Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 14/9/2022

  • |
T5g.org.vn - Thủ tướng: Sớm khắc phục tình trạng thiếu thuốc, đẩy nhanh tiêm chủng vaccine COVID-19; Dứt khoát không để thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế kéo dài; Bộ Y tế lý giải về việc chuyển 5K thành 2K+

 

Dứt khoát không để thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế kéo dài

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu khắc phục bằng được, sớm chấm dứt tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế cho hoạt động khám chữa bệnh, đặc biệt là cho phòng, chống dịch COVID-19, sẵn sàng cho trường hợp dịch diễn biến phức tạp.

Không được quên "bài học xương máu" khi chưa tiếp cận được vaccine

Ngày 13.9, Thủ tướng Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì Phiên họp lần thứ 17 của Ban Chỉ đạo.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá dịch bệnh vẫn được kiểm soát nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp, khó lường do virus liên tục thích ứng, tiến hóa với các biến chủng mới, hiệu lực bảo vệ của vaccine suy giảm theo thời gian, các điều kiện để virus phát triển như thời tiết, khí hậu tiếp tục có nhiều thay đổi…

Các loại dịch bệnh mới phát sinh, các bệnh thông thường, dịch bệnh theo mùa… gây nguy cơ dịch chồng dịch. Trong khi đó, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, đã xuất hiện tâm lý lơ là, chủ quan với dịch bệnh.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tiêm vaccine theo tinh thần phòng bệnh hơn chữa bệnh. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phải quán triệt, thấm nhuần, tuyệt đối không được quên "bài học xương máu" khi chúng ta chưa tiếp cận được vaccine do vaccine khan hiếm trên toàn cầu, chưa có nhiều kinh nghiệm phòng, chống dịch, năng lực y tế hạn chế. Chúng ta buộc phải dùng các biện pháp hành chính để chống dịch, vừa lúng túng, bị động, vất vả, vừa nhiều mất mát, hy sinh, vừa ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế, xã hội.

Thủ tướng giao Bộ Y tế bám sát tình hình, rà soát, cập nhật các biện pháp phòng, chống dịch, tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch. Tinh thần là không để dịch bùng phát trở lại. Cơ quan, đơn vị nào để dịch bùng phát trở lại do nguyên nhân chủ quan thì phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân về những chủ quan, sơ hở, yếu kém của mình.

Thủ tướng ghi nhận, biểu dương các địa phương có tỉ lệ tiêm cao và nhắc nhở các địa phương có tỉ lệ tiêm chủng thấp theo số liệu cập nhật đến hiện nay. Đồng thời giao Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, các địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn hóa số liệu về tiêm chủng vaccine trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Mua sắm "đủng đỉnh" thì không thể đáp ứng yêu cầu bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân

Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo bảo đảm đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 778/CĐ-TTg ngày 5.9.2022, khắc phục bằng được, sớm chấm dứt tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế cho hoạt động khám chữa bệnh, đặc biệt là cho phòng, chống dịch COVID-19, sẵn sàng cho trường hợp dịch diễn biến phức tạp.

Bộ Y tế khẩn trương tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh và trình ban hành Nghị quyết của Chính phủ về bảo đảm thuốc, trang thiết bị, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất của các tổ chức, cá nhân trong công việc đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.

"Cương quyết, dứt khoát không vì thủ tục hành chính, vì vướng mắc quy định, vì thiếu trách nhiệm mà để thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế kéo dài. Ai làm sai thì phải xử lý, kỷ luật nhưng không để vì xử lý, kỷ luật mà để ảnh hưởng tới việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân. Ai không làm thì đứng sang một bên cho người khác làm. Nếu việc mua sắm "đủng đỉnh" thì không thể đáp ứng yêu cầu bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân tính bằng giờ, bằng phút", Thủ tướng nói.

Thủ tướng giao các Bộ: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc thể chế về đấu thầu, mua sắm, nhất là về đấu thầu, mua sắm tập trung, sửa đổi ngay các thông tư để tạo hành lang pháp lý thuận lợi, rõ ràng, minh bạch cho việc mua sắm. Đồng thời, kiên quyết phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong công tác này.

Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn; UBND tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, kiện toàn, nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng trên địa bàn, sẵn sàng nhân lực, vật tư bảo đảm ứng phó kịp thời, tại chỗ, sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra. (Lao động, trang 3)

 

Bộ Y tế lý giải về việc chuyển 5K thành 2K+

Bộ Y tế vừa đưa ra thông điệp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới là 2K + thay cho thông điệp 5K trước đây. Vậy, lý do gì khiến Bộ Y tế thay đổi thông điệp như vậy?

Ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng (Bộ Y tế), cho biết, thông điệp 5K được Bộ Y tế được đưa ra từ tháng 8/2020 khi dịch Covid-19 đang bùng phát, với các biện pháp phòng, chống dịch (Khẩu trang, Khử khuẩn, Khoảng cách, Không tụ tập, Khai báo y tế). Thông điệp 5K là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân và đẩy lùi dịch Covid-19.

Đến nay, Việt Nam đã khống chế thành công đại dịch Covid-19, đưa đất nước bước vào giai đoạn mới "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".          

Theo ông Nguyễn Đình Anh, khi chuyển sang trạng thái thích ứng, an toàn, linh hoạt, tập trung phát triển kinh tế xã hội đòi hỏi phải điều chỉnh các biện pháp cho phù hợp, linh hoạt. Do vậy, các biện pháp khoảng cách, không tụ tập và khai báo y tế toàn dân tại thời điểm này không còn phù hợp.

Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch Covid-19 chưa thể chấm dứt hoàn toàn trước năm 2023, có thể xuất hiện các biến chủng virus mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường. Thời gian gần đây, Việt Nam vẫn ghi nhận trung bình hơn 2.000 ca mắc mới mỗi ngày. Nhiều địa phương đã ghi nhận số ca mắc các biến thể phụ mới của Omicron lây nhanh hơn biến chủng gốc.

Do đó, để thực hiện được mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã phê duyệt thông điệp phòng, chống dịch trong tình hình mới. 

Theo đó, thông điệp 2K + bao gồm Khẩu trang, khử khuẩn + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác cùng với 3 trụ cột (xét nghiệm, cách ly, điều trị) nhằm bảo vệ sức khoẻ của người dân.

Thông điệp này giúp các cấp ngành, địa phương và người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 hữu hiệu, giúp kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh và phát triển kinh tế xã hội.  

Với thông điệp mới trong phòng chống dịch này, Bộ Y tế mong muốn cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tăng cường chỉ đạo truyền thông phòng, chống dịch giúp người dân nâng cao ý thức phòng dịch, chủ động thực hiện các hành vi có lợi cho sức khỏe.

Ông Nguyễn Đình Anh cũng cho biết, hiện dịch bệnh Covid-19 vẫn đang hiện hữu cùng với sự xuất hiện của các biến thể mới. Trong khi đó, mùa Đông Xuân sắp đến các bệnh đường hô hấp như cúm mùa bùng phát, nên thực hiện thông điệp 2K+ là rất cần thiết. Việc mỗi người dân cần tuân thủ các biện pháp đeo khẩu trang, khử khuẩn mà ngành y tế đã khuyến cáo không chỉ góp phần phòng chống Covid-19 mà còn giảm nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp khác nhất là giai đoạn chuyển mùa như hiện nay. "Ngoài việc thực hiện các biện pháp theo khuyến cáo 2K+, chúng tôi cũng khuyến nghị người dân đi tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3, mũi 4 cho các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế", ông Nguyễn Đình Anh thông tin. (Phụ nữ Việt Nam, trang 11)

 

Thủ tướng: Sớm khắc phục tình trạng thiếu thuốc, đẩy nhanh tiêm chủng vaccine COVID-19

Chủ trì phiên họp thứ 17 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị tập trung thảo luận về tình hình và các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy nhanh hơn nữa công tác tiêm chủng vaccine hiện vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra; khắc phục tình trạng thiếu thuốc...
Sáng 13/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, chủ trì Phiên họp lần thứ 17 của Ban Chỉ đạo. Phiên họp được kết nối trực tuyến đến các điểm cầu 63 tỉnh, thành phố.

Dự họp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Vũ Đức Đam; Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, các Thành viên Ban Chỉ đạo.

Tại các điểm cầu ở các địa phương có các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 là Bí thư tỉnh, thành Ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Tại các điểm cầu địa phương kết nối với phiên họp có lãnh đạo các tỉnh, thành phố tham dự.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại, thực hiện Kết luận của Trung ương, ngày 11/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Sau gần 1 năm thực hiện Nghị quyết, nhiều chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức quốc tế đánh giá, thực tế đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nghị quyết 128 đóng vai trò quyết định với những kết quả trong công tác phòng chống dịch, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua.

Đến thời điểm này, chúng ta giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phục hồi kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn (thu – chi, xuất – nhập khẩu, lương thực – thực phẩm, năng lượng, cung cầu lao động); bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường, mở rộng các hoạt động đối ngoại và hội nhập phù hợp tình hình; đời sống nhân dân được cải thiện, theo điều tra sơ bộ, tỉ lệ hộ có thu nhập không đổi và tăng lên là 82,2%.

Những kết quả nói trên là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn, sâu sát, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng hành, hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự đồng tình, ủng hộ và tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước; sự hỗ trợ, giúp đỡ hiệu quả của bạn bè quốc tế.

Chúng ta đã thực hiện thành công chiến lược vaccine; tổng kết kinh nghiệm, xác định các trụ cột và công thức phòng chống dịch. Tuy nhiên, tình hình vẫn diễn biến phức tạp, xuất hiện tâm lý lơ là, chủ quan với dịch bệnh.

"Địa phương nào không thực hiện quyết liệt phòng, chống dịch, nhất là tiêm vaccine, dẫn đến bùng phát, lây lan dịch bệnh, chết người, thì người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm"-Thủ tướng thẳng thắn.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về tình hình và các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy nhanh hơn nữa công tác tiêm chủng vaccine hiện vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra; khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; bảo đảm nhân lực y tế; tăng cường tuyên truyền, nâng cao hơn nữa ý thức phòng chống dịch của nhân dân…

Thủ tướng Chính phủ cũng cho biết, hiện nay đã xảy ra tình trạng thiếu thuốc trong khám, chữa bệnh tại một số cơ sở y tế, trong khi người dân thì ốm đau, cần thuốc, chúng ta không thể ngồi nhìn.

Do đó, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp, xem xét xem việc mua thuốc vướng mắc chỗ nào để có giải pháp tháo gỡ. Đề nghị ứng dụng công nghệ để việc đấu thầu, đấu giá thuốc được công khai, minh bạch; Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn việc tổ chức đầu thấu, linh hoạt trong hình thức đấu thầu tập trung hoặc phải phân cấp để việc mua sắm thuốc phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân thuận lợi hơn.

Đối với tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, Thủ tướng Chính phủ cho biết, theo thống kế có khoảng 1% cán bộ, nhân viên y tế dịch chuyển công việc từ khu vực công sang khu vực tư. Mặc dù tôn trọng quyền lựa chọn của mỗi người, song các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu, phân tích để có chế độ chính sách đảm bảo cho cán bộ y tế yên tâm công tác.

Thủ tướng đề nghị, tại phiên họp này, các thành viên Ban Chỉ đạo, các đại biểu lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương thảo luận, hiến kế để giải quyết những vấn đề tồn tại, vướng mắc để công tác phòng chống dịch COVID-19 cũng như khám, chữa bệnh cho nhân dân đảm bảo hiệu quả. (Sức khoẻ & đời sống, trang 3; Sài gòn giải phóng, trang 1; Tiền phong, trang 3; Công an nhân dân, trang 1; Nhân dân, trang 2; Thanh niên, trang 4; Hà nội mới, trang 1; An ninh thủ đô, trang 3)

 

Những biến thể mới có thể làm dịch COVID-19 phức tạp

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch COVID-19 và cảnh báo về những biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp, gia tăng trở lại.
Thống kê cho thấy số bệnh nhân COVID-19 nặng đang gia tăng, trong khi biến thể phụ BA.5 đang tiến tới chiếm ưu thế trong số các ca mắc COVID-19 mới ở Việt Nam. Hôm qua, cả nước có 190 bệnh nhân nặng đang điều trị, cao nhất trong nhiều tháng qua.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhận định, thời gian tới, dịch bệnh còn diễn biến khó lường. WHO đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại. Vì vậy, vắc xin vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch nên phải tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch COVID-19; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Tiếp tục tăng cường công tác thông tin, truyền thông về phòng, chống dịch bệnh; tuyên truyền nâng cao kiến thức người dân hướng đến thay đổi hành vi cá nhân có lợi cho sức khỏe để phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt tiếp tục đẩy mạnh thông tin về tác dụng, hiệu quả của vắc xin trong ngăn ngừa bệnh nặng, tử vong, khuyến khích, vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch...

Sẽ phạt người vi phạm quy định đeo khẩu trang phòng dịch

Ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế), cho biết nhằm ứng phó linh hoạt với dịch bệnh trong tình hình mới, Bộ Y tế đã triển khai chiến dịch truyền thông 2K, kết hợp “vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân” và các biện pháp khác nhằm bảo vệ sức khoẻ của người dân.

Bộ Y tế khuyến khích người dân đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, đông người: tại cơ sở y tế, nơi cách li y tế, nơi lưu trú mà có người đang cách li y tế hoặc đang theo dõi, giám sát y tế. Áp dụng với tất cả các đối tượng (trừ những người cách li ở trong phòng đơn; người bị suy hô hấp, người bệnh đang phải thực hiện thủ thuật y tế theo chỉ định của bác sĩ, trẻ em dưới 5 tuổi).

Đối với nhân viên y tế thực hiện theo hướng dẫn về lựa chọn và sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân trong phòng, chống bệnh dịch COVID-19. Ngoài ra, việc bắt buộc đeo khẩu trang được thực hiện theo hướng dẫn sử dụng khẩu trang phòng, chống dịch COVID-19 nơi công cộng trong tình hình mới vừa được Bộ Y tế ban hành.

Trao đổi với phóng viên về việc xử phạt hành vi vi phạm quy định chống dịch, trong đó có việc đeo khẩu trang, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, cơ quan chức năng sẽ xử phạt những cá nhân vi phạm quy định bắt buộc đeo khẩu trang để phòng chống dịch.

Bà Hương cho biết, dịch COVID-19 được dự báo vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều địa phương đã ghi nhận các ca mắc biến thể mới của Omicron với khả năng lây nhanh hơn biến chủng gốc. Các chuyên gia y tế cảnh báo, dịch COVID-19 tại nước ta vẫn hiện hữu cùng sự xuất hiện của nhiều biến thể mới, cộng thêm mùa đông sắp đến nên nguy cơ các bệnh đường hô hấp bùng phát là rất lớn. Để phòng bệnh thì việc thực hiện nghiêm thông điệp 2K+ là rất cần thiết. (Tiền phong, trang 3)

 

TP.HCM: Tiếp tục đưa bác sĩ mới ra trường thực hành tại y tế cơ sở

Đây là lần thứ 2 Giám đốc Sở Y tế TP.HCM trò chuyện với SV y khoa năm cuối Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch về đề tài thực hành tại y tế cơ sở gắn với BV sau khi tốt nghiệp.

Ngày 13.9, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã gặp gỡ, trao đổi với sinh viên (SV) Y6 (khóa 2016 - 2022 ) Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch về việc thực hành tại y tế cơ sở gắn với bệnh viện (BV) sau khi tốt nghiệp. Đây là những SV sẽ tốt nghiệp trong năm nay.

Trò chuyện với các SV ngành y, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, 6 năm học chỉ mới là khởi đầu và sau khi tốt nghiệp, các SV cần chuẩn bị các điều kiện để bước vào con đường hành nghề bác sĩ (BS) như đã chọn.

Nếu như trước đây, BS tốt nghiệp là được hành nghề thì giờ đây, BS cần phải có giấy phép hành nghề. Để có giấy phép hành nghề thì SV sau tốt nghiệp phải hoàn thành khóa thực hành 18 tháng.

Sắp tới khi luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi có hiệu lực thì sau khi thực hành 18 tháng, BS còn phải trải qua kỳ thi Quốc gia để lấy giấy phép hành nghề do Hội đồng y khoa tổ chức.

“18 tháng thực hành tại y tế cơ sở gắn với BV là rèn luyện kỹ năng thăm khám, chẩn đoán và điều trị do các thầy ở BV truyền đạt. Từ thực hành tại y tế cơ sở (trạm y tế, trung tâm y tế) đến chuyên sâu ở BV tuyến cuối, tức từ khám, chữa bệnh ban đầu đến bệnh nặng ở tuyến cuối. Bên cạnh đó, về y tế cơ sở là gần dân, hiểu dân và chăm sóc những bệnh phổ biến nhất của người dân”, PGS-TS Tăng Chí Thượng nói.

Theo đề án của chương trình, BS mới ra trường thực hành 18 tháng không phải tốn phí mà còn được TP hỗ trợ sinh hoạt phí 60 triệu đồng.

Sau 18 tháng thực hành, nếu giỏi thì sẽ được BV ưu tiên tuyển dụng. Do đó, SV cần sớm đăng ký để Sở Y tế trình UBND TP lên kế hoạch thực hành 18 tháng. Nếu SV không đăng ký tham gia chương trình của TP thì sẽ phải tự tìm chỗ thực hành và đóng kinh phí.

Trước đó, ngày 16.2, 297 BS (khóa Y5) ra trường và đã đi thực hành tại y tế cơ sở gắn với BV, đến nay đã gần 7 tháng, có hơn 10 BS rời chương trình vì những lý do khác nhau. Chương trình BS mới ra trường thực hành tại y tế cơ sở gắn với BV nhằm nâng cao năng lực y tế cơ sở của TP. (Thanh niên, trang 4)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang