Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 13/1/2021

  • |
T5g.org.vn - Tiêm vaccine Nano Covax liều mạnh nhất cho 3 nữ tình nguyện viên; Nhiều trường ĐH mở ngành sức khoẻ: Bộ GD&ĐT kiểm soát thế nào?; Nguy cơ 'nhập COVID-19' từ cảng biển; Bộ Y tế bãi bỏ một số lượng lớn văn bản không phù hợp

 

Tiêm vaccine Nano Covax liều mạnh nhất cho 3 nữ tình nguyện viên

Ngày 12-1, Học viện Quân y đã tiêm vaccine Nano Covax phòng Covid-19 liều cao nhất (75mcg/liều/người) cho 3 tình nguyện viên, đều là nữ trong độ tuổi 20-22. Đây cũng là 3 người đầu tiên trong nhóm 3 (20 người) cuối cùng tham gia thử nghiệm giai đoạn 1 vaccine phòng Covid-19 đầu tiên của Việt Nam sản xuất. Hiện sức khỏe 40 người ở nhóm 1 và 2 tiêm liều 25mcg và 50mcg của vaccine Nano Covax đều ổn định. Các phản ứng sau tiêm rất nhẹ, thường chỉ đau tại vị trí tiêm và sốt nhẹ nhưng đều hết sau 24 giờ. Dự kiến tới ngày 15 và 16-1, nhóm tình nguyện viên đầu tiên tiêm liều 25mcg sẽ tiếp tục tiêm mũi 2.

Dự kiến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có đầy đủ dữ liệu nghiên cứu lâm sàng của vaccine Nano Covax trước khi quyết định tiêm ra cộng đồng.

Ngày 12-1, Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, 2 mẹ con người Nga (BN 1333 và BN 1334) đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

Trước đó, ngày 11-1, ngành y tế của tỉnh nhận được thông báo 2 mẹ con người Nga tái dương tính với virus SARS-CoV-2 nên tiến hành các biện pháp cách ly và tiến hành truy vết các trường hợp tiếp xúc gần. Trong cùng ngày, chồng của BN 1333 và 2 nhân viên y tế cũng có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục rà soát, điều tra dịch tễ những trường hợp tiếp xúc gần với các ca bệnh,  đồng thời theo dõi, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp để có biện pháp phòng chống dịch hiệu quả.

Ngày 12-1, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết bệnh nhân 1.452 (ngụ xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung) đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần thứ 3 với virus SARS-CoV-2; riêng 8 trường hợp là F1 của bệnh nhân 1.452 cũng đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần thứ 2 với virus SARS-CoV-2.

Bệnh nhân 1.452 được cho xuất viện, đưa về khu cách ly Phòng khám Quân dân y Giồng Găng (huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) tiếp tục theo dõi và cách ly 14 ngày theo quy định. Đối với 8 trường hợp F1, sau 2 lần có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 và hoàn thành 14 ngày cách ly tập trung sẽ được theo dõi và cách ly tại nhà (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Nhiều trường ĐH mở ngành sức khoẻ: Bộ GD&ĐT kiểm soát thế nào?

Vừa qua, một số trường Đại học ngoài công lập đã mở một loạt ngành đào tạo liên quan đến nhóm ngành sức khoẻ. Đây là nhóm ngành đặc thù nên dư luận đặc biệt quan tâm. Ví dụ như trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng dự kiến mở 8 ngành liên quan đến lĩnh vực sức khỏe trong năm nay gồm: y học cổ truyền, kỹ thuật hình ảnh y học, sức khỏe răng miệng, hộ sinh, dinh dưỡng, chăm sóc bệnh trẻ em (điều dưỡng), kỹ thuật phục hồi chức năng, quản lý bệnh viện. Trước đó, trường này đã mở ngành tuyển sinh, đào tạo các ngành y đa khoa, răng hàm mặt, dược, điều dưỡng. Có thể thấy, số ngành sức khỏe của trường này thậm chí còn nhiều hơn những trường chuyên đào tạo y dược khác như Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch hay Trường ĐH Y dược Cần Thơ. Trường ĐH Văn Lang sẽ tuyển mới ngành y khoa và y học cổ truyền. Như vậy, trường này sẽ tuyển sinh, đào tạo 6 ngành khối sức khỏe, trong đó bao gồm những ngành đã mở trước đó là răng hàm mặt, dược, kỹ thuật xét nghiệm y học và điều dưỡng. Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cũng dự kiến mở mới 2 ngành khối sức khỏe là điều dưỡng và kỹ thuật xét nghiệm y học trong kỳ tuyển sinh năm nay.

Trước đây, khối ngành sức khỏe chỉ có các trường chuyên về sức khỏe hay một số trường ĐH công lập, ĐH vùng đào tạo nhưng vài năm gần đây, nhất là năm 2021 số trường ngoài công lập được phép mở ngành, đào tạo nhóm ngành sức khỏe tăng lên rất nhiều. Trong khi đó, theo các chuyên gia, ngành khoa học sức khỏe khá đặc thù nên nếu đầu vào thấp, quá trình đào tạo không thực sự chuẩn thì đầu ra cũng sẽ khó cao.

Không những thế, đối với ngành y, dạy và học ở bệnh viện (đào tạo lâm sàng) rất quan trọng, giúp sinh viên có kỹ năng cũng như va chạm với thực tế, chứ không chỉ có dạy lý thuyết ở trường. Nên ngoài cơ sở vật chất, đội ngũ còn có kinh nghiệm tổ chức và phối hợp giảng dạy cùng y bác sĩ tại bệnh viện.

Sẽ có kỳ thi sát hạch, đánh giá năng lực hành nghề

Chiều nay, 12/1, trả lời báo chí về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết, việc mở ngành nói chung cũng như đào tạo khối ngành sức khỏe là nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực của khối ngành quan trọng này trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, của đất nước. Do vậy, việc các cơ sở giáo dục đại học mở các ngành và tổ chức đào tạo là nhằm đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực cấp thiết cho thị trường lao động. Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật, các cơ sở giáo dục đại học được quyền bình đẳng trong mở các chương trình đào tạo mới để tổ chức đào tạo cung cấp nguồn nhân lực cho các thành phần kinh tế khác nhau để phát triển kinh tế xã hội cho đất nước.

Để mở ngành đào tạo mới, điều kiện tiên quyết là phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng như tiêu chí về giảng viên, cơ sở vật chất. Riêng với khối ngành Sức khoẻ, ngoài các điều kiện mở ngành đã quy định các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo khối ngành sức khỏe phải tuân thủ các quy định chương trình, kế hoạch, hợp đồng đào tạo thực hành.

Theo đó, tất cả các hồ sơ đăng ký mở chương trình đào tạo mới của các cơ sở giáo dục đại học đối với khối ngành Sức khỏe phải có ý kiến của Bộ Y tế xác nhận về các điều kiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ. Để mở nhóm ngành sức khỏe, giảng viên và người hướng dẫn thực hành của trường phải có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh, đã hoặc đang làm việc trực tiếp tại cơ sở khám chữa bệnh đủ điều kiện là cơ sở thực hành trong đào tạo. Mỗi môn học phải có ít nhất một giảng viên cơ hữu có văn bằng phù hợp với môn học giảng dạy. Cụ thể ngành Y đa khoa có tối thiểu 2 tiến sĩ khoa học y sinh, 6 tiến sĩ y học lâm sàng và một tiến sĩ y học dự phòng (hoặc y tế công cộng). Ngành Y học cổ truyền cần tối thiểu 2 tiến sĩ khoa học y sinh, 3 tiến sĩ y học cổ truyền và một tiến sĩ y học dự phòng hoặc y tế công cộng.

Ngành Răng - Hàm - Mặt được quy định có tối thiểu 2 tiến sĩ khoa học y sinh, 2 tiến sĩ y học lâm sàng và 3 tiến sĩ Răng - Hàm - Mặt. Ngành Y học dự phòng cần tối thiểu 2 tiến sĩ khoa học y sinh, một tiến sĩ y học lâm sàng và 4 tiến sĩ y học dự phòng (hoặc y tế công cộng).
Bên cạnh đó, khối ngành Sức khỏe là một khối ngành đào tạo đặc thù, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học năm 2018 đã quy định Bộ GDĐT quản lý và cấp phép mở ngành đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe và xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Hội đồng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho khối ngành sức khỏe có sự tham gia của Bộ Y tế. Với tất cả các hồ sơ mở ngành đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe, bên cạnh việc thẩm định các điều kiện cho phép mở ngành đào tạo của Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế theo quy định, các cơ sở giáo dục đại học phải công khai hồ sơ chứng minh đủ điều kiện theo quy định lên trang thông tin điện tử của trường để các bên liên quan và toàn xã hội cùng giám sát. Hằng năm, Bộ GD&ĐT cũng thường xuyên  thanh kiểm tra đột xuất và định kỳ về đào tạo, tuyển sinh, đảm bảo chất lượng và điều kiện duy trì ngành đào tạo. Với những ngành không đảm bảo điều kiện đảm bảo chất lượng, duy trì ngành đã mở sẽ được thông báo để rà soát, bổ sung. Quá thời hạn, cơ sở đào tạo sẽ bị đình chỉ tuyển sinh. Theo Bộ GD&ĐT, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia, có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh. Theo đó, trong thời gian tới, tất cả những người được đào tạo khối ngành sức khỏe từ các cơ sở giáo dục đại học, nếu muốn được hành nghề khám chữa bệnh phải qua các kỳ thi sát hạch, đánh giá năng lực hành nghề khám chữa bệnh để đáp ứng yêu cầu phát triển, nâng cao chất lượng nhân lực y tế (Tiền phong, trang 6).

 

Nguy cơ 'nhập COVID-19' từ cảng biển

Đường biển đang trở thành mối nguy cơ xâm nhập dịch bệnh mới sau đường bộ, đường hàng không. Từ các trường hợp thuyền viên bị nhiễm COVID-19, tình trạng lén lên tàu thăm người thân… đã đặt việc kiểm soát cảng biển trở nên cấp bách.

Để tránh nguy cơ dịch bệnh xâm nhập Việt Nam, quy định chỉ rõ thuyền viên trên tàu từ nước ngoài nhập cảng không được lên bờ, ngược lại người trên bờ không được tiếp xúc với thuyền viên.

Trong trường hợp cần thiết, công nhân ở bờ có nhu cầu lên tàu phải mặc đồ bảo hộ phòng dịch, không được phép tiếp xúc với thuyền viên và phải được cấp phép của bộ đội biên phòng.

Thế nhưng kiểm soát điều này không phải là việc dễ…

Lén lên tàu thăm người thân

Mới đây ngày 6-1, trong quá trình tuần tra giám sát một tàu chở hàng đi từ Philippines đến neo đậu tại phao của cảng Cát Lái, lực lượng bộ đội biên phòng phát hiện một trường hợp ngụ ở TP Thủ Đức, TP.HCM lén leo lên tàu… thăm người thân.

Được biết, tàu này chở hàng xuất phát từ Philippines đến cảng Cát Lái từ ngày 31-12-2020.

"Người này đi xe máy đến phà Cát Lái, sau đó thuê ghe chở ra tàu hàng đang neo đậu tại cảng lén lên tàu. Thuyền viên trên tàu cùng người này đã được lấy mẫu xét nghiệm, tất cả đều âm tính, được chuyển cách ly tập trung" - bà Đinh Thị Hải Yến, phó khoa truyền thông và giáo dục sức khỏe Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP.HCM, chia sẻ.

Ngoài việc thuyền viên, người thân và chủ tàu bị xử lý, bộ đội biên phòng cảng Cát Lái cho biết đã tìm được người lái ghe, được xác định có hành vi tiếp tay tạo ra cuộc tiếp xúc giữa thuyền viên - người trên bờ, để điều tra, xử lý.

Theo bà Yến, TP.HCM là khu vực có nhiều cảng biển với lưu lượng tàu thuyền nước ngoài ra vào cao nhất cả nước. Từ lâu ngành y tế đã nhận diện nguy cơ dịch bệnh Covid- 19 sẽ xâm nhập rất lớn từ người nhập cảnh. Do đó, bên cạnh việc kiểm soát nhập cảnh bằng đường hàng không, việc kiểm soát nhập cảnh bằng đường thủy tại các cảng biển là điều rất quan trọng.

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, ngành y tế chủ động kiểm soát nhiều tàu thuyền lớn. Điển hình như kiểm dịch y tế quy mô trên tàu Silver Spirit với 612 người (207 hành khách, 405 thủy thủ) tại cảng Hiệp Phước (Nhà Bè) vào tháng 2-2020.

Cùng thời điểm này tiếp tục kiểm dịch y tế cho tàu Crystal Symphony khởi hành từ San Francisco (Mỹ), đi qua nhiều nước châu Mỹ đến khu vực châu Á trước khi tới TP.HCM. Trên tàu lúc bấy giờ có đến 536 thủy thủ cùng 145 hành khách, đều được kiểm dịch đảm bảo an toàn trước khi được nhập cảnh tham quan du lịch.

Kiểm tra đột xuất, giám sát bằng camera

Đó là đề nghị của phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng trong cuộc họp mới đây với Cảng vụ Hàng hải TP.HCM, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng TP.HCM về việc tổ chức các hoạt động phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại các cảng biển.

Để kiểm soát không cho phát sinh nguồn lây từ các cảng biển, quy định hiện nay đã nghiêm cấm các thuyền viên trên tàu nhập cảng lên bờ. Trong trường hợp đặc biệt đều phải thông qua bộ đội biên phòng.

Cụ thể tại cảng Sài Gòn, thuyền viên muốn lên bờ phải sử dụng cầu thang trên mạn tàu, được bộ đội biên phòng kiểm soát chặt chẽ và chỉ được hạ xuống khi được phép.

Còn tại cảng Cát Lái, Trung tâm An ninh thực hiện việc giám sát bằng hệ thống camera để đảm bảo không có thuyền viên lên bờ. Dữ liệu camera có thể lưu trữ được 45 ngày và truy xuất được mọi khung giờ khi cần thiết.

Theo các đơn vị, việc kiểm soát chặt này không ảnh hưởng đến hoạt động của tàu. Cụ thể thức ăn, thực phẩm, nước uống tàu đã chuẩn bị đầy đủ, không cần cung cấp từ đất liền.

Khi giải quyết thủ tục hành chính, Cảng vụ Hàng hải đã đẩy mạnh việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục cho tàu biển vào, rời cảng và các thủ tục liên quan bằng phương thức điện tử. Ngoài ra, vấn đề xếp dỡ hàng hóa cũng chủ yếu được cơ giới hóa thực hiện.

Ông Nguyễn Hữu Hưng khẳng định bộ đội biên phòng là đơn vị chủ trì phối hợp với các đơn vị giám sát người ra vào các cảng; kiểm tra giám sát định kỳ, đột xuất các tàu thuyền tiếp cận giao dịch với các tàu nước ngoài đang neo đậu; đảm bảo tuân thủ đúng quy định, hướng dẫn phòng chống dịch của ngành y tế và có biện pháp xử lý nghiêm thuyền viên, thuyền trưởng và đại lý tàu nếu để thuyền viên trốn tàu lên bờ sai quy định.

Còn Cảng vụ Hàng hải TP.HCM phối hợp với Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế thực hiện các hoạt động phòng chống dịch tại các cảng biển, đến toàn thể nhân viên tại các cảng, các đại lý tàu, thuyền viên các tàu cập cảng.

Đặc biệt, yêu cầu thuyền trưởng tất cả các tàu ký cam kết tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh; đảm bảo thuyền trưởng và toàn bộ thủy thủ của các tàu nước ngoài được thông tin đầy đủ về các quy định của pháp luật, ngành y tế Việt Nam và phải chịu trách nhiệm nếu để thủy thủ vi phạm trong thời gian cập cảng.

Với 43 cảng biển lớn nhỏ, ông Nguyễn Hải Nam - giám đốc Cảng vụ Hàng hải TP.HCM - cho biết lượng tàu quốc tế, tàu Việt Nam từ nước ngoài về cập các cảng vào khoảng 30 tàu/ngày. Mọi công tác kiểm tra, giám sát vẫn được lực lượng an ninh cảng thực hiện liên tục, đảm bảo nghiêm ngặt theo quy định (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Bộ Y tế bãi bỏ một số lượng lớn văn bản không phù hợp

Ngày 12-1, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội nghị triển khai Thông tư số 29/2020/ TT-BYT ngày 31-12-2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế (gọi tắt là Thông tư số 29) sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật. Tại hội nghị, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, Thông tư 29 sửa đổi 11 văn bản về quản lý trong lĩnh vực y tế; bãi bỏ 28 thông tư có các quy định đã hết hiệu lực, không còn phù hợp, trong đó có 8 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm. 

Thông tư 29 được xây dựng dựa trên cơ sở rà soát hơn 547 văn bản quy phạm pháp luật và gần 200 phản ánh kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong lĩnh vực y tế. Đây cũng là lần đầu tiên Bộ Y tế ban hành một thông tư để sửa đổi, bãi bỏ một số lượng lớn “kỷ lục” các văn bản không còn phù hợp, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp. Việc bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Y tế làm lợi cho các doanh nghiệp 2,4 triệu ngày công và 625 tỷ đồng mỗi năm (Hà Nội mới, trang 5).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang