Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 14/11/2022

  • |
T5g.org.vn - Liên tiếp ghi nhận ca mắc và tử vong do khuẩn “ăn thịt người”; Số ca mắc mới sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng; Bảo vệ sức khỏe khi nhiệt độ chênh lệch; Bé gái 12 tuổi có khối u buồng trứng khổng lồ

 

Liên tiếp ghi nhận ca mắc và tử vong do khuẩn “ăn thịt người”

Ngày 13-11, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh nhi 15 tuổi (ở xã Mai Lâm, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) mắc bệnh Whitmore đã tử vong vào đêm 11-11 trong tình trạng suy đa tạng, hoại tử ruột.

Trước đó, bệnh nhi này được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương vào ngày thứ 12 sau khi khởi phát bệnh trong tình trạng phổi tổn thương, suy hô hấp… và xét nghiệm phát hiện trực khuẩn Burkholderia Pseudomallei nên được bác sĩ chẩn đoán trẻ bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng và nhiễm Whitmore. Ngoài trường hợp tử vong nêu trên, Bệnh viện Nhi Trung ương đang điều trị cho 1 bé trai 10 tuổi (ở xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống, Thanh Hóa). Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, gần đây ghi nhận liên tiếp 3 ca mắc bệnh Whitmore do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei gây ra, trong đó có 2 ca là trẻ em ở Thanh Hóa và 1 ca là người lớn ở huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk. Theo Bộ Y tế, khuẩn gây bệnh Whitmore sống trên bề mặt nước và trong đất, đặc biệt là bùn đất. Khuẩn lây sang người qua vết trầy xước trên da, hoặc qua đường hô hấp khi hít phải các hạt bụi đất hoặc giọt nước li ti trong không khí có chứa vi khuẩn, nhất là vào mùa mưa. Dù đây là bệnh ít gặp, không gây thành dịch nhưng tỷ lệ tử vong cao do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei có thể gây hoại tử làm chết các mô, gây viêm loét hay áp xe trên da, viêm phổi, nhiễm trùng nên thường được gọi là “khuẩn ăn thịt người”. Đề phòng chống bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Số ca mắc mới sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội vào ngày 13-11, trong tuần (từ ngày 4 đến 11-11), trên địa bàn thành phố ghi nhận 1.343 ca mắc sốt xuất huyết, số mắc tăng 2,3% so với tuần trước đó. Bệnh nhân ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã, trong đó có một số quận, huyện có số mắc cao như: Đống Đa (120 ca), Thanh Oai (98 ca), Phú Xuyên (95 ca), Hoàng Mai (94 ca).

Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã có 12.059 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3,8 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021), trong đó có 12 ca tử vong (trong khi năm 2021 không có ca tử vong do sốt xuất huyết). Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 545/579 xã, phường, thị trấn (Hà Nội mới, trang 1). 

 

Bảo vệ sức khỏe khi nhiệt độ chênh lệch

Thời tiết giao mùa, nhiệt độ có sự chênh lệch rất lớn giữa ngày và đêm, khiến cơ thể không kịp thích nghi, dễ mắc bệnh. Hơn nữa, đây cũng là thời điểm thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh cúm mùa, vi rút hợp bào hô hấp (RSV), các bệnh về da… phát triển, kéo theo nguy cơ làm dịch bệnh bùng phát, lây lan trong cộng đồng.

Một tháng nhập viện 2-3 lần

Theo báo cáo của Bộ Y tế, hằng năm nước ta ghi nhận 600.000-1.000.000 trường hợp mắc cúm mùa. Số ca mắc ghi nhận quanh năm và có xu hướng gia tăng vào thời điểm chuyển mùa như hiện nay. PGS.TS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Điều trị tích cực nội khoa (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, cúm mùa có 4 type: A, B, C, D. Kể từ sau đại dịch Covid-19, các nghiên cứu cho thấy, cúm B gặp khoảng 40%, cúm A chiếm 60% trong các trường hợp cúm mùa, rất hiếm gặp cúm C, D.

Gần đây, thời tiết thay đổi thất thường, số lượng trẻ mắc các bệnh về hô hấp có xu hướng gia tăng, trong đó có nhiều trẻ mắc cúm B. Đối với cúm B, phần lớn các ca bệnh nhẹ đều tự khỏi. Tuy nhiên, khi trẻ mắc cúm trên nền các bệnh mạn tính về gan, thận, phổi, ung thư, bệnh máu, béo phì… dễ có nguy cơ biến chứng nặng. Điển hình như bệnh nhi 13 tuổi (ở Nam Định) bị cúm B biến chứng nặng, kèm nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu, được đưa vào Bệnh viện Nhi trung ương trong tình trạng nguy kịch, phải thở máy. Bệnh nhi này nặng tới 80kg và là ca bệnh điển hình mắc cúm bị biến chứng nặng trên cơ địa béo phì.

Tương tự, tại Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa Đống Đa) mỗi ngày tiếp nhận gần 100 bệnh nhi đến khám, trong đó có đến 75% trẻ có các triệu chứng ho, sốt, hắt hơi, sổ mũi, đau đầu, đau người. Qua xét nghiệm cho thấy, có nhiều trường hợp dương tính với cúm B, chủ yếu ở nhóm trẻ 6-14 tuổi. Bác sĩ Đặng Khánh Ly, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa lưu ý, bệnh cúm thường gặp ở nhóm trẻ trong độ tuổi đi học.

Khi thấy trẻ có dấu hiệu mệt mỏi, đau đầu, chảy nước mũi, ho, sốt…, người nhà nên cho nghỉ học để tránh lây lan bệnh dịch trong lớp học.

Còn theo ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, mỗi ngày tiếp nhận gần 100 lượt người đến khám và điều trị các bệnh về hô hấp. Trong đó, không hiếm trường hợp nhập viện 2-3 lần chỉ trong 1 tháng. Mới đây, ông T.V.A (70 tuổi, huyện Đông Anh) được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng nguy kịch. Trước đó một tháng, bệnh nhân mắc cúm A, được gia đình đưa đến bệnh viện gần nhà điều trị và bệnh đã thuyên giảm. Gần đây, do nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm, khiến ông tái phát cơn ho, đi kèm tức ngực, khó thở… Kết quả xét nghiệm cho thấy, ông A. dương tính với vi rút hợp bào hô hấp (RSV).

Không chỉ các bệnh liên quan đến đường hô hấp, những ngày gần đây, tại các bệnh viện chuyên khoa da liễu cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến khám các bệnh về da, như: Viêm da cơ địa, vảy nến, mề đay, da khô, ngứa, chàm, nứt nẻ... Bác sĩ Phạm Thị Minh Phương, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu trung ương cho hay, bệnh về da chịu nhiều ảnh hưởng của không khí, thời tiết. Khi thời tiết hanh khô, có sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm, khiến các bệnh lý về da tăng nặng, nhất là các bệnh mạn tính về da liên quan đến tiền sử cá nhân, gia đình có cơ địa dị ứng.

Chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh

Để bảo vệ sức khỏe, theo bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, người dân cần duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý mỗi ngày. Chú ý ăn nhiều rau củ, uống đủ nước, giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh, nhất là với người già, người có bệnh nền. Bên cạnh đó, người dân nên tiêm phòng những bệnh đã có vắc xin. Những loại vắc xin phòng cúm mùa, phế cầu khuẩn, ho gà… đã được chứng minh mang lại hiệu quả cao trong việc phòng bệnh, những biến chứng của bệnh. Đơn cử như tiêm phòng cúm ở người lớn giảm 37% nguy cơ nhập viện, giảm 82% nguy cơ phải điều trị hồi sức tích cực hay vắc xin phế cầu Prevenar 13 giúp người cao tuổi phòng ngừa hiệu quả viêm phổi và các bệnh do phế cầu khuẩn, như: Nhiễm trùng huyết, viêm màng não, viêm tai giữa…

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Anh Xuân, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba), cúm B nói riêng và bệnh cúm nói chung thuộc nhóm bệnh viêm đường hô hấp trên, rất dễ lây sang người khỏe mạnh khi người bệnh ho, hắt hơi trong khoảng cách 2m, hoặc khi tiếp xúc với bề mặt có nhiễm vi rút. Do đó, nên đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và khi ho hoặc hắt hơi nên che miệng, mũi... Người dân khi mắc bệnh không nên tự mua thuốc điều trị, mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được khám, tư vấn kịp thời.

Với các bệnh về da, bác sĩ Phạm Thị Minh Phương khuyến cáo, người dân không nên tắm lâu, tắm nhiều lần trong ngày. Không nên tắm nước quá nóng, dùng nước nóng để rửa mặt. Ngoài ra, sau khi tắm xong cần bôi kem dưỡng ẩm. Khi ra ngoài đường cần bảo vệ, che chắn cho da cẩn thận, bôi thêm kem chống nắng (Hà Nội mới, trang 5).

 

Bé gái 12 tuổi có khối u buồng trứng khổng lồ

Bé gái H.T.T (12 tuổi, trú Quảng Ninh) dù chưa có kinh nguyệt nhưng khi đi khám tại Bệnh viện Bãi Cháy (TP.Hạ Long, Quảng Ninh) do đau tức bụng, bụng to bất thường đã phát hiện khối u buồng trứng khổng lồ.

Kết quả siêu âm, chụp cộng hưởng từ ổ bụng bệnh nhi (BN) cho thấy khối u nang buồng trứng phải kích thước 19,2 x 9,1 cm. Các bác sĩ tại Khoa Sản - Bệnh viện Bãi Cháy đã tiến hành mổ nội soi bóc tách khối u triệt để, bảo tồn được buồng trứng, chức năng sinh sản cho BN. Sau 2 ngày phẫu thuật, sức khỏe của trẻ đã ổn định.

Bác sĩ Nguyễn Văn Mạnh, Phó trưởng khoa Sản - Bệnh viện Bãi Cháy, cho biết u nang buồng trứng ở trẻ em không hiếm gặp, có những trẻ phát hiện u ngay từ lúc sơ sinh. Nguyên nhân có thể do các tế bào mầm u nang buồng trứng đã có sẵn trong cơ thể mẹ truyền sang con trong thời gian mang thai; mẹ bị rối loạn nội tiết hoặc bệnh phụ khoa có thể gây u nang buồng trứng ở trẻ lúc thai kỳ, thai nhi phát triển từ các nang trứng bị dị tật; chế độ dinh dưỡng không hợp lý làm cho trẻ tăng cân đột ngột, dậy thì sớm…

Các khối u nang buồng trứng nếu không phát hiện, phẫu thuật sớm sẽ ngày càng phát triển, gây nặng nề ổ bụng. U chèn ép các tạng xung quanh như bàng quang, trực tràng, ruột già gây hiện tượng tiểu nhiều lần trong ngày và táo bón dai dẳng, ăn uống kém… ảnh hưởng sức khỏe, chất lượng cuộc sống người bệnh. Khi u biến chứng xoắn có thể gây hoại tử buồng trứng, u vỡ gây tràn máu, tràn dịch ổ bụng dẫn đến viêm phúc mạc, nhiễm trùng ổ bụng, nguy hiểm tính mạng… Nhiều trường hợp được phát hiện u buồng trứng ở giai đoạn muộn đã phải cắt một bên buồng trứng, gây ảnh hưởng đến chức năng sinh sản sau này.

Nếu là thiếu nữ như trường hợp trên, có những dấu hiệu như đau bụng dữ dội liên tục hoặc đau co thắt vùng bụng dưới, kèm theo sốt và nôn, bụng to bất thường, sờ thấy khối ở vùng bụng…, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám.

Đối với phụ nữ trong lứa tuổi sinh đẻ, phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh, nên định kỳ khám sản phụ khoa để phát hiện, chẩn đoán và điều trị sớm các khối u bất thường, tránh để u phát triển kích thước lớn hoặc biến chứng ác tính. Khi có dấu hiệu đau bụng nhiều hoặc cơ thể gầy yếu nhưng bụng to bất thường, cần đến bệnh viện ngay để được các bác sĩ thăm khám và tư vấn điều trị (Thanh niên, trang 15).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang