Dịch tay chân miệng nguy cơ bùng phát mạnh
Theo Bộ Y tế, tính đến tháng 10-2017, cả nước ghi nhận hơn 65.000 người mắc dịch bệnh tay chân miệng, trong đó có gần 30.000 trường hợp phải nhập viện điều trị, tăng xấp xỉ 10% so cùng kỳ năm 2016.
Theo các chuyên gia dịch tễ, tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh rất dễ lây cho người khác nếu hành vi vệ sinh không đảm bảo. Dịch bệnh tay chân miệng lưu hành quanh năm ở nước ta, nhưng thường tăng mạnh số người mắc trong khoảng thời gian từ tháng 3 - 5 và tháng 9 - 10. Đáng chú ý, bệnh tay chân miệng thường có dấu hiệu đặc trưng là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong, nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
* Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai đã ghi nhận 4.057 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó 3.469 trường hợp nhập viện (tăng 43% so với cùng kỳ năm 2016; đáng chú ý đã có 3 trường hợp tử vong, tăng 1 trường hợp so với cùng kỳ năm 2016. Toàn tỉnh cũng có 6.418 ca mắc chân tay miệng; các địa phương có số ca mắc chân tay miệng tăng cao là các huyện Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Tân Phú, Xuân Lộc, Định Quán.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, tình hình sốt xuất huyết, tay chân miệng tăng cao là do lãnh đạo một số địa phương chưa quan tâm, chưa chỉ đạo quyết liệt hoặc có triển khai, chỉ đạo nhưng mang tính hình thức; tại các doanh nghiệp - nhất là doanh nghiệp tại các khu công nghiệp - không đảm bảo môi trường, không hợp tác với ngành y tế trong việc phun thuốc, hóa chất diệt lăng quăng, diệt muỗi; nhận thức về phòng chống dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng của người dân, nhất là công nhân tại các khu công nghiệp chưa cao, công tác phòng chống dịch chưa hiệu quả.
Trước tình hình trên, ngày 12-10 UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành văn bản chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng trên địa bàn tỉnh; rà soát, đánh giá những việc đã làm được, những khó khăn trong quá trình thực hiện, những tồn tại hạn chế, làm rõ nguyên nhân để từ đó có biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. (Sài Gòn giải phóng, trang 3).
11 bệnh viện tham gia hoạt động du lịch y tế
Thông tin từ Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện đã có 11 bệnh viện (BV) công lập và tư nhân đã đăng ký tham gia cung cấp các sản phẩm dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong hoạt động du lịch y tế, bao gồm: Viện Y dược học dân tộc, BV Răng hàm mặt TPHCM, Viện Răng hàm mặt Trung ương, BV Từ Dũ, BV Nhi đồng thành phố, BV Đại học Y dược TPHCM, BV Da liễu, Viện tim, BV Tai Mũi Họng, BV Hoàn Mỹ, BV Xuyên Á.
Trước đó, Sở Du lịch và Sở Y tế đã ký kết bản ghi nhớ về chương trình hành động giữa 2 sở trong triển khai sản phẩm du lịch y tế, thành lập tổ công tác liên ngành y tế và du lịch. Theo dự kiến, từ nay đến cuối năm 2017, đơn vị này sẽ cho ra mắt sản phẩm “Sổ tay du lịch y tế”, dành cho khách du lịch đến tham quan tại TPHCM dễ dàng nắm bắt các thông tin cần biết khi có nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe. Cùng với đó, Sở Y tế đã triển khai mạng lưới cấp cứu ngoài BV với 25 trạm cấp cứu vệ tinh 115 phủ khắp địa bàn thành phố, từ trung tâm của quận 1 cho đến các huyện ngoại thành như Củ Chi, Cần Giờ…, kịp thời sơ cấp cứu cho người dân và khách du lịch khi có vấn đề về sức khỏe cần cấp cứu. (Sài Gòn giải phóng, trang 3).
Bệnh dại - Nỗi đau được báo trước
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tình hình bệnh dại đang có nguy cơ diễn biến phức tạp và gia tăng mạnh trong những năm gần đây. Đã có gần 60 trường hợp tử vong sau khi bị chó dại cắn từ đầu năm đến nay. Nguyên nhân của những nỗi đau này bắt nguồn từ những lý do hết sức đơn giản.
Đến bây giờ người nhà cháu Hoàng Đại Tâm (thôn Bắc Hoa, xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) chưa hết bàng hoàng vì sự ra đi đột ngột của cháu. Ngày 29/3 khi đang trên đường đi học, tới gần cổng trường, Tâm bất ngờ bị một con chó lạ cắn. Hai ngày sau, bố mẹ đưa Tâm đi chữa tại nhà một ông thầy lang ở Quý Sơn bằng phương pháp… thử trứng gà. Ông lang này sau một hồi bắt mạch khẳng định cháu bị chó dại cắn nhưng khuyên người nhà bệnh nhân không nên cho cháu đi tiêm phòng vì sau này sẽ ảnh hưởng đến… sinh đẻ. Các vết thương của Tâm được đắp thuốc nam 4 ngày tiếp theo. Tuy nhiên, gần nửa tháng sau, Tâm bất ngờ có biểu hiện sốt cao, đau đầu, chảy dãi kèm theo đau bụng, sợ gió, sợ nước. Gia đình hoảng hốt đưa em đi bệnh viện mới phát hiện cháu bị lên cơn do chó dại cắn. Hai ngày sau khi vào bệnh viện, dù được các bác sĩ cứu chữa tận tình nhưng Tâm không qua khỏi.
Ngày 29/9, bà Nguyễn Thị Dùng ở thôn Đông Lại, xã Song Vân, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang cũng mãi mãi ra đi vì nhiễm vi rút bệnh dại. Người nhà bà Dùng kể lại, khoảng 2 tháng trước đó, bà Dùng dùng tay bắt con chó nuôi ở nhà không may bị cắn vào ngón tay cái và ngón trỏ bên phải. Tình trạng vết cắn nông, chảy ít máu. Bà tự rửa vết thương bằng ô-xy già sau đó đến nhà một ông lang ở xã Liên Chung (huyện Tân Yên) để thử bệnh dại. Ông lang phán bà không bị bệnh dại nên bà chủ quan không đi tiêm vắc xin phòng dại. Thời điểm xảy ra vụ việc, con chó cắn bà Dùng đã cắn hai người khác nên người nhà đã mang chó đi bán để giết thịt. Khi bà Dùng có biểu hiện sốt cao, đau đầu, chán ăn, ngủ ít, người nhà đã đưa bệnh nhân đến Trạm y tế xã Song Vân khám và được chuyển xuống Bệnh viện đa khoa huyện Tân Yên rồi Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang. Bà bị lên cơn dại do chó cắn, thở khó khăn, sợ nước, sợ gió, gào thét trong hoảng loạn và sau đó tử vong.
Tin Thầy lang đuổi cán bộ y tế
Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang, chỉ tính riêng từ ngày 1/1/2017 đến 10/10/2017 toàn tỉnh Bắc Giang ghi nhận gần 7 nghìn đối tượng bị chó, mèo nghi dại cắn đến các cơ sở y tế để tiêm vắc xin phòng dại. Những người bị cắn nhưng không đi tiêm còn có thể cao hơn. Cũng từ đầu năm đến nay, riêng địa bàn tỉnh Bắc Giang đã có 8 trường hợp tử vong do nhiễm vi rút dại từ chó cắn. Một điểm đáng chú ý là hầu hết các trường hợp này đều là người dân tộc thiểu số, sống ở các huyện miền núi, không đi tiêm vắc xin khi bị chó cắn và dùng thuốc nam của các thầy lang. Khảo sát của các cơ quan y tế Bắc Giang khá nhiều người dân ở vùng sâu, vùng xa nhận thức việc bị chó cắn là rất… bình thường. Đặc biệt hơn, nhiều người cho rằng việc đi tiêm phòng vắc xin chó dại rất độc hại và ảnh hưởng đến cơ thể, khả năng sinh sản, nhất là đối tượng trẻ em. Chính vì thế, họ tin tưởng vào thuốc nam và các ông, bà hành nghề thầy lang ở gần nhà. “Chúng tôi đã từng chứng kiến việc có những nơi người dân bị chó cắn là kéo đến nhà thầy lang. Thậm chí có những lần đông nghịt người đến nhờ thầy lang chữa bệnh chó dại cắn. Khi chúng tôi đến tuyên truyền thì người dân quay ra đuổi chúng tôi đi vì họ hoàn toàn tin tưởng vào thầy lang”, bác sĩ Giáp Văn Minh, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang kể.
Cũng theo bác sĩ Minh, đến thời điểm này, cả đông y và tây y đều xác định những ca bị chó dại cắn khi đã lên cơn thì tỷ lệ tử vong là 100%. Thế nhưng, việc ngăn chặn tình trạng này không hề đơn giản. Khó khăn đầu tiên hiện nay là việc quản lý đàn chó nuôi vẫn còn rất bất cập về cả cơ chế và công tác tiêm phòng cho đàn chó. Theo đánh giá, hiện nay chỉ có một tỷ lệ nhỏ chó được tiêm phòng hàng năm. Trong khi đó, các chế tài dành cho chủ chó để cho chó cắn người dẫn đến bị bệnh dại hầu như không có. Mới đây, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang ký văn bản với lãnh đạo các huyện, thành phố trong đó nêu rõ nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng người bị chó dại cắn dẫn đến tử vong thì chủ tịch UBND các địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Đây được coi là một trong những biện pháp mạnh tác động đến các cơ quan quản lý nhà nước. “Nhằm hạn chế tối đa việc bị các loại động vật như chó, mèo cắn và các trường hợp tử vong do bệnh dại gây ra thì hiện nay cần có sự chỉ đạo quyết liệt, triệt để của các cấp chính quyền, sự tham gia, vào cuộc của tất cả các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt của người dân và toàn thể cộng đồng trong công tác phòng, chống bệnh dại”, bác sĩ Giáp Văn Minh cho biết. Giai đoạn 2015-2016, tình hình bệnh dại ở Việt Nam có chiều hướng tăng cao trở lại, với số ca tử vong năm sau cao hơn năm trước. Năm 2016, cả nước có 91 ca tử vong do bệnh dại (tăng 17% so với năm 2015 và tăng 38% so với năm 2014). Riêng 9 tháng năm 2017, đã có 57 ca tử vong do bệnh dại tại 29 tỉnh, thành phố, phần lớn xảy ra tại các tỉnh phía Bắc (32 ca). Số ca tử vong này tương đương số cùng kỳ năm ngoái chỉ ở 22 tỉnh thành phố. (Tiền phong, trang 6).
Người bệnh bất an vì phòng khám của người Trung Quốc "giăng bẫy"
Vẫn cách đánh vào tâm lý của những bệnh nhân mắc bệnh “khó nói”, nhiều phòng khám bệnh của người Trung Quốc, gọi tắt là Phòng khám Trung Quốc (PKTQ) đã tìm cách “móc túi” bệnh nhân.
Từ đầu năm tới nay Phòng Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhận được nhiều đơn thư khiếu nại của bệnh nhân bị PKTQ "moi tiền" bằng nhiều chiêu trò ma mãnh như tiếp cận, dụ bằng cách phát tờ quảng cáo kĩ thuật chữa bệnh, bị lôi kéo về phòng khám ngay từ những ngã tư đường; có lúc còn hù doạ bệnh nặng chết đến nơi để "vẽ bệnh" lấy tiền cao. Nổi cộm nhất kiểu “giăng bẫy” gần đây là bắt bệnh nhân ký giấy nợ khi đang nằm ngay trên giường bệnh.
Đủ kiểu “vẽ bệnh”, “giăng lưới”
Từ phản ánh của người dân, Phòng Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh tìm hiểu về một nữ bệnh nhân, vào ngày 6-10, do có triệu chứng bệnh phụ khoa nên chị đã tới khám chữa bệnh tại Phòng khám Đa khoa 3-2 (địa chỉ 1505, đường 3/2 phường 16, quận 11, TP Hồ Chí Minh).
Người khám cho chị là một BS người Trung Quốc "phán" bị viêm lộ tuyến cổ tử cung nhưng điều trị nội khoa không thể khỏi mà phải phẫu thuật. Nghe tới việc phẫu thuật chị hoảng sợ nhưng đã lỡ đóng cho phòng khám này tổng cộng 24 triệu đồng rồi. Chị nghi ngờ nên tới khám lại tại BV Từ Dũ và được biết chỉ bị tổn thương cổ tử cung sau đốt.
Bệnh nhân lập tức quay trở lại PKTQ trên khiếu nại và được gặp một phụ nữ nhận là người quản lý phòng khám đã thương lượng và đồng ý trả lại tiền cho chị. Đầu tiên đồng ý trả lại chị 10 triệu, nhưng bệnh nhân tiếp tục phản đối gay gắt nên người quản lý đã nâng mức trả lại cho chị 20 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó lại thay đổi đột ngột, chỉ đồng ý trả lại 10 triệu đồng.
Ngày 11-10, bệnh nhân này đưa theo cả người nhà tới làm áp lực, tiếp tục khiếu nại nên người quản lý phòng khám mới đồng ý trả lại tiền cho bệnh nhân.
Ngày 10-10, một nam bệnh nhân tên H (20 tuổi, ngụ TP Hồ Chí Minh) tố cáo bị lừa đảo tại phòng khám BAYLOR (202 Tô Hiến Thành, phường 15, quận 10). Theo lời anh H., sau khi được chẩn đoán bị hẹp bao quy đầu và đóng chi phí mổ hơn 3 triệu đồng, bệnh nhân vẫn bị các bác sĩ tại phòng khám BAYLOR hù dọa, thậm chí không chịu khâu lại vết thương vừa tiểu phẫu. Ngoài ra bệnh nhân này còn bị ép, bắt gia đình phải mang 60 triệu đồng thanh toán.
Anh H. cho biết, khi mới đến phòng khám BAYLOR để khám, anh H được chẩn đoán hẹp bao quy đầu và được yêu cầu đóng trên 3 triệu đồng. Sau khi anh được đưa vào phòng tiểu phẫu, một BS người Trung Quốc tên: Rong Chen Chen tiến hành phẫu thuật. Sau khi thực hiện tiểu phẫu xong, anh tiếp tục được thông báo, "vùng kín" của anh có 2 khối u.
Theo đó, bác sĩ này đưa ra hai lựa chọn: Hút dịch trong khối u với mức giá 26.800.000 đồng, nhưng báo trước là sẽ bị tái lại, hoặc mổ lấy khối u với giá 56.800.000 đồng. Tuy nhiên, anh H. yêu cầu khâu lại vết thương để về nhà hỏi ý kiến gia đình thì ngay lập tức bị anh này hù dọa: “không thể khâu lại được, nếu khâu lại sẽ đụng vào khối u làm hoại tử dương vật, phải cắt bỏ".
Rơi vào hoàn cảnh trớ trêu, nằm trên giường bệnh còn đau đớn mà bị hạch sách lấy tiền, anh H đã phải năn nỉ xin được về nhà bàn bạc, nhưng bỏ mặc ngoài tai nỗi thống khổ của bệnh nhân, những người ở phòng khám đều không đồng ý mà hối thúc bạn gái anh này gọi điện về nhà yêu cầu mang tiền đến.
Nhưng, khi thấy thuyết phục bệnh nhân không thành, vị bác sĩ buộc phải khâu vết thương lại, đồng thời "dựng chuyện" rằng người nhà anh H đã đồng ý qua điện thoại, yêu cầu bạn gái của H phải kí vào giấy nợ phẫu thuật lấy khối u với giá gần 60 triệu đồng.
Cũng theo anh H, sau mổ, vết thương của anh xuất hiện tình trạng chảy máu nên tới BV Bình Dân (TP Hồ Chí Minh) kiểm tra và được giải thích cặn kẽ, anh H mới chỉ được mổ hẹp bao quy đầu chứ không thực hiện mổ khối u. Ngoài ra, vết thương chảy máu do phẫu thuật trước đó khâu rất cẩu thả.
Trường hợp anh K. (29 tuổi, quận 6, TP Hồ Chí Minh), do bị đi tiểu ra máu nên tìm tới phòng khám BAYLOR. Tại phòng khám BAYLOR, một người đàn ông mặc áo blouse trắng không đeo bảng tên, nói tiếng nước ngoài khám bệnh cho anh K. Ông bác sĩ này dùng đèn soi ngoài hậu môn rồi chẩn đoán anh bị trĩ và phải chữa với giá 27 triệu đồng.
Anh K. không đủ tiền nên bác sĩ phòng khám đồng ý cho trả một khoản trước, còn lại ghi phiếu nợ và giữ CMND của anh K. Thấy anh chần chừ, phiên dịch lại cho biết, bác sĩ đồng ý giảm trừ thêm 30%. Anh K. đồng ý, nộp trước 9 triệu đồng, và phải viết phiếu nợ gần 8,3 triệu đồng.
Anh K. phải trải qua 6 ngày điều trị căng thẳng tại phòng khám Baylor, với tổng mức phí đã bị "vẽ" lên hơn 29 triệu đồng với đủ kiểu moi tiền ranh ma. Điều đáng nói nữa là, sau khi mổ trĩ tại phòng khám BAYLOR, anh có triệu chứng ra máu nên đến Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị, bác sĩ chẩn đoán anh bị loét ống hậu môn sau chích trĩ...
Cơ quan quản lý đang làm gì?
Giải thích về việc gần đây rộ lên chuyện bệnh nhân bị PKTQ lừa đảo, đại diện Phòng Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 7.000 phòng mạch Y đa khoa tư nhân. Tuy nhiên, có 16 phòng khám có yếu tố người Trung Quốc liên tục bị bệnh nhân phản ánh, Thanh tra Sở cũng phạt nhiều lần.
Phòng khám BAYLOR (202 Tô Hiến Thành, phường 15, quận 10, TP Hồ Chí Minh), thuộc Công ty TNHH Đầu tư y tế Quốc tế Đông Á. Đầu năm 2017 sau phản ánh của bệnh nhân khiếu nại, qua kiểm tra cho thấy, phòng khám này không có giấy phép hoạt động của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cấp, nhưng vẫn hoạt động, quảng cáo trên mạng. Ngày 9-2-2017 Sở Y tế tiến hành kiểm tra phát hiện vi phạm nghiêm trọng của phòng khám BAYLOR; ngày 6-3-2017, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã có tờ trình gửi UBND TP.Hồ Chí Minh đề xuất xử phạt 120 triệu đồng đối với cơ sở do vi phạm cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động.
Ngay sau đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh có cuộc họp mời tất cả các cơ sở phòng khám đa khoa trên địa bàn, có yếu tố người nước ngoài họp và phổ biến lại tất cả các qui định yêu cầu hoạt động đối với phòng khám. Đặc biệt, phổ biến việc tập huấn cho tất cả những chủ cơ sở đứng giấy phép hoạt động cũng như có chứng chỉ hành nghề chịu trách nhiệm về chuyên môn. Thế nhưng sau một thời gian ngắn, các PKTQ lại tái diễn những trò ma mãnh. Dư luận đặt câu hỏi, liệu cơ quan quản lý vẫn chưa có "thuốc đặc trị" cho vấn nạn PKTQ? (Công an nhân dân, trang 7).
Lần đầu tiên phẫu thuật nội soi tại đảo Cô Tô
Ca phẫu thuật đã thực hiện sáng 13-10 tại huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, cho bà Nguyễn Thị Thoại (75 tuổi), người dân trên đảo.
Trước khi vào viện, bà Thoại bị đau vùng hạ vị không rõ nguyên nhân. Trung tâm Y tế huyện Cô Tô chẩn đoán bà bị u nang buồng trứng. Các bác sĩ huyện đảo quyết định phẫu thuật cắt hai buồng trứng cho bà bằng kỹ thuật nội soi.
Kíp phẫu thuật do bác sĩ Phạm Tiến Dũng, trưởng khoa ngoại Trung tâm Y tế Cô Tô, chủ trì đã thực hiện phẫu thuật bằng dàn máy hiện đại trị giá hơn 2 tỉ đồng do Sở Y tế Quảng Ninh đầu tư.
Trước đó, êkíp phẫu thuật được đào tạo 3-6 tháng tại Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh.
Theo ông Nguyễn Tiến Hưng - phó giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh, trước đây bệnh nhân đau ruột thừa, mang thai ngoài tử cung và nhiều bệnh lý khác đều phải vượt biển vào đất liền điều trị và nhiều trường hợp không kịp thời gian bị nguy hiểm đến tính mạng.
Trong hai năm qua, sau khi Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh hỗ trợ Trung tâm Y tế Cô Tô về chuyên môn, nhiều bệnh lý nguy hiểm đã điều trị được ngay tại huyện đảo. (Tuổi trẻ, trang 14; Nhân dân, trang 5).