Xử lý cán bộ Sở Y tế Bình Định xin nghỉ việc đi lễ hội ở Hưng Yên
UBND tỉnh Bình Định vừa có văn bản chỉ đạo kiểm tra, kỷ luật, làm rõ trách nhiệm Giám đốc Sở y tế trong việc cho phép 22 cán bộ, công chức và nhân viên cơ quan này ra ngoài tỉnh dự lễ hội và tham quan.
Ngày 13-2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định – ông Nguyễn Tuấn Thanh đã ký văn bản chỉ đạo Giám đốc Sở Nội vụ, Y tế và Chánh Thanh tra và Tổ kiểm tra chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan nhà nước tỉnh Bình Định tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm Giám đốc Sở y tế trong việc cho phép 22 cán bộ, công chức và nhân viên cơ quan này ra ngoài tỉnh dự lễ hội và tham quan, đồng thời đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định về biện pháp xử lý trước ngày 20-2. Trước đó, trưa ngày 9-2, ông Lê Quang Hùng – Giám đốc Sở y tế Bình Định cùng 21 cán bộ, công chức và nhân viên ở cơ quan này đi máy bay ra Hà Nội để về Hưng Yên tham dự lễ giỗ Hải Thượng Lãn Ông. Được người dân thông tin phản ánh, tổ công tác chấn chỉnh kỷ luật kỷ cương hành chính của UBND tỉnh Bình Định đã kiểm tra đột xuất trong chiều ngày 9-2.
15 cán bộ, công chức trong đoàn đi dự lễ hội đã lên máy bay vào Đà Nẵng trong đêm hôm đó, rồi chuyển tiếp xe ô tô về TP Quy Nhơn để trở lại công sở làm việc trong ngày 10-2.
Công văn của UBND tỉnh Bình Định khẳng định: Việc giám đốc Sở Y tế cho phép tổ chức đoàn cán bộ, nhân viên của Sở Y tế ra ngoài tỉnh dự lễ hội, tham quan là chưa chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Bình Định về chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của tỉnh và của ngành y tế Bình Định. (Công an nhân dân, trang 2; Tuổi trẻ, trang 4; Thanh niên, trang 4).
Ngăn chặn ngộ độc hóa chất paraquat
Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cho biết gần như ngày nào tại đây cũng tiếp nhận cấp cứu điều trị cho bệnh nhân ngộ độc paraquat (trong thuốc diệt cỏ). Theo các bác sĩ, các trường hợp ngộ độc paraquat rất đáng lo ngại do tỷ lệ tử vong rất cao, lên đến 70 - 90%.Những người cứu sống được thì chi phí điều trị cũng rất lớn. Riêng chi phí lọc máu điều trị ngộ độc paraquat có thể lên đến 100 triệu đồng/đợt điều trị. Sau khi được cứu sống, bệnh nhân vẫn có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng do tác hại của hóa chất này.
Theo TS-BS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, rất đáng tiếc cho các ca ngộ độc paraquat, bởi các trường hợp này trước khi nhập viện chỉ uống hóa chất này trong lúc tâm lý bất ổn, không ý thức được về hành vi của mình, không thể ngờ được là hóa chất này gây tử vong rất cao. Có những bệnh nhân trẻ tuổi vào viện điều trị tỉnh táo, mong muốn được chữa khỏi nhưng vẫn không qua khỏi. TS Phạm Duệ nhận xét, ở liều độc mạnh, bệnh nhân tử vong bởi ngộ độc cấp tính do suy đa tạng (gan, thận, phổi). Hóa chất này rất có áp lực với phổi, lưu giữ trong phổi gây tổn thương phổi, làm xơ phổi, khiến bệnh nhân có thể tử vong do ngưng thở. TS Phạm Duệ cho rằng, với một hóa chất gây ngộ độc như paraquat cần phải có phương thức quản lý chặt chẽ việc mua bán để ngăn chặn các nguy cơ đến sức khỏe người hoặc phải được thay thế bằng hóa chất khác như các nước đã thực hiện.
Không được phép sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất 2,4 D và paraquat
Theo quyết định do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường ký và có liệu lực từ ngày 8.2.2017, Bộ NN-PTNT quyết định loại toàn bộ các thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất 2,4 D và paraquat ra khỏi danh mục được phép sử dụng tại VN. Theo đó, các doanh nghiệp chỉ được phép nhập khẩu tối đa các loại hoạt chất này là 1 năm và buôn bán, sử dụng tối đa là 2 năm tính từ ngày quyết định có hiệu lực.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), khẳng định ngành nông nghiệp không tùy tiện đưa ra mức thời hạn trong quyết định loại bỏ hoạt chất 2,4 D và paraquat, mà tuân thủ đúng với các quy định pháp luật và đảm bảo lộ trình, thời gian cho các doanh nghiệp thích nghi, từng bước loại bỏ các sản phẩm có các hoạt chất này.
Cũng theo ông Hoàng Trung, dù đã được cảnh báo về ảnh hưởng của hoạt chất 2,4 D và paraquat trong vài năm trở lại đây, nhưng phải đến ngày 1.1.2015, khi luật Kiểm dịch thực vật chính thức có hiệu lực thì Cục Bảo vệ thực vật mới có đủ cơ sở pháp lý để thu thập các dữ liệu khoa học, tham khảo từ các tổ chức quốc tế để chính thức quyết định loại bỏ các hoạt chất này. Trước thời điểm năm 2015, rất khó có đủ cơ sở pháp lý để loại bỏ các hoạt chất gây hại. Đây cũng là lý do ngành nông nghiệp phải đề xuất xây dựng luật Kiểm dịch thực vật.
“Mức thời hạn cho phép các doanh nghiệp chỉ được sản xuất, nhập khẩu tối đa 1 năm và được buôn bán, sử dụng tối đa từ 2 năm kể từ ngày có quyết định loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật sử dụng tại VN được thực hiện theo khoản 3, điều 7 Thông tư 21 quy định về quản lý thuốc bảo vệ thực vật ban hành ngày 8.6.2015 của Bộ NN-PTNT”, ông Trung nói.
Ông Hoàng Trung cũng cho rằng, hiện tại trên thị trường hoạt chất 2,4 D có trong 36 sản phẩm thương mại và hoạt chất paraquat đang có trong 46 sản phẩm thương mại. Các hoạt chất này vào VN phải qua con đường nhập khẩu chứ không thể tự sản xuất được.
Theo dữ liệu khoa học do Cục Bảo vệ thực vật cung cấp, các hoạt chất 2,4 D và paraquat có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi, hệ sinh thái môi trường sẽ không được đăng ký vào danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại VN. Các loại thuốc bảo vệ thực vật có các hoạt chất này nằm trong phụ lục 3 của Công ước Rotterdam, cảnh báo với Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên Hiệp Quốc (FAO), Chương trình môi trường của Liên Hiệp Quốc (UNEP), Tổ chức Y tế thế giới (WHO). (Thanh niên, trang 3).
Bác sĩ bán ma túy cho con nghiện
VKSND TP.HCM vừa hoàn tất hồ sơ vụ án Trần Hiệp Thuần, chuyển cho TAND cùng cấp để xét xử về tội mua bán trái phép chất ma túy. Trước đó hồ sơ này bị trả, yêu cầu VKS điều tra bổ sung, làm rõ việc truy tố ông Thuần với tội danh trên đã phù hợp chưa. Đáng chú ý còn có một số người, trong đó có cả thương binh được cấp thuốc, dùng không hết mang bán lại cho Thuần cũng bị xử lý.
Ý tưởng có một không hai
Ông Thuần sinh năm 1961, nguyên là bác sĩ làm việc tại Trung tâm Y tế quận Tân Bình, TP.HCM. Chiều 4-7-2015, trước cổng BV Thống Nhất, quận Tân Bình, công an bắt quả tang ông Thuần đang bán chất ma túy cho NHL. Công an thu giữ 10 ống bơm tiêm chứa chất không màu, thể tích 30 ml, dung dịch có chứa thành phần morphine với nồng độ morphine trung bình là 0,04 mg/ml.
Quá trình điều tra xác định từ tháng 9-2014 đến khi bị bắt, Thuần đã mua 2.428 lọ thuốc có nhãn hiệu morphine (loại 1 ml) với giá 36.000 đồng/lọ. Thuần dùng số thuốc này pha trộn với các lọ thuốc hiệu dimedrol loại 1 ml/lọ để bán cho người nghiện tự tiêm chích thay cho việc sử dụng ma túy. Ngoài L., Thuần còn bán thuốc cho Nguyễn Văn Sơn (đã bị Công an tỉnh Long An bắt giữ về hành vi này) tổng cộng 1.230 ống kim tiêm với giá 50.000 đồng/ống. Giữa năm 2015 Thuần cũng bán 80 ống bơm tiêm cho các con nghiện ở tỉnh Đắk Lắk và TP Tuy Hòa, Phú Yên. Theo công an, Thuần đã thu lợi hơn 55 triệu đồng từ việc làm bất hợp pháp này.
Từ đầu đến cuối ông Thuần cho rằng mình bị truy tố oan. Vì bản thân ông là bác sĩ chuyên điều trị nghiện ma túy, từng tham dự các khóa học nghiệp vụ. Ngoài thời gian làm tại trung tâm y tế, ông còn điều trị cho các bệnh nhân nghiện heroin khi có yêu cầu. Việc mua thuốc trên là phục vụ cho điều trị cắt cơn theo phương pháp nghiên cứu của ông về lĩnh vực này…
Vụ án chưa xét xử nhưng trao đổi với chúng tôi, các chuyên gia cho rằng ông Thuần không oan. Bởi lẽ dù là bác sĩ nhưng ông không thể tự ý mua nguồn morphine không rõ nguồn gốc rồi tự điều chế và bán cho các con nghiện khi chưa có sự đồng ý của cơ quan y tế có thẩm quyền. Nếu thật sự đây là phương pháp điều trị cắt cơn ma túy thì ông Thuần phải chứng minh được đề tài này của ông đã đăng ký. Ngoài ra, khi sử dụng phương pháp này còn phải được kiểm soát bởi cơ quan có thẩm quyền...
Cũng vì thế mà sau quá trình điều tra lại, VKSND TP.HCM vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố như ban đầu.
Xài không hết, bán lại thuốc cũng sai
Đặc biệt liên quan vụ án này, cơ quan điều tra đã chuyển hồ sơ để Thanh tra Sở Y tế TP.HCM xử phạt ông Phạm Văn Thường vì đã bán 2.428 lọ thuốc cho Thuần. Ông Thường đã bị xử phạt 15 triệu đồng về hành vi kinh doanh thuốc không có chứng chỉ hành nghề dược và không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Khai tại công an, ông Thường nói mình bán các lọ thuốc trên để Thuần sử dụng vào việc cai nghiện ma túy. Vì ông nghe Thuần là bác sĩ “trị” nghiện ma túy và cần thuốc morphine để điều trị. Ông không biết Thuần dùng thuốc để bán cho con nghiện sử dụng thay ma túy. Theo công an, hành vi mua bán thuốc tân dược có chứa chất gây nghiện này của ông Thường chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Để có thuốc bán, ông Thường đã mua lại của ông Đoàn Văn Liễu là thương binh hạng 1/4 (mất hai chân, chấn thương sọ não). Theo chế độ thì ông Liễu được Phòng LĐ-TB&XH huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình duyệt cấp 80 lọ/ngày (năm ngày cấp một lần 400 lọ). Ông Liễu được cấp liên tục từ năm 1997 đến nay. Ngoài sử dụng cho bản thân, ông Liễu đã năm lần chuyển bằng xe khách vào TP.HCM bán cho Thường. Ông Liễu khai chỉ biết là bán thuốc để Thường bán lại cho các bệnh nhân ung thư, cụ thể là ai thì không biết. Hiện Công an TP.HCM đã chuyển hồ sơ liên quan đến hành vi quản lý và sử dụng thuốc tân dược có chứa chất gây nghiện cho Công an tỉnh Thái Bình xem xét xử lý.
Cũng theo các chuyên gia pháp lý, những người cung cấp thuốc cho Thuần cũng không thể vô can. Vì morphine được dùng hạn chế trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học hoặc y tế... Bất kỳ cá nhân nào khi sử dụng morphine đều phải đáp ứng các điều kiện theo pháp luật, nếu không sẽ bị xử lý. Bởi tại danh mục II các chất ma túy được dùng hạn chế trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền (ban hành kèm theo Nghị định số 82/2013 của Chính phủ) thì morphine tên khoa học là 7,8-dehydro-4,5-epoxy-3,6- dihydroxy-N-methylmorphinan, được xem là chất ma túy.
Luật quy định rõ
Theo Thông tư liên tịch số 17-2007 Bộ Công an-VKSND Tối cao-TAND Tối cao-Bộ Tư pháp thì chất gây nghiện, chất hướng thần là chất ma túy. Còn thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần (chứa một hàm lượng nhỏ chất ma túy) là để chữa bệnh. Thuốc này được quản lý theo quy chế quản lý dược phẩm của Bộ Y tế.
Người nào không thuộc đối tượng theo Điều 201 BLHS (tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thuốc gây nghiện hoặc các chất ma túy khác) mà vi phạm việc sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần nhằm mục đích kinh doanh thuốc chữa bệnh hoặc để chữa bệnh thì bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội phạm tương ứng khác không phải là tội phạm về ma túy (ví dụ: tội kinh doanh trái phép, buôn lậu…).
Trường hợp sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần trái phép nhằm thỏa mãn nhu cầu về sử dụng trái phép chất ma túy cho mình hoặc cho người khác thì bị xử lý về tội phạm ma túy tương ứng (nếu thỏa mãn điều kiện về trọng lượng chất ma túy theo quy định của pháp luật). (Pháp luật & TP. Hồ Chí Minh, trang 6, ngày 13/2).
Mở rộng thí điểm lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân
Ngày 13-2, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp nghe báo cáo tiến độ triển khai thí điểm việc khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân tại 3 tỉnh/thành phố gồm Hà Nội, Bắc Ninh và Phú Thọ. Theo báo cáo, hiện nay, Phú Thọ đã thí điểm việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân tại huyện Yên Lập, khám và lập hồ sơ sức khỏe cho hơn 62.000 người, đạt 67%. Dự kiến từ tháng 3 đến hết tháng 6-2017, Phú Thọ đặt mục tiêu khám và lập hồ sơ sức khỏe cho trên 90% dân số trên địa bàn.
Tương tự, Bắc Ninh thí điểm triển khai tại 2 xã thuộc huyện Quế Võ, đã khám và lập hồ sơ sức khỏe (điện tử) cho trên 15.000 người. Dự kiến, trong tháng 5-6 tới, Bắc Ninh sẽ triển khai trong toàn toàn tỉnh. Còn tại Hà Nội, từ năm 2014 đã triển khai mô hình bác sỹ gia đình và đã thực hiện quản lý trên 35.000 hồ sơ sức khỏe. Hiện nay, Sở Y tế Hà Nội đang xây dựng kế hoạch triển khai quản lý hồ sơ cá nhân để trình UBND TP Hà Nội phê duyệt. Hà Nội sẽ thành lập Ban chỉ đạo từ cấp thành phố đến các quận, huyện để dự kiến từ tháng 3 tới tháng 9-2017 sẽ hoàn thành mục tiêu.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn đề nghị 3 địa phương nói trên dự trù kinh phí và nguồn lực thực hiện việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân, đồng thời nhấn mạnh việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe này không phải là “lập cho xong” mà phải luôn được cập nhật thông tin về tình trạng sức khỏe, các chuyên khoa của các đối tượng khác nhau. (An ninh Thủ đô, trang 5).
Bệnh viện K sẽ đưa nhà lưu trú vào hoạt động trước ngày 27-2
Đó là thông tin được PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện (BV) K chia sẻ ngày 13-2. Theo PGS.TS Trần Văn Thuấn, dự kiến trước ngày 27-2 tới, cơ sở 3 của BV K (ở xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) sẽ đưa vào hoạt động khu nhà lưu trú.
Khu nhà với quy mô hơn 200 giường, được xây dựng theo hình thức lắp ghép dành cho người nhà bệnh nhân và bệnh nhân ngoại trú. Công trình này do BV K kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa với kinh phí khoảng 3,3 tỷ đồng. Đây là một trong những giải pháp để hạn chế tình trạng người nhà bệnh nhân phải nằm tại hành lang BV.
Trước đó, ngày 8-12-2016, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trực tiếp thị sát tại cơ sở 3 BV K và chứng kiến cảnh bệnh nhân phải nằm ghép tới 3-4 người/giường bệnh. Tại thời điểm đó, kết quả khảo sát, đánh giá độc lập của Viện Chiến lược và Chính sách y tế cũng cho thấy, về thủ tục khám, chữa bệnh, thái độ phục vụ… của BV K chỉ đạt 66/100 điểm, bị xếp ở mức đội sổ. Ngay sau đó, Ban Giám đốc và tập thể BV đã khẩn trương đưa ra giải pháp khắc phục những tồn tại theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế. Cụ thể, BV đã đề nghị các khoa, phòng kê thêm giường nội trú, sắp xếp lại hợp lý hơn, phân chia giờ hợp lý để bệnh nhân và người nhà bớt phiền lòng. (Gia đình & Xã hội, trang 6).
Cần Thơ phát hiện ca đầu tiên nhiễm vi rút Zika
Theo Bộ Y tế, đến 30-12-2016, cả nước ghi nhận 191 trường hợp dương tính với vi rút Zika tại 9 tỉnh, thành. Trong đó, phát hiện trẻ mắc chứng đầu nhỏ nhiều khả năng liên quan vi rút Zika. Số ca tập trung chủ yếu ở TPHCM với 169 trường hợp mắc... Riêng tại TP Cần Thơ, tháng 1-2017, phát hiện 1 ca nhiễm vi rút Zika. Bộ Y tế nhận định năm 2017, dịch bệnh do vi rút Zika sẽ tăng số ca bệnh và địa phương có bệnh lưu hành.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) TP Cần Thơ, thực hiện giám sát trọng điểm, tháng 3 và 4-2016, Trung tâm lấy hơn 170 mẫu máu những trường hợp nghi nhiễm vi rút Zika tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thới Lai, với các biểu hiện: sốt, phát ban, viêm kết mạc... Mẫu được chuyển về Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh xét nghiệm và đều cho kết quả âm tính. Sau đó, cuối tháng 11 và tháng 12-2016, TTYTDP TP Cần Thơ tiếp tục lấy 60 mẫu máu bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa quận Ô Môn có các biểu hiện nghi nhiễm Zika gởi xét nghiệm. Qua đó, phát hiện 1 trường hợp ở xã Định Môn, huyện Thới Lai, dương tính với vi rút Zika.
ác sĩ Trần Văn Tuấn, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc - xin sinh phẩm, TTYTDP TP Cần Thơ, cho biết: "Sau khi có kết quả, Trung tâm phối hợp với TTYTDP quận, chính quyền địa phương điều tra ca bệnh. Qua khai thác, bệnh nhân này là nội trợ, không có tiền sử đến vùng dịch trước đó. Các đơn vị y tế phát tờ rơi tuyên truyền người dân khu vực có ca bệnh sinh sống; diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi 2 đợt". Không chỉ ở TP Cần Thơ, theo ghi nhận của Bộ Y tế, các trường hợp dương tính với Zika không có tiền sử đi về từ vùng dịch. Qua đó cho thấy, Việt Nam có lưu hành vi rút Zika trong cộng đồng.
Thời gian tới, số ca mắc vi rút Zika khu vực phía Nam có thể sẽ gia tăng, vì vi rút Zika lây truyền qua đường chính do muỗi vằn (Aedes) đốt. Loài muỗi Aedes đang lưu hành và gây bệnh sốt xuất huyết (SXH), đặc biệt khu vực phía Nam. Thêm vào đó, người dân không có miễn dịch với vi rút Zika, chưa có vắc - xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị, gần 82% người mang vi rút Zika không có triệu chứng bệnh. Ngoài ra, Zika lây truyền qua các đường: truyền máu/dịch, tình dục, từ mẹ sang con (thời kỳ mang thai).
Năm 2016, với kinh phí từ UBND TP Cần Thơ, TTYTDP TP Cần Thơ tổ chức 19 lớp tập huấn cho hệ dự phòng và điều trị về công tác giám sát, điều trị, tư vấn... bệnh Zika; in băng rôn, tờ rơi, trang bị máy phun, hóa chất... diệt muỗi. Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP Cần Thơ tổ chức 3 lớp tập huấn hướng dẫn sàng lọc trước sinh cho phụ nữ mang thai; hướng dẫn, chẩn đoán và điều trị bệnh do vi rút Zika; triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh do vi-rút Zika tại Việt Nam cho cán bộ trạm y tế, khoa sản, khoa chăm sóc sức khỏe sinh sản toàn thành phố. (Gia đình & Xã hội, trang 7).
Phẫu thuật cứu bé sơ sinh 2 ngày tuổi mang khối bướu máu khổng lồ
Ngày 6-2, bác sĩ Phạm Thị Thanh Tâm, Trưởng khoa Hồi sức Sơ sinh - Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh cho biết: “Bệnh viện vừa phẫu thuật cứu một bé trai 2 ngày tuổi, nặng 2,5kg mắc khối bưới máu phình to ở đùi phải và các bớt máu màu đen lan tỏa toàn thân.
Sau khi tiếp nhận bé trai vào cấp cứu tối ngày 1-2 ( tức tối mùng 5 Tết), các bác sĩ nhận định, các bướu máu đang lớn lên trong cơ thể với một tốc độ nhanh chóng. Khối bướu phình lên, hút hết máu trong cơ thể cháu bé khiến cháu có thể tử vong. Ngoài ra, cháu bé còn bị giảm tiểu cầu, có thể xuất huyết não”. Nếu không được lên phương án phẫu thuật ngay, rất có thể cháu bé sẽ tử vong.
Tuy nhiên, đây là một trường hợp hiếm gặp vì trẻ sơ sinh vừa mới chào đời nên các bác sĩ từ 9 khoa phòng của bệnh viện Nhi đồng 1 gồm: Hồi sức sơ sinh, Phỏng và tạo hình, Ngoại thần kinh, Ngoại sơ sinh, Đơn vị can thiệp mạch máu, Huyết học, Chẩn đoán hình ảnh, Xét nghiệm và Sơ sinh đã phải cùng họp bàn và lên phương án cứu chữa cho cháu bé.
Khi hội chẩn, các bác sĩ xác định, ca phẫu thuật sẽ mất rất nhiều máu do đó bệnh viện phải tìm được nhóm máu vừa phù hợp với nhóm máu của mẹ và của bệnh nhi. Nguyên nhân do máu của trẻ sơ sinh trong 7 ngày vẫn còn chịu ảnh hưởng từ nhóm máu của người mẹ. Ngoài ra, máu cho phẫu thuật phải là máu tươi do trẻ sơ sinh không thể sử dụng máu dự trữ lâu ngày.
Bác sĩ Phạm Thị Thanh Tâm cho biết: Thời điểm phẫu thuật cho cháu bé nằm trong kỳ nghỉ Tết nên lượng máu người cho máu tình nguyện khan hiếm, chúng tôi phải vận động ngân hàng máu, huy động từ các bệnh viện khác trên địa bàn thành phố để lo máu dự trữ cho ca mổ. Sáng 3-2, cháu bé được đưa vào phòng mổ, bác sĩ đã thực hiện kỹ thuật thông tim, bít hết các mạch máu dẫn vào khối bướu. Sau đó tiến hành phẫu thuật bóc tách, lấy khối bướu máu.
Ca phẫu thuật kéo dài 4 giờ đồng hồ, khối bướu khổng lồ ở đùi phải của bé trai lấy ra với đường kính khoảng 12 cm. Sau phẫu thuật, bé trai vẫn phải thở máy, tình trạng xuất huyết não không quá nặng do đó thần kinh của cháu vẫn có phản xạ, có kích thích cử động của cơ thể. Tuy nhiên, các bác sĩ lo ngại, khối bướu vẫn có thể tái phát bất cứ lúc nào...
Mỗi năm bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh tiếp nhận khoảng 15-20 ca trẻ em mắc bướu máu, nhưng đây là trường hợp đặc biệt nhất phẫu thuật cho bệnh nhi có số ngày tuổi ngắn nhất. (Lao động, trang 8).
Cứu sống kịp thời bệnh nhân bị đâm xuyên tim
áng 13.2, tại Khoa hồi sức tích cực - Gây mê phẫu thuật, Bệnh viện Quân y 121 (Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ), bệnh nhân L.P.T (21 tuổi, ngụ P.Xuân Khánh, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) đã qua cơn nguy kịch, mạch, huyết áp ổn định. Đêm 12.2, anh T. bị đâm xuyên tim và được đưa vào Bệnh viện Quân y 121 trong tình trạng lơ mơ, huyết áp không đo được. Các BS-CK2 Huỳnh Văn Tuội, Lê Trọng Quân (Khoa ngoại tổng quát) cùng cộng sự đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu kịp thời giành lại sự sống cho bệnh nhân.
Trước và sau phẫu thuật, anh T. được truyền 4 đơn vị máu. Dự kiến sau 1 tuần hồi phục, điều trị tích cực, anh T. sẽ xuất viện.
Theo đại tá, BS-CK2 Nguyễn Minh Thuần, Giám đốc Bệnh viện Quân y 121, bệnh nhân T. nếu không nhập viện kịp thời, các bác sĩ không làm hết sức mình thì cơ hội sống sót là rất thấp. (Thanh niên, trang 5).
Mổ tim cho bệnh nhân HIV
Các bác sĩ của BV Chợ Rẫy vừa thực hiện ca mổ tim đặc biệt cho một bệnh nhân HIV.
Đứng trước nhiều nguy cơ lây nhiễm, các bác sĩ (BS) Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy vẫn quyết định thực hiện ca mổ tim cho bệnh nhân, vì nếu không tiến hành ca mổ, bệnh nhân sẽ tử vong do tình trạng hở van tim quá nặng.
Không được phép từ chối
BS Nguyễn Thái An, Trưởng khoa Hồi sức Phẫu thuật tim, kể lại: Vào đầu tháng 1, bệnh nhân Nguyễn Thị Đ. (47 tuổi, Tây Ninh) được chuyển đến khoa trong thể trạng khó thở, ho ra máu, viêm phổi, sốt 39 độ kèm theo tình trạng hở van hai lá nặng. BS cho bệnh nhân làm các xét nghiệm. Do thể trạng quá yếu, bệnh nhân được test nhanh HIV và cho kết quả dương tính.
Mặc dù biết việc thực hiện ca mổ tim cho người bị HIV có rất nhiều nguy cơ, cả phía kíp mổ lẫn người bệnh nhưng đội ngũ BS khoa Hồi sức Phẫu thuật tim vẫn quyết định sẽ mổ cho bệnh nhân.
Các BS tư vấn cặn kẽ ưu điểm, nhược điểm của việc phẫu thuật và không phẫu thuật như thế nào để bệnh nhân và gia đình cùng hiểu. Sau đó, BS gửi kết quả đến Viện Pasteur kiểm tra lại lần nữa. Trong thời gian chờ đợi kết quả cuối cùng, bệnh nhân được chăm sóc khắc phục viêm phổi trước khi phẫu thuật tim.
“Gần 13 ngày chờ đợi, đến ngày 17-1 mới có kết quả xác định dương tính với HIV. Gia đình và cả bệnh nhân đều sốc nên chúng tôi phải cho thêm vài ngày để suy nghĩ. Đến ngày 23-1, bệnh nhân mới đồng ý lên bàn mổ để thay van tim” - BS An kể.
Đây là trường hợp đầu tiên mổ tim cho bệnh nhân HIV và là trường hợp hiếm hoi duy nhất tình trạng hở van tim rất nặng cần được giải quyết càng sớm càng tốt. “Lúc này tình trạng cấp bách là giải quyết bệnh tim ngay cho bệnh nhân. Vì vậy suốt quá trình chờ đợi, tôi cố gắng làm sao cho gia đình hiểu rằng HIV vẫn có thể giải quyết về lâu dài được nhưng bệnh tim nếu không can thiệp bệnh nhân sẽ chết” - BS Nguyễn Thị Thanh Hà, BS điều trị trực tiếp cho bệnh nhân Đ., chia sẻ.
Xung phong làm phẫu thuật
Việc mổ cho bệnh nhân HIV với các BS đã rất đáng trân trọng nhưng hành động xung phong trực tiếp mổ của một BS nội trú năm hai đang thực tập có lẽ còn đáng trân trọng hơn.
Quyết định ở lại BV trực Tết, BS Lê Kim Cao (sinh năm 1991, Phú Yên), hiện là BS nội trú thực tập tại BV Chợ Rẫy, là một trong ba thành viên của kíp mổ hôm đó. Nhớ lại ngày vào làm phẫu thuật, với một chút tâm trạng lo lắng, BS Kim Cao bày tỏ: “Lúc đó BS An trưởng khoa nói vì đây là trường hợp đặc biệt nên dựa trên tinh thần tự nguyện chứ không chỉ định người mổ như thông thường. Mình thấy có hai anh BS đồng ý mổ rồi nên mình cũng xung phong vào phẫu thuật. Lúc đó cũng không lo lắng gì nhiều, chỉ nghĩ bệnh nhân đang cần mình, trách nhiệm của một BS phải làm nên mình xin vào phẫu thuật thôi” - BS Cao kể lại.
Khi được hỏi về nỗi lo lắng lây nhiễm khi tiếp xúc dao kéo với bệnh nhân HIV, BS Kim Cao chia sẻ: “Thực sự lúc đó mình không lo lắng quá nhiều, vì đã quyết định vào phẫu thuật thì phải làm hết mình. Khi đó mình chỉ nghĩ nếu lỡ không may kim chọc vào tay hay dao cắt trúng thì mình điều trị phơi nhiễm vẫn được. Chứ ai cũng sợ, không chịu mổ thì bệnh nhân sẽ không còn cơ hội. Quả thật ở giảng đường tụi mình đã được học về trường hợp này nhưng khi gặp trong thực tế là chuyện hoàn toàn khác. Mình nghĩ phải trải qua thực tế thì mới học hỏi được kinh nghiệm” - BS Lê Kim Cao tâm sự.
Theo BS An, khoa đặt yêu cầu các BS xem đây là một ca mổ bình thường, không kỳ thị. Vấn đề chính là phải chuẩn bị các trang thiết bị phẫu thuật riêng, quần áo riêng và chế độ chăm sóc riêng. Đảm bảo an toàn cho cả bệnh nhân và người làm phẫu thuật.
Sau mổ hai tuần, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và có thể xuất viện. “Vấn đề còn lại bây giờ là điều trị HIV, may là bệnh nhân chỉ mới ở giai đoạn đầu nên cơ hội chữa trị vẫn còn rất nhiều” - BS An cho biết.
Bác sĩ không bao giờ từ chối bệnh nhân
Qua phẫu thuật, chúng tôi chỉ muốn nhắn nhủ với bệnh nhân, BV Chợ Rẫy và anh em trong ngành y tế luôn làm việc với tinh thần nếu bệnh nhân cần chúng tôi luôn sẵn sàng. Mặt khác, đối với một bệnh nhân bị HIV kèm với bệnh tim hay tim kèm với ung thư chẳng hạn thì vẫn luôn có cách điều trị, chỉ mong bệnh nhân đừng buông xuôi quá sớm. Với chúng tôi, chỉ có bệnh nhân từ chối BS chứ BS không bao giờ từ chối bệnh nhân. (Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, trang 13).