Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 14/12/2022

  • |
T5g.org.vn - Yêu cầu trực cấp cứu 24/24 giờ, duy trì chống dịch trong dịp Tết; Nước ta có thêm 366 ca Covid-19, 1 bệnh nhân tử vong tại Bến Tre; Doanh nghiệp không muốn phải kê khai giá thiết bị y tế; Ngộ độc rượu cuối năm 'rình rập'; Kế hoạch giảm tỷ lệ 'lười' ăn rau trong cộng đồng

Yêu cầu trực cấp cứu 24/24 giờ, duy trì chống dịch trong dịp Tết

Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 5589/KH-SYT về việc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm và đáp ứng y tế phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Theo đó, Sở Y tế yêu cầu Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát an toàn, vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, các lễ hội; trong đó tập trung vào nhóm thực phẩm phục vụ Tết như bánh, kẹo, thực phẩm chế biến sẵn, rượu, bia, nước giải khát...

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội có nhiệm vụ giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm ổ dịch, xử trí kịp thời, triệt để. Cùng với đó, các đơn vị y tế thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh, cấp cứu (thường trực cấp cứu tại đơn vị và sẵn sàng tham gia cấp cứu ngoại viện) đáp ứng y tế 24/24 giờ (Hà Nội mới, trang 1).

 

Nước ta có thêm 366 ca Covid-19, 1 bệnh nhân tử vong tại Bến Tre

Chiều 13-12, theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 366 ca mắc Covid-19 (giảm 17 ca so với ngày trước đó). Hiện còn 47 bệnh nhân nặng đang phải thở ô xy và có thêm 1 bệnh nhân tử vong tại Bến Tre.  

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.521.388 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người, có 116.432 ca nhiễm).

Về tình hình điều trị, có thêm 106 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 10.609.783 ca. Ngoài ra, có 47 bệnh nhân đang thở ô xy, trong đó có 46 ca thở ô xy qua mặt nạ và 1 ca thở máy xâm lấn. 

Về số bệnh nhân tử vong, ngày 12-12, ghi nhận 1 ca tử vong tại Bến Tre. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.179 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 3 ASEAN).

Về tình hình tiêm chủng, theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 264.971.275 liều, trong đó, tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.136.615 liều; tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.848.540 liều và tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 17.986.120 liều (Hà Nội mới, trang 7).

 

Doanh nghiệp không muốn phải kê khai giá thiết bị y tế

Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định về kê khai giá thiết bị y tế tại Nghị định 98/2021/NĐ-CP tạo ra gánh nặng lớn trong việc thực hiện. Góp ý cho Dự thảo Nghị sửa đổi một số điều Nghị định 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế của Bộ Y tế, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho biết, nguyên nhân khiến doanh nghiệp không muốn kê khai giá thiết bị y tế là do khối lượng trang thiết bị y tế rất nhiều (nhiều loại trang thiết bị và nhiều cấu hình, phụ kiện thay đổi trong một trang thiết bị) và giá cả dễ thay đổi do ảnh hưởng từ yếu tố tỷ giá và các chi phí khác.

Bên cạnh đó, phía doanh nghiệp cho rằng mục tiêu quản lý của quy định này cũng chưa rõ ràng. Quy định về kê khai giá có mục đích giúp cơ quan Nhà nước nắm bắt được tình hình giá cả của sản phẩm, từ đó có thể đề xuất các biện pháp quản lý giá phù hợp nếu giá cả có biến động bất thường.

Điều này là đặc biệt quan trọng với các sản phẩm, dịch vụ có lượng tiêu thụ đặc biệt lớn, liên tục và dành cho phần lớn dân số, chẳng hạn như giá khám chữa bệnh, giá vận tải hành khách đường bộ, đường sắt…

Trong khi đó, phần lớn đối tượng mua sắm và sử dụng trang thiết bị y tế là các đơn vị công hoặc cơ sở y tế, vốn có khả năng đàm phán và lựa chọn nhà cung cấp với giá thành phù hợp. Nếu liên quan đến đấu thầu, việc xác định giá gói thầu trong mua sắm đầu thầu công có thể xử lý thông qua các biện pháp niêm yết giá, cung cấp thông tin chi tiết về giá trúng thầu (chi tiết đến từng mặt hàng).

Từ các lý do trên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định về kê khai giá. Trong trường hợp không bỏ quy định trên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc các điểm sau:

Thứ nhất, dự thảo quy định Bộ Y tế ban hành Danh mục trang thiết bị y tế phải kê khai giá. Để làm cơ sở xây dựng danh mục sau này, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung nguyên tắc xây dựng danh mục, có thể sử dụng tiêu chí: thiết yếu với hoạt động khám chữa bệnh; có mức độ chi trả cao; ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội nếu giá cả tăng cao bất thường.

Thứ hai, việc kê khai giá theo đúng nguyên tắc của pháp luật về giá (Điều 1.10 Nghị định 149/2016/NĐ-CP), tức là chủ thể kinh doanh bán theo phương thức nào (bán buôn hay bán lẻ) thì kê khai theo giá đó. Quy định như vậy nhằm tránh tình trạng trong thời gian qua, một số doanh nghiệp phản ánh rằng dù họ không thực hiện hoạt động bán lẻ nhưng vẫn phải kê khai giá bán lẻ.

Thứ ba, việc kê khai giá có mục đích nhằm đáp ứng yêu cầu thu thập thông tin của cơ quan nhà nước, trong khi giá bán (đặc biệt là bán buôn) là vấn đề nhạy cảm trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Việc công khai tất cả thông tin lên cùng một cổng thông tin và cho phép nhiều đơn vị khác cùng xem được, trong đó có đối thủ kinh doanh là không hợp lý.

Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng cơ quan nhà nước là bên duy nhất thu thập và nắm giữ các thông tin kê khai giá (còn việc kê khai vẫn có thể thực hiện qua cổng thông tin như thời gian vừa qua).

Thứ tư, việc niêm yết giá đang được áp dụng với cả tổ chức sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, bản chất của việc niêm yết giá là nhằm cung cấp thông tin cho người tiêu dùng trước khi đưa ra quyết định mua. Thực tế, các đơn vị mua sắm trang thiết bị chỉ làm việc với các nhà phân phối cuối cùng. Giá bán đến tay người mua sẽ là giá từ các nhà phân phối cuối cùng, chứ không phải giá của đơn vị sản xuất hay đơn vị bán buôn.

Cần lưu ý rằng giá bán từ các tổ chức sản xuất, bán buôn có sự thay đổi rất khác nhau, phụ thuộc vào đầu mối nhận hàng do chiết khấu, ưu đãi… Việc yêu cầu các tổ chức sản xuất hoặc bán buôn phải niêm yết giá là không phù hợp và khó khả thi.

Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng chỉ các tổ chức, cá nhân có hoạt động bán hàng đến người dùng cuối (cơ sở y tế, cửa hàng thuốc, người tiêu dùng…) mới có trách nhiệm niêm yết giá.

Ngoài ra, tại bản góp ý này, VCCI cũng đề nghị Bộ Y tế xem xét lại quy định về thủ tục quảng cáo thiết bị y tế để tạo điều kiện cho doanh nghiệp (An ninh thủ đô, trang 8).

 

Ngộ độc rượu cuối năm 'rình rập'

Các bác sĩ cho biết cuối năm nhu cầu sử dụng rượu, bia tăng cao do nhiều nơi tổ chức liên hoan, tất niên..., ngộ độc rượu có xu hướng tăng, đặc biệt trong thời gian cận Tết. Hiện nay, rượu công nghiệp có chứa cồn methanol có giá thành rất rẻ, chính vì vậy nhiều chủ hộ kinh doanh vì mục đích lợi nhuận bất chấp bán những loại rượu này, nhiều người uống phải dẫn đến nguy hiểm tính mạng.

Ngộ độc methanol rất nguy hiểm

Thông tin từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) cho biết mỗi năm bệnh viện tiếp nhận khoảng 20 ca ngộ độc methanol. Trong trường hợp nhập viện quá trễ, bệnh nhân có thể tử vong vì suy đa cơ quan và toan chuyển hóa nặng.

Mới đây nhất, bệnh viện kịp thời cứu sống một nam bệnh nhân suýt tử vong do bị ngộ độc rượu methanol (cồn công nghiệp).

Cụ thể, bệnh nhân là ông L.P.G. (59 tuổi, TP.HCM) nhập viện trong tình trạng rối loạn tri giác, toan chuyển hóa nặng, tụt huyết áp, suy hô hấp phải thở máy. Khi làm xét nghiệm các bác sĩ xác định bệnh nhân có nồng độ cồn methanol trong máu cao gấp 20 lần ngưỡng gây ngộ độc.

Sau một tuần điều trị lọc máu liên tục, chạy thận và điều trị nội khoa tích cực theo phác đồ, bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch, tuy nhiên người bệnh đang đối mặt với những di chứng về thần kinh, hai mắt giảm thị lực.

Nguy cơ tăng cao dịp giáp Tết

TS Huỳnh Văn Ân - trưởng khoa hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) - cho biết rượu nào cũng có hại đối với sức khỏe, ngay cả những loại rượu đạt chất lượng sản xuất theo quy định.

Rượu bình thường là ethanol nhưng vì lý do lợi nhuận, nhiều cơ sở sử dụng methanol (cồn công nghiệp, rượu gỗ) không sử dụng trong thực phẩm trộn vào rượu ethanol để có giá thành rẻ. Nguy cơ ngộ độc, đe dọa tính mạng người sử dụng càng tăng cao đối với các loại rượu ethanol bị làm giả, đặc biệt là rượu độc sản xuất từ cồn công nghiệp methanol.

Khi sử dụng rượu ethanol người uống bị đau đầu, mệt mỏi, nôn ói nhưng cơ thể sẽ tự đào thải được các chất gây hại. Tuy nhiên, nếu uống phải rượu methanol bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng nhức đầu, lơ mơ, mất tri giác, mất thị lực, hôn mê.

Các triệu chứng trên thường không xảy ra ngay trong cuộc nhậu, hầu hết bệnh nhân đều rơi vào tình trạng nguy kịch sau một ngày uống.

"Nếu không được nhập viện, điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong ở mức rất cao, trường hợp may mắn được cứu sống có thể đối mặt với di chứng thần kinh, thị giác. Có những ca nặng, dù được cứu sống nhưng việc điều trị rất khó khăn.

Ngoài thở máy bệnh nhân phải lọc máu liên tục kèm với các giải pháp lọc độc chất, truyền ethanol tinh khiết, chi phí điều trị có thể tốn hàng trăm triệu đồng", bác sĩ Ân cho biết.

Bà Phạm Khánh Phong Lan - trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM - cho biết đa số trường hợp ngộ độc rượu methanol đều mua rượu không có nguồn gốc xuất xứ tại các cửa hàng tạp hóa.

Đặc biệt là những vùng thôn quê, mặc dù nhận là rượu tự nấu nhưng nhiều người vẫn ngang nhiên pha trộn các loại cồn công nghiệp, cồn y tế với nước để đem ra thị trường bán với giá rẻ bèo.

Bên cạnh đó, vẫn còn có rất nhiều người dân thiếu hiểu biết khi tự dùng cồn công nghiệp pha chế thành rượu để sử dụng.

Bà Lan khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng rượu bia để đảm bảo sức khỏe, đồng thời để tránh mất tự chủ khi tham gia giao thông. Trường hợp bắt buộc uống phải sử dụng rượu có nguồn gốc.

Người dân phải tự bảo vệ mình trước, việc quản lý các cửa hàng hiện nay rất khó khăn vì rất khó xử lý (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Kế hoạch giảm tỷ lệ 'lười' ăn rau trong cộng đồng

Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 5490/KH-SYT về thực hiện Chương trình Sức khỏe VN của ngành y tế Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025.

Kế hoạch hướng đến mục tiêu chung là xây dựng môi trường hỗ trợ, tăng cường vai trò và năng lực của mỗi người dân, thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe toàn diện để nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn TP.Hà Nội.

Theo đó, thực hiện 3 mục tiêu cụ thể gồm: bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực để cải thiện tầm vóc và nâng cao sức khỏe cho người dân; nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của mỗi người dân và cộng đồng để chủ động dự phòng các yếu tố nguy cơ phổ biến đối với sức khỏe nhằm phòng tránh bệnh tật, bảo vệ sức khỏe cho cá nhân, gia đình và cộng đồng; thực hiện quản lý, chăm sóc sức khỏe liên tục, lâu dài tại tuyến y tế cơ sở để góp phần giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

Trong kế hoạch, có 11 chỉ tiêu cụ thể để thực hiện Chương trình Sức khỏe VN đến năm 2025. Về đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, đến năm 2025 giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi dưới 10%; khống chế tỷ lệ người trưởng thành bị béo phì dưới 12%; giảm tỷ lệ người trưởng thành ăn thiếu rau/trái cây dưới 35%; giảm mức tiêu thụ muối trung bình/người/ngày dưới 7 gram. Về tăng cường vận động thể lực, giảm tỷ lệ người dân thiếu vận động thể lực dưới 22% với người 18 - 69 tuổi và 60% đối với trẻ em 13 - 17 tuổi.

Đối với chỉ tiêu về phòng chống tác hại của thuốc lá, giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới trưởng thành dưới 37%; giảm tỷ lệ hút thuốc thụ động của người dân tại nhà dưới 50% và tại nơi làm việc là 35%. Đối với phòng chống tác hại của rượu bia, chỉ tiêu giảm tỷ lệ uống rượu bia ở mức nguy hại ở nam giới trưởng thành dưới 35%.

Ngoài ra, các chỉ tiêu khác được ngành y tế xây dựng cụ thể tại kế hoạch như chỉ tiêu về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe trẻ em, phát hiện và quản lý một số bệnh không lây nhiễm, quản lý sức khỏe toàn dân, chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và người lao động (Thanh niên, trang 15).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang