QUỐC HỘI THẢO LUẬN LUẬT KHÁM, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI): Sau 'cơn bão' Việt Á, y tế chao đảo
Đại biểu QH Nguyễn Anh Trí cho rằng, do luật pháp sơ hở, lỏng lẻo nên lòng tham của một số ít cán bộ y tế có cơ hội vươn lên “xà xẻo, chấm mút, chia chác” và “cơn bão Việt Á đã nổi”.
Xà xẻo, chấm mút, chia chác…
Sáng 13/6, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nói rằng, trong 40 năm làm nghề y, chưa bao giờ ông thấy luật, quy định pháp lý y tế lại bị khủng hoảng, thiếu hụt, không cập nhật như bây giờ. Theo ông, cán bộ y tế ở cơ sở làm ngày làm đêm, bất chấp nguy hiểm, khó khăn chống dịch nhưng thù lao trực đêm chỉ 18.600 đồng. Đây cũng là nguyên nhân khiến hàng ngàn cán bộ y tế, đặc biệt y tế cơ sở đã xin thôi việc.
Ông Trí cũng cho rằng, do luật pháp sơ hở, lỏng lẻo nên lòng tham của một số ít cán bộ y tế có cơ hội vươn lên “xà xẻo, chấm mút, chia chác” và “cơn bão Việt Á đã nổi”. “Y tế cả nước đang chao đảo, những chiến binh áo trắng kiên cường trong chống dịch COVID-19 trong hoạt động bảo vệ nhân dân nay đang bải hoải đứng nhìn. Họ nhìn thấy hoạt động mua sắm thuốc men, sinh phẩm đang bị đứt gãy nghiêm trọng vì các nhà thầu rất dè dặt cung cấp, các công ty tư vấn thẩm định tan vỡ, tạm nghỉ”, ông Trí nói. Ông đề nghị QH, Chính phủ tập trung mọi sức lực giải quyết những vấn đề cấp bách của ngành y tế như về nhân lực, nhân sự; cơ chế bảo vệ, bảo đảm quyền lợi cho nhân viên y tế; ngăn chặn tiêu cực trong ngành Y tế, đặc biệt là hoàn thiện thể chế đồng bộ những vấn đề pháp lý về ngành Y tế.
Trước tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế, đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) cho rằng, nhiều người có trách nhiệm trong hệ thống y tế không dám đấu thầu, mua sắm vì sợ sai, sợ vi phạm và nguyên nhân của mọi nguyên nhân là pháp luật không rõ ràng. Việc sửa đổi luật lần này cần giải quyết được những bất cập lâu nay trong hệ thống y tế. Đề cập mô hình kiêm nhiệm, ông Long cho rằng “câu chuyện giằng xé giữa chuyên môn và quản lý vẫn tiếp tục”, điển hình như một giáo sư, bác sĩ từ chối chức vụ giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị để chuyên tâm cho hoạt động nghiên cứu khoa học.
“Thử hình dung giáo sư, bác sĩ khi bước vào phòng mổ thay vì toàn tâm toàn ý để cứu chữa bệnh nhân thì đầu óc vẫn đang bị phân tâm bởi gói thầu A, hợp đồng B nào đó. Và ai cũng hiểu trong gói thầu, hợp đồng đó có vô số những lợi ích, cơ man mối quan hệ chằng chịt”, ông Long nói. Ông cho rằng, nếu không thắng nổi những cám dỗ, không xử lý được hết mối quan hệ đó thì “chuyện vào tù là sớm hay muộn”. Theo ông Long, “những ai còn vấn vương về quyền hạn hoặc những lợi ích từ chiếc ghế giám đốc thì đã có những bài học cảnh tỉnh”.
Nhiều lỗ hổng bị lợi dụng, cấu kết nhóm lợi ích
Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), xã hội hoá liên doanh, liên kết là chủ trương rất đúng đắn, góp phần bù đắp những thiếu hụt về ngân sách dành cho ngành Y tế. Tuy nhiên, quá trình triển khai thời gian qua cũng nảy sinh nhiều vấn đề. Đặc biệt, qua theo dõi các vụ án xảy ra trong lĩnh vực y tế, bà Thuỷ nhận thấy, việc “thổi giá” không chỉ xảy ra trong các vụ án đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, mà còn được phát hiện qua việc triển khai các đề án liên doanh liên kết, hợp tác đặt máy móc, thiết bị khám chữa bệnh tại một số bệnh viện. Điển hình như Bệnh viện Bạch Mai đã ký hợp đồng đặt rô bốt hỗ trợ kỹ thuật với giá gấp hơn 5 lần giá trị thực, từ hơn 7,4 tỷ lên 39 tỷ đồng, làm lợi cho một nhóm người, gây thiệt hại cho hơn 600 bệnh nhân sử dụng máy này.
Các chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng là hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, thiếu chặt chẽ, có nhiều lỗ hổng, dẫn đến vừa khó khăn cho các bệnh viện trong triển khai, vừa dễ gây rủi ro, nhất là dễ bị lợi dụng, câu kết nhóm lợi ích, gây thiệt hại cho bệnh nhân và cho Nhà nước. “Xã hội hoá y tế hiện nay gần như đã tạm dừng, các hoạt động mua sắm trang thiết bị, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh gần như đã đóng băng, trong khi đó nhu cầu khám chữa bệnh của người dân càng ngày càng cao, các bệnh viện, nhà quản lý đang trông chờ vào việc sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật, trong đó có Luật Khám bệnh, chữa bệnh mà Quốc hội đang thảo luận”, bà Thủy nói. Bà kiến nghị phải quy định cụ thể trong dự thảo luật nguyên tắc, yêu cầu đặc thù của xã hội hoá trong lĩnh vực y tế.
Đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho rằng, Điều 90 của dự thảo quy định các nội dung còn chung chung, chưa thể hiện được chủ trương bảo đảm sự bình đẳng giữa các cơ sở công lập và ngoài công lập, chưa cụ thể được các chính sách khuyến khích để thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân. Đại biểu đề nghị rà soát, bổ sung các nội dung nhằm đồng bộ, minh bạch, không phân biệt đối xử giữa các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập.
“Là một bác sĩ khi chọn ngành y, chúng tôi nhớ và giữ vững niềm tin với ngành nghề của mình. Tôi mong các cấp lãnh đạo, các đại biểu QH và nhân dân chia sẻ, đồng hành với ngành Y tế, vượt qua những khó khăn trong đại dịch vừa qua, sớm tạo hành lang pháp lý an toàn cho chúng tôi yên tâm thực hiện nhiệm vụ tương xứng với sứ mệnh của ngành, góp phần khẳng định việc bảo vệ sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết”, đại biểu Thu bày tỏ. (Tiền phong, trang 3; Thanh niên, trang 4; Sài Gòn giải phóng, trang 1).
Sốt xuất huyết dễ trở nặng hơn khi từng nhiễm COVID-19
BSCKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM): “Trẻ đã từng mắc COVID-19 trước đó giờ bị sốt xuất huyết thì khả năng vào sốc cao hơn nhóm chưa từng nhiễm COVID-19”.
Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng, theo chu kỳ bùng phát bốn năm một lần thì rất có thể sốt xuất huyết sẽ bùng phát thành dịch trong năm 2022. Theo số liệu từ Bộ Y tế, tính tới ngày 11/6 cả nước đã có hơn 43.600 ca mắc, 22 người tử vong vì sốt xuất huyết. So với cùng kỳ năm 2021 số ca mắc tăng 53%, tử vong tăng 17 trường hợp. Số ca mắc và tử vong chủ yếu tập trung tại miền Nam. Riêng TP.HCM, trong 5 tháng đầu năm ghi nhận 11.722 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 66,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguy cơ nhiễm sốt xuất huyết trên nền hậu COVID-19 là rất lớn. Trong thời gian gần đây Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cũng đã tiếp nhận một số trường hợp mắc hội chứng viêm đa hệ thống hậu COVID-19 kèm theo bệnh sốt xuất huyết.
BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) chia sẻ: "Có nhiều trường hợp trẻ nhiễm COVID-19 giờ mắc thêm sốt xuất huyết sau khi xét nghiệm cho thấy trẻ có phản ứng viêm tăng rất nhiều so với những trẻ chưa từng nhiễm COVID-19.
Cho tới nay, chưa có nghiên cứu rõ ràng về những trường hợp này nhưng chúng tôi nhận thấy trẻ đã từng mắc COVID-19 trước đó giờ mắc sốt xuất huyết thì khả năng vào sốc cao hơn nhóm chưa từng nhiễm COVID-19. Từ đó có thể thấy COVID-19 có khả năng gây ảnh hưởng tới độ nặng của sốt xuất huyết".
"Quá trình điều trị cho các trường hợp này cũng rất khó khăn. Khi viêm đa hệ thống hậu COVID-19 sẽ được điều trị chống viêm bằng corticoid hoặc dùng thêm các thuốc chống đông. Trong khi đó, corticoid và thuốc chống đông lại không được phép sử dụng trong điều trị sốt xuất huyết. Vì những loại thuốc này có có thể khiến tình trạng xuất huyết nặng hơn gây nguy hiểm cho bệnh nhân", bác Tiến chia sẻ thêm.
Bác sĩ Tiến cũng cảnh báo rằng, trẻ có thể bị sốt xuất huyết ngay cả khi trẻ không có các triệu chứng điển hình của bệnh. Trẻ có thể bị sốt không cao hoặc không sốt liên tục nhưng trẻ vẫn có nguy cơ mắc sốt xuất huyết. Phụ huynh cần chú ý tới các dấu hiệu bất thường ở trẻ để phát hiện bệnh kịp thời. Khi nhập viện trễ quá trình điều trị rất khó khăn và trẻ có thể bị sốc kéo dài, gặp các biến chứng nặng từ cơ quan hô hấp, tiêu hóa, thận, não, gan... thậm chí là tử vong.
Phụ huynh cần đặc biệt chú ý tới các trẻ đã từng mắc COVID-19, nhóm trẻ mắc phải hội chứng viêm đa hệ thống MIS-C trong mùa sốt xuất huyết này. Ngay khi trẻ gặp các triệu chứng như sốt cao; nôn ói; chảy máu mũi, máu răng; tiêu chảy, đi cầu phân đen; mệt mỏi...thì cần đưa trẻ tới cơ sở y tế khám, xét nghiệm để sàng lọc sốt xuất huyết.
Các bác sĩ cần phải khai thác bệnh sử của trẻ cẩn thận khi tiếp nhận trẻ có dấu hiệu mắc sốt xuất huyết. Cần xét nghiệm thêm phản ứng viêm, cân nhắc cẩn trọng để có hướng điều trị thích hợp cho trẻ có biểu hiện của sốt xuất huyết Dengue trên nền bệnh viêm đa hệ thống liên quan đến COVID-19. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 8).
Cập nhật mới nhất về tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi
Đến ngày 11/6, cả nước đã tiêm trên 223 triệu liều vaccine phòng COVID-19 các loại, tiến độ tiêm chủng thời gian qua còn chậm, do đó Bộ Y tế đã liên tục có văn bản nhắc các địa phương đẩy nhanh tiêm mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi.
Thông tin từ Bộ Y tế chiều 11/6 cho biết, đến nay tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 223.388.747 liều, trong đó số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 200.676.050 liều: Mũi 1 là 71.485.451 liều; Mũi 2 là 68.815.322 liều; Mũi 3 là 1.507.293 liều; Mũi bổ sung là 15.022.478 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 42.971.148 liều; Mũi nhắc lại lần 2 - mũi 4 là 874.358 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.504.637 liều, trong đó mũi 1 là 8.950.207 liều; Mũi 2 là 8.554.430 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi đến nay sau gần 2 tháng triển khai tiêm, cả nước mới tiêm được 5.208.060 liều, trong đó mũi 1 là 4.564.882 liều; Mũi 2 là 643.178 liều.
Về công tác tiêm chủng, qua báo cáo theo dõi và giám sát công tác tiêm chủng thời gian qua cho thấy, tiến độ tiêm chủng ở nhiều địa phương nhanh, đảm bảo yêu cầu, tuy nhiên vẫn còn một số địa phương tiêm chậm, còn để vaccine đã được phân bổ tồn tại kho bảo quản vaccine khu vực, kho của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật. Một số tỉnh chưa cập nhật đầy đủ dữ liệu tiêm chủng, làm ảnh hưởng đến việc cập nhật tiến độ chung của toàn quốc.
Do đó, để tăng cường công tác tiêm chủng nhằm đạt các mục tiêu tiêm chủng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Thông báo số 114/TB-VPCP ngày 15/4/2022 của Văn phòng Chính phủ thời gian qua, Bộ Y tế đã liên tục có các văn bản gửi đến các điạ phương đề nghị đơn vị liên quan khẩn trương tập trung đẩy mạnh việc tiêm mũi 3 cho người dân từ 18 tuổi trở lên, hoàn thành trong Quý II năm 2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 114/TB-VPCP;
Tổ chức tiêm chủng mũi 4 cho các đối tượng: người từ 50 tuổi trở lên, cho người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng, người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID 19 như: cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu, công nhân, người làm việc trong các khu công nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Khẩn trương tổ chức tiêm cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi: đảm bảo an toàn, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế; hoàn thành tiêm cho trẻ đủ điều kiện tiêm chủng trong Quý II năm 2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng đã liên tục có văn bản đề nghị các địa phương khẩn trương tiếp nhận và triển khai tiêm chủng đối với số lượng vaccine được phân bổ đợt 146 và 147 theo Quyết định số 443/QĐ-VSDTTƯ ngày 16/5/2022 của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đảm bảo sử dụng vaccine hiệu quả, không để hủy bỏ vaccine, tránh lãng phí. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3).
QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI): Nghiên cứu kỹ các ý kiến để có quy định tối ưu trong dự thảo Luật Khám chữa bệnh
Phát biểu giải trình các vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trân trọng cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã dành rất nhiều tâm huyết, thời gian, có rất nhiều ý kiến xác đáng trong suốt quá trình thảo luận, xây dựng dự thảo Luật.
Tất cả các ý kiến đóng góp đó không chỉ làm rõ nhiều vấn đề trực tiếp liên quan đến dự thảo luật lần này, mà còn làm rõ tâm huyết, nỗ lực của toàn ngành y tế, thẳng thắn chỉ ra những bất cập, nhưng cũng làm nổi bật các kết quả của ngành y tế nói chung, công tác khám, chữa bệnh nói riêng trong thời gian vừa qua, đặc biệt là từ khi thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.
Nhiều vấn đề đã được phân tích sâu sắc
Phó Thủ tướng cho biết, trong điều kiện là một nước đang phát triển vươn lên có thu nhập trung bình, nước ta được rất nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có các tổ chức chuyên về chăm sóc sức khỏe và y tế đánh giá là nước có các mặt công tác y tế tốt hơn nhiều so với các nước có cùng mức thu nhập. Kết quả đó không chỉ đến từ những nỗ lực trong công tác xây dựng pháp luật, thể chế, chính sách, sự điều hành của cả hệ thống chính quyền từ Trung ương đến địa phương, mà còn đến từ sự nỗ lực đáng trân trọng của đội ngũ y bác sĩ, đặc biệt là trong thời khắc khó khăn và sự tham gia của đông đảo người dân. Qua 27 ý kiến phát biểu, ý kiến tranh luận, nhiều vấn đề đã được phân tích làm sâu sắc thêm, cũng có thêm nhiều vấn đề mới tiếp tục được đặt ra. Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Y tế, Ban soạn thảo, nghiên cứu kỹ lưỡng tất cả những ý kiến trên tinh thần khoa học, cầu thị phù hợp với xu thế quốc tế, đồng thời phải tính đến tính đặc thù của hệ thống chính trị, kinh tế xã hội của Việt Nam để có các quy định tối ưu nhất trong dự thảo Luật.
Đi vào các vấn đề cụ thể liên quan đến phạm vi điều chỉnh, các khái niệm quy định trong luật, Phó Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, nguyên tắc là Luật Khám chữa bệnh sẽ quy định liên quan Luật Bảo hiểm y tế, chi phí khám, chữa bệnh là do Bảo hiểm y tế chi trả, chi phí liên quan y tế dự phòng thì do ngân sách đảm bảo. Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Y tế, Ban soạn thảo, nghiên cứu sâu hơn xu thế của quốc tế. Trước đây, có phân định rất rõ giữa trạng thái người khỏe và người bị bệnh, khi bị bệnh thì Bảo hiểm y tế chi trả, khi chưa bị bệnh thì Bảo hiểm y tế không chi trả. Hiện nay, các nước đang nghiên cứu rất kỹ về khoảng giữa trạng thái khỏe và bị bệnh. Nếu trong khoảng đó được phát hiện và điều trị kịp thời thì không chỉ cứu sống người bệnh, mà cơ bản nhất về Bảo hiểm y tế, chi phí của hệ thống Bảo hiểm y tế sau này sẽ giảm đi. Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu để làm rõ hơn vấn đề này nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân tốt hơn, đồng thời sử dụng hiệu quả hơn ngân sách Nhà nước và quỹ Bảo hiểm y tế.
Phải có các giải pháp để phát triển mạnh mẽ
Về vấn đề ngôn ngữ trong khám, chữa bệnh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, đây là một vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến. Tới đây, chúng ta sẽ ứng dụng công nghệ thông tin, có công cụ dịch tự động sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Tuy nhiên, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, đồng thời làm rõ hơn xu thế trên thế giới về nội dung này trên tinh thần không hạn chế mà phải khuyến khích để thu hút nhân lực công nghệ cao, chất lượng cao vào nước ta để người dân Việt Nam có thể tiếp cận các dịch vụ khám, chữa bệnh tiên tiến nhất.
Đối với vấn đề hệ thống y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc sức khỏe cơ bản và chuyên sâu, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu kinh nghiệm của Tổ chức Y tế thế giới cũng như trên thế giới để phân tuyến chuyên môn nhưng vẫn đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức bộ máy chính quyền các cấp. Tuy nhiên, cần làm rõ thêm mô hình y tế cơ sở, triển khai mô hình bác sĩ gia đình theo xu hướng tăng nhiều hơn.
Liên quan đến vấn đề xuất được nhiều đại biểu quan tâm và các bệnh viện rất quan tâm đó là việc xã hội hóa, liên doanh, liên kết các bệnh viện công, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay, vấn đề này cần phải có các giải pháp đột phá. Hiện nay, mặc dù chúng ta thực hiện Luật Khám chữa bệnh 2009 đã có bước chuyển rất lớn nhưng đến giờ này mới có 318 bệnh viện tư thục, 38 nghìn các phòng khám tư nhân, đáp ứng 5,16% tổng số giường bệnh. Đây là một tỷ lệ rất thấp, chúng ta cần phải có các giải pháp để phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, vấn đề này liên quan đến nhiều luật khác nên cần có sự phối hợp chặt chẽ. (An ninh thủ đô, trang 3).