Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 14/2/2020

  • |
T5g.org.vn - Sản xuất khẩu trang bằng giấy vệ sinh: Có thể xử lý hình sự; Thủ tướng tặng bằng khen cho tổ bay Vietnam Airlines đến Vũ Hán; Vĩnh Phúc cho nghỉ thêm 1 tuần, nhiều nơi cân nhắc cho học sinh trở lại trường…

 

Thủ tướng biểu dương cả hệ thống vào cuộc quyết liệt, chống dịch hiệu quả

Là nước có nguy cơ bùng phát dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV hay còn gọi là COVID-19) rất cao, song đến thời điểm hiện tại, số ca nhiễm bệnh của Việt Nam ít, việc điều trị cũng rất khả quan…

Tại cuộc họp sáng 12/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona gây ra cho biết: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương sự nỗ lực của Ban Chỉ đạo, các thành viên Ban Chỉ đạo; biểu dương sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các bộ ngành, địa phương, các y bác sĩ, ý thức tham gia phòng chống dịch với trách nhiệm rất cao của mỗi người dân.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh yêu cầu là phải quyết tâm ngăn chặn bằng được dịch bệnh; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, khoanh vùng dập dịch tại chỗ, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế, cố gắng không để có trường hợp tử vong vì dịch bệnh.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu thống nhất cho rằng, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Việt Nam là nước có nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao, song đến thời điểm hiện tại, số ca nhiễm bệnh của nước ta ít, việc điều trị cũng rất khả quan…

Các đại biểu cho rằng, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự tham gia ngăn ngừa dịch bệnh với ý thức rất cao của mỗi người dân, chúng ta đã làm tốt công tác sàng lọc, ngăn ngừa, cách ly người nghi nhiễm; tiến hành vệ sinh, tiêu độc, khử trùng những khu vực nguy cơ lây nhiễm cao; hạn chế tập trung ở những nơi đông người… Đến thời điểm hiện tại, tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát tốt.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng đây là "thời kỳ vàng" trong sàng lọc, cách ly y tế để kiểm soát dịch. Ảnh: VGP/Đình Nam

Các đại biểu cũng tập trung thảo luận các giải pháp và thống nhất một số nội dung liên quan đến công tác tổ chức cách ly; các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh dịch tễ trong các cơ sở giáo dục đào tạo để chuẩn bị đón học sinh đi học trở lại; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để người dân hiểu và sử dụng khẩu trang hợp lý; công tác phân tuyến khám bệnh và điều trị bệnh…

Đối với Vĩnh Phúc (địa phương có nhiều người nhiễm bệnh nhất), các ý kiến đề nghị cần lập sở chỉ huy tiền phương, tăng cường bác sĩ từ trung ương, hỗ trợ trang thiết bị, vật tư y tế về giúp địa phương khoanh vùng, dập dịch tại chỗ.

Đặc biệt, các thành viên Ban Chỉ đạo cũng đề nghị cấp uỷ, chính quyền các địa phương tiếp tục quyết liệt, làm tốt công tác sàng lọc, cách ly y tế, bởi đây là “thời kỳ vàng” để tổ chức thực hiện cách ly ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, nhất là những người thuộc diện nghi ngờ phối hợp với cơ quan chức năng, thực hiện thật tốt công tác cách ly, bởi đối với mỗi người, thực hiện tốt công tác cách ly không chỉ là lợi ích, trách nhiệm với chính bản thân mình, với gia đình, người thân của mình, mà còn là nghĩa cử cao đẹp với cả cộng đồng, xã hội. Sự chung tay của mỗi người dân thực hiện cách ly trong “thời kỳ vàng” sẽ góp phần quan trọng trong việc phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này. (Gia đình & Xã hội, trang 3).

Cùng chủ đề  An ninh Thủ đô, trang 1: “Lực lượng công an là mũi nhọn , sát cánh cùng ngành Y tế phòng chống dịch”.

 

Thủ tướng tặng bằng khen cho tổ bay Vietnam Airlines đến Vũ Hán

Ngày 13/2, tại sân bay quốc tế Nội Bài, ông Nguyễn Hoàng Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trao tặng Bằng khen cho tổ bay Vietnam Airlines thực hiện chuyến bay đến, đi từ Vũ Hán vào ngày 9/2 và 10/2 vừa qua.

Tổ bay đã thực hiện hành trình gồm 15 thành viên được Vietnam Airlines lựa chọn từ gần 100 phi công, tiếp viên, thợ kỹ thuật, nhân viên mặt đất tình nguyện đăng ký lên đường làm nhiệm vụ. Tổ bay gồm có 2 chuyên gia điều hành, 3 phi công, 5 tiếp viên, 2 nhân viên kỹ thuật và 3 nhân viên phục vụ mặt đất. Ngoài phi hành đoàn, tham gia thực hiện chuyến bay còn có các bộ phận trực điều hành dưới mặt đất để theo dõi sát sao chuyến bay với mức độ ưu tiên cao nhất, đảm bảo đúng kế hoạch đề ra.

Trong vòng 9 tiếng từ đêm 9/2 đến rạng sáng ngày 10/2, tổ bay và các bộ phận mặt đất của Vietnam Airlines đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao, bao gồm đưa công dân Trung Quốc và công dân Việt Nam trở về quê hương; vận chuyển trang thiết bị, vật tư y tế của Chính phủ, nhân dân, Hội chữ thập đỏ Việt Nam trao tặng Chính phủ, nhân dân Trung Quốc cùng hàng hóa y tế của Vietnam Airlines ủng hộ các hãng hàng không Trung Quốc.

Kết thúc hành trình, tổ bay từ Vũ Hán trở về hiện đang được cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế cũng như được kiểm tra sức khoẻ thường xuyên. Tình trạng sức khỏe của tất cả các thành viên đều duy trì ổn định. (Công an Nhân dân, trang 1).

Cùng chủ đề Báo Nông thôn Ngày nay, trang 1: “Thủ tướng tặng bằng khen cho tổ bay Vũ Hán”; Sức khỏe & Đời sống, trang 2: “Thủ tướng tặng Bằng khen cho tổ bay đến Vũ Hán đón 30 công dân Việt Nam”; An ninh Thủ đô, trang 2: “Phi hành đoàn đón 30 công dân từ Vũ Hán được Thủ tướng tặng Bằng khen”.

 

Tôn vinh các bác sĩ luôn sẵn sàng vì nhiệm vụ cao cả

Chia sẻ với Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, các bác sĩ cho biết, bản thân luôn cảm ơn Bộ, lãnh đạo bệnh viện đã tin tưởng giao nhiệm vụ cao cả để cùng phối hợp đưa 30 công dân Việt Nam từ Trung Quốc về nước an toàn.

Những điển hình tiêu biểu trong ngành Y

Chiều tối 11/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cùng đoàn công tác có mặt tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (cơ sở Đông Anh) để động viên và trao Bằng khen cho 4 tập thể, 3 cá nhân thuộc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã có thành tích xuất sắc khi đón đoàn 30 công dân Việt Nam trở về từ TP Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) tránh nhiễm COVID-19 (nCoV).

Các tập thể được nhận Bằng khen của Bộ Y tế gồm: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương; Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương); Khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương); Khoa Vi rút - Ký sinh trùng (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương). Ba cá nhân được Bộ tặng Bằng khen gồm: Một bác sĩ là Phó trưởng khoa Cấp cứu; Một điều dưỡng viên khoa Cấp cứu; Một bác sĩ nội trú (Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Bệnh viện Phụ sản Trung ương).

Cũng tại buổi lễ, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đã biểu dương các tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đón 30 công dân Việt Nam trở về nước và đưa vào khu cách ly an toàn. 30 công dân trở về đều có tâm lý thoải mái, yên tâm và được sinh hoạt, nghỉ ngơi, chăm sóc một cách tận tình, tâm huyết từ phía Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Phía Bệnh viện cũng nhận được sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, Bộ Y tế và luôn sẵn sàng về nhân lực, vật lực, thuốc men, trang thiết bị để thu dung để điều trị cho bệnh nhân với khả năng cao nhất.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đánh giá, 3 nhân viên Y tế tham gia cùng đoàn đón 30 công dân trở về nước là "những tấm gương đáng quý", là "điển hình tiêu biểu trong ngành Y", sẵn sàng nhận nhiệm vụ được giao và đã trở về an toàn, ổn định.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 (nCoV), Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương nêu cao tinh thần quyết tâm, dù khó khăn đến mấy cũng tạo điều kiện để thu dung, điều trị bệnh nhân vượt quá khả năng điều trị của tuyến dưới; Đảm bảo khu cách ly tuyệt đối an toàn nhất tránh việc lây nhiễm chéo trong bệnh viện; Làm tốt công tác tập huấn, chuyển giao, hướng dẫn chuyên môn cho cấp dưới, sẵn sàng có đội phản ứng nhanh hỗ trợ cho tuyến dưới.

Sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ

Trò chuyện với 3 bác sĩ cùng đoàn đưa 30 công dân Việt Nam trở về nước an toàn, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên chia sẻ: "Thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, tôi mong rằng các bác sĩ luôn làm việc trên tinh thần cao nhất; đồng thời đóng góp một phần nhỏ bé của mình cùng với nhân dân cả nước đẩy lùi dịch bệnh này".

Đại diện một trong 3 bác sĩ vừa đón đoàn trở về bày tỏ: "Thay mặt nhóm 3 bác sĩ cùng đoàn có mặt tại Trung Quốc đưa 30 công dân Việt Nam trở về nước an toàn, chúng tôi xin chân thành cảm ơn lãnh đạo Bộ, lãnh đạo bệnh viện đã tin tưởng giao nhiệm vụ quan trọng. Chúng tôi hứa sẽ tiếp tục cố gắng hơn nữa trong công việc, cũng như khắc phục mọi khó khăn, luôn sẵn sàng hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao".

Trước đó, vào ngày 5/2, ngay sau khi nhận được công văn đề nghị của Bộ Y tế về việc cử chuyên gia y tế và chuẩn bị trang thiết bị hỗ trợ việc đưa công dân Việt Nam từ Trung Quốc về nước, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã cử một bác sĩ và trang thiết bị chuyên dụng cần thiết tham gia đội chuyên gia y tế qua Hồ Bắc, Trung Quốc. Trong 30 hành khách trở về có một sản phụ đang mang thai sắp đến ngày sinh, vì vậy rất cần có bác sĩ chuyên khoa sản cùng tham gia chuyến đi, sẵn sàng trợ giúp thai phụ trên chuyến bay. Rạng sáng 10/2, máy bay của hãng Vietnam Airlines đã đưa 30 công dân Việt Nam ở về Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn, Quảng Ninh an toàn. Chuyến bay được Vietnam Airlines phục vụ theo tiêu chuẩn cao với tổ bay giàu kinh nghiệm, đội ngũ kỹ sư, nhân viên kỹ thuật, mặt đất có chuyên môn. Phụ tùng, vật tư dự phòng cũng được hãng đưa lên máy bay để ứng phó với tình huống phát sinh liên quan đến kỹ thuật. Các bộ phận mặt đất được huy động để tăng cường trực điều hành, theo dõi sát sao chuyến bay với mức độ ưu tiên cao nhất, đảm bảo kế hoạch đề ra. Nhằm bảo vệ an toàn sức khỏe cho hành khách và người lao động ở cả hai đầu Vũ Hán và Việt Nam, Vietnam Airlines đã phối hợp với các cơ quan chức năng trang bị đồ bảo hộ y tế đặc chủng cho tổ bay và nhân viên mặt đất; điều phối chuyên gia, thiết bị y tế chuyên dụng lên chuyến bay. Hãng cũng phối hợp với nhà chức trách tại Vũ Hán kiểm tra sức khỏe của tất cả hành khách và phi hành đoàn trước khi lên máy bay. (Gia đình & Xã hội, trang 1).

 

Vĩnh Phúc cho nghỉ thêm 1 tuần, nhiều nơi cân nhắc cho học sinh trở lại trường

Hiện tại, một số tỉnh, thành đã lên kế hoạch để học sinh trên địa bàn đi học trở lại từ ngày 17/2. Trong khi đó, đối với địa phương có trường hợp dương tính với COVID-19 (nCoV) cụ thể là Vĩnh Phúc, ngành Giáo dục cũng đã đề xuất cho học sinh nghỉ thêm 1 tuần nữa để phòng chống dịch bệnh.

Thêm 6 học sinh ở Vĩnh Phúc được cách ly tập trung

Liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 (nCoV) trong ngành giáo dục, Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã có văn bản tham mưu với UBND tỉnh về cho phép học sinh nghỉ thêm một tuần. Bởi tính đến chiều ngày 12/2, tỉnh Vĩnh Phúc có thêm 6 học sinh thuộc diện cách ly tập trung, đây đều là những học sinh đã từng tiếp xúc với nữ sinh N.T.T.D (có kết quả dương tính với COVID-19 (nCoV) vào ngày 6/2) Trường THPT Võ Thị Sáu (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc).

Dựa trên tình hình hiện nay, ông Nguyễn Việt Hà, Phó trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cho biết: "Sở GD&ĐT đã tham mưu đề xuất với UBND tỉnh cho hơn 300 nghìn học sinh nghỉ học thêm một tuần, từ 17 đến 23/2 để đảm bảo công tác phòng, chống dịch của địa phương". Theo Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, trong thời gian nghỉ, các phương án dạy học, giao bài tập dưới dạng trực tuyến tiếp tục được thực hiện. Bên cạnh đó, các trường học tiếp tục tạm ngừng tất cả các hoạt động chính khóa, ngoại khóa. Triển khai công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trường, lớp…

Báo cáo của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cho thấy, qua rà soát cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh đã đến và đi từ vùng có dịch, hoặc đã tiếp xúc với người được xác định dương tính với COVID-19 (nCoV) cho thấy, ngoài học sinh dương tính COVID-19 (nCoV) ở Trường THPT Võ Thị Sáu, có 2 giáo viên Trường tiểu học Gia Khánh B (Bình Xuyên) có chồng tiếp xúc trực tiếp với người dương tính với COVID-19 (nCoV). Trường mầm non Minh Quang có 4 học sinh là cháu ruột đã tiếp xúc với bệnh nhân dương tính với COVID-19 (nCoV). Trường THCS Sơn Lôi có một học sinh đã tiếp xúc với bệnh nhân dương tính. Các trường hợp tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp khác được giám sát chặt chẽ tình hình sức khỏe, tự cách ly ở nhà.

Cũng theo báo cáo của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, tính đến hết ngày 11/2, toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 38 học sinh có biểu hiện sốt, ho, khó thở hiện đang được theo dõi sức khoẻ. Cụ thể, tại huyện Bình Xuyên có 26 học sinh. Trong đó, có 4 trường hợp ở Trường mầm non Sơn Lôi; THCS Sơn Lôi có 1 trường hợp và TH Gia Khánh B có 19 trường hợp. Huyện Phúc Yên có 11 học sinh Trường THPT Hai Bà Trưng; huyện Tam Đảo có 1 học sinh Trường THCS Minh Quang có biểu hiện ho, sốt. Các nhà trường có giáo viên, học sinh xuất hiện triệu chứng ho, sốt, khó thở đã phối hợp với cơ sở y tế và gia đình theo dõi sát tình hình sức khỏe.

Nâng cao các biện pháp phòng, chống dịch

Khác với Vĩnh Phúc, đối với một số địa phương khác, sau khi hết thời gian tạm nghỉ học để phòng chống dịch bệnh COVID-19 (nCoV) 2 tuần (từ 3/2 đến hết 16/2) đã lên phương án, quyết định cho học sinh đi học trở lại từ ngày 17/2. Cụ thể, UBND tỉnh Đồng Nai đã chấp thuận đề xuất của Sở GD&ĐT Đồng Nai về việc cho học sinh, sinh viên, học viên các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh trở lại trường vào ngày thứ Hai (17/2). Trong thời gian học sinh đi học trở lại, các đơn vị, trường học nâng cao các biện pháp phòng, chống dịch, cho học sinh, phụ huynh, theo dõi chặt chẽ tình hình sức khoẻ của học sinh….

Còn tại TP.HCM, Sở GD&ĐT TP.HCM cũng đang xem xét, cân nhắc trên cơ sở thống nhất ý kiến với Sở Y tế trong việc tham mưu UBND thành phố về quyết định thời gian học sinh trở lại trường học sau 2 tuần nghỉ học. Nhiều khả năng học sinh TP.HCM sẽ quay trở lại trường học từ đầu tuần sau (ngày 17/2).

Liên quan đến hoạt động cho phép học sinh nghỉ học cũng như điều kiện để học sinh đến trường trở lại, ngày 9/2, Bộ Y tế đã có Công văn khẩn số 566/BYT-DP gửi Bộ GD&ĐT về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của COVID-19 (nCoV) tại cơ sở giáo dục, trường học. Theo đó, đối với các địa phương không có dịch có thể cho học sinh đi học sau khi đã tiêu độc, khử trùng lớp học, vệ sinh bàn ghế, lớp học, đảm bảo các điều kiện vệ sinh phòng bệnh cho các cháu (nước sạch và xà phòng). Các địa phương hướng dẫn cho các cháu, cha mẹ học sinh, các thầy cô giáo về cách thức phòng bệnh và ngăn ngừa lây nhiễm, không để lây nhiễm COVID-19 (nCoV) trong trường học.

Bộ Y tế cũng đã đề nghị Bộ GĐ&ĐT chỉ đạo việc các trường đưa chương trình giảng dạy về COVID-19 (nCoV) vào chương trình dạy học cho học sinh, sinh viên biết cách phòng bệnh. Đối với những địa phương có báo cáo trường hợp bệnh, tiếp tục theo dõi tình hình và chỉ cho các cháu đi học trở lại sau khi tiến hành tiêu độc, khử trùng lớp học, vệ sinh bàn ghế, các điều kiện trong phòng bệnh cho học sinh và sau trường hợp nhiễm COVID-19 (nCoV) đã được cách ly 14 ngày và không phát sinh ca mới.

Trước đó, Bộ GD&ĐT đã gửi công văn hỏa tốc tới các Sở GD&ĐT hướng dẫn chuẩn bị các điều kiện khi học sinh trở lại trường sau thời gian tạm nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (nCoV). Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện phòng, chống dịch bệnh để đón học sinh trở lại trường học theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố việc quyết định thời gian cho các đối tượng học sinh được nghỉ học hoặc đi học trở lại phù hợp với lứa tuổi và khu vực.

Theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục chuẩn bị đồng bộ các biện pháp để đón học sinh trở lại trường sau thời gian tạm nghỉ, bảo đảm an toàn tuyệt đối về sức khỏe và tinh thần của tất cả học sinh, giáo viên theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn để sớm ổn định tình hình và duy trì nền nếp dạy học. Xây dựng kế hoạch học bù cho học sinh tại địa phương theo nguyên tắc phải bảo đảm thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục theo quy định. Căn cứ vào tình hình thực tiễn, Bộ GD&ĐT sẽ quyết định việc điều chỉnh một số mốc thời gian trong Quyết định 2071/QĐ-BGDĐT ngày 16/6/2017 để các địa phương xây dựng kế hoạch học bù bảo đảm khả thi và thực hiện chất lượng, hiệu quả. (Gia đình & Xã hội, trang 1).

Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân, trang 1: “Đảm bảo an toàn khi học sinh, sinh viên đi học trở lại”; Sài Gòn giải phóng, trang4: “Sẵn sàng đón học sinh trở lại trường”; Nhân dân, trang 5: “Bảo đảm các điều kiện phòng bệnh tại trường học” ; Hà Nội mới, trang 1: “Quyết tâm đón học sinh trở lại trường an toàn”; Phụ nữ Việt Nam, trang 1: “Tăng cường các biện pháp phòng dịch khi học sinh trở lại trường”.

 

Vĩnh Phúc tập trung mọi nguồn lực cho phòng chống dịch Covid-19 (nCoV)

Trước tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, sáng 12/2, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tổ chức họp, đưa ra các chủ trương, biện pháp thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra (dịch Covid-19 (nCoV) trên địa bàn Vĩnh Phúc.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 (nCoV) tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tính đến 16 giờ ngày 11/2/2020, tổng số trường hợp được theo dõi nhiễm nCoV trên địa bàn tỉnh là 373 trường hợp, trong đó dương tính 10 trường hợp; nghi ngờ được cách ly và giám sát 63 trường hợp; liên quan tiếp xúc gần 310 trường hợp.

Tại cuộc họp, các đại biểu thảo luận và cho ý kiến về trưng dụng và sử dụng Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật (cũ) trên đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Vĩnh Yên làm cơ sở khám chữa bệnh phục vụ chống dịch; trưng dụng Trường Quân sự của tỉnh làm cơ sở cách ly tập trung để phòng chống dịch bệnh...; đề nghị các đoàn viên thanh niên, các tổ chức chính trị- xã hội... cùng vào cuộc với ngành chức năng vận động, tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện tốt các công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là việc cách ly tại các cơ sở...

Bà Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc yêu cầu ngành y tế tiếp tục cung cấp đầy đủ vật tư y tế cho người dân trong tỉnh; khẩn trương đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất y tế, vật tư phục vụ nhu cầu thiết yếu tại bệnh viện, các cơ sở y tế, đặc biệt là các vùng dịch; huy động cao độ lực lượng y tế tuyến tỉnh, bệnh viện quân đội, bệnh viện Trung ương... hỗ trợ công tác phòng dịch, dập dịch hiệu quả cao nhất.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc chỉ đạo lực lượng quân đội, công an, ngành y tế, các cơ quan đơn vị... vào cuộc mạnh mẽ, không để dịch bệnh lây lan sang y bác sỹ, nhân viên y tế và luôn ưu tiên quan tâm chăm sóc, bảo vệ đến đối tượng người già, trẻ nhỏ, người sức khỏe yếu sức đề kháng không tốt... ở địa phương có dịch bệnh; dừng các hoạt động tụ tập đông người như lễ hội, liên hoan, hội làng.../. (Gia đình & Xã hội, trang 1).

 

Chống Covid-19 nơi phên dậu - Bài 2: Chưa hết dịch, chưa về

Với đặc thù có nhiều đường mòn, lối tắt, nên việc người dân qua lại, xuất nhập cảnh trái phép trên tuyến biên giới phía Bắc dẫn tới nhiều nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập. Suốt từ Tết Nguyên đán tới nay, ngày cũng như đêm, bất kể thời tiết khắc nghiệt, lực lượng biên phòng ở Lạng Sơn và các tỉnh biên giới phía Bắc căng mình ngăn chặn người xuất nhập cảnh trái phép để hạn chế sự xâm nhập, lây lan của dịch bệnh...

Bất chấp khó khăn, nguy cơ

Những đợt gió mùa Đông Bắc liên tục tăng cường, kèm theo mưa phùn khiến cái lạnh miền biên ải càng thêm tê tái. Cách Đồn Biên phòng Tân Thanh (Lạng Sơn) chừng hơn 1km về phía cửa khẩu là đường mòn cánh gà ở thôn Nà Hán, xã Tân Thanh dẫn ra biên giới.

Vào những ngày thường, ở khu vực này có khá đông bà con địa phương qua lại, nhưng kể từ khi Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, hầu như tại đường mòn không mấy ai qua lại, chỉ trừ những chiến sĩ biên phòng tuần tra canh gác.

Lúc này đã cuối giờ chiều ngày 11-2, Thiếu tá Hoàng Văn Thành cùng với 2 chiến sĩ trẻ vừa đi tuần tra trên biên giới về chiếc lán dã chiến dựng ngay đầu đường mòn. Sau khi báo cáo tình hình về đơn vị, Thiếu tá Thành cùng các đồng đội của mình ở lại lán tiếp tục chốt chặn cho tới khi có đội khác lên thay.

Trong cái gió lạnh lùa hun hút qua cửa lán sơ sài, Thiếu tá Hoàng Văn Thành chia sẻ: “Ở đây thời tiết rất khắc nghiệt, địa hình vô cùng hiểm trở, nhiều lúc cũng cảm thấy mệt mỏi nhưng anh em bảo nhau phải cố gắng vượt qua để bảo vệ biên giới, phòng chống dịch bệnh, ngăn chặn và xử lý những người xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới. Dù có khó khăn gian khổ thế nào anh em đều quyết tâm cao nhất, cố gắng khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ...” - người đã có hơn 30 năm gắn bó với binh nghiệp khẳng định.

Quệt vội những giọt mồ hôi sau khi đi tuần tra trên chốt về cùng Thiếu tá Thành, Trung úy Trịnh Quốc Hưng (27 tuổi, quê Văn Lâm, Hưng Yên) tâm sự: Từ khi Covid-19 bùng nổ, anh em cứ thay phiên nhau tuần tra, chốt chặn tại các đường mòn lối mở 24/24 giờ nên ai cũng thiếu ngủ. Mỗi đêm chợp mắt khoảng 4 tiếng lại phải thay nhau tuần tra, canh gác.

Cách lán trực tại thôn Nà Hán chừng hơn 1km là lán trực tại vị trí Đồi Cao. Tại đây, dù mới vào quân ngũ được 1 năm nhưng Nông Khánh Vương (quê Đình Lập, Lạng Sơn) đã rất cứng cỏi và mạnh mẽ. “Ngày nào bố mẹ em cũng lo lắng gọi điện thoại nhưng em nói bố mẹ cứ yên tâm đi, nhiệm vụ chưa xong, dịch bệnh chưa hết thì con chưa về nhà thăm bố mẹ được. Ở đây, ai cũng vậy mà anh...” - Vương bộc bạch.

Vừa chống dịch vừa dân vận

Đồn Biên phòng Tân Thanh có nhiệm vụ bảo vệ hơn 13,4km đường biên với 38 mốc, đồng thời đồn cũng quản lý địa bàn 2 xã Tân Thanh và Tân Mỹ với khoảng 5.500 nhân khẩu.

Trên địa bàn có nhiều đường mòn, lối tắt bà con qua lại biên giới nên khi Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, thực hiện chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh, Đồn Biên phòng Tân Thanh đã huy động 100% quân số, cùng 30 chiến sĩ tăng cường từ tỉnh lên, lập 19 chốt lán trên biên giới, cùng với 6 tổ cơ động nhằm ngăn chặn, xử lý người xuất nhập cảnh trái phép để hạn chế sự xâm nhập, lây lan của dịch bệnh.

Hơn tháng nay, cán bộ chiến sĩ đồn luôn trong trạng thái “cấm trại”. Hầu hết cán bộ, chiến sĩ của đồn đều nhiều tuần qua không về nhà. Ngay như Thiếu tá Thành, nhà ở ngay huyện gần đó là Văn Quan (Lạng Sơn) nhưng anh cũng không rời đơn vị. Còn với Trung úy Hưng, dù nhớ vợ, thương con nhưng hai từ “về phép” xem ra cũng rất... xa xỉ!

Theo Thiếu tá Đặng Hùng Cường, Phó trưởng Đồn Biên phòng Tân Thanh, với việc tăng cường chốt chặn tại các đường mòn trên biên giới, cán bộ chiến sĩ của đồn đã phát hiện xử lý kịp thời nhiều vụ xuất nhập cảnh trái phép. Không chỉ tăng cường chốt chặn, tuần tra trên biên giới mà lực lượng cán bộ, chiến sĩ còn đẩy mạnh công tác dân vận, vận động tuyên truyền cho người dân địa phương biết cách phòng chống dịch bệnh, trao tặng bà con 5.500 chiếc khẩu trang y tế phòng bệnh.

Đặc biệt hơn nữa, nhờ công tác vận động tuyên truyền của cán bộ, chiến sĩ biên phòng nơi đây mà gần 500 người có ý định xuất cảnh trái phép đã từ bỏ ý định này và ở lại quê hương lao động sản xuất. Không chỉ có Đồn Biên phòng Tân Thanh mà tất cả các đồn biên phòng ở Lạng Sơn cũng như các tỉnh biên giới phía Bắc đều tập trung toàn lực thực hiện nhiệm vụ.

Theo lãnh đạo Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Lạng Sơn, đến nay, trên toàn tuyến biên giới có 91 lán chốt chặn với gần 600 cán bộ, chiến sĩ; 26 tổ cơ động tuần tra kiểm soát 24/24 giờ. Vì thế trong thời gian qua, các đồn biên phòng đã phát hiện, xử lý 11 vụ với 50 công dân Việt Nam bị phía Trung Quốc đưa về và tự về qua các đường mòn trên biên giới. Cùng với đó, lực lượng biên phòng nơi đây còn bắt giữ 8 vụ với hơn 81.000 chiếc khẩu trang y tế đang được vận chuyển trái phép để đưa sang biên giới.

Những người lính trong quân phục màu xanh vẫn đang ngày đêm bất chấp mọi vất vả, khó khăn, nguy cơ bị lây nhiễm cao, nỗ lực hết sức để phòng chống, ngăn chặn Covid-19 lây lan với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Nhờ các anh, những đường mòn lối mở nơi địa đầu tổ quốc vẫn chốt chặn vững chắc... (Sài Gòn giải phóng, trang 6).

 

Ca nhiễm Covid-19 thứ 16 tại Việt Nam

Trưa 13-2, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam ghi nhận thêm 1 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Corona (Covid-19). Như vậy tính đến thời điểm này, Việt Nam đã có 16 người bị dịch bệnh Covid-19, riêng tỉnh Vĩnh Phúc có 11 trường hợp, đã có 7 trường hợp khỏi bệnh.

Bệnh nhân thứ 16 là nam giới (50 tuổi, xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc). Bệnh nhân là bố đẻ của bệnh nhân N. T. D (1 trong 8 người đi từ Vũ Hán về đã được báo cáo trước đây). Bệnh nhân ở cùng nhà với bệnh nhân D trong thời gian bệnh nhân D trở về Việt Nam từ Vũ Hán đến lúc được nhập viện cách ly. Mẹ và em gái của bệnh nhân D cũng đã được xác định mắc bệnh Covid- 19 và đang được điều trị tại cơ sở y tế. Như vậy trong gia đình bệnh nhân thứ 16  có 4 người thì 3 người bao gồm vợ và 2 con gái đều bị mắc bệnh.

Sau khi xác định vợ và 2 con gái bệnh nhân bị mắc dịch bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa nam bệnh nhân vào danh sách người tiếp xúc gần, được cách ly và theo dõi sức khoẻ hàng ngày. Trong quá trình theo dõi, bệnh nhân không có biểu hiện sốt, ho, khó thở.

Tuy nhiên, ngày 11-2-2020, bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi thoáng qua, được cán bộ y tế ghi nhận, lấy mẫu và gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm và cho kết quả dương tính với Covid-19. Hiện tại, bệnh nhân đang được cách ly tại Phòng khám đa khoa Quang Hà, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc và trong tình trạng sức khoẻ ổn định.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến 12 giờ ngày 13-2, trên thế giới có 60.062 trường hợp mắc Covid-19; trong đó có 568 trường hợp mắc bên ngoài Trung Quốc; với 1.355 trường hợp tử vong và 5.542 người hồi phục xuất viện. (Sài Gòn giải phóng, trang 1).

 

Tổ công tác đặc biệt về Vĩnh Phúc hỗ trợ dập dịch COVID-19

Ngày 13.2, đoàn công tác đặc biệt của Bộ Y tế đã tới xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc tham gia dập dịch và ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 do chủng mới của virus Corona (nCoV).

Ngày 13.2, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu ban Điều trị cùng các chuyên gia Truyền nhiễm của Bộ Y tế từ Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý Môi trường Y tế, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện sức khỏe nghề nghiệp y tế, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh viện Bạch Mai phối hợp với Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức cho cán bộ y tế tỉnh Vĩnh Phúc về chẩn đoán điều trị, dự phòng, kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viêm đường hô hấp cấp tính COVID-19.

Theo Bộ Y tế, nhiệm vụ của Tổ công tác đặc biệt được cử đến Vĩnh Phúc là tham gia dập dịch và khoanh vùng, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết Tổ công tác có hai đội. Đội thứ nhất giúp Vĩnh Phúc hướng dẫn công tác dự phòng, khoanh vùng dập dịch, đảm bảo yếu tố môi trường. Đội thứ hai giúp công tác thu dung, điều trị bệnh nhân. Trong số thành viên của Tổ công tác đặc biệt có các bác sĩ từ tuyến trung ương và Viện Vệ sinh Dịch tễ.

"Tổ Công tác đặc biệt này sẽ trực tiếp làm việc ở Vĩnh Phúc 24/24h, đến khi nào tình hình dịch bệnh ở địa phương ổn định mới rút về", Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nói. Thứ trưởng cũng cho biết hiện đối với Vĩnh Phúc, ưu tiên nhất là phải làm tốt công tác khoanh vùng, ngăn ngừa lây lan. Với những xã có bệnh nhân, cần thành lập các trạm kiểm soát, kiểm dịch mọi phương tiện ra vào, phun thuốc khử trùng. Các chốt hoạt động đến khi nào dịch bệnh ở địa phương đó được khống chế.

Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước ghi nhận trường hợp lây nhiễm tại cộng đồng. Tính đến ngày 13.2, Vĩnh Phúc ghi nhận 11 trường hợp mắc tại 3 huyện là Bình Xuyên (9 trường hợp), Tam Đảo (1) và Tam Dương (1). Trong đó, đã có 6 trường hợp mắc do lây truyền thứ phát tại huyện Bình Xuyên.

Trước đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức triển khai các chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế như tổ chức điều tra các trường hợp bệnh, xử lý ổ dịch, thu dung, cách ly, điều trị các trường hợp mắc và nghi mắc, phòng chống nhiễm khuẩn tại các cơ sở điều trị; lập danh sách, thực hiện cách ly, theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe các trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Đồng thời, thực hiện tiêu độc khử trùng tại tất cả trường học, bệnh viện, khu vực công cộng, tại hộ gia đình và khu dân cư; khuyến cáo người dân tự phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe bằng cách thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng khẩu trang đúng cách; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại địa bàn. (Lao động, trang 1).

Cùng chủ đề Nông thôn Ngày nay, trang 5: “Lập tổ công tác đặc biệt trợ giúp Vĩnh Phúc”; Sức khỏe & Đời sống, trang 3: “Bộ Y tế đồng hành, hỗ trợ Vĩnh Phúc phòng chống dịch bệnh COVID-19”; Tuổi trẻ, trang 4: “Đoàn công tác đặc biệt đến Vĩnh Phúc giúp dập dịch”.

 

Cách hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cho trẻ

Ngày 11/02, theo thông tin từ Bộ Y tế, Việt Nam xác nhận trường hợp nhiễm COVID-19 thứ 15 là một bé gái 3 tháng tuổi tại Vĩnh Phúc. Trường hợp nhiễm bệnh nhỏ tuổi nhất trong 15 bệnh nhân dương tính với COVID-19 được rất nhiều phụ huynh quan tâm. Cuộc trao đổi giữa PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thuý - Trưởng Bộ môn Nhi, trường Đại học Y Hà Nội với phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống sẽ giúp bạn đọc có phương án chăm sóc trẻ đúng cách, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm, đặc biệt đối với trẻ nhỏ.

PV: Thưa PGS, với trường hợp của cháu bé 3 tháng tuổi bị nhiễm COVID-19, chúng ta nên có những phương án gì để phòng ngừa lây nhiễm chéo từ bệnh nhi sang mẹ?

PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thuý: Theo nghiên cứu, COVID-19 cũng tương tự như các virus khác là lây truyền qua 2 đường chính đó là không khí và giọt bắn chứ chưa có nghiên cứu chứng minh bệnh lây qua nguồn sữa mẹ hay đường máu. Bé vẫn cần được tiếp tục uống sữa mẹ, đồng thời trong sữa mẹ cũng cung cấp miễn dịch cho trẻ. Không nên cách ly người mẹ với bé mà nên có các biện pháp bảo vệ người mẹ tối đa để hạn chế lây nhiễm chéo như đeo khẩu trang kín, vắt sữa cho trẻ bú… và tiếp tục theo dõi phát hiện sớm các triệu chứng của trẻ.

PV: Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, người lớn cần làm gì để con an toàn?

PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thuý: Mẹ là người gần bé nhất, là nguồn lây trực tiếp với đứa trẻ. Vì vậy người mẹ cần lưu ý, để tránh lây nhiễm cho con, cần hạn chế đi lại nơi đông người, hạn chế đi vào vùng công bố dịch hoặc đã có người nhiễm COVID-19, đeo khẩu trang thường xuyên khi đi ra ngoài. Thực hiện vệ sinh tay chân, toàn thân, thậm chí thay quần áo trước khi tiếp xúc với trẻ. Giữ ấm cơ thể, giữ ấm nhà cửa vì virus hoạt động yếu hơn khi nhiệt độ nóng. Hạn chế thăm nom, ôm ấp và hôn trẻ vì bệnh rất dễ lây qua đường giọt bắn. Người mẹ cần tự bảo vệ con mình khỏi các nguy cơ lây nhiễm và mỗi người chúng ta đều nên có ý thức bảo vệ con mình.

PV: Theo PGS làm sao để trẻ đến trường mà không bị lây nhiễm COVID-19? Cần làm gì để trẻ tăng cường đề kháng và giúp con biết cách tự bảo vệ mình trước dịch bệnh?

PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thuý: Thời điểm này, phụ huynh nên rèn và dạy cho các em một số kỹ năng để phòng chống bệnh: Đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, rửa tay ở nhà, khi đến lớp và sau khi chơi đồ chơi. Tuy nhiên việc đeo khẩu trang ở trẻ rất khó, cha mẹ cần động viên, hướng dẫn con cách làm.

Đối với trẻ lớn hơn, vẫn cần duy trì sử dụng khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ. Thông thường, trẻ thường rửa tay vào các thời điểm: trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, trước khi về nhà thì trong đợt này, nên hướng dẫn trẻ vệ sinh thường xuyên hơn như sau khi chơi đồ chơi, sau mỗi tiết học,...

Nhà trường cũng cần có trách nhiệm trong việc khử trùng, giữ vệ sinh lớp học để tránh nguy cơ nhiễm bệnh và lây lan bệnh cho trẻ. COVID-19 phát tán ra không khí thường bám vào bề mặt của các đồ vật, đồ chơi trẻ em… Do đó, cần thường xuyên vệ sinh sạch sẽ các vật dụng, đồ dùng, đồ chơi của trẻ tại nhà hoặc những vị trí như tay nắm cửa bằng chất cồn hoặc dung dịch sát khuẩn để loại bỏ vết bẩn cũng như vi khuẩn, virus nhằm hạn chế sự lây nhiễm của COVID-19.

Hạn chế các lớp quá đông người, nên chia nhỏ nhóm vì tập trung đông học sinh thì mật độ lây nhiễm cao hơn bình thường. Càng ít tập trung học sinh thì càng ít nguy cơ.

Các gia đình có con bị ốm thì nên cho trẻ ở nhà ở nhà để tránh lây nhiễm cho cộng đồng. Nếu trẻ có biểu hiện nhiễm khuẩn đường hô hấp trên như ho, hắt hơi, chảy mũi… kèm theo tiền sử có tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm COVID-19, cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ theo dõi và điều trị kịp thời (không cần phải đến các bệnh viện trung ương tuyến cuối  để tránh lây nhiễm chéo) . Chế độ dinh dưỡng cũng rất quan trọng, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ giúp nâng cao sức đề kháng, chống lại bệnh tật. Em bé còn được bú mẹ phải tận dụng bú mẹ. Đối với trẻ lớn hơn, cần cung cấp đủ nước, bổ sung rau củ, trái cây. Chưa có nghiên cứu nào cho thấy uống vitamin chống được virus nhưng vitamin giúp cho hệ miễn dịch hoạt động tốt, rất cần thiết trong giai đoạn này.

PV: Xin cám ơn PGS về cuộc trao đổi này! (Sức khỏe& Đời sống, trang 1).

 

Bước tiến mới trong xây dựng y tế thông minh

Thành phố Hồ Chí Minh vừa ra mắt mô hình thí điểm trung tâm điều hành y tế thông minh. Đây được xem là trung tâm điều hành y tế thông minh đầu tiên của cả nước, đánh dấu một bước tiến mới trong lộ trình thực hiện y tế thông minh trên địa bàn thành phố.

Hiện nay, ngành y tế TP Hồ Chí Minh không chỉ phục vụ cho hơn 10 triệu người dân thành phố mà còn phục vụ, chăm sóc sức khỏe cho khoảng năm đến sáu triệu người dân từ nhiều tỉnh, thành phố. Năm 2018, số lượt khám bệnh ngoại trú tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố là hơn 45,3 triệu lượt (chiếm 25% tổng số lượt khám của cả nước) và hơn 2,5 triệu lượt điều trị nội trú (chiếm hơn 10% tổng số lượt điều trị nội trú của cả nước). Trước áp lực đó, ngành y tế thành phố phải có nguồn nhân lực và cơ sở vật chất chất lượng cao bằng trí tuệ nhân tạo và các phương tiện hiện đại để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân. Chính vì thế, việc cho ra đời trung tâm điều hành y tế thông minh sẽ giúp ngành y tế thành phố giải quyết được một phần bài toán nâng cao chất lượng hoạt động; cải thiện công tác quản lý, giám sát và chỉ đạo điều hành; hỗ trợ, góp phần nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trung tâm điều hành y tế thông minh còn có mục tiêu mang lại tiện ích tốt nhất cho nhà quản lý, cán bộ chuyên môn, bệnh nhân và người dân.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Ngọc Duy, Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế thành phố), trung tâm đã triển khai các hợp phần hạ tầng, phần cứng như: Hoàn thiện cải tạo phòng Trung tâm điều hành vật lý tại Sở Y tế; bổ sung các máy tính trạm điều khiển, wifi, màn hình hiển thị; máy chủ lưu trữ dữ liệu tại Sở Y tế... Ngoài ra, 12 hợp phần phần mềm cũng được triển khai trong giai đoạn đầu như: Xây dựng và quản lý hệ thống báo cáo thông minh, hệ thống chỉ đạo điều hành thông minh, tích hợp hệ thống khảo sát hài lòng người bệnh, khảo sát người bệnh nội trú, kết nối trung tâm cấp cứu 115... Đáng chú ý, dựa trên tình hình thực tế, Sở Y tế đã tích hợp đưa vào sử dụng hợp phần phục vụ điều hành giám sát phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona (Covid-19). Bác sĩ Nguyễn Ngọc Duy cho biết, với phần mềm này, diễn tiến của dịch bệnh trên địa bàn thành phố hay phạm vi cả nước sẽ được cập nhật chi tiết, qua đó tạo điều kiện cho công tác điều hành, chỉ đạo trong phòng, chống dịch Covid-19 được nhanh chóng, kịp thời.

Sắp tới, Trung tâm điều hành y tế thông minh sẽ đưa thêm vào ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhằm đưa ra những dự báo, cảnh báo xu hướng bệnh tật trên thế giới cũng như tại Việt Nam, đồng thời kết nối với các chuyên gia, bác sĩ trong nước và hơn 100 bệnh viện tại 12 quốc gia trên thế giới, thực hiện chuyển giao công nghệ giúp ngành y tế thành phố nâng cao chất lượng đội ngũ và phục vụ.

Nhiều năm nay, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh là một trong những đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ để tăng cường điều hành, quản lý cũng như chăm sóc bệnh nhân ngày một tốt hơn. Ngay từ năm 2016, Ban Công nghệ thông tin (Sở Y tế) đã ban hành “Khuyến cáo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý bệnh viện, hướng dẫn đến xây dựng bệnh viện thông minh” với 19 hoạt động cụ thể. Khi xây dựng y tế thông minh, Sở Y tế đã xác định bốn nhóm hoạt động chính của ngành y tế đó là: Xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành y tế, đồng thời đóng góp cho Big Data của thành phố; triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng thêm tiện ích cho người dân khi có nhu cầu chăm sóc sức khỏe; triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản trị bệnh viện và quản lý chuyên môn góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các bệnh viện và triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cải cách hành chính và quản lý ngành.

Theo bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế, thành phố chọn ưu tiên khi triển khai xây dựng y tế thông minh xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, làm sao để người dân thuận lợi hơn khi có nhu cầu sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh, dễ dàng giao tiếp với ngành y tế để phản ánh, được hướng dẫn. Xây dựng y tế thông minh cũng là giải pháp để ngành y thành phố nâng cao công tác quản lý của các cơ sở khám, chữa bệnh, tạo điều kiện cho đội ngũ nhân viên y tế tiếp cận được các kiến thức khoa học mới, kỹ thuật mới, giảm tới mức thấp nhất các nguy cơ sai sót ảnh hưởng an toàn người bệnh. Ngoài ra, xây dựng y tế thông minh cũng góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước của ngành y tế như hoạt động điều phối, giám sát, cảnh báo, dự báo; thực hiện cải cách hành chính ngành y tế một cách hiệu quả. (Nhân dân, trang TPHCM).

 

Các doanh nghiệp chủ động phòng ngừa dịch Covid - 19

Lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh nhận định, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Corona (Covid - 19) theo đúng quy định của Bộ Y tế nhằm bảo đảm nguồn nhân lực cũng như sức khỏe để người lao động yên tâm sản xuất.

Thời gian công nhân, người lao động quay trở lại đơn vị làm việc sau Tết Nguyên đán cũng rơi vào cao điểm dịch Covid-19. Nhằm bảo đảm sức khỏe cho người lao động cũng như ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh, hầu hết lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đều chủ động đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch một cách chặt chẽ, với tính phòng ngừa cao nhất.

Liên tục từ ngày 2-2 (mồng 9 tháng Giêng) cũng là ngày đầu tiên đi làm trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đến nay, Ban Giám đốc Công ty TNHH Nidec Việt Nam (quận 9) thực hiện nghiêm ngặt việc đo thân nhiệt đối với toàn bộ công nhân, lao động ngay tại cổng trước khi vào ca làm việc. Đây là một trong những yêu cầu nằm trong quy trình ứng phó dịch Covid - 19 do công ty ban hành. Sau khi đo thân nhiệt, bộ phận y tế của công ty yêu cầu công nhân, người lao động kể cả bộ phận văn phòng thực hiện rửa tay và đeo khẩu trang theo quy định. Chị Lê Thị Mây làm việc ở bộ phận kiểm tra sản phẩm cho biết, cùng với những quy định phải thực hiện trực tiếp vào đầu mỗi ca sản xuất thì thông tin về cách thức phòng, chống dịch Covid - 19 được đơn vị tuyên truyền rộng rãi, băng-rôn treo khắp nơi cho nên người lao động nắm bắt được cách phòng, chống, yên tâm lao động sản xuất. Ban Chấp hành Công đoàn Công ty cho biết, Công ty 100% vốn Nhật Bản với gần ba nghìn người lao động cho nên công tác phòng, chống dịch được các bộ phận liên quan chủ động thực hiện ngay từ đầu. Theo đó, Công ty xây dựng riêng một quy trình ứng phó, phòng, chống dịch Covid - 19.

Trường hợp có bất kỳ công nhân, nhân viên nào bị nóng, sốt, khó thở thì phải được cán bộ y tế tại chỗ hỗ trợ điều trị ngay. Ngoài ra, để hỗ trợ công nhân chăm sóc con nhỏ trong thời kỳ cao điểm phòng, chống dịch. Ban Chấp hành Công đoàn linh động giải quyết cho công nhân nghỉ phép nếu có nhu cầu nghỉ ở nhà trông con.

Tại Công ty cổ phần giày Thiên Lộc (quận 12), với khoảng 2.300 người lao động trực tiếp tham gia sản xuất cho nên đơn vị đã triển khai công tác phòng, chống dịch Covid - 19 từ trước thời điểm công nhân quay trở lại làm việc vào mồng 7 tháng Giêng. Cụ thể, Ban Chấp hành Công đoàn thực hiện phát khẩu trang miễn phí cho công nhân, mời bác sĩ Trung tâm Y tế dự phòng quận 12 đến đơn vị đo thân nhiệt cho công nhân trở về từ các địa phương. Đặc biệt, đối với những đối tác của Công ty là người Trung Quốc đến giao dịch được yêu cầu phải khai báo khu vực sinh sống trước khi nhập cảnh, thực hiện đo thân nhiệt và đeo khẩu trang ngay từ cổng bên ngoài. Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân) thông tin, tính đến nay số công nhân có mặt tại đơn vị sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán là hơn 95% (khoảng 61 nghìn người lao động) cho nên biện pháp phòng, chống dịch Covid - 19 được thực hiện xuyên suốt và sát sao. Trong đó, Công ty cũng quy định riêng với các chuyên gia đến từ Đài Loan (Trung Quốc) ở tại Ký túc xá của Công ty khi ra vào lưu trú đều phải đo thân nhiệt kiểm tra.

Công đoàn Các khu chế xuất - khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đã vận động Công đoàn cơ sở phối hợp chủ doanh nghiệp tuyên truyền và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid - 19 trong công nhân. Qua vận động, nhiều doanh nghiệp đã phát khẩu trang cho công nhân và tổ chức đo thân nhiệt trước khi vào ca làm việc. Nhiều doanh nghiệp còn trang bị cẩm nang tuyên truyền, nước rửa tay tại các dây chuyền sản xuất nhằm bảo đảm công tác vệ sinh phòng dịch. Công đoàn cũng đã làm đầu mối giới thiệu đơn vị sản xuất khẩu trang để các doanh nghiệp mua, trang bị cho công nhân với giá bình ổn. (Nhân dân, trang TPHCM).

Cùng chủ đề Báo Nông thôn Ngày nay, trang 2: “Người lao động lo nghỉ việc tạm thời do Covid-19 ”.

 

Tỉnh Vĩnh Phúc huy động tổng lực ngăn chặn dịch Covid-19

Khoanh vùng, cách ly, áp dụng các biện pháp y tế cần thiết đối với toàn bộ xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên), lập các tổ kiểm soát, thành lập bệnh viện bệnh lý hô hấp cấp tính và khu cách ly tập trung… là những biện pháp cấp bách, quyết liệt mà tỉnh Vĩnh Phúc đang triển khai nhằm ngăn chặn và khống chế sự lây lan của dịch Covid-19 trên địa bàn.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, cả hệ thống chính trị của tỉnh Vĩnh Phúc đang quyết liệt tập trung ứng phó dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona (Covid-19). Tỉnh đã ban hành văn bản dừng nhiều cuộc họp để tập trung ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Kể từ ngày 13-2, Vĩnh Phúc triển khai khoanh vùng, cách ly khu vực có dịch (tại xã Sơn Lôi). Thời gian khoanh vùng, cách ly là 20 ngày. Các lực lượng chức năng lập tám chốt trên tất cả các con đường vào và ra xã Sơn Lôi. Các chốt này được bố trí các lực lượng (công an, quân đội, y tế, cán bộ chính quyền địa phương) kiểm soát việc đi lại của người dân; đóng cửa toàn bộ cửa hàng, cung cấp dịch vụ... Đồng thời, tiến hành phun khử trùng, tiêu độc trên diện rộng; huy động hết mức các lực lượng, nhất là cán bộ y tế để kiểm soát tình hình sức khỏe của người dân. Để kịp thời hỗ trợ nhân dân trong thời gian khoanh vùng, cách ly, tỉnh cũng đã quyết định hỗ trợ người dân khu vực có dịch (xã Sơn Lôi) khi thực hiện cách ly với mức 40 nghìn đồng/người/ngày với trường hợp tại nhà; 60 nghìn đồng/người/ngày đối tượng cách ly ở trung tâm y tế. Và trong thời gian này, người dân sẽ được cung ứng hàng hóa, thực phẩm thông qua một đơn vị cung ứng để bảo đảm ổn định giá cả.

Hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc đang giám sát, cách ly 71 trường hợp nghi ngờ tại các cơ sở y tế trong tỉnh và gần 400 người có liên quan tiếp xúc gần các trường hợp dương tính Covid-19 được theo dõi. Để hạn chế dịch bệnh lây lan ra, tỉnh thực hiện cách ly tập trung, không tiến hành cách ly tại cộng đồng. Thành lập Bệnh viện bệnh lý hô hấp cấp tính đặt tại Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh (cũ) với quy mô 300 giường để khám sàng lọc các trường hợp có thể nhiễm bệnh; trưng dụng Trường Quân sự tỉnh, Trung đoàn 834 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) là khu giám sát tập trung các đối tượng tiếp xúc gần với người bệnh; sử dụng Phòng khám đa khoa Quang Hà (huyện Bình Xuyên) là cơ sở khám, chữa bệnh của Bệnh viện đa khoa tỉnh để điều trị các trường hợp dương tính với Covid-19.

Là địa bàn có số lượng người dương tính Covid-19 nhiều (11 trường hợp), trong khi đó lại có số lượng khu công nghiệp, công nhân lao động đông và người nước ngoài… cho nên tiềm ẩn nguy cơ cao lây lan bệnh, Vĩnh Phúc đã nâng mức đáp ứng cao nhất có thể của toàn hệ thống chính trị phòng, chống dịch bệnh. Tỉnh đã kích hoạt toàn bộ hệ thống giám sát, điều tra dịch tễ; thành lập ba tổ công tác để chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh này trong các khu công nghiệp. Tổ chức thực hiện đo thân nhiệt hai lần/ngày cho 100% người lao động; bố trí vị trí rửa tay và nước diệt khuẩn, xà-phòng cho nhân viên, người lao động khi ra, vào nhà máy; hạn chế thấp nhất các hoạt động đông người; tăng cường vệ sinh môi trường làm việc; có hồ sơ, danh sách để sàng lọc ngay từ ban đầu, đối với những người có biến đổi về nhiệt độ cơ thể phải được kiểm tra riêng và tiến hành cách ly khi cần thiết. Tất cả những người có nguy cơ mắc bệnh và những người đến từ vùng có dịch được kiểm soát và cách ly tại gia đình…

Tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã huy động toàn bộ cán bộ y tế trên địa bàn; đồng thời trưng tập thêm lực lượng y tế của quân đội, công an và các bệnh viện: Phổi T.Ư, Hữu nghị Lạc Việt, Giao thông vận tải, Quân y 109 để bổ sung vào các đội cơ động triển khai phòng, chống dịch ở tuyến cơ sở. Ngày 13-2, 96 cán bộ y tế đợt đầu tiên do Sở Y tế tỉnh điều động đã tăng cường xuống xã Sơn Lôi thực hiện công tác hỗ trợ phương án kiểm soát, phong tỏa, cách ly, phòng, chống Covid-19. Tỉnh cũng thành lập các đội phòng, chống dịch bệnh ở từng thôn, tổ dân phố với nhiệm vụ đi từng nhà trong địa bàn tuyên truyền, giám sát và đo thân nhiệt; yêu cầu các trường hợp có bất thường về sức khỏe đến khám tại cơ sở y tế và tự cách ly. Để góp phần ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, Vĩnh Phúc tiếp tục cho học sinh các cấp trong toàn tỉnh nghỉ học thêm một tuần (từ ngày 17 đến hết ngày 22-2); yêu cầu ban quản lý các khu công nghiệp làm việc với các doanh nghiệp trên địa bàn để đề xuất việc hỗ trợ may một đến hai triệu chiếc khẩu trang phục vụ phòng, chống dịch; vận động công nhân đang trú tại vùng dịch tạm nghỉ việc.

Nhằm hỗ trợ Vĩnh Phúc ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 đã thành lập hai tổ công tác đặc biệt hỗ trợ về kiểm soát phòng, chống dịch và điều trị “cắm chốt” thường xuyên tại Vĩnh Phúc. Các tổ này sẽ phối hợp, hỗ trợ y tế địa phương triển khai công tác phòng, chống dịch. Theo các chuyên gia, vấn đề quan trọng nhất tại Vĩnh Phúc thời điểm này là khoanh vùng, cách ly người tiếp xúc ca bệnh để cắt đứt nguồn lây bệnh. Ngày 13-2, PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó Trưởng Tiểu ban điều trị (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19) cùng các chuyên gia truyền nhiễm của Bộ Y tế và các bệnh viện: Bệnh nhiệt đới T.Ư, Bạch Mai; Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Vệ sinh môi trường đã về phối hợp ngành y tế Vĩnh Phúc triển khai các biện pháp cần thiết. Đội ngũ nhân viên y tế trên địa bàn cũng được tập huấn từ phòng hộ cá nhân, phun, khử khuẩn môi trường, đến hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phân tuyến điều trị… Hiện tại các ca bệnh tại Vĩnh Phúc sẽ được khám, cách ly tại Trung tâm y tế tuyến huyện, các bác sĩ, chuyên gia từ tuyến trung ương và đội cơ động chống dịch sẽ về hỗ trợ chuyên môn, chỉ những ca nặng mới phải chuyển về tuyến trung ương với xe chuyên dụng. Do vậy các đơn vị tuyến huyện bảo đảm nguyên tắc quản lý phân tuyến chuyên môn trong tiếp nhận người bệnh, cách ly triệt để người bệnh ngay từ tuyến huyện. Mặt khác, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cho các cán bộ y tế trực tiếp tham gia khám, điều trị, chăm sóc người bệnh, không để xảy ra hiện tượng lây nhiễm sang cán bộ y tế.

Bộ Y tế cam kết tiếp tục đồng hành cùng chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc quyết tâm phòng, chống dịch bệnh triệt để, không để lây lan rộng ra cộng đồng. (Nhân dân, trang 4).

Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 6: “Kiểm soát chặt chẽ về y tế, bảo vệ sức khỏe người dân”; Tuổi trẻ, trang 2: “Tập chung dập dịch tại Vình Phúc”; Khoa học & Đời sống, trang 1: “Quyết dập “ổ dịch” ở Vĩnh Phúc”; Tiền phong, trang 1: “Phòng chống dịch covid-19: Cách ly hơn 10.000 người ở vùng dịch”; Công an Nhân dân, trang 1: “Vĩnh Phúc khoanh vùng cách ly xã Sơn Lôi, lập chốt kiểm soát tất cả người ra vào tâm dịch ”; Phụ nữ Việt Nam, trang 1: “Chung tay phòng, chống dịch covid-19 ở “điểm nóng” Vĩnh Phúc”.

 

Dịch COVID-19: Vì sao số ca nhiễm và chết ở Trung Quốc tăng vọt?

Số liệu công bố cho thấy chỉ trong 1 ngày, số nạn nhân tử vong vì dịch Covid-19 tăng thêm 258, số người nhiễm tại Trung Quốc tăng thêm 15.582 so với ngày hôm trước.

Cụ thể, tính đến ngày 13.2, số nạn nhân tử vong vì dịch Covid-19 bất ngờ tăng vọt lên 1.370 người, trong đó có 1.367 người ở Trung Quốc đại lục, tăng 258 người so với ngày trước đó.

Chỉ tính riêng tại tâm dịch tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), số ca tử vong mới được ghi nhận là 242 người. Cũng theo số liệu trên trang của Bộ Y tế Việt Nam, Trung Quốc đại lục đã có 59.804 ca nhiễm, riêng Hồ Bắc có 14.840 ca. Hiện toàn thế giới đã có 60.387 ca nhiễm, tăng 15.594 ca so với ngày hôm trước. Đây là ngày có mức tăng cao nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát hồi tháng 12.2019.

Thay đổi cách xác nhận ca nhiễm

Lý giải về con số tăng vọt bất thường, giới chức tỉnh Hồ Bắc cho biết họ vừa mở rộng định nghĩa cho trường hợp nhiễm vi rút Corona chủng mới và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng xác nhận điều này, theo AFP.

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, tỉnh Hồ Bắc chỉ xác nhận ca nhiễm bằng xét nghiệm RNA, vốn mất nhiều ngày để xử lý. RNA hay ARN là a xít ribonucleic chứa đựng thông tin di truyền giúp xác định các sinh vật như vi rút. Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc hôm qua thông báo đã bắt đầu kết hợp xét nghiệm RNA và sử dụng chụp cắt lớp vi tính (CT) phổi để xác nhận ca nhiễm nhanh hơn.

Dù vậy, con số thống kê vẫn có thể không chính xác do những trường hợp có triệu chứng nhẹ và tình huống khác không được tính, Phó cục trưởng Cục Y khoa thuộc Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc Tiêu Nhã Huy thừa nhận. Bên cạnh đó, số ca nhiễm có thể không phản ánh quy mô thực sự của dịch Covid-19 do có nhiều bệnh nhân không được chẩn đoán vì bệnh viện quá tải và thiếu dụng cụ xét nghiệm, theo tờ South China Morning Post.

Trước diễn biến này, Giám đốc Chương trình tình trạng y tế khẩn cấp của WHO Michael Ryan hôm qua cho biết: “Tôi nghĩ rằng còn quá sớm để dự đoán sự khởi đầu, đỉnh điểm hoặc kết thúc dịch Covid-19”. Tuyên bố được đưa ra sau khi các chuyên gia hàng đầu Trung Quốc lẫn quốc tế dự báo đỉnh dịch trong nửa cuối tháng 2, có thể kết thúc vào tháng 4 và hiện vẫn chưa rõ nguồn gốc của vi rút Corona chủng mới.

Đến nay, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus vẫn giữ nguyên quan điểm ca ngợi cách xử lý dịch bệnh của chính phủ Trung Quốc dù nhóm chuyên gia của tổ chức này vẫn chưa được đến Trung Quốc để điều tra và hỗ trợ. Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Trương Quân khẳng định Bắc Kinh xử lý dịch bệnh Covid-19 “một cách minh bạch” và “có trách nhiệm cao”.

Trong khi đó, dư luận Trung Quốc chỉ trích giới chức ở Hồ Bắc phản ứng trì trệ, che giấu thông tin ban đầu và mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Hôm qua 13.2, Bí thư tỉnh ủy Hồ Bắc Tưởng Siêu Lương và Bí thư thành ủy Vũ Hán Mã Quốc Cường đã bị cách chức chỉ vài giờ sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố "kết quả tích cực" trong công tác dập dịch. Tân Hoa xã không nêu lý do miễn nhiệm 2 người này và trước đó 2 quan chức y tế hàng đầu của Hồ Bắc cũng đã bị cách chức.

Khủng hoảng lan rộng

Bên ngoài Trung Quốc đại lục, tính đến ngày 13.2, số ca nhiễm trên thế giới tăng lên 569 người. Trong đó, Nhật Bản đứng đầu danh sách với 251 trường hợp nhiễm. Số ca nhiễm theo nhóm cao nhất ngoài Trung Quốc đại lục là trên tàu du lịch Diamond Princess đang bị cách ly ở cảng Yokohama, Nhật Bản.

Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Katsunobu Kato hôm qua xác nhận có thêm 44 người nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm trên tàu Diamond Princess lên 218 người. Ông Kato đồng thời xác nhận có ca tử vong đầu tiên tại Nhật Bản là cụ bà 80 tuổi ngụ ở tỉnh Kanagawa, phía nam thủ đô Tokyo.

Như vậy, đến hôm qua đã có 3 người tử vong bên ngoài Trung Quốc đại lục, gồm ở Hồng Kông, Philippines và Nhật Bản. Đài NHK ngày 13.2 cũng đưa tin một tài xế taxi ở thủ đô Tokyo được xét nghiệm dương tính với vi rút Corona chủng mới.

Trong một diễn biến liên quan, tàu du lịch MS Westerdam đã được Campuchia tiếp nhận sau khi bị từ chối cập cảng ở Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan, đảo Guam và Philippines vì mối lo ngại Covid-19.

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, nhiều hãng hàng không đình chỉ chuyến bay đến Trung Quốc, trong khi các quốc gia đã áp dụng lệnh cấm hoặc cách ly đối với những người từ Trung Quốc đến. Covid-19 làm gián đoạn hoạt động kinh doanh sản xuất và khiến nhiều hội nghị cùng sự kiện thể thao quốc tế bị hủy. (Thanh niên, trang 1).

Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ, trang 1: “Vì sao Hồ Bắc đổi cách tính số ca nhiễm?”; Hà Nội mới, trang 7: “Tại sao số ca nhiễm Covid-19 tại Hồ Bắc (Trung Quốc) tăng vọt”; ?”; Hà Nội mới, trang 7: “Việt Nam chỉ khẳng định ca nhiễm Covid-19 khi có kết quả xét nghiệm dương tính”.

 

Giáo viên, phụ huynh muốn tiếp tục cho học sinh nghỉ học

Sau hai tuần nghỉ phòng dịch Covid-19, đã có một số tỉnh, thành phố cho học sinh đi học trở lại vào 17/2. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh và cả giáo viên mong muốn cho trẻ tiếp tục nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Sẵn sàng đón học sinh đi học trở lại vào ngày 17/2

Sau hai tuần nghỉ phòng dịch Covid-19, Khánh Hòa, tỉnh Đồng Nai và TPHCM là ba tỉnh, thành phố đầu tiên đã có thông báo về việc chuẩn bị cho học sinh đi học trở lại vào ngày 17/2. Song song với đó, UBND các tỉnh, thành phố trên đã có công văn yêu cầu các sở, ngành liên quan có các công tác chuẩn bị cho học sinh đi học lại.

Cụ thể, Thường trực UBND TPHCM chỉ đạo Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Y tế rà soát lại việc tiêu độc, khử trùng ở các trường học, cơ sở giáo dục, đào tạo sẵn sàng phương án đưa học sinh, sinh viên của thành phố đi học trở lại.

Báo cáo số liệu đầy đủ, cụ thể về tổng số trường lớp, số học sinh ở các bậc học, số giáo viên, nhân viên của các trường (thực hiện trước 14/2).

Đề nghị Sở Lao động- Thương binh và Xã hội rà soát việc tiêu độc khử trùng ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, sẵn sàng phương án đón học sinh, sinh viên của thành phố đi học lại. Báo cáo cụ thể số liệu về tổng số trường lớp, số học sinh-sinh viên giáo viên và nhân viên các trường.

Tỉnh Khánh Hòa, ngày 12/2, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã có văn bản chấp thuận với đề xuất của Sở GD&ĐT về việc cho học sinh của tỉnh học trở lại từ thứ hai tuần sau (17/2).

UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Sở GD&ĐT xây dựng và triển khai kế hoạch dạy bù nhằm đảm bảo nội dung chương trình năm học 2019 - 2020.

Cùng với đó, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nCoV theo khuyến cáo của ngành y tế.

Đồng thời chủ động tập huấn, giáo dục, trang bị cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh các kiến thức, kỹ năng cơ bản về phòng, chống dịch bệnh.  Thường xuyên nhắc nhở học sinh đeo khẩu trang trước khi đến trường, rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng sát khuẩn…

Nên cho học sinh tiếp tục nghỉ học

Trong tình hình dịch bệnh tiếp tục có những diễn biến chưa dừng lại, thông tin học sinh ở một số tỉnh, thành phố sẽ đi học trở lại vào ngày 17/2 ngay lập tức đã trở thành chủ đề được nhiều người quan tâm, tranh luận sôi nổi.

Trao đổi với PV KH&ĐS, anh Nguyễn Minh Hưng, phụ huynh học sinh lớp 6, Trường Tiểu học Nam Trung Yên, Hà Nội nói: “Việc học là lâu dài, và có thể học bù. Trong khi đó, giả sử nếu các con bị nhiễm bệnh, môi trường lớp học, nhà trường, các trẻ chơi, tiếp xúc với nhau, việc lây lan không thể kiểm soát được. Tôi cho rằng, nên tiếp tục cho trẻ nghỉ".

Nhiều phụ huynh cũng chung suy nghĩ với anh Hưng, mong muốn Bộ GD&ĐT sẽ có quyết định cho học sinh tiếp tục nghỉ học.

PV KH&ĐS đã có một khảo sát nhỏ đối với 30 giáo viên ở 30 trường ở cả ba cấp học trên cả nước, thì có 29 giáo viên đồng ý phương án cho học sinh tiếp tục nghỉ.

Cô giáo Lê Hà, Trường THCS Chu Văn An, Hà Nội cho biết, trường cô cũng triển khai nhiều biện pháp để ứng phó với dịch Covid-19 từ trước khi có quyết định cho học sinh toàn thành phố nghỉ học.

Tuy nhiên, theo cá nhân cô thì vẫn nên tiếp tục cho học sinh nghỉ cho đến khi an toàn hẳn. Bởi từ thực tế cô Hà thấy, ở lứa tuổi học trò, nhất là với những lớp cấp dưới, dù được dặn dò nhắc nhở, dù người lớn có đưa ra nhiều biện pháp nhưng các em vẫn khó tránh khỏi những lúc mải chơi, lơ là. 

Vì thế, giải pháp tốt nhất lúc này vẫn là cho học sinh tạm nghỉ cho qua giai đoạn đỉnh dịch.

Cô giáo Đỗ Thục, Trường THCS Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc chia sẻ, Trường của cô cách tâm dịch không xa. Cô ủng hộ phương án cho học sinh tiếp tục nghỉ học, dù đây là giai đoạn ôn thi nước rút của các đội tuyển học sinh giỏi cũng như học sinh cuối cấp. Nếu để dịch lan rộng thì quá nguy hiểm, nên tạm thời cứ để cho học sinh nghỉ. (Khoa học & Đời sống, trang 1).

Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 1: “Học sinh quay lại trường: Phụ huynh bất an".

 

'Sơn Lôi chúng tôi không làm nên bệnh'

Nhiều người dân xã Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) cho biết họ mong sớm hết dịch để được đi làm, không bị xa lánh.

12 chốt kiểm soát

Sáng 13/2, tỉnh Vĩnh Phúc lập 12 chốt tại các đường, lối vào xã Sơn Lôi để kiểm soát chặt chẽ người ra vào xã theo đúng chỉ đạo từ UBND tỉnh. Tại các chốt có lực lượng công an, quân đội, y tế kiểm soát. Người dân trong xã Sơn Lôi bị hạn chế ra ngoài, trừ trường hợp khẩn cấp. Những người bên ngoài cũng không được vào xã Sơn Lôi. Thời gian khoanh vùng, cách ly là 20 ngày. Xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) hiện là nơi có nhiều bệnh nhân dương tính với Covid-19 (nCoV) nhất cả nước.

Để tránh nguy cơ lây lan, tỉnh Vĩnh Phúc đã tạm dừng tất cả các hoạt động chưa cấp thiết để tập trung toàn lực cho công tác phòng, chống dịch; dừng toàn bộ các hoạt động tập trung đông người, các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí, du lịch trên địa bàn và cho học sinh nghỉ học đến 22/2; truyền thông phòng chống dịch qua loa truyền thanh, băng rôn, áp-phích, cấp phát tờ rơi, tuyên truyền trên xe lưu động, cung cấp thông tin bằng tin nhắn, zalo trên điện thoại.

Trao đổi với phóng viên sáng 13/2, ông Nguyễn Văn Đàm (83 tuổi ở xóm An Lão, xã Sơn Lôi) cho biết: Từ hôm biết có dịch Covid-19 ở xã, đời sống có đảo lộn, nhưng không nhiều. Sáng 13/2, ông Đàm vẫn đi mua rau như bình thường. Nói về thông tin bị khoanh vùng, cách ly cả xã, ông Đàm cho biết: “Tôi thấy mọi thứ vẫn ổn. Chỉ lo cho con trai út vì làm nghề chăn nuôi, sợ không có thức ăn cho lợn, gà”.

Ông Đàm cho biết, nơi này chưa bao giờ xảy ra dịch bệnh như thế này. “Suốt từ Tết tới giờ, chúng tôi được tuyên truyền phòng chống lây lan dịch bệnh liên tục. Nhân dân Sơn Lôi, Bình Xuyên vẫn đứng thẳng mà đi. Nếu có dịch bệnh, nhân dân cùng nhau tích cực cùng nhà nước phòng chống. Sơn Lôi chúng tôi không làm nên bệnh”, ông Đàm nói.

Cuộc sống bình thường

Bà Phan Thị Hà (52 tuổi) vốn là công nhân nhà máy Honda Phúc Yên. Nhưng vì dịch bệnh nên những ngày qua, bà được lãnh đạo nhà máy cho nghỉ. Bà Hà bảo, người dân Sơn Lôi vẫn khỏe mạnh, chỉ một số người về từ Trung Quốc là bị bệnh, lây cho người nhà và đã được cách ly, điều trị. Tuy nhiên, “giờ đi ra chợ hay đi đâu, nếu nói là người Sơn Lôi sẽ bị nhiều người xa lánh”. “Nhà tôi có 2 vợ chồng và 2 con trai. Chồng và các con tôi làm nghề tự do, nhưng giờ đều phải ở nhà vì người ta bảo không gần người Sơn Lôi, chỗ đấy có dịch bệnh”, bà Hà nói.

Theo bà Hà, điều mong muốn nhất bây giờ là sớm dập được dịch để cuộc sống của gia đình bà và nhiều người khác trở lại bình thường, đi làm kiếm tiền, không bị xa lánh, kỳ thị. Riêng về chuyện xã phải khoanh vùng, cách ly khoảng 20 ngày, bà Hà cho biết, có đủ lương thực, thực phẩm, không sợ đói.

Trao đổi với phóng viên, một số người buôn bán ở xã Sơn Lôi cho biết, họ vẫn buôn bán, sinh hoạt như bình thường. Sáng 13/2, bà Nguyễn Thị Thái, bán cá ở đường liên xóm An Lão cho biết, bà vẫn bán được vài chục cân cá. “Chỉ khác là ai đi mua hàng giờ cũng đeo khẩu trang”, bà Thái nói. Theo bà Thái, những người nghi nhiễm hay nhiễm bệnh, tiếp xúc gần với người bệnh đều đã được cách ly, điều trị. “Giờ tôi chỉ mong dịch bệnh sớm được dập tắt để buôn bán một cách bình thường”.

Trao đổi với phóng viên, một số người buôn bán ở xã Sơn Lôi cho biết, họ vẫn buôn bán, sinh hoạt như bình thường. Sáng 13/2, bà Nguyễn Thị Thái, bán cá ở đường liên xóm An Lão cho biết, bà vẫn bán được vài chục cân cá. “Chỉ khác là ai đi mua hàng giờ cũng đeo khẩu trang”, bà Thái nói. Theo bà Thái, những người nghi nhiễm hay nhiễm bệnh, tiếp xúc gần với người bệnh đều đã được cách ly, điều trị. “Giờ tôi chỉ mong dịch bệnh sớm được dập tắt để buôn bán một cách bình thường”. (Tiền phong, trang 4).

Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân, trang 1: “Ghi nhận ngày đầu ở xã cách ly bởi dịch bệnh Covid-19”; Lao đông, trang 2: “Vĩnh Phúc lập chốt vùng dịch, cung ứng hàng bình ốn giá cho dân  xã Sơn Lôi ”.

 

Sản xuất khẩu trang bằng giấy vệ sinh: Có thể xử lý hình sự

Hàng trăm nghìn chiếc khẩu trang giả, có lõi làm từ giấy vệ sinh đã được tuồn ra thị trường. Đây là hành vi làm giả thiết bị y tế, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, có thể xử lý hình sự.

Chiều 13/2, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường, Công an thành phố Hà Nội kiểm tra bất ngờ cơ sở sản xuất khẩu trang thuộc Công ty TNHH Việt Hàn (tại địa chỉ Khôn Thôn, Minh Cường, Thường Tín, Hà Nội).

Khai thác tại chỗ, người đàn ông tên Nguyễn Văn Long (thợ kỹ thuật của Công ty TNHH Việt Hàn) cho biết, trước đó đã mua một cuộn giấy vệ sinh với trọng lượng 40kg từ Bắc Ninh đem về cơ sở ở xã Minh Cường. Số giấy này được đưa vào máy để sản xuất thành khẩu trang 4 lớp thay cho lớp vải kháng khuẩn.

Với số lượng 40kg giấy vệ sinh sẽ sản xuất ra khoảng 2-3 thùng, mỗi thùng 50 hộp, mỗi hộp 50 chiếc (tương đương 5.000-7.500 chiếc khẩu trang).

Theo người này, cơ sở đã sản xuất khẩu trang bằng giấy vệ sinh từ ngày mùng 2-3 Tết Nguyên đán Canh Tý và đã bán một số lượng ra thị trường. Hiện tại, còn một số lượng chưa kịp bán thì bị lực lượng chức năng phát hiện.

Ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng đội QLTT số 1 cho biết, sau khi lõi giấy vệ sinh được ghép vào quy trình sản xuất, chỉ qua một bước đơn giản sẽ cho ra khẩu trang kháng khuẩn 4 lớp, màng lọc giấy vệ sinh. Sau đó, chỉ cần dập quai, đóng gói là xuất ra thị trường.

Đủ căn cứ xử lý hình sự

Cùng ngày, Tổng cục QLTT công bố kết quả kiểm nghiệm lô khẩu trang 143.000 chiếc trị giá hơn 1 tỷ đồng bị thu giữ tại Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội. Bao bì những sản phẩm bị thu giữ này cùng mẫu mã với loại khẩu trang thu giữ trong xưởng sản xuất của Cty Việt Hàn.

Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, toàn bộ số khẩu trang y tế trên là hàng giả, không đạt yêu cầu về chất liệu theo TCVN 8389-1:2010. Là khẩu trang 4 lớp nhưng lớp vải sử dụng bên trong là giấy vệ sinh, loại vải không dệt, không hút nước, lớp mặt ngoài màu xanh, mặt trong màu trắng; lớp vi lọc thấu khí không thấm nước.

Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, kinh doanh khẩu trang là loại hình kinh doanh có điều kiện, đây là mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người đã được quy định tại Nghị định 36/2016/NĐ-CP. Đơn vị này có thể bị phạt từ 30 - 40 triệu đồng đối với hành vi này và buộc tiêu hủy các sản phẩm này.

Việc sản xuất khẩu trang lõi giấy vệ sinh cơ quan chức năng có thể bị xem xét dưới góc độ hành vi sản xuất hàng giả, kém chất lượng mức phạt tiền 50 - 60 triệu đồng. Quá trình điều tra, nếu cơ quan chức năng xác định đủ yếu tố để xử lý hình sự theo quy định điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015 về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả thì sẽ bị phạt tù từ 1 năm đến 15 năm.

Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại điều này, thì bị phạt 1 - 9 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm hoặc bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Mới đây, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT cũng cho biết, sau khi dịch viêm phổi do virus corona bùng phát ở Việt Nam, đã xuất hiện tình trạng dụng cụ y tế kém chất lượng, khẩu trang dùng một lần tái sử dụng, khẩu trang, nước xịt rất dễ bị làm giả bán trên mạng.

Trên bao bì sản phẩm của Việt - Hàn ghi nhãn hiệu Tuylips, cùng các dòng quảng cáo: “khẩu trang kháng khuẩn 3D” với thiết kế thông minh, cấu trúc lọc đa lớp, “loại bỏ 99% vi khuẩn bảo vệ cho sức khỏe”... nhưng thực chất đều có màng lọc được làm từ giấy ăn tan trong nước. (Tiền phong, trang 5).

Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân, trang 5: “Liên tiếp phát hiện các vụ khẩu trang y tế làm từ giấy vệ sinh”.

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang