Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 13/5/2020

  • |
T5g.org.vn - Việt Nam chưa công bố hết dịch; Chống dịch Covid-19: Tiếp tục quản lý chặt người nhập cảnh; Xử lý nghiêm vi phạm kinh doanh thiết bị y tế; Những chiến sĩ công an phòng, chống dịch ở cửa khẩu hàng không; …

 

Những chiến sĩ công an phòng, chống dịch ở cửa khẩu hàng không

Những ngày qua, lực lượng công an đang nỗ lực hết mình phối hợp cùng các lực lượng chức năng thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, phải kể đến cán bộ, chiến sĩ (CB, CS) làm nhiệm vụ tại các cửa khẩu hàng không, nơi trực tiếp tiếp xúc với người đi từ nơi có dịch, người từ nước ngoài trở về nhập cảnh vào Việt Nam, nguy cơ lây nhiễm luôn thường trực.

Đại diện lãnh đạo Công an Cửa khẩu cảng Hàng không quốc tế Nội Bài (Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an) cho biết: Ngay khi có thông tin về dịch Covid-19 và thông tin cảnh báo của Sở Y tế Hà Nội, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Trong đó, đơn vị quán triệt và thực hiện nghiêm các kế hoạch, chỉ đạo công tác của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an, của Cục Quản lý xuất nhập cảnh đối với công tác kiểm soát người nhập cảnh từ nước ngoài về Việt Nam, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ kiểm soát xuất nhập cảnh và phòng, chống dịch trong mọi tình huống. Cấp ủy, chỉ huy đơn vị thường xuyên coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho CB, CS luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm. 100% CB, CS sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ được giao dù phải tiếp xúc trực tiếp với người nhập cảnh từ các vùng có dịch.

Từ khi triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19, đến nay, Công an Cửa khẩu Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài đã giải quyết thủ tục nhập cảnh cho 4.479 chuyến bay, với 463.324 lượt người nhập cảnh; hỗ trợ kiểm dịch y tế quốc tế áp dụng các biện pháp cách ly cho 4.940 công dân Việt Nam và 227 người nước ngoài; từ chối nhập cảnh 34 người nước ngoài đến từ vùng dịch hoặc đi qua vùng dịch trong vòng 14 ngày…

Do yêu cầu của công tác nên việc giải quyết thủ tục cho từng khách tăng cả về thời gian và thao tác cũng như việc phải kiểm soát chặt chẽ về hành trình của khách, dẫn tới việc kiểm soát viên chịu áp lực cao. Ngoài ra, trang bị bảo hộ cho CB, CS tạm thời đủ đáp ứng trước mắt, nhưng nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, nguồn cung hạn chế thì rất khó đáp ứng yêu cầu. Các ca mắc Covid-19 từ nước ngoài vào, đã khiến CB, CS trực tiếp làm thủ tục nhập cảnh cho khách có những trường hợp phải đi cách ly tại bệnh viện. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, đúng 0 giờ ngày 18-3, Công an Cửa khẩu Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài đã triển khai đồng bộ các biện pháp, phối hợp các đơn vị liên quan tạm dừng cấp thị thực, buộc cách ly tập trung đối với những hành khách quốc tế và công dân Việt Nam nhập cảnh từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch về nước. Nhờ sự chuẩn bị tốt, ngay trong đêm 17-3 và rạng sáng 18-3, tại khu vực sân bay Nội Bài, hàng trăm CB, CS Công an Cửa khẩu Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và các lực lượng liên quan đã phối hợp nhịp nhàng, thường trực có mặt tại các vị trí trọng yếu của nhà ga đến, vừa để kiểm tra việc khai báo thông tin của hành khách, tổ bay... vừa sẵn sàng hướng dẫn chu đáo mọi thắc mắc của du khách quốc tế và hành khách Việt Nam. Thế nên, dù là ngày đầu dừng cấp thị thực, buộc cách ly tập trung đối với những hành khách từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch nhập cảnh về nước nhưng không xảy ra hiện tượng ùn ứ. Hành khách xếp hàng khá trật tự và tỏ ra thoải mái; tất cả đều đeo khẩu trang, dùng nước rửa tay theo đúng hướng dẫn. Đối với những hành khách nhập cảnh không qua vùng dịch sẽ được đi lối riêng để tránh lây nhiễm chéo dịch bệnh, nhanh chóng được làm thủ tục nhập cảnh.

Chị B.T.H. (SN 1973), quê tỉnh Nam Định, một Việt kiều từ Đức trở về chia sẻ: Dù chuẩn bị lên xe về khu cách ly tập trung 14 ngày, nhưng tôi rất ủng hộ chủ trương này. Lực lượng chức năng của Việt Nam đã làm rất tốt công tác phòng, chống dịch, nhất là lực lượng công an, đã hướng dẫn người dân rất cụ thể, chân tình.

Thời gian qua, công tác phòng, chống dịch Covid-19 được các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương trong cả nước vào cuộc quyết liệt, trong đó có sự đóng góp thầm lặng của những CB, CS công an làm nhiệm vụ tại các cửa khẩu hàng không. Với tinh thần trách nhiệm vì nước quên thân, vì dân phục vụ, nhiều cán bộ, chiến sĩ công an gác lại hạnh phúc riêng tư để làm nhiệm vụ, tự cách ly tại khu vực riêng trong trụ sở đơn vị, để góp sức cùng các cấp chính quyền và nhân dân cả nước đẩy lùi dịch Covid-19. (Nhân dân, trang 3).

 

Chống dịch Covid-19: Tiếp tục quản lý chặt người nhập cảnh

Chiều qua (12.5), Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã làm việc với Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại VN cùng một số chuyên gia quốc tế về tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại VN.

TS Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại VN, bày tỏ ấn tượng trước các biện pháp rất nhanh, hiệu quả đã được VN triển khai thời gian qua; đồng thời nhấn mạnh, hiện thế giới vẫn chưa có thuốc đặc hiệu, hay vắc xin điều trị Covid-19... và khuyến nghị VN vẫn phải ở trong tâm thế hết sức cảnh giác.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh VN tiếp tục chính sách quản lý chặt chẽ người nhập cảnh để bảo đảm an toàn, mới có thể nới lỏng được ở bên trong, để thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (BCĐ) cho biết ngày 12.5 không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới trên cả nước. Trong ngày, 3 bệnh nhân (BN) tái dương tính Covid-19 điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi (TP.HCM) được công bố khỏi bệnh, là các BN thứ 151, 207, 224. Đã có 252 (88%) BN trong số 288 ca mắc Covid-19 tại VN được công bố khỏi bệnh.

Trong các BN đang điều trị, chỉ còn 20 ca dương tính. Chiều ngày 12.5, BN 91 (nam phi công người Anh) tiếp tục được hội chẩn để đánh giá khả năng ghép phổi.

Theo đánh giá ban đầu, BN 91 cần được lấy toàn bộ phổi để ghép, do đó phổi ghép cần được nhận từ người hiến chết não có các chỉ số phù hợp. Nếu đủ điều kiện, ca ghép phổi sẽ được thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM. Bộ Y tế cho biết đã liên lạc với Đại sứ quán Anh tại VN để có các xác nhận về pháp lý từ người thân BN 91, trong trường hợp ca ghép được thực hiện.

Thông tin từ Sở LĐ-TB-XH tỉnh Thừa Thiên-Huế ngày 12.5 cho biết, cơ quan này vừa hướng dẫn các địa phương trong tỉnh tổng hợp danh sách những trường hợp vướng mắc chưa thể thực hiện việc chi trả tiền hỗ trợ theo Quyết định 15 của Chính phủ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Sau khi tổng hợp những trường hợp cụ thể, sở sẽ báo cáo, xin ý kiến của UBND tỉnh và Bộ LĐ-TB-XH để có những hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể.

Đáng chú ý, trong quá trình chi trả xảy ra tình huống người dân có kê khai và thuộc đối tượng được hỗ trợ, nhưng đến lúc thực hiện chi trả thực tế thì người dân qua đời. Điều này chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể nên địa phương chờ hướng dẫn từ cấp trên. (Thanh niên, trang 4).

Cùng chủ đề Báo Nhân dân, trang 8: “Không chủ quan vì nguy cơ dịch Covid-19 còn hiện hữu”; Sài Gòn giải phóng, trang 7: “Sẵn sàng ứng phó nếu có ca mắc Covid-19 mới”.

 

Làn sóng Covid-19 thứ hai?

Sau khi nới lỏng, dỡ bỏ lệnh phong tỏa phòng chống dịch Covid-19, một số nước có ca nhiễm mới tăng trở lại, gây ra nỗi sợ về làn sóng lây nhiễm thứ hai.

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) hôm qua 12.5 thông báo có thêm 27 ca nhiễm Covid-19 trong ngày 11.5, đánh dấu ngày thứ 5 liên tiếp số ca nhiễm mới/ngày ở mức 2 con số sau khi ca nhiễm đầu tiên tại các quán bar ở quận giải trí Itaewon thuộc Seoul được xác nhận hôm 2.5.

Tính đến chiều 12.5, số ca nhiễm Covid-19 liên quan đến Itaewon đã tăng lên 102, khiến nơi đây trở thành ổ dịch lớn nhất ở Seoul, theo Yonhap. Làn sóng lây nhiễm thứ hai ập đến không lâu sau khi chính phủ Hàn Quốc kiểm soát được dịch và bắt đầu nới lỏng biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội, dần mở cửa trường học, doanh nghiệp. Theo diễn biến mới, Hàn Quốc thông báo lùi ngày mở lại trường học thêm một tuần.

Tương tự, TP.Vũ Hán (Trung Quốc) phát hiện ổ nhiễm mới đầu tiên hồi cuối tuần trước. Nhằm ngăn chặn nguy cơ tái bùng phát, Vũ Hán sẽ tiến hành xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ 11 triệu dân trong 10 ngày và mỗi quận được yêu cầu trình kế hoạch xét nghiệm chi tiết trước ngày 12.5, theo Reuters.

Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc hôm qua cũng nhấn mạnh việc xuất hiện ổ nhiễm Covid-19 trong những ngày gần đây cho thấy các biện pháp phòng chống đại dịch chưa thể được nới lỏng.

Trong khi đó, châu Âu được cho là cũng đang lo sợ về làn sóng lây nhiễm thứ hai sau khi số ca nhiễm mới ở một số nước nới lỏng biện pháp phòng chống dịch tăng trở lại.

Ở Đức, Viện Robert Koch hôm qua công bố dữ liệu cho thấy có thêm 933 ca nhiễm mới, tăng từ con số 357 hôm 11.5, sau khi chính phủ bắt đầu nới lỏng phong tỏa từng bước.

Tương tự, khi chính phủ Pháp vừa bắt đầu dỡ bỏ dần lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài gần 2 tháng qua, Bộ Y tế nước này cho hay số ca Covid-19 tử vong trong ngày 11.5 tăng gần gấp 4 lần và số ca nhiễm mới tăng hơn gấp đôi so với ngày trước đó, theo Reuters. Tại Mỹ, dù số ca nhiễm và số người chết vì Covid-19 tiếp tục tăng, Tổng thống Donald Trump hôm qua cáo buộc các thống đốc thuộc đảng Dân chủ “hành động chậm” trong việc nới lỏng các biện pháp hạn chế tiếp xúc và cho phép các cơ sở kinh doanh hoạt động trở lại.

Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo các nước nên cực kỳ thận trọng khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa. “Giờ đây chúng ta thấy được một ít hy vọng khi nhiều nước hết phong tỏa. Nhưng nếu dịch bệnh còn duy trì ở mức độ thấp tại những quốc gia không có khả năng điều tra các cụm lây nhiễm thì luôn có nguy cơ vi rút hoành hành trở lại”, Giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến hôm 11.5, theo Reuters. (Thanh niên, trang 24).

Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới, trang 8: “Nguy cơ bùng phát làn sóng dịch Covid-19 thứ hai: Mối nguy hiểm cần kề”; Lao động, trang 7: “Cảnh giác với làn sóng dịch COVID-19 thứ 2”.

 

Nguy cơ dược phẩm giả trên toàn cầu

Ngày 15-2, Bộ Y tế Nhật Bản bắt đầu cung cấp thuốc Remdesivir với số lượng hạn chế cho các bệnh viện để chữa trị cho các bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nặng.

Trong bối cảnh thế giới còn đang loay hoay để phát triển thuốc điều trị virus SARS-CoV-2, Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) cảnh báo, các tổ chức tội phạm có thể lợi dụng tình hình hiện nay để tạo ra một làn sóng dược phẩm giả trên quy mô toàn cầu.

Thuốc chưa đủ

Phát biểu tại họp báo ngày 12-5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nhật Bản Kato cho biết, Bộ Y tế nước này sẽ tiếp tục thống kê số bệnh nhân tại các bệnh viện cần sử dụng thuốc Remdesivir để cung cấp số lượng thích hợp. Thuốc kháng virus Remdesivir của công ty Mỹ Gilead Sciences được kỳ vọng sớm cải thiện các triệu chứng của bệnh nhân nặng và đã được bộ trên cấp phép sử dụng kể từ ngày 7-5 với thủ tục đặc biệt. Số thuốc Remdesivir trong kho của công ty này hiện nay chỉ đủ cung cấp cho khoảng 10.000 người. Gilead Sciences sẽ nâng lên mức 500.000 liều vào tháng 10 và 1 triệu liều vào tháng 12 tới, sau khi chính thức triển khai hệ thống cung ứng từ tháng 6.

Ngoài ra, kể từ ngày 13-5, Bộ Y tế Nhật Bản sẽ chấp thuận sử dụng biện pháp xét nghiệm kháng nguyên để xác định bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 với thời gian rút ngắn xuống còn 15 - 30 phút. Bộ Y tế Nhật Bản đặt mục tiêu sử dụng phương pháp kháng nguyên để xét nghiệm cho 400.000 trường hợp mỗi tuần. Biện pháp này trước mắt sẽ được sử dụng tại các cơ sở xét nghiệm của các địa phương, các sân bay, nơi có nguy cơ cao... Do độ chính xác của phương pháp xét nghiệm kháng nguyên thấp nên các trường hợp phát hiện dương tính qua phương pháp này phải thực hiện xét nghiệm RT-PCR để khẳng định một lần nữa.

Tâm lý hoảng sợ bị lợi dụng

Trong khi chờ đợi vaccine chống virus SARS-CoV-2 mà theo dự báo chỉ có thể được hoàn thiện từ giữa năm 2021, Tổng Thư ký Interpol, ông Jürgen Stock, cảnh báo, các tổ chức tội phạm có thể lợi dụng việc phát triển thuốc điều trị virus SARS-CoV-2 để tạo ra một làn sóng dược phẩm giả trên quy mô toàn cầu.

Hãng tin Đức DPA dẫn lời ông Stock cho rằng, việc buôn bán bất hợp pháp dược phẩm giả sẽ tăng lên khi một loại thuốc cho thấy nhiều hứa hẹn trong việc điều trị hoặc làm giảm tình trạng bệnh. Theo ông Stock, tội phạm đang nhanh chóng thích nghi với diễn biến của dịch Covid-19, trong đó chúng lợi dụng sự lo lắng, sợ hãi và khó khăn của mọi người để thực hiện các hoạt động tội phạm, đặc biệt trong lĩnh vực y tế. Các băng nhóm tội phạm có tổ chức ở châu Á hiện đang cố gắng thâm nhập thị trường này. Chúng tự hạ thấp giá cả, không tuân thủ các quy định liên quan và tìm mọi cách để thâm nhập vào các nền kinh tế hợp pháp. Theo Interpol, nguy cơ này cũng có thể trở thành vấn đề lớn đối với các khu vực khác trên thế giới. Ông Stock nhận định, điều này cũng tương tự như đối với các vật tư y tế giả, trong đó có khẩu trang hoặc chất khử trùng.

Trong số các hàng hóa và vật tư y tế, thuốc gốc (generic drug) là một trong những mặt hàng dễ bị tổn thương nhất. Hiện nay, các nhà sản xuất thuốc Nhật Bản phải nhập khẩu gần 50% hoạt chất gốc từ Trung Quốc, Hàn Quốc và một số quốc gia khác. Trong khi đó, Nhật Bản cũng đang phải nhập khẩu khoảng 70% - 80% khẩu trang phẫu thuật, chủ yếu từ Trung Quốc. Điều này cho thấy, nước này đang phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung nhập khẩu. Trong bối cảnh đó, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) và Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi (MHLW) của Nhật Bản đang thu thập thông tin về hơn 400 doanh nghiệp tình nguyện hỗ trợ cung cấp hàng hóa, vật tư y tế ngoài các doanh nghiệp hiện nay. (Sài Gòn giải phóng, trang 8).

 

Xử lý nghiêm vi phạm kinh doanh thiết bị y tế

Thời gian qua, với sự chủ động quản lý địa bàn, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phối hợp với các lực lượng chức năng, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã xử lý nghiêm hàng trăm vụ vi phạm về kinh doanh trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội để làm rõ hơn vấn đề này.

- Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường thành phố liên tục phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm về trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Ông có thể cho biết rõ hơn về kết quả đấu tranh này?

- Trong tháng 4-2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhu cầu về vật tư y tế phục vụ công tác phòng dịch của người dân tăng cao. Lợi dụng tình hình này, một số đối tượng đã sản xuất mặt hàng khẩu trang, cồn y tế, nước rửa tay khô không bảo đảm chất lượng để trục lợi. Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo thành phố Hà Nội chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 thành phố) đã chỉ đạo các sở, ngành thành viên và Ban Chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm; lợi dụng dịch bệnh để tăng giá, định giá bán hàng hóa bất hợp lý, mua gom hàng hóa, đầu cơ để kiếm lời bất hợp pháp.

Tính đến ngày 21-4, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chủ trì phối hợp với Công an thành phố, Sở Y tế, Sở Tài chính và các lực lượng chức năng kiểm tra 267 vụ, xử lý 233 vụ; phạt hành chính gần 1,5 tỷ đồng; tạm giữ hàng hóa vi phạm gồm: 991.324 chiếc khẩu trang y tế các loại, trong đó đã bàn giao cho Sở Y tế Hà Nội 203.517 chiếc khẩu trang và 1.579 chai dung dịch rửa tay sát khuẩn bảo đảm chất lượng để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

- Ông có thể điểm qua một số vụ việc điển hình?

- Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 4 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Đội 4, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an thành phố Hà Nội) và Đội An ninh kinh tế Công an quận Đống Đa đã tiến hành kiểm tra đột xuất cửa hàng Tokyo Nhim Cosmestic kinh doanh các mặt hàng phòng, chống dịch Covid-19 (tại địa chỉ số 97 phố Đặng Tiến Đông, quận Đống Đa). Tại thời điểm kiểm tra, cửa hàng đang kinh doanh 320 chiếc thẻ chống vi rút có nhãn ghi chữ nước ngoài; 90 chiếc khẩu trang nhãn có chữ nước ngoài; 149 lọ dung dịch sát khuẩn các loại nhãn có chữ nước ngoài. Toàn bộ hàng hóa đều không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không rõ chất lượng, không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp cũng như an toàn theo quy định. Đây chỉ là một trong số hàng trăm vụ việc bị lực lượng quản lý thị trường Hà Nội phối hợp điều tra, phát hiện, xử lý nghiêm.

- Dự báo sau thời gian giãn cách xã hội, các đối tượng buôn lậu tiếp tục đẩy mạnh hoạt động trở lại. Ban Chỉ đạo 389 thành phố có những giải pháp gì để kiểm soát, xử lý các vi phạm?

- Để bảo vệ quyền lợi cũng như bảo đảm an toàn cho người dân, bảo đảm hàng hóa lưu thông trên thị trường ổn định, Ban Chỉ đạo 389 thành phố đã yêu cầu các sở, ngành thành viên và Ban Chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng chính sách của Nhà nước về kích cầu, tạo điều kiện thông thoáng về lưu thông hàng hóa nhằm trà trộn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm đưa vào tiêu thụ; tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm... Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các đoàn kiểm tra liên ngành của Ban Chỉ đạo 389 thành phố đối với mặt hàng vật tư nông nghiệp; xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng.

Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Ban Chỉ đạo đã yêu cầu các lực lượng chức năng tăng cường công tác phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin; tiếp tục làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình thị trường, lập danh sách đối tượng, cơ sở có biểu hiện nghi vấn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; các kho tàng, bến bãi chứa hàng lậu, phát hiện những vấn đề bức xúc, nổi cộm để có giải pháp xử lý kịp thời.

- Trân trọng cảm ơn ông! (Hà Nội mới, trang 4).

 

Hà Nội tổ chức tiêm chủng trở lại 1 tuần/lần

Ngày 12-5, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Hà Nội bắt đầu triển khai tiêm chủng mở rộng trở lại từ đầu tuần này sau hơn một tháng tạm dừng vì dịch Covid-19.

Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, việc tiêm chủng mở rộng vẫn được triển khai mỗi tuần một lần như trước đây tại các trạm y tế. Các buổi tiêm được tổ chức phải bảo đảm an toàn theo các quy định hiện hành của Bộ Y tế và hướng dẫn của dự án Tiêm chủng mở rộng.

Còn theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, buổi tiêm chủng mở rộng tùy thuộc từng trạm y tế sẽ được tổ chức vào các ngày khác nhau trong tuần, song về cơ bản, thường vào thứ tư hằng tuần. Ngày mai (13-5), nhiều trạm y tế bắt đầu tổ chức tiêm chủng mở rộng trở lại.

Để bảo đảm an toàn và phòng, chống dịch Covid-19, các điểm tiêm chủng lập danh sách đối tượng đến tiêm theo khung giờ, bảo đảm không quá 20 người trong cùng thời điểm và không quá 50 đối tượng tại một điểm trong mỗi buổi tiêm. Mặt khác, đối tượng được sàng lọc trước buổi tiêm chủng. Những trẻ đang ốm, sốt hoặc có biểu hiện viêm long đường hô hấp thì được tư vấn không đưa đi tiêm.

Bên cạnh đó, các điểm tiêm chủng bố trí vị trí chờ thông thoáng, đủ ghế ngồi chờ và bảo đảm khoảng cách tối thiểu 2m giữa các đối tượng; bố trí theo quy tắc một chiều, bảo đảm khoảng cách tối thiểu 2m giữa các bàn, vị trí tiêm chủng. Diện tích, phòng theo dõi trẻ sau tiêm chủng 30 phút được bố trí thêm, bảo đảm khoảng cách tối thiểu 2m giữa các đối tượng. Tất cả người đưa trẻ đi tiêm chủng đều được đo thân nhiệt trước khi đưa trẻ vào điểm tiêm.

Trước đó, từ ngày 1-4 đến nay, do thực hiện giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đã tạm ngừng trên toàn quốc. Ngày 25-4, các tỉnh, thành phố phía Nam và khu vực Đồng bằng sông Hồng đã triển khai trở lại. Riêng tại Hà Nội, thời điểm đó vẫn còn khu vực thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh) và thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín) thực hiện cách ly nên phải lùi thời điểm tiêm chủng trở lại đến tháng 5-2020. (Hà Nội mới, trang 4).

 

Gia tăng các bệnh do thời tiết nắng nóng

Cả nước bắt đầu bước vào đợt nắng nóng xảy ra trên diện rộng với nền nhiệt độ cao, đặc biệt trong tuần vừa qua, ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Trung Trung Bộ có nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến 38 đến 41 độ, có nơi trên 41 độ (ngày 9-5).

Nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Đặc biệt, đây là thời điểm bắt đầu bước vào mùa viêm não Nhật Bản B, sốt xuất huyết, tay chân miệng khi học sinh quay lại trường.

Nhiều người bị viêm phổi nhập viện

Sáng 11-5, có mặt tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), chúng tôi bắt gặp rất đông người tới khám, nhưng chủ yếu là người già, người có bệnh mãn tính. Bác Hoàng Thị Hoa (68 tuổi, quận Ba Đình) cho biết: “Sau thời gian dài không tới viện, hôm nay tôi mới tới khám. Vào thời gian cao điểm dịch, bác sĩ kê đơn thuốc uống trong 2 tháng, có gì cần thắc mắc thì gọi điện thoại, bác sĩ tư vấn tiếp tục uống đơn cũ. Nhưng nay tới viện thấy yên tâm hơn hẳn”. Bác Hoa bị cao huyết áp và bệnh tiểu đường nên khá lo lắng khi thời tiết nắng lên.

ThS.BS Nguyễn Thúy Hằng, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết: Bệnh nhân tới viện khám đã bình thường trở lại như trước khi có dịch COVID-19. Trung bình 1 ngày có khoảng từ 1.200 – 1.500 người tới khám, chủ yếu là người cao tuổi mắc bệnh mãn tính. Đối với những bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, huyết áp… đơn thuốc vẫn kê uống trong 2 tháng.

Trẻ em tới khám ít hơn so với trước khi có dịch vì tuần vừa qua các cháu mầm non, tiểu học vẫn nghỉ ở nhà. Tuy nhiên, sang tuần này các cháu đã trở lại trường, nắng nóng dễ mắc các bệnh viêm phổi, sởi, viêm não Nhật Bản, tay chân miệng, tiêu chảy… nên phụ huynh phải hết sức lưu ý.

Theo BS Hằng, trong tuần qua, xuất hiện nhiều bệnh nhân viêm phổi tới khám, có nhiều người bị bội nhiễm phải vào nhập viện. Nguyên nhân là bắt đầu bước vào đợt nắng nóng, người mắc các bệnh mãn tính như bệnh đái tháo đường, huyết áp dễ mắc bệnh sốt virus, viêm phổi hoặc người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính dễ có những đợt bội nhiễm cấp phải vào nhập viện. Người dân hạn chế ra đường vào những ngày nắng nóng, nhất là môi trường nhiệt độ thay đổi đột ngột, đặc biệt với người bệnh tăng huyết áp, dễ dẫn đến tai biến mạch máu não.

Còn tại BV Lão khoa Trung ương, người đến khám chữa bệnh đã bắt đầu đông trở lại, công tác kiểm soát ra vào vẫn được siết chặt, tất cả người ra vào đều được đo nhiệt đô, khai báo y tế. BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Khám theo yêu cầu cho biết: “Sau dịch, lượng bệnh nhân tới thăm khám tăng vọt, tuy nhiên cũng vẫn chưa bằng so với đợt trước dịch bệnh. Hầu hết bệnh nhân cao tuổi đến khám các bệnh lý về tim mạch, huyết áp, đái tháo đường… và có biến chứng âm thầm, do vậy cần được theo dõi sát sao và dùng thuốc liên tục”.

Cũng theo ông Hùng, trong đợt dịch vừa qua, không ít bệnh nhân đã lơi là bỏ uống thuốc điều trị, cũng chính vì vậy vậy mà bệnh viện đã tiếp nhận những bệnh nhân nhập viện cấp cứu vì nhồi máu cơ tim, đột quỵ… thậm chí đã có biến chứng hôn mê.

BS Hùng cũng khuyến cáo hiện thời tiết chuyển sang hè nóng bức, đặc biệt là những ngày qua, nhiệt độ ban ngày đạt ngưỡng 39 độ C, người cao tuổi và nhất là người bệnh cao tuổi cần lưu ý sức khỏe. Bởi nắng nóng khiến người già dễ mất nước, mất điện giải, tạo điều kiện cho các bệnh nền có cơ hội tăng nặng, dễ gây đột quỵ. Hoặc nhiều người chọn giải pháp ngồi điều hòa, tránh nắng nóng, nhưng cũng dễ gặp hệ lụy của việc này như khô niêm mạc đường hô hấp, dễ gây các bệnh lý hô hấp, viêm phổi….

Cẩn trọng với các dịch bệnh mùa hè

Ngoài các bệnh thường mắc trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm, thời điểm tháng 5 và tháng 6 là cao điểm của dịch viêm não Nhật Bản B, sốt xuất huyết… nhất là trong thời điểm dịch COVID-19. Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, thời điểm này chúng ta phải chuẩn bị phòng chống dịch xảy ra mùa hè - thu như sốt xuất huyết, căn bệnh mỗi năm có  hàng chục đến hơn 100 nghìn người mắc, có hàng chục ca tử vong.

Tháng 5 và 6 là thời điểm của dịch viêm não Nhật Bản B, căn bệnh gây di chứng nặng nề và tử vong cao. Đặc biệt tháng 4 và tháng 5 là mùa muỗi bắt đầu phát triển, chúng ta diệt được 1 con muỗi cái vào thời điểm này bằng diệt hàng vạn con muỗi trong tháng 7, tháng 8.

Vì vậy, trong giai đoạn tới chúng ta vừa phải chống dịch COVID-19 vừa phải chống dịch khác. Từ đầu năm 2020, Bộ Y tế đã chỉ đạo y tế các địa phương chống dịch sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản; chuẩn bị truyền thông, vật tư, kinh phí diệt muỗi. Thời điểm này chúng ta còn đang chống dịch COVID-19 nên không thể tâp trung đông người cho chiến dịch chống sốt xuất huyết như mọi năm huy động hàng nghìn người vào công tác tuyên truyền, thau rửa, vệ sinh các bể nước, diệt muỗi, diệt loăng quăng. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta sao nhãng phòng chống các dịch khác.

“Chúng ta cần chia ra các mặt trận chống dịch, vừa chống dịch COVID-19, vừa phân bố lực lượng chống dịch mùa hè, phun diệt muỗi. Đặc biệt, tuyên truyền mạnh hơn nữa để người dân biết ngoài COVID-19, còn các dịch nữa cũng rất nguy hiểm và cũng gây tử vong, đặc biệt là các dịch bệnh trẻ em thường mắc như sởi, viêm não Nhật Bản”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga nói.

Bác sĩ chuyên khoa Lão khoa Lê Quốc Hùng: “Ngày hè, năm nào Bệnh viện Lão khoa Trung ương thường tiếp nhận bệnh nhân với bệnh lý hay gặp nhất là về hô hấp và đường tiêu hóa. Do vậy để dự phòng, các bệnh nhân cần lưu tâm việc uống đủ nước, hạn chế nước ngọt, nước có cồn và ga; duy trì chế độ ăn khoa học, phù hợp. Tuyệt đối không nên ra nắng nóng quá lâu, lưu ý từ 10-16h, đây là khoảng thời gian nắng nóng gay gắt nhất trong ngày. Với người cao tuổi, dù nắng nóng vẫn cần giữ thói quen luyện tập, tuy nhiên không vận động gắng sức hay dưới trời nắng. Và cần lưu tâm duy trì chế độ thuốc theo đơn thuốc, nếu có bất kỳ thay đổi bất thường cơ thể thì cần liên lạc với bác sĩ điều trị để kịp thời thăm khám, tư vấn điều trị”. (Công an Nhân dân, trang 7).

 

Việt Nam chưa công bố hết dịch

Dù 26 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng, đa số bệnh nhân đang điều trị đều có sức khỏe ổn định, kể cả bệnh nhân 3 lần ngừng tim điều trị lâu nhất đã hồi phục nhưng Việt Nam vẫn chưa công bố hết dịch.

Theo thông tin của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19, tính đến 6h ngày 12/5 đã 26 ngày Việt Nam không phát hiện ca mắc mới trong cộng đồng. 

Hiện tại, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 11.929. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện 329 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác 6.432 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú 5.168 người.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quốc gia đánh giá Việt Nam đang khống chế dịch tốt và khả năng xảy ra làn sóng thứ hai rất ít, tuy nhiên, chưa tính đến thời điểm công bố hết dịch vì số ca mắc mới ghi nhận trên thế giới vẫn còn cao. Bên cạnh đó, Việt Nam đang tiếp tục thực hiện bảo hộ công dân, đưa công dân Việt Nam kẹt lại ở nước ngoài hoặc có nhu cầu về nước. Vì vậy, vẫn có nguy cơ phát sinh thêm ca bệnh mới.

Về 2 bệnh nhân nặng nguy kịch: Hiện bệnh nhân số 19 (bác gái bệnh nhân 17) đã vượt qua nguy kịch, tiến triển tốt sau hơn 2 tháng điều trị. Trong quá trình điều trị từ ngày 7/3, không ít lần bệnh nhân rơi vào trạng thái nguy kịch, ngừng tuần hoàn 3 lần, phải đặt ECMO, lọc máu. Nhưng với sự theo dõi sát sao, điều trị tích cực, tình trạng hiện tại của bệnh nhân rất tốt, ban ngày tự thở, chiều tối thở oxy kính 11/p, phổi thông khí rõ. Bệnh nhân tỉnh, giao tiếp tốt, cơ lực cải thiện, không sốt. Bệnh nhân tỉnh táo, trò chuyện, tự ăn uống, đã có nhiều lần xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

Trong khi đó, bệnh nhân nặng nhất Việt Nam hiện tại là bệnh nhân 91, 43 tuổi, phi công Vietnam Airlines suy hô hấp từ khi nhập viện và diễn tiến ngày càng xấu đi, tiên lượng rất nguy kịch.

Các chuyên gia hàng đầu đã cùng hội chẩn để tính phương án cuối cùng là ghép phổi cho bệnh nhân, tuy nhiên gặp cùng lúc 2 khó khăn: Thứ nhất, bệnh nhân vẫn đang trong tình trạng nhiễm trùng, nếu ghép phổi mới, sẽ khó sống được; Thứ hai, việc tìm tạng ghép của người cho chết não có cân nặng, chiều cao tương đồng với bệnh nhân rất khó (cao 1,83m, nặng 100kg). Do đó, hiện tại, bệnh nhân 91 vẫn đang duy trì sự sống hoàn toàn bằng máy thở và ECMO. (Khoa học & Đời sống, trang 2).

Cùng chủ đề An ninh Thủ đô, trang 6: “Bao giờ Việt Nam có thể công bố hết dịch”.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang