, GS.TS Lê Quang Cường, Chủ tịch Hội Giáo dục Y học Việt Nam cho hay nội dung quan trọng đang được quan tâm đó là lượng giá trong giáo dục y học.

GS.TS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch hội đồng Trường ĐH Y Dược TPHCM cho biết với chương trình đào tạo y khoa đổi mới, tất cả nội dung của các mô đun, các môn học đều được xây dựng dựa trên chuẩn năng lực, và mục tiêu học tập cụ thể, rõ ràng.

Cấu trúc chương trình mới đảm bảo được tính tích hợp theo chiều ngang giữa các mô đun và môn học trong cùng một năm và tích hợp theo chiều dọc giữa các năm học với nhau. Điều này giúp sinh viên rèn luyện khả năng tư duy tích hợp để có thể giải quyết các vấn đề thực tế trên lâm sàng.

Thực hành lâm sàng sớm và bao gồm thực hành tại bệnh viện và cơ sở y tế cộng đồng cho phép sinh viên có những trải nghiệm đa dạng, phong phú, tiếp cận với chăm sóc ban đầu tại cộng đồng và hệ thống y tế cơ sở.

Các học phần tự chọn cho phép sinh viên theo đuổi những sở thích và đam mê riêng, và chuẩn bị cho sự lựa chọn chuyên ngành trong tương lai.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết trường ĐH đã có những sáng kiến, triển khai theo mô hình của các nước tiên tiến trong việc dạy và học, kiểm tra, đánh giá năng lực. Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, các ý kiến thảo luận giúp Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế hoàn thiện, xây dựng chuẩn chương trình đào tạo trong lĩnh vực khoa học sức khỏe.

Trên cơ sở này, các trường sẽ triển khai nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô đào tạo để đáp ứng quy hoạch tổng thể quốc gia với yêu cầu 19 bác sĩ/1 vạn dân vào năm 2030. (Tiền phong, trang 6).

 

'Giáo sư, bác sĩ' khám chữa bệnh không phép tại nhà

Tra cứu trên Cổng thông tin điện tử Sở Y tế TP.HCM, thậm chí là tại Phòng Quản lý dịch vụ của sở này đều không có tên ông Hà Duy Thọ đăng ký hành nghề, cũng như mở phòng khám.

Thế nhưng, ông này vẫn ngang nhiên khám chữa bệnh (KCB) tại TP.HCM và quảng cáo rôm rả trên mạng xã hội là "giáo sư, bác sĩ".

Cụ thể, trên các mạng xã hội như TikTok, Facebook, YouTube những ngày gần đây xuất hiện một vị "giáo sư, bác sĩ" tên Hà Duy Thọ nói rôm rả về ăn uống và ung thư, kiến thức về dinh dưỡng khiến nhiều người hoài nghi về "giáo sư, bác sĩ" này? Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã vào cuộc.

Trong căn nhà khám chữa bệnh không phép

Chiều 10.11, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM phối hợp Phòng Y tế Q.Phú Nhuận và Công an P.9 (Q.Phú Nhuận) kiểm tra đột xuất căn nhà số 671/15 Nguyễn Kiệm, P.9 vì nghi có hành vi KCB trái phép. Chủ cơ sở là bà Đặng Thị Tuyết Thu và ông Hà Duy Thọ (chồng bà Thu).

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn ghi nhận cơ sở không biển hiệu, có mở cửa hoạt động, có bệnh nhân đến KCB. Đoàn ghi nhận bà Thu và ông Thọ khám, tư vấn thuốc cho một nam bệnh nhân. Cơ sở không có niêm yết giá dịch vụ KCB, không có cập nhật sổ bệnh nhân, không có ghi chép tên bệnh nhân, không có hồ sơ bệnh án ngoại trú của bệnh nhân.

Bà Thu cung cấp được chứng chỉ hành nghề KCB y học cổ truyền (bác sĩ), nhưng trên Cổng thông tin điện tử Sở Y tế không ghi địa điểm hoạt động ở đâu. Còn ông Thọ chưa cung cấp được chứng chỉ hành nghề y, ông nói chứng chỉ của mình để công ty ở tỉnh khác chưa lấy về.

Về cơ sở vật chất, căn nhà 4 tầng. Tầng trệt có 1 bàn dùng khám bệnh và 1 bàn tiếp khách. Phía sau là khu nhà bếp có 1 bàn ăn, trên bàn có các sản phẩm là thực phẩm bổ sung và các chai dung dịch có nhãn hiệu "Dr Tho".

Đoàn kiểm tra cũng phát hiện có "phiếu khấn nguyện trước khi ăn"; phiếu phương pháp OHSAWA công thức số 6, công thức số 7 (phương pháp thực dưỡng); toa thuốc của nam bệnh nhân. Kiểm tra quảng cáo, đoàn kiểm tra thấy trang Facebook cá nhân "bác sĩ Hà Duy Thọ" quảng cáo bác sĩ dinh dưỡng Hà Duy Thọ và sản phẩm thực phẩm. Đoàn đã niêm phong các chai sản phẩm dung dịch có nhãn hiệu "Dr Tho" và một số sản phẩm khác để làm rõ.

Đoàn kiểm tra yêu cầu vợ chồng bà Thu và ông Thọ ngưng ngay hoạt động KCB, phát thuốc khi chưa có giấy phép hoạt động tại đây; ngưng ngay quảng cáo liên quan KCB khi chưa có hồ sơ xác nhận quảng cáo. Đề nghị bà Thu và ông Thọ giải trình về hoạt động của cơ sở và cung cấp hồ sơ pháp lý của cơ sở và các sản phẩm hai người này bán cho bệnh nhân.

Điều đặc biệt, ngày 25.5 qua, UBND P.9 có kiểm tra căn nhà của bà Thu và ông Thọ. Thời điểm này, ông Thọ thừa nhận là có hướng dẫn về phương pháp ăn uống dinh dưỡng chữa trị ung thư giai đoạn cuối theo phương pháp OHSAWA, khám không thu phí!

Khám nhà trên, xuống nhà ăn lấy thuốc

Trả lời Thanh Niên, anh K. (23 tuổi) cho biết từ thông tin trên mạng xã hội, anh tìm đến ông Thọ để trị bệnh. Anh kể, trên mạng xã hội thông tin ông Thọ hoạt động tại nhiều nơi và lịch trình di chuyển liên tục. Do đó để được tư vấn, khám chữa, trước tiên anh liên hệ qua số điện thoại trên mạng để hỏi, sau đó đặt lịch hẹn khám. Ông Thọ hẹn anh đến số 671/15 Nguyễn Kiệm, kèm cầm theo hồ sơ xét nghiệm. Khi anh đến thì vợ ông Thọ (sau này biết là bác sĩ Thu) ra mở cửa, dò hỏi "đi đâu, gặp ai, có hẹn chưa?", rồi mới cho vào.

Anh K. kể thêm: "Lúc này, bên trong căn nhà có hai bệnh nhân (1 nam và 1 nữ) đang được ông Thọ cho xem ti vi về một số căn bệnh. Vừa cho bệnh nhân xem ti vi, ông Thọ vừa thuyết minh: "Có nhiều loại ung thư. Bà này (tức nói người phụ nữ trong ti vi), mấy bác sĩ kêu bả sống có 1 - 2 tháng thôi, mà giờ bả sống thêm được 7 năm. Bả khỏe bả lên thăm tôi, cũng dân Cà Mau". Tiếp đó, theo hướng dẫn, bệnh nhân ra khu vực nhà sau gặp bác sĩ Thu, 10 phút sau thì ra về với một thùng đóng gói kín, người đàn ông phải vác trên vai đi ra.

Đến lượt, anh K. được ông Thọ thăm khám bằng cách đo nhiệt độ cơ thể, đo huyết áp, lấy máu đầu ngón tay trỏ, đo ô xy trong máu, khám họng… Chưa hết, quá trình soi khám họng, dụng cụ duy nhất của ông Thọ cũng chỉ là chiếc điện thoại dùng để chụp hình họng, quan sát rồi đưa ra kết quả chẩn đoán bệnh viêm vùng họng, máu thiếu ô xy. Sau khi chẩn đoán bệnh, ông Thọ yêu cầu anh K. ra khu vực nhà sau gặp bà Thu để lấy thuốc.

"Qua quan sát, thực chất đây là một khu bếp ăn, trên bàn ăn chất đống các hộp thuốc, lọ dung dịch, thực phẩm chức năng… Tại đây, bác sĩ Thu lấy ra từ trong các kẹt bàn, góc bếp một số lọ dung dịch nhỏ và 4 hộp gọi là thực phẩm dinh dưỡng. Dung dịch bên trong các lọ nói trên có màu nâu, đen (bà Thu gọi là xạ đen) và màu vàng (gọi là chanh sả). Bên ngoài, các lọ này có bao bì hình cấu trúc gien, có in chữ "Mr.Tho", giá 800.000 - 850.000 đồng/lọ. Theo bà Thu, các dung dịch này dùng để pha với nước uống vào buổi sáng và tối, có công dụng ngăn ngừa, trị một số bệnh mà tôi đang mắc phải", anh K. kể lại.

Sau khoảng 30 phút, anh K. điếng người vì tổng hóa đơn 6 sản phẩm trị bệnh của anh gồm 9 món có giá gần 4,3 triệu đồng. "Thấy thuốc đắt, không có phiếu hướng dẫn sử dụng, tem chống hàng giả, nguồn gốc xuất xứ mơ hồ, hộp thuốc không phân biệt loại…, nên tôi đặt câu hỏi thì được bà Thu giải thích cái vỏ hộp giống nhau, mình làm thủ công mà, mình dùng viết ghi vào ở đâu thì nó là cái đó. Cái này bác Thọ tự làm, còn thuốc thì từ phòng thí nghiệm", anh K. kể lại.

Khi anh K. đang thanh toán tiền thuốc thì đoàn kiểm tra của Sở Y tế TP.HCM và Q.Phú Nhuận bất ngờ vào kiểm tra. Phát hiện lực lượng chức năng, bà Thu liên tục hối thúc anh K. chuyển tiền rồi lấy số dung dịch nói trên đút vào kẹt bếp, đồng thời cất cuốn sổ dùng để ghi chép thông tin bệnh nhân, tên thuốc, giá tiền… vào tủ bàn. Ông Thọ và bà Thu cũng căn dặn "ai hỏi gì cứ nói đi tư vấn dinh dưỡng...".

Nước mắm rót ra để quá 4 giờ ăn vào ung thư ?

Trước đó, trên TikTok, YouTube, Facebook, ông Thọ nói khá nhiều về kiến thức dinh dưỡng, trong đó có nói về cách ăn uống sai gây ung thư. Ông cũng có các danh xưng khá kêu trên mạng xã hội là "giáo sư". Các phát ngôn điển hình của ông là nói về nước mắm, đường và sữa.

"Rót ra chén nước mắm, ăn không hết cái lấy đồ đậy lại, 4 tiếng đồng hồ sau thì có chất gây ra ung thư. Các bạn có hiểu không?", ông Thọ nói và diễn giải cách thức mà nước mắm để lâu bên ngoài lẫn lộn với các chất khác và ăn vào cơ thể tạo thành chất gây khối u.

Trong một đoạn clip khác, đề cập về đường, ông Thọ nói: "Tất cả những gì để đường có màu (các loại nước có màu từ đường), tôi khuyên các bạn không dùng nữa vì đường là nguyên nhân gây ra ung thư, đường là nguyên nhân gây ra cơ thể âm và gây ra đủ chứng bệnh trong cơ thể...".

Nói về sữa, ông bảo: "Uống sữa càng nhiều thì càng loãng xương vì sữa của loài động vật nào thì nuôi loài động vật đó. Con người là động vật cao cấp và sữa con người chỉ nuôi con người thôi". (Thanh niên, trang 5).

Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ, trang 14: “Vụ phòng khám “vẽ bệnh moi tiền”: Dừng hoạt động Phòng khám đa khoa Nguyễn Trãi - Thủ Dầu Một”.

 

Hà Nội: Chi bảo hiểm y tế tăng rất cao, cảnh báo nguy cơ vượt dự toán

Trong 9 tháng năm 2023, số chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn Hà Nội tăng rất cao so với cùng kỳ năm 2022.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành chức năng, các địa phương cùng hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn Hà Nội có trách nhiệm tăng cường kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Yêu cầu được UBND TP. Hà Nội đưa ra trong bối cảnh trong 9 tháng năm 2023, số chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn Hà Nội tăng rất cao so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 81% dự toán chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế Chính phủ giao năm 2023. Điều này dẫn đến nguy cơ chi bảo hiểm y tế vượt dự toán.

Để kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội thành phố có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính và cơ quan có liên quan quản lý, sử dụng có hiệu quả Quỹ bảo hiểm y tế, phòng chống hành vi trục lợi, lạm dụng nguồn quỹ.

Căn cứ vào kết quả giám định bảo hiểm y tế, phân tích dữ liệu chi phí khám, chữa bệnh, các bên kiên quyết từ chối thanh toán bảo hiểm y tế với các chi phí không hợp lý, sai quy định. Cùng với đó, các bên thực hiện nghiêm quy định về tạm ứng, thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế…

Thực hiện chuyên môn khám, chữa bệnh, Sở Y tế Hà Nội có trách nhiệm yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh chỉ định thuốc, xét nghiệm, dịch vụ kỹ thuật đối với bệnh nhân bảo hiểm y tế đúng quy định, quy trình chuyên môn; chỉ đạo các cơ sở y tế tuyến thành phố tập trung khám, chữa bệnh theo tuyến chuyên môn kỹ thuật, các bệnh mà tuyến dưới không thực hiện được.

Tuyến y tế cơ sở cần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, tiến hành tư vấn cho bệnh nhân khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đúng tuyến, để vừa bảo đảm quyền lợi cho bệnh nhân, vừa giảm tải cho cơ sở y tế tuyến trên.

Ngoài ra, Sở Y tế Hà Nội có trách nhiệm chỉ đạo các cơ sở y tế cung ứng đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế…

Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh gia tăng chi phí bảo hiểm y tế với số tiền lớn, Sở Y tế Hà Nội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành về nội dung này.

Đặc biệt, các cơ sở y tế không để người bệnh bảo hiểm y tế phải tự mua thuốc, vật tư y tế trong phạm vi được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế. Mọi thông tin, dữ liệu điện tử về chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế phải được trích chuyển kịp thời, làm căn cứ cho các bên liên quan đối chiếu, rà soát.

Các cơ sở y tế cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác của chứng từ và dữ liệu chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh toán theo quy định…

Theo Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội, tính đến hết tháng 10, số người tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn là hơn 7,8 triệu người, đạt 98,97% kế hoạch Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 93,38% dân số. (An ninh Thủ đô, trang 6).

 

Hàng trăm trẻ em nhập viện vì mắc đái tháo đường mỗi năm, tốc độ trẻ hóa ngày càng nhanh

PGS.TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, chục năm trước bệnh viện chỉ có khoảng 10 ca đái tháo đường mỗi năm nhưng gần đây có hàng trăm ca mỗi năm, cả trẻ sơ sinh cũng mắc…

Cuối tháng 10 vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) tiếp nhận một bé trai 4 tuổi nhập viện do biến chứng nặng của đái tháo đường. Bé trai có tiền sử khỏe mạnh, thế nhưng trong 3 tuần trước khi nhập viện đã sụt 3kg, tiểu nhiều ban đêm, ho, sốt kèm đờm, khò khè….

Gia đình đưa bé đi khám thì bất ngờ được bác sĩ thông báo mắc đái tháo đường, chỉ định nhập viện điều trị nội trú. Kết quả xét nghiệm khí máu, test đường huyết mao mạch cho thấy bệnh nhân trong tình trạng nhiễm toan nặng, phải đặt nội khí quản, bù dịch, truyền insulin tĩnh mạch liên tục, điều chỉnh rối loạn thăng bằng kiềm toan, rối loạn điện giải.

Thông tin về bệnh đái tháo đường trẻ em tại chương trình "Thắp sáng xanh lam" diễn ra tối 11-11 tại Hà Nội, PGS.TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, số trẻ mắc đái tháo đường đang gia tăng nhanh.

Tại Việt Nam, số liệu tích luỹ đến nay có khoảng 1.750 trẻ mắc đái tháo đường tuýp 1 được chẩn đoán ở các bệnh viện nhi lớn trên cả nước. Riêng Bệnh viện Nhi Trung ương đang theo dõi, điều trị cho ngoại trú khoảng 1.000 trẻ bị đái tháo đường tuýp 1, bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh khác do ảnh hưởng nhiều đến tuần hoàn và tri giác.

Theo ông Điển, chục năm trước bệnh viện chỉ tiếp nhận khoảng 10 ca mỗi năm nhưng những năm gần đây có hàng trăm ca mỗi năm, có cả trẻ sơ sinh cũng mắc đái tháo đường. Trong 1.000 ca bệnh viện đang theo dõi, điều trị, khoảng 30% bệnh nhân ở Hà Nội, còn lại 70% ở các tỉnh lân cận.

Đái tháo đường type 1 hay còn gọi là đái tháo đường phụ thuộc Insulin, chủ yếu hay gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên, do tuyến tụy không còn khả năng sản xuất đủ Insulin. Bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường type 1 cần được điều trị bằng Insulin thì mới có cơ hội sống.

Về tình hình mắc đái tháo đường nói chung, TS Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, theo điều tra năm 2012 của Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức thế giới cho thấy chỉ khoảng hơn 4% dân số Việt Nam mắc đái tháo đường. Nhưng đến năm 2020, con số này đã lên đến gần 7,3%. Như vậy gần 10 năm, tỷ lệ dân số mắc đái tháo đường ở nước ta tăng gần gấp đôi.

Bộ Y tế kêu gọi người dân có thể phòng ngừa bệnh đái tháo đường cũng như các bệnh không lây nhiễm khác... bằng cách thực hiện lối sống lành mạnh, có trách nhiệm với sức khoẻ của mình, tập trung vào 4 vấn đề: Không hút thuốc; Hạn chế tối đa rượu bia; Tích cực rèn luyện thể lực; Khẩu phần ăn hợp lý.

16% dân số Hà Nội mắc tiền đái tháo đường

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, năm 2021, kết quả điều tra về đái tháo đường của người dân từ 18 - 69 tuổi trên địa bàn thành phố cho thấy, tỷ lệ tiền đái tháo đường là 16%; tăng đường huyết là 10,2%; tăng huyết áp 30,8%, tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng 19,2%.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, đái tháo đường là một bệnh mạn tính, tiến triển với nhiều biến chứng nguy hiểm như: Tổn thương mắt có thể gây ra mù lòa; suy thận; nhiễm trùng bàn chân, cắt cụt chi; tăng huyết áp, tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim… làm giảm chất lượng sống của người bệnh và có thể dẫn đến tử vong.

Để dự phòng sớm, quản lý, điều trị kịp thời nhằm giảm các biến chứng của bệnh đái tháo đường, theo ông Vũ Cao Cương, khi có các biểu hiện ban đầu của tiền đái tháo đường hoặc các yếu tố nguy cơ khác của bệnh như: Thừa cân - béo phì, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid…, người dân cần được tư vấn, phát hiện sớm. (An ninh Thủ đô, trang 6).

 

Đề nghị cấp thẻ BHYT và thanh toán cho đối tượng được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh

Bộ Y tế vừa có công văn đề nghị Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Y tế các bộ, ngành và các cơ quan trực thuộc Bộ Y tế triển khai Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi.

Theo Bộ Y tế, ngày 19/10, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2023/NĐ-CP quy định chi tiết hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT.

Bộ Y tế đề nghị BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các địa phương phối hợp với các cơ quan, đơn vị lập danh sách và cấp thẻ BHYT cho các đối tượng đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 75; thực hiện điều chỉnh mức hưởng cho người tham gia BHYT quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị định 146/2018/NĐ-CP lên mức hưởng 100% theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 1 Nghị định 75.

Hướng dẫn tổ chức việc thanh toán bổ sung các chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT của cơ sở y tế vượt tổng mức thanh toán từ ngày 1/1/2019 theo Nghị định 75. Theo Nghị định 75, người tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc được nâng mức hưởng từ 80% lên 100% chi phí khám, chữa bệnh BHYT; người phục vụ người có công với cách mạng sống ở gia đình được nâng mức hưởng từ 80% lên 95%. (Công an Nhân dân, trang 1).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang