Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 14/5/2020

  • |
T5g.org.vn - Phòng chống dịch COVID-19: Các biện pháp của Việt Nam rất nhanh và hiệu quả; Hai người muốn hiến phổi cứu phi công mắc Covid-19

 

Phòng chống dịch COVID-19: Các biện pháp của Việt Nam rất nhanh và hiệu quả

Đây là đánh giá của TS. Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, một số chuyên gia quốc tế về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Việt Nam.

Chiều 12/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona đã làm việc với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, một số chuyên gia quốc tế, lãnh đạo Bộ Y tế và đại diện một số bộ, ngành… về tình hình phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam.

Thông tin tại cuộc họp, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đến nay Việt Nam đã qua 26 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng. Hoạt động giám sát được triển khai đối với các nhóm nguy cơ như người có triệu chứng cảm, cúm, ho, sốt tại cơ sở y tế; những nơi có đông người lao động; khu vực có nguy cơ dịch tễ…

Hiện mỗi ngày Việt Nam xét nghiệm khoảng gần 2.000 mẫu, và đến nay đã có thực hiện xét nghiệm 275.000 mẫu, phát hiện 288 trường hợp nhiễm COVID-19, phần lớn ở trong cơ sở cách ly. Đánh giá dịch tễ học về nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng hiện rất thấp.

"Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện giải pháp ngăn chặn triệt để nguồn lây nhiễm bên ngoài. Tất cả các trường hợp nhập cảnh đều phải cách ly tập trung 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm 2 lần. Hệ thống giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh trong cộng đồng được duy trì để khoanh vùng, dập dịch ngay lập tức. Năng lực ứng phó với đại dịch tiếp tục được tăng cường, đặc biệt là đội ngũ y tế trong chăm sóc, điều trị người nhiễm COVID-19 ở tất cả các tuyến.

Việt Nam đã chủ động sản xuất nhiều trang thiết bị, dụng cụ, vật tư y tế, máy thở, thuốc điều trị… trong nước. Ban Chỉ đạo quốc gia tập trung điều phối hoạt động của các bộ, ngành, địa phương, lực lượng phòng, chống dịch"- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh

Chúc mừng các kết quả mà Việt Nam đã đạt được trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, TS. Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam bày tỏ ấn tượng trước các biện pháp rất nhanh, hiệu quả đã được triển khai thời gian qua. “Các bạn nắm bắt thông tin rất nhanh, chia sẻ minh bạch, kịp thời, áp dụng công nghệ thông tin nhanh nhạy, hiệu quả… Tôi muốn dành thời gian phân tích, tổng hợp các bài học, kinh nghiệm phòng, chống dịch của Việt Nam để chia sẻ với cộng đồng quốc tế”.

Chia sẻ cảm giác an toàn khi sống, làm việc tại Việt Nam thời gian qua, TS. Kidong Park và nhiều chuyên gia quốc tế cảm ơn và đánh giá cao sự chủ động phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin đầy đủ của Việt Nam về mọi hoạt động phòng, chống dịch bệnh COVID-19, kể cả số liệu về số ca nhiễm bệnh, số ca điều trị khỏi, và chưa có ca nào tử vong.

Tuy nhiên, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam và một số chuyên gia quốc tế đều nhấn mạnh hiện thế giới vẫn chưa có thuốc đặc hiệu, hay vaccine điều trị COVID19… do vậy, dịch bệnh được dự báo sẽ kéo dài nhiều tháng, thậm chí tính bằng năm.

Việt Nam vẫn phải ở trong tâm thế hết sức cảnh giác, theo dõi chặt chẽ khi các quốc gia đang phải ứng phó vô cùng vất vả, vẫn hiện hữu nguy cơ có những ca bệnh tại cộng đồng.

Thời gian tới, các chuyên gia quốc tế khuyến nghị cần tăng cường hơn các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh dài hạn như: Mô hình hoá sự lây lan dịch bệnh; đánh giá hệ thống y tế để tìm ra điểm yếu, hạn chế từ đó đầu tư kịp thời, đảm bảo luôn chủ động phòng, chống dịch; ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập bên ngoài; tăng cường giám sát các nhóm nguy cơ… Bên cạnh đó, cần thường xuyên rà soát lại các biện pháp hạn chế, đánh giá, cập nhật thông tin mới… làm cơ sở đưa ra khuyến nghị phù hợp về đi lại, giao thương.

Tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cám ơn sự hợp tác, hỗ trợ tích cực của WHO, các tổ chức và chuyên gia quốc tế ngay từ những ngày đầu phòng, chống COVID-19 của Việt Nam và mong muốn hai bên tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ trong thời gian tới.

Việt Nam sẵn sàng chia sẻ thông tin, đóng góp các sáng kiến, bài học kinh nghiệm trong phòng, chống dịch bệnh đối với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước nghèo, đang phát triển.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh trước tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới đang diễn biến rất phức tạp, Việt Nam phải "bao đê cho chặt", nghĩa là phải tiếp tục chính sách quản lý chặt chẽ người nhập cảnh để bảo đảm an toàn, mới có thể nới lỏng được ở bên trong để thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội.

Các lực lượng phòng, chống dịch như y tế, quân đội, công an… không được nghỉ ngơi, luôn trong trạng thái sẵn sàng. Đơn cử, ngành y tế tiếp tục triển khai nghiên cứu về thuốc, vaccine, phác đồ điều trị, lập hồ sơ sức khoẻ điện tử từng người dân… Lực lượng quân đội, công an tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh, thực hiện nghiêm việc cách ly tập trung.

Tại cuộc làm việc, Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia cũng đặc biệt lưu ý trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trong thực hiện nghiêm việc cách ly đối với những chuyên gia, lao động kỹ thuật cao tại các cơ sở lưu trú ở địa phương.

Các bộ ngành, địa phương phải thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về xây dựng, ban hành các bộ tiêu chí an toàn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống sinh hoạt hàng ngày… trên tinh thần dịch vẫn còn kéo dài. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3; Gia đình & Xã hội, trang 3; Nhân dân, trang 8).


Hai người muốn hiến phổi cứu phi công mắc Covid-19

Chiều ngày 12/5, tại điểm cầu Bệnh viện Chợ Rẫy, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Tiểu ban Điều trị cùng Hội đồng chuyên môn đã hội chẩn liên viện về trường hợp bệnh nhân này. Cùng dự tại điểm cầu này có PGS.TS Nguyễn Ngọc Thảo- Phó Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy và ê kíp bác sĩ hỗ trợ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, nơi đang điều trị bệnh nhân 91.

Trước đó, nhiều chuyên gia đầu ngành của nhiều bệnh viện lớn đã hội chẩn liên viện để cân nhắc phương án ghép phổi cho nam bệnh nhân này. Tuy nhiên, bệnh nhân hiện chưa đủ điều kiện ghép phổi.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối Quốc gia về hiến ghép mô và bộ phận cơ thể người cho biết, một số người cũng liên hệ với Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người bày tỏ mong muốn được hiến tặng một phần lá phổi cho bệnh nhân. Một phụ nữ ngoài 40 tuổi đang khỏe mạnh, có một gia đình hạnh phúc đã đề đạt nguyện vọng hiến 1 phần phổi của mình để cứu bệnh nhân số 91 với tâm niệm “để tình thương lan tỏa tình thương”. (Tiền phong, trang 6; Tuổi trẻ, trang 14).


 Bệnh viện tuyến tỉnh cứu sống bệnh nhân bằng kỹ thuật ECMO hiện đại

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã kịp thời ứng dụng kỹ thuật tim phổi nhân tạo (ECMO) cứu sống thành công một trường hợp với khởi bệnh ban đầu chỉ cảm sốt thông thường song diễn biến cấp tính, phức tạp dẫn đến viêm phổi nặng biến chứng, suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”.

Đây là trường hợp của bệnh nhân Từ Quang T. (49 tuổi) ở phường Cao Xanh, TP. Hạ Long. Theo lời kể của gia đình, bệnh nhân đi mưa về có dấu hiệu sốt nhẹ nên đã tự mua thuốc uống tại nhà, tuy nhiên 2 ngày sau đó bệnh nhân sốt liên tục, uống thuốc hạ sốt không dứt cơn, ho và đau tức ngực nên được gia đình đưa vào viện.

Bệnh nhân đã được xét nghiệm sàng lọc COVID-19 với kết quả âm tính, tuy nhiên diễn biến tình trạng bệnh ngày càng xấu đi, sốt cao 40 độ C, suy giảm nặng chức năng trao đổi khí ở phổi. Qua kết quả xét nghiệm, chụp cắt lớp vi tính phổi kiểm tra, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm phổi nặng, biến chứng ARDS, suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng, hình ảnh chụp cắt lớp vi tính ngực tổn thương mờ lan tỏa toàn bộ trường phổi hai bên.

Đánh giá đây là trường hợp bệnh lý cấp tính diễn biến phức tạp, tiên lượng nặng, đe dọa sự sống, sau khi xin ý kiến hội chẩn từ lãnh đạo phụ trách chuyên môn, kíp bác sĩ khoa Hồi sức tích cực quyết định áp dụng ngay kỹ thuật ECMO – VV (kỹ thuật oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể phương thức hỗ trợ hô hấp) để kịp thời cứu người bệnh. Bệnh nhân được nhân viên y tế theo dõi, kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ, đồng thời phối hợp các biện pháp hồi sức tích cực khác: thở máy, lọc máu liên tục, thuốc vận mạch, trợ tim, sử dụng kháng sinh phối hợp.

Sau 12 ngày điều trị và chăm sóc tích cực, bệnh nhân có nhiều chuyển biến khả quan, chức năng phổi hồi phục tốt, đảm bảo thông khí và oxy hóa máu nên đã dừng chạy ECMO-VV, ngừng lọc máu liên tục, ngừng thở máy và rút ống nội khí quản. Đến nay, bệnh nhân tự thở tốt, không còn đau tức ngực, không khó thở, hết sốt, ăn uống sinh hoạt, đi lại bình thường… (Gia đình & Xã hội, trang 7.).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang